Hà Giang không chỉ được biết đến là một tỉnh miền núi với nhiều phong cảnh hùng vĩ, phong tục tập quán, lễ hội phong phú, mà ở Hà Giang còn có rất nhiều đặc sản hấp dẫn, ẩm thực Hà giang luôn hấp dẫn mọi du khách đến với vùng cao nguyên đá này. Hãy cùng RuudNguyen.com giúp bạn khám phá các món ăn ở địa phương này nhé.
Các món ăn ngon ở Hà Giang
Bánh cuốn trứng
Bánh cuốn trứng Hà Giang là một món ăn độc đáo, khác xa so với những món đặc sản khác ở Hà Giang. Đây là món ăn mà du khách thường lựa chọn cho bữa sáng của mình khi tới Hà Giang du lịch. Một “món lạnh” được ăn cùng chén nước lèo ninh xương nóng hổi, bạn sẽ cảm thấy ấm bụng hơn trong thời tiết se se lạnh ở vùng cao nguyên đá này.
Không giống như bánh cuốn ở dưới xuôi, chỉ là thớ bánh ăn chung với ít hành và chấm cùng bát nước chấm hồn hợp thì bánh cuốn trứng Hà Giang đặc biệt hơn nhiều. Bánh cuốn ở đây khi được tráng trên bếp được đập thêm trứng rồi dùng chính lớp bánh trắng ngần ấy gói lại.
Khi ăn sẽ ăn kèm với một bát nước lèo nóng hổi thả giò trắng thơm ngon ở trong. Bát nước dùng ăn cùng bánh cuốn trứng còn có ít hành và 1 hoặc 2 chiếc giò trông rất ngon.
Xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc (Ảnh sưu tầm)
Xôi ngũ sắc là món ăn nổi tiếng của người Tày dùng trong những dịp lễ hội truyền thống. Món xôi độc đáo này được làm với 5 màu khác nhau: đỏ, xanh, trắng, tím, vàng tượng trưng cho ngũ hành, người Tày quan niệm màu sắc của món xôi càng đẹp tượng trưng cho sự phát đạt thịnh vượng cho gia đình.
Để có được món xôi ngũ sắc ngon, người phụ nữ Tày dùng gạo nếp cái hoa vàng để nấu. Để cho hạt xôi mềm dẻo, hạt gạo nở vừa đủ thì đem gạo ngâm trong nước từ 6 – 8 tiếng. Sau đó đem đồ xôi trên bếp lửa đều, đượm than để cho xôi được chín dẻo, thơm đậm.
Để xôi có được 5 màu đẹp khác nhau, người ta chia gạo thành 5 phần bằng nhau để nhuộm màu. Mỗi màu sẽ đồ ở một chõ riêng, đây được coi là công đoạn khó nhất đòi hỏi sự khéo léo của người phụ nữ Tày. Để cho món xôi ngũ sắc có màu sắc bắt mắt thì nên đồ theo thứ tự gạo ngâm màu nào dễ phai nhất được đưa vào chõ đầu tiên và đặt màu trắng ở trên cùng.
Sự tinh tế, tỉ mỉ trong cách nấu ăn của người phụ nữ Tày đã tạo nên món xôi ngũ sắc độc đáo làm nên bản sắc riêng của đồng bào vùng cao. Nếu bạn có cơ hội du lịch Hà Giang thì hãy nhớ thưởng thức và cảm nhận hương vị thơm ngon tinh tế của món ăn đầy sắc màu này. Không chỉ được thưởng thức mà bạn còn có cơ hội học cách làm món xôi ngũ sắc Hà Giang dưới sự hướng dẫn của người dân bản địa.
Thắng cố Đồng Văn
Thắng cố là món ăn truyền thống lâu đời, thường được người Mông làm vào các ngày lễ hội, lễ ăn thề bảo vệ rừng, những ngày có đông người như hội làng bản hay các buổi gặp mặt trong dòng họ… Ở các phiên chợ vùng cao các bếp nấu thắng cố bao giờ cũng thu hút được nhiều thực khách…
Thắng cố Đồng Văn (Ảnh sưu tầm)
Nói đến các món ăn độc đáo và truyền thống của đồng bào các dân tộc, ví như món phở của người Kinh, thì không thể không nói đến món thắng cố của người Mông. Thắng cố nghĩa là canh thịt, là món ăn được chế biến từ thịt bò, thịt trâu, thịt ngựa và cả thịt lợn.
Tất cả các bộ phận thuộc “lục phủ ngũ tạng” của con vật, từ lòng, tim, gan, phổi, tiết, thịt… đến xương đều được cho vào chảo nước đun nhừ cùng các loại gia vị như thảo quả, quế, hồi… theo phong tục truyền thống của đồng bào Mông.
Thường thịt, tiết, lòng được luộc chín, sau đó thái nhỏ vuông quân cờ thả vào chảo. Khi ăn, chảo vẫn để trên bếp đun, ăn đến đâu múc ra bát đến đó. Có thể ăn thêm các loại rau, thường là rau cải rất sẵn ở vùng cao.
Cháo ấu tẩu
Cháo ấu tẩu ở Hà Giang được làm từ nguyên liệu là củ ấu tẩu – một loại củ có chất độc cực mạnh. Qua cách chế biến tài tình của đồng bào Tây Bắc, nó trở thành món ăn có ích cho sức khỏe.
Củ ấu tẩu thường có ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Bề ngoài giống củ ấu miền xuôi, nhưng là 2 loại hoàn toàn khác biệt. Củ ấu tẩu mọc trên đá, rất cứng và độc. Trong y học, ấu tẩu có tác dụng chữa bệnh rất tốt, đặc biệt dùng ngâm rượu thuốc xoa bóp xương khớp. Theo người bản xứ, ăn trực tiếp củ ấu tẩu có thể gây tử vong. Từng có trường hợp chết vì uống nhầm rượu thuốc bóp củ ấu tẩu.
Không biết tự bao giờ các món ăn từ củ ấu tẩu hình thành, trở thành nét riêng ở nơi đây. Món cháo ấu tẩu là một nét đặc sắc mỗi khi nhắc đến cao nguyên đá Hà Giang. Theo bà Hương, một chủ quán cháo ấu tẩu nổi tiếng đất Hà Giang, phải có bí quyết trong chế biến nguyên liệu này.
Cháo ấu tẩu ăn kèm thịt băm, các loại rau thơm, tiêu, hay măng chua. Bên cạnh vị bùi, béo ngậy và dễ nhận ra bát cháo hơi đắng, lạ miệng. Với những du khách đi một chặng đường xa đến Hà Giang mà được ăn một bán cháo ấu tẩu sẽ thấy cơ thể sảng khoái, người khỏe khoắn trở lại, đầu óc minh mẫn, hào hứng hơn. Cháo ấu tẩu có cả bốn mùa nhưng điểm thú vị là chỉ bán vào buổi tối.
Mèn mén Hà Giang
Mèn mén là một trong các món ăn ở Hà Giang mang đậm hương vị Tây Bắc. Mèn mén không biết tự bao giờ đã trở thành món ăn dân dã quen thuộc của người dân địa phương và hiện nay nó đã trở thành món ăn độc lạ trong ẩm thực với du khách tham quan.
Có thể lần đầu nghe tên Mèn mén bạn sẽ thấy ngờ ngợ bởi không biết nó làm từ gì đúng không? Mèn mén là món ăn làm từ nguyên liệu chính lá ngô. Ngô tẻ qua thật nhiều công đoạn và trở thành bột ngô sau đó đem hấp chín. Bạn có thể hình dung đơn giản là thế.
Theo ảnh hưởng cách gọi của tiếng Quan Hỏa Trung Quốc, Mèn mén có nghĩa là món ăn lạ được làm từ bột ngô hấp. Theo người dân địa phương, sở dĩ Mèn mén là một trong các món ăn ở Hà Giang thu hút khẩu vị người thưởng thức bởi Mèn mén được làm từ giống ngô ngon nhất của vùng. Ngô đã lai, hay ngô nơi khác không có được hương vị thơm ngon như giống ngô địa phương.
Mèn mén ở vùng cao Tây Bắc được người dân mời bạn thưởng thức khi bát hay gói Mèn mén còn nóng hổi, hoa khói còn loáng thoáng đấy nhé. Bởi đặc trưng của món ăn Mèn mén khi thưởng thức là để nguội không ngon.
Mèn mén phải ăn khi còn nóng. Nhai thật chậm để cảm nhận dư vị ngọt ngào của bột ngô. Từng miếng bột ngô Mèn mén tan trên thớ lưỡi cho bạn cảm giác ngọt ngào rất lạ.
Bánh tam giác mạch
Cứ sau mỗi mùa hoa, người dân ở đây lại thu hoạch hạt tam giác mạch để phơi khô và xay nhỏ thành bột làm bánh. Loại hạt này rất nhỏ, chỉ bằng một nửa hạt đỗ đen nhưng lại chứa nhiều giá trị dinh dưỡng. Và vì được trồng trong môi trường tự nhiên nên tam giác mạch ở Hà Giang không bị tác động bởi hóa chất độc hại.
Lên các chợ phiên ở Hà Giang, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều phụ nữ dân tộc trong trang phục váy xòe hoa ngồi bên bếp than nóng hổi cùng những chồng bánh nhiều màu, trong đó màu vàng là bánh bột ngô, màu trắng là bánh ngô nếp, còn màu tím nhạt với những chấm tím sậm nổi lên chính là bánh tam giác mạch.
Để làm được chiếc bánh tam giác mạch thơm ngon như vậy thì cũng phải tốn khá nhiều công đoạn thực hiện. Đầu tiên, hạt tam giác mạch khi mới hái về phải đem phơi khô đủ độ rồi mang đi xay bằng tay.
Khi xay cũng phải thật cẩn thận, tỉ mỉ cho đến khi hạt tam giác mạch mịn đều ra thì bánh nướng lên mới không bị lợn cợn. Tiếp đó là nhào bột với nước rồi đúc thành những miếng bánh tròn dẹt, có đường kính hơn một gang tay. Sau khi đem hấp chín, bánh sẽ được nướng trên than hồng cho nóng và thơm hơn.
Thắng dền
Thắng dền (Ảnh sưu tầm)
Món ăn này thoạt nhìn trông giống bánh trôi tàu ở Hà Nội, bánh cống phù ở Lạng Sơn, nhưng hương vị lại rất khác biệt, mà chỉ cần được ăn một lần sẽ thấy khó quên.
Thắng dền chẳng biết từ bao giờ trở thành món ăn vặt đặc sản Hà Giang, đó cũng là món ăn mà người dân nơi đây hay giới thiệu cho những vị khách lần đầu đặt chân tới cao nguyên đá này. Bánh được làm từ bột gạo nếp, có thể làm chay hoặc bọc nhân đậu đỗ.
Làm thắng dền không khó nhưng đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế. Đầu tiên là chọn gạo nếp, theo những người làm bánh, phải là nếp Yên Minh (loại gạo nếp ngon ở Hà Giang), hạt mẩy, dẻo thơm. Gạo nếp sau khi ngâm, để ráo xay bột, rồi đổ vào một chiếc túi vải, đợi đến khi bột đặc mịn mới đem ra làm bánh.
Mỗi viên bánh Thắng dền được nặn hình tròn, to như viên bánh trôi, có nhân đỗ, vừng, dừa. Đun sôi nước rồi thả vào luộc, đến khi bánh chín, nổi lên là vớt ra chan với nước nấu từ đường hoa mai và gừng. Bánh dẻo, ngon nhưng quan trọng hơn vẫn là nước đường. Mỗi người làm bánh lại có bí quyết riêng để đảm bảo độ cay, ngọt vừa phải. Bát Thắng dền sau khi chan nước đường, sẽ được dưới thêm chút nước cốt dừa, lạc rang vàng để thêm hấp dẫn.
Rêu nướng
Rêu sông, suối là một món ăn đã có từ lâu đời, được nhiều dân tộc như: Mường, Nùng, Thái, Mông,…ưa thích. Nhưng đối với đồng bào dân tộc Tày ở Xuân Giang – Hà Giang thì rêu lại được coi là đặc sản trong ẩm thực của họ, nhất là món rêu nướng được coi như đặc sản của đồng bào nơi đây. Người Tày với kinh nghiệm của mình cho biết, chọn rêu nên chọn những bãi rêu lớn, bởi ở đó vừa có nhiều rêu để lấy mà lại là rêu ngon.
Và cũng theo kinh nghiệm của người Tày, khi vớt rêu ta phải đứng ở dưới suối để vớt. Nước cứ chảy từ trên cao xuống dưới, và cứ lấy tay quơ ngang, những cái nào non nhất thì vơ lấy. Rêu chỉ sống trong vòng 6-7 ngày, tức là khi nó mọc lên 3-4 ngày phải vớt ngay, lúc đó là rêu non, còn nếu để quá 7 ngày nó trở thành màu trắng bệch đồng nghĩa với việc rêu đã trở nên già, không thể ăn được nữa.
Cơm lam Bắc Mê
Để làm món cơm lam Bắc Mê khá dễ, công đoạn đơn giản và cũng không hề tốn kém. Người dân thường chọn nguyên liệu là loại gạo nếp ngon nhất được trồng trên nương, được đem về ngâm kỹ, vo sạch và rắc thêm chút muối.
Ống tre, nứa là những ống được dùng để nấu cơm. Sau khi lấy được những thân tre, trúc, nứa tư trên núi mang về, người ta sẽ chặt bỏ một đầu, đổ gạo nếp vào ống tre rồi đổ nước vào vừa tới lớp gạo trên cùng, sau đó lấy lá chuối, lá dong làm nút và nút chặt lại một đầu.
Sau khi đã hoàn tất những công đoạn trên, cơm lam được đốt trên bếp than hồng, vừa đốt vừa xoay tròn từ từ cho nhiệt tác dụng đều lên xung quanh vỏ ống, cứ như vậy trong khoảng 1 giờ, khi đầu ống tỏa ra hương thơm lừng cũng là lúc cơm đã chín và ngon.
Trước khi ăn, người ta dùng dao chẻ bỏ lớp bên ngoài của ống tre (lúc này đã cháy đen), sau đó tước nốt lớp vỏ trắng trong cùng. Khi thưởng thức, cơm lam có mùi vị thơm phức quyện với mùi của lá dong, lá chuối nướng hấp dẫn. Thông thường, những người dân nơi đây thường ăn cơm lam với muối lạc, muối vừng hay cá suối nướng sẽ khiến cho món ăn thơm và bùi hơn.
Đặc sản Hà Giang mua về làm quà
Rượu ngô Hà Giang
Rượu ngô Hà Giang (Ảnh sưu tầm)
Ngô được trồng khoảng 4 tháng thì thu hoạch. Những bắp ngô già, hạt chắc và vàng được người dân lên để hái về nhà. Nương ngô của người Mông thường ở rất xa, khoảng 3-4 km. Khi hái xong sẽ được địu trên vai mang về nhà, vô cùng cực nhọc và vất vả. Sau đó, những hạt ngô to, tròn, mập sẽ được tuyển chọn để làm rượu ngô. Thế mới biết, để làm ra thứ rượu chuẩn ngon, người Mông đã phải vất vả và mất nhiều thời gian như thế nào.
Để có được chén rượu ngon cực phẩm đãi khách quý mỗi khi đến nhà, người Mông đã phải nấu rượu ngô cực kỳ vất vả và gian nan. Từ việc lấy nước, lấy củi cách hàng 3-4 km đến việc nấu chín ngô, ủ men lá rồi chưng cất. Thông thường, thời gian chưng cất khoảng từ 5-6 tiếng, những giọt rượu thơm ngon, hương vị đậm đà sẽ ra lò.
Rượu Hà Giang muốn ngon quan trọng là ở cách ủ rượu ngô. Người dân tộc Mường có công thức riêng cho vị rượu đặc biệt hơn. Đó là vị ngọt, thơm của ngô cùng vị cay nóng của men rượu. Rượu của người dân tộc có độ cồn cực thấp, chỉ khoảng 25-30 độ. Uống không dễ bị say hay mệt.
Mật ong bạc hà Mèo Vạc
Từ lâu, sản phẩm mật ong Bạc hà đã được người tiêu dùng biết đến với chất lượng tốt. Mật ong nơi này được lấy từ những chú ong nuôi trong môi trường tự nhiên, nguồn mật được lấy từ hoa Bạc hà dại vốn chỉ có trên Cao nguyên đá Đồng Văn.
Mật ong bạc hà được người dân ở đây sản xuất theo phương pháp truyền thống. Mật ong bạc hà có màu xanh nhạt, pha lẫn chút màu vàng, khi thưởng thức có mùi thơm đặc trưng riêng, vị ngọt dịu mát và sánh đặc.
Ba kích rừng Quản Bạ
Ba kích dùng để ngâm rượu hoặc làm thuốc là một loại dây leo thuộc họ Cà phê. Ba kích tươi chứa rất nhiều dưỡng chất quý tốt cho sức khỏe như Vitamin C, các loại hoạt chất khác tồn tại dưới dang dung môi…. khi phơi khô lên thì các chất này hoàn toàn biến mất trong quá trình phơi ba kích.
Chính vì thế, ba kích khô gần như không còn được những thành phần có lợi như ba kích tím tươi. Ba kích mọc hoang khá nhiều ở những khu rừng thứ sinh ở các vùng trung du và vùng núi Bắc Bộ. Những địa phương có nhiều loại cây này ở nước ta có thể kể đến như Hà Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hòa Bình…
Hồng không hạt Quản Bạ
Khác với giống hồng không hạt ở các địa phương khác, hồng không hạt Quản Bạ là giống bản địa, đã được đồng bào các dân tộc thiểu số (Mông, Dao, Tày, Bố Y…) trồng từ lâu đời, đồng thời nó được bảo tồn và phát triển.
Hồng không hạt Quản Bạ có một số tính chất đặc thù so với các sản phẩm cùng loại như: Thịt quả giòn, ngọt, thơm, nhiều bột mịn; quả to, vỏ quả cứng, thịt chắc rất dễ bảo quản và vận chuyển.
Cam Bắc Quang
Cứ mỗi độ cuối năm, trong cái rét vẫn còn miên man, ấy là thời điểm những trái cam sành Bắc Quang rộ chín vàng rực. “Vùng” cam lớn nhất của tỉnh trở nên sôi động hơn, bởi những chuyến xe xuôi ngược, mang theo hương vị của miền đất trù phú này.
Đã từ lâu, cam sành trở thành một đặc sản nức tiếng mỗi khi người đi xa về gần nhắc đến đất Bắc Quang, thứ đến mới là chè. Có được điều đó là bởi vùng đất này có những điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không giống với bất cứ vùng đất nào để tạo nên những trái cam mang hương vị riêng biệt, vô cùng ngọt ngào và hấp dẫn của miền núi rừng phía nam của tỉnh Hà Giang.
Trà shan tuyết Phìn Hồ
Trà Shan Tuyết (Ảnh sưu tầm)
Trà Shan Tuyết nổi tiếng nhất phải kể đến vùng Chè Phìn Hồ – Hoàng Su Phì – Hà Giang. Nơi đây sương phủ sáng chiều, trời chỉ hé nắng một vài lúc ngắn trong ngày, thời tiết nhiều sương mù cùng thổ nhưỡng núi đá là nơi phát triển lâu đời của giống trà Shan Tuyết cổ thụ.
Đây là giống trà cổ thụ. Có lẽ vì sống ở vùng núi cao, nhiệt độ mùa hè cao nhất cũng chỉ lên đến 25oC, còn mùa đông thì vô cùng giá lạnh nên hương vị của loại trà này rất đặc biệt. Một cây trà có tuổi thọ khoảng chừng 200 năm tuổi, sống ở độ cao khoảng 1400m so với mực nước biển, đặc biệt cây trà cổ thụ này vẫn cho những búp trà ngon.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch phượt Hà Giang
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hoàng Su Phì, Hà Giang
Xem thêm: Phượt Hà Giang|Khám phá các địa điểm du lịch không thể bỏ qua
Discussion about this post