Bắc Giang là tỉnh miền núi có địa hình đa dạng, núi cao, vùng trung du xen kẽ đồng bằng, có khí hậu ôn hòa, ít bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Với hệ thống giao thông thuận lợi, về đường bộ, đường thủy và rất gần sân bay quốc tế Nội Bài. Hãy để RuudNguyen.com giới thiệu tới các bạn các địa điểm du lịch và các món đặc sản ở Bắc giang nhé.
Giới thiệu về Bắc Giang
Bắc Giang nằm cách Thủ đô Hà Nội 50 km về phía Bắc, cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị 110 km về phía Nam, cách cảng Hải Phòng hơn 100 km về phía Đông. Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Lạng Sơn, phía Tây và Tây Bắc giáp Hà Nội, Thái Nguyên, phía Nam và Đông Nam giáp tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh.
Tỉnh có đặc điểm địa hình của cả miền núi lẫn trung du. Đặc điểm chủ yếu của địa hình miền núi là chia cắt mạnh, phức tạp, chênh lệch về độ cao lớn. Nhiều vùng đất đai còn tốt, đặc biệt ở khu vực còn rừng tự nhiên. Vùng đồi núi thấp có thể trồng được nhiều cây ăn quả, cây công nghiệp như vải thiều, cam, chanh, na, hồng, đậu tương, chè…; chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, thuỷ sản.
Quảng trường trung tâm Thành phố Bắc Giang (Ảnh sưu tầm)
Cùng với rừng núi, tỉnh còn có hệ thống sông, suối xen kẽ nổi tiếng trong vùng như: hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn) rộng gần 3.000 ha, các hồ Khuôn Thần, làng Thum, Lòng Thuyền (Lục Ngạn), suối Nứa (Lục Nam), sông Sỏi (Yên Thế)…, mỗi hồ rộng hàng trăm ha với dáng vẻ đặc trưng riêng về sinh thái của mình. Có hồ chứa hoặc đang triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng dịch vụ nhưng vẫn thu hút hàng vạn du khách tới thăm. Suối Mỡ (Lục Nam) là một thắng cảnh có di tích văn hoá hấp dẫn, đang tiếp tục xây dựng thêm các cơ sở dịch vụ…
Trong những năm gần đây, kinh tế của Bắc Giang phát triển khá toàn diện và đang dần khẳng định được vị thế là Trung tâm kinh tế lớn thứ hai của vùng Trung du và miền núi phía Bắc
Khu du lịch sinh thái, khu du lịch hồ Khuôn Thần, rừng nguyên sinh Khe Rỗ, khu du lịch sinh thái Tây Yên Tử. Du lịch văn hóa lịch sử với thành cổ Xương Giang, di tích khởi nghĩa Yên Thế, chùa Đức La,… Đến với du lịch Bắc Giang du khách như lạc vào không gian của một vùng quê thanh bình, với những trang trại trái cây ngút tầm mắt, hồ nước rộng mênh mông cùng những phong cảnh đẹp nổi tiếng.
Nên đi du lịch Bắc Giang vào thời gian nào?
Đến Bắc Giang mà cùng bạn bè tổ chức cắm trại, nướng đồ ăn, kể chuyện ma nghe là vui nhất nhe!! Bạn có thể tranh thủ đến đây vào bất kỳ thời điểm nào trong năm vì Bắc Giang được xem là một trong số ít các tỉnh ở Miền Bắc có thời tiết tương đối ổn định.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm du lịch Bắc Giang, thì thời điểm lý tưởng nhất mà mình gợi ý cho bạn sẽ tập trung vào hai khoảng thời gian sau:
Phương tiện đi tới Bắc Giang
Bắc Giang cách Hà Nội rất gần, chỉ khoảng 70 km, đây là khoảng cách lý tưởng cho chuyến du lịch của bạn, nhất là đối với những tín đồ ngại quãng đường xa và không có nhiều thời gian du lịch.. Đến Bắc Giang, du khách có thể đi xe khách, xe buýt , tàu lửa hay các phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô.
Đường bộ
Bắc Giang có 4 tuyến quốc lộ chính chạy qua gồm QL 1A, QL 31, QL 27 và tuyến QL 279 (nối các tỉnh miền núi phía Bắc kéo dài từ Quảng Ninh đến tận cửa khẩu Tây Trang, Điện Biên). Oto và xe máy là loại phương tiện dễ dàng và thuận tiện nhất, không giống như một số cung đường đèo Đông Bắc, đường đến Bắc Giang khá thoải và dễ di chuyển, chủ yếu là đường lộ. Từ Hà Nội các bạn chỉ cần chạy thẳng theo Quốc lộ 1A là có thể đến được Bắc Giang, lộ trình này cũng chỉ mất khoảng 40 phút đến 1 tiếng mà thôi.
Đường sắt
Hiện có 2 tuyến tàu chạy qua Bắc Giang là Hà Nội – Đồng Đăng và Yên Viên – Hạ Long nên nếu muốn các bạn có thể đến Bắc Giang bằng tàu hỏa và có thể gửi kèm xe máy theo tàu.
Khách sạn nhà nghỉ tại Bắc Giang
Trong những năm trở lại đây, du lịch tại Bắc Giang đang thay áo mới cho mình. Chính vì vậy, các cơ sở lưu trú, nhà nghỉ, dịch vụ homestay tại đây cũng tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Hiện nay, Bắc Giang đã có khoảng hơn 300 cơ sở với hơn 4.000 phòng đạt tiêu chuẩn.
Các dịch vụ tại khách sạn về ăn uống, ngủ nghỉ cũng được nâng cấp hơn. Vì vậy, bạn có thể dễ dàng lựa chọn cho mình những dịch vụ lưu trú ăn ngủ nghỉ tốt nhất khi đến Bắc Giang.
Các địa điểm du lịch ở Bắc Giang
Bắc Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng về các loại hình du lịch, những năm gần đây, dịch vụ du lịch khá phát triển. Ngoài cảnh quan thiên nhiên sinh động và thảm thực vật phong phú, Bắc Giang còn nhiều điểm du lịch mang đậm văn hóa bản sắc riêng
Đồng Cao
Khoảng hai năm trở lại đây, du khách biết nhiều đến điểm du lịch Đồng Cao, thuộc xã Thạch Sơn, huyện Sơn Động (Bắc Giang) qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng Cao được mệnh danh là “Mẫu Sơn của Bắc Giang“, từ lâu là địa điểm cắm trại cuối tuần hấp dẫn của những người yêu thích du lịch bụi. Với vẻ đẹp nguyên sơ, khí hậu mát mẻ bạn có thể tự do và thỏa thích khám phá phong cảnh tuyệt đẹp nơi đây.
Đồng Cao là một cao nguyên nhỏ thuộc bản Gà, xã Thạch Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Cách Hà Nội khoảng 160km về phía Đông Bắc, có độ cao khoảng 600m (so với mực nước biển). Với địa hình bằng phẳng kiểu thung lũng và biệt lập với khu dân cư, Đồng Cao là điểm đến lý tưởng để cắm trại và tham gia các hoạt động dã ngoại cuối tuần. Ngoài ra, sự mới lạ, mong muốn chinh phục những con đường gập ghềnh, khó đi cũng là lý do để không ít các nhóm trẻ hướng lên Đồng Cao.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Đồng Cao
Khu bảo tồn Tây Yên Tử
Yên Tử là dãy núi cao, nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang. Đây là dãy núi chính của vòng cung Đông Triều (từ Quảng Ninh qua Hải Dương – Bắc Giang và dừng ở bờ tả sông Lục Nam).
Cách Hà Nội chừng 150km về phía Đông Bắc thuộc địa phận hai huyện Sơn Động và Lục Nam, khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử được thành lập từ năm 2002 với diện tích rừng 16.400ha. Đây là một nơi thật đắc địa với nhiều cảnh đẹp hấp dẫn như rừng cấm Khe Rỗ, suối nước Vàng, Đồng Thông…
Nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, rừng cấm Khe Rỗ thuộc xã An Lạc, huyện Sơn Động có diện tích 7.153ha trong đó diện tích rừng tự nhiên đến 5.092ha. Đây là khu rừng nguyên sinh còn giữ nguyên trạng nét hoang sơ tiêu biểu của cả vùng Đông Bắc Việt Nam, được điểm xuyết bằng hồ nước Vũng Tròn mát lạnh, cây Đa cổ thụ, thác Ba Tầng cùng nhiều dòng suối trong vắt chảy quanh co…
Nơi đây có hệ động, thực vật phong phú gồm 786 loài thực vật và cây lấy gỗ trong đó có 255 loài dược liệu; 226 loài động vật thuộc 81 họ, 24 bộ trong đó có 51 loài thú, 102 loài chim, 40 loài bò sát… Nhiều loài động vật qúy hiếm có tên trong Sách đỏ như Voọc đen, Công đất, Gấu ngựa, Gấu chó, Khỉ mốc, Sơn Dương, Báo, Rùa vàng, Tê tê…; nhiều loài thực vật qúy hiếm như Pơmu, Thông tre, Thông làng, Thích xà là, Trầm hương, Lát lim, Sa nhân, Ba tích…
Khu du lịch sinh thái Đồng Thông
Tọa lạc ở xã Tuấn Mậu huyện Sơn Động tỉnh Bắc Giang, nằm cách Hà Nội chừng 140km, khu du lịch sinh thái Đồng Thông đang là điểm đến hấp dẫn được nhiều người biết đến.
Từ Hà Nội du khách có thể di chuyển về thôn Đủng Đỉnh, xã Bình Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang khoảng 120km, tiếp tục di chuyển thêm gần 20km từ thôn Đủng Đỉnh vào xã Tuấn Mậu để chạm chân đến khu du lịch Đồng Thông.
Khi đặt chân đến Đồng Thông – nằm dưới chân non thiêng Yên Tử, bạn sẽ được đắm mình trong không gian bao la, kì vĩ của núi rừng, sự yên bình chốn tâm linh chùa Đồng và tìm hiểu những nét văn hóa của đồng bào dân tộc Dao. Khu du lịch sinh thái Đồng Thông đang là điểm đến hấp dẫn và lý tưởng mà mọi phượt thủ đều muốn di chuyển đến trong những ngày hè oi bức, nóng nực.
Rừng nguyên sinh Khe Rỗ
Nằm trong Khu bảo tồn Tây Yên Tử, cách Hà Nội 120 km về phía Đông bắc, rừng nguyên sinh Khe Rỗ thuộc xã An Lạc, huyện Sơn Động, một khu rừng nguyên sinh tiêu biểu cho vùng Đông bắc Việt Nam. Rừng cấm nguyên sinh Khe Rỗ có diện tích 7.153ha với hệ thống động thực vật phong phú.
Người dân tộc sống ở vùng này chủ yếu là người Tày, ngoài ra còn có người Dao, người Hoa và người Kinh. Hàng ngày họ vào rừng khai thác các cây thuốc và nguồn dược liệu, chiều về ra suối giặt giũ và tắm táp, cuộc sống luôn giản dị và trôi đi một cách bình lặng.
Khu rừng có 236 loài thực vật, cây lấy gỗ, 255 loài dược liệu quý, 37 loài thú, 73 loài chim, 18 loài bò sát, đặc biệt có 7 loài thuộc loại động vật quý hiếm. Có nhiều dòng suối nước trong vắt, chảy quanh co uốn khúc qua rừng. Đây là một khu rừng cấm nguyên sinh còn giữ được vẻ hoang sơ rất thích hợp cho du khách tham quan và nghiên cứu.
Làng Thổ Hà
Thổ Hà là tên gọi của một làng nghề nổi tiếng nay thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Không giống như bao ngôi làng Việt, trải qua những thăng trầm lịch sử và sự tàn phá của thời gian, làng Thổ Hà vẫn hiện lên với tất cả những nét cổ kính, rêu phong. Kiến trúc và những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của làng có sức hút mãnh liệt với khách du lịch trong và ngoài nước. Trước 1960 làng nổi tiếng về nghề làm gốm, từ 1990 lại đây nổi tiếng về nghề làm bánh đa nem và mỳ gạo.
Thổ Hà ba mặt là sông như một hòn đảo, ra khỏi làng là phải đi đò. Làng có hai bến đò: bến Chùa ở trước cửa đình, bến đò dưới nằm ở xóm Ba. Trước kia đò do người chèo trông rất thơ mộng, nhưng ngày nay đều được gắn máy nên đò chở khách nhanh hơn. Dọc bờ sông của làng là thuyền bè của dân vạn chài sinh sống. Chính bởi nét đặc trưng đó, đến với Thổ Hà ta cảm nhận rõ hơn sự lãng mạn, bồng bềnh như lạc về miền quan họ cổ với khung cảnh trên bến, dưới thuyền cùng làn điệu quan họ mượt mà say đắm lòng người
Làng có một trục đường chính chạy theo bờ Bắc dòng sông Cầu, theo chiều dòng chảy lần lượt là Xóm 1, Xóm 2, Xóm 3 và Xóm 4. Vuông góc với trục đường chính là các ngõ xóm sâu và hẹp. Được biết đến sớm nhất với nghề gốm nổi tiếng khắp gần xa, Thổ Hà xưa kia vốn là một trong ba trung tâm gốm sứ cổ xưa nhất của người Việt, là cái nôi đầu tiên của nghề gốm sứ.
Đến với Thổ Hà, du khách còn dễ dàng ghé thăm làng Vân – làng nghề nấu rượu nổi tiếng khắp mọi miền đất nước, thăm đền Bà chúa kho và thăm Chùa Bổ Đà – ngôi chùa có nhiều tháp cổ đẹp nhất Việt Nam, tất cả chỉ trong bán kính chừng 6km.
Đình Thổ Hà
Nằm hữu duyên bên dòng sông Cầu thơ mộng, làng Thổ Hà (xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) lưu giữ trong mình những giá trị văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc.Đó là vẻ đẹp cổ kính mang dấu ấn đặc trưng của một làng quê thuần Việt với một quần thể kiến trúc, văn hóa, cảnh quan hết sức độc đáo, trong đó tiêu biểu là công trình kiến trúc cổ đình Thổ Hà.
Đình Thổ Hà gắn liền với vị Thành hoàng làng là Thái Thượng Lão Quân. Theo Thần tích của làng, ông là người phương Bắc, sống vào thời An Dương Vương, họ Lý, tên Đam (còn gọi là Lão Đam, Lão Tử). Ông có công giết giặc Xích Tỵ quỷ, có công mở trường, dạy học ở làng. Ông được Vua phong là Thượng đẳng thần và Thành hoàng Thái thượng, cho phép làng Thổ Hà lập miếu phụng thờ. Do vậy dân làng đã tôn ông lên làm Thành hoàng, phù trợ cho cuộc sống của dân làng bình an, hạnh phúc.
Đình Thổ Hà là một trong số ít những ngôi đình có ghi niên đại rõ ràng trên thành phần kiến trúc. Theo các văn bia và trên một số cấu kiện của kiến trúc có ghi thì đình Thổ Hà được khởi dựng vào năm 1685.
Thành cổ Xương Giang
Xương Giang là một thành cổ hiện chỉ còn lại tàn tích tại tỉnh Bắc Giang, đây là một trong những nơi đã diễn ra trận chiến giữa quân của Lê Lợi và quân Minh.
Thành cổ Xương Giang nằm ở xã Xương Giang, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Xương Giang là tên ngôi thành cổ do quân Minh xây dựng vào thế kỷ thứ XV (1407). Thành được xây bằng đất, các dấu tích còn lại cho biết thành hình chữ nhật, chiều dài theo hướng Đông – Tây đo được 600m, chiều rộng theo hướng Bắc – Nam 450m, diện tích 27ha, tường đắp đất cao dầy, bốn góc có pháo đài, hào rộng bao quanh, mở 4 cửa, cửa chính trông về phía Tây.
Khảo sát thực tế và hồ sơ di tích thì dấu tích ngôi thành cổ xưa nay còn lại không nhiều, tường thành cao hơn mặt ruộng khoảng 3- 4m, chân rộng 25m, mặt rộng từ 16- 20m, 04 góc có 4 pháo đài cao hơn mặt thành 4m nhô hẳn ra ngoài, ngoài thành là hệ thống hào bao bọc.
Khu di tích Suối Mỡ
Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ thuộc xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, cách thành phố Bắc Giang 30 km về phía Đông Bắc với tổng diện tích hơn 1.000 ha. Đây là khu du lịch nằm sâu trong sườn núi trùng điệp thuộc phía Tây Yên Tử được thiên nhiên ban tặng phong cảnh hùng vĩ với những bậc thác tuyệt đẹp và rừng nguyên sinh phong phú, tạo nên quần thể du lịch sinh thái hiếm có. Không chỉ có cảnh thiên nhiên đẹp, Suối Mỡ còn lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng của một vùng đất cổ giàu truyền thống văn hóa và yêu nước.
Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ bao gồm hệ thống các ngôi đền và núi rừng suối thác, trong đó có cả diện tích rừng nguyên sinh và rừng tái sinh. Với yếu tố sinh thái, Khu du lịch các điểm như: thác Suối Mỡ, vọng Ngắm trăng, đỉnh Rông khế, hồ Suối Mỡ, thác Thùm Thùm… Trong đó, thác Suối Mỡ và thác Thùm thùm là 2 điểm du lịch sinh thái đặc biệt hấp dẫn mà du khách không nên bỏ qua.
Đền Suối Mỡ
Suối Mỡ quanh năm nước chảy rì rào bắt nguồn từ khu vực Đá Vách và Hố Chuối rồi xuôi dòng qua năm bậc thác mẹ, thác con nối tiếp. Tương truyền đó chính là dấu năm ngón tay của nàng công chúa Mỵ Nương. Dọc theo con suối thiêng, nhân dân xây dựng một quần thể di tích gồm: Đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Dấu tích cũ cho biết, quần thể di tích có niên đại từ thời Lê – Mạc và đã được tu sửa, tôn tạo qua nhiều giai đoạn. Đến với lễ hội Suối Mỡ là đến với vẻ đẹp sơn thuỷ hữu tình.
Đền Thượng nằm ở lưng chừng núi Vực Mỡ. Từ đây có thể bao quát cả khu đền Trung, Đền Hạ và một phần thung lũng xã Nghĩa Phương. Đền vốn được tạo ra từ mái đá của sườn núi. Mặt nhìn xuống Suối Mỡ chảy từ thác Thùm Thùm. Từ đây trở xuống Suối Mỡ rộng dần và có nhiều thác lớn nhỏ. Đền Trung ở chân núi Vực Mỡ thuộc hữu ngạn suối này, có không gian rộng rãi thoáng mát. Nước suối trong mát chảy dài xuống Đền Hạ. Đền Hạ quy mô lớn hơn nằm ở giữa thung lũng. Trong ngày hội, đây là nơi tập trung khách thập phương các nơi về lễ đền.
Lễ hội đền Suối Mỡ là ngày hội văn hoá của nhân dân các dân tộc thuộc nhiều làng, xã dưới chân núi thuộc sườn tây Yên Tử (Lục Nam). Các làng Dùm, làng Quỷnh thuộc xã Nghĩa Phương từ thượng cổ tới nay, vào ngày hội đều có lễ rước sắc, bài vị và lễ vật về đền Suối Mỡ. Ngoài ra, hội đền còn tổ chức thi bắn cung, võ dân tộc, đấu vật, cờ bỏi, đánh đu, chọi gà… Một nét văn hoá độc đáo và đặc sắc không thể thiếu trong lễ hội Suối Mỡ, gắn với nhân vật thờ chính ở ngôi đền là nghi lễ hầu Thánh trong ngày lễ hội.
Thác Thùm Thùm
Nằm trong quần thể khu du lịch Suối Mỡ, thác Thùm Thùm, còn gọi là thác Chúa, từ đền Trần đến đây mất khoảng 30 phút. Đến nơi đây du khách như được hòa mình vào thiên nhiên, núi rừng suối thác để tận hưởng cảm giác thư thái, thoải mái, dễ chịu rất riêng của Suối Mỡ.
Hồ Suối Mỡ
Hồ Suối Mỡ được xây dựng trên suối Mỡ thuộc địa phận xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, cách thị trấn Lục Nam khoảng 12,0 km về phía Đông – Đông Nam, phía Bắc giáp đường 293.
Suối Mỡ chảy quanh co trong thung lũng núi Huyền Đinh, Yên Tử – nơi có nhiều thác nước lớn, nhỏ tung bọt trắng xoá và nhiều bồn tắm thiên nhiên. Suối bắt nguồn từ khu vực Đá Vách và Hố Chuối rồi xuôi dòng. Dòng suối lớn dần, chảy len lỏi theo khe núi. Do sự kiến tạo của địa chất tự nhiên, những phiến đá lớn xếp chồng lên nhau theo nhiều dạng, nhiều cấp độ đã làm cho lòng suối thay đổi độ dốc đột xuất tạo ra nhiều thác nước lớn, nhỏ khác nhau.
Suối Mỡ nay còn là là Khu du lịch, thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang. Núi ngàn thăm thẳm, suối thác hùng vĩ hòa quện vào nhau tạo nên bức tranh thiên nhiên huyền ảo, cây cối tươi xanh, khe suối trong vắt. Cảnh sắc hữu tình cùng sự linh thiêng của ba ngôi đền Đền Hạ, Đền Trung và Đền Thượng dọc đôi bờ suối mỗi năm đã thu hút hàng ngàn hàng vạn du khách tới dâng hương và và thưởng ngoạn.
Hồ Khuôn Thần
Khuôn Thần là một hồ nước rộng rộng 240 ha, bao quanh bởi những đồi vải, đồi thông bạt ngàn và xanh mướt. Đây là một khu du lịch còn nhiều tiềm năng của xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Để dễ dàng di chuyển đến hồ Khuôn Thần, bạn có thể thuê xe khách hoặc ô tô để di chuyển. Từ thành phố Bắc Giang theo quốc lộ 31 đi khoảng 40 km lên đến trung tâm ngã tư Đài Phát thanh -Truyền hình Lục Ngạn, sau đó rẽ trái 9 km, du khách sẽ tới khu du lịch Khuôn Thần. Cung đường này tương đối bằng phẳng, giao thông thuận lợi nên ít xảy ra nạn kẹt xe.
Khu du lịch Khuôn Thần nằm tại địa phận huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang là một trong những điểm du lịch đẹp của Bắc Giang, hấp dẫn nhiều du khách trong nước và quốc tế. Khu du lịch Khuôn thần gồm 2 điểm nhấn là hồ và rừng Khuôn Thần
Núi Dành
Cách TP Bắc Giang hơn 15 km, trên núi Dành có nhiều thông, keo vi vu. Núi Dành không quá cao, chỉ chừng 100 m. Giữa dải đồi lô xô bát úp, ngọn núi Dành đột khởi hình dáng tựa quả chuông. Thế núi uốn lượn, uyển chuyển, lại thêm sông Thương và dòng Nhâm Ngao uốn lượn tạo nên phong cảnh sơn thuỷ hữu tình. Quanh núi có 19 di tích đình, đền, chùa, nghè, miếu… Trên núi hiện diện ngôi đền hàng trăm tuổi.
Bản Đá Húc
Bản Đá Húc nằm cách trung tâm xã Bình Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang khoảng 8 cây số. Từ con đường liên xã chạy qua bản nhìn lên giữa những gò đồi nhấp nhô cây cỏ dại lại nổi bật lên một màu xanh của đại ngàn. Đó là khu rừng nguyên sinh, hay còn gọi là rừng lim xanh bản Đá Húc. Cạnh bìa rừng, một ngồi đình cổ kính, trầm mặc nhìn ra khu định cư của đồng bào Cao Lan.
Thác nước Hang Chiêng – Khe Nương Dâu
Trong vẻ đẹp chung của khu rừng này, phải nhắc tới nét chấm phá của chiếc thác nước trong muốt. Nước suối chảy liên tiếp ko ngớt, với các nơi nước chảy xiết đổ vào những bồn tắm thiên tạo, lại có chỗ cái chảy rất dịu êm và mềm mại. Để chinh phục suối, du khách phải mất 4 đến 5 giờ đồng hồ, được leo núi xuyên rừng, ngâm mình trong mẫu suối mát, ngắm nhìn cảnh sắc ngẫu nhiên hoang vu miền sơn cước, hoặc thử sức vượt qua những tảng đá với hình hài kỳ thú sẽ mang lại cho du khách ấn tượng đẹp và khó quên. Một cảm giác thật thoả thích, dễ chịu, đôi lúc lại nhồn nhột khi đi giữa chốn đại ngàn của núi rừng bao la.
Hồ Cấm Sơn
Dòng Cấm Sơn xuất phát từ huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, đến Lục Ngạn thì bị chặn lại thành hồ. Hồ Cấm Sơn là nguồn cung cấp nguồn nước tưới chính cho sản xuất nông nghiệp của hai tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang.
Hồ Cấm Sơn có tổng diện tích mặt nước hơn 2,6 nghìn ha với rất nhiều hòn đảo. Lòng hồ trải rộng, giáp ranh với nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Trong đó, tiếp giáp 5 xã, thị trấn của huyện Hữu Lũng, Chi Lăng (Lạng Sơn) và 4 xã của huyện Lục Ngạn là: Cấm Sơn, Sơn Hải, Hộ Đáp, Tân Sơn.
Đặc biệt, hồ được bao quanh bởi những ngọn núi trùng điệp, rợp bóng cây xanh. Cư dân sống gần hồ là đồng bào dân tộc Nùng, Tày. Nơi đây phương tiện giao thông chủ yếu là thuyền máy.
Chùa Vĩnh Nghiêm
Chùa tọa lạc ở nơi có vị thế cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với thế đất con quy ẩm thực, được thư tịch và tư liệu cổ ghi nhận là một danh lam cổ tự đứng đầu thiên hạ. Trong tấm bia khắc dựng ngày 04 tháng 09 năm 1606 ghi việc trùng tu Vĩnh Nghiêm có mô tả cảnh quan chùa như sau: “Chùa Vĩnh Nghiêm là một danh lam thắng tích. Trước mặt bên phải thì có Xương Giang, Đức Giang, chẽ nhánh hội vào Lục đầu giang mênh mông uốn khúc đưa con thuyền từ bi cứu vớt chúng sinh.
Giữ một vị trí địa lý tâm linh quan trọng, chính vì vậy mà suốt nhiều thập kỷ qua, nơi đây đã trở thành địa điểm dừng chân lý tưởng cho du khách trước khi vượt sông leo núi về với kinh đô của đất thánh Yên Tử. Dân gian vẫn truyền tụng câu ca:
“Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm
Vĩnh Nghiêm chưa tới thiền tâm chưa đành”.
Chùa được xây dựng từ thế kỷ thứ XI dưới thời Vua Lý Thái Tổ (1010-1028) có tên là chùa Chúc Thánh (Chúc Thánh thiền tự). Theo bia tháp ghi lại, năm Thuận Thiên Nguyên Niên (1010), Vua Lý Thái Tổ cử hai quan trong triều là Nguyễn Đạo Thành và Phạm Hạt thiết kế đồ án, lo việc kiến thiết 8 ngôi chùa, trong đó có chùa Vĩnh Nghiêm ngày nay.
Chùa cổ Bồ Đà
Chùa Bổ Đà có tên chính xác là chùa Quán Âm núi Bổ Đà hay Bổ Đà Sơn Quán Âm Tự, gọi tắt là chùa Bổ, còn có các tên gọi khác là chùa Quán Âm, Tứ Ân Tự , là một trong những ngôi chùa độc đáo nhất miền đất Kinh Bắc, là Trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Trên diện tích hơn 50.000 m2, quần thể chùa Bổ là tập hợp di tích gồm chùa chính (Tứ Ân Tự) cùng hai đền thờ Đức Thánh Hóa và Thạch Tướng Đại Vương. Khuôn viên gồm ba khu: nội tự, vườn tháp và vườn cây ăn trái. Không nhiều chùa có được một khuôn viên rộng lớn, lại trải dài trên triền đồi như vậy.
Lưng tựa vào núi, góc nhìn xuống làng mạc và ruộng lúa, chùa Bổ là một ngôi chùa đã cổ kính lại tuyệt đẹp. Tôi có cảm giác như cánh rừng kia đang dang tay ôm trọn lấy khuôn viên u tịch của ngôi chùa. Ngày nay, không còn vết tích gì của một cánh rừng hoang vu rùng rợn xưa kia (thế kỷ 9-10), khi nơi này được đặt tên là rừng Trời ơi, vì những tiếng kêu được cho là của những oan hồn bị giết khi kẻ cướp còn hoành hành trong rừng.
Lăng Dinh Hương
Lăng Dinh Dương, thuộc làng Dinh Hương, xã Đức Thắng là một quần thể kiến trúc điêu khắc đá hoành tráng, độc đáo thời Hậu Lê, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1965.
Khu thờ tự gồm sân thờ có đôi voi chầu, các bàn bệ đăng đối, bậc tam cấp đá ong rộng dẫn lên phần ban thờ cũng xây vuông vức như phần mộ táng. Phần cao nhất là ngai thờ và hương án đều chạm khắc từ đá nguyên khối, đường nét hoa văn giản dị, tạo cảm giác bề thế, trang trọng.
Chiếm một vị trí khá lớn trong quần thể lăng Dinh Hương là phần bia, trải qua thời gian, những chữ chạm khắc trên bia đến nay vẫn còn khá rõ nét. Đến lăng đá Dinh Hương, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng, ngưỡng mộ trước vẻ đẹp độc đáo của quần thể di tích này.
Các món ăn ngon và đặc sản Bắc Giang
Vải thiều Lục Ngạn
Vải thiều Lục Ngạn vốn có nguồn gốc từ Thanh Hà (Hải Dương), nhưng từ khi bén duyên với đất đồi Lục Ngạn – một mảnh đất có tiểu vùng khí hậu đặc trưng riêng và được người dân nơi đây chăm sóc, vun trồng với những quy trình kỹ thuật đầy sáng tạo nên quả vải thiều đã có bước tiến mới về chất “như ngọc được mài”. Điều đó đã tạo nên thương hiệu vải thiều Lục Ngạn – một sản phẩm đặc sản có những hương vị thơm ngon riêng biệt mà không nơi nào có được.
Bánh đa Thổ Hà
Bánh đa Thổ Hà có 2 loại: bánh đa vừng và bánh đa dừa, mà đặc sản là loại bánh đa dừa ngọt cao cấp. Để làm bánh đa dừa rất công phu, ngay từ việc chọn nguyên liệu. Đầu tiên, gạo làm bánh đa dừa phải là loại gạo ngon, vừng trắng được đãi kỹ, không sạn. Lạc chọn loại già, nhân to, mẩy, dừa già, cùi dày, và sau cùng là đường kính hoặc đường phên.
Trước tiên, người ta ngâm gạo 1-2 tiếng để ráo nước, sau đó đổ vào cối xay, vừa xay vừa đổ nước, để nước có độ vừa phải không loãng mà cũng không đặc quá. Sau đó lọc bột bằng vải. Trước khi tráng, người ta đun chảy đường hòa với bột cho đều. Các nguyên liệu khác được sơ chế như sau: Vừng đem ngâm, xát vỏ; Lạc nhân thái thật mỏng sau đó xẩy sạch vỏ; Dừa nạo sợi dài, mỏng. Cuối cùng là công đoạn tráng bánh.
Người làm bánh đa ở đây không phải đem bán mà đều có người đến lấy tận nhà. Bánh đa Thổ Hà đã theo chân thương lái đến nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, như một món quà của ngôi làng ven sông Cầu thơ mộng.
Bánh đa Kế
Bánh đa Kế là một món ăn bình dị, dân dã, chứa đựng trong đó bao hương vị, đậm đà quê Bắc Giang. Những chiếc bánh đa với hình yên ngựa vàng bóng, vị thơm, béo của vừng đen, vị bùi bùi của lạc, vị thơm nhè nhẹ của gạo hòa lẫn với khoai lang, vị đậm đà của muối tinh.
Điểm đặc biệt dễ nhận ra ở bánh đa Kế chính là lớp vừng lạc ở bên trên. Do đó, trước khi đem bánh ra phơi, người làng Kế thường rắc rắc một lượt vừng đen cùng lạc sống giã giập lên mặt bánh còn bốc hơi nóng hổi. Tuy nhiên, không phải rắc thế nào cũng được. Lạc vừng rắc phải đảm bảo trải đều trên mặt bánh, nhưng tập trung ở phần tâm để khi nướng lạc vừng chín tới. Điều này không những giúp bánh đa Kế ăn vừa miệng mà còn vừa mắt người ăn.
Gọi là bánh đa Kế bởi món bánh này được làm ở làng Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang. Xưa kia, bánh đa Kế chỉ là món ăn dân dã ở vùng thôn quê. Khi ăn những chiếc bánh đa có vị bùi, ngọt, giòn và thơm lừng. Thưởng thức món quà quê dân giã ấy là trải nghiệm một phần văn hóa trong đó mà theo như người Dĩnh Kế, đó là thưởng thức một loại hình ẩm thực truyền thống
Nham Vân Xuyên
Nguyên liệu chính để làm Nham gồm: Trám đen nấu bỏ hạt lấy cùi; thịt ba chỉ áp chảo thái chỉ; thịt cá sông (đánh bắt từ sông Cầu) nướng. Ba thứ đó theo tỉ lệ 1:1:1, đem trộn với gia vị như lạc rang, quả núc nác nướng, rau thơm, khế chua, nêm mắm muối vừa đủ. Cách làm như sau: Trám đen (đã om chín và ngâm trong nước muối loãng) dã nhỏ; thịt ba chỉ áp chảo thái chỉ; cá nướng gỡ xương lấy thịt, rau mùi gai, húng quế, tía tô, khế chua thái nhỏ, đặc biệt không thể thiếu lá gừng tươi và lá hẹ thái nhỏ, tất cả trộn đều và rắc thêm vừng hoặc lạc rang giã rối… khi ăn dùng bánh đa nem cuốn ngoài.
Thưởng thức đặc sản này, thực khách sẽ cảm nhận được vị bùi, béo của trám đen; ngọt đậm của cá và hương thơm của các loại gia vị rau thơm, vừng, lạc… tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên hương vị đặc trưng rất lạ, khó quên.
Gỏi cá mè Hiệp Hòa
Khi ăn, món thịt, xương cá đã thấm khô dùng thính gạo rang hoặc bánh đa quê giã nhỏ như bột xay, riềng giã mục trộn vào cá cho thơm mới bày ra đĩa khi ăn dùng lá mơ to hoặc lá sung để gói. Cá được đặt vào lá, xúc một ít hạt (1 cùi rìa con) muối ớt, tỏi vừa vặn và các loại lá khác, tùy mỗi miếng và sở thích của mỗi người mà dùng loại lá để cùng ăn với gỏi.
Gỏi cá mè (Ảnh sưu tầm)
Miếng gỏi như vậy thì chỉ thấy mùi thơm, không hề thấy có mùi tanh mặc dù là cá Mè ranh. Tất cả các loại lá, hạt, gia vị làm cho gỏi cá có mùi vị đặc trưng, chỉ có ăn mới cảm nhận hết cái mùi vị thơm ngon, bùi…rất thanh tao của món gỏi cá.
Chè đỗ đãi Mỹ Độ (Chè kho)
Chè đỗ đãi Mỹ Độ có màu vàng hơi sậm – màu của đỗ với những hạt vừng tấm trắng rang thơm được rắc lên mặt đĩa chè như là vì sao sa. Hương đậu xanh, hương vừng, vị ngọt thanh của đường kính, vị béo thoang thoảng của mỡ, chất đậm đà của đậu xanh hòa quyện vào nhau. Ăn một miếng chè đỗ đãi ta thấy cái cảm giác thật khó tả: vị ngòn ngọt tan từ từ trong miệng.
Chè kho Mỹ Độ tuy dân dã nhưng ai đã một lần được thưởng thức đều khó quên bởi hương vị đậm đà, thanh mát. Chè có màu vàng óng – màu của đỗ với những hạt vừng tấm trắng rang thơm được rắc lên mặt đĩa. Hương đậu xanh, hạt vừng, vị ngọt thanh của đường kính, chất đậm đà của đậu xanh hòa quyện vào nhau đã tạo nên sự đặc trưng cho món ăn.
Bánh coóc mò
Bánh coóc mò thường được dân tộc Tày, nhất là ở huyện vùng cao Sơn Động ưa thích trong ngày Tết Nguyên đán. Xưa, bánh được gọi là bánh sừng bò, vì có các góc nhọn trông giống sừng của con bò; nay gọi chệch là bánh coóc mò.
Bánh coóc mò dân dã, nhưng ẩn sau đó là biểu trưng sức mạnh của tình đoàn kết, luôn sát cánh bên nhau, là ước nguyện về một năm mới bội thu, sung túc của đồng bào dân tộc vùng cao.
Bánh gio Hiệp Hòa
Cơm đồng Chóa, cá đồng Ưa, cua đồng Chùn… những câu phương ngôn, cùng những câu ca, ngạn ngữ: “Hành Nga Trại, cải Tiếu Mai – Lý Viên gỏi cá, bánh đa kẻ xà”; “Rền gai vỏ quýt, vỏ bòng – dành dành, núc nác đốt làm bánh gio”… truyền mãi trong dân gian, ghi vào sử sách nói về đặc sản quê tôi, những món ăn dân dã mà bất cứ ai đã thưởng thức một lần là nhớ mãi.
Lá gói bánh gio thường là lá dong, lá tươi sẽ nhanh chuyển màu và có mùi nếu để lâu, nên người ta dùng lá dong phơi khô, khi gói ngâm nước cho mềm, mỗi lá gói một bánh dài khoảng 20 phân, to hơn ngón chân cái. Luộc bánh bằng củi là tốt nhất, khi luộc nồi bánh phải ngập nước, nếu nước cạn lại đổ them nước, đun sôi khoản 20 phút bắc ra khỏi bếp ngâm đến khi nước nguội thì vớt bánh.
Để bánh có màu đẹp, khi luộc cho ít măng khô hay quả dành dành thì bánh sẽ trong và màu vàng óng. Bánh gio vừa mềm, vừa dẻo, gấp như gấp lạt mà không gãy, cầm một đầu lẳng đi lẳng lại cứ dẻo quẹo, nên dân gian còn gọi bánh gio là bánh “lẳng”. Ngày tết, ngày hội, đám cưới,… ăn nhiều thứ dễ sinh trướng bụng, đầy hơi, món bánh gio ăn mát, lành sẽ làm ta dễ chịu, nhuận tràng, tiêu hóa tốt. Vì thế bánh gio vừa là món ăn ngon, vừa là vị thuốc nam, món ẩm thực đặc sản của cùng quê luôn được mọi người ưa chuộng cùng với mật mía mật ong.
Cua Da
Huyện Yên Dũng (Bắc Giang) có đặc sản nức tiếng khiến ai một lần thưởng thức sẽ nhớ mãi, đó là cua Da. Theo lý giải của người dân Yên Dũng, sở dĩ gọi là cua Da vì chúng có lớp da trên càng, cũng có người gọi là “cua ra” vì gắn với câu tục ngữ “Tháng Chín cua ra, tháng Ba cua vào”, song cua Da vẫn được gọi phổ biến hơn cả. Loại cua này sống chủ yếu trong các ghềnh đá dọc sông Thương và một phần sông Cầu chảy qua địa phận các xã: Đồng Việt, Đồng Phúc, Đức Giang, Thắng Cương…
Cua Da Yên Dũng (Ảnh sưu tầm)
Để “săn” được cua Da, những cư dân miền sông nước phải lao động vất vả, nhọc nhằn, đặc biệt phải hiểu đặc tính, môi trường sống của chúng. Về Yên Dũng những ngày này, trong tiết trời cuối thu se lạnh, du khách không những được thỏa sức tham quan, vãn cảnh những danh lam nổi tiếng trên đất Phượng Hoàng mà còn được thưởng thức món cua Da vô cùng hấp dẫn.
Mỳ Chũ
Hiện tại ở Bắc Giang có rất nhiều nơi sản xuất mỳ gạo nhưng riêng Mỳ Chũ của Lục Ngạn lại có chỗ đứng riêng trong lòng người tiêu dùng khắp trong và ngoài nước. Mỳ Chũ Bắc Giang nổi tiếng nhờ sợi mỳ dai, mềm lại không nát. Khi hòa quyện vào nước dùng mỳ Chũ trở nên bóng với màu trăng đục đặc trưng cùng vị dai dai ngọt bùi của gạo ngon.
Mỳ Chũ Bắc Giang ngon nổi tiếng nhờ được làm từ thứ gạo đồi của vùng Chũ có tên là gạo bao thai hồng. Gạo được trồng ở vùng núi nên có vị đậm đà, dẻo dai vượt xa các loại gạo khác ở đồng bằng.
Mỳ Chũ có thể chế biến tùy theo sở thích của người ăn, rất thích hợp cho những người sành ăn lẩu, mỳ xào bò hay bát mỳ thịt lợn,… và tặng bạn bè, người thân. Hơn nữa, mỳ Chũ Bắc Giang hoàn toàn không dùng các chất bảo quản, chất phụ gia an toàn với sức khỏe con người
Rượu Làng Vân
Làng Vân (hay gọi đủ là Vạn Vân) có tên chữ là Yên Viên, nằm ở phía Bắc của xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Làng nằm dọc tả ngạn sông Cầu, trải dài hơn 1km, đối diện với làng Đại Lâm ở bên kia sông. Mặc dù là vùng quê yên bình mang nhiều nét đặc trưng của làng quê Bắc Bộ nhưng Vân Hà có nét rất riêng, đó là người dân không có ruộng.
Làng Vân và rượu làng Vân Bắc Giang có tự bao giờ, khó mà có câu trả lời chính xác, bởi thần phả, tộc phả đã bị chiến tranh tàn phá và tiêu hủy cả. Chỉ biết rằng, dân làng Vân xưa nay vẫn thờ bà “Tổ nghiệp” là bà Nghi Định. Bà mang nghề nấu rượu từ Trung Hoa về truyền dạy lại cho dân làng Vạn Vân, làm nên danh tiếng rượu làng Vân.
Kể từ đó trong làng cũng hình thành cái lệ là cứ mùng 4 Tết Nguyên Đán, mỗi nhà phải cử một người ra chùa Rộc uống máu ăn thề, nguyền phải giữ bí quyết nghề tổ, không được truyền cho người ngoài làng, kể cả con gái.
Bánh vắt vai
Bánh vắt vai được làm từ gạo nếp cái hoa vàng nổi tiếng, có vị thơm ngon, ngọt bùi là món ăn dân dã của người Cao Lan ở Bắc Giang. Không phải gạo nếp nào cũng làm được bánh ngon mà phải là nếp Phì Điền nổi tiếng ở huyện Lục Ngạn. Nhờ chất đất và khí hậu đặc trưng, nếp cái hoa vàng Phì Điền có vị dẻo, hương thơm.
Bánh vắt vai (Ảnh: thegioiamthuc.com)
Bánh vắt vai có vị của đậu xanh, vị ngọt của đường, bùi của gạo nếp và chút hương ngai ngái của ngải cứu khiến món bánh trở nên đậm đà, quyến rũ. Đến Lục Ngạn vào mùa tháng 3 âm lịch hay dịp gần Tết, bạn sẽ dễ dàng tìm mua bánh trong các chợ quê hoặc được người Cao Lan mời ăn trong mỗi dịp lễ hội.
Bánh hút Lục Ngạn
Bánh Hút Lục Ngạn cũng dân dã và giản dị như chính cái tên của nó. Bánh được làm từ những nguyên liệu của miền quê như rau cải cay, gạo nếp, mật mía. Rau cải cay rửa sạch giã nhỏ lấy nước rồi đem nhào với gạo nếp sau đó thả vào chảo dầu chiên. Xong công đoạn chiên thì người làm bánh vớt ra và bỏ ngay vào nồi mật mía, viên bánh hút mật mía căng tròn lên nhìn rất đẹp mắt.
Bánh Hút Lục Ngạn (Ảnh sưu tầm)
Thường người dân Lục Ngạn chỉ làm bánh vào những ngày Tết để tiếp khách và tặng biếu người thân. Và nếu hiểu được ý nghĩa của loại bánh này chúng ta sẽ càng cảm nhận được hương vị thơm ngon của nó bởi bánh như một niềm tin bao bọc che chở của vỏ, tuy mỏng nhưng không bao giờ để mật chảy ra ngoài.
Bánh đúc Đồng Quan
Là một loại bánh được làm từ bột gạo và lạc, bánh đúc có mặt hầu hết ở các làng quê Việt Nam, tuy nhiên hương vị mỗi vùng đều khác nhau và để trở thành một thứ đặc sản mang một hương vị khó quên thì không phải nơi nào cũng có được.Thôn Đồng Quan có nghề làm bánh đúc gia truyền từ lâu đời và cho đến nay bánh đúc làng Đồng Quan đã đạt đến trình độ tinh tế.
Bánh đúc làng Đồng Quan (Ảnh: thegioiamthuc.com)
Tuy làm từ những nguyên liệu đơn giản nhưng để cho ra những mẻ bánh đúc ngon và mang một hương vị đặc trưng riêng, bà con nơi đây phải chọn lọc kỹ càng từ nguyên liệu, tỉ mỉ từng khâu chế biến. Bánh mang vị lạc, nồng nhẹ của mùi vôi và theo anh bạn quê Đồng Sơn thì có thể kết hợp ăn với nhiều thứ, từ mật đến riêu cua, mắm tôm… nhưng hợp nhất và ngon nhất có lẽ chỉ có tương bần.
Tương La
Theo kinh nghiệm được lưu truyền ở Trí Yên, để làm được một mẻ tương như ý và đúng với kỹ thuật xưa cần trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp. Nguyên liệu làm tương La không thể thay thế được chính là gạo nếp cái hoa vàng và đậu (đỗ) tương hạt nhỏ.
Theo kinh nghiệm, mốc lên đều, ngả màu hoa cau, hoa thiên lý là đạt chất lượng. Mốc hỏng có màu đen hoặc màu đỏ. Tiếp đến cứ trộn đều mốc đến khi nào nắm mốc héo lại như nắm cơm chim, đặt cạnh nhau mà không dính vào nhau là được.
Có một điều khó lý giải được, mà chỉ dựa theo kinh nghiệm dân gian, đó là không phải chum vại nào dùng để đựng cũng cho ra những mẻ tương như ý, do đó việc chọn chum vại luôn được chú trọng. Ngoài chứa đựng yếu tố vật thể, tương La còn chứa đựng những nét văn hóa ẩm thực mang tính phi vật thể, đó là những tri thức, bí quyết, sự tài hoa trong chế biến của người xưa.
Chè Bát Tiên Sơn Động
Từ trước đến nay, người dân Việt Nam đã quen với cái tên chè Thái Nguyên, chè Shan tuyết Suối Giàng. Mấy ai biết rằng, trên đất Sơn Động, Bắc Giang cũng có một loại chè thơm ngon không kém, có tên là Bát Tiên.
Chè Bát Tiên (Ảnh sưu tầm)
Chè Bát Tiên có nguồn gốc từ Đài Loan được nhập nội và trồng thành công ở một số tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp nên sau thời gian kiến thiết của cây, sản phẩm trè Bát Tiên Thanh Sơn đã có mặt trên thị trường và ngày càng nổi tiếng bởi hương vị đặc trưng mùi thơm hoa nhài, chỉ cần uống một lần là nhớ mãi. Sở dĩ chè Bát Tiên có giá cao hơn là do chè có mùi vị thơm ngon, có tác dụng thanh nhiệt, đặc biệt chè Bát Tiên không có lắng cặn và không làm mốc, ố, hay vàng ấm chén cho nên được thì trường ưa chuộng.
Bún Đa Mai
Bún Đa Mai chính là sản phẩm “bún” được làm ở phường Đa Mai, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Bún có sợi dẻo, ăn mát, bổ, để cả ngày không chua lại trắng muốt như bột lọc. Sản phẩm bún Đa Mai nổi tiếng từ lâu đời và ngày càng phát triển với chất lượng cao. Bún Đa Mai có sợi dẻo, ăn mát, bổ để cả ngày không chua lại trắng muốt như bột lọc.
Bún Đa Mai (Ảnh sưu tầm)
Bún Đa Mai có 4 sản phẩm chính, đó là: bún rối, bún vẩy ốc, bún con ba, bún vẩy (còn gọi là bún lá). Bún vẩy ốc và bún con ba thường chỉ được chế biến khi dân làng có hội hè, hoặc có người đặt riêng. Bún rối và bún lá thì là những sản phẩm luôn luôn được chế biến và tiêu thụ hàng ngày. Bún là món ăn dân dã thích hợp với khẩu vị của nhiều người. Từ sản phẩm bún, mọi người có thể chế biến ra nhiều món ẩm thực vô cùng hấp dẫn, như: bún riêu cua, bún ốc, bún cá, bún ngan, bún vịt, bún măng, bún chân giò, bún thịt chó, bún chả, bún chấm nước mắm cà cuống, bún chấm mắm tôm, bún đậu, bún nem, nộm bún…
Gà đồi Yên Thế
Gà đồi Yên Thế là một giống gà bản địa của Việt Nam ở vùng Yên Thế thuộc Bắc Giang. Đây là giống gà lai tạo của địa phương được nuôi theo hình thức chăn thả ở đồi, các giống gà này gọi chung với thương hiệu sản phẩm là gà đồi Yên Thế.
Mật ong rừng Yên Thế
Mật ong hoa rừng Yên Thế được chiết xuất từ những tổ ong nuôi trong rừng. Với vị ngọt tinh khiết, mang mùi đặc trưng của hoa rừng. Mật ong hoa rừng Yên Thế sánh, sạch, thơm tinh khiết. Sản phẩm chiết xuất tự nhiên, không pha tạp chất hay hóa chất bảo quản. Phát triển nghề nuôi ong và xây dựng thương hiệu Mật ong hoa rừng Yên Thế theo tiêu chuẩn sạch, tự nhiên là một trong những chiến lược phát triển kinh tế lâu dài của huyện Yên Thế.
Chè xanh Yên Thế
Yên Thế là một trong 4 huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang. Với điều kiện thuận lợi về đất đai, thổ nhưỡng, tiểu vùng khí hậu phù hợp với sự phát triển của cây chè, đây là vùng chè lớn nhất của tỉnh Bắc Giang.
Chè xanh Yên Thế (Ảnh sưu tầm)
Là huyện có địa hình đồi núi thấp, điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp nên cây chè được trồng trên đất Yên Thế sinh trưởng mạnh, nước chè thơm và ngon.
Gạo nếp Phì Điền
Trải qua khoảng thời gian dài kể từ khi giống lúa nếp cái hoa vàng di thực về xã Phì Điền, huyện Lục Ngạn vào những năm 80 của thế kỷ trước, từ những diện tích đầu tiên được trồng tại thôn Mai Tô. Chỉ sau vài vụ thâm canh, giống lúa này đã dần thích nghi với vùng đất Phì Điền. Nhận thấy loại gạo rất thơm, ngon, nhiều hộ dân đã nhân rộng và cùng gieo cấy…
Khi nhận được sự ưa chuộng từ thị trường, càng ngày giống gạo này lên hương trên vùng đất khó khăn Phì Điền, trở thành một lại cây hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con nơi đây.
Cam Bố Hạ
Cam Bố Hạ là loại cam sành thường được làm quà tặng, quà biếu vào đúng dịp gần Tết Nguyên đán. Cam có vị ngọt, thơm và rất mọng nước. Loại cam này được trồng rất nhiều ở Bắc Giang, đến tháng Mười hai âm lịch hằng năm rất nhiều người, nhiều thương nhân, lái buôn đã đổ về khắp chợ Bố Hạ để thu mua loại cam này.
Cam Bố Hạ là một trong những đặc sản trái cây nổi tiếng của Bắc Giang. Sự hấp dẫn đặc biệt của loại cam này là mùi thơm đặc trưng, vị ngọt đậm, tép to mọng nước, ruột vàng cùng hàm lượng chất xơ, Vitamin C, chất chống oxy hóa cao cùng nhiều khoáng chất thiết yếu khác như Canxi, Kali, Sắt, Phốt pho rất tốt cho sức đề kháng, hệ miễn dịch, giảm cholesterol, chống viêm nhiễm,… Sản phẩm được trồng theo phương pháp hữu cơ, không có dư lượng chất bảo vệ thực vật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Lịch trình đi phượt Bắc Giang
Cùng Phượt gợi ý một số lịch trình tới những điểm du lịch hấp dẫn ở Bắc Giang, với các điểm du lịch khác các bạn có thể dùng Google Maps xem vị trí và tự lập cho mình một lịch trình riêng phù hợp.
Hà Nội – Đồng Cao – Khuôn Thần – Hà Nội
Lịch trình này đi trong 2 ngày 1 đêm, các bạn cần mang theo lều để cắm trại tại Đồng Cao. Hôm sau, trên đường về ghé qua hồ Khuôn Thần.
Ngày 1: Hà Nội – Đồng Cao
Trưa thứ 7 khởi hành từ Hà Nội đi Đồng Cao. Trước khi đi nhớ chuẩn bị đầy đủ lều bạt, các dụng cụ du lịch, thức ăn có thể chuẩn bị trước từ nhà hoặc mua trên đường.
Từ Hà Nội đến Đồng Cao khoảng 5 tiếng, các bạn căn giờ để có mặt trên đấy trước 5h chiều, mua củi và dựng lều trại sớm bởi mặt trời sẽ lặn rất nhanh.
Tối ngủ ở Đồng Cao, nếu nhóm đông có thể tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể bên đống lửa.
Ngày 2: Đồng Cao – Hồ Khuôn Thần – Hà Nội
Sáng dậy sớm săn ảnh bình minh ở Đồng Cao. Thu dọn lều trại, dọn sạch khu vực đã sinh hoạt và mang theo toàn bộ rác thải.
Xuống núi và đi về Hà Nội, trên đường đi ghé qua hồ Khuôn Thần. Đây là một khu du lịch nhỏ, các bạn có thể mua thức ăn và thuê thuyền đi quanh hồ, sau đó ghé nghỉ và ăn trưa trên một đảo nào đó.
Khởi hành về Hà Nội
Hà Nội – Tây Yên Tử – Am Ngọa Vân – Chùa Hồ Thiên – Hà Nội
Lịch trình này đi trong 2 ngày cuối tuần, đa phần là leo núi (trekking). Tối đầu tiên ngủ ở Am Ngọa Vân (trên đỉnh Tây Yên Tử), các bạn có thể mang theo lều để dựng ngủ nhờ ở sân chùa.
Ngày 1: Hà Nội – Tây Yên Tử – Am Ngọa Vân
Khởi hành thật sớm từ Hà Nội, nên khởi hành vào lúc khoảng 5h sáng để có thời gian leo. Từ Hà Nội đi về phía Chí Linh theo QL 18, đến hồ Bến Châu sẽ có đường leo lên Tây Yên Tử
Gửi xe ở dưới hồ rồi thuê thuyền chở qua đường mòn để leo, chặng dài nên khoảng chiều tối sẽ lên tới am Ngọa Vân. Dựng lều và ngủ tại đó
Ngày 2: Am Ngọa Vân – Chùa Hồ Thiên – Hà Nội
Từ Am Ngọa Vân đi sang chùa Hồ Thiên rồi xuống chân núi. Lấy xe và trở về Hà Nội kết thúc hành trình.
Hà Nội – Chùa Bổ Đà – Chùa Vĩnh Nghiêm – Suối Mỡ – Hà Nội
Đây là lịch trình ngắn đi trong 1 ngày qua 2 ngôi chùa nổi tiếng của Bắc Giang là Chùa Bổ Đà, một trong những trung tâm Phật giáo của phái Trúc lâm Tam tổ; tiếp đến là chùa Vĩnh Nghiêm – nơi phát tích Tam tổ phái thiền Trúc lâm của Phật giáo Việt Nam. Tổng lịch trình 1 chiều vào khoảng 120km nên hoàn toàn có thể đi được trong ngày.
Lịch trình chi tiết
Sáng xuất phát sớm từ Hà Nội đi theo hướng đường 1 cũ, qua đường Ngô Gia Tự thẳng qua Từ Sơn, Tp Bắc Ninh rồi qua cầu Đáp Cầu của Tp Bắc Ninh, đi thẳng đến chợ Nếnh thì rẽ trái vào rồi hỏi đường đi chùa Bổ Đà.
Sau khi thăm quan chùa Bổ Đà xong thì quay ngược lại QL1A rồi đi sang huyện Yên Dũng thăm chùa Vĩnh Nghiêm. Từ đây các bạn di chuyển tiếp sang khu du lịch Suối Mỡ, nếu đi sớm các bạn có thể kịp qua đến đây vào đúng giờ buổi trưa, tổ chức ăn uống nghỉ ngơi ở đây khá hợp lý. Chiều khám phá Suối Mỡ rồi quay ngược về Hà Nội.
Xem thêm: Các món ăn ngon ở Bắc Giang
Xem thêm: Kinh nghiệm đi phượt Đồng Cao
Discussion about this post