Khi có cơ hội nghỉ ngơi và bạn có dịp về thăm vùng đất Hải Dương. Thế nhưng, bạn lại chưa biết ở Hải Dương có các món nào ngon và hấp dẫn? Vậy thì hãy để RuudNguyen.com giúp bạn có được câu trả lời bằng cách tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Bún cá rô đồng
Cách nấu bún cá rô đồng cũng tương tự như nhiều món bún nước khác (Ảnh sưu tầm)
Bún cá rô đồng được xem là một món ẩm thực nổi tiếng nhất ở Hải Dương. Cá rô sau khi mua về được làm sạch, chia thành 2 phần, 1 phần dùng để nấu nước dùng, 1 phần dùng để bày ra tô. Tô bún cá nóng hổi, nước dùng ngọt thanh đậm đà có chút chua nhẹ. Cá rô chiên giòn rụm, thịt cá rô xào béo ngậy, thơm phức ăn cùng những sợi bún trắng thơm ngon hấp dẫn. Hương vị vừa lạ vừa quen, kích thích vị giác vô cùng.
Bánh cuốn
Bánh cuốn bà Thấu là món bánh gắn liền với thương hiệu bánh cuốn ở Hải Dương (Ảnh sưu tầm)
Bánh cuốn Hải Dương với những tấm bánh mỏng mướt như giấy pơ-luya, thanh mát, trong suốt mà vẫn béo ngậy. Chẳng thế mà cách đây ít năm, khi quốc lộ 5 còn đi qua trung tâm thành phố Hải Dương, những chiếc xe gắn biển Hải Phòng, Hà Nội bao giờ cũng ghé vào Bắc Sơn ăn “Bánh cuốn bà Thấu”. Cái làm nên thương hiệu bánh cuốn Hải Dương bao nhiêu năm trước đến bây giờ vẫn không thay đổi: bát nước chấm vàng sóng sánh, thơm dìu dịu mùi nước mắm ngon, chua thanh thanh vị giấm, loáng thoáng những chấm ớt đỏ tươi và bột hạt tiêu đen nhánh.
Bánh dày Gia Lộc
Bánh dày ăn kèm với giò lụa, xôi nén ăn chung với chả là thứ quà sáng đặc trưng (Ảnh sưu tầm)
Làm bánh dày có ít công đoạn nhưng đòi hỏi tay nghề người thợ làm bánh phải rất khéo léo. Đặc biệt muốn có hương vị thơm ngon nguyên liệu làm bánh nhất thiết phải là gạo nếp vụ mới thì mới bảo đảm được độ dẻo, mềm, thơm ngon. Trước đây, bánh được giã thủ công và tốn rất nhiều sức. Những gia đình làm nghề này phải thức dậy từ 3 giờ sáng để nấu cơm nếp, giã và vắt bánh. Ngày nay, tuy đã có máy xay nhưng cơm nếp xay xong vẫn được giã lại bằng chày để bảo đảm độ dẻo và dính của bánh. Hiện nay, ở Gia Lộc nhiều người đi du lịch thường mang theo bánh dày để thưởng thức dọc đường.
Bánh đậu xanh
Hiện nay, thành phố Hải Dương có trên 50 nhãn hàng bánh đậu xanh (Ảnh sưu tầm)
Bánh đậu xanh được làm từ bột đậu xanh, đường, dầu ăn và tinh dầu hoa bưởi. Các nguyên liệu này đều được chọn lọc cẩn thận và chế biến theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Giúp đảm bảo hương vị nguyên chất của bánh. Bánh đậu thường được thưởng thức khi dùng với nước chè thì sẽ tạo nên hương vị đậm đà, thanh ngọt.
Trước kia, bánh đậu xanh không được gói trong giấy bạc, nhưng để đáp ứng nhu cầu vận chuyển đi xa mà người làm nghĩ ra cách này để chống ẩm và bảo quản bánh được lâu hơn. Bánh đậu xuất hiện chính xác từ bao giờ thì không mấy người biết được nhưng thói quen mua bánh đậu về làm quà mỗi khi có dịp đến Hải Dương thì đã tồn tại từ lâu.
Bánh gai Ninh Giang
Bánh gai Ninh Giang như một thứ quà quê dân dã bình dị, thơm ngon (Ảnh sưu tầm)
Bánh gai Ninh Giang không cầu kỳ về hình thức. Nhưng nó lại hoàn toàn không thể đơn giản về cách thức chế biến. Trong quá trình bánh gai, công đoạn chọn nguyên liệu lá gai là quan trọng bậc nhất. Một thành phần quan trọng của chiếc bánh là bột nếp. Xưa và nay, vùng đất Ninh Giang cũng là một trong những nơi trồng nhiều sen. Do vậy, người dân Ninh Giang có truyền thống sử dụng hạt sen làm nhân bánh gai. Chỉ cần ăn một miếng bánh gai, bạn sẽ cảm nhận ngay được vị ngọt hoà tan nơi đầu lưỡi, mùi thơm của lá gai khiến bạn ăn mãi không chán.
Vải thiều Thanh Hà
Vải Thanh Hà là loại vải thiều rất phổ biến ở nước Việt Nam (Ảnh sưu tầm)
Do có sự thích hợp về điều kiện tự nhiên, vải thiều trồng tại Thanh Hà cho chất lượng đặc biệt ngon, quả nhỏ hình cầu tròn đặc trưng, vỏ màu hồng tươi, sờ hoặc nhìn phần gai vỏ bao giờ cũng lỳ hơn quả vải trồng ở nơi khác. Cùi vải Thanh Hà giòn, màu trắng trong, hạt nhỏ, ngọt dịu và có hương vị thơm nhẹ. Giữa phần cùi và phần hạt không có lớp màng màu nâu, chát như vải trồng nơi khác. Vải thiều ở đây được xem là “vua” của các loại vải với hạt nhỏ, vỏ màu nâu đen, cùi dày, vị ngọt nhẹ, hương thơm và mọng nước.
Chả rươi Tứ Kỳ
Tứ Kỳ Hải Dương là huyện có rươi ngon nhất nhì cả nước (Ảnh sưu tầm)
Đây là món ăn cực hấp dẫn khiến thực khách đã một lần thưởng thức thì sẽ phải nhớ mãi không thôi. Rươi chính là một “món quà quý” của đất Hải Dương và cũng là món đặc sản đã được nhắc đến nhiều, trên khắp các diễn đàn về ẩm thực của thế giới. cứ mỗi độ thu về, vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 âm lịch hằng năm người dân huyện Tứ Kỳ lại bước vào mùa thu hoạch rươi và các tín đồ sành ăn lại háo hức chờ đợi món chả rươi.
Thực chất, rươi có đến hai mùa trong năm, mùa đầu tiên là từ tháng 4 đến tháng 5 và mùa thứ hai là tháng 9, tháng 10 đến tháng 11 âm lịch. Tuy nhiên, mùa rươi cuối năm vẫn được mong đợi hơn cả, vì vào mùa này rươi rất béo và hương vị cũng ngon hơn.
Bánh lòng Kinh Môn
Bánh lòng Kinh Môn là loại bánh đặc sản truyền thống của người Hải Dương (Ảnh sưu tầm)
Để làm ra những khuôn bánh lòng thơm ngon, người làm bánh phải mất rất nhiều thời gian, công sức và khó mà thành công được nếu chỉ có một hai người tham gia. Chính bởi sự cầu kỳ, công phu mà ngày càng ít hộ gia đình trong hai xã An Phụ và An Sinh thuộc huyện Kinh Môn còn tiếp tục làm. Bánh được làm từ những nguyên liệu vô cùng gần gũi đời thường trên mọi cánh đồng làng quê: gạo nếp cái hoa vàng, đường trắng, lạc, vừng, thịt ba chỉ quay kỹ, mứt, dừa khô, hương liệu. Đối với bánh lòng nếu càng nhiều gừng thì ăn càng thơm, càng cay, ăn càng ngon. Một chiếc bánh đạt chuẩn là bánh dùng dao cắt ngọt, ăn dai, ngọt thanh, cay và rất thơm. Có thể để bánh trong 1 thời gian dài.
Bánh đa gấc Kẻ Sặt
Bánh đa gấc Kẻ Sặt Hải Dương là món đặc sản độc đáo của vùng đất này (Ảnh sưu tầm)
Nghề làm bánh đa gấc đã có hơn 30 năm tại thị trấn Kẻ Sặt và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Bánh đa gấc Kẻ Sặt ngoài nguyên liệu chính là gạo tẻ còn được làm từ quả gấc chín. Để làm được những chiếc bánh đa thành phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn. Bánh đa gia truyền có màu vàng óng nhưng hiện nay người ta còn cho thêm cả gấc để tạo màu đỏ hấp dẫn, vì vậy mới có tên là bánh đa gấc Kẻ Sặt.
Hành tỏi Kinh Môn
Hành, tỏi là sản phẩm nổi tiếng chất lượng của huyện Kinh Môn (Ảnh sưu tầm)
Hành tỏi Kinh Môn là thương hiệu được rất nhiều người ưa chuộng. Loại hành tỏi này đã được trồng trọt, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ từ cách đây đã lâu và là đặc sản của huyện Kinh Môn. So với những loại hành, tỏi tại các vùng miền khác, hành tỏi của nơi đây có độ cay, nồng, thơm không đâu sánh được. Do đó, hành, tỏi thường được người dân sử dụng trong những món ăn thường ngày hoặc đem đi bán cho các tiểu thương từ nhiều tỉnh thành khác.
Chuối mật Chí Linh
Chuối mật là loại quả cực kỳ nổi tiếng tại Chí Linh (Ảnh sưu tầm)
Nếu ai từng đến Hải Dương nhất định sẽ bắt gặp đâu đó cái tên chuối Mật Chí Linh. Được xem là món ăn đặc sản của Chí Linh Hải Dương. Đây cũng là loại chuối này giàu chất xơ và tinh bột khoáng cũng như cung cấp vi khuẩn có lợi cho đường ruột của bạn. Trung bình 1 quả có chứa đến 3g chất xơ nên đây là thực phẩm cung cấp chất xơ dồi dào và chống một số bệnh khác như ung thư.
Na Chí Linh
Hải Dương có khoảng 900 ha na, trồng chủ yếu tại thành phố Chí Linh (Ảnh sưu tầm)
Na là một trong 3 loại cây ăn trái chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao, bên cạnh cây vải thiều và ổi Thanh Hà. Na Chí Linh cho thu hoạch từ cuối tháng 7, chính vụ vào tháng 8 đến trung tuần tháng 9 và rải rác tới tháng 10, tháng 11. Na Chí Linh được khách hàng tại các tỉnh miền Bắc rất ưa chuộng.
Ổi Liên Mạc
Ổi Thanh Hà gồm những giống ổi Bo xù, ổi Bo trắng và ổi Thái (Ảnh sưu tầm)
Ổi là một loại quả bổ dưỡng, chứa nhiều chất xơ ăn kiêng, kẽm, kali và mangan và là nguồn cung cấp vitamin A, C cao, ngăn ngừa thiếu máu, ổn định đường huyết… Ổi là cây trồng nổi tiếng của người dân xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà. Cây ổi đang dần trở thành loại cây chủ lực, cùng cây vải nâng cao đời sống kinh tế của người dân nơi đây. Hiện nay, quả ổi Thanh Hà đang được tiêu thụ tại nhiều địa phương trong cả nước.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hải Dương
Discussion about this post