Lào Cai là vùng đất thiêng liêng không chỉ nổi tiếng về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với những ngọn núi trùng điệp, ruộng bậc thang đẹp như tranh hay không khí trong lành mà còn nổi tiếng với những món ăn đậm phong vị miền sơn cước. Đây cũng là một nét đặc sắc giúp du lịch Lào Cai thu hút được nhiều du khách ghé thăm trong những năm gần đây.
Với tiềm năng về du lịch và ẩm thực dẫn dã của người dân vùng cao, cùng rất nhiều sản vật ẩm thực độc đáo khác của mảnh đất vốn được thiên nhiên ưu đãi này – các món ăn đậm bản sắc vùng miền đã và đang tạo ra một nét cuốn hút duyên dáng, riêng biệt của du lịch Lào Cai.
Các món ăn ngon ở Lào Cai
Phở chua Bắc Hà
Nếu như Sa Pa nổi tiếng bởi cảnh sắc thiên nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc thì Bắc Hà nổi lên là vùng đất du lịch với món phở chua Bắc Hà. Phở truyền thống Bắc Hà có 3 loại chính: phở chua, phở trộn và phở chan. Ngoài ra, tùy khẩu vị của từng thực khách, người bán hàng có thể chế biến những món phở kết hợp.
Phở chua Bắc Hà (Ảnh sưu tầm)
Nếu nói đến điều đặc biệt nhất ở phở Bắc Hà, hẳn phải kể đến bánh phở. Ở đây, bánh phở được chế biến thủ công từ loại gạo nương có màu phớt hồng do người Phù Lá ở Lùng Phình trồng. Tất cả các gia đình có nghề làm phở truyền thống đều tự chế biến bánh phở, vì thế bánh phở mỗi nơi lại có vị đậm khác nhau.
Thắng cố Bắc Hà
Thắng Cố được biết đến là món ăn truyền thống của người H’Mông, bắt nguồn từ vùng núi Hà Giang. Thịt nấu thắng cố theo truyền thống là thịt ngựa, về sau có thêm thịt bò, thịt trâu, thịt lợn. Món thắng cố ngựa ra đời khá lâu rồi tuy nhiên món này mới chỉ từ khi du lịch Bắc Hà phát triển mới được nhiều du khách biết tới.
Đôi khi bạn sẽ bắt gặp những chảo thắng cố như thế này (Ảnh sưu tầm)
Thắng cố được nấu khá đơn giản, tất cả lòng, ruột non, ruột già, phèo phổi bèo nhèo được nấu hỗn độn với xương ngựa, tiết ngựa, hôi nhưng rất bùi. Uống thêm một chén rượu ngô cho hết vị khó chịu của thắng cố bạn lại gắp thêm một miếng nữa cho vào miệng khi đó chỉ còn lại vị ngon ngọt, mùi thơm thoang thoảng của gia vị, kết hợp vị cay nồng của rượu ngô làm cho bạn muốn ăn hoài mà không thấy chán. Bạn sẽ nghiện món này khi đã được vài lần ăn thử nhé.
Xôi 7 màu của người Nùng Dín
Để có những dĩa xôi ngon tất nhiên phải chọn gạo cho ngon. Đó phải là loại gạo nếp hạt do dài, tròn, mẩy mang đi ngâm trong nước tầm 12 tiếng đồng hồ, sau đó vớt ra rồi ngâm tiếp với những nước màu trong vòng 3 giờ nữa. 7 màu của xôi được nhuộm từ một số loại cây như nghệ, hoa vàng, cây cầm hoa,…
Xôi bảy màu Bắc Hà (Ảnh sưu tầm)
Màu vàng của xôi có được từ màu của cây hoa vàng đem phơi khô còn màu đỏ tươi thì dùng lá xôi đũa đem luộc cho kỹ, lọc lấy nước đó dùng để ngâm gạo, màu tím cũng được lấy từ lá xôi đũa nhưng còn cần giã với tro bếp, màu xanh cửu long thì được lấy từ màu của hỗn hợp lá xôi hoa và tro bếp, làm theo tỉ lệ đã định và đem đi ngâm gạo còn màu xanh lá thì phải dùng gạo nếp đã ngâm ngả sang vàng ngâm cùng nước xôi màu xanh cửu long với lượng vừa đủ, ngoài ra xôi còn màu đỏ và nâu nữa…
Xôi 7 màu thường được ăn kèm với thịt nướng hoặc muối vừng. Những ai đã từng thưởng thức món ăn này đều không tiếc lời khen ngợi.
Cốm Bắc Hà
Trước đây, để mừng cho thành quả của những tháng ngày một nắng hai sương vất vả, đón một mùa vụ bội thu, đồng bào dân tộc Tày ở Bắc Hà thường tổ chức lễ ăn mừng cơm mới. Cũng vì thế, cốm ra đời để làm món ăn trong lễ cúng… Thế nhưng ngày nay, món ăn truyền thống này đang trở thành thứ quà hấp dẫn du khách mỗi khi đến vùng cao Bắc Hà vào tiết trời thu chớm lạnh. Theo bà con người Tày ở Bắc Hà, để làm được một mẻ cốm phải trải qua rất nhiều công đoạn, song việc đầu tiên là chọn lúa làm cốm có vai trò quan trọng.
Cốm Bắc Hà (Ảnh sưu tầm)
Thông thường, lúa làm cốm thường là nếp nương, bởi loại lúa này hạt tròn, mẩy, lại giữ lâu được chất ngọt của hạt nếp, mùi thơm và độ dẻo của hạt lúa. Dù lúa nếp được cấy dưới ruộng nước hay gieo trên nương rẫy thì khi ngắt lúa về làm cốm, hạt lúa nếp phải còn chút sữa ở đầu hạt, vỏ hơi lam vàng một chút và hạt chưa chín hết, như vậy mới làm được hạt cốm vừa dẻo vừa thơm.
Bánh dày Bắc Hà
Bánh được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch (ngày giỗ tổ Vua Hùng). Có từ thời vua Hùng thứ 6, bánh chưng và bánh dày song hành cùng lịch sử dân tộc và trở thành linh hồn ngày Tết ở Bắc Bộ. Trong mâm cỗ đón xuân ngày nay, những chiếc bánh chưng xanh vuông vắn khiến ta nhớ đến sự tích bánh chưng, bánh dày tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa.
Bánh dày có thể tìm thấy trong các phiên chợ Bắc Hà (Ảnh sưu tầm)
Bánh dày có 2 loại, loại phổ biến nhất là loại bánh dày trắng không nhân và loại bánh dày có nhân là đậu xanh và sợi dừa. ở Bắc Hà, người Mông làm loại bánh dày trắng không nhân. Tết này mời bạn đến với vùng cao Bắc Hà đến với bản làng người Mông tận mắt chứng kiến người Mông giã bánh dày tết và thưởng thức bánh dày tết, bạn sẽ có thêm ấn tượng sâu đậm về vùng đất này.
Mèn mén Bắc Hà
Món ăn được làm từ những hạt ngô tẻ địa phương là thực phẩm hàng ngày của người Mông. Cứ sau mỗi mùa thu hoạch, ngô lại được đồng bào Mông phơi trên những hiên nhà hay gác bếp, chờ khi thật khô mới đem đi làm mèn mén. Tuy nhiên để có được bát thành phẩm ngon phải trải qua nhiều công đoạn và thời gian.
Mèn mén (bột ngô) được bán ở chợ Bắc Hà (Ảnh sưu tầm)
Món mèn mén trộn cơm được rất nhiều người Mông yêu thích vì vị ngọt, bùi, thơm của ngô và vị mềm dẻo của cơm. Tại các phiên chợ, món này còn được hòa vào nước dùng để ăn cùng phở hay mỳ.
Trước đây, người Mông thường chỉ dùng để ăn trong nhà. Tuy nhiên ngày nay, chúng đã được làm nhiều hơn để bán trong các phiên chợ. Do vậy du khách ghé thăm những phiên chợ vùng cao đều có thể tìm mua được món ăn dân dã, đặc trưng này của người Mông.
Bánh đúc ngô Bắc Hà
Nguyên liệu chính được dùng làm bánh đúc là ngô tẻ. Ngô hạt sau khi được phơi khô và làm sạch, đem nghiền sao cho bột ngô mịn nhất có thể. Sau đó là sàng toàn bộ số bột để loại bỏ mày ngô-lớp vỏ bên ngoài. Đồng thời hòa nước vôi trong với một lượng nước vừa đủ để ngâm bột ngô. Công đoạn ngâm này mất khoảng 2 ngày 2 đêm.
Bánh đúc ngô Bắc Hà (Ảnh sưu tầm)
Tiếp theo là say bột ngô đã ngâm trong chiếc cối đá của đồng bào theo kiểu say bột nước như ngày nay chúng ta vẫn thấy. Cuối cùng là cho bột nước ngô vào nồi đun trên bếp, khuấy đều tay cho đến khi sôi, nước bột quánh lại có màu vàng đều thì bắc nồi xuống, đổ lớp bột đã chín ra các vật dụng thích hợp để nguội. Các vật dụng có thể tùy ý người dùng như một loại khuôn sẵn có để tạo hình cho bánh đúc nếu muốn và chờ bánh nguội.
Giá của một bát bánh đúc khá rẻ, dao động từ khoảng 8.000 – 10.000 đồng/bát. Chỉ với một số tiền nhỏ là bạn đã được thưởng thức một bát bánh đúc ngô thơm dẻo và rất bùi mà lại còn no nữa chứ.
Gà nướng mắc khén Bắc Hà
Thưởng thức gà nướng ngon nhất khi chấm cùng gia vị chẩm chéo – Loại gia vị truyền thống của người dân bản địa Bắc Hà làm từ hạt mắc khén dã nhỏ trộn với muối, ớt, rau thơm dã nhỏ và cho thêm ít nước gà. Điều làm nên sự khác biệt đó chính là nhờ vào hạt mắc khén.
Gà nướng mắc khén (Ảnh sưu tầm)
Thứ hạt rất đặc trưng được người Bắc Hà sử dụng trong khâu tẩm ướp, để tạo hương vị thơm ngon đậm đà cho thịt.
Rau củ khởi Bắc Hà
Rau củ khởi còn gọi là rau khởi tử hay rau câu kỷ là một loại rau mọc hoang dại, là một vị thuốc Nam, có tác dụng giải nhiệt, giải độc. Người dân Lào Cai thường trồng rau củ khởi làm hàng rào, vì cây có gai, lá nhỏ, thân ken dày. Trước đây ở Lào Cai có nhiều loại rau ngon, nên rau củ khởi không được người dân chú ý mấy. Sau này, nhờ có vị hơi đắng ngòn ngọt và mùi thơm đặc trưng mà rau củ khởi trở thành đặc sản của các nhà hàng ở Lào Cai.
Rau củ khởi thường nấu với nước xương hầm hoặc thịt băm. Khi nấu chỉ đun nước sôi già rồi bắc nồi ra, bởi để lâu trên bếp canh sẽ bị nồng và mất mùi thơm của rau. Canh rau củ khởi ăn nóng và nguội đều ngon. Khi mới ăn, thực khách có cảm giác hơi đắng ở đầu lưỡi, nhưng sau có vị ngọt bùi đọng lại, khiến người ăn không ngán. Canh rau củ khởi rất tốt cho sức khỏe phụ nữ, trẻ em, là vị thuốc chữa say rượu rất hiệu nghiệm. Chính vì vậy, du khách khi đến Bắc Hà, Sa Pa đều rất thích ăn rau củ khởi và mua về làm quà tặng người thân.
Đặc sản Bắc Hà
Một số loại đặc sản ở Bắc Hà mà các bạn có thể mua về làm quà khi đi du lịch hoặc đi chợ phiên ở Bắc Hà. Còn với một số món ăn đặc trưng của người dân Bắc Hà, thường không có sẵn mà bạn phải nhờ người bản địa hỏi mới có thể mua được nhé.
Chó Bắc Hà
Chó xù Bắc Hà là một trong bốn giống chó đẹp nhất Việt Nam, cùng với chó Phú Quốc, H’mông cộc đuôi và Dingo Đông Dương. Chó Bắc Hà có nguồn gốc từ vùng núi Tây Bắc – vùng đất Bắc Hà thuộc địa phận tỉnh Lào Cai. Giống chó Bắc Hà còn được biết đến với cái tên là Vitespitz. Đôi khi, nó được gọi chung là chó xù hay chó xồm.
Chó Bắc Hà là giống chó quý của Việt Nam (Ảnh sưu tầm)
Chó Bắc Hà xù được người dân tộc H-Mông sử dụng để giữ nhà, canh gác hoặc dùng làm chó săn trong những chuyến đi rừng dài ngày. Lịch sử ghi chép lại, người dân tộc H-Mông bắt đầu sinh sống ở vùng núi Tây Bắc của Việt Nam từ cuối thời kỳ hậu Lê.
Do đó, chó Bắc Hà Lào Cai có lẽ cũng xuất hiện trong khoảng thời gian này. Như vậy, có thể khẳng định rằng, chó Bắc Hà xuất hiện ở Việt Nam từ khá sớm.
Mận hậu Bắc Hà
Khách du lịch đến với vùng đất này vào tầm tháng 6 tháng 7, khi mà nhiều vùng với cái nắng như thiêu như đốt, đến với Bắc Hà bạn sẽ vừa được thưởng ngoạn không khí mát mẻ như những ngày mùa xuân, vừa được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những vườn mận sum sê trĩu quả với những trái mận to, chín tím ngắt cả một sườn núi.
Đừng quên mang một túi mận hậu Bắc Hà làm quà (Ảnh sưu tầm)
Khác với mận Lạng Sơn khi chín quả mới đỏ, mận hậu Bắc Hà không biến đổi màu vỏ ngoài, quan sát kĩ mới nhận ra được sự thay đổi của chúng khi lúc hái quả mận hơi ngả sang màu vàng nhạt. Khi bổ quả mận ra ruột quả phô ra một sắc vàng kì lạ và quyến rũ đến cả những người khó tính nhất cũng phải ngả mũ thán phục.
Rượu ngô Bắc Hà
Vào đến nhớ dốc Trung Đô, ra thì phải nhớ rượu ngô Bắc Hà” là câu nói cửa miệng của những dân bản nơi đây để nhắc những ai đặt chân đến Sapa – Lào Cai thì đừng quên ghé qua bản Phố uống rượu ngô Bắc Hà. Chẳng phải tự nhiên mà câu nói đó lại nhắc đến rượu ngô bản Phố – Bắc Hà. Với sự đặc biệt từ nguyên liệu, cách nấu đến cách thưởng thức làm cho rượu ngô Bắc Hà nổi bật trong thị trường rượu hỗn loạn bây giờ.
Rượu ngô Bắc Hà chỉ ngon khi được nấu ở Bản Phố (Ảnh sưu tầm)
Rượu ngô Bắc Hà, hay còn gọi là rượu Bản Phố Bắc Hà: Là 1 loại rượu được nấu từ ngô tự nhiên, kết hợp với men được làm từ hạt hổng mi. Do tất cả các sản chất liệu tạo thành đều từ thiên nhiên. Ngô là giống ngô bà con trồng trên lương, trên đồi. Men khi chế biến từ cây hồng mi cùng 1 số loại dược liệu khác. Chính vì vậy khi uống Rượu ngô Bắc Hà không bị đau đầu, hương thơm êm say.
Thịt gừng của người Nùng Dín
Để làm món thịt gừng, người Nùng Dín tận dụng tất cả các loại xương như xương sống, xương sườn và thủ tươi nguyên không được rửa qua nước đem băm nhỏ, rồi rửa một lượng khá nhiều gừng giã nhỏ vắt bớt nước. Sau đó, trộn tất cả xương băm, gừng, muối với nhau, bóp sao cho thật nhuyễn. Khi bóp người ta còn pha thêm một chút rượu vừa phải để bảo quản và giữ được sự tươi sống của thức ăn. Thịt được cho vào loại chum có men bóng rồi đổ nước (không để cạn nước ở vành chum), giữ nhiệt độ để tránh thức ăn chuyển màu. Sau đó, đậy kín miệng chum bằng tấm ni lông, buộc chặt, khi nào dùng mới lấy ra nấu chín tuỳ theo bữa.
Người Nùng Dín thường ăn món thịt gừng theo hai cách là hấp hoặc nấu. Nếu hấp thì có thể cho thêm một chút nước, hạt tiêu, rau thơm thì món ăn sẽ toả mùi thơm hấp dẫn hơn nhiều. Nếu nấu thì đổ thêm một lượng nước tương xứng với lượng thức ăn đun chín tới, cho gia vị như mì chính, hạt tiêu hoặc rau cần tây. Kể cả người già hay trẻ nhỏ không ăn được xương thì trộn cơm với nước thịt này cũng xuýt xoa ngon miệng.
Thịt lợn muối
Thịt lợn từ lâu là một món ăn quen thuộc dân dã đối với người dân Việt Nam và đây cũng là loại thực phẩm có nhiều cách chế biến món ăn nhất. Trong các món ngon được chế biến từ thịt lợn thì thịt lợn muối là một trong những món ngon trong danh mục ẩm thực của đồng bào vùng cao Lào Cai.
Cách chế biến món thịt lợn muối hết sức đơn giản với những gia vị có sẵn trong vườn nhà. Gia vị của thịt lợn muối bao gồm các loại lá như lá quế, lá mít, lá trầu không, kèm theo ớt tươi, giềng và rượu cái nếp. Tất cả các loại lá đều được phơi khô và giã nhỏ, thịt lợn được thái vừa miếng rồi đổ rượu cái ướp cùng muối thật mặn và trộn lẫn các loại lá gia vị khô đã được giã nhỏ sau đó cho thịt vào hũ hoặc lọ để từ một đến hai tuần là có thể sử dụng được.
Nấm chân chim ở chợ Bắc Hà
Những gùi nấm chân chim nặng trĩu được các thiếu nữ Mông mang đến chợ bán thành một dãy riêng. Nấm được để trong gùi hoặc bày trên các tấm vải, trải trên thảm cỏ. Chẳng cần cân đo chính xác, các cô gái cứ đong từng bát đầy, bán với giá bình dân: hai nghìn đồng một bát. So với các loại rau xanh khác ở chợ, nấm chân chim bao giờ cũng được bán hết nhanh nhất. Nấm chân chim mua về đem xào hoặc nấu canh với thịt. Thưởng thức hương vị ngọt ngào của nấm, người ăn sẽ có kỷ niệm khó quên về Bắc Hà. Ngoài công dụng làm thực phẩm, nấm chân chim còn có nhiều lợi ích khác, được liệt vào loại dược liệu quý, là đối tượng nghiên cứu thực nghiệm về sinh học, như sinh lý học và di truyền học.
Các món ăn ngon ở Sa Pa
Đồ nướng Sa Pa
Đồ nướng Sapa rất đa dạng với đủ thịt lợn bản xiên, ba chỉ nguyên miếng, cánh gà, chim cút, lòng, bò cuốn cải mèo, bò cuốn nấm kim, chả cá hồi hay thanh đạm hơn là những xiên rau, nấm… Tất cả những gì bạn phải làm chỉ là lấy một chiếc đĩa, chọn lấy những xiên que mình thích rồi đợi chủ quán nướng đều trên than hoa.
Thưởng thức đồ nướng trong cái lạnh của Sa Pa luôn mang lại một cảm giác rất lạ (Ảnh sưu tầm)
Thịt bò cuốn rau cải Mèo
Thịt bò được thái lát mỏng, tẩm ướp với gia vị rồi cuộn với rau cải mèo ở bên trong. Đem tất cả cho vào vỉ xiên rồi nướng trên than hoa. Vị ngọt của thịt bò và vị ngăm ngăm đắng của rau cải mèo pha trộn với một chút vị cay từ tương ớt sẽ khiến các bạn khó mà làm ngơ được.
Thịt bò cuốn cải mèo (Ảnh sưu tầm)
Cơm lam nướng
Cơm lam là một món ăn đặc sản của vùng Tây Bắc nói riêng và của Việt Nam nói chung. Đây là một món ăn cõ lẽ không ai không biết đến và được cả các du khách nước ngoài rất yêu thích. Cơm lam được nấu theo một cách đặc biệt đó là nấu cơm trong ống tre hoặc ống nứa. Cơm khi chín rất thơm, dẻo và ngọt do có thấm nước của ống nữa tiết ra.
Cơm lam (Ảnh sưu tầm)
Thịt lợn tẩm gia vị nướng
Thịt lợn có thể thái nhỏ rồi xiên thành các xiên hoặc để nguyên cả miếng ba chỉ, tất cả được tẩm ướp Gia vị ướp gia vị như hạt mắc khén, hạt dổi, hành không, mật ong, hạt tiêu, hạt điều, ớt … cùng 1 số loại gia vị khác như hạt nêm, mì chính rồi sau khi khách lựa chọn thì mới mang đi nướng.
Thịt được xâu thành từng xiên hoặc để cả miếng to để nướng (Ảnh sưu tầm)
Chân gà, cánh gà nướng
Ăn món này thú vị ở chỗ bạn phải chịu khó nhẩn nha “gặm nhấm” thật kĩ thì mới tận hưởng được hết cái cảm giác giòn giòn, dai dai, ngòn ngọt của món ăn.
Chân, cánh gà nướng (Ảnh sưu tầm)
Ngoài món chân gà nướng, ở đây còn phát triển thêm nhiều món nữa như cánh gà nướng, sườn nướng, khoai lang nướng, bánh mì… đều là những “khoái khẩu” của các bạn trẻ.
Trứng nướng
Quả trứng, một loại thực phẩm đơn giản có thể bắt gặp ở bất cứ đâu. Hơn hết trứng còn là món ăn giàu protein và là một trong những thực phẩm chính của con người. Khi đặt chân vào cái tiết trời man mát se lạnh của Sa Pa, quả trứng nướng cũng mang lại cảm giác ngọt, đậm đà hơn nhiều so với ăn trứng ở dưới xuôi. Chế biến trứng nướng không khó nhưng đòi hỏi sự khéo léo, nhanh nhạy của người nướng trứng. Nếu nướng không khéo trứng sẽ bị vỡ
Cá suối nướng
Vào mùa mưa hằng năm, từ tháng Bảy âm lịch trở đi, dòng suối Lớn chảy từ đầu nguồn Sa Pa xuống vùng hạ lưu xã Cốc San (Bát Xát) rồi đổ ra sông Hồng đầy ăm ắp nước. Cá suối có nhiều loại và điều đáng nói là không hề có vị tanh.
Cá suối (Ảnh sưu tầm)
Cá suối Sa Pa có thể chế biến thành nhiều món ăn đơn giản nhưng hấp dẫn, như món cá suối chiên giòn rụm chấm tương; cá suối kẹp que nướng vàng giòn trên than hồng chấm với nước mắm, tỏi, ớt; cá suối nấu măng chua vừa thanh vừa mát.
Dạ dày nướng
Một đĩa dạ dày, phèo nướng giòn cùng chén rượu cay nồng là đủ để xua cái lạnh tê tái và đắm chìm trong không gian yên bình, tĩnh lặng của phố núi lúc về đêm.
Dạ dày nướng (Ảnh sưu tầm)
Các loại nấm nướng
Rau, đậu và các loại nấm tương tự thịt cũng được xiên thành từng xiên, nướng trên than hoa để ăn kèm với các món thịt nướng. Chỉ một chiếc bàn con con, dăm ba chiếc ghế nhựa và một bếp than hồng cũng đủ để gọi là “quán nướng”. Ở Sa Pa, các quán nướng có mặt ở khắp mọi nơi, từ chợ đến các con hẻm nhỏ. Nhưng được biết đến nhiều nhất là chợ ẩm thực nằm ngay tại Sân Quần thị trấn Sa Pa.
Cải mầm đá
Rau cải mầm đá là loại rau ưa lạnh, mọc trên núi cao, sống trong tiết trời mùa đông thường phát triển từ tháng 11 tới tháng 3 dương lịch hàng năm và là “con cưng” của xứ sở sương mù Sapa (Lào Cai). Cải mầm đá là loại rau rất hiếm và không được bán rộng rãi trên thị trấn sương mù này.
Rau cải mầm đá (Ảnh sưu tầm)
Mầm đá nhìn giống cây cải ngồng nhưng to hơn và có nhiều mầm như búp mọc bao quanh hình tháp nên thường được gọi là cải mầm đá. Khi ăn mầm đá mềm và ngọt hơn cải ngồng nhưng chế biến thường để mầm giòn giòn sần sật thì mới đúng vị của người Sapa và đặc biệt lưu ý nó không hề giống với tên của mình mà rất dễ bị chín mềm khi chế biến.
Mèn mén Sa Pa
Mèn mén Sa Pa được làm từ những hạt ngô tẻ địa phương là thực phẩm hàng ngày của người Mông. Sau khi thu hoạch, ngô được phơi khô và tích trữ, khi cần thì lấy ra sử dụng. Ngô sau khi tách hạt, làm sạch sạn, rác sẽ được cho vào cối xay bằng đá xay cho tróc hết vỏ ngoài rồi sau đó xay nhuyễn.
Mèn mén (bột ngô) được bán ở Sa Pa (Ảnh sưu tầm)
Bột ngô sau khi xay sẽ được trộn chung với nước, bóp cho đều rồi đổ vào chõ, chõ sẽ được đặt trong chảo nước để tiến hành công đoạn đồ. Thông thường người ta đồ ngô 2 lần để cho toàn bộ bột ngô được chín đều và chín hẳn để được thành phẩm là món mèn mén.
Gà đen Sa Pa
Gà đen hay còn gọi là gà ác có thân hình nhỏ, mỗi con trưởng thành thường chỉ nặng tầm 1,2kg, giống như tên gọi của nó, gà mang một màu đen từ đầu tới chân. Gà đen ở Sa Pa không chỉ được biết đến là một món ăn hấp dẫn mà còn được biết đến với nhiều công dụng hữu ích trong lĩnh vực y học với giá trị dinh dưỡng rất cao.
Gà đen Sapa (Ảnh sưu tầm)
Gà đen chủ yếu được bà con đồng bào dân tộc ở Sa Pa nuôi thả và cho ăn các loại rau rừng, cám ngô, cám gạo nên chất lượng thịt cao hơn nhiều so với các loại gà được nuôi công nghiệp.
Cá hồi
Nếu như trước đây khi đến với Sapa du khách chỉ được thưởng thức các loại thịt thú rừng, ăn cá suối, rau rừng và thưởng thức các loại hoa quả vùng ôn đới như táo, lê, mận, đào… hay tham quan các điểm du lịch quen thuộc như Thác Bạc, núi Hàm Rồng, bản Cát Cát, bản Tả Phìn, đỉnh Phanxipang,… thì nay khi đến với Sapa du khách sẽ được thưởng thức đặc sản cá hồi vân nổi tiếng trời Tây và tham quan trại nuôi cá hồi lớn nhất miền Bắc.
Lẩu cá hồi Sa Pa (Ảnh sưu tầm)
Dưới chân Thác Bạc, ở độ cao 1.800m so với mực nước biển, những chú cá hồi vân có xuất xứ từ Châu Âu, Châu Mỹ được chăm sóc rất “chu đáo” trong những cái ao nhân tạo. Đặc điểm sinh tồn của cá hồi vân là sống trong môi trường “nước động”, nhiệt độ thấp dưới 15 độ nên toàn bộ nước trong các ao đều được dẫn bởi 1.000m đường ống từ Thác Bạc về trại cá.
Thắng cố
Thắng cố là món ăn truyền thống của dân tộc Mông ở vùng Bắc Hà, Mường Khương. Về với núi rừng Tây Bắc, có rất nhiều món ngon đặc sản làm nức lòng du khách thập phương. Trong những món ăn đó, có lẽ món ăn để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng du khách chính là món thắng cố.
Thắng cố là món ăn nổi tiếng của người dân vùng cao (Ảnh sưu tầm)
Tuy rằng, không phải ai cũng có thể đủ dũng cảm một lần nếm thử món ăn làm từ thịt ngựa này, nhưng hễ cứ nhắc về Tây Bắc, Sa Pa người ta không bao giờ có thể quên được tên gọi của món ăn này.
Lợn bản
Lợn bản ở Lào Cai còn gọi là lợn “cắp nách” đang được giới sành ăn quan tâm và săn tìm nhiều. Vì vậy tạỉ các phiên chợ nổi tiếng ở Bắc Hà, Sín Chéng, Cán Cấu, hay chợ Mường Khương luôn đông vui tấp nập kẻ bán người mua lợn bản.
Một số đặc sản Sa Pa mua về làm quà
Là một thị trấn vùng cao, khí hậu mát mẻ nên ở Sa Pa có khá nhiều loại đặc sản tươi ngon đặc biệt không chất bảo quản mà khi du lịch Sa Pa các bạn có thể mua về làm quà cho gia đình người thân và bạn bè.
Một số loại đặc sản Sa Pa (Ảnh sưu tầm)
Lê tai nung Sa Pa
Lê tai nung là giống lê có nguồn gốc từ Đài Loan đã được đưa về trồng thử nghiệm tại Lào Cai từ hơn chục năm trước. Cứ vào tầm tháng 6 -7 hàng năm, nhiều nơi ở tỉnh Lào Cai lại tấp nập thu hoạch lê tai nung. Lê tai nung cho năng suất khá cao ngay cả khi thời tiết xấu nên loại quả này đã đem lại nguồn thu đáng kể cho nhiều gia đình ở Lào Cai.
Đào Sa Pa
Sa Pa vốn nổi tiếng là vùng trồng đào ăn quả nổi tiếng. Quả đào chỉ nhỏ như chén nước uống trà, giòn thơm và hơi chua một chút. Lớp vỏ lông tơ mềm mại nên đào Sapa còn được ưu đãi gọi với cái tên “đào lông Sapa”. Giốn đào Sa Pa quả nhỏ, ăn giòn và có vị chua.
Mận hậu Sa Pa
Sapa có rất nhiều loại mận ngon như mận Tả Lý, mận Tả Van, mận vàng, mận đỏ, mận Tam Hoa, trong đó mận Hậu là loại mận ngon nhất. Những cây mận này được trồng trên 20 năm tại Ô Quy Hồ, là loài cây gắn bó với đời sống của người dân Sa Pa, trở thành loại quả đặc sản nhiều người muốn thưởng thức.
Mận hậu (Ảnh sưu tầm)
Mận Sapa không được ngọt, quả to và đẹp như mận Trung Quốc nhưng lại có cái vị chua nhôn nhốt, hơi chát nhưng lại ngọt nơi đầu lưỡi, hạt nhỏ và rất róc hạt, mọng nước.
Cải mèo Sa Pa
Có thể nói, cải Mèo là một loại rau sạch, một đặc sản của thiên nhiên ban tặng cho vùng cao Tây Bắc, có sức sống mãnh liệt, sinh trưởng khoẻ, chống chịu sâu bệnh rất tốt. Nhà người Mông, Dao khi đãi cơm khách, chủ nhà chỉ cần ra nương, đồi nhổ vài cây cải mọc len lỏi trên các hốc đá hoặc tỉa một vài bẹ lá là đã có một bữa rau sạch đãi khách. Do sự hấp dẫn và đặc sắc của cải Mèo, loại rau sạch này hiện nay đã có mặt ở nhiều nơi. Một số địa phương ở Tây Bắc còn nhân rộng giống cải Mèo trong các hộ nông dân để phát triển thành một loại rau đặc sản có giá trị kinh tế.
Đến Sa Pa dễ dàng bắt gặp cải mèo (Ảnh sưu tầm)
Do khí hậu và địa thế vùng cao cùng với đặc tính thổ nhưỡng, ở Sa Pa, cây cải Mèo mọc hoang và được trồng nhiều nơi. Cải Mèo có mã giống như cải bẹ xanh, tùa xại, cải ngọt ở miền xuôi, thuộc họ rau có bẹ, lá dài màu xanh sậm, viền lá khuyết nhọn. Xét về họ hàng, cải mèo thuộc hàng rau có bẹ, lá dài màu xanh đậm, viền lá xoăn cảm giác như có gai, loại có lông, loại trơn, đó cũng là lý giải cho cái tên. Cải mèo trồng nhiều ở các khu vườn vùng cao của người Mông, là thức ăn chính của họ mỗi ngày.
Su su
Hiện nay, ở Sapa có trên 150 ha trồng su su trong đó hơn 100 ha là ở vùng Ô Quy Hồ. Thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp chính là điều kiện lý tưởng để tạo lợi thế cho những người trồng rau ở Sapa phất triển Su Su với những sản phẩm đặc trưng như ngọn Su Su và quả Su Su.
Su su bán tại chợ Sa Pa (Ảnh sưu tầm)
Su su Sapa được trồng trên đât mùn núi cao rất màu mỡ ở độ cao 1500m, thêm vào đó nhiệt độ ngày, đêm có sự chênh lệch lớn nên khả năng tích lũy đường cao giúp Su Su có vị ngọt, độ giòn rất đặc trưng. Rau Su Su ở Sapa thì luôn phát triển rất tốt, năng suất cao và người trồng rất ít khi phải dùng đến những loại thuốc bảo vệ thực vật hay chất kích thích sinh trưởng.
Nấm hương rừng
Cứ sau mỗi trận mưa rào mùa hè, bà con người Mông sống ở Sapa lại vào trong rừng sâu để tìm kiếm nấm hương. Nấm hương từ xưa đã được mệnh danh là “ Hoàng hậu của thực vật” và là “vua của loài rau” (Can thái chi vương), không phải tự nhiên nấm được mệnh danh thế mà vì nấm hương loại thực vật giàu protein nhất có tới 12-14g Protein/100g Nấm hương khô, với hàm lượng trên không có bất kỳ loại rau nào sánh được, nó có thể sánh với lượng protein trong thịt.
Nấm hương rừng Sa Pa (Ảnh sưu tầm)
Rượu táo mèo Sapa
Nhắc đến táo mèo có lẽ nhiều người nói rằng nó chẳng phải riêng của Sa Pa, nhưng khi nhắc đến rượu táo mèo thì sẽ nghĩ ngay đến rượu táo mèo Sa Pa. Vì rượu táo mèo Sapa mang trong mình một chất khác của ẩm thực Sa Pa, rất đặc biệt và không thể tìm thấy ở loại rượu khác.
Táo mèo là một loại quả nổi tiếng vùng Tây Bắc (Ảnh sưu tầm)
Cây táo mèo còn có tên khác là sơn trà – loại cây mọc hoang dại ở khu vực Hoàng Liên Sơn. Do sống hoang dại, lớn lên cùng mưa gió, bão bùng được xem như món quà mà tạo hóa ban tặng cho vùng đất sương mù này. Cũng có thể vì vậy mà táo mèo Sa Pa khi ăn sẽ có vị hơi ngọt, chát nhưng nếu đã ăn được thì sẽ nghiện ngay. Có lẽ vậy cho nên rượu táo mèo Sa Pa càng uống càng say, càng ngây ngất.
Táo mèo ra hoa vào cuối mùa xuân và bắt đầu trĩu quả vào mùa thu. Lúc này quả sẽ được người dân sử dụng để làm nên những hũ rượu táo mèo ngon tuyệt, càng uống càng say làm mê mẩn khách du lịch đến tham quan nơi đây.
Rượu thóc Sim San
Rượu Sim San là đặc sản truyền thống của đồng bào dân tộc Dao. Rượu này được bà con người Dao đỏ trưng cất ở núi với độ cao trên 2000m tại thôn Sim San xã Ý Tý, Bát Xát.
Củ Hà Sin Cô
Được người dân gọi là Hà Sin Cô hay Hoàng Sin Cô. Với công dụng giải khát, thanh lọc cơ thể, nhuận tràng…, giá lại rẻ như khoai, những củ sâm đất tươi được trồng ở vùng núi cao huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai nhanh chóng tạo cơn sốt cho người tiêu dùng thành thị.
Loại củ này có xuất xứ từ Trung Quốc (Ảnh sưu tầm)
Thoạt nhìn, hoàng sin cô có hình dáng giống như củ khoai lang, tùy loại to, nhỏ, củ có trọng lượng từ vài lạng đến khoảng 1kg.
Nấm hương Y Tý
Nấm hương thường mọc vào tháng 4 và tháng 5, khi những cơn mưa bắt đầu xuất hiện. Sau mỗi đợt mưa, nấm lại mọc nhiều hơn, lúc đó người dân lại đi rừng hái nấm về bán. Đi dọc đường hoặc vào các chợ phiên, bạn sẽ bắt gặp những hàng nấm của bà con bày bán. Hãy mua một ít về ăn hoặc về làm quà nhé. Ở Y Tý, tầm tháng 4-5 hay có bán nấm hương, thi thoảng cũng có nấm sò, nấm thông, hoặc một số loại nấm khác. Theo kinh nghiệm của bà con nơi đây, sau mỗi đợt mưa nấm lại mọc nhiều, đó cũng là lúc bà con rủ nhau lên rừng hái nấm.
Bia Hà Nhì
Bia của người Hà Nhì làm từ gạo nếp. Công đoạn ủ bia thì quả là cầu kỳ và độc đáo. Để có được hũ bia ngon, mùi thơm đặc trưng thì điều quan trọng nhất đó là phải chọn được loại gạo nếp ruộng phơi đủ nắng, hạt đều và có mùi thơm. Gạo nếp được đãi sạch, ngâm nước 1 tiếng rồi đem đồ thành xôi. Khi xôi chín, người ta rải xôi ra mẹt và để nguội. Để từng hạt xôi ngấm đều men người ta dùng nước đun sôi để nguội vẩy lên mẹt xôi cho từng hạt tơi ra, không dính vào nhau.
Bia Hà Nhì (Ảnh sưu tầm)
Ngoài gạo ra thì men là cũng là yếu tố quan trọng để làm bia ngon. Men để ủ thành bia là được làm thủ công từ hạt cây rừng, nghiền nhỏ trộn với bột gạo nếp và ủ trong rơm. Sau khi xôi nguội, người ta rắc men trộn đều và cho xôi vào hũ sành, bịt kín lại. Sau 3 ngày, phần cơm xôi đó sẽ lên men, tiết ra nước, phần cái nổi lên trên và phần dưới là nước cốt. Nước cốt màu trắng ngà có mùi thơm và vị ngọt dịu. Lúc này, sẽ chế thêm nước sôi để nguội vào hũ và tiếp tục ủ, đủ 15 ngày sẽ cho ra sản phẩm bia. Cứ 10 kg gạo nếp sẽ cho khoảng 7 lít bia. Càng ủ lâu, nước bia chuyển từ trắng sẽ sang vàng và uống càng ngon.
Lạp xưởng lợn đen
Món lạp xưởng do người Nùng Dín làm ra nổi tiếng. Có giá trị thương phẩm cao bởi cách chế biến cầu kỳ và cách cất giữ bảo đảm. Đó là món ăn ngon đặc biệt nó được chế biến bằng thịt lợn Mường Khương nổi tiếng. Chế biến sử dụng bã mía làm củi để sấy nên lạp xưởng ở đây thơm đậm đà. Chúng vàng óng như mật ong rừng. Khiến những thực khách một lần được ăn là nhớ mãi.
Dứa Bản Lầu (Mường Khương)
Dứa Bản Lầu là loại dứa chỉ có ở Mường Khương. Đến đây du khách sẽ cảm thấy như lạc vào cánh đồng dứa bát ngát vô tận và khó có thể cưỡng lại cái mùi thơm lừng. Dứa thường có 2 mùa là xuân hè và thu đông. Quả dứa to, mắt căng có vị ngọt sắc, thơm ngon.
Cánh đồng dứa Bản Lầu, Mường Khương (Ảnh sưu tầm)
Tương ớt Mường Khương
Đặc sản này do đồng bào dân tộc vùng cao tại huyện Mường Khương – Tỉnh Lào Cai tạo nên, từ chính những quả ớt tươi ngon có hương vị đặc trưng riêng so với ớt của các vùng khác. Ban đầu chỉ là công thức làm tương ớt nhỏ lẻ của những người dân trong vùng với mục đích phục vụ ăn uống trong gia đình.
Tương ớt Mường Khương được làm từ loại ớt sừng trâu, cho vị cay và ngọt (Ảnh sưu tầm)
Vì sau khi du lịch phát triển, tương ớt Mường Khương đã trở thành một đặc sản được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết tới bởi cái hương vị cay cay, thơm thơm ăn một lần là nghiện khiến người ta phải nhớ tới mãi.
Rượu Ngô Mản Thẩn
Nếu Bắc Hà nổi tiếng với rượu Bản Phố thì Si Ma Cai có rượu Mản Thẩn, Sín Chéng làm say lòng thực khách. Rượu ngô Mảm Thẩn – Si Ma Cai là tinh tuý của đất trời ban cho đồng bào nơi đây, được chiết xuất từ hạt ngô trồng trên các triền núi cao, được đồng bào H”Mong lựa chọn những hạt khô, không mối mọt đem “bung” , sau đó trộn với thứ men lá gia truyền có cái tên “Hồng mi”, sau 2-3 ngày lên mốc, sẽ được đem ủ trong các thùng gỗ ‘samu” bịt kín và khoảng 10 ngày sau sẽ được đem trưng cất bằng phương pháp truyền thống “chõ gỗ” được đặt trên chảo gang lớn và dưới chảo nhỏ chứa nước lạnh, hơi nước bốc lên qua lớp ngô ủ, gặp nước lạnh sẽ ngưng tụ, cho ta những giọt rượu “sóng sánh, thơm nồng và ngất ngây”, vi thế nên tiếng mông gọi rượu ngô là “Chaox paos cưz” tức là “mỡ của ngô”…
Vịt Sín Chéng
Vịt Bầu Sín Chéng là giống vịt nuôi bản địa tại huyện Si Ma Cai, được nuôi tập trung chủ yếu ở thôn Bản Giáng, Bản Kha của xã Sín Chéng. Đây là khu vực nằm sâu trong nội địa, cách trung tâm huyện khoảng 27km, giao thông đi lại khó khăn, đồng bào ở đây chỉ đem vịt đi bán mà không mua giống từ vùng thấp về nên vịt ở đây có độ thuần cao.
Vịt Bầu Sín Chéng (Ảnh sưu tầm)
Ưu điểm của vịt Bầu Sín Chéng là có trọng lượng lớn, thịt vịt ngọt, quả trứng to, tỷ lệ lòng đỏ cao nên rất được thị trường ưa chuộng.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Lào Cai
Xem thêm: Hướng dẫn leo Bạch Mộc Lương Tử
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch phượt Y Tý
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch phượt Sapa
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Bắc Hà, Lào Cai
Thảo luận về điều này post