Không chỉ thu hút du khách bằng những địa danh lịch sử, những ngôi làng cổ mà Hưng Yên còn gây thương nhớ bằng những đặc sản ẩm thực nổi tiếng. Sau đây hãy cùng RuudNguyen.com khám phá những món ăn ngon ở Hưng Yên nhé.
Các món ngon và đặc sản Hưng Yên
Bánh dày làng Gàu
Làng Gàu thuộc xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, Hưng Yên vốn nổi tiếng với thứ bánh dày dẻo, dai, trắng nõn. Bánh dày làng Gàu cùng với tương Bần và rượu Trương Xá đã làm nên nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của người Hưng Yên.
Bánh dày làng Gàu (Ảnh sưu tầm)
Khi nhắc đến bánh dày, hẳn ai cũng sẽ nhớ đến sự tích “Bánh chưng bánh dày” đã quá nổi tiếng trong dân gian Việt Nam. Hàng năm, cứ đến ngày giỗ Tổ Hùng Vương thì những chiếc bánh chưng, bánh dày lại được làm như một cách tưởng nhớ công ơn dựng nước của các vua Hùng. Tại vùng đất văn hiến Hưng Yên, món bánh dày ở làng Gàu đã trở thành một món ăn đặc sản gắn liền với địa danh này.
Bún thang lươn
Có tầm 20 nguyên liệu mới đủ để làm bát bún thang lươn (Ảnh sưu tầm)
Bún thang lươn tuyệt hảo như một bức tranh muôn màu bởi sự hấp dẫn của màu sắc các nguyên liệu. Đó là sự kết hợp tinh túy của các nguyên liệu như: nền trắng của bún, màu vàng của trứng gà, màu nâu vàng của lươn, màu trắng ngà của giò lụa, màu vàng béo của thịt ba chỉ kết hợp với màu xanh của rau răm, hành lá. Món ăn được ví như một thang thuốc bổ có nhiều dưỡng chất tạo cho bát bún trở thành một tác phẩm nghệ thuật tuyệt hảo.
Để có những bát bún thang ngon đậm đà đủ màu sắc như vậy, người nấu phải chọn lựa kĩ lưỡng từng nguyên liệu. Ước tính cần phải có 20 nguyên liệu mới đủ để làm bát bún thang lươn Phố Hiến. Cách nấu bún thang lươn đơn giản nhưng gồm nhiều công đoạn khá công phu.
Ếch om Phượng Tường
Vùng quê chiêm trũng này những ngày vào vụ, ếch ở những con kênh, thửa ruộng kêu râm ran suốt đêm.Là món ăn truyền thống từ rất lâu đời, nó đã được đưa vào ca dao như thế này: “Đi thì nhớ vợ cùng con. Về nhà lại nhớ ếch om Phượng Tường”. Những người lớn tuổi ở làng này không biết thực sự là câu ca dao có tự bao giờ, chỉ biết là lúc họ lớn, họ biết đi bắt ếch thì đã được nghe rồi.
Ếch om Phượng Tường (Ảnh sưu tầm)
Có lẽ món ếch om Phượng Tường đặc biệt ở khâu chế biến là dùng tổng hợp nhiều nguyên liệu, gia vị của vùng quê. Nguyên liệu để làm món ếch om Phượng Tường có vỏ quýt khô, mẻ, mộc nhĩ, hạt tiêu, mắm tép và nước mỡ. Băm nhỏ những nguyên liệu này và đem ngâm với thịt ếch khoảng nửa tiếng để thịt đậm đà hơn, sau đó đem nấu thịt ếch, thêm măng hoặc thịt ba chỉ để nấu rồi om cùng. Và cả đặc biệt trong mùi vị dân dã của món. Đó là vị béo của thịt ếch, vị cay thơm từ vỏ quýt khô, tiêu, mẻ, vị giòn giòn của mộc nhĩ và cả mùi thơm đặc biệt từ mắm tép…
Bánh cuốn Phú Thị
Bánh cuốn Phú Thị (Ảnh sưu tầm)
Không nổi tiếng bằng bánh cuốn Thanh Trì, không ồn ào như bánh cuốn trứng Cao Bằng, bánh cuốn Phú Thị lặng lẽ hơn nhưng đã nếm thử thì không thể quên. Lớp vỏ bánh trắng tinh cuộn bên trong là nhân thịt với hành khô, bánh không có quá nhiều loại gia vị nên khi ăn chúng ta sẽ thấy được vị thanh dễ chịu. Bánh cuốn chấm với nước chấm chanh tỏi ớt cùng với một ít thịt rắc ở trên sẽ là hương vị khó quên với du khách khi ghé qua nơi đây.
Từ Hà Nội men theo con đê sông Hồng khoảng 45 phút là bạn sẽ đặt chân đến mảnh đất Mễ Sở (Văn Giang, Hưng Yên) với nhiều các di tích lịch có giá trị như chùa Mễ Sở, chùa Phú Thị và sẽ được thưởng thức rất nhiều các món ăn đặc sản nơi đây trong đó đặc biệt nhất là bánh cuốn làng Phú Thị.
Chả gà Tiểu Quan
Tiểu Quan là một thôn thuần nông của xã Phùng Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ngay cả các vị cao niên trong làng cũng không ai còn nhớ nguồn gốc, sự ra đời của món chả gà có từ bao giờ mà chỉ biết từ khi lớn lên đã thấy những người trong làng chế biến và thưởng thức món ăn này vào những dịp lễ hay Tết.
Chả gà Tiểu Quan (Ảnh sưu tầm)
Để có được món chả gà thơm ngon, người Tiểu Quan phải kỹ lưỡng ngay từ khâu chọn gà. Khác hẳn với món chả thịt lợn nướng, chả gà nướng không để miếng mà là thịt gà nạc tinh. Gà thịt để làm chả phải là loại gà trống tơ nặng khoảng 1,2 – 1,5kg, chưa thiến và chưa đạp mái. Gà làm sạch, chọn chỗ thịt nạc nhất, bỏ hết gân xương rồi thái miếng nhỏ con chì, sau đó cho vào cối giã như giã giò lụa truyền thống. Khi thịt gần nhuyễn thì trộn thêm lòng đỏ trứng gà, nước mắm ngon, bột nêm, hạt tiêu, gừng và một chút mỡ lợn thái hạt lựu rồi giã tiếp.
Canh cá rô
Người Hưng Yên còn tự hào bởi đặc sản canh cá rô, một món ăn đậm chất hương đồng gió nội khác của mảnh đất trù phú. Canh cá rô Hưng Yên là canh cá ngọt, được ăn cùng rau cải trần.
Canh cá rô (Ảnh sưu tầm)
Cá rô đồng đã nổi tiếng thơm ngon, cách chế biến lại kì công như vậy nên càng ngọt thịt, đậm đà. Canh cá rô được ăn cùng bánh đa Hưng Yên chính hiệu và đậu phụ rán vàng giòn.
Đi dọc tuyến đường từ Kim Động về Tp. Hưng Yên sẽ nhìn thấy rất nhiều quán cá rô đồng mọc lên. Dù mọc lên gần nhau, nhưng kỳ lạ thay, vào mỗi buổi sáng, quán nào quán nấy đều đông khách. Nhiều người đi muộn còn không có cả chỗ để ngồi hoặc không còn đồ để ăn.
Tương bần
Lu ủ tương Bần (Ảnh sưu tầm)
Từ xa xưa tương Bần là thứ sản vật ngon dùng để tiến vua. Ngày nay, tương Bần vẫn nổi tiếng khắp nơi và trở thành một loại nước chấm đặc sản khiến nhiều người “mê mẩn”.
Nguyên liệu làm tương Bần không khó kiếm nhưng công đoạn làm tương cực kỳ công phu và mất thời gian. Hơn nữa, để có những bát tương vàng ươm, thơm nức và ngọt đòi hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm rất nhiều từ bàn tay của người thợ và “bí quyết” của từng gia đình. Phải mất ít nhất một đến hai tháng người thợ mới cho ra được một mẻ tương Bần. Tuy nhiên, thời gian lâu hay nhanh còn tùy thuộc vào thời tiết có nắng hay không.
Chỉ cần gạo nếp cái hoa vàng, đỗ tương và muối là đã có thể làm tương. Ba công đoạn chính là lên mốc xôi nếp, ngả đỗ và phơi tương (ủ tương).
Nhãn lồng
Hưng Yên được mệnh danh kinh đô của các loại nhãn, với những trái nhãn lồng có vị ngon bậc nhất ít nơi sánh bằng.Tương truyền xa xưa ở chùa Hiến thuộc tỉnh Hưng Yên, có một cây nhãn xum xuê cành lá, năm nào cũng sai quả mã đẹp khác thường, được người dân gọi là nhãn tổ.
Nhãn lồng Hưng Yên (Ảnh sưu tầm)
Một ngày kia, có một vị quan đi tuần ngang qua vào đúng mùa nhãn chín. Ngài ăn thử, để rồi lập tức bị hương vị ngọt ngào và những thớ thịt nhãn căng mọng, giòn dai mê mẩn, liền nhận ra đây là đặc sản quý báu bèn mang về cung dâng cho vua, từ đó được gọi là “vương giả chi quả”.
Gà Đông Tảo
Gà Đông Tảo (Ảnh sưu tầm)
Là giống gà quý chỉ có ở huyện Khoái Châu, gà Đông Tảo còn được gọi là gà chân voi đôi chân to sần sùi như chân voi, thân hình chắc nịch. Giống gà này rất khó nuôi, đòi hỏi phải kỳ công chăm sóc và gà càng già càng quý, thịt ăn thường có mùi vị thơm ngon đặc trưng không lẫn với bất kỳ loại gà nào. Gà Đông Tảo có thể được nấu thành nhiều món, nhưng độc đáo nhất là món “vảy rồng hầm thuốc bắc” làm từ đôi chân to quá khổ của chúng.
Bánh răng bừa Phụng Cưa
Nhắc đến làng Phụng Công, Văn Giang, Hưng Yên, nhiều người biết đó là làng nổi tiếng trồng cây cảnh. Nhưng còn có một sản phẩm nữa cũng nổi tiếng không kém, đã tồn tại hàng trăm năm qua, đó là món bánh tẻ mà người dân ở đây quen gọi là với cái tên khá lạ- bánh răng bừa, bởi chiếc bánh mang hình thù như chiếc răng bừa.
Bánh răng bừa Phụng Cưa (Ảnh sưu tầm)
Gạo làm bánh ở Phụng Công là gạo tám xoan, hay tám lim, được ngâm trong nước từ 3-4 tiếng, vo sạch, sau đó đem xay nhuyễn thành bột. Bột xay rồi được đem quấy đều trên bếp than hồng đến độ chừng bảy phần chín thì bắc ra, tiếp tục quấy đều tay cho nhuyễn dẻo, người trong nghề gọi là giáo bột, rồi tãi ra mâm cho bột nguội hẳn mới tiến hành gói.
Nhân bánh gồm thịt mông sấn thái nhỏ hạt lựu, hành củ, nước mắm, cà cuống, mì chính, trộn lẫn cho vào chảo đảo đều, chín tới bắc ra, mộc nhĩ, hạt tiêu, dọc hành thái nhỏ đổ vào trộn lẫn. Trong từng công đoạn làm bánh, người Phụng Công khá cầu kỳ và tỉ mỉ. Lá để gói bánh là lá dong được trồng ở vùng đất phù sa ven sông Hồng, mềm dai và có mầu xanh khác hẳn với lá dong có một mầu xanh mướt.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hưng Yên
Discussion about this post