Đặc sản Thanh Hoá cũng giống như danh lam thắng cảnh xứ Thanh vậy, từ lâu đã trở nên gần gũi với hầu hết các du khách. Các món ăn ngon ở Thanh Hóa rất đa dạng, trải dài theo sự biến đổi của vùng địa lý trong tỉnh. Hãy cùng RuudNguyen.com tìm hiểu các món ăn được nhiều người yêu thích nhất khi ghé thăm vùng đất này.
Nem chua Thanh Hóa
Nem chua là món ăn rất nổi tiếng của Thanh Hóa (Ảnh sưu tầm)
Nem chua là đặc sản không thể không nhắc tới ở Thanh Hóa, nem chua thường được chấm cùng tương ớt cay. Loại nem này được làm từ thịt nạc, bì thái chỉ, hạt tiêu, ớt, tỏi và lá đinh lăng, gói bên ngoài bởi rất nhiều lớp lá chuối. Nem chua có nhiều loại: Nem dài, nem vuông, nem cối, nem thính, nem nướng… Tùy nhu cầu sử dụng mà làm ra.
Hải sản Thanh Hóa
Du lịch biển Thanh Hóa các bạn đừng quên thưởng thức các loại hải sản (Ảnh sưu tầm)
Không có gì ngạc nhiên khi một trong những món ăn ngon ở Thanh Hóa các bạn nên thưởng thức chính là hải sản. Tại các điểm du lịch biển nổi tiếng như Hải Tiến, Sầm Sơn, Hải Hòa, Nghi Sơn… luôn có những tàu thuyền đánh bắt hải sản tươi sống đi về hàng ngày. Các bạn có thể nếm thử nếu đi du lịch biển ở Thanh Hóa nhé.
Chả tôm Thanh Hóa
Chả tôm được kẹp que tre, nướng trên than (Ảnh sưu tầm)
Nếu có dịp ghé Thanh Hóa, bạn hãy tìm đến các phố Đào Duy Từ, Lê Thị Hoa, Nhà Thờ… để thưởng thức món chả tôm đẹp mắt, ngon miệng. Cách làm khá cầu kỳ và tỉ mỉ với tôm bột tươi cùng một lượng gấc vừa đủ, thịt ba chỉ bằm đã được xào vàng cùng hành, tỏi để tạo thành hỗn hợp nhân. Vị bùi ngọt của nhân tôm cùng vị chua dịu của dưa góp lẫn chút cay cay của ớt tươi và rau sống thanh mát tạo nên hương vị khó quên cho món ăn.
Bánh khoái tép
Bánh khoái có vẻ giống bánh xèo Nam bộ (Ảnh sưu tầm)
Bánh khoái tép chế biến giống bánh xèo Nam Bộ, nhưng nguyên liệu là tép đồng tươi, rau cần, bắp cải, thì là. Bánh khoái cuốn lại rồi ăn với nước mắm cá. Món bánh này được ăn chung với sung ướp và nước mắm chua ngọt rất đậm đà. Các bạn có thể dễ dàng tìm thấy món này ở các phố Trường Thi, Đào Duy Từ, Hàn Thuyên, chợ Vườn Hoa của TP Thanh Hóa.
Bánh cuốn Thanh Hóa
Bánh cuốn ở Thanh Hóa thường dùng nhân tôm thịt, miếng bánh dày (Ảnh sưu tầm)
Khác với bánh cuốn ở các tỉnh miền Bắc, bánh cuốn Thanh Hóa khác biệt về nhân bánh và cách ăn. Bánh đậm đà, béo ngậy chấm với mắm chanh ớt, ăn cùng chả nướng thơm mùi hành hoa. Bánh cuốn Thanh Hóa thường ăn nóng nên nước chấm có thể được làm nguội. Nước mắm cốt nổi tiếng được ủ chượp từ cá vùng biển xứ Thanh pha lên, dậy mùi chanh, tiêu, ớt, sóng sánh sắc nâu sáng và vị đậm đà.
Bánh ích
Bánh ích Thanh Hóa (Ảnh sưu tầm)
Bánh ích Thanh Hóa có hình tròn, bên trong là nhân tôm thịt, ăn cùng mắm chế chua ngọt, rất mềm và ngon. Được bán nhiều ở các chợ Vườn Hoa, Tây Thành hoặc một vài quán vỉa hè trên phố Đinh Lễ, bánh ích luôn hấp dẫn người ăn và thường hết hàng sớm.
Bánh mì Nam Hà
Bánh mỳ Nam Hà khá nổi tiếng ở thành phố Thanh Hóa (Ảnh sưu tầm)
Nếu có dịp tới thăm Thăm Hóa, du khách sẽ được nghe nhiều về bánh mỳ gia truyền Nam Hà ở phố Trường Thi. Bánh mỳ với hương vị truyền thống không đổi suốt hơn 20 năm qua. Nhân bánh rất đa dạng để bạn lựa chọn, ngon nhất phải kể đến bánh mỳ kẹp nem chua rán, kẹp bò khô, thịt quay.
Bánh răng bừa
Đây là một loại bánh quen thuộc ở miền Bắc (Ảnh sưu tầm)
Đây là loại bánh có ở nhiều nơi với tên gọi bánh tẻ, bánh giò, bánh lá, còn người Thanh Hóa gọi là bánh răng bừa vì có hình dạng giống một nông cụ quen thuộc của nhà nông. Bánh được gói bằng lá dong hoặc lá chuối, nhân bánh gồm thịt ba chỉ, mộc nhĩ, hạt tiêu và hành khô băm nhỏ đã xào qua.
Bánh nhè
Bánh nhè làm giống như bánh trôi, chỉ khác là được nấu bằng mật mía (Ảnh sưu tầm)
Bánh nhè là một trong những đặc sản Thanh Hóa nức tiếng xa gần. Cho đến nay, không ai còn nhớ và lý giải được vì sao bánh nhè lại có cái tên độc đáo đến vậy. Chỉ biết rằng món bánh này đã có từ rất lâu và được ông cha truyền lại từ đời này qua đời khác. Món bánh đặc sản Thanh Hóa này được bán bởi những cô hàng rong trên đường du khách muốn thưởng thức cũng có thể tới chợ Vườn Hoa…
Gỏi cá nhệch Nga Sơn
Gỏi cá nhệch Nga Sơn (Ảnh sưu tầm)
Nhắc tới ẩm thực của Thanh Hóa, thường người ta sẽ nhắc ngay tới nem chua, nem nướng, chả tôm… thế nhưng có một đặc sản không thể không nhắc đến đó là gỏi cá nhệch. Cá nhệch là một loại cá hung dữ, sống được cả ở vùng nước mặn và nước ngọt, bề ngoài trông khá giống con lươn. Gỏi cá được ăn kèm với nhiều loại rau lá khác nhau nhưng bắt buộc phải có các loại như: lá chanh, lá sung, rau húng, tía tô, bạc hà.
Trước đây, gỏi nhệch là món ăn dân dã, chỉ gói gọn trong địa bàn huyện Nga Sơn, thế nhưng ngày nay, gỏi nhệch Nga Sơn đã xuất hiện nhiều trong các nhà hàng, quán ăn không chỉ ở Thanh Hóa mà cả các tỉnh khác.
Cá rô Đầm Sét
Bạn có thể thưởng thức cá rô Đầm Sét quanh năm (Ảnh sưu tầm)
Một trong những món ngon không thể bỏ qua khi đến Thanh Hóa đó là cá rô Đầm Sét. Bạn có thể thưởng thức cá rô Đầm Sét quanh năm, nhưng ngon nhất là vào mùa hè. Miếng cá rô chiên giòn, chấm với mắm ớt cay cay the the hoặc tương bần, sẽ làm bạn lưu luyến mãi đó.
Dê ủ trấu Nga Sơn
Món dê ủ trấu Nga Sơn nổi tiếng nhất là ở Nga An (Ảnh sưu tầm)
Khi đến du lịch Nga Sơn, ngoài món gỏi nhệch nổi tiếng các bạn có thể đến Nga An, một vùng núi đá ở Nga Sơn để thưởng thức các món ăn từ dê. Ủ trấu có thể coi là bí quyết, là điểm độc đáo nhất của món Dê núi Nga An, bởi không phải nơi nào cũng có cách chế biến như cách làm của người dân nơi đây.
Mắm cáy
Bữa cơm gia đình không thể thiếu món nước chấm đặc trưng là mắm cáy (Ảnh sưu tầm)
Cáy xuất hiện nhiều nhất vào mùa hạn hán, nắng gắt. Vì nóng búc mà chúng chui ra đông như kiến. Lúc này chính là thời điểm thích hợp để người dân bắt cáy một cách dễ dàng. Mắm cáy được làm từ con cáy đỏ, mùi vị hơi nồng và có mùi ngái nhưng khi thử miếng đầu tiên, bạn sẽ thấy ngạc nhiên bởi vị thơm ngon, ngọt bùi của mắm cáy. Mắm cáy rất ngon khi chấm cùng thịt luộc, các loại rau củ.
Bánh đúc sốt
Làng Cốc Hạ, ở TP Thanh Hóa được cho là nơi sản sinh ra món ăn này (Ảnh sưu tầm)
Bánh đúc sốt là món ăn gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người Thanh Hoá. Bánh đúc có vị đặc trưng, màu xanh lá rất đẹp mắt. Bánh được làm chủ yếu từ bột gạo và đậu xanh. Bánh đúc sốt phải ăn ngay lúc còn nóng mới ngon. Xúc một thìa bánh sánh mịn, thưởng thức độ ngầy ngậy của bột gạo nấu nước rau ngót, lại có đỗ xanh bùi bùi, thêm chút béo thơm của tóp mỡ và hành phi. Nếu muốn ăn, các bạn phải đến ngã tư Đào Duy Từ vào buổi chiều để thưởng thức.
Bưởi Tiến Vua
Xưa kia, giống bưởi quý hiếm này được dùng để tiến vua bởi màu đỏ quý hiếm (Ảnh sưu tầm)
Bưởi Luận Văn, còn được gọi là bưởi đỏ, là sản vật “tiến vua” ngày xưa. Ngày nay giống bưởi quý được trồng rất nhiều tại làng Luận Văn (xã Thọ Xương) và các xã Xuân Bái, Xuân Lam, Xuân Trường… huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Bưởi có mùi thơm, mọng nước, vị ngọt, ăn rất ngon. Xưa kia, giống bưởi quý hiếm này được dùng để tiến vua bởi màu đỏ được cho rằng sẽ đem lại may mắn, thịnh vượng.
Vịt Cổ Lũng
Vịt Cổ lũng là món ăn nên thử mỗi khi tới Pù Luông (Ảnh sưu tầm)
Vịt Cổ lũng là giống vịt đặc sản ở xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá. Vịt Cổ Lũng có đặc điểm mình bầu, chân ngắn, cổ rụt và to, màu lông giống chim sẻ, đặc biệt quanh cổ có viền khoang trắng. Vịt ở đây được nuôi thả trên các khe suối, kiếm ăn tự nhiên trong nguồn nước chảy từ núi đá, nên thịt có vị thơm ngon nức tiếng gần xa. Vịt Cổ Lũng là đặc sản du khách không thể bỏ qua khi tới du lịch Pù Luông.
Đặc sản Thanh Hóa làm quà
Chè lam Phù Quảng
Chè Lam Phù Quảng là một đặc sản nổi tiếng của huyện Vĩnh Lộc (Ảnh sưu tầm)
Chè lam Thanh Hóa Phủ Quảng được làm từ thứ gạo nếp cái hoa vàng Vĩnh Lộc trắng ngần, kết hợp hài hòa hương vị với những giọt mật mía Kim Tân ngọt sánh, mạch nha, lạc, gừng. Hiện nay, đây là một sản phẩm nổi tiếng để du khách có thể mua về làm quà khi đến khu di tích Thành Nhà Hồ.
Bánh gai Tứ Trụ
Ít người biết Thanh Hóa cũng có đặc sản bánh gai (Ảnh sưu tầm)
Bánh gai Tứ Trụ có nguồn gốc từ làng Mía, thuộc địa phận xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Nguyên liệu bánh gai chia thành hai phần gồm vỏ và nhân. Trong đó, vỏ chỉ gồm gạo nếp và lá gai còn phần nhân có mỡ lợn, đậu xanh, dừa và hạt sen.
Theo lời kể của những người dân làng Mía ở Thọ Xuân, trước đây loại bánh gai này được dâng lên tiến vua và chỉ được làm vào những ngày Lễ, Tết, dịp quan trọng. Nhưng về sau này, nhu cầu của người mua ngày càng cao, vì vậy làng nghề sản xuất quanh năm để đáp ứng cho những cơ sở bán đặc sản hoặc phục vụ khách du lịch mua về làm quà.
Nước mắm Ba Làng
Nước mắm Ba Làng khá nổi tiếng ở Thanh Hóa (Ảnh sưu tầm)
Tại vùng biển Hải Thanh – Tĩnh Gia – Thanh Hóa, nơi nổi tiếng với nguồn tài nguyên biển, cá cơm tươi được đánh bắt trực tiếp ở biển, trải qua quá trình chế biến, ủ chượp nghiêm ngặt trong thời gian dài đã tạo nên sản phẩm nước mắm đậm đà nguyên chất có tên “Nước mắm Ba Làng”.
Nước mắm Ba Làng có vị thơm ngon, có độ sóng sánh, màu vàng cánh gián, độ đạm cao, không còn vị tanh, khi nếm có vị ngòn ngọt trộn lẫn vị mặn đậm đà làm tê đầu lưỡi và đọng mãi trong cổ.
Bánh đa Minh Châu
Bánh đa làng Minh Châu chỉ dùng nguyên liệu duy nhất là bột gạo với vừng (Ảnh sưu tầm)
Để có một chiếc bánh đa ngon, người dân làng Minh Châu phải sự dụng gạo có độ dẻo ít (gạo thường được dùng là Q5) để tráng bánh. Người tráng bánh phải dàn bột đều tay để bánh có độ dày vừa phải, rồi rắc lớp vừng đều trên mặt bánh. Bánh đa làng Minh Châu chỉ dùng nguyên liệu duy nhất là bột gạo với vừng. Theo những người làm bánh lâu năm ở làng thì chỉ làm bằng bột gạo thì bánh đa sau khi quạt mới giữ được độ giòn và thơm lâu, không bị dai dù có để lâu.
Mắm tép
Mắm tép là một trong những món đặc sản Thanh Hoá mua về làm quà (Ảnh sưu tầm)
Mắm tép là món đặc sản Thanh Hoá mà hầu hết các du khách phải mê mẩn. Mắm tép được chế biến từ những con tép tươi được các ngư dân đánh bắt xa bờ. Mắm tép ăn đúng điệu là khi chưng chín với mỡ hành, đảo đều cùng thịt ba chỉ thái mỏng, ăn kèm cơm nóng. Ngày xưa, mắm tép lọt vào danh sách những món ăn dùng để tiến vua.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Thanh Hóa
Discussion about this post