Bắc Kạn là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc nước ta, có phía bắc giáp với tỉnh Cao Bằng, phía đông giáp Lạng Sơn, phía nam giáp Thái Nguyên và phía tây giáp tỉnh Tuyên Quang. Không chỉ nổi tiếng hồ Ba Bể – thắng cảnh tuyệt đẹp giữa núi rừng, phong cảnh núi rừng hùng vĩ. Du lịch Bắc Kạn bạn còn được thưởng thức nhiều món ngon đặc sản và hòa mình vào đời sống của đồng bào dân tộc Tày Nùng. Bạn sẽ được hòa mình với không khí trong lành của hồ Ba Bể và thiên nhiên đất trời Tây Bắc, tránh xa đô thị ồn ào.
Lịch sử hình thành Bắc Kạn
Vào thời đại các vua Hùng dựng nước, Bắc Kạn thuộc bộ Vũ Định (một trong 15 bộ của Văn Lang). Dưới thời thuộc Đường nơi đây là đất châu Võ Nga. Từ thời Lý, khi ông cha ta bắt đầu đầu xây dựng và phát triển nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền, Bắc Kạn thuộc châu Thái Nguyên đời Trần.
Đồng quê Bắc Kạn (Ảnh sưu tầm)
Dưới thời Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), trấn Thái Nguyên đổi thành tỉnh, Bắc Kạn cơ bản vẫn là đất phủ Thông Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
Bắc Kạn là một trong những địa bàn được coi là “miền quan yếu” ở phía Bắc, có vị trí rất quan trọng về chính trị – quân sự. Chính vì vậy, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhân dân Bắc Kạn luôn sát cánh cùng nhân dân cả nước đánh bại nhiều đạo quân xâm lược hung hãn. Trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc từ Tần, Hán, đến Tống, Nguyên, Minh, Thanh… các thế hệ đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn luôn có mặt trong những đội quân chống xâm lược.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tỉnh Bắc Kạn được Trung ương Đảng chọn xây dựng thành khu an toàn (ATK). Với vai trò là căn cứ địa cách mạng, Bắc Kạn hết lòng cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ bộ đội, cơ quan, xí nghiệp, kho tàng của Trung ương sơ tán; bảo vệ lãnh tụ, bảo vệ các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước… Trong chiến dịch Việt Bắc (Thu – Đông năm 1947), nhiều gương chiến đấu, hy sinh oanh liệt được cả nước biết đến, nhiều tên núi, tên sông đã trở thành địa danh lịch sử, gắn với những chiến công hiển hách như Phủ Thông, Đèo Giàng…
Du lịch Bắc Kạn vào thời gian nào?
Phượt Bắc Kạn thời gian nào đẹp? Bạn có thể đi vào bất kì thời gian nào trong năm, nhưng lí tưởng nhất là mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 7) Bắc Kạn có cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, tuyệt đẹp.
Trước khi đi các bạn nên xem dự báo thời tiết vì có thể gặp phải những cơn mưa rào, bão, không thuận lợi cho việc khám phá vẻ đẹp của Bắc Kạn. Nếu du lịch Bắc Kạn vào khoảng thời gian từ tháng 8, 9 và tháng 10 thì nên chuẩn bị dụng cụ đi mưa để tránh những cơn mưa bất ngờ. Còn nếu bạn thích không khí vui nhộn thì có thể tới vào mùa lễ hội ở Hồ Ba Bể vào rằm tháng giêng.
Hướng dẫn đi tới Bắc Kạn
Xe máy
Đi xe máy trong vườn Quốc gia Ba Bể (Ảnh sưu tầm)
Theo như kinh nghiệm đi phượt Bắc Kạn thì xe máy là phương tiện thích hợp nhất trong chuyến hành trình này vì bạn có thể đi được những đường tắt để rút ngắn thời gian di chuyển và chủ động trong việc dừng đỗ tại nơi bạn muốn tới mà không mất nhiều kinh phí cho việc gửi xe. Bắc Kạn cách Hà Nội khoảng 150km thông qua tuyến QL 3 đi qua Thái Nguyên. Trước đây, từ Hà Nội lên Bắc Kạn thường mất khoảng 4-5 tiếng do QL 3 là tuyến đường khá nhỏ, mật độ phương tiện nhiều. Tuy nhiên, hiện tại tuyến đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên – Chợ Mới đã được khai thông nên thời gian lên đến Bắc Kạn chỉ còn khoảng hơn 2 tiếng.
Xe Khách
Tùy vào nơi định đến các bạn có thể lựa chọn các tuyến xe khách Bắc Kạn phù hợp, các xe này đa phần xuất phát từ bến xe Mỹ Đình. Nếu muốn đi buổi tối, các bạn có thể tham khảo các tuyến xe đi Cao Bằng bởi lộ trình lên tới Cao Bằng cũng thường đi qua một số địa điểm ở Bắc Kạn.
Lưu trú ở Bắc Kạn
Khách sạn nhà nghỉ tại Bắc Kạn
Bắc Kạn là tỉnh miền núi Đông Bắc có ít nhà nghỉ khách sạn để lựa chọn. Những nơi phục vụ cho việc ngủ nghỉ của du khách chủ yếu chỉ đạt tiêu chuẩn 1 sao và chỉ tập chung ở khu du lịch và trong trung tâm thành phố.
Homestay ở Bắc Kạn
Bắc Kạn, đặc biệt là ở Ba Bể có rất nhiều dịch vụ homestay phục vụ khách du lịch (Ảnh sưu tầm)
Du lịch Bắc Kạn trong thời gian qua đã có những cách làm mới khi xuất hiện loại hình du lịch cộng đồng (homestay) để mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách. Du lịch homestay hiện nay chủ yếu xuất hiện ở hồ Ba Bể và Vườn Quốc gia Ba Bể với các điểm ở bản Pác Ngòi, thôn Cốc Tộc, Bó Lù.
Các địa điểm du lịch ở Bắc Kạn
Vườn Quốc gia Ba Bể
Vườn quốc gia Ba Bể nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, cách trung tâm thành phố Bắc Kạn 70km và cách trung tâm Hà Nội 250km về phía Bắc, vườn quốc gia nằm trong huyện Ba Bể và thuộc tỉnh Bắc Kạn.
Vườn quốc gia có tổng diện tích vườn là 10.048ha, trải dài từ vĩ độ 22 06’12”N- 22 08’14”N và kinh độ từ 105 09’07”E- 105 12’22”E. Vườn quốc gia Ba Bể nằm trong khu vực thuộc xã Nam Mẫu huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, nơi đây hồ được bao phủ bởi 2 cánh cung Ngân Sơn và Bắc Sơn. Nếu như bạn là một người ham đi du lịch, có sở thích yêu cảnh quan núi rừng, nương rẫy, thiên nhiên hùng vĩ thì hãy xách balo lên và tận hưởng một chuyến đi chơi thư giãn sau một tuần làm việc mệt nhọc.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Ba Bể
Hồ Ba Bể
Hồ Ba Bể nằm trong khu vực vườn Quốc gia Ba Bể, thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Nằm ở độ cao 150m so với mực nước biển, cách Thành phố Bắc Kạn 70 km về phía tây bắc, hồ Ba Bể là một trong những di tích danh thắng tự nhiên đẹp, độc đáo nhất Việt Nam.
Hồ Ba Bể (Ảnh sưu tầm)
Hồ Ba Bể được bao quanh bởi hai cánh cung Ngân Sơn và Bắc Sơn. Thiên nhiên ưu đãi, văn hoá đặc sắc và những câu chuyện truyền thuyết đã thu hút du khách từ mọi miền Tổ quốc và du khách quốc tế đến với vùng đất này.
Động Puông
Động Puông là một hang động lớn ở phía Bắc Việt Nam, thuộc vườn Quốc gia Ba Bể tỉnh Bắc Kạn. cách trung tâm thị trấn Chợ Rã khoảng 5 Km. Động Puông dài 300 mét, cao hơn 30 mét hình thành khi con sông Năng chảy xuyên qua bên dưới núi đá vôi Lũng Nham với vách đá dựng đứng và nhiều thạch nhũ có hình dạng và màu sắc khác nhau bên trong động.
Để tham quan động Puông du khách phải ngồi thuyền trên dòng sông Năng, ngồi thuyền đi được một đoạn khoảng 400 mét, du khách sẽ thấy cửa Động Puông hiện ra, nhìn từ xa bạn chỉ thấy nó rất nhỏ, nhưng đến khi lại gần bạn mới thấy thật sự ngạc nhiên về hùng vỹ và bí hiểm khiến du khách nao nức được khám phá.
Đi thuyền vào trong động Puông (Ảnh sưu tầm)
Bên trong động, những dải thạch nhủ hình thù kỳ lạ rủ xuống soi bóng lung linh trên dòng nước. Càng vào sâu bên trong, tuy lòng động khá tối nhưng vẫn đủ sức hấp dẫn du khách, trong động là nơi trú ngụ của hàng vạn con dơi đang sinh sống, khi du khách vào tham quan động, âm thanh bước chân, ánh sáng đèn pin và tiếng trò chuyện vang vọng làm dơi bơi ra nháo nhác trên nóc động.
Thác Đầu Đẳng
Sông Năng khi chảy đến bản Húa Tạng thì đổ xuống từ triền đá lớn, tạo thành dòng Thác Đầu Đẳng kỳ vĩ. Thác Đầu Đẳng hòa quyện với cảnh rừng nguyên sinh của Vườn quốc gia Ba Bể. Vị trí thác nằm cách Hồ Ba Bể chừng 4km về phía Tây, nơi tiếp giáp giữa tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Tuyên Quang.
Thác Đầu Đẳng (Ảnh sưu tầm)
Thác Đầu Đẳng có chiều dài hơn 1.000 mét, tuôn chảy qua những khối đá muôn hình, chất chồng lên nhau như thạch trận. Đôi bờ là những vạt rừng mọc ken dày, xanh tốt, phủ tán lòa xòa ra tận mép nước.
Dòng thác lúc ầm ào, khi rẽ dòng khúc khuỷu, có đoạn lại êm đềm thơ mộng… Đến tham quan Thác Đầu Đẳng, ngồi trên những phiến đá lớn hay đứng trên ban công gỗ, cho bạn thỏa thích ngắm nhìn đoạn thác cuộn trào, tung bọt trắng xóa.
Ao Tiên
Ao Tiên là một hồ nước nhỏ, rộng chừng 3 ha nằm trên đỉnh núi. Bị bao bọc bởi rừng nhiệt đới nên khí hậu ở đây rất mát mẻ và trong lành. Ao Tiên cách biệt với hồ, không có nguồn nước chảy vào hay thoát ra, vì thế nước trong veo.
Ao Tiên (Ảnh sưu tầm)
Ao Tiên nằm ở góc hồ ba của hồ Ba Bể, là một hồ nước nhỏ nằm lọt giữa thung lũng của những cánh rừng nguyên sinh, có những mạch ngầm thông nhau giữa Ao Tiên và hồ Ba Bể. Đây chính là nét độc đáo của Ao Tiên, nơi đây còn là nơi cư trú của nhiều loài động thực vật thủy sinh, cũng như nét đặc trưng khác của vườn Quốc gia Ba Bể.
Đảo Bà Góa
Hòn đảo Bà Góa nhỏ xinh nổi lên giữa hồ 1 (Pé Lèng) của hồ Ba Bể. Tương truyền, đảo chính là nơi sinh sống của 2 mẹ con bà góa tốt bụng năm xưa đã dùng 2 chiếc thuyền độc mộc đi cứu giúp dân làng trong trận đại hồng thủy tại hồ Ba Bể.
Hoàng hôn đảo Bà Góa (Ảnh sưu tầm)
Nhìn xa xa, đảo như một “hòn non bộ” giữa lòng Ba Bể xanh biêng biếc. Đảo Bà Góa được người dân địa phương gọi là Pò Giả Mải, được hình thành bởi những phiến đá to nhỏ xếp chồng lên nhau, quanh năm cây cối xanh tốt, rễ cây len lỏi, ôm trọn những triền đá khiến cây và đá cuốn quýt một thể, dù giữa sóng nước mênh mông hay mưa giông báo giật, nó vẫn hiên ngang, tĩnh lặng ở đó, mang cho đời thêm cảnh đẹp thiên nhiên.
Bản du lịch Pác Ngòi
Bản Pác Ngòi nằm bình yên bên hồ Ba Bể (Ảnh sưu tầm)
Nằm trọn trong vùng lõi Vườn Quốc gia Ba Bể, Pác Ngòi là địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bao dân tộc Tày, với những nét văn hóa độc đáo. Theo đánh giá, Pác Ngòi là một trong ít những thôn còn lưu giữ được những phong tục, tập quán mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc Tày.
Đến với thôn Pác Ngòi, du khách không chỉ được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mà còn được khám phá, trải nghiệm những điều thú vị trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư nơi đây. Dù có sự giao thoa văn hóa và chịu ít nhiều tác động từ hoạt động du lịch nhưng nhiều nét văn hóa truyền thống từ bao đời của đồng bào Tày Pác Ngòi vẫn được gìn giữ như một vốn quý. Những ngôi nhà sàn cổ có tuổi đời vài chục đến cả trăm năm luôn được gìn giữ và tôn tạo như một minh chứng cụ thể cho nét văn hóa đặc trưng của người Tày vẫn được bảo lưu. Cùng với đó là nghề dệt thổ cẩm truyền thống dù gặp một chút khó khăn cho đầu ra nhưng vẫn được người dân Pác Ngòi duy trì và tìm hướng đi mới.
Động Hua Mạ
Động Hua Mạ nằm trên lưng chừng ngọn núi Cô Đơn, giữa khu “Lèo Pèn” soi bóng xuống dòng sông Lèng, gần Hồ Ba Bể. Nơi đây không những gắn với sự tích linh thiêng mà trong động còn có rất nhiều nhũ đá huyền ảo, trở thành một danh thắng hấp dẫn của khu vực Vườn quốc gia Ba Bể.
Động Hua Mạ (Ảnh sưu tầm)
Động nằm trên lưng chừng núi, ở độ cao 350m so với mực nước biển, quanh năm cây cối xanh rì, rậm rạp. Đường từ chân núi lên động đã được xây thành những bậc thang, dẫn bước đến cửa Động Hua Mạ, rộng 3m, cao 5m. Cửa vào ở phía Đông và thông ra ở phía Nam.
Bước vào trong, hang Động Hua Mạ mở ra rộng lớn, khoảng 1ha với chiều dài hơn 700m, trần động có chỗ cao tới 40-50m. Độ dốc của hang thoai thoải, có chỗ tạo vách cao 3m, bên dưới có một bãi đá đổ khổng lồ dài chừng 164m, chiều rộng chỗ nhỏ nhất cũng 10m, chỗ rộng nhất lên đến 43m.
Thác Bạc Bản Vàng
Thác Bạc nằm ở địa bàn xã Hoàng Trĩ thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Ba Bể. Từ đỉnh đèo Khau Vàng nhìn Thác Bạc như một dải lụa trắng.
Thác Bạc, Ba Bể (Ảnh sưu tầm)
Thác có chiều cao khoảng 40m, có vách đá gần như thẳng đứng, ẩn trong màu xanh của rừng cây, phía dưới có các vũng nước trong vắt cùng với những hòn đá to, thoai thoải, bạn có thể tắm, hưởng thụ một không gian yên bình, là điểm du lịch lý tưởng cho những ngày hè oi bức.
Dòng chảy của nước hiền hòa mà cuồn cuộn đổ xuống từ trên cao, đập mạnh vào những tảng đá dưới chân thác làm tung lên hàng ngàn bọt nước trắng xóa. Cảm giác được ngâm mình thư giãn trong dòng nước mát rượi, bao mệt nhọc sẽ tan biến, chỉ còn lại sự thư thái đầy sảng khoái.
Đền An Mã
Đền An Mã (An Mạ) toạ lạc trên đảo An Mã giữa hồ Ba Bể. Đây là ngôi đền cổ được trung tu xây dựng lại năm 2007. Đền thờ Phật, Mẫu Thượng Ngàn, Chúa Sơn Trang, Đức Thánh Trần…
Đền An Mã (Ảnh sưu tầm)
Tương truyền: Đền là nơi thờ các vị trung thần nhà Mạc trong cuộc chiến tranh phong kiến thời Lê Mạc, sau khi bị thua trận đã chạy đến động Puông rồi tuẫn tiết tại đó. Để tưởng nhớ các vị trung thần, người dân nơi đây đã dựng đền thờ họ Mạc, song sợ bị quan quân nhà Lê trả thù nên đã đổi tên thành đền thờ họ Ma. An Mạ theo tiếng dân tộc Tày có nghĩa là “mồ yên mả đẹp” nơi yên nghỉ của các trung thần họ Mạc.
Đền An Mã là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân địa phương, khách thập phương và cũng là nơi dâng lễ hội xuân Ba Bể tổ chức vào ngày 10 tháng giêng. Hội đền An Mã được tổ chức vào ngày 6 tháng hai âm lịch hàng năm
Động Nả Phoòng
Động Nả Phoòng là một cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ nằm trong quần thể khu du lịch Vườn Quốc gia Ba Bể. Động có chiều dài khoảng 700m, cao khoảng 180m có dòng suối chảy ngầm từ xã Nam Cường chảy ngầm đi qua động sang bản Bó Lù nơi con suối đổ vào Hồ Ba Bể.
Với địa hình khu vực hiểm trở, nên trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, động Nả Phoòng được chọn là nơi đặt trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam (1950 – 1954).
Động Nàng Tiên, Na Rỳ
Động Nàng Tiên thuộc xã Lương Hạ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, là một hang đá tự nhiên có từ lâu đời, đã được Bộ Văn hoá – Thể Thao và Du Lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1999. Không chỉ nổi tiếng với cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà vẻ đẹp của hang động nơi đây còn gắn với biết bao câu chuyện truyền thuyết huyền bí.
Bên trong động Nàng Tiên ở Na Rì, Bắc Kạn (Ảnh sưu tầm)
Là một hang đá tự nhiên ăn sâu xuống lòng núi khoảng 60m, cửa động cao 6m, rộng 6m, khẩu độ cao của động từ 30-50m. Từ cửa hang vào trong động du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều cảnh đẹp do các nhũ đá, cột đá tạo nên. Cảnh cảnh rồng bay, phượng múa bằng các nhũ đá huyền ảo lung linh ánh bạc thật hấp dẫn. Những thửa ruộng bậc thang có dòng nước mát chảy xung quanh được người dân gọi là ruộng tiên, suối tiên trông thật thích mắt. Xung quanh động là những hang ngách nhỏ có chiều dài từ chục mét đến hàng trăm mét, có một số đường ngách thông ra sườn núi làm cho động Nàng Tiên huyền bí và thơ mộng.
Thác Nà Khoang
Khu vực thác có diện tích khoảng 12ha, là nơi hợp thành của 2 con suối lớn, đó là dòng suối Nà Đeng chảy qua khe núi Lũng Chang, con suối nhỏ bắt nguồn từ đỉnh núi Phia Sliểng chảy từ hướng Tây Nam xuống khoảng 88m thì hợp thủy với dòng suối Nà Đeng, với độ dốc lớn đã tạo thành hệ thống thác 4 tầng dài khoảng 600m, chiều rộng trung bình 15m, sau đó chảy xuống suối Bản Mạch.
Khu du lịch sinh thái thác Nà Khoang (Ảnh sưu tầm)
Thác Nà khoang được ví như một đóa hoa dịu dàng mà đài hoa là ngọn thác cao nhất còn các cánh hoa là những dòng thác nhỏ nhấp nhô tỏa ra trên những phiến đá. Khu vực xung quanh thác chủ yếu là rừng tái sinh, có độ che phủ trung bình từ 75% – 85%, về động vật có nhiều loài chim, sóc, bò sát, cá sinh sống.
Đèo Gió, Ngân Sơn
Đèo Gió nằm trên trục đường Quốc lộ 3 đoạn từ Bắc Kạn lên Cao Bằng, cách thị xã Bắc Kạn 50km về phía Bắc, cách trung tâm huyện Ngân Sơn 10km về phía nam. Nằm ở độ cao 800m so với mặt nước biển, về mùa hè nhiệt độ trung bình 250C.
Bạn có thể tìm mua một số đặc sản của Bắc Kạn tại đây (Ảnh sưu tầm)
Đèo Gió là điểm dừng nghỉ và mua các loại hoa quả, nông, lâm thổ sản (Đào, lê, hồng không hạt, gạo nương, hoa phong lan rừng mật ong rừng và các loại thuốc quý) của du khách trước khi lên xe xuống đèo tiếp tục lên Cao Bằng hoặc về thị xã Bắc Kạn./.
Hồ sinh thái Bản Chang
Hồ Bản Chang thuộc địa phận xã Đức Vân, cách Trung tâm huyện lỵ huyện Ngân Sơn 6 Km về phía nam, giáp với tuyến Quốc lộ số 3 đường đi Cao Bằng. Là một hồ nước tự nhiên tuyệt đẹp có hình bán nguyệt, địa thế lý tưởng, nằm trong thung lũng, trên hồ có một số đảo nhỏ, nơi cư trú của những đàn vịt trời, ngỗng trời và các loài cò. Trong hồ có nhiều loại cá, có con nặng hàng chục kg.
Hồ sinh thái Bản Chang (Ảnh sưu tầm)
Diện tích mặt Hồ khoảng 150 ha, xung quanh là những cánh rừng thông bạt ngàn, những đồi, núi thấp với bạt ngàn hoa sim tím. Khí hậu nơi đây đặc biệt trong lành mát mẻ, phù hợp để đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và các hoạt động du lịch tập thể như: chèo thuyền, bơi lội, câu cá, cắm trại…
Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ
Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ nằm trên địa bàn các xã Kim Hỷ, Lương Thượng, Lạng San, Ân Tình, Côn Minh của huyện Na Rì và xã Cao Sơn, Vũ Muộn của huyện Bạch Thông. Tổng diện tích 14.772 ha.
Kim Hỷ, Bắc Kạn (Ảnh sưu tầm)
Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ có 1.072 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 608 chi, 172 họ, 5 ngành. Trong đó có tổng số 72 loài thực vật có giá trị bảo tồn được xếp vào các nhóm như sau: có 59 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam; có 22 loài có tên trong Danh lục đỏ IUCN. Các kết quả điều tra đã ghi nhận được tại Khu bảo tồn có 99 loài thú thuộc 26 họ, 8 bộ; 256 loài chim thuộc 50 họ, 16 bộ; 64 loài bò sát thuộc 14 họ, 2 bộ; 39 loài ếch nhái thuộc 8 họ, 2 bộ. Trong đó có 53 loài có tên trong Sánh đỏ Việt Nam; 24 loài có tên trong Danh sách Đỏ IUCN; 34 loài được ghi trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP. Một số loài động vật nguy cấp, quý hiếm hiện có trong khu bảo tồn như Cu li lớn, Cu li nhỏ, Khi vàng, Voọc đen má trắng, Hươu xạ, Gà lôi trắng, Gà tiền mặt vàng…
Du lịch văn hóa lịch sử
Di tích Nà Tu
Di tích lịch sử Nà Tu thuộc xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, nằm cạnh quốc lộ 3, cách thị xã Bắc Kạn 9km về phía bắc. Đây là nơi đóng quân của phân đội thanh niên xung phong 312 làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Nà Cù và đoạn đường Nà Cù – Phủ Thông trong thời kỳ chống Pháp.
Ngày 28/3/1951 trên đường đi công tác, Bác Hồ đã ghé thăm liên phân đội thanh niên xung phong 312. Sau khi ân cần thăm hỏi và căn dặn các đội viên khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ, Bác đã tặng đơn vị thanh niên xung phong 312 bốn câu thơ:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.”
Di tích Đồn Phủ Thông
Đồn Phủ Thông, cách ngã ba Phủ Thông 300m (điểm giao nhau giữa đường quốc lộ 3 và đường 258 ) thuộc thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông, cách thành phố Bắc Kạn 18 km về phía bắc. Đây là nơi quân đội Pháp chiếm đóng và xây đồn kiên cố từ năm 1947.
Tại đây quân ta đã 3 lần tập kích tấn công đồn Phủ Thông, đây là những trận công đồn đầu tiên khẳng định bước trưởng thành của quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời là cuộc tập dượt, rút kinh nghiệm để đập tan cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh bại thực dân Pháp xâm lược bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vào năm 1954.
Di tích Đèo Giàng
Đèo Giàng nằm trên trục đường quốc lộ 3 đoạn từ Bắc Kạn đi Cao Bằng (Giáp gianh giữa 2 huyện Bạch Thông và huyện Ngân Sơn của tỉnh Bắc Kạn), cách thành phố Bắc Kạn 24km về phía bắc.
Trên đường lên đèo Giàng (Ảnh sưu tầm)
Khu di tích lịch sử Đèo Giàng, nằm trên tuyến đường Quốc lộ số 3, đường đi Cao Bằng, di tích nằm giữa 2 huyện Ngân sơn và Bạch Thông, nơi đây trong kháng chiến chống Pháp, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng vang dội, đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc đó là trân tập kích trên đường quốc lộ 3.
Từ trận đánh vang dội này, Đèo Giàng đã trở thành địa danh lịch sử gắn liền với những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong Chiến dịch phản công Việt Bắc- Thu Đông năm 1947. Di tích lịch sử Đèo Giàng trở thành niềm tự hào của quân dân Bắc Kạn, của quân đội nhân dân Việt Nam.
Khu ATK – Chợ Đồn
Chợ Đồn nằm trong quần thể di tích lịch sử vùng chiến khu Việt Bắc, nơi ghi dấu ấn hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954).
Di tích lịch sử Khuổi Linh – ATK Chợ Đồn-Bắc Kạn (Ảnh sưu tầm)
Trong thời gian từ năm 1947 đến 1952, hầu hết các cơ quan Trung ương đã đóng ở huyện Chợ Đồn như: Đài Tiếng nói Việt Nam, Cơ quan Vô tuyến điện, Nha kỹ thuật quân sự, Trường Quân chính, Xưởng quân giới, Xưởng in báo Cứu Quốc, Trạm phẫu thuật quân y…
Hiện nay quần thể di tích lịch sử ATK – Chợ Đồn với 06 di tích lịch sử cấp quốc gia (Bản Ca, Nà Pậu, Khuổi Linh, Bản Bẳng, Nà Quân, Đồi Khau Mạ), 04 di tích lịch sử cấp tỉnh (Nà Pay, Phja Tắc, Đồi Khuổi Đăm, Nà Kiến) và 16 di tích đã kiểm kê.
Đến với ATK – Chợ Đồn, ngoài tham quan các di tích lịch sử cách mạng ghi dấu ấn hào hùng của dân tộc, du khách còn được tìm hiểu những nét đẹp văn hoá truyền thống của người dân nơi đây và chứng kiến những đổi thay trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng thân yêu này.
Du lịch Văn hóa Lễ hội
Lễ hội xuân Ba Bể
Hội xuân Ba Bể được tổ chức trong 3 ngày mùng 9, 10 và 11 tháng Giêng. Đây là lễ hội đầu năm của đồng bào các dân tộc vùng hồ Ba Bể, gồm 2 phần lễ và hội. Lễ hội Xuân Ba Bể được tổ chức tại xã Nam Mẫu huyện Ba Bể, Bắc Kạn đây là Lễ hội truyền thống đầu năm, thể hiện những nét văn hoá đặc trưng của người dân địa phương. Đây còn là lễ hội xuân lớn nhất của tỉnh Bắc Cạn, tổ chức thường niên nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm.
Lễ hội Xuân Ba Bể (Ảnh sưu tầm)
Lễ hội xuân Ba Bể năm nào cũng là nơi phô diễn những bản sắc dân tộc của đồng bào địa phương với nhiều trò chơi hấp dẫn thu hút nhiều bà con các dân tộc trong vùng đến vui. Lễ hội cũng giúp cho khách thập phương hiểu thêm về con người và truyền thống văn hoá nơi đây. Sôi động nhất là đua thuyền trên hồ Ba Bể, một trong những trò chơi hấp dẫn thu hút nhiều người đến xem
Lễ hội lồng tồng Bằng Vân
Lễ hội lồng tồng Bằng Vân được tổ chức tại xã Bằng Vân vào ngày 15 tháng giêng âm lịch hàng năm, gồm 2 phần lễ và hội.Phần lễ cầu cho mưa thuận, gió hòa, nhân an, vật thịnh, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Phần hội có các trò chơi dân gian như: Kéo co, tung còn, đẩy gậy, đi cầu thăng bằng, bịt mắt bắt dê; hát đối đáp giao duyên shi, lượn (Tày, Nùng), Páo dung (Dao).
Lễ hội Lồng tồng Bằng Vân với rất nhiều hoạt động thú vị (Ảnh sưu tầm)
Đặc biệt là du khách còn được thưởng thức những câu sli, câu lượn, câu then mộc mạc mà sâu lắng của chính những người dân lao động trong địa phương. Nhiều nét văn hóa truyền thống được khôi phục, giữ gìn và phát huy.
Lễ hội chợ tình Xuân Dương
Không nổi tiếng như chợ tình Khâu Vai ở Hà Giang hay chợ tình Sa Pa của Lào Cai, nhưng chợ tình Xuân Dương lại mang trong mình những nét văn hóa hết sức đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng huyện Na Rì, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) và các huyện lân cận của tỉnh Lạng Sơn và Thái Nguyên.
Lễ hội chợ tình Xuân Dương (Ảnh sưu tầm)
Tại nơi tổ chức hội chợ truyền thống không có nhà trọ, nhà nghỉ, khách vào dự hội chỉ có cách hoặc vào ngủ nhờ nhà người dân quanh đó hoặc đi gần 30km vào thị trấn Yến Lạc mới có nhà nghỉ. Phương án thứ hai ít được lựa chọn, chính vì thế, trước ngày hội, nhiều gia đình ở gần chợ đã quét dọn nhà cửa sạch sẽ, làm bún, bánh, mổ gà, lợn để đón khách phương xa về dự hội. Họ đón tiếp ân tình, cởi mở, không vụ lợi, không chụp giật. Tấm lòng mến khách, chân chất, thật thà từ nghìn đời nay của người Tày-Nùng nơi đây vẫn giữ được gần như nguyên vẹn. Họ quan niệm, càng nhiều khách đến nhà thì càng nhiều bạn bè, càng vui, làm ăn sẽ thuận lợi.
Chợ tình có truyền thuyết rất cảm động về tình yêu đôi lứa. Chuyện kể rằng, ngày xưa, ở thôn Pác Sen, có hai vợ chồng thương yêu nhau hết mực. Khi mùa vụ sắp tới, vợ chồng cùng nhau ra đồng, chồng thì cuốc ở cuối ruộng, vợ phát cỏ nơi đầu ruộng. Đến trưa, mặt trời đứng bóng, người chồng đã thấm mệt, gọi vợ về nghỉ thì chỉ nghe tiếng núi đồi vọng lại. Chạy mãi, tới đầu ruộng, người chồng chỉ thấy cán dao gẫy, cỏ cây nát, chứng tích của một cuộc vật lộn xô đẩy. Mãi sau, chàng mới hay người vợ của mình đã bị bọn xấu bắt đi, nàng đã chống trả, kêu cứu nhưng vì ruộng dài quá, khoảng cách giữa hai người quá xa nên chàng không nghe thấy để đến cứu vợ.
Biết chuyện, dân làng ai cũng tỏ lòng thương. Thửa ruộng của vợ chồng nhà nọ được gọi là ruộng dài (Nà Rì) đó cũng là tên của cả huyện Na Rì, Bắc Cạn rộng lớn gồm 22 xã, thị trấn ngày nay.
Ăn gì khi du lịch Bắc Kạn
Cá nướng Pắc Ngòi
Đến hồ Ba Bể thưởng thức cá nướng Pác Ngòi sẽ thấy cá ở đây không tanh như cá sông, cá biển. Con cá khi chín lại có màu vàng sẫm, thịt ăn rất thơm lại có vị ngọt. Miếng cá còn vương vấn mùi thơm của than hoa mang cho du khách cảm giác gần gũi như những nồi cá kho ủ trấu của làng quê.
Cá nướng Pác Ngòi (Ảnh sưu tầm)
Muốn cảm nhận hết dư vị cá nướng, bạn có thể ngồi thuyền vừa thưởng ngoạn cái vẻ đẹp của sông nước Ba Bể, nhâm nhi vài xiên cá nướng. Còn gì tuyệt hơn khi có thêm chút vị cay cay của tương ớt và vị đắng nồng của vài chén rượu. Bữa ăn sẽ trở nên thật tuyệt vời đấy.
Món cá nướng làm cũng rất đơn giản nhưng lại khá mất thời gian. Vì con cá nhỏ nên mất rất lâu để làm sạch. Cá tươi sau khi đánh bắt và lựa những con khá đều nhau thì được làm sạch và rửa với nước rồi đồ cho chín tới. Sau đó người ta dùng nẹp tre để tạo thành một cái kẹp, mỗi kẹp khoảng chừng 8-10 con cá. Kẹp xong cá rồi đem phơi khô ngoài nắng, cá muốn ngon thì nên phơi tầm 3-4 nắng là được.
Lợn sữa quay
Lợn sau khi chọc tiết thì dùng nước nấu lá ổi để cạo sạch lông, mổ moi và làm sạch trong bụng rồi nhồi vào trọng bụng lợn các nguyên liệu như quả mắc mật, tai hồi, thảo quả, quế chỉ… rồi đem quay trên than hồng.
Hội thi lợn quay vùng cao (Ảnh sưu tầm)
Khi quay thì thường xuyên lấy khăn nhúng nước lau chú lợn để phần da lợn ở ngoài không bị cháy, khi lợn gần chín thì dùng que xăm thủng lợn để nước và mỡ chảy ra. Bỏ lợn ra khoảng 1 tiếng cho bớt nóng và để khi chặt thịt miếng thịt bày ra đĩa không bị nát. Đĩa thịt lợn quay vàng xộm thơm lừng ngon lành đến ứa nước miếng. Cắn miếng thịt quay có vị ngọt của thịt chín tới, vị thơm của lá mác mật, vị ngậy của thịt nướng, miếng thịt được tẩm ướp đậm đà.
Gà chạy bộ
Gà nướng (Ảnh sưu tầm)
Một đặc sản của các vùng đồi núi, gà được nuôi bằng thóc và thả rông cho nên thịt gà chắc, ngọt và thơm, đặc biệt da giòn ăn rất ngon. Những chú gà được nuôi ở các vùng đồi núi, do được thả rông nhiều nên thịt gà rất chắc, ngọt và thơm.
Xôi nếp nương
Lúa được trồng trên vùng núi cao vùng Ngân Sơn, Chợ Đồn, Na Rì, Bạch Thông… tỉnh Bắc Kạn. Cây lúa tại đây được trồng hoàn toàn tự nhiên, trên nương rẫy không có sự can thiệp của các loại phân hóa học, vì thế gạo nếp nương được đảm bảo có độ sạch nhất định.
Xôi nếp nương (Ảnh sưu tầm)
Cây lúa sinh trưởng và phát triển trên mảnh đất màu mỡ của núi rừng, cho ra hạt nếp to, hạt trong, hạt đục, khi nấu có mùi thơm và dẻo. Món ăn vô cùng phổ biến của người vùng cao, thường là món ăn kèm với các món thịt lợn, thịt gà nướng ở trên.
Mắm tép chua Ba Bể
Nếu qua đêm ở bản Pác Ngòi, được ăn bữa cơm dân tộc bên bếp lửa nhà sàn, bạn hãy thử một lần nếm hương vị của món tép hồ muối chua nổi tiếng. Đặc sản tép chua Ba Bể làm từ tép tươi và gạo nương, được dân làng chế biến theo bí quyết riêng để có hương vị thơm ngon đặc biệt, khác hẳn so với những nơi khác.
Mắm tép chưng thịt (Ảnh sưu tầm)
Người Tày nơi đây thường ăn tép muối chua cùng thịt chân giò hoặc ba chỉ luộc kèm các loại rau thơm như đinh lăng, chuối xanh, khế chua… Thưởng thức tép chua hồ Ba Bể giữa khung cảnh thanh bình của núi rừng, sông bể, du khách sẽ thấy ngon miệng hơn và cảm nhận rõ vị béo của thịt, cay từ tỏi, mùi thơm riềng cùng sự ngọt dìu dịu, chua thanh của tép nhưng lại rất đậm đà, riêng biệt.
Rau rừng Bắc Kạn
Nếu ai đã từng đến thăm mảnh đất vùng cao Bắc Kạn nổi tiếng với những địa danh thắng cảnh như Hồ Ba Bể, rừng nguyên sinh, với những điệu hát then, nghỉ ngơi một đêm bên bếp lửa nhà sàn và thưởng thức sản vật của núi rừng Bắc Kạn hẳn sẽ không thể quên được hương vị đặc trưng các món rau riêng được chế biến từ bàn tay khéo léo của người dân nơi đây.
Rau dớn, một trong các loại rau rừng ngon ở Bắc Kạn (Ảnh sưu tầm)
Cũng như một số tỉnh vùng Đông Bắc khác, người dân vùng cao Bắc Kạn cũng có những loại rau rừng rất ngon cùng với sự chế biến khéo léo luôn mang lại hương vị khó quên cho khách du lịch. Nếu có dịp ghé những bản du lịch cộng đồng của người dân Bắc Kạn bạn có thể dễ dàng thưởng thức các loại rau này như: rau dớn, rau bồ khai, rau ngót rừng…
Rượu men lá Bằng Phúc
Rượu men lá của người Bằng Phúc khi uống có hương vị rất hấp dẫn, ngọt mát, rất dịu, êm hơn bất kỳ loại rượu nào khác. Rượu dù uống say đến đâu thì vẫn cứ sảng khoái, nhẹ nhõm. Đó là một đặc điểm rất quý của rượu men lá. Đến Bằng Phúc, phải ngồi lại nhấp chén chè, thử chén rượu, ấy mới được coi là đến thăm. Điều làm nên sự khác biệt này chính là men rượu.
Men dùng để nấu rượu Bằng Phúc (Ảnh sưu tầm)
Theo chia sẻ của ông, men lá nấu rượu được làm từ lá thuốc bắc với bột gạo. Để có được men tốt, tạo nên hương vị đặc trưng của rượu thì bí quyết quan trọng nhất chính là lên rừng hái thuốc bắc về phơi khô để dùng dần.
Miến dong Na Rì
Miến dong Na Rì có hương vị đặc biệt là nhờ sử dụng nguyên liệu sạch, được chế biến theo quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Để làm ra loại miến thơm ngon này, củ dong riềng được nghiền nát để lấy tinh bột, hòa tinh bột vào nước và lọc nhiều lần để loại bỏ sạn và tạp chất, giúp cho miến có màu trong.
Miến dong Na Rì (Ảnh sưu tầm)
Sau đó người ta quấy 1 phần bột dong, trộn với bột sống rồi đem đi tráng thành bánh. Bánh được đem đi phơi rồi đưa vào máy để cán thành sợi miến. Với quy trình tỉ mỉ, tuyệt đối không dùng hóa chất và được phơi trong môi trường trong lành giữa bạt ngàn đồi núi nên sợi miến dong Na Rì ngọt, dai, giòn, không có sạn và có hương thơm đặc trưng của bột dong.
Khâu nhục
Không chỉ ở Bắc Kạn, đây là món ăn khá quen thuộc ở các tỉnh vùng Đông Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn. Thịt lợn phải là thịt ba chỉ ngon, luộc sơ qua, dùng tăm tre chọc bì thật kĩ, tẩm ướp gia vị rồi đem quay, vưa quay vừa quết mật ong cho vàng bì. khoai cũng phải rán vàng,mọi thứ được xếp vào bát, cứ một miếng khoai, một miếng thịt cho nhân được làm bằng thịt, nấm hương, mộc nhĩ…đã xào lên trên, hấp cách thuỷ khoảng 5 tiếng đồng hồ.
Khau Nhục là món ăn du nhập theo người Hoa vào Việt Nam (Ảnh sưu tầm)
Khâu nhục là tiếng hoa đánh vần lại chữ viết tiếng Việt, phát âm tiếng Hoa là khâu nhục. “Khâu” có nghĩa- hấp đến mềm gục, “Nhục” có nghĩa- thịt, nếu dịch đúng nghĩa là thịt gục, hoặc thịt hấp gục. Tùy từng địa phương, món ăn này còn có các tên gọi khác như: “khau nhục”, “khổ nhục”, “nằm khau”. Ngoài ra, tên gọi của chúng còn được bắt nguồn từ chính cách thức xếp trên đĩa và hình dáng giống như một mỏm đồi nhỏ, đang vươn lên, nên người dân tộc Nùng gọi là “khâu” tức đồi.
Pẻng phạ
Nhìn bề ngoài bánh không có gì nổi bật, những viên bánh tròn tròn chỉ nhỉnh hơn quả nhãn lồng đôi chút, lớp bột trắng bên ngoài dù có cố gắng làm duyên đến mấy cũng không phủ kín màu hơi nâu nâu của bánh nằm ẩn bên trong. Tuy mộc và thô như vậy, song không phải ngẫu nhiên mà người Tày chọn đó là một trong những món ăn truyền thống của dân tộc mình để dâng lên trời đất. Chỉ một chiếc bánh nhỏ xíu, song hội tụ nhiều nguyên liệu, hương vị đặc trưng của người dân nơi đây với vị cay nồng của rượu, vị ngọt của đường, vị chát rất thơm của nước chè mạn, vị béo bùi của bột nếp…
Pẻng Phạ, món Bánh Trời của người Tày ở Ba Bể (Ảnh sưu tầm)
Bánh pẻng phạ chế biến không cầu kỳ nhưng mùi vị thơm ngon thích hợp với mọi lứa tuổi từ người già cả răng yếu cho tới tụi trẻ con ưa thích quà vặt, do vậy hầu như nhà nào cũng làm món bánh này trong những dịp ăn mừng. Nguyên liệu chính để làm bánh là gạo nếp. Mỗi túi bánh nếu bảo quản tốt có thể để hơn một tháng mà vẫn giữ được vị thơm, giòn của bột, của chè nên nhân lúc rảnh rỗi hoặc nhà chuẩn bị có việc người ta làm trước bánh rồi cất trong những túi kín để dùng dần hoặc làm quà cho người phương xa.
Lạp xường Bắc Kạn
Lạp xưởng Bắc Kạn (Ảnh sưu tầm)
Lạp sườn được làm bằng tay của người Bắc Kạn có mùi của nắng vùng cao, mùi của khói bếp, thoảng mùi gừng, mùi rượu, mắc mật, thơm một cách đặc biệt. Vị dai của lòng, vị ngọt của thịt nạc, vị béo của mỡ hòa quyện với nhau, ăn thật ngon miệng. Nhấp thêm chút rượu nữa thì càng khoái khẩu.
Lạp sườn được làm từ thịt lợn bản nên thịt thơm và chắc. Điểm độc đáo của lạp sườn Bắc Kạn là được tẩm ướp bằng gừng đá, một loại gừng chỉ mọc trên đá của người dân tộc nên có mùi thơm rất đặc biệt, không giống gia vị nào của miền xuôi.
Bánh ngải người Tày
Bánh ngải là món bánh đặc trưng của người Tày (Ảnh sưu tầm)
Bánh trứng kiến
Bánh trứng kiến là một trong những món bánh độc đáo của người Tày vùng núi Đông Bắc nước ta, mạn Bắc Kạn, Cao Bằng. Nguyên liệu chính để làm nên món bánh này chính là trứng kiến. Loại bánh này thường chỉ được làm vào khoảng thời gian nhất định cuối tháng 4 và tháng 5 hằng năm bởi đây là thời gian sinh trưởng mạnh nhất của loài kiến đen rừng.
Bánh trứng kiến Bắc Kạn (Ảnh sưu tầm)
Bánh trứng kiến có thể ăn nóng hay nguội tùy ý, với loại bánh này thì ăn bất cứ lúc nào cũng có vị ngon riêng. Người ăn luôn cảm nhận được độ dẻo của gạo nếp, vị mềm của lá vả, và đặc biệt là vị béo béo ngậy ngậy của nhân bánh được làm từ trứng kiến.
Măng vầu
Măng vầu có thể được chế biến thành rất nhiều món ngon (Ảnh sưu tầm)
Cứ đến đầu tháng Chạp âm lịch, khi cơn mưa phùn bắt đầu đổ xuống, người dân trên khắp các bản làng ở Bắc Kạn lại gọi nhau lên rừng đào cái măng non, ríu ran như đi hội. Măng hái đầu mùa bao giờ cũng ngon hơn cuối mùa, từ hương vị đến độ giòn. Vì thế, người ta thường vào rừng tìm măng khi mùa xuân vừa tới. Đầu xuân, măng nhiều, ăn không hết bà con mang ra chợ bán.
Rừng Bắc Kạn có rất nhiều loại măng như: Măng tre, măng trúc, măng nứa, măng mai,… Nhưng nếu nói là đặc sản phải kể đến thứ “măng vầu” hay còn gọi là “măng đắng”. Cây măng vầu có sức sinh sôi thật kỳ diệu, cứ đào hết đợt này măng lại lên đợt khác cứ tựa hồ như sấm gọi. Rừng vầu cứ khai thác hết năm này đến năm khác.
Măng ngâm ớt Bắc Kạn
Măng ngâm ớt đặc biệt ở chỗ người làm ngâm măng cùng với quả mắc mật, đây là loại quả chỉ mọc trên vùng núi đá phía bắc.
Măng ngâm ớt Bắc Kạn ở Đèo Giàng (Ảnh sưu tầm)
Măng thái nhỏ, ớt và mắc mật để cả quả, rửa sạch để ráo. Tất cả được ngâm chung với nước muối có độ đậm vừa. Màu trắng của măng xen lẫn với màu đỏ tươi của ớt và màu xanh nâu của mắc mật thơm nồng là món quà thắm đượm hương vị quê nhà mà người dân Bắc Kạn dành làm quà cho người thân và du khách đến thăm quê mình. Măng ngâm ớt thường được dùng cho vào nước chấm và hay ăn kèm với những món ăn chóng ngấy như chân giò hầm, khau nhục…
Gạo bao thai Chợ Đồn
Giống Bao Thai có đặc điểm là giống phản ứng với ánh sáng ngày ngắn nên chỉ được gieo cấy ở vụ mùa. Đây là giống có chất lượng gạo tốt, dễ trồng, yêu cầu thâm canh không cao, khả năng chống chịu sâu bệnh hại rất khá, do đó phù hợp với đa số người sản xuất.
Gạo bao thai Chợ Đồn (Ảnh sưu tầm)
Đặc biệt là ở huyện Chợ Đồn nhờ những đặc điểm về khí hậu, đất đai riêng biệt, rất phù hợp cho giống lúa Bao Thai phát triển.
Xôi Đăm Đeng
Xôi Đăm Đeng (Ảnh sưu tầm)
Xôi đăm đeng tiếng Tày có nghĩa là xôi đỏ đen. Đây là món xôi nhiều màu sắc đỏ, xanh, đen, tím, trắng, vàng. Xôi đăm đeng được nấu từ gạo nếp cái sát từ những bó thóc nếp treo trên gác bếp nhiều tháng trước đó. Ở đây, khi thu hoạch lúa nếp, bà con không tuốt, mà để nguyên bông lúa nếp, đem bó lại treo lên gác bếp, khi chuẩn bị làm xôi mới xát thành gạo.
Đăm đeng có mùi thơm đặc trưng, không lẫn với bất cứ xôi nào. Hạt xôi bóng mượt, khi nguội se lại nhưng vẫn mềm dẻo và thơm, đặc biệt màu sắc rất bắt mắt. Đăm đeng thường được ăn với muối lạc giã nhỏ, giống như món cơm lam. Miếng xôi dẻo thơm quện với lạc vừng bùi, béo ngon cùng hương vị của lá rừng vô cùng hấp dẫn.
Bánh Coóc Mò
Coóc mò cũng là một loại bánh được bà con các dân tộc Bắc Kạn hay làm hơn cả. Mới nhìn qua nhiều người nhầm là bánh gio vì hình thức bánh coóc mò cũng giống như vậy . Bánh cũng được gói theo hình chóp nhưng lá gói bánh lại là lá chuối.
Bánh coóc mò – bánh gio sừng bò (Ảnh sưu tầm)
Để có được những chiếc coóc mò vừa dẻo, thơm lại đẹp mắt, ngoài việc chọn nguyên liệu, lá gói thì khâu làm bánh đòi hỏi phải một sự tinh tế, khéo léo. Bánh được làm từ loại gạo nếp thơm, hạt nào hạt nấy căng mẩy, đều tăm tắp. Nước làm bánh cũng phải là thứ nước suối, trong và ngọt. Những chiếc bánh cooc mò sau khi luộc có màu xanh nhạt, bóc lớp lá ra nhận thấy ngay vì thơm của nếp quyện với mùi lá vô cùng hấp dẫn. Cắn miếng bánh cooc mò thấy ngay vị dẻo thơm gạo nếp, vị ngậy của lạc nhân đỏ. Tuy bánh không có nhân nhưng càng nhai càng cảm nhận được vị thơm, béo, dẻo – đậm đà hương vị đồng quê. Bánh có thể ăn không hoặc chấm mật mía cũng rất ngon.
Mứt mận
Món mứt mận ở Bắc Kạn được người dân coi là đặc sản vì nó có những hương vị đặc trưng riêng và rất hấp dẫn. Hầu như người dân Bắc Kạn đi đâu xa đều mang món mứt mận để làm quà biếu và giới thiệu sản phẩm của quê hương mình.
Mứt mận (Ảnh sưu tầm)
Quả mận có ở rất nhiều địa phương nhưng chỉ có Bắc Kạn với giống mận vàng quả to và được những bàn tay khéo léo của các cô gái chế biến mới tạo nên món đặc sản không nơi nào có. Nhìn quả mứt mận nâu sậm, trong veo, cắn vào thấy dai và có vị ngọt hấp dẫn, không ai có thế nghĩ rằng nó được làm ra từ những quả mận vừa chua vừa chát mà người ăn chua giỏi nhất cũng không thể ăn quá ba quả.
Quýt Quang Thuận
Khi tiết trời se lạnh của mùa đông đến cũng là lúc những quả quýt Quang Thuận – huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn bắt đầu mang vị ngọt. Chỉ cần thưởng thức một lần các bạn sẽ nhớ mãi hương vị ngọt thơm tuyệt vời của nó.
Quý Quang Thuận (Ảnh sưu tầm)
Khi xưa, thứ trái cây này ở Quang Thuận chỉ có trên núi cao hoặc mọc tự nhiên trong các cánh rừng già, theo tay nải của bà con leo lên những ngọn núi cao, vừa xoè lá che chắn nắng mưa, vừa cho quả thơm ngọt trong những ngày lễ chạp cuối năm. Rồi tiếng lành đồn xa xuất phát từ chính bản thân hương vị tuyệt vời khiến những người một lần được thưởng thức quýt Quang Thuận đều không quên được. Và thứ trái cây đặc sản núi rừng ấy đã nhanh chóng được nhiều người biết đến.
Tôm, cá chua
Từ lâu, cư dân Tày đã biết chế biến món tôm chua, cá chua. Trước đây, khi tôm, cá còn nhiều, việc đánh bắt dễ dàng nên ngoài việc làm đồ ăn hàng ngày như luộc, rán, nướng… người dân đã biết chế biến ra món ăn có hương vị rất riêng đó là món tôm chua, cá chua. Ngày nay, nghề làm tôm chua, cá chua đang có xu hướng phát triển ở vùng hồ Ba Bể. Dọc theo các triền sông, suối người dân lấy tôm, cá về chế biến. Phải là tôm sông, cá sông mới cho hương vị đậm đà, riêng biệt với các vùng quê khác. Khi đánh bắt được các mẻ tôm sông, cá sông, người dân lựa chọn những con còn nguyên vẹn, đều nhau, cá thì cắt khúc rồi làm theo quy trình trên và ủ kín.
Tôm chua (Ảnh sưu tầm)
Sau một thời gian, khi tôm cá đã ngấm đủ gia vị, lên men, bỏ tôm chua, cá chua từ hũ ra, chắc hẳn không ai quên được hương vị đậm đà, mùi thơm của giềng, ngọt mềm chua dìu dịu, ăn cùng với cơm nấu bằng gạo nương thì người khó tính nhất cũng phải gật gù và thốt lên ăn không biết chán. Thường thì, người ta chưng tôm chua, cá chua lên với thịt băm và trộn thêm giềng giã nhỏ chưng lên nhưng nên nhớ rằng nếu cho nhiều thịt băm và giềng sẽ mất đi hương vị riêng của tôm chua, cá chua vùng hồ Ba Bể.
Bánh Khẩu Thuy
Bước sang tháng chạp, bà con người Tày bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu để làm Khẩu Thuy. Để làm được bánh ngon phải cần nhiều nguyên liệu, nhiều công đoạn và khá cầu kỳ. Họ lấy bèo tây đun lên lấy nước, lại lấy cây vông hoa đỏ đốt lên lấy tro. Dùng nước bèo tây và nước tro để ngâm gạo nếp. Ngâm cho gạo nở to rồi đem lên đồ. Một thứ không thể thiếu được khi làm Khẩu Thuy là khoai sọ. Khoai sọ cũng đồ lên cùng với gạo nếp, cho thêm một chút rượu vào. Bèo tây, tro vông để làm bánh nở được to, khoai sọ để bánh lên màu, rượu để bánh có vị thơm.
Bánh Khẩu Thuy (Ảnh sưu tầm)
Sau khi đồ chín, cho tất cả vào giã. Giã Khẩu Thuy cũng như giã bánh dày. Giã đến khi cối bánh lên bọt trắng, giơ chày quá đầu người không thấy bột bánh dính đầu chày nữa thì mới được. Để giã được một cối bánh không phải đơn giản. Vậy nên, các cụ ngày xưa muốn thử sức con rể thì việc đầu tiên là cho giã một cối bánh dày. Giã càng nhanh, càng nhuyễn thì càng “đạt yêu cầu”. Giã bánh xong, đổ ra một cái mẹt to và cán cho thật mỏng. Chờ cho bánh nguội bớt, siu mặt thì đem cắt từng miếng hình quả trám hoặc hình vuông. Đem phơi khô tất cả để chờ đến tết hoặc ngày hội mới đem rang phồng lên. Rang Khẩu Thuy cho phồng hết cỡ để khi ăn không bị lợn cợn những miếng bánh dẻo chưa phồng hết cũng đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Cho bánh vào chảo gang, lúc đầu cho lửa thật nhỏ để miếng bánh nóng, sau tăng lửa dần để bánh phồng đều.
Công đoạn cuối cùng để hoàn thành món bánh này là tẩm đường cho bánh. Đun sôi mật mía, trút bánh đã rán phồng vào đảo đều, sau đó, đổ ra mẹt đã tra sẵn một chút bột gạo rang. Để giữ được lâu, người ta cho vào túi nilông buộc kín sẽ khiến bánh không bị ỉu mà vẫn giữ được hương vị.
Chè shan tuyết Bằng Phúc
Cây chè Shan tuyết là một trong những đặc sản của tỉnh Bắc Kạn, phân bố chủ yếu tại xã Bằng Phúc (huyện Chợ Đồn). Được trồng trên những triền đồi ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, khí hậu ôn hòa, quanh năm mát mẻ đã tạo nên hương vị, chất lượng đặc trưng riêng của chè Shan tuyết Bằng Phúc.
Chè Shan tuyết (Ảnh sưu tầm)
Không giống với những loại chè khác, búp chè Shan tuyết to, có phủ lớp lông tơ trắng trông như những bông hoa tuyết. Khi sao khô, búp chè có màu trắng bạc, pha nước sóng sánh vàng, đậm đà vị thơm đọng nơi đầu lưỡi. Chè Shan tuyết chất lượng tốt, có hương vị đặc biệt nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Lịch trình đi phượt Bắc Kạn
Trước khi đến Bắc Kạn thường sẽ đi qua Thái Nguyên, mảnh đất này cũng có rất nhiều địa điểm vui chơi hấp dẫn. Nếu các bạn muốn đi phượt Thái Nguyên kết hợp trước khi lên đến Bắc Kạn, hãy tham khảo thêm một vài thông tin về lịch trình du lịch Thái Nguyên nhé.
Hà Nội – Ba Bể – Thác Bản Giốc – Mẫu Sơn
Ngày 1 : Hà Nội – Bắc Kạn – Ba Bể (khoảng hơn 200km)
– 7h : Khởi hành đi Hồ Ba Bể từ Hà Nội
– 12h : Tới Phủ Thông, nghỉ ngơi ăn trưa
– 13h : Phủ Thông – Hồ Ba Bể
– Khám phá Hồ Ba Bể, đi thuyền trên hồ, thăm Đảo Bà Góa, Ao Tiên , thác Đầu Đẳng …
– Tối nghỉ ở Ba Bể, nếu thích có thể vào các bản người Tày ở theo kiểu home stay nhà sàn.
Ngày 2 : Ba Bể – Cao Bằng – Thác Bản Giốc (200km)
– Từ Ba Bể khởi hành đi Thác Bản Giốc theo hướng Quốc lộ 3
– Chơi ở Thác Bản Giốc, Động Ngườm Ngao, một số mốc biên giới ở khu vực này. Có thể kết hợp khám phá các địa điểm du lịch ở Cao Bằng nếu muốn kéo dài thời gian chuyến đi.
– Tối ngủ ở Trùng Khánh
Ngày 3 : Trùng Khánh – Lạng Sơn – Mẫu Sơn (200km)
– Từ Trùng Khánh quay ngược về Tp Cao Bằng
– Đi theo hướng Đông Khê – Thất Khê sang Lạng Sơn. Trên đường này có một số địa điểm du lịch Cao Bằng các bạn có thể tranh thủ khám phá.
– Từ Lạng Sơn đi theo hướng Lộc Bình lên Mẫu Sơn để nghỉ ngơi.
– Tối ngủ Mẫu Sơn
Ngày 4 : Mẫu Sơn – Lạng Sơn – Hà Nội (220km)
– Sáng đi tham quan một vài điểm ở Mẫu Sơn
– Khám phá Lạng Sơn, ở đây có rất nhiều đặc sản Lạng Sơn ngon mà bạn nên thử
– Chạy từ Lạng Sơn về Hà Nội, kết thúc hành trình
Hà Nội – Ba Bể – Na Hang
Ngày 1 : Hà Nội – Hồ Ba Bể (220km)
– Khởi hành từ Hà Nội đi Hồ Ba Bể
– Chơi trọn vẹn 1 ngày ở Ba Bể
Ngày 2 : Hồ Ba Bể – Thác Đầu Đẳng – Hồ thủy điện Na Hang (220km)
– Từ Ba Bể thuê thuyền (2 lần thuyền, lần thứ nhất đi từ Ba Bể qua Thác Đầu Đẳng rồi từ đó di chuyển bằng xe máy qua bến thuyền tiếp theo đi du lịch Na Hang.
– Mất khoảng 5 tiếng cho 2 lần đi thuyền này
– Tiếp tục từ Na Hang về Tp Tuyên Quang nghỉ ngơi
Ngày 3 : Tuyên Quang – Hà Nội (155km)
– Ngày này chỉ di chuyển từ Tuyên Quang về Hà Nội (nên đi theo QL 2C sẽ đỡ đông và nhanh hơn)
Hà Nội – Hà Giang – Bảo Lạc – Nguyên Bình – Ba Bể
Lịch trình này các bạn chủ yếu đi du lịch Hà Giang nhưng kết hợp đi thêm một phần Cao Bằng là khu vực Nguyên Bình, Pia Oắc rồi đi qua Ba Bể về Hà Nội. Lịch trình này chạy xe máy hoàn toàn và hơi dài, các bạn cân nhắc khi chạy.
Ngày 1: Hà Nội – Hà Giang – Quản Bạ
Ngày này các bạn chạy theo hướng Quốc lộ 2 đi Vĩnh Phúc, Tuyên Quang rồi lên tới Hà Giang. Từ Tp Hà Giang các bạn di chuyển tiếp rồi dừng lại tại Quản Bạ, chọn một số nhà nghỉ ở Tam Sơn rồi nghỉ lại.
Ngày 2: Quản Bạ – Yên Minh – Đồng Văn
Các bạn xem thêm các địa điểm du lịch Hà Giang để biết những địa điểm nào nên dừng lại chơi trên cung đường này
Ngày 3: Đồng Văn – Mã Pì Lèng – Mèo Vạc – Bảo Lạc – Nguyên Bình – Ba Bể
Ngày này các bạn sẽ chạy xuyên 3 tỉnh là Hà Giang – Cao Bằng – Bắc Kạn. Tổng quãng đường vào khoảng 270km. Sẽ đi qua đèo Mã Pì Lèng, một trong tứ đại đỉnh đèo miền Bắc. Tiếp đến các bạn sẽ đi sang Bảo Lạc, Bảo Lâm rồi về Nguyên Bình của Cao Bằng. Trên đường đi sẽ qua khu vực Pia Oắc, nhớ ghé một vài biệt thự bỏ hoang được xây dựng từ thời Pháp nhé. Tối các bạn sẽ nghỉ ngơi ở Ba Bể
Ngày 4: Ba Bể – Hà Nội
Các bạn có thể dành khoảng nửa ngày để khám phá du lịch Ba Bể, sau đó từ Ba Bể các bạn đi ngược theo Quốc lộ 3 về Hà Nội.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Ba Bể
Discussion about this post