Hồ Núi Cốc là tên một hồ nước ngọt nhân tạo tại tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam cách thành phố Thái Nguyên 16km về phía Tây, cách thành phố Hà Nội gần 100km. Đây là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Thái Nguyên cũng như là điểm du lịch hấp dẫn của du khách. Hơn nữa Hồ Núi Cốc gắn với huyền thoại về chuyện tình nàng Công và chàng Cốc khiến bao người cảm động. Cùng tham khảo bài viết dưới đây của RuudNguyen.com để bỏ túi kinh nghiệm du lịch hồ Núi Cốc nhé.
Giới thiệu về Hồ Núi Cốc
Một góc hồ núi Cốc (Ảnh: Viet Anh Nguyen)
Hồ Núi Cốc là một hồ nước ngọt nhân tạo có diện tích rộng lớn nằm ở khu vực phía Đông của thành phố Thái Nguyên, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 16km và cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng gần 100km. Trong giai đoạn từ năm 1973 đến 1982, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện dự án xây dựng đập ngăn sông Công và trong quá trình xây dựng đã tạo nên hồ nước ngọt này.
Đập Núi Cốc tạo ra Hồ Núi Cốc có diện tích mặt nước trung bình 25 km vuông, ở thời điểm lũ tối đa là 32km vuông; độ sâu 46,2 m, thời điểm cường lũ tối đa là dung tích toàn bộ 175,5 triệu mét khối, dung tích hữu ích 168 triệu mét khối. Hồ-đập Núi Cốc cùng các công trình phụ trợ tạo thành hệ thống thủy lợi Núi Cốc có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 12 nghìn ha lúa thuộc bốn huyện, thành phố phía nam tỉnh Thái Nguyên và khu công nghiệp Thái nguyên với lưu lượng 30 mét khối/giây.
Huyền thoại về Hồ Núi Cốc
Hồ Núi Cốc (Ảnh: Nguyễn Thu Trang)
Núi Cốc là tên gọi một vùng đất, vùng hồ thấm đẫm chất huyền thoại về câu chuyện tình thuỷ chung giữa nàng Công, chàng Cốc. Họ yêu nhau nhưng không thành, một người nước mắt chảy thành sông, người kia chờ đợi mỏi mòn hoá thành núi. Và chính trên con sông Công huyền thoại người ta đã cho xây dựng Hồ Núi Cốc, một hồ nước nhân tạo mang vẻ đẹp tự nhiên, gắn với câu chuyện tình đã đi vào ca khúc “Huyền thoại Hồ Núi Cốc” của nhạc sĩ Phó Đức Phương: “…Nắng lên xanh màu xanh huyền thoại/ Nghe câu chuyện xưa của đôi trai gái/ Tha thiết yêu nhau vẫn không thành đôi/ Ngày tháng dài nhớ mong khôn cùng/ Một người đau nước mắt thành sông/ Một người chờ, chờ hoá núi…”
Nhắc đến Hồ Núi Cốc thì không thể không nhắc đến cuộc tình giữa nàng Công và chàng Cốc – một chuyện tình thương đau còn để lại dấu tích đến ngày nay.
Chuyện xưa kể rằng, dưới chân Tam Đảo có chàng trai nghèo tên Cốc, làm nghề đốn củi. Vì nghèo nên chàng không dám cưới vợ, chỉ làm bạn với cây sáo trúc. Khi buồn, chàng hay thổi sáo và thổi rất hay. Một năm hạn hán, Cốc đến nhà quan lang ở vùng gần sông Công xin làm thuê. Quan lang có người con gái tên Công nổi tiếng xinh đẹp, hát hay và múa giỏi. Đến tuổi lấy chồng nhưng Công vẫn chưa ưng dù nhiều người ướm hỏi.
Duyên trời định đã khiến nàng Công say mê tiếng sáo chàng Cốc và họ yêu nhau lúc nào không hay. Biết chuyện, quan lang rất tức giận. Ông giao cho Cốc làm những việc khó khăn và nguy hiểm hòng giết chàng, chia rẽ đôi tình nhân. Nhưng với sự giúp đỡ của tiên ông và các loại loại thú rừng, Cốc đã hoàn thành nhiệm vụ. Điều này càng làm quan lang tức tối. Quan ra lệnh nhốt nàng Công trong nhà rồi cho quân truy đuổi Cốc.
Phần Cốc, chàng về quê chờ nàng Công. Nhưng cứ chờ mãi, chờ đến khi hóa thành ngọn núi sừng sững. Còn nàng Công, vì khóc thương người yêu ròng rã từ ngày sang ngày mà nước mắt chảy dài thành sông, thân thể cũng tan ra thành nước. Tương truyền, dòng sông mà nàng Công hóa thân thành đã tìm cách chảy về để hội ngộ với núi Cốc. Mỗi đợt lũ lên là những lúc nàng Công cố vươn mình để gần với người yêu hơn.
Ở hồ Núi Cốc còn có một huyền thoại tình yêu khác cũng khiến ta phải tiếc thương không kém là sự tích ba cây thông, kể về chuyện tình yêu đẫm nước mắt của 1 cô gái và 2 chàng trai.
Du lịch Hồ Núi Cốc vào thời gian nào?
Bạn có thể đi du lịch bất cứ vào lúc nào trong năm tùy theo mục đích chuyến đi của mình. Thế nhưng theo kinh nghiệm của những người đã và đi tham quan ở hồ thì thời điểm thích hợp nhất là vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 11 khung cảnh nơi đây đẹp nhất.
Hồ Núi Cốc nhớ tránh mùa nước cạn (Ảnh: Nguyễn Thu Trang)
Vào mùa này là mùa cao điểm thu hút lượng khách du lịch rất đông, vui nhộn, tấp nập mở ra rất nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, tham quan, nghệ thuật….Mùa đông thì ngược lại du khách đến tham quan ít hẳn đi, tất cả mọi thứ đều được hạn chế và không tổ chức.
Hướng dẫn đi tới Hồ Núi Cốc
Nằm cách trung tâm Tp Thái Nguyên khoảng 15km, việc di chuyển tới hồ Núi Cốc cũng khá thuận lợi và dễ dàng. Các bạn có thể đi theo đường qua Tân Cương để kết hợp thăm thú và chụp ảnh tại vùng chè Tân Cương, nơi có đặc sản chè Tân Cương nổi tiếng của Thái Nguyên.
Trên đường tới Hồ Núi Cốc bạn sẽ được ghé qua những vùng đồi chè Tân Cương (Ảnh sưu tầm)
Phương tiện xe khách
Từ Hà Nội hoặc từ địa phương nơi bạn sinh sống, bắt xe khách tới Thái Nguyên. Xe sẽ dừng trả bạn tại bến xe trung tâm Thái Nguyên. Từ đây tới Hồ Núi Cốc còn khoảng 15km các bạn có thể tự thuê xe máy rồi đi theo đường 253 lên khu du lịch Hồ Núi Cốc. Nếu các bạn đi theo nhóm khoảng 4 người, có thể thuê chung một xe taxi bởi chia ra thì chi phí cho mỗi người cũng khá phù hợp.
Phương tiện xe máy
Từ Hà Nội các bạn đi qua cầu Nhật Tân rồi di chuyển theo hướng Quốc lộ 3 đi Thái Nguyên, đến Tp Thái Nguyên các bạn đi theo đường 253 sẽ lên thẳng tới hồ Núi Cốc
Khách sạn nhà nghỉ ở Hồ Núi Cốc
Hồ Núi Cốc không cách xa lắm so với trung tâm Thành phố Thái Nguyên nên nếu không có nhu cầu ở lại nghỉ ngơi các bạn có thể vui chơi ở đây xong quay ngược lại Tp Thái Nguyên, ở đó sẽ có nhiều lựa chọn nghỉ ngơi hơn. Ngoài ra, với các bạn kết hợp đi du lịch Tam Đảo hoặc du lịch Tuyên Quang thì các bạn cũng nên nghỉ tại đây sẽ thuận tiện đường hơn cho lịch trình kế tiếp. Giá cả thì Thái Nguyên có khá nhiều nhà nghỉ giá bình dân cho các bạn lựa chọn.
Ăn gì ở Hồ Núi Cốc
Nói chung, khi đi du lịch Hồ Núi Cốc đa phần các bạn đều xác định đến để nghỉ ngơi và chơi bời nên thường việc ăn uống cũng không quá quan trọng. Đến đây bạn có thể thưởng thức những đặc sản như: Lợn rừng, dúi, nhím, dê núi, gà đồi và đặc biệt món ăn duy nhất chỉ có ở Hồ Núi Cốc đó là món ăn như cháo cá Hồ Núi Cốc, cá nướng Hồ Núi Cốc
Chơi gì ở Hồ Núi Cốc
Công viên nước Hồ Núi Cốc
Công viên nước Hồ Núi Cốc là công viên nước thứ hai được xây dựng ở miền bắc, sau Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội). Công viên nước Hồ Núi Cốc hiện rộng 3,4 ha.
Nếu đi vào mùa hè, các bạn có thể ghé thăm công viên nước (Ảnh: luhanhvietnam.com.vn)
Công viên nước Hồ Núi Cốc có những công trình dịch vụ hấp dẫn du khách như: “Vườn cau ao cá”, “Tích Tề thiên đại thánh”, “Bể bơi”, “Ðường trượt”, “Cá chép”, “Cá heo”… Tượng con cá chép, bụng chứa được 200 người tắm; bể bơi rộng 350 m2, một nửa dành cho thanh niên (sâu 1,2 – 1,5 m), một nửa dành cho thiếu niên (sâu 40 cm – 1 m); có bể nước sâu phía trên mắc hai đường cáp, một cầu nhảy xuống nước sâu 2,85 m; có bốn đường trượt (dự kiến năm sau sẽ thêm bốn đường nữa) bên hai tượng cá heo phun nước…
Sân khấu nhạc nước Hồ Núi Cốc
Sân khấu biểu diễn nhạc nước Hồ Núi Cốc có tổng diện tích 1ha với cột nước cao trên 40m được đánh giá là một trong những sân khấu nhạc nước hiện đại nhất được đầu tư tại Việt Nam hiện nay. Những giai điệu về huyền thoại Hồ Núi Cốc, chuyện tình nàng Công chàng Cốc và địa danh Thái Nguyên thủ đô gió ngàn…được thể hiện bởi 100 loại hình khác nhau của các cột nước.
Sân khấu nhạc nước (Ảnh: dulichhonuicoc.vn)
Chùa Thiêng Thác Vàng
Trong khu du lịch huyền thoại Hồ Núi Cốc là một chốn thiền thanh tịnh với ngôi chùa có cấu trúc rất độc đáo. Đó là Chùa Thiêng Thác Vàng Chùa Thiêng Thác Vàng là tên được đặt theo sự tích chùa nằm trong lòng Phật đặt trên đỉnh Thác Vàng. Ngôi chùa có bức tượng Phật cao 45m, tượng tọa lạc trên đỉnh núi, có một ngôi tam bảo thờ trong lòng Phật. Chùa Thiêng Thác Vàng hoàn thành đầu năm Tân Mão 2011.
Chùa Thiêng Thác Vàng (Ảnh: Foox.vn)
Đến với chùa Thiêng Thác Vàng bạn sẽ được chiêm ngưỡng nghệ thuật điêu khắc đầy tinh xảo với những bức tượng, phù điêu ở trên tường mô tả về những vị Thần, Diêm La, Địa Sát đứng bảo vệ, rất lạ mắt và độc đáo.
Khu chính điện, tam quan, tam bảo, nhà thờ tổ nằm ngay dưới đài sen tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khổng lồ. Pho tượng có màu vàng óng, cao 45m, đường kính chiều ngang của đài sen rộng 37m, hướng mặt ra Hồ Núi Cốc. Sau cánh cửa chùa Thiêng Thác Vàng, bạn sẽ như lạc vào chốn hang động lung linh huyền ảo, bồng lai tiên cảnh. Bạn sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp nhuốm màu Phật Giáo, chạy dọc theo các suối nước nhân tạo nước chảy róc rách với những bức phù điều trên tường. Các bức phù điêu ở đây có diện tích 25-30m2 thể hiện một triết lí Phật Giáo trong thuyết Nhân Quả. Điểm đặc biệt cho cảnh quanh chùa Thiêng Thác Vàng là những búp, lá sen khổng lồ cao 4-5m bên hành lang lối đi từ tầng 1 lên tầng 2.
Khám phá các hang động
Hồ Núi Cốc có hệ thống hang động nhân tạo đẹp không kém các kỳ quan tự nhiên khác, hệ thống hang động nhân tạo gắn liền với những câu chuyện huyền thoại như động Âm Phủ, Thủy Cung, Huyền Thoại Cung, Động Ba Cây Thông…
Hoàng hôn hồ Núi Cốc (Ảnh: Nguyễn Thu Trang)
Vườn động vật hoang dã
Khu vực vườn động vật hoang dã sẽ cho bạn được tận mắt ngắm nhìn những loài động vật như đà điểu khổng lồ, hươu cao cổ, nai rừng, trăn, cầy hương, các loại chim thú quý hiếm khác. Nếu muốn trải nghiệm chút cảm giác mạnh, các bạn có thể thử hình thức câu cá sấu nhé.
Đi thuyền trên Hồ Núi Cốc
Lênh đênh hành trình giữa lòng hồ, phong cảnh hồ Núi Cốc giống như bức tranh sơn thủy hữu tình. Xung quanh là những dãy núi nhấp nhô, cây cỏ in bóng xuống mặt hồ xanh biếc tạo nên cảnh sắc huyền ảo lung linh lúc ẩn lúc hiện, khiến chúng tôi không khỏi sững sờ trước vẻ đẹp quyến rũ của khu du lịch hồ trên núi.
Đi thuyền trên hồ núi Cốc (Ảnh sưu tầm)
Trong không gian tĩnh lặng, thuyền nhẹ trôi, chúng tôi dường như cảm nhận rõ sự mênh mông của vùng hồ nên thơ, lung linh sắc màu huyền thoại câu chuyện tình thuỷ chung người hóa núi, kẻ nước mắt chảy thành sông.
Đảo Núi Cái
Không ai ngờ giữa lòng hồ Núi Cốc thơ mộng lại tồn tại một kiệc tác kiến trúc cổ, với ngôi nhà có tuổi đời hơn 200 năm, được coi là kiệt tác về kiến trúc cổ. Đó chính là “Khu trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam”.
Địa điểm này nằm trên đảo Núi Cái, cũng là hòn đảo lớn nhất trên hồ. Khu trưng bày được hoàn thành và đón khách từ năm 2004, khi đặt chân lên đảo, bạn sẽ phải leo 108 bậc để lên tới Nhà Cổ – di tích đã có tuổi đời hơn 200 năm. Nhà Cổ được làm bằng gỗ lim và thực sự là một kiệt tác về kiến trúc. Đây đã từng là nơi hội tụ hơn 1000 hiện vật là các sản phẩm của hơn 90 làng nghề truyền thống trên khắp đất nước.
Lịch trình đi phượt Hồ Núi Cốc
Hà Nội – Hồ Núi Cốc – Tam Đảo
Lịch trình này khoảng 200km, các bạn có thể kết hợp đi trong mấy ngày cuối tuần từ thứ 6 đến chủ nhật. Do khá gần Tam Đảo nên các bạn có thể kết hợp 2 địa điểm này trong cùng một chuyến đi để đỡ nhàm chán.
Ngày 1: Hà Nội – Hồ Núi Cốc
Từ Hà Nội các bạn đi theo cầu Nhật Tân, hết cầu rẽ sang QL3 rồi từ đó lên thẳng Tp Thái Nguyên, tiếp đó đi lên hồ Núi Cốc. Chặng này chỉ khoảng 90km, đi khoảng từ 2-3 tiếng nên các bạn có thể kết hợp đi từ chiều thứ 6, đừng đi muộn quá là được. Tối ngủ ở Hồ Núi Cốc
Ngày 2: Hồ Núi Cốc – Tam Đảo
– Sáng dậy hãy cứ thoải mái dạo chơi ở Hồ Núi Cốc
– Thuê thuyền đi trên hồ, ghé thăm các đảo
– Trưa ăn trưa tại Hồ Núi Cốc, trả phòng rồi bắt đầu khởi hành sang Tam Đảo, khám phá du lịch Tam Đảo
– Các bạn đi theo hướng QL 37 (đi Tuyên Quang) rồi đến QL 2C thì quay ngược lại Vĩnh Phúc để lên Tam Đảo
– Dạo chơi Tam Đảo, tối nghỉ ngơi ở Tam Đảo. Nếu đi vào cuối tuần nhớ đặt phòng khách sạn trước ở Tam Đảo, đặt sớm thì có giá tốt và đỡ bị chặt chém.
Ngày 3: Tam Đảo – Hà Nội
– Sáng dậy sớm làm cốc cafe trong cái tiết trời mát lạnh của Tam Đảo. Lên Quán Gió để có view đẹp, nhớ lên sớm kiếm chỗ nhé, trên này lúc nào cũng đông nghẹt người.
– Đi tham quan các cảnh đẹp Tam Đảo như: Cổng Trời, nhà thờ, Thác Bạc…
– Trưa làm ít đồ nướng Tam Đảo
– Trả phòng rồi thong thả về Hà Nội, các bạn đi sớm cho thoải mái và đỡ bị sương mù. Trên đường về Hà Nội nếu còn thời gian các bạn có thể ghé thăm Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, chùa Tây Thiên
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Thái Nguyên
Xem thêm: Các món ăn ngon ở Thái Nguyên
Discussion about this post