Nhắc tới du lịch Bắc Ninh, người ta không chỉ nhớ tới những làng với các câu ca quan họ mà còn với những thắng cảnh và các di tích cổ xưa thể hiện qua cách ăn nếp ở và loạt công trình di tích mang đậm dấu ấn lịch sử. Đó là những lợi thế để Bắc Ninh trở thành điểm đến lý tưởng cho chuyến đi ngắn ngày vào cuối tuần. Giờ hãy cùng RuudNguyen.com khám phá cẩm nang kinh nghiệm du lịch Bắc Ninh từ A – Z qua bài viết sau đây nhé.
Giới thiệu chung về Bắc Ninh
Bắc Ninh chỉ cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 30 km, cách sân bay Quốc tế Nội Bài 45 km. Đây là một tỉnh cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, đây là trung tâm xứ Kinh Bắc cổ xưa và là nơi có truyền thống khoa bảng và nền văn hóa lâu đời. Phía Bắc giáp tỉnh Bắc Giang, phía Tây và Tây Nam giáp thủ đô Hà Nội, phía Nam giáp tỉnh Hưng Yên, phía Đông giáp tỉnh Hải Dương.
Hạ tầng của TP Bắc Ninh về cơ bản đã đạt được các tiêu chí đô thị loại I (Ảnh sưu tầm)
Bắc Ninh là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có các hệ thống giao thông thuận lợi kết nối với các tỉnh trong vùng như quốc lộ 1A nối Hà Nội – Bắc Ninh – Lạng Sơn; Đường cao tốc 18 nối sân bay Quốc tế Nội Bài – Bắc Ninh – Hạ Long; Quốc lộ 38 nối Bắc Ninh – Hải Dương – Hải Phòng; Trục đường sắt xuyên Việt chạy qua Bắc Ninh đi Lạng Sơn và Trung Quốc; Mạng đường thủy sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình rất thuận lợi nối Bắc Ninh với hệ thống cảng sông và cảng biển của vùng tạo cho Bắc Ninh là địa bàn mở gắn với phát triển của thủ đô Hà Nội.
Du lịch Bắc Ninh vào thời gian nào?
Bạn nên sắp xếp chuyến đi của mình vào khoảng từ tháng 1 đến tháng 3 vì đây là khoảng thời gian tổ Bắc Ninh có nhiều lễ hội truyền thống diễn ra như Hội Đình Bảng, Hội Chùa Dâu, Hội Lim. Hay các bạn có thể ghé thăm vào tháng 12, tại Bắc Ninh có những cánh đồng hoa cải nở rộ vàng rực bên bờ sông Đuống thơ mộng.
Phương tiện di chuyển đến Bắc Ninh
Bắc Ninh chỉ cách Hà Nội khoảng 40km nên sử dụng xe máy hoặc oto cá nhân, ngoài ra đi bus cũng lựa chọn lý tưởng nhất cho chuyến đi này. Nếu các bạn đi bus sẽ có nhiều điểm đến bạn phải đến bằng xe ôm hoặc taxi.
Phương tiện cá nhân
Xe bus
Xe khách
Lưu trú ở Bắc Ninh
Bắc Ninh có khá nhiều khách sạn nhà nghỉ tùy theo túi tiền (Ảnh sưu tầm)
Vì các địa điểm du lịch ở Bắc Ninh cách khá xa nhau nên bạn nhớ lên lịch trình và nơi lưu trú trước khi đi để đảm bảo chuyến đi có thể diễn ra một cách suôn sẻ và thuận lợi nhất nha. Theo kinh nghiệm của mình bạn không cần phải nghỉ đêm tại Bắc Ninh bởi với tuyến du lịch này chỉ cần đi trong ngày là đủ. Nhưng nếu bạn có các kế hoạch dài và muốn khám phá nhiều hơn hoặc đi các tỉnh khác thì có thể lựa chọn các nhà nghỉ khách sạn bình dân trong các trung tâm huyện hoặc tại thành phố nhé.
Các địa điểm du lịch ở Bắc Ninh
Các đền, chùa, đình
Đình Bảng
Phối cảnh tòa Tiền đường, đình làng Đình Bảng (Ảnh sưu tầm)
Đình làng Đình Bảng nằm ở thành phố Từ Sơn và được làm hoàn toàn bằng gỗ lim vẫn giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc cách đây trên 300 năm. Từ xa xưa, dân gian xứ Bắc có câu: “Thứ nhất là đình Đông Khang/ Thứ nhì đình Báng, vẻ vang đình Diềm”. Ngày nay, đình Đông Khang không còn, đình Diềm trước có năm gian, nay còn ba gian. Chỉ có đình Báng (đình Đình Bảng) còn tương đối nguyên vẹn. Ngôi đình này từng được bình chọn là một trong những đình làng có kiến trúc đẹp nhất còn tồn tại đến bây giờ.
Đền Đô (đền Lý Bát Đế)
Thủy Đình – Nơi để các chức sắc họp bàn khi xưa (Ảnh sưu tầm)
Đền Đô hay còn gọi là (Đền Lý Bát Đế, Cổ Pháp Điện) được xây dựng vào thế kỷ XI, ngày nay nằm ở phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn. Đền được dựng trên nền đất mà khi xưa vua Lý Công Uẩn đăng quang và trở lại thăm quê hương. Hiện đền đang thờ 8 vị vua nhà Lý, được mệnh danh ngôi đền linh thiêng nhất Bắc Ninh. Hội đền Đô diễn ra vào giữa tháng 3 âm lịch đã thu hút đông đảo du khách thập phương khắp nơi.
Chùa Phật Tích
Chùa Phật Tích được công nhận là di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu tại Bắc Ninh (Ảnh sưu tầm)
Chùa Phật Tích (hay còn gọi là chùa Vạn Phúc) nằm cách Hà Nội 20km về phía Đông, có vị trí tọa lạc trên núi Lạn Kha thuộc địa phận xã Phật Tích, huyện Tiên Du. Đây là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời với kiến trúc mang đậm dấu ấn thời Lý. Chùa Phật Tích Bắc Ninh có kiến trúc của thời Lý, thể hiện qua ba bậc nền bạt vào sườn núi có kè bằng đá tảng dựng đứng như bức tường dài 58m, cao từ 3–5m, ở khoảng giữa tường là lối đi bằng đá rộng 5m có 80 bậc. Ngoài ra, chùa Phật Tích còn nổi tiếng với một công trình hết sức hoành tráng và hùng vĩ đó là bức tượng Phật A di đà cao 27m nằm trên đỉnh núi.
Chùa Dâu
Đây là ngôi chùa có lịch sử khoảng 2.000 năm tuổi (Ảnh sưu tầm)
Chùa Dâu có vị trí ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành. Chùa Dâu là ngồi chùa thờ bà Pháp Vân, được nhân dân hóa thành bà chị cả trong bốn chị em trong hệ thống chùa Tứ pháp. Có lẽ cũng chính vì vậy mà chùa còn có tên gọi khác là chùa Cả, Cổ Châu Tự( viên ngọc quý), Diên Ứng Tự, đời Lý còn có tên là Thiền Định Tự. Sở dĩ ngày nay chùa Dâu là tên gọi chính của ngôi chùa là vì xưa kia ngôi chùa nằm giữa một vùng đồng bằng rộng lớn trồng dâu nuôi tăm để chăn tơ, dệt lụa. Hàng năm lễ hội chùa Dâu vào ngày 8/4 âm lịch hàng năm đều thu hút hàng chục nghìn người từ khắp nơi về chảy hội.
Chùa Bút Tháp
Toàn cảnh Chùa Bút Tháp, Thuận Thành (Ảnh sưu tầm)
Chùa Bút Tháp (nằm ở bên đê hữu ngạn dòng sông Đuống thuộc huyện Thuận Thành, đây là ngôi chùa cổ có tượng Phật Bà Quan nghìn mắt nghìn tay bằng gỗ lớn nhất nước ta. Chùa Bút Tháp, tên chữ là Ninh Phúc tự, một trong những danh lam cổ tự đẹp nhất ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, nơi lưu giữ 4 bảo vật quốc gia vẫn bảo tồn được tương đối nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Chùa được xây dựng từ thế kỷ 14 với diện tích khoảng 10.000m2 được xây theo kiểu nội công ngoại quốc, với các công trình kiến trúc được bố trí cân xứng, chặt chẽ ở khu vực trung tâm.
Hiện trong chùa còn lưu giữ bốn nhóm bảo vật quốc gia là tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay được công nhận năm 2012 và ba pho tượng Tam Thế, tòa Cửu phẩm liên hoa, Hương án cùng được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2020. Lễ hội chùa Bút Tháp được tổ chức vào ngày 23-24/3 âm lịch hàng năm với các hoạt động đậm nét văn hóa truyền thống.
Đền Bà Chúa Kho
Nơi đây được người dân mệnh danh là “kho vàng mã” của cả nước (Ảnh sưu tầm)
Đền thờ Bà Chúa Kho ở làng Cô Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh là một trong những ngôi Đền thờ thần mẫu luôn được người dân tin là một trong những ngôi chùa xin lộc nổi tiếng nhất của miền Bắc. Hàng ngày, có hàng trăm lượt người trong và ngoài nước tới dâng lễ, cầu lộc, cầu tài, nhưng sầm uất và náo nức nhất là vào tháng 1, 2 Âm lịch hàng năm.
Mọi người tới đây, ngoài việc thành tâm dâng lễ, cầu lộc, cầu tài, còn là dịp gặp nhau, cùng nhau vãn cảnh Đền, thăm các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của thành phố như: Đình Cô Mễ, Thành cổ Bắc Ninh, Văn Miếu Bắc Ninh
Các điểm du lịch khác
Làng gốm Phù Lãng
Làng gốm Phù Lãng là một trong những làng gốm truyền thống nổi tiếng (Ảnh sưu tầm)
Làng gốm Phù Lãng là một trong những làng gốm truyền thống nổi tiếng trong cả nước nằm xã Phù Lãng, huyện Quế Võ cách Hà Nội khoảng 60 km. Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, vẫn còn lưu giữ và trưng bày một số sản phẩm gốm Phù Lãng có niên đại khoảng thế kỷ 17-19.
Làng gốm Phù Lãngra đời cách đây hơn 700 năm, nổi tiếng với các sản phẩm đồ gia dụng như vại, ấm, nồi, chum, chậu hoa, đôn cảnh… Khác với những làng gốm khác, sản phẩm gốm Phù Lãng được phủ một lớp men có hoa văn màu da lươn trông vừa thanh nhã vừa bền đẹp.
Làng Tranh Đông Hồ
Đây là một dòng tranh dân gian Việt Nam (Ảnh sưu tầm)
Cách Hà Nội chừng 33km về hướng Đông và nằm sát bờ Nam đê sông Đuống, làng Hồ hay Đông Hồ là một làng nghề cổ truyền, có tên Nôm là làng Mái nay thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành. Đây là cái nôi của dòng tranh khắc gỗ dân gian đặc sắc được nhiều người cả trong và ngoài nước biết đến, với những bức tranh từ lâu đã đi vào đời sống tinh thần bao người dân Việt.
Xuất hiện từ khoảng thế kỷ XVI, tranh Đông Hồ được hình thành bằng phương pháp thủ công, là kết tinh của sự khéo léo và nhẫn nại, cộng với nghệ thuật thẩm mỹ đầy tinh tế. Đặc biệt làng Hồ có hội vào rằm tháng Ba âm lịch, trong ngày hội làng có những nghi thức truyền thống như tế thần, thi mã, thi tranh rất vui vẻ… Trong lúc tham quan, bạn có thể mua vài bức tranh về làm quà cho người thân, bạn bè vì có nhiều chủ đề ý nghĩa để bạn lựa chọn lắm đấy!
Hội Lim huyện Tiên Du
Hội Lim là một lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh (Ảnh sưu tầm)
Lim là tên Nôm của xã Lũng Giang, huyện Tiên Sơn cách Hà Nội 18 km. Hội Lim là một lễ hội lớn đầu xuân vùng Kinh Bắc được tổ chức từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng hàng năm, đây là một trong những lễ hội tiêu biểu nhất của mảnh đất Kinh Bắc. Có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm và đặc sắc hơn cả là phần hát hội. Những làn điệu dân ca quan họ từ lâu đã là tài sản văn hoá chung của dân tộc Việt, tiêu biểu cho loại hình dân ca trữ tình Bắc Bộ.
Các món ngon ở Bắc Ninh
Bánh phu thê Đình Bảng
Bánh mang ý nghĩa tượng trưng cho sự thủy chung của vợ chồng (Ảnh sưu tầm)
Bánh phu thê hay còn gọi với cái tên khác là bánh xu thê. Loại bánh này thường được dùng để làm lễ vật đựng tráp trong ngày ăn hỏi. Ở một số nơi, bánh phu thê còn được dùng làm món tráng miệng trong các buổi tiệc cưới. Chiếc bánh được gói bằng những tấm lá dong giản dị khi thưởng thức vừa có độ dẻo của nếp, độ giòn giòn của đu đủ, vị ngậy của đỗ xanh, vị béo của cùi dừa, vị bùi của hạt sen, vị ngọt của đường,…
Bánh tẻ làng Chờ
Nét đặc trưng của bánh tẻ Chờ là dẻo chứ không nhão, nát như bánh giò (Ảnh sưu tầm)
Bánh tẻ một thứ quà quê nổi tiếng của thị trấn Chờ, huyện Yên Phong. Bánh tẻ có mùi vị tuyệt hảo nhất là lúc vừa ra lò, còn nóng hổi với vị bùi bùi đặc trưng. Để làm ra những chiếc bánh đúng nghĩa bánh tẻ làng Chờ, phải trải qua một quy trình phức tạp, tỉ mỉ. Bánh khi ăn chấm cùng tương ớt hoặc nước mắm ớt tùy theo sở thích của mỗi người.
Nem làng Bùi
Nem bùi là một đặc sản Bắc Ninh đã và đang tạo nên thương hiệu rất lớn (Ảnh sưu tầm)
Nem Bùi có xuất xứ ở làng Bùi, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành. Bởi thế người ta thường gọi là nem Bùi Thuận Thành để phân biệt với các loại nem xứ khác. Tùy theo khẩu vị từng người, nem khi ăn được cuốn bằng lá sung hoặc lá đinh lăng chấm với tương ớt hay nước mắm. Bạn sẽ cảm nhận được vị chát của lá sung, vị ngọt của thịt và mùi thơm lừng của thính. Đồng thời đây cũng là món quà trao tay ý nghĩa cho du khách bè, người thân sau mỗi dịp ghé qua Bắc Ninh.
Bánh khúc làng Diềm
Tên bánh xuất phát từ chính loại cây làm nên nó (Ảnh sưu tầm)
Làng Diềm (hay còn gọi là làng Viêm Xá), xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh nổi tiếng là cái nôi của làn điệu dân ca quan họ. Thế nhưng đến đây, du khách còn được biết đến bánh khúc cổ. Sở dĩ có tên bánh khúc là vì nguyên liệu chính để làm bánh là rau khúc. Nhân bánh khúc có hai loại, nhân đỗ và nhân thịt, tùy thuộc vào khẩu vị người ăn mà mỗi người làm khác nhau. Bánh sau khi nặn xong đem hấp khoảng 30 phút sẽ chín. Thưởng thức bánh khi còn nóng hổi là thơm ngon nhất.
Rượu làng Vân
Làng Vân nằm cách thành phố Bắc Ninh đúng một con sông Cầu. Chưa qua sông, người ta đã có thể cảm nhận được mùi vị của làng qua những thùng phuy bã rượu dựng dọc hai bên con đường đê dẫn xuống bến đò ngang. Cái hay của rượu làng Vân, là rượu nặng nhưng uống vào thấy nhẹ, nhẹ nhưng uống vào lại thành nặng, có lúc uống một chén cũng có thể say, nhưng nhiều khi cả vò cũng không say. Rượu làng Vân chính cống phải là rượu gạo. Tùy theo nguyên liệu mà phân làm ba loại với chất lượng tăng dần theo thứ tự: rượu gạo tẻ, rượu gạo nếp, và rượu nếp cái hoa vàng.
Bánh đa kế
Nguyên liệu chính làm bánh đa Kế là gạo tẻ loại ngon, để lâu ngày, được vo nhẹ (Ảnh sưu tầm)
Bánh đa kế không chỉ là món đặc sản Bắc Ninh được thực khách ưa chuộng mà cũng thường được chọn mua làm quà cho gia đình bạn bè. Bánh đa kế nơi này được chế biến theo cách rất riêng mà các loại bánh đa vừng đen Hà Tĩnh hay bánh đa cốt dừa Bình Định không có được.
Loại bánh này được tráng gần như bánh cuốn với cách tráng 2 lần để bánh đảm bảo được độ dày, giòn sau khi nướng, bánh sau khi đã được đổ tạo hình sẽ được rắc thêm lớp mè và lạc rang giã dập lên mặt bánh để khi ăn bánh có vị bùi, ngọt thanh thoát. Bánh đa kế thường được du khách mua về làm quà cho gia đình bạn bè bởi giá thành của nó hợp lí mà chất lượng thì càng không cần bàn cãi.
Bún làng Tiền
Nghề làm bún ở làng Tiền (Ném) có hàng trăm năm nay (Ảnh sưu tầm)
Nghề làm bún ở làng Tiền (Ném) có hàng trăm năm nay, đời này kế tiếp đời kia. Để thương hiệu sản phẩm, người Ném Tiền đã kỳ công chọn gạo không dính, không hẩm và không hề pha chế bất kỳ loại bột nào. Những sợi bún trắng trong, tươi ngon và dẻo dai được người dân làng Tiền thực hiện qua biết bao công đoạn phức tạp, tỉ mỉ và công phu.
Cháo cá Tích Nghi
Cháo được nấu đặc sánh, nhừ nhưng không nát, quyện đều thịt cá béo thơm (Ảnh sưu tầm)
Nói đến cháo cá Tích Nghi ít ai không biết đây là món ăn đặc sản nổi tiếng và quen thuộc của người dân Bắc Ninh. Bên dưới cháo thường được cho vào một ít rau thơm, nhiệt độ của cháo vừa đủ làm cho rau chín tới mà không quá mềm nhũng. Cháo cá nơi đây được nấu từ thịt cá chép hoặc cá trắm, cá đặc biệt dai ngon và ngọt thịt. Đặc biệt là cháo cá Bắc Ninh có thêm cả bát mắm ớt. Khi ăn có thể cho thêm vào để tăng vị cay nồng, giảm bớt cái lạnh mùa đông.
Phở gan cháy
Phở ngan cháy là đặc sản độc đáo chỉ có duy nhất ở đất Kinh Bắc (Ảnh sưu tầm)
Phở ngan cháy là đặc sản độc đáo chỉ có duy nhất ở đất Kinh Bắc. Phở gan cháy là một món đặc sắc mới xuất hiện gần đây ở phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh, ăn rất lạ và ngon. Nguyên liệu làm nên món phở này khá khác biệt so với các món phở khác. Bên cạnh thịt lợn là nguyên liệu phổ biến thì cật lợn và gan lợn (bò) là những thứ rất quan trọng để tạo nên điểm nhấn của món đặc sản phở gan cháy. Nếu bạn có dip ghé qua thành phố Bắc Ninh thì đừng quên ghé qua các địa chỉ bán món đặc sản này trên đường Kinh Dương Vương, Hồ Ngọc Lân.
Thịt chuột Đình Bảng
Người Đình Bảng thường dùng chó hoặc rơm hun khói để bắt chuột (Ảnh sưu tầm)
Nói đến thịt chuột, nhiều người sẽ có cảm giác ghê sợ, nhưng ở Đình Bảng đây lại được coi là đặc sản. Tuy không phổ biến như thịt chó, gà hay bò nhưng người dân Bắc Ninh vẫn sử dụng thịt chuột như một loại thức ăn thường ngày. Thậm chí không ít nhà còn bày trong mâm cỗ cưới món đặc sản này. Ngày nay thịt chuột ở Đình Bảng tuy không còn thịnh như ngày trước khi có mặt ở nhiều nơi, nhưng những người sành ăn Hà Nội vẫn thường tìm về Đình Bảng để thưởng thức món ăn dân dã.
Gà Hồ
Gà Hồ là giống gà đẹp mã, thịt ngon, chắc ngọt (Ảnh sưu tầm)
Gà Hồ là giống gà quý hiếm từ xưa dùng để tiến vua. Cứ vào mỗi dịp Tết đến xuân về, thị trường gà tết luôn trong tình trạng tấp nập mua bán. Từ lâu, gà Hồ đã được mệnh danh là “gà tiến vua” là “đặc sản trứ danh” của làng Lạc Thổ, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành. Giống gà Hồ trưởng thành có trọng lượng khoảng 5 – 6kg, chất thịt thơm ngon hơn hẳn các loại gà thông thường, phần da gà cũng giòn, ít mỡ hơn.
Xem thêm: Các món ngon ở Bắc Ninh
Discussion about this post