Nhắc đến Hà Giang thì nhiều người chắc hẳn sẽ nghĩ ngay đến cột cờ Lũng Cú, dòng sông Quế Nho hay đèo Mã Pí Lèng hùng vĩ. Ít ai biết rằng, Hà Giang còn có một nơi có những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất Việt Nam. Cùng RuudNguyen.com khám phá hành trình đi chinh phục bản Phùng với nhiều trải nghiệm hấp dẫn, đặc biệt là cảnh sắc thiên nhiên, con người và ẩm thực bản địa nhé.
Bản Phùng nằm ở đâu?
Bản Phùng là một xã nằm gần biên giới, thuộc địa phận huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, có diện tích 17,04 km². Phía đông giáp xã Chiến Phố, phía tây và nam giáp huyện Xín Mần, phía bắc giáp xã Bản Máy. Bản Phùng là nơi cư ngụ của đồng bào dân tộc La Chí. Cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác, người La Chí trồng ruộng bậc thang, giữ gìn các nét văn hóa truyền thống tốt đẹp thông qua các hoạt động sống và sinh hoạt hàng ngày.
Bản Phùng nằm ở vị trí phía Tây của tỉnh Hà Giang (Ảnh: Đàm Quốc Khánh)
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà nơi này được đặt tên là Bản Phùng. “Phùng” trong tiếng Hán có nghĩa là tương phùng, có lẽ bởi vậy mà khi đến thăm nơi đây, du khách như ghé thăm nơi gặp gỡ thiên nhiên đất trời, khung cảnh núi rừng hùng vĩ với những kiệt tác ruộng bậc thang đẹp đến nao lòng.
Du khách đến đây có thể lưu trú dài ngày tại các homestay (Ảnh: Đàm Quốc Khánh)
Xã Bản Phùng có dân số không đông, được chia thành 8 thôn: Tô Meo, Na Pha, Cum Pu, Na Léng, Pu Mo, Lùng Cẩu, Thống Nhất, Phủng Cá. Bản Phùng có đến 120 ha ruộng bậc thang trải dài trên những ngọn đồi, những sườn núi và chút ít thung lũng hiếm hoi ở đây. Xã này được đánh giá là nơi có ruộng bậc thang đẹp nhất so với các xã lân cận. Mặc dù ruộng bậc thang được tạo hình một cách ngẫu nhiên, ấy vậy mà lại hòa quyện một cách hài hòa vào nhau, vẽ nên khung cảnh tuyệt đẹp.
Phương tiện di chuyển
Đường di chuyển từ Hà Nội lên bản Phùng không quá khó. Các bạn có thể đi xe máy từ Hà Nội chạy lên thẳng bản Phùng hoặc đi xe khách Hà Nội – Hà Giang, sau đó thuê xe máy. Như mình thường chọn cách đi xe giường nằm lên Hà Giang rồi sau đó thuê xe máy, như vậy sẽ nhàn hơn, ít nguy hiểm hơn khi chạy xe đường dài.
Ở đây, cuộc sống của người dân rất mộc mạc, đơn sơ (Ảnh: Đàm Quốc Khánh)
Hiện nay, mọi người không cần phải đi xe khách lên tận thành phố Hà Giang để thuê xe máy nữa, chỉ cần dừng ở Bắc Quang là có chỗ cho thuê xe máy máy. Thuê ở trên thành phố Hà Giang giá có thể rẻ hơn một xíu nhưng các bạn sẽ phải chạy ngược lại khoảng chừng 30km nên rất tốn thời gian.
Từ Hà Giang đến đây khá xa xôi, đường đi nhiều khúc cua, nhiều đoạn ngoằn ngoèo. Do đó nếu tự đi xe máy, bạn cần lái xe chậm và cẩn thận. Đặc biệt hãy đi vào buổi sáng hoặc trưa, tránh đi buổi chiều để đảm bảo an toàn.
Lưu trú bản Phùng
Bản Phùng Hà Giang có đến 120 ha ruộng bậc thang (Ảnh: Đàm Quốc Khánh)
Bản Phùng hiện có một số homestay đáp ứng được nhu cầu ăn uống, ngủ nghỉ của các du khách. Khác với trước kia, các homestay giờ đã được đầu tư hơn, rộng rãi và sạch sẽ hơn. Tuy số lượng không nhiều nhưng đa số các homestay đều có view đẹp nhìn ra cách đồng lúa.
Đi bản Phùng mùa nào?
Người dân bản Phùng xây nhà giữa những cánh đồng bậc thang tít tắp (Ảnh: Đàm Quốc Khánh)
Mùa nào bản Phùng Hà Giang cũng đẹp nhưng đẹp nhất, đẹp mê hồn là vào mùa lúa chín. Vào thời điểm tháng 9 hàng năm, ruộng bậc thang ở đây chuyển từ sắc xanh tươi sang sắc vàng nhạt rồi từ vàng rực, óng ả. Nếu bạn muốn ghé thăm ruộng bậc thang nơi đây thì có những thời điểm mà RuudNguyen.com gợi ý bạn là:
- Tháng 5- 6: Mùa nước đổ.
- Tháng 7- 8: Mùa lúa xanh trên Hoàng Su Phì.
- Tháng 9-10: mùa vàng trên Hoàng Su Phì.
Mùa nước đổ
Mùa nào bản Phùng Hà Giang cũng đẹp (Ảnh: Đàm Quốc Khánh)
Khác với Mù Cang Chải hay Y Tý, dường như ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì lại cao và có độ dốc hơn hẳn chính điều này khiến cho cảnh sắc thiên nhiên nơi đây hùng vĩ hơn hẳn. Những thửa ruộng bậc thang xếp chồng lên nhau, ngoằn ngoèo tạo thành ngọn núi khiến cho bất kì ai cũng phải ấn tượng ngay từ lần đầu chiêm ngưỡng. Vào mùa nước đổ, những bóng nước loang loáng phản chiếu mây trời dưới ánh nắng xen kẽ với màu xanh non của lúa tạo nên một màu sắc hài hòa mà đẹp đến xiêu lòng.
Ở bản Phùng, mây trắng không nhiều và không dày, vì thế chưa phải là tọa độ săn mây lý tưởng. Nếu có thể chụp ảnh bằng drone, flycam, bạn sẽ thu về những bức ảnh đẹp mãn nhãn có cả mây núi, ruộng lúa và nhà cửa.
Mùa lúa xanh
Nếu đến đây đúng dịp lúa chín, bạn không thể bỏ qua cơ hội sống ảo (Ảnh: Đàm Quốc Khánh)
Nếu ghé đến Bản Phùng vào cuối hè, bạn sẽ được ngắm nhìn màu xanh mướt mắt nối tiếp nhau từ thửa ruộng này sang thửa ruộng khác. Màu xanh của sự trù phú, báo hiệu vụ mùa no ấm của vụ mùa sắp tới.
Mùa lúa chín
Cư dân ở đây khá thân thiện, luôn chào đón du khách (Ảnh: Đàm Quốc Khánh)
Ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì nói chung cũng như Bản Phùng nói riêng không giống như những ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải, Y Tý,… Ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì nhìn hùng vĩ hơn bởi nằm trên những ngọn núi cao xen lẫn giữa những ngôi nhà sàn độc đáo của người dân.
Bản Phùng có rất nhiều địa điểm để ngắm ruộng bậc thang đẹp. Bạn sẽ mê mẩn những thửa ruộng bậc thang được xem là “trái tim bản Phùng” qua điểm ngắm nhìn trên từ các homestay.
Mùa lúa chín bản Phùng thường đến sớm hơn các địa phương khác (Ảnh: Đàm Quốc Khánh)
Ruộng bậc thang ở bản Phùng đã trở thành một hồn sống, báu vật được bà con trân trọng. Nó không chỉ đem lại kinh tế mà còn chứa đựng những giá trị tinh thần quý báu của dân tộc.
Nhưng có một lưu ýnhỏ đối với du khách khi đến bản Phùng, lúa ở đây thường chín sớm hơn so với lúa ở nơi khác, vậy nên du khách nên tranh thủ sắp xếp thời gian đến đây vào tháng 9 để được chiêm ngưỡng khoảnh khắc đẹp nhất của mùa vàng nơi đây nhé.
Đặc sắc lễ hội
Lễ hội cơm mới của dân tộc La Chí
Đời sống của người La Chí quanh năm gắn bó với nương rẫy (Ảnh sưu tầm)
Hàng năm, cứ đến mùa lúa chín rộ trên những thửa ruộng bậc thang cũng là lúc người dân tộc La Chí ở Hoàng Su Phì tổ chức lễ hội mừng cơm mới để báo cáo với tổ tiên về một vụ ma đã qua, cảm tạ trời đất đồng thời cầu mong một mùa lúa mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đây là một lễ hội truyền thống của người La Chí ở bản Phùng từ bao đời.
Lễ hội chọi dê
Người La Chí cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí (Ảnh sưu tầm)
Theo thống kê, đàn dê của toàn huyện Hoàng Su Phì có gần 25.000 con, việc phát triển đàn dê đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho rất nhiều gia đình. Để phát huy và thúc đẩy hoạt động chăn nuôi, khơi dậy bản sắc văn hóa và tạo cơ hội quảng bá hình ảnh của địa phương, từ năm 2012, huyện Hoàng Su Phì đã nghiên cứu và xây dựng hội chọi dê khá quy mô, độc đáo.
Không giống với chọi trâu, tất cả các chú dê tham gia hội chọi thắng, thua đều không bị giết thịt. Sau giải đấu, dê được chăm sóc và được thả lại về đàn. Địa phương sẽ cùng với bà con nhân giống những chú dê khỏe mạnh nhằm duy trì nguồn gene tốt, phát triển nghề nuôi dê truyền thống.
Lễ hội Hoàng Su Phì
Lễ hội Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang được tổ chức thường niên từ năm 2015, sẽ bắt đầu vào tháng 9 hằng năm vì đây là thời điểm lúa chín vàng ươm, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến một khung cảnh vô cùng mãn nhãn cùng mùi thơm lúa chín thoang thoảng trong gió.
Đây cũng là thời điểm “vàng” ở Hoàng Su Phì. Vàng vì đồng lúa đã đến mùa thu hoạch, vàng vì đây cũng là lúc mà nhiều du khách tìm về với cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, mang đến cảm giác bình yên với tuyệt tác thiên nhiên ban tặng. Sự kiện được trải dài trên địa bàn 12 xã, thị trấn của huyện Hoàng Su Phì. Mỗi nơi sẽ có những hình thức tổ chức riêng với nội dung phong phú từ văn hóa đến ẩm thực, phong cảnh thiên nhiên.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch phượt Hà Giang
Xem thêm: Các món ăn ngon ở Hà Giang
Discussion about this post