Bài viết dẫn nguồn của bạn Doan Bach về trekking đỉnh Tà Xùa – 2865m (Trạm Tấu – Yên Bái)
(Lưu ý: Địa điểm này dành cho các bạn có sức khỏe, có kỹ năng trekking – đã từng leo 1 vài ngọn núi đơn giản trước rồi)
Hướng dẫn leo chi tiết
Đây là địa điểm dành cho các bạn có sức khỏe, có kỹ năng trekking (Ảnh: Doan Bach)
Ngày 01
Đây là hành trình phù hợp với team (Ảnh: Doan Bach)
Đoàn chúng tôi xuất phát từ Hà Nội, gồm 13 người ,xe bắt đầu khởi hành lúc 19h30 tối mùng 3 Tết. Lên xe mọi người mất ít phút đầu giới thiệu và làm quen nhau giữa các thành viên…Có một số ít bạn quen nhau từ trước vì đã từng leo với nhau 1 cung nào đó rồi,còn đa số còn lạ lẫm nhau.
Xe di chuyển theo hướng đi qua Sơn Tây – Thanh Sơn Thu Cúc – Nghĩa Lộ – Trạm Tấu (Yên Bái). Xe di chuyển mất khoảng hơn 5 giờ đồng hồ,tầm 1h sáng mùng 4 tết ,chúng tôi đến khu vực trung tâm huyện Trạm Tấu – Yên Bái.
Cả đoàn mang hành lý và balo nghỉ tại nhà nghỉ Thảo Nguyên (nằm ở trung tâm thị trấn Trạm Tấu- Yên Bái).
Bạn sẽ thường xuyên gặp biển mây như này (Ảnh: Doan Bach)
Ngày 02
Thời tiết khá lạnh nên hãy luôn giữ ấm nhé (Ảnh: Doan Bach)
Chúng tôi nhận phòng và ngủ đến 6h sáng,cả đoàn đánh thức nhau dậy vệ sinh cá nhân và ăn sáng. Tầm 7h30 xe đến đón đưa chúng tôi di chuyển đến điểm bắt đầu leo tại xã Bản Công, huyện Trạm Tấu. Thời tiết khá lạnh, một chút mưa bay bay,nhiệt độ ước chừng khi đó cỡ 13-14 độ C.
Các bạn có thể thuê porter mang vác hộ (Ảnh: Doan Bach)
Đoàn chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình ,cả nhóm di chuyển đi bộ qua 1 con dốc cao khá dài đến nhà porter dân bản. Chúng tôi phân chia nước uống,bánh kẹo ăn dọc đường, mỗi người tự chuẩn bị và mang đeo trên mình 1 balo cá nhân…
Những ai lượng sức mình, muốn leo nhẹ và thảnh thơi hơn, có thể thuê nhờ porter mang vác hộ balo cho mình trong suốt quãng đường di chuyển lên và xuống núi trong 2 ngày. ( giá tham khảo 500k/1 balo khá nặng/2 ngày).
Rừng nguyên sinh khá rậm rạp (Ảnh: Doan Bach)
Khoảng gần 9h sáng hôm đó,chúng tôi bắt đầu leo. Mọi người vừa đi vừa ngắm cảnh dọc đường, vừa nán lại chụp ảnh.
Sức của mọi người cũng không giống nhau,có người thì mới leo cung này là cung thứ 2, có những người có sức khỏe tốt, có kinh nghiệm leo một vài cung trước rồi, nên đoàn chúng tôi dần dần tự chia thành vài nhóm nhỏ tách nhau một chút.
Tạo dáng bên rừng nguyên sinh (Ảnh: Doan Bach)
Riêng bản thân mình,cung này là cung leo núi lần thứ 10,cách đây 4 năm cũng đã leo Tà xùa này rồi. Lần này quay trở lại,ít nhiều cũng đã có chút kinh nghiệm hơn nhiều bạn khác trong đoàn.
Mình lững thững vừa leo, vừa nghỉ, vừa dừng lại chụp ảnh trên đường khá nhiều. Khoảng cỡ gần 12 h trưa, mình cũng leo đến điểm nghỉ ăn trưa tại ngã 3 có cây táo mèo to (mọi người vẫn hay gọi là Ngã ba cây táo mèo).
Mọi người dừng chân ở đây để nghỉ ăn trưa. Mấy anh porter kiếm củi và cành cây khô đốt lửa ngồi cho ấm. Chúng tôi quây quần quanh đống lửa, ăn cơm nắm, muối vừng, giò và dưa chuột. Bữa ăn trưa đơn giản, nhưng ai ăn cũng ngon miệng… chắc tại sau vài giờ đồng hồ leo dốc cao, ai nấy đều cảm thấy mệt.
Rừng rậm trông rất ma mị (Ảnh: Doan Bach)
Sau khi ăn trưa và nghỉ cơ tầm 40 phút, tầm gần 13h chiều mọi người lại tiếp tục cuộc hành trình. Leo thêm một vài đoạn dốc nữa,cỡ chừng hơn 30 phút,chúng tôi đến Mỏm đá hình đầu rùa. Đây là điểm check in được rất nhiều bạn dừng lại đây chụp hình.
Nếu bạn gặp may mắn ,đứng ở đây nhìn xuống xung quanh phía dưới là một biển mây trắng bồng bềnh, gặp một ngày nắng trời xanh thì chụp hình ở đây quá tuyệt luôn.
Hôm đó, bọn mình dừng lại đây chụp hình cả tiếng đồng hồ mà không chán, bởi mây trời ở đây thay đổi liên tục. Cứ 5-7 phút, cảnh mây trời lại thay đổi,bạn lại có cơ hội ghi lại những khoảnh khắc khác nhau của thiên nhiên.
Cả đoàn đã leo tiếp phía trước, mình vẫn lững thững vừa đi vừa chụp hình tiếp. Thú thật, mình là dân chơi ảnh, nên chuyến đi quay trở lại Tà Xùa lần này cũng chủ yếu là vì kế hoạch săn thật nhiều ảnh đặc biệt… điều mà cách đây 4 năm trước khi ở đây mình chưa làm được.
Băng tiếp qua mỏm đá hình đầu rùa, mình leo tiếp qua khu rừng thông, rồi tiếp đến khu rừng trúc lùn. Góc ngắm qua đoạn rừng trúc lùn khá rộng và thoáng. Ở đoạn này gần như không có cây cổ thụ cao và to. Chủ yếu là những khóm trúc lùn mọc trên sườn núi.
Thành quả lên đỉnh hết sức tuyệt vời (Ảnh: Doan Bach)
Sau khoảng gần 2 tiếng đồng hồ nữa, tầm 16h chiều hơn ,mình đã lên đến lán nghỉ. Mọi người trong đoàn mình hầu hết đã lên lán trước mình có khi cả tiếng đồng hồ trước. Lịch trình thời gian leo của mình như vậy là bởi mình dừng lại chụp ảnh mất thời gian khá nhiều.
Còn ước chừng sức leo vừa phải thì chắc mất ít thời gian hơn.Lên đến lán nghỉ, mình bỏ bớt đồ tại đây. Trong khi mọi người trong đoàn vệ sinh cá nhân,rửa chân tay rồi ai lấy đều chọn cho mình 1 góc chăn ấm . Các anh porter thì đang nhóm lửa nướng gà và chuẩn bị bữa ăn tối cho cả đoàn.
Còn mình thì chuẩn bị 1 chiếc balo nhỏ,tiếp tục xách máy ảnh leo tiếp lên đoạn đầu dốc Sống lưng khủng long tranh thủ săn chút hoàng hôn ở đây. Vì quãng đường từ lán nghỉ leo lên đầu Sống lưng khủng long cũng không mất quá nhiều thời gian, ước chừng chỉ mất thêm cỡ 20 phút leo bộ nữa.
Thế nên ngày đầu leo lên đến lán sớm, chiều hôm ấy có thể tranh thủ leo thêm lên đoạn đầu Sống lưng khủng long mà ngắm cảnh, check-in, chụp hình trước. Theo kinh nghiệm đi núi của mình thì mỗi ngày, mỗi thời điểm cảnh vật luôn thay đổi khác nhau. Hôm nay thời tiết đẹp không có nghĩa là ngày mai cũng như thế.
Có thời gian, chiều nay mà thời tiết đẹp, bạn nên tranh thủ lên đầu sống lưng chụp hoàng hôn, rồi sáng hôm sau lại leo lên chụp được bình minh nữa. Chiều hôm ấy, mình chụp được khá nhiều shot ảnh cảm thấy ưng ý. Đứng trên đầu Sống lưng,chỗ cái xích đu, gió thổi vù vù, khá lạnh ngắm từng đợt mây tràn qua dãy sống lưng.
(Ảnh: Doan Bach)
Đứng đây chụp hình cỡ hơn nưả tiếng, tầm 17h15 mình bắt đầu xuống trở lại lán để kịp trước khi trời tối. Xuống tới lán, cất đồ, rửa chân tay xong là vừa kịp đến bữa ăn tối của cả đoàn. Bữa tối của cả đoàn khá ấm cúng, ở đây không có điện,sóng điện thoại thì yếu,lúc có lúc không. Bọn mình ăn tối trong ánh đèn pin, đèn sạc điện.
Bữa ăn trên núi có món thịt gà, thịt lơn rang, rau bắp cải luộc, canh khoai nấu xương… mọi người nhâm nhi chút rượu, bên nhau vui vẻ, ấm cúng. Ăn tối xong, mỗi người lại lại chọn cho mình 1 góc chăn ấm, có nhóm vài bạn thì chơi bài, người thì nghe nhạc, chuyện trò…
(Ảnh: Doan Bach)
Cũng khá là muộn, ngoài trời sương đêm bắt đầu lạnh hơn, chúng mình đi ngủ để đảm bảo sức khỏe cho ngày leo hôm sau. Lán ngủ được người dân bản dựng ở một nơi khá kín gió, tuy nhiên ban đêm trong rừng nhiệt độ xuống thấp, mặc dù mọi người mặc quần áo dày, đắp chăn kín mít mà vẫn thi thoảng thấy lạnh. Đêm hôm ấy mình ngủ chập chờn, cứ chợp mắt được vài ba tiếng là lại tỉnh giấc.
Ngày 03
Sáng hôm sau, 6h sáng mọi người gọi nhau dậy, cùng nhau ăn sáng. Bữa sáng đơn giản có món mì tôm, cơm rang và trứng luộc. Ăn sáng xong nghỉ ngơi chút, mọi người bỏ lại đồ và balo ở lán, chỉ mang theo người chút nước uống, áo mưa và bánh kẹo ăn vặt dọc đường.
Riêng mình vì có kế hoạch trước muốn chụp 1 bộ ảnh đặc biệt trên đỉnh nên đã chuẩn bị mang theo 1 chiếc balo đựng khá nhiều đồ cá nhân và quần áo, cả 1 chiếc tripod và máy ảnh nữa. Khoảng 7h30 bọn mình tiếp tục leo qua sống lưng khủng long.
(Ảnh: Doan Bach)
Đoạn đầu dốc Sống lưng khủng long khá là nguy hiểm, tuy nhiên cách đây hơn 1 tháng trước UBND huyện Trạm Tấu cấp kinh phí cho người dân bản địa ở đây làm thêm hệ thống dây cáp lan can bảo vệ. Vì thế so với trước thì đoạn dốc này đã bớt nguy hiểm khá nhiều.
Cách đây 4 năm mình leo chưa có hệ thống dây cáp bảo vệ, nhất là leo vào một ngày có gió lốc mạnh, cảm giá mạo hiểm và phê lắm luôn… Đến đây lại làm mình nhớ lại kỉ niệm, lần leo trước cách đây 4 năm khi đứng trước đoạn dốc nguy hiểm này, trong nhóm mình có 1-2 bạn sợ độ cao. Khi ở đoạn dốc này nhìn xuống có bạn đã phải phát khóc vì sợ…
Mình lán lại đoạn đầu dốc để chụp ảnh, chụp xuống phía dưới, phía xa xa trên dãy sống lưng khủng long là đoàn người của nhóm mình , bé tí ti như con kiến nối đuôi nhau. Người thì áo xanh, người áo đỏ, áo hồng, áo cam … đủ thứ sắc màu luôn.
(Ảnh: Doan Bach)
Mọi người tiếp tục di chuyển băng qua sống lưng khủng long. Những đợt mây liên tục thay đổi, mây tràn qua từng đoạn sống lưng khủng long. Có lúc mây ùa tới, chúng mình được tận hưởng cảm giác ngập trong mây. Có lúc thì mù tịt, mưa bay bay khá là lạnh.
Vượt qua đoạn sống lưng này ước chừng chắc mất hơn 1 tiếng đến 1 tiếng 30 phút (tùy theo sức khỏe của mỗi người, cũng còn tùy cả thời tiết đẹp hay xấu nữa). Các bạn lưu ý, thường thường đi rừng núi, bạn thi thoảng đến đoạn đường phân vân đi theo 2 lối.
Hầu hết, đi theo lối mòn rộng thường là lối chính mọi người hay đi… Còn lối còn lại thường là lối đường đi tắt mà các bạn porter và dân bản hay đi cho nhanh. Lối đi tắt này nhanh hơn lối đi chính, tuy nhiên lại có độ nguy hiểm và khó đi hơn lối đi chính.
(Ảnh: Doan Bach)
Hôm ấy có lần mình thử mạo hiểm 1 vài lần đi theo lối tắt, kết quả là được trải nghiệm cảm giác quá mạo hiểm. Trời hôm ấy có chút ẩm ướt nữa, nhiều đoạn lên dốc khá trơn trượt.
Kinh nghiệm của mình là dù là khi lên hay xuống dốc, mình cứ tìm dò các gốc cây, rễ cây chắc chắn mà bám vào rồi leo. Cách đó khá là an toàn, đặc biệt khi leo, bạn nào sợ độ cao thì đừng nhìn xuống 2 bên vách núi phía dưới nha, cứ nhìn vào đường, nhìn vào từng gốc cây ven đường mà mình bám vào. Làm như thế sẽ giúp bạn bớt đi cảm giác sợ độ cao hơn.
Băng qua sống lưng khủng long, chúng mình tiếp tục đi qua khu rừng nguyên sinh toàn cây cổ thụ to đầy rong rêu. Hành trình của bọn mình lúc lên dốc qua quả núi này, khi lại xuống dốc qua quả núi khác. Ở mỗi độ cao khác nhau, có một thảm thực vật rừng khác nhau, khá là đa dạng.
Chủ yếu đa số đoạn rừng này mình hay gặp cây trúc cao, rồi cây đỗ quyên cổ thụ lớn. Hôm mình đi khu rừng ngập trong mây mù, gần như không có ánh nắng…Khu rừng ẩm ướt, toàn cây cổ thụ hàng trăm năm, trên thân cây bám đầy rêu phủ.
Cảm giác lúc này như đi lạc sâu vào một khu rừng cổ tích huyền bí mà mọi người vẫn chỉ hay thấy trong các thước phim trên truyền hình. Càng đi sâu, đi sâu, bọn mình càng được khám phá và chiêm ngưỡng thêm những khoảng rừng nguyên sinh. Dường như nơi đây rất ít người đặt chân tới, có lẽ vậy mà đây là lý do khu rừng này giờ vẫn giữ nguyên được vẻ hoang sơ đến thế.
Kể từ lúc vượt qua dãy sống lưng khủng long rồi tiếp tục vượt qua khu rừng đó, mình ước chừng leo mất cỡ thêm 2 giờ đồng hồ nữa mới lên tới đỉnh 3 (Đỉnh 3 là đỉnh có độ cao 2865m- cao nhất trong 3 đỉnh Tà Xùa, và đỉnh này có gắn chóp). Vẫn chỉ vì mải mê dừng lại chụp ảnh trên đường, đến tận gần 13h chiều, mình mới lên được đến đỉnh, chạm tay sờ vào chóp.
Đã quá giờ trưa , mọi người cũng đói và mệt sau 1 quãng đường leo dài. Bọn mình nghỉ ngơi và ăn trưa nhẹ trên đỉnh. Cũng chỉ có món cơm nắm, thịt gà rang , xúc xích ăn liền nữa…Ăn xong nhóm bọn mình cùng nhau chụp ảnh check-in với chóp Tà Xùa.
Đặc biệt khu vực trên đỉnh có khu rừng ma quái y như trong chuyện cổ tích…Ở đây có rất nhiều góc chụp đẹp , cảm tưởng như đây là khu rừng đẹp và đặc biệt nhất cho tới giờ mà mình đã từng được tận mắt chứng kiến. Trên đỉnh lúc này nhiệt độ đặc biệt lạnh, chắc chỉ vài ba độ C.
Mọi người trong nhóm chụp ảnh tranh thủ xong thì lại quay xuống núi trở về lán nghỉ luôn. Riêng mình vẫn cố ở lại thêm để lưu lại những tấm hình có lẽ không ở đâu có được giống như nơi này. Mình lán lại chụp ở khu rừng gần trên đỉnh ước chừng thêm 1 tiếng nữa, kết quả cũng không làm mình thất vọng, cuối cùng mình cũng chụp và lưu lại được 1 bộ ảnh khá tâm đắc.
Khoảng hơn 14h 30 , bạn leader gọi bộ đàm nhắc mình xuống núi, quay trở lại lán nghỉ, bởi nếu cố ở lại về muộn thêm chút sẽ không đảm bảo và không xuống lán kịp trước khi trời tối. Bọn mình thu dọn đồ rồi nhanh chóng rút xuống núi và lần xuống này gần như đi thẳng một mạch ,gần như không dừng lại chụp ảnh thêm nữa ở đâu.
Bắt đầu xuống núi,chính xác là thời điểm 14h 45, băng qua khu rừng nguyên sinh rồi leo ngược quay lại sống lưng khủng long. Lúc quay về này thì trời gặp chút mưa bụi, mây mù mịt sống lưng khủng long. Đường leo lại ẩm ướt, có chút trơn trượt. Có những đoạn giờ quay trở lại và leo lên dốc , cảm thấy có những đoạn dốc khó và nguy hiểm, không thể hiểu nổi khi sáng đi qua đây mình xuống bằng cách nào nữa.
(Ảnh: Doan Bach)
Cuối cùng sau khoảng 3 giờ đồng hồ leo từ đỉnh trở về, 17h 45 mình đã trở về lán nghỉ an toàn. Lúc sáng vừa leo dốc , vừa chụp ảnh, khá mất sức, tính ra leo lên mất hơn 5 tiếng đồng hồ.Còn khi leo xuống chỉ mất có 3 tiếng đồng hồ thôi.
Xuống đến nơi, mình rửa chân tay , ngồi bên đống lửa sưởi ấm chút xong cũng là vừa lúc bữa ăn tối đến.Bữa ăn tối này là bữa ăn trên lán thứ hai mọi người ăn cùng nhau, sau 2 ngày cùng nhau đồng hành một chặng đường khá dài , mọi người gần gũi,hiểu thêm về nhau hơn.
Ăn xong bữa tối, mỗi người lại chọn cho mình một cách thư giãn riêng.Một nhóm chúng mình thì chọn cách ngồi vây quanh bên đống lửa nhỏ. Thời tiết về đêm trên núi khá là rét, cỡ chừng chắc chỉ 5-7 độ C, thế nên ngồi bên bếp lửa ấm là cách chống lạnh hiệu quả nhất . Có bạn thì mang quần áo , giầy ẩm ướt của mình mang ra hơ cho mau khô.
Bạn thử tưởng tượng cảnh mọi người cùng nhau vây quanh bên đống lửa, ngăm bầu trời đầy sao, cùng nghêu ngao hát theo những bản nhạc từ những chiếc loa bluethooth… Cảm giác ấy thật tuyệt vời, cùng những người bạn mới quen, đến một nơi xa lạ không có điện,không cóa sóng điện thoại, cùng tận hưởng những phút giây thoải mái,không phải nghĩ về công việc,về bộn bề cuộc sống.
Cũng khá là muộn, chúng mình bảo nhau về lán đi ngủ để chuẩn bị cho quãng đường xuống núi ngày hôm sau. Đêm hôm ấy cảm giác như còn lạnh hơn cả đêm hôm trước, ban đêm lán ngủ ngập trong mây mù. Sáng hôm sau dậy mọi người phát hiện, nhìn lên mái tôn trên lán đọng lại rất nhiều giọt sương. Nó nhỏ thành giọt xuống, có chỗ ướt hết cả chăn.
Ngày 04
(Ảnh: Doan Bach)
Vì hành trình hôm sau xuống núi cũng không còn quá phức tạp ,nên sáng hôm sau mọi người ngủ muộn thoải mái hơn chút. 7h sáng bạn Leader đánh thức gọi mọi người dậy, cả nhóm ăn sáng rồi thu dọn đồ cá nhân chuẩn bị xuống núi.
Mọi người tập trung chụp vài kiểu ảnh tập thể của cả nhóm. Khoảng hơn 8h30 cả đoàn dần xuất phát xuống núi. Quãng đướng xuống núi lần này đơn giản hơn, vì một phần leo xuống dốc không mất quá nhiều sức, một phần vì đoạn đường leo từ lán xuống bản giờ rộng và đẹp hơn khi xưa khá nhiều. Mất khoảng 3 tiếng 30 phút leo xuống, cuối cùng mình cũng xuống đến điểm bắt đầu leo, cũng là chỗ xe oto chờ để đón cả đoàn về nhà nghỉ ở thị trấn Trạm Tấu.
Xe đón và đưa đoàn bọn mình về tới nhà nghỉ tầm 13h trưa. Mọi người nghỉ ngơi tắm rửa, rồi cùng nhau quây quần hoan hỉ bên nồi lẩu ấm cúng.
Ăn uống no say xong, 16h xe bắt đầu chở cả đoàn di chuyển về Hà Nội. Sau hơn 5h di chuyển, 21h tối, mình đã có mặt ở Hà Nội, kết thúc 1 chuyến đi thú vị. Mọi người tay bắt mặt mừng, chia tay nhau và hẹn ngày tái ngộ…
Một số lưu ý dành cho các bạn
+ Đây là cung leo núi dài ngày và có độ phức tạp, những bạn chưa trekking lần nào thì mình khuyên chưa nên tham gia ngay được. Bạn hãy thử sức với một vài cung leo núi dễ hơn trước kiểu như Lảo Thẩn, tà Chì Nhù,Fansipan, hay Nhìu Cồ san, Bạch Mộc …rồi hãy nghĩ tới leo Tà Xùa.
Bạn nên đi theo tour do các đơn vị, công ty chuyên có tour leo núi tổ chức. Như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian di chuyển, sức lực, có thể cả chi phí nữa, bởi khi đi theo tour bạn được porter chuẩn bị đồ ăn, leader bao quát và ke được lịch trình và thời gian leo phù hợp với sức khỏe của mỗi người.
Hiện có vài bên tổ chức tour cung Tà Xùa này như T&H Trekking and Hikking, Viet Trekking, Travel Up.
Vừa rồi mình đi theo tour bên Travel Up giá cả hợp lý và mọi thứ khá ổn.
+ Mình cảm nhận lịch trình 3 ngày 2 đêm leo như vậy có vẻ hơi thừa khoảng nửa ngày so với những bạn có sức khỏe leo tốt. Trước đây mình cũng đã leo cung Tà Xùa này với lịch trình 2 ngày 1 đêm.Tuy nhiên lịch trình ngắn vậy bạn phải có sức khỏe và kỹ năng leo thật tốt. Còn với những người thích săn ảnh, thích có thời gian chụp hình như mình thì lịch trình 3 ngày 2 đêm là hợp lý.
+ Leo Tà Xùa có nhiều đoạn dốc cao khá dài, khi leo bạn nên biết cách điều tiết nhịp thở cho phù hợp. Làm đúng cách, bạn sẽ cảm thấy đỡ mệt và đỡ mất sức hơn. Thi thoảng leo mệt, bạn có thể dừng lại nghỉ uống nước, ăn nhẹ chút nạp năng lượng. Nhưng nên nhớ đừng ngồi nghỉ quá lâu, ngồi quá lâu trên núi và trong rừng khá lạnh, nghỉ lâu vậy thân nhiệt bạn lại hạ xuống và cảm thấy lạnh.
+ Leo núi vào những ngày ẩm ướt, đường khá trơn trượt, bạn cần chuẩn bị cho mình một đôi giày có độ bám tốt. (Có điều kiện mua giày leo núi xịn thì tốt, còn không như mình cứ giày bộ đội mà đi, đôi giày đó vẫn theo mình lên được đỉnh tận 10 lần rồi).
(Ảnh: Doan Bach)
+ Đánh giá độ khó của cung Tà Xùa: Trước đây mình vẫn đánh giá Tà Xùa là cung leo núi có độ mạo hiểm và thú vị cao cỡ 8.5/10. Lần này quay trở lại thì mình thấy có vài sự thay đổi nên chỉ đánh giá ở mức độ 7/10. Lý do là bởi, hiện tại so với xưa quãng đường từ điểm bắt đầu trekk ở bản lên tới điểm nghỉ chỗ ngã 3 cây táo mèo, người dân đã mở rộng và cải tạo đường khá rộng và dễ đi hơn xưa.
Tiếp nữa, độ mạo hiểm và hấp dẫn phiêu lưu khi leo trên sống lưng khủng long đã bớt đi nhiều vì gần đây đã được cải tạo làm thêm hệ thống dây cáp bảo vệ ,đỡ nguy hiểm hơn rất nhiều rồi. Bên cạnh đó giờ tại các điểm nghỉ đều đã dựng lán ngủ,có chăn ấm đầy đủ. Điều này khác hẳn so với trước, khi mà hồi xưa chỉ toàn là dựng lều ngủ thôi.
Nói chung , mọi thứ đều tuân theo quy luật phát triển, bạn càng đi sớm bao nhiêu thì nó càng giữ được vẻ hoang sơ và hấp dẫn tự nhiên. Theo thời gian, mọi thứ được cải tạo và thay đổi, đường leo càng dễ đi hơn, nhiều người có thể đi hơn, khi ấy cũng đồng nghĩa với việc khu rừng nguyên sinh cổ tích ấy khó mà giữ được …
Bài viết của mình chỉ mang tính chất tham khảo, mong có thể chia sẻ giúp ích phần nào cho những bạn nào đang và sẽ có ý định đi sắp tới.
Xin hãy nhớ: ” Tà Xùa không đùa được đâu !
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Yên Bái
Xem thêm: Các món ăn ngon ở Yên Bái
Discussion about this post