Bình Liêu là điểm đến du lịch vùng biên giới của tỉnh Quảng Ninh. Với đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), địa hình núi cao nhiều phong cảnh tự nhiên tuyệt đẹp và cuộc sống tràn ngập màu sắc văn hóa của đồng báo các dân tộc thiểu số người Tày, người Dao, Sán Chỉ… Nơi đây được ví là “Sapa thu nhỏ của vùng Đông Bắc. Hãy cùng RuudNguyen.com giúp bạn khám những điều thú vị nhất của một vùng biên giới này nhé.
Giới thiệu về Bình Liêu
Bình Liêu là huyện vùng cao với cảnh sắc rất đẹp ở Quảng Ninh (Ảnh sưu tầm)
Bình Liêu là một huyện vùng núi nghèo phía đông bắc của tỉnh Quảng Ninh; phía bắc giáp với huyện Ninh Minh, thành phố Sùng Tả và khu Phòng Thành, thành phố cảng Phòng Thành (Quảng Tây – Trung Quốc); phía Tây giáp với huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn); phía Đông giáp huyện Hải Hà, phía Nam giáp huyện Tiên Yên và huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh). (Theo wiki).
Bình Liêu là huyện đa dân tộc (khoảng trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số), với 05 dân tộc chính (dân tộc Tày chiếm 58,4%, dân tộc Dao chiếm 25,6%, dân tộc Sán Chỉ chiếm 15,4%, dân tộc Kinh chiếm 3,7%, dân tộc Hoa chiếm 0,3%) tạo nên một bề dày văn hóa phong phú, đa dạng, mang một bản sắc riêng. Về văn hoá, Bình Liêu có tập quán và nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc của nhiều dân tộc. Đồng bào không theo tôn giáo nào, cả huyện không có chùa, nhà thờ, chỉ có mấy ngôi đình nhỏ thờ thành hoàng.
Các gia đình và dòng họ chỉ có tục thờ cúng tổ tiên. Sinh hoạt văn hoá xưa kia tập trung nhất là hội au-pò của người Tày và người Sán Chỉ vào các ngày 14,15,16 tháng 3 âm lịch. Những ngày đó, nam nữ thanh niên từ các bản kéo về thị trấn huyện lỵ gặp gỡ tâm tình, hát đối đáp giao duyên bằng các làn điệu dân ca (người ta quen gọi là Chợ tình giao duyên). Người Tày có các điệu sli, tì làu, then. Người Sán Chỉ có hát xoóng cộ và thường từng đôi bạn gặp nhau suốt ngày 16. Trong ngày hội au-pò và những ngày đầu xuân ở bản làng, bà con còn chơi đàn tính, ném còn, chơi gụ.
Đi phượt Bình Liêu vào thời gian nào?
Trên những cánh rừng xanh, mùa nào hoa ấy luôn đua nhau khoe sắc: hoa đào, hoa mận Nà Làng, hoa trẩu, hoa sở trắng muốt…như tô thêm cho vẻ đẹp thanh khiết của núi rừng miền biên viễn. Mùa hè, thời tiết khá mát mẻ nên Bình Liêu đôi khi còn được ví von như một Sapa thu nhỏ của Quảng Ninh, mùa đông nhiệt độ đôi khi xuống khá thấp, không kém gì các vùng vốn nổi tiếng về lạnh như Mẫu Sơn hay Sapa
- Nếu thích khám phá thác Khe Vằn, các bạn nên tới Bình Liêu vào khoảng mùa hè tầm tháng 6,7, thời tiết của mùa hè mới phù hợp để bơi lội. Còn các mùa khác thác tương đối lạnh và có cả sương mù.
Mùa hoa Trẩu ở Bình Liêu thường vào tháng 4 (Ảnh sưu tầm)
- Vào khoảng đầu năm (thường sau Tết) là mùa của các lễ hội vùng cao, Bình Liêu cũng vậy.
- Cuối tháng 3 là mùa hoa Trẩu, bạn nào thích chụp ảnh hoa hoét thì hợp lý.
- Vào mùa đông, nếu nhiệt độ năm nào xuống rất thấp thì có thể Bình Liêu sẽ có băng tuyết. Cái này các bạn cần theo dõi dự báo thời tiết thôi.
Khách sạn nhà nghỉ tại Bình Liêu
Bởi được ví như Sapa của vùng Đông Bắc nên trong thời gian gần đây Bình Liêu thu hút được khá nhiều khách du lịch trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh đến. Các bạn có thể thuê nhà nghỉ và thuê xe máy ở tại trung tâm thị trấn Bình Liêu.
Các địa điểm du lịch đẹp ở Bình Liêu
Thác Khe Vằn
Thác cao hơn 100m. Không gian xung quanh thác khá rộng, có ba tầng tuôn chảy thác nước ào ào như âm thanh đặc trưng của núi rừng. Tầng thứ nhất là dòng nước lớn được chảy từ các vách núi cao xuống tạo thành một hồ nước rộng.
Thác Khe Vằn (Ảnh sưu tầm)
Nước hồ trong xanh, cùng với thác nước tung trắng trời điểm thêm cỏ cây hoa lá trên vách đá, khung cảnh trở nên đẹp và thi vị. Bên góc phải của hồ nước là một quần thể đá sừng sững và góc cạnh tạo nên một cảnh quan thiên nhiên kỳ thú.
Thác Khe Tiền
Thác Khe Tiền gồm một quần thể thác với hệ thống thác Khe Tiền 1,2,3. Thác được hình thành từ các mạch nước dưới chân núi, tạo thành các dòng nước nhỏ đổ thành thác nước. Thác Khe Tiền nằm giữa khu rừng nguyên sinh thuộc thôn Khe Tiền (bắt nguồn từ hệ thống núi Quảng Nam Châu cao trên 1500m so với mực nước biển). Thác có độ cao 749m so với mực nước biển, độ ẩm không khí cao, quanh năm thác nước nằm trong sương mù dày đặc. Thác nước còn giữ nguyên vẻ hoang sơ, thi vị.
Thác Khe Tiền (Ảnh sưu tầm)
Quần thể thác Khe Tiền mang vẻ đẹp với các hình thù khác nhau. Thác 1,2 là dòng thác nhỏ tuôn chảy xối tạo thành hồ nước lớn, thác 3 tỏa ra nhiều dòng thác chảy. Dân gian truyền rằng tại thác Khe Tiền có viên đá 7 màu. Vì vậy, khi đặt chân đến thác mọi người đều cố tìm được đá bảy màu
Thác Sông Moóc
Một điểm nhấn khác thu hút bước chân khám phá của du khách là thác sông Moóc với diện tích khoảng 3ha. Thác hoang sơ, mát lành, có tầng thác cao trên 10m đổ từ rừng rậm xuống uốn quanh bản.
Thác Sông Moóc (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
Thật thú vị khi du khách len lỏi đi giữa mương thủy lợi, những ruộng bậc thang lúa chín vàng… đến khám phá thác nước độc đáo này. Dưới chân thác là hệ thống bãi đá kỳ vĩ hơn 400m2 với các tảng đá to, nằm phủ phục tạo nên không gian rộng lớn, hùng vĩ.
Bản Sông Moóc
Nằm ở lưng chừng núi, bản Sông Moóc, xã Đồng Văn (huyện Bình Liêu) được bao bọc bởi núi cao, mây phủ, chập chùng ruộng bậc thang dát một màu lúa chín, thấp thoáng những ngôi nhà cổ và thác nước hiền hòa xa xa… Cảnh quan trong lành, yên bình, hoang sơ đặc trưng này, được du khách, “phượt thủ” ví là “Sa Pa thu nhỏ” của vùng cao Bình Liêu.
Bản Sông Moóc (Ảnh sưu tầm)
Bản Sông Moóc có diện tích tự nhiên trên 375ha. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 69ha. Nằm ở độ cao trên 1000m, toàn bộ bản nằm trên sườn hệ thống núi Phiêng Chè-Cao Ba Lanh. Do đó, bản Sông Moóc phân hóa độ cao rõ rệt, nơi thấp nhất chỉ cao hơn mực nước biển khoảng 300m, nhưng nơi cao nhất lại hơn mực nước biển trên 700m.
Check các cột mốc 1305 và sống lưng khủng long
Có 3 mốc lớn đẹp và thiêng liêng không thể bỏ qua khi đến Bình Liêu Liêu là 1300, 1302, 1305 và 1297 ( nằm trên tuyến đường tuần tra biên giới giáp danh giữa Bình Liêu và Đình Lập lạng Sơn). Với vẻ đẹp lãng mạn của cánh đồng lau trắng cùng thiên nhiên hùng vĩ, sống lưng khủng long đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho những người đam mê du lịch.
Sống lưng khung long cũng chỉ là con đường dẫn ra mốc 1305 (Ảnh sưu tầm)
Sống lưng Khủng Long là cụm từ để chỉ sống núi đường lên mốc 1305, để đến được mốc này các bạn cần vượt qua sống núi này (nếu thời tiết thuận lợi, thời gian sẽ mất khoảng 2h). Đây cũng là đoạn đẹp nhất của con đường lên mốc này, tuy nhiên do đường đi lại khá nguy hiểm và vất vả nên nếu không đủ sức khỏe ra tới mốc, các bạn có thể dừng tại đây để chụp ảnh.
Mốc 1300, 1302
Từ thị trấn Bình Liêu chạy về hướng Hoành Mô trên QL18C khoảng 3-4 km thì rẽ phải vào bản Ngàn Chuồng. Từ bản ngàn chuồng bạn rẽ trái phía mốc 61 khoảng 7-8km là hướng mốc 1300, 1302, thời gian check chừng 1 tiếng.
Sống lưng khủng long và cột mốc 1305
Góc “check-in” quen thuộc của nhiều bạn trẻ. (Ảnh: Trần Thảo Trâm )
Mốc 1305 nằm trên đường tuần tra biên giới Bình Liêu, Hoành Mô, Quảng Ninh, cột mốc 1305 là một trong hai mốc giới nằm ở vị trí cao nhất trên thực địa tỉnh này, cũng là nơi không dễ để có thể chạm tay vào. Nhìn vào bản đồ phía trên thì cho ta biết có nhiều cách để đi vào mốc 1305;
Cách 1: từ ngã rẽ mốc 61 và 68 ở bản Chuồng bạn rẽ phải về hướng mốc 68, từ mốc 68 bạn chạy dọc theo đường về Hoành Mô khoảng 5-6km gặp ụ đất bên phải và vạch chỉ hướng lên mốc 1305. Mốc này chưa có bậc thang để leo, bạn phải trekk băng qua sống lưng khổng long thời gian trekk nhanh nhất khoảng 2h hơn nếu gặp thời tiết đẹp.
Cách 2: bạn xuất phát từ chốt biên phòng Hoành Mô, tại đây bạn hỏi lính biên phòng vào mốc 1305 chạy vào đường tuần tra biên giới như trên bản đồ.
Mốc 1327 về Hướng về Đồng Văn
Từ trạm biên phòng cửa khẩu hoành mô gặp các đồng chí bộ đội biên phòng hỏi đường ra mốc 1327 chỉ đường cho dễ. Qua chốt biên phòng 1 đoạn bạn rẽ phải chạy thẳng về hướng chợ Đồng Văn khoảng 20km (lưu ý đây không phải chợ Đồng Văn Hà Giang nhé ?). Trên đường đến mốc 1327 bạn sẽ được check vô vàn những cột mốc ngây thơ dễ dàng ngay cạnh trên đường nhé.
Đỉnh núi Cao Xiêm
Với độ cao 1.429m, thuộc địa phận xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, núi Cao Xiêm được mệnh danh là “Nóc nhà của Quảng Ninh”. Với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ và thơ mộng, Cao Xiêm đang là điểm đến lý tưởng của nhiều nhóm du lịch phượt, ưa mạo hiểm khi đến Bình Liêu.
Đỉnh núi Cao Xiêm là một nơi các bạn trẻ rất thích chinh phục khi tới Bình Liêu (Ảnh sưu tầm)
Chặng đường để chinh phục đỉnh Cao Xiêm ước tính dài khoảng hơn 7km đi bộ, chủ yếu là đường mòn men theo các sườn núi với rất nhiều núi đá mấp mô quanh năm mây mù bao phủ và băng qua những đồi cỏ bao la, ngút ngàn. Từ trung tâm thị trấn Bình Liêu, du khách có thể đi lên bản Ngàn Mèo, gửi xe máy rồi đi bộ. Đường lên Cao Xiêm đi qua cánh rừng hồi, rừng thông, những bãi cỏ rộng lớn có những bụi cây mâm xôi có quả màu đỏ vốn được dân phượt ưa thích thường hái để ăn và làm quà.
Càng đi lên cao mới thấy hết được sự hùng vĩ của núi rừng, thiên nhiên. Những ngày trời mù sương, Cao Xiêm bị bao phủ bởi lớp sương mù tạo cảm giác như lạc vào chốn bồng lai, còn những ngày trời trong xanh, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang như sóng lượn bên dưới.
Săn mây núi Cao Ly
Cao Ly là một ngọn núi thuộc xã Húc Động, huyện Bình Liêu, có độ cao hơn 1000m so với mực nước biển. Ở đây, vào mùa đông có khi còn có băng giá và tuyết trắng bao phủ.Tuy nhiên, vào mùa thu (đặc biệt là thời điểm cuối thu – đầu đông) hay sau những trận mưa phùn cuối xuân thì ở thung lũng giữa các đỉnh núi cao thường xuất hiện rất nhiều mây.
Đỉnh núi Cao Ly trong mây (Ảnh sưu tầm)
Đường Lục Ngù- Khe Tiền đang được xây dựng, dự kiến hoàn thành trong mùa hè năm 2016 sẽ nối thác Khe Vằn với các điểm du lịch tiềm năng tại Đồng Văn, trên cung đường, du khách sẽ qua núi Cao Ly.
Một số địa điểm ruộng bậc thang
Bình Liêu không chỉ sở hữu những đồng lau hữu tình mà còn cả những cánh đồng ruộng bậc thang tựa như ở Sapa hay Mù Cang Chải. Bình Liêu hiện lên mộc mạc và yên bình với cánh đồng lúa chín vàng óng ả, vang vang tiếng chuông đeo cổ của những chú trâu đang cày bừa vọng lại tựa như tiếng chuông gió, reo vui.
Bình Liêu mùa lúa chín cũng đẹp không kém các vùng khác (Ảnh sưu tầm)
Cũng bởi vậy, mà vào mỗi độ tháng 9, khi lúa trổ bông mênh mang sắc vàng, Bình Liêu lại chuyển mình đẹp rực rỡ. Những thửa ruộng bậc thang ở Bình Liêu là nét đẹp thiên nhiên hòa quyện cùng nét văn hóa lao động, uốn mình tinh tế như những nấc thang trời. Gợi ý một số địa điểm tham quan Bình Liêu trong mùa lúa chín:
- Các bản Khe O, Cao Thắng, Ngàn Pạt (xã Lục Hồn), địa điểm này nằm ở sườn tây núi Cao Xiêm, cách Quốc lộ 18C khoảng trên 3km.
- Bản Sông Moóc và Khe Tiền (xã Đồng Văn), địa điểm này nằm ở sườn nam của dãy núi Phiêng Chè, cách trung tâm xã Đồng Văn khoảng trên 3km.
- Bản Ngàn Cậm, Cao Sơn, xã Hoành Mô (đường off road lên Ngàn Cận ngay gần suối con rắn).
- Xã Húc Động – Khu vực đường đi thác Khe Vằn.
Chợ phiên Bình Liêu
Nằm ở thị trấn Bình Liêu, chợ Trung tâm là chợ lớn nhất của huyện Bình Liêu. Theo người dân, chợ phiên có từ lâu đời. Trước kia, phiên chợ thường họp vào các ngày lẻ. Ngày nay, điều kiện kinh tế của nhân dân trong vùng khá lên, nhu cầu mua bán các mặt hàng hóa cũng tăng nên chợ chuyển sang họp thường xuyên, nhộn nhịp nhất vào ngày chủ nhật.
Chợ Bình Liêu như một bức tranh đầy màu sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây (Ảnh sưu tầm)
Chợ phiên là không gian giao lưu, mua bán của đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ… trên địa bàn huyện và các địa phương lân cận như Tiên Yên, Đầm Hà… Vì thế, phiên chợ vừa là nơi tập trung giao lưu buôn bán, vừa là không gian độc đáo đa sắc màu của văn hóa các dân tộc anh em.
Đến chợ từ sớm, du khách sẽ được chứng kiến không khí phiên chợ nhộn nhịp người người đổ về, mang theo hàng hóa, nông, lâm sản. Người lớn gùi hàng, mang vác nông sản, trẻ con tíu tít theo chân bước, trên lưng mẹ em bé còn say giấc nồng… Những cô gái Tày, Dao vui cười, rạng ngời trong trang phục sặc sỡ, nhiều màu khiến phiên chợ như ngày hội của sắc màu.
Khoảng 8h sáng chợ bắt đầu đông vui, nhộn nhịp. Các gian hàng trong chợ phiên được sắp xếp trình tự, ngăn nắp từ trong ra ngoài. Gian hàng vòng trong đông, lại lan ra vòng ngoài thậm chí bà con gùi hàng bán ngay cửa chợ…
Cửa khẩu Hoành Mô
Bên cạnh cột mốc 1317 (2) là Cổng – Nhà kiểm soát liên ngành cửa khẩu Hoành Mô, một trong những cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đến Hoành Mô các bạn có thể kết hợp được thăm quan mốc 1317(2) nằm bên phía Việt Nam.
Cửa khẩu Hoành Mô (Ảnh sưu tầm)
Đình Lục Nà
Đình Lục Nà thuộc thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, được xây dựng từ thời kỳ Hậu Lê. Trước đây, đình Lục Nà là đình hàng tổng có quy mô lớn nhất trong vùng, gồm 5 gian, cột gỗ tròn có đường kính 40 – 50cm, tường xây gạch địa phương, mái lợp bằng ngói âm dương. Năm 2011, từ nguồn ngân sách của tỉnh, đình Lục Nà đã được đầu tư 8,5 tỷ đồng để xây dựng, tôn tạo trên diện tích 10.187m2.
Đình Lục Nà (Ảnh sưu tầm)
Đình Lục Nà là nơi thờ thần hoàng làng Hoàng Cần, là một tướng quân, một vị anh hùng dân tộc đã có công lao rất lớn trong cuộc chiến đấu đánh bại giặc phương Bắc đến xâm lăng đất nước ta, bảo vệ non sông bờ cõi. Sự tích kể rằng, ngày xưa khi người Tày ở vùng Đông Bắc Tân Yên (Bình Liêu ngày nay) đang sinh sống yên ổn thì giặc từ phương Bắc kéo đến xâm lược, gây nên bao cảnh tang tóc đau thương. Nhân dân trong vùng sống nơm nớp lo sợ, căm thù oán hận chồng chất.
Ở một làng nọ có người con trai người Tày tên là Hoàng Cần, thông minh tuấn tú, sức vóc cường tráng, không cam tâm chịu nhục dưới ách cai trị tàn bạo nên đã bí mật hội tụ trai làng, ngày đêm luyện tập võ nghệ. Chờ thời cơ thuận lợi tới, Hoàng Cần dấy binh đánh vào căn cứ giặc. Với chiếc gậy tre trong tay “tả xung hữu đột”, ông đã làm cho quân giặc bạt vía kinh hồn. Dẹp giặc xong, Hoàng Cần trở về quê cũ. Sau khi ông qua đời, để tỏ lòng biết ơn, nhân dân huyện Bình Liêu lập đền, dựng đình và tôn ông làm thần hoàng làng, hằng năm mở hội tế lễ linh đình dịp đầu xuân. Đình cũng là nơi thờ các vị thần núi, thần sông, thổ công, thổ địa.
Đình Lục Nà còn ghi đậm dấu ấn lịch sử cách mạng huyện Bình Liêu. Ngày 20/11/1945, tại đình Lục Nà đã diễn ra cuộc mít tinh lớn do mặt trận Việt Minh tổ chức, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng lâm thời của huyện. Ngày 18/1/1946, Ủy ban Hành chính huyện Bình Liêu được thành lập; ngày 21/11/1946, Lực lượng Vệ quốc đoàn của huyện cũng được thành lập tại đây.
Món ăn ngon của Bình Liêu không thể bỏ qua
Củ cải khô Bình Liêu
Củ cải là một sản phẩm truyền thống đã có từ rất lâu tại vùng đất Bình Liêu, Quảng Ninh. Củ cải khô được chế biến từ Củ cải trắng -từng được ví von là nhân sâm trắng do có nhiều tác dụng trong hỗ trợ tăng cường sức khỏe, chữa bệnh- được trồng trên vùng núi cao. Củ cải ở đây rất ngọt và to, thường từ 1-1,5kg/ củ.
Củ cải sấy khô (Ảnh sưu tầm)
Củ cải khô được chế biến thủ công, sau khi thu hái được rửa sạch, để nguyên vỏ, thái khúc, bóp muối để khoảng 30 phút cho củ cải thấm muối và ra bớt nước, phơi ngoài trời nắng, thông gió khoảng 3-5 ngày là được.
Mật ong Bình Liêu
Bình Liêu còn có mật ong cũng được xem là quý không kém. Trong cuộc sống hiện đại, mật ong là một loại nguyên liệu được dùng trong rất nhiều lĩnh vực, từ ẩm thực cho đến bào chế thuốc hay dùng trong mỹ phẩm, làm đẹp.
Mật ong Bình Liêu (Ảnh sưu tầm)
Mật ong Bình Liêu được khai thác theo hai hình thức:
- Khai thác trong rừng
- Khai thác từ các tổ ong nuôi trên thôn, khe, bản rừng núi bao quanh
Miến dong Bình Liêu
Miến dong, một món ăn có lẽ không xa lạ với người Việt. Mỗi vùng miền, món miến mang một đặc trưng khác nhau. Hầu hết, miến dong có màu vàng óng ả, khi bà con phơi miến trên những phên tre ngoài ngõ, hong nắng trên những bãi cỏ lớn cả làng rực rỡ như một bức tranh. Nhưng miến dong Bình Liêu có màu trầm hơn; miến có màu xanh lục, vị dai ngon đặc biệt hơn hẳn các sản phẩm khác.
Quy trình sản xuất miến dong ở Bình Liêu (Ảnh sưu tầm)
Miến dong Bình Liêu làm từ củ dong riềng. Đến Bình Liêu sẽ gặp bạt ngàn những cánh đồng trồng dong riềng, mùa hoa cây trổ sắc vàng cam trông hết sức đẹp mắt. Người Bình Liêu trước đây tráng miến bằng tay, sản xuất miến theo kiểu hộ gia đình, nhưng giờ đây đã có các cơ sở lớn sản xuất bằng máy. Làm miến dong trở thành một nghề mang lại thịnh vượng, no ấm cho bà con Bình Liêu, vốn trước đây chỉ hoạt động nông nghiệp đơn thuần.
Dầu sở
Để lấy được Dầu Sở, phải trải qua nhiều công đoạn: Quả tươi thu hoạch chất đống rồi ủ cho đến khi nứt, sau đó tách lấy hạt rồi đem phơi khô. Sau đó hạt Sở được cho vào máy để tách riêng vỏ và phần lõi hạt bên trong. Hạt được tách khỏi vỏ nhanh chóng. Khi được tách vỏ, phần lõi hạt được đem rang khô bằng máy ở nhiệt độ 150 độ C trong vòng 30 phút.
Lễ hội hoa Sở ở Bình Liêu (Ảnh sưu tầm)
Công đoạn này tương đối quan trọng bởi nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dầu thu được từ hạt Sở. Hạt rang khô đủ độ sẽ được cho vào khuôn ép lấy dầu thô. Dầu thô được ép trực tiếp từ hạt, không thêm bất kỳ hương liệu gì. Dầu thô sau khi lọc xong có màu vàng trông giống nhiều loại dầu khác nhưng mang mùi thơm đặc trưng, hơi hắc nhẹ của Dầu Sở.
Cây Sở là một loài cây có rất nhiều công dụng. Cây được trồng lấy hạt cho dầu, dùng ăn được hoặc dùng trong công nghiệp. Quả dùng để duốc cá. Rễ cây được dùng trị viêm hầu cấp, đau dạ dày, bong gân; rễ và vỏ dùng trị gãy xương, sái trẹo chân. Dùng 30-60g, dạng thuốc sắc. Dầu hạt không chỉ sử dụng để chiên nấu như dầu ăn thông thường mà Dầu Sở chứa nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể, chống ung thư, giảm béo và tăng cường sức đề kháng. Đây là sản phẩm OCOP của huyện Bình Liêu.
Vỏ quế Bình Liêu
Cây quế Bình Liêu được trồng nhiều ở các xã Vô Ngại, Hoành Mô, Đồng Văn… và được khai thác 2 vụ/năm. Vào mùa xuân thời tiết ít mưa, nắng ấm kéo dài rất thích hợp cho khai thác và chế biến vỏ quế. Mùa thu, thường có mưa nhiều, thời tiết âm u rất dễ cho vỏ bị mốc, bị mục ải.
Mùa quế Bình Liêu (Ảnh sưu tầm)
Lịch trình phượt Bình Liêu
Hà Nội – Bình Liêu – Lạng Sơn – Hà Nội
Ngày 1: Hà Nội – Bình Liêu
– Sáng khởi hành từ Hà Nội qua cầu Thanh Trì rồi đi theo hướng Bắc Ninh, rẽ về QL18 đi Phả Lại đi về Cẩm Phả rồi Hoành Mô, Bình Liêu
– Sau khi ăn trưa thì đi một số mốc biên giới dễ, bản Ngàn Vàng, cầu treo Nà Làng rồi đi khám phá Thác Khe Vằn
– Tối ngủ Bình Liêu
Cầu treo Nà Làng (Ảnh sưu tầm)
Ngày 2: Bình Liêu – Lạng Sơn – Hà Nội
– Sáng dậy sớm lên sống lưng khủng long, mốc 1305
– Sau khi xuống thì chạy theo đường tuần tra biên giới về hướng Lạng Sơn, lên các mốc 1302, 1300, 1297
– Ăn trưa tại Lạng Sơn rồi về Hà Nội. Nếu có thời gian các bạn có thể kéo dài thêm 1-2 ngày để khám phá du lịch Lạng Sơn
Lưu ý khi du lịch bụi Bình Liêu, vì đường đi từ Hà Nội tới Bình Liêu có một đoạn gần tới Bình Liêu là đường uốn lượn khó đi, nên bạn đừng đi vào trời tối nhé. Đây là cung đường khá dễ đi nên được nhiều bạn lựa chọn.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Quảng Ninh
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Cô Tô
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Quan Lạn
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Móng Cái
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch vịnh Hạ Long
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Yên Tử
Thảo luận về điều này post