Cao Bằng là mảnh đất cội nguồn cách mạng với những địa danh lịch sử, di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao… Đến với Cao Bằng, ngoài thưởng lãm các danh thắng, du khách còn được thưởng thức những đặc sản của đồng bào dân tộc nơi đây. Hãy cùng RuudNguyen.com giúp bạn tìm hiểu các món ăn đặc sản vùng đất này nhé.
Các món ăn ngon ở Cao Bằng
Bánh coóng phù (Bánh trôi)
Bánh trôi hay còn gọi là coóng phù là một món quà vặt mỗi khi đông về ở Cao Bằng. Những viên bánh nặn tròn xoe hay thuôn dài nhân lạc và vừng giã nhỏ, chan nước đường nấu gừng thơm nồng luôn thu hút các thực khách.
Những người sành ăn và người bán bánh trôi lâu năm đều cho rằng, bánh trôi ngon là phải chọn được gạo nếp ngon, dẻo và thơm, khi nặn viên bánh không cứng, lúc chín không bị nát. Nước đường gừng phải thơm ngon đạt đến độ vị ngọt của đường quyện trong vị gừng cay. Để đạt được như vậy đường phải là đường phên của Cao Bằng bào nhỏ, khi nấu nước đường phải giữ sôi liu riu trên bếp đến khi đường cô lại vừa phải, nước đường sánh vàng, hương vị đậm đà, ngọt vừa phải khi chan bánh mới hòa quyện vào nhau.
Bánh cuốn
Nếu như bánh cuốn tại nhiều tỉnh, thành chỉ là lớp bột được xay từ gạo, quết vào bên trong là nhân thịt, chấm với nước mắm, có tỏi, ớt bên trong thì bánh cuốn Cao Bằng hoàn toàn khác. Bánh cuốn ăn kèm với một chén nước súp được ninh nhừ từ thịt xương, không hề có váng mỡ hay tép mỡ, mà chén nước dùng ngọt lịm, còn khói bốc lên.
Lý giải về món ăn “kì lạ” này, bạn tôi là người địa phương giải thích, có lẽ là cuộc sống dựa vào việc nương rẫy trên vùng cao nên người Cao Bằng (chủ yếu là người Tày) hay ăn món gì phải nóng để tốt cho dạ dày và hệ hô hấp. Do đó, bánh cuốn phải ăn kèm với canh súp nóng hổi.
Bánh áp chao
Bánh áp chao là một món ăn đặc sản của vùng đất Cao Bằng. Người dân nơi đây còn gọi loại bánh này là bánh áp chao hay còn gọi là bánh vịt chao. Chiếc bánh hấp dẫn bởi vị thơm giòn của vỏ bánh và đậm đà ngọt bùi của nhân thịt vịt bên trong kết hợp với nước mắm chua cay là những dư vị vô cùng đặc biệt của ẩm thực vùng Đông Bắc.
Nguyên liệu để làm nên bánh không quá cầu kì, gồm bột gạo nếp, bột gạo tẻ và nhân thịt. Thế nhưng, vị độc đáo ở đây chính là nhân bánh được làm bằng thịt vịt. Vỏ bánh cũng khá lạ, là hỗn hợp của gạo nếp, gạo tẻ và đỗ tương. Gạo mới dẻo thơm, cùng với đỗ tương đổ vào ngâm khoảng 8 tiếng cho gạo và đỗ mềm, vớt ra, để ráo nước rồi đem xay thành bột. Cùng với gạo tẻ mới gặt, đỗ tương phải là đỗ Quảng Uyên lòng vàng mới cho ra thứ bột hỗn hợp bột đặc sánh, đảm bảo độ mềm dẻo và thơm ngon. Hỗn hợp bột sau khi trộn ủ khoảng 3, 4 giờ để khi rán bánh phồng đều.
Để có nhân bánh ngon thì thịt vịt lọc bỏ xương, tẩm ướp gia vị gần giống vịt quay rồi cắt thành miếng nhỏ. Xắt bột ra thành từng miếng, đặt miếng thịt vịt vào giữa làm nhân rồi ép bánh lại, thả từ từ vào chảo dầu sôi, chao qua lại tới khi bánh chín vàng ruộm hai mặt thì vớt ra để ráo mỡ là có thể đem ra ăn nóng. Bánh áp chao ăn kèm với nước mắm chua ngọt, rau thơm và đu đủ bào sợi mỏng mới cảm nhận được hết vị ngon của nó.
Bánh trứng kiến (Pẻng Rày)
Đến Cao Bằng vào khoảng tháng 4, tháng 5, du khách được thưởng thức bánh trứng kiến – món bánh đặc sản của người dân nơi đây. Bánh trứng kiến được làm ra từ bột gạo nếp, trứng kiến, cùng lá non của cây vả.
Bánh trứng kiến theo tiếng Tày gọi là “pẻng rày”. Thời điểm cuối xuân, đầu hè là dịp thích hợp để người dân vào rừng tìm trứng kiến, nhưng không phải loại kiến nào cũng có thể lấy trứng để ăn được. Người ta chỉ lấy trứng của loại kiến đen có thân nhỏ, đuôi nhọn và thường làm tổ trên cây vầu, sau sau. Trứng kiến ở những tổ này thường có màu trắng sữa, to bằng hạt gạo.
Để lấy được trứng kiến cần có một số dụng cụ chuyên dùng, đồng thời phải thật khéo léo để tránh bị kiến tấn công cũng như trứng kiến không bị rơi rụng nhiều. Một tổ kiến to thường chỉ có khoảng một nửa bát con trứng.
Phở chua
Phở chua là đặc sản của vùng đất Cao Bằng, góp phần làm phong phú cho nét văn hóa ẩm thực của các tỉnh miền núi phía Bắc. Phở chua với nhiều gia vị, thành phần như thịt ba chỉ rán giòn màu vàng sậm đẹp mắt, khoai tầu (củ to, bở và ngọt chỉ có ở tỉnh Bắc Cạn và Cao Bằng) được cắt sợi chiên giòn, gan lợn cắt mỏng, dạ dày lợn được làm sạch sau đó luộc qua rồi mới đem rán, thịt vịt quay béo tròn, trong bụng tẩm ướp các loại gia vị và đặc biệt không thể thiếu hương vị của lá móc mật. Bánh phở Cao Bằng thơm, dai, khó lẫn với những địa phương khác vì được làm từ gạo Cao Bằng ngọt mà dẻo. Ngoài các nguyên liệu trên, phở chua còn ăn kèm với đậu phộng, rau thơm, húng, mùi, dưa chuột cắt mỏng.
Phở chua Cao Bằng (Ảnh sưu tầm)
Nếu có dịp khám phá thiên nhiên hùng vĩ còn nhiều nét hoang sơ của thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, khu di tích lịch sử Cách mạng Pác Bó, khi quay lại thành phố Cao Bằng, bạn nên ghé chợ Xanh (gần bến xe) để thưởng thức món đặc sản phở chua mà không một nơi nào có thể sánh được. Phở chua chủ yếu bán vào buổi sáng với giá 20.000 đồng một bát.
Vịt quay 7 vị
Không phải như món vịt thông thường, để có món vịt quay Cao Bằng, ngay từ khâu chọn vịt đã rất công phu. Vịt cỏ không dùng được, ngược lại vịt quá to, nhiều mỡ cũng bị loại. Vịt vừa phải, chắc thịt, sáng lông, nặng khoảng 1,8 kg, 2 kg được làm sạch, mổ moi cho khéo rồi nhúng qua nước sôi làm săn thịt.
Quan trọng nhất là khâu ướp vịt. Mắm, muối hòa lẫn trong nước 7 vị rót từ từ vào bụng vịt để gia vị ngấm sâu vào từng thớ thịt. Một chiếc lạt tre dẻo, chẻ mỏng và chuốt nhọn đầu dựng làm kim, khâu bụng vịt, giữ cho nước không chảy ra ngoài. Theo nhiều người 7 vị đó có lẽ là bí quyết riêng của người Tày sống ở miền đông tỉnh Cao Bằng.
Ẩn sâu trong từng miếng vịt quay là một mùi hương ngai ngái như mùi lá non,;vị hơi đắng nhưng càng ăn càng đậm thịt. Đó là do thứ nước sốt 7 vị được lấy từ trong bụng vịt rưới lên. Những người từng được nếm qua đều đoán già, đoán non rằng trong 7 thứ gia vị ấy,;có rất nhiều vị là rễ và lá cây được lấy ở trên rừng. Vì vậy, dù nhiều người muốn học tập cách làm vịt quay của người Cao Bằng,;nhưng đều không thể gợi nên được mùi vị đặc trưng ấy.
Lợn sữa quay
Ở Cao Bằng thường chọn loại lợn địa phương từ 4 đến 6 kg để quay. Sau khi sơ chế xong dùng giấy bản thấm khô mình con lợn, (nếu rửa bằng nước thịt sẽ nhão, không săn, mất hết vị thơm ngon). Sau đó nhồi lá mác mật cùng các gia vị khác vào bụng con lợn rồi khâu lại, dùng cây tre xuyên từ mõm tới đuôi rồi quay trên bếp than hồng, vừa quay vừa dùng mật ong và các gia vị khác phết lên mình con lợn để cho giòn bì và khỏi nứt.
Thịt quay ngon là thịt vừa chín tới, bì vàng rộm, giòn tan, mùi thơm quyến rũ. Nước dùng chấm thịt lợn quay được pha chế theo một công thức rất riêng biệt.
Bò gác bếp
Thịt bò dùng để sấy khô loại nào cũng ngon, không kén chọn. Nhưng ngon nhất vẫn là loại thịt mông, thịt bắp, vừa nạc vừa mềm. Thịt được xẻ ra thành từng miếng to nhỏ tùy ý. Nhưng thường to chừng hai ba ngón tay, dài chừng gang tay là vừa nhất.
Cao Bằng là nơi nuôi nhiều bò, nhất là các huyện Hà Quảng, Bảo Lạc, Bảo Lâm. Có dịp đến vùng đất cao xa vời vợi, thưởng thức đặc sản nơi này, bạn đừng bỏ qua món thịt bò gác bếp. Bò ở Cao Bằng để cày bừa, kéo xe. Bò để thịt cũng nhiều. Trong đó, sấy khô là cách chế biến để bảo quản, dự trữ thịt bò của người dân địa phương, vừa để được lâu lại vừa có hương vị thơm ngon độc đáo.
Thịt bò dùng để sấy khô loại nào cũng ngon, không kén chọn. Nhưng ngon nhất vẫn là loại thịt mông, thịt bắp, vừa nạc vừa mềm. Thịt được xẻ ra thành từng miếng to nhỏ tùy ý. Nhưng thường to chừng hai ba ngón tay, dài chừng gang tay là vừa nhất. Thịt được tẩm ướp bằng muối, nước cốt gừng và đặc biệt không thể thiếu rượu trắng. Trước khi ướp, khía vài đường trên miếng thịt cho gia vị ngấm đều. Ướp xong dùng lạt tre tươi xâu thịt thành từng xâu rồi treo trên gác bếp.
Xôi trám Cao Bằng
Với người dân Cao Bằng, xôi trám là một món ăn dân dã, truyền thống. Chị Phạm Thị Kim Oanh ở huyện Hòa An vẫn thường xuyên làm món xôi trám cho gia đình: “Tôi là người Cao Bằng. Thường thường, ngay bản thân gia đình nhà của tôi rất hay làm xôi trám đặc biệt là vào ngày giỗ và ngày rằm. Mặc dù làm xôi trám hơi cầu kỳ, mất công nhưng ăn lại rất là ngon”.
Quả trám đen chỉ to bằng ngón tay cái, thon nhọn ra hai đầu. Trám đen có hai loại là trám nếp và trám tẻ. Thông thường, người ta hay chọn trám nếp để đồ xôi vì có vị bùi, ngọt, thịt mềm chứ không cứng và giòn như trám tẻ. Phải chọn loại trám nếp chín cây có màu tím thẫm, quả còn tươi, đỉnh cuống còn dính nhựa, da quả căng, bóng, mịn không bị rộp. Ở Cao Bằng, trám đen ở thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An là ngon nhất do khí hậu thổ nhưỡng hợp với loại cây này.
Xôi trám dẻo, thơm, không dính tay, đơm ra đĩa có màu tím hồng khá đẹp. Món xôi trám ngon nhất khi ăn cùng muối vừng đen hoặc lạp xưởng Cao Bằng. Mùi thơm của hạt nếp dẻo hòa lẫn cùng vị bùi, béo ngậy, giàu chất dinh dưỡng của trám rừng, ăn nhiều không thấy ngán.
Quả mác mật
Quả mác mật (Ảnh sưu tầm)
Vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 hằng năm, có dịp lên đến Cao Bằng, du khách sẽ gặp và được thưởng thức một loại quả đặc trưng màu vàng nhạt, chín mọng với hương vị thơm, vừa ngọt vừa chua – đó là quả mác mật.
Mác mật là tên gọi theo tiếng Tày, Nùng, hiểu nôm na là quả ngọt. Cây chủ yếu mọc ở chân núi đá vôi, một số ít trên sườn núi đá và vườn đồi do người dân đem hạt và cây con về trồng; được phân bố ở hầu hết các huyện trong tỉnh, nhưng tập trung nhiều nhất là ở các huyện: Thạch An, Hạ Lang, Quảng Uyên, Hoà An, Thông Nông.
Mác mật là loại cây ăn quả, quả và hạt có đặc trưng thơm, vị hơi chua ngọt, lá và quả có tinh dầu thơm, cùi (thịt quả) có vị chua ngọt. Vào những ngày này, tại các chợ phiên, mác mật được bày bán khắp nơi. Những chùm mác mật lúc lỉu, tươi rói, quả to tròn như hòn bi, quả nhỏ như đầu ngón tay út. Quả nào quả nấy căng tròn, chín mọng, được xếp ngay ngắn trong sọt, có người bán cẩn thận lấy lạt buộc thành từng túm. Khi nếm quả mác mật, ta thấy có mùi hương thật đặc biệt, nước quả ứa ra từ lớp cùi trắng, đặc và trong như thạch, đầu lưỡi sẽ cảm nhận một vị ngòn ngọt, chua chua rất hấp dẫn.
Ngoài quả ra, lá của cây mắc mật cũng mang một hương vị tuyệt vời, được dùng để chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn. Khi lá vừa ngả màu xanh đậm có mùi thơm và vị the tựa như vỏ cam, vỏ quýt, mới hái đem về rửa sạch để cho ráo nước, sau nhồi vào bụng vịt, lợn để làm món vịt quay, lợn quay; dùng để cuốn bên ngoài miếng thịt lợn để làm món chả. Có thể thái nhỏ xào với măng tươi, thịt…
Cá chiên sông Gâm
Sông Gâm được mệnh danh là nơi sống của của “tứ quý hà thủy” và cá Chiên chính là một trong số loài thủy quái đó. Cao Bằng còn một đặc sản thuộc loại nổi tiếng, đó là con cá chiên sông Gâm. Với hình thù giống như một con “quái vật”, đầu cá nham nhở như một khúc gỗ mục, toàn thân trơn nhẵn không vảy, nhưng xù và có màu sắc loang lổ. Bản tính loài cá này dữ dằn và hung ác. Muốn săn được loài cá này phải có lòng dũng cảm, sự kiên trì và sức khỏe.
Cá chiên có con đến vài chục kg, là loại khó bắt vì chuyên sống trong hang ngầm dưới sông. Người đi câu thường đóng cả lán trại thường xuyên để đợi cá, đến khi câu được con nào là có người đến tận chỗ mua.
Cá Trầm Hương (Bản Giốc)
Đây là loài cá ngon trứ danh ở thác Bản Giốc (Cao Bằng). Theo người dân, trước đây ở phía dưới chân thác có rất nhiều cá trầm hương. Họ dễ dàng đánh bắt và bán nhiều ở chợ Trùng Khánh. Tuy nhiên ngày nay loài cá này ngày càng ít đi và trở thành một đặc sản.
Gọi là cá trầm hương bởi loài cá này thường ăn rễ, lá mục của cây trầm hương mọc ven sông Quây Sơn và Bắc Vọng. Chính vì vậy thịt chúng ngon hơn nhiều loại cá nào khác, khi ăn có thể cảm nhận được vị trầm.
Cá trầm hương được câu ngay tại thác Bản Giốc mới là loại ngon nhất, bởi chúng bơi dưới dòng thác nên thịt săn chắc. Món ngon nhất từ loài cá trầm hương là nướng, vì giữ nguyên được mùi vị của cá, khiến người sành ăn cũng phải trầm trồ. Cá bắt từ sông, làm sạch, mổ bụng rồi nhét thêm một vài loại rau, gia vị như hành, thì là, ớt… vào bên trong, bọc qua bằng lớp lá chuối rồi cho lên bếp than nướng.
Khi chín, cá tỏa mùi thơm nức. Gỡ miếng cá chấm cùng chút nước mắm nguyên chất, cảm nhận vị thơm ngây ngất, phảng phất vị trầm khiến bạn sẽ nhớ mãi.
Rau dạ hiến
Với nhiều tên gọi khác nhau như bò khai, khau hương hay dạ hiến, loài rau này lên xanh mơn mỏn, đã mắt mà không cần phải chăm sóc. Chúng không sống ở những vùng đất màu mỡ mà mọc trên núi đá, chia làm nhiều nhánh, bò, bám theo các thân cây gỗ vươn lên lấy ánh sáng mặt trời.
Đây là thứ rau dại, nhưng không phải ở vùng nào cũng có. Từ sau Tết đến tháng 7 âm lịch, rau mọc nhiều và ngon, là món quà bất cứ ai lên vùng đất Cao Bằng cũng muốn mua về cho người thân.
Chỉ cần lấy một nắm, rửa sạch là có thể chế biến thành nhiều món ngon như xào tỏi, tôm, mực, trứng hay thịt bò… Rau dạ hiến dùng cho các món lẩu, nấu canh cũng có sức hấp dẫn bởi vị thơm nồng, ngai ngái, ăn một lần thì nhớ mãi.
Nằm khâu
Nằm khâu Cao Bằng (Ảnh sưu tầm)
Nằm khâu một món đặc sản Cao Bằng là món ăn trong cỗ cưới của người Tày ở Cao Bằng. Món được nấu từ thịt ba chỉ và khoai, đem lại hương vị khó quên. Nằm khâu là món ăn chủ yếu có trong các cỗ cưới, rất gần gũi với người dân các huyện của tỉnh Cao Bằng.
Món ăn phải luôn để nóng mới ngon. Không ít người lần đầu được thường thức, nhìn thấy miếng ăn to đã sợ ngấy, nhưng khi ăn rồi chỉ muốn được ăn thêm.
Các món từ ong vò vẽ
Tổ ong vò vẽ (Ảnh sưu tầm)
Ong vò vẽ là một loại ong có nọc độc nổi tiếng là hung dữ và nguy hiểm, thế nhưng, ở Cao Bằng, loại ong này đang được chế biến thành nhiều món ăn đặc sắc mang đậm dấu ấn và bản sắc dân dã…
Nhộng ong sau khi được tách ra khỏi tổ thân tròn, béo mập rất mềm và trắng mọng. Để món ăn được ngon thì phải xào với măng chua, ăn vừa béo, giòn, ngọt, chua, theo mọi người nói có lẽ là món ăn làm từ côn trùng ngon nhất. Ngoài món ong xào măng còn có món ong nấu cháo. Vào mùa thu chính là mùa ăn ong tại Cao Bằng. Ong được bắt cả ổ, con lớn thì bán hay ngâm rượu, con nhỏ thì để chế biến món ăn.
Đặc sản Cao Bằng làm quà
Miến dong Phia Đén
Miến dong Phia Đén (Ảnh sưu tầm)
Nằm ở độ cao trên 1.000m, xóm Phia Đén có khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình năm là 20 độ C cùng nguồn thổ nhưỡng đất đồi rừng, thuận lợi cho cây dong riềng sinh trưởng và phát triển. Loại cây này là chính là nguyên liệu làm nên đặc sản miến dong Phia Đén Cao Bằng. Củ dong riềng được trồng tại Phia Đén từ khoảng tháng Giêng đến tháng hai Âm lịch. Vụ thu hoạch rơi vào khoảng tháng 10 – 11. Mỗi gốc dong riềng có thể cho thu về 6 – 7 kg củ.
Chất ngọt của dong đặc trưng, sự tỉ mỉ, cẩn thận trong khâu chế biến, làm bằng nước của suối nguồn mát lạng, cùng với đó là độ an toàn cao, không hề có chất bảo quản, chất làm trắng, đồng thời được phơi ở mội trường ko cát bụi ô nhiễm, miến dong Cao Bằng đã làm nên thương hiệu riêng được nhiều vùng miền trong cả nước biết đến.
Hạt dẻ Trùng Khánh
Hạt dẻ ngon nhất và được nhiều người tìm mua nhất có lẽ là hạt dẻ Trùng Khánh. Đây là một trong những món ăn được nhắc đến nhiều nhất khi nói về đặc sản Cao Bằng, nhất là trong những ngày trời lạnh thế này.
Hạt dẻ Trùng Khánh được trồng nhiều ở vùng đất sát biên giới. Bà con Tày, Nùng thường trồng hạt dẻ theo lối quảng canh nên sản lượng không lớn, hạt dẻ Trùng Khánh vì thế càng trở nên quý hơn.
Hạt dẻ Trùng Khánh khác biệt bởi lớp vỏ cứng, dày và có nhiều lông tơ. Khi mang luộc, hấp, rang lên hoặc cho vào lò nướng chín sẽ toả ra một hương thơm tự nhiên vô cùng cuốn hút. Thử tưởng tượng mà xem, trong một ngày đông lạnh giá thế này, nhất là khi bụng đang đói đói và cần một món ăn vặt cho bữa xế, lại ngửi thấy mùi hạt dẻ thơm lừng thì thèm thuồng biết bao.
Lạp xưởng hun khói
Lạp sườn và thịt hun khói là hai món ăn truyền thống lâu đời của người Cao Bằng được nhiều người ưu thích. Cách chế biến món lạp sườn trải qua nhiều công đoạn, trước tiên đem lòng lợn (lòng non) rửa sạch nhiều lần bằng nước muối loãng, cuối cùng là rửa bằng rượu. Sau khi làm vệ sinh sạch sẽ, lòng lợn được phơi khô rồi thổi hơi vào trở thành bong bóng, để làm vỏ bao bọc bên ngoài. Nhân lạp sườn được làm bằng thịt thăn, thịt vai hoặc thịt mông lợn.
Để lạp sườn ngon, khâu chọn thịt vô cùng quan trọng. Thịt lợn phải có màu đỏ thẫm, mỡ trắng trong, bóng, bì mỏng và một màu. Thịt được chọn từ lúc còn nóng (lợn vừa mổ). Tất cả được rửa bằng nước muối loãng, thái miếng nhỏ và tẩm ướp gia vị, cùng chút rượu để làm chất lên men, rồi nhồi vào lòng non để trở thành lạp sườn. Công đoạn tiếp theo là phơi khô khoảng ba nắng rồi treo lên nóc bếp, khói và hơi nóng của bếp lửa làm cho miếng thịt săn hơn và ngon hơn.
Hương vị lạp sườn Cao Bằng có những điểm khác biệt không nơi nào có được. Đó là lạp sườn tươi, có vị ngon đậm đà của thịt nạc vai ướp các loại gia vị, vị chua chua, thơm ngậy của thịt hun khói và lá, quả mác mật, thêm một chút vị thơm của củ gừng núi, dai dai của vỏ lòng non bào mỏng và đặc biệt là không dùng chất bảo quản.
Mận Bảo Lạc
Các vùng miền ở Cao Bằng đều trồng mận nhưng huyện Bảo Lạc là địa phương trồng được loại mận ngon nhất. Mận Bảo Lạc khi chín có màu đỏ (được người dân địa phương gọi là mận máu), vỏ nhẵn bóng, to bằng đầu ngón chân cái, khi ăn có vị ngọt dịu. Không chua là đặc điểm riêng biệt của loại mật này.
Lê Đông Khê
Lê Đông Khê là cây ăn quả dài ngày. Nếu nắm chắc kỹ thuật trồng và chăm bón, sau khi trồng khoảng 6 – 7 năm, cây lê bắt đầu bói quả. Tuổi khai thác của giống lê Đông Khê rất cao, kéo dài tới vài chục năm, thậm chí trồng ở vùng đất tốt có thể cho hoạch hàng trăm năm. Theo thống kê, tổng diện tích lê tại Cao Bằng hiện nay là 131,81ha, trong đó có 82,24ha cho thu hoạch với năng suất 3,18 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 260 tấn.
Tại Cao Bằng, cây lê được trồng chủ yếu ở các huyện Thạch An, Trà Lĩnh, Bảo Lạc, Nguyên Bình, Hà Quảng… Trong đó Lê Đông Khê được trồng ở Thạch An là nổi tiếng nhất. Nó là loại lê ngon nhất trong các loại lê ở Cao Bằng. Lê Đông Khê có vị ngọt, thơm và chát đặc trưng. Quả lê to, khi ăn cảm nhận vị ngọt thanh mềm nhưng lại giòn. Quả Lê chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, có lợi cho tiêu hóa và sức khỏe
Bánh khảo
Bánh khảo Cao Bằng được làm nhiều nhất vào dịp tết và được xem như một thứ kẹo tết của người dân tộc Tày. Cứ độ 20 tháng chạp, các nhà trong bản lại rục rịch làm bánh khảo đón Tết Nguyên đán. Với người Tày, tết mà không có bánh khảo thì chẳng là tết nữa.
Để lâu mà vẫn giữ được hương vị thơm ngon, không bị mốc, thiu nên bánh khảo tựa như một thứ lương khô ngọt ngào của người Tày. Họ làm bánh khảo thay kẹo, để ăn tết, mời khách tới thăm nhà. Để có được những phong bánh khảo thơm phức phải trải qua thật nhiều công đoạn. Nào là chọn gạo nếp, rang gạo, xay nhỏ bằng cối đá, đổ bột vào cái mẹt lót giấy đem hạ thổ.
Bánh khảo từ lâu đã trở thành món ăn truyền thống của người Cao Bằng để lên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên và đãi khách đầu năm mới, ngày lễ, tết. Đôi vợ chồng mới cưới ngày đầu năm về thăm bên ngoại, ngoài đồ lễ chẳng thể thiếu gói bánh khảo.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Cao Bằng
Xem thêm: Kinh nghiệm đi phượt Thác Bản Giốc
Discussion about this post