Nếu bạn đang và sẽ lên kế hoạch ghé thăm Thái Bình thì hãy thử ngay những món ngon tuyệt vời sau. Với các món ăn ngon Thái Bình trong bài viết dưới đây RuudNguyen.com sẽ giúp cho bạn có các nhìn khác hơn về nét ẩm thực độc đáo và giản dị nơi đây.
Các món ngon Thái Bình
Bánh cáy làng Nguyễn
Đây là món ăn ngon, nổi tiếng ở Thái Bình (Ảnh sưu tầm)
Tên gọi của bánh bắt nguồn từ hạt nếp cái hoa vàng đem ngâm, trộn gấc đỏ đồ xôi, rồi ép dẻo, xắt hạt lựu lại đem phơi khô (có màu vàng giống trứng con cáy nên bánh có tên gọi là bánh cáy). Vùng Thái Bình có nhiều nơi làm bánh cáy nhưng nổi tiếng hơn cả vẫn là loại bánh có xuất xứ từ làng Nguyễn, thuộc xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng. Bánh cáy thành phẩm đạt chất lượng phải đảm bảo độ ngọt vừa phải, thơm mùi lạc, vừng rang, ngậy vị của mứt bí, độ béo của xôi, dừa và vị cay cay của gừng…
Gỏi Nhệch Thái Thụy
Nhệch khi ăn được chấm nước mắm loại đặc biệt, ăn cùng lá xung, lộc vừng (Ảnh sưu tầm)
Nhệch không phải cá, không phải rắn cũng chẳng phải lươn. Nó có mình dài, bụng trắng và sống được cả ở trong môi trường nước mặn lẫn nước ngọt. Nhệch có thể chế biến thành nhiều món ngon, nhưng với người Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình thì món gỏi nhệch vẫn là số 1. Gỏi nhệch được dùng kèm với các loại lá như cúc tần, vọng cách, đinh lăng, mùi tàu, húng quế, lá sắn, lá sung, lá si, hoa chuối, chuối tiêu xanh, khế quả, ớt… với các vị chua, cay, đắng, chát, thơm, bùi.
Canh cá Quỳnh Côi
Canh cá Quỳnh Côi (Ảnh sưu tầm)
Nguyên liệu làm món canh cá là bánh đa Quỳnh Côi sợi nhỏ, trong suốt đều tăm tắp, khi nấu lên lại trở màu trắng tinh, giòn dai và thơm thơm mùi gạo. Và không thể thiếu nguyên liệu chính là cá quả, cá rô đồng hoặc cá trắm, nhất là cá trắm đen.
Một quá trình đặc biệt làm nên hương vị rất riêng của món canh cá Thái Bình chính là nồi nước dùng và các loại gia vị, rau thơm đi kèm. Nước dùng được chế biến từ phần đầu và xương cá ninh nhừ, thêm chút gia vị là có ngay nồi nước dùng trong, ngọt và đậm đà.
Ổi Bo
Khi ăn ổi Bo không nên cắt miếng (Ảnh sưu tầm)
Cùng với bánh Cáy làng Nguyễn, ổi Bo từ lâu đã trở thành đặc sản của người Thái Bình, được nhiều người biết đến bởi nó hội tụ những tinh túy của đất và người Thái Bình. Quả ổi Bo có nhiều loại: Có loại quả nhìn giống như quả cam dẹt, có loại quả lại như quả lê, lại có quả giống như quả găng có năm múi và năm khe. Nhưng chất lượng và vị ngon của giống ổi Bo chính hiệu là loại quả được trồng trên đất nguyên thổ của làng Bo với chất đất phù sa nhẹ tốt, mỗi năm chỉ cho thu hoạch một vụ vào tháng 7 hằng năm.
Bánh gai Đại Đồng
Bánh gai Đại Đồng (Ảnh sưu tầm)
Trước kia, chưa hẳn bánh gai Đại Đồng đặc sản Thái Bình đã là một loại hàng hóa như bây giờ, người dân miền quê này làm bánh chỉ vào dịp Tết. Trước hết là thờ cúng tổ tiên, sau mới thưởng thức trong ngày xuân hoặc dùng làm quà thăm thú bạn bè nơi xa. Nguyên liệu để làm một chiếc bánh gai là những sản phẩm đồng quê rất sẵn có như lá cây gai, gao nếp, vừng, lạc, đỗ xanh, mứt bí đao, cùi dừa, đường kính, mỡ thịt lợn, hạt sen, dầu chuối…
Nộm sứa Thái Thụy
Nộm sứa Thái Thụy là món đặc sản nức tiếng của biển Thái Bình (Ảnh sưu tầm)
Nộm sứa là món ăn mát, giải nhiệt nếu ai đã từng một lần ăn nộm sứa Thái Thụy vào mùa hè chắc hẳn còn lưu giữ mãi hương vị thanh mát của món hải sản đặc trưng của vùng quê này. Sứa là một lớp nhuyễn thể, thân mềm, sống ở môi trường nước, là động vật thuộc loại xoang trường cùng họ với san hô. Thân sứa trong suốt như thủy tinh, mềm mại như chiếc lá, mang đủ mầu sắc, từ xanh dương, hồng cho đến tim tím… Mùa hè là mùa sứa nổi, nhiều nhất là vào tháng 4, tháng 5. Nộm sứa ngon là sau khi chế biến phải giòn, thơm và khô.
Bánh giò Bến Hiệp
Bánh giò ở đây làm bằng bột tẻ nên ăn không thấy ngán (Ảnh sưu tầm)
Bánh giò ở đây làm bằng bột tẻ ăn không thấy ngán, ăn lót dạ được, ăn thay cơm, ăn đổi bữa được, từ đời nảo đời nào truyền đến tận nay. Bánh được làm bằng bột tẻ lọc, thịt nạc vai dùng chế biến nhân có kèm mộc nhĩ, hành khô, hạt tiêu, nước mắm, muối…và bánh này được luộc từ 45 đến 60 phút. Bánh giò có hình dài nhô cao như hình bàn tay úp khum khum với các ngón tay sát nhau, gói bằng lá chuối.
Bún bung hoa chuối
Bún bung ăn kèm với rau muống, rau thơm và hoa chuối thái nhỏ trộn dấm (Ảnh sưu tầm)
Bát bún bung toát lên vẻ rất đỗi mộc mạc của hồn quê với những sợi bún trắng hòa quyện trong lớp nước dùng hơi đục, bên trên là vài miếng cà chua đỏ, thịt chân giò trắng phau, thịt móng giò săn, chả xương sông thơm lừng… tất cả hòa quyện lại hấp dẫn, thu hút. Món này có hương vị ngọt ngào của nước dùng, béo ngậy từ thịt chân giò mà không ngấy, lại thêm độ chát nhẹ nhàng với hoa chuối và mùi thơm lá xương sông.
Bánh nghệ
Sở dĩ gọi là “Bánh nghệ” vì thành phần chính của bánh là gạo tẻ và nghệ tươi (Ảnh sưu tầm)
Chẳng biết từ bao giờ, bánh nghệ đã trở thành món ăn dân dã ở mỗi phiên chợ quê tại các xã Nam Trung, Nam Thanh, Nam Hồng, Nam Thắng, Nam Chính thuộc huyện Tiền Hải. Không giống như bánh chưng, bánh nếp, bánh mật, bánh rán, là những loại bánh được làm từ gạo nếp, bánh nghệ được làm từ gạo tẻ nên ăn không bị ngán hay nóng ruột. Người dân Tiền Hải cho rằng, ăn bánh nghệ giúp kích thích tiêu hóa, tốt cho phát triển thể chất, vì không dùng chất bảo quản, phẩm màu.
Canh don, don xào lá lốt
Don là loài thuộc họ nhuyễn thể có vỏ như trai hến (Ảnh sưu tầm)
Thịt don mềm ngọt tự nhiên, lá lốt thơm kết hợp với phồng tôm giòn rất ngon. Đây là một món ăn dân dã, được yêu thích ở tỉnh Thái Bình. Con don (con dắt) sống vùi trong cát, vỏ mỏng, hình tựa quả trám nhưng chỉ dài 1-2 cm. Don sống khá nhiều ở vùng Tiền Hải, Thái Bình. Mang tính hàn, vị ngọt tự nhiên, don có tác dụng lợi tiểu, thông khí, mát gan, giải nhiệt rất tốt.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Thái Bình
Discussion about this post