Sơn Tây là thị xã nằm về phía Tây của thành phố Hà Nội nơi có dãy núi Ba Vì hùng vĩ. Đây là vùng đất tổ linh thiêng, cội nguồn sinh ra và chứng kiến sự trưởng thành của hai vị vua chúa Phùng Hưng, Ngô Quyền tại ngôi Làng Cổ Đường Lâm xứng danh là đất hai vua lừng lẫy một thời. Nếu coi phố cổ Hà Nội, phố cổ Hội An là “Bảo tàng lối sống đô thị” thì làng cổ ở Đường Lâm được ví như “Bảo tàng lối sống nông nghiệp”. Đây là một trong số ít những nơi vẫn còn lưu giữ được nét văn hóa Việt Nam truyền thống. Hãy cùng RuudNguyen.com tham khảo địa danh này nhé.
Giới thiệu về Làng cổ Đường Lâm
Đường tới Đường Lâm cơ bản khá dễ dàng và thuận tiện (Ảnh: Nina May)
Làng Cổ Đường Lâm cách thành cổ Sơn Tây 3,5 km về hướng Bắc nằm ở địa phận xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Hiện nay, ngôi làng còn lưu giữ lại 956 mái nhà cổ kính được xây dựng từ những viên đá ong vàng đục, gạch đất nung, tre, nứa, gỗ xoan được sử dụng chủ yếu vào ngày đó với kiến trúc chủ yếu là 5 gian và 7 gian từ những năm 1649.
Đến Đường Lâm vào những ngày lễ hội đầu xuân, người ta còn được nghe những giọng hát chèo, chầu văn, ca trù của các cô thôn nữ, hay xem những trò chơi dân gian như đấu vật, chọi gà, cờ người, bơi chải, rước kiệu…Vùng đất này còn nổi tiếng với những món ăn và sản vật đồng quê như gà mía, kẹo bột, chè lam, bóng nóng, giò lụa…
Nên đi Đường Lâm vào thời gian nào?
Tuy không phổ biến nhưng các bạn có thể lưu trú qua đêm ở Đường Lâm (Ảnh: Nina May)
Du khách có thể ghé thăm làng cổ Đường Lâm vào bất cứ thời điểm nào trong năm, khoảng thời gian lý tưởng nhất cho một chuyến du hí là mùa lễ hội tháng Giêng và mùa lúa chín tháng 5 hoặc tháng 9, lúc đó toàn bộ các tuyến đường đi quanh làng đều được lót bằng rơm khô sau vụ gặt. Ngoài ra thời điểm cuối năm tầm tháng 10-11, Vườn Quốc gia Ba Vì được tô màu vàng rực bởi dã quỳ, các bạn có thể kết hợp đi Đường Lâm và Ba Vì trong cùng một ngày.
Hướng dẫn đi tới Đường Lâm
Nếu sợ mỏi chân, các bạn có thể thuê xe đạp để chạy quanh làng (Ảnh: Nina May)
Phương tiện cá nhân
Ô tô
Với phương tiện là ô tô, các bạn có thể di chuyển theo tuyến đường Đại Lộ Thăng Long, đây là tuyến đường cho phép chạy với tốc độ cao nên sẽ rút ngắn thời gian di chuyển của các bạn. Tới ngã tư Hòa Lạc các bạn rẽ phải đi Sơn Tây, khoảng 10km sẽ tới ngã tư viện 105 (ngã tư đèn xanh đỏ). Các bạn đi thẳng (đường tránh QL32) đến hết đường sẽ gặp vòng xuyến to trên QL32 , men theo vòng xuyến rẽ trái theo hướng đi cầu Trung Hà. Qua khỏi hết vòng xuyến đi thêm một đoạn nhìn sang bên kia đường sẽ thấy cổng làng và biển chỉ dẫn làng cổ Đường Lâm.
Xe máy
Với xe máy, tùy thuộc vào vị trí mà các bạn có thể đi theo hướng đường 32 (phía Nhổn) hoặc theo tuyến đường gom Đại Lộ Thăng Long (đoạn sau đi tương tự như ô tô). Với tuyến đường 32 các bạn cứ đi dọc theo biển chỉ dẫn hướng đi cầu Trung Hà, qua vòng xuyến đi cầu Vĩnh Thịnh một đoạn là tới. (rẽ phải đi cầu Vĩnh Thịnh, các bạn đi thẳng qua vòng xuyến khoảng vài trăm mét rồi nhìn sang bên kia đường là thấy cổng làng Đường Lâm).
Phương tiện công cộng
Xe Bus
Vị trí làng khá thuận tiện cho việc lựa chọn phương tiện di chuyển, du khách có thể tham khảo như: Đi xe buýt tuyến số 77 từ Hà Đông – Sơn Tây, tuyến số 70 từ Kim Mã – Sơn Tây, tuyến 71 từ Mỹ Đình – Sơn Tây. Sau khi đến bến xe Sơn Tây, du khách có thể đi taxi hoặc xe ôm đến làng cổ Đường Lâm.
Xe khách
Xe khách cũng là một trong những hình thức di chuyển đến Làng cổ Đường Lâm được nhiều du khách lựa chọn hiện nay. Từ Hà Nội, bạn bắt tuyến xe Mỹ Đình – Phú Thọ để đến Đường Lâm với thời gian dị chuyển khoảng hơn 1 tiếng.
Lưu trú ở Đường Lâm
Đối với đa phần du khách thường chỉ đến với Đường Lâm trong ngày nên hiếm người nghĩ tới việc lưu trú ở đây. Tuy nhiên, nếu quan tâm và muốn trải nghiệm (thường với những du khách không ở Hà Nội) thì các homestay ở trong làng cổ Đường Lâm sẽ mang đến cho các bạn những trải nghiệm tuyệt vời nhất.
Chơi gì khi đến Đường Lâm
Cổng làng Mông Phụ
Cổng làng Mông Phụ, Đường Lâm (Ảnh: Nina May)
Được xây dựng theo kiểu Thượng gia hạ môn tức dưới là cổng trên là nhà, Cổng làng Mông Phụ mang đậm dấu ấn kiến trúc văn hóa của thời nhà Lê. Ngày xưa cổng làng là nơi dừng chân nghỉ ngơi của những người nông dân, những người đi tuần, những người đi chợ về. Đây cũng là nơi mang đậm hồn quê mà những người xa quê luôn nhớ về và tìm về đầy xúc động. Cổng làng Mông Phụ được xây dựng vào thời Hậu Lê, năm 1553, đời vua Lê Thần Tông.
Đình Mông Phụ
Khoảng sân trước đình Mông Phụ thường được người dân phơi nông sản (Ảnh: Maria Tuyền)
Du lịch làng cổ Đường Lâm mà bỏ qua Đình làng Mông Phụ thì quả là một thiếu sót lớn. Ngôi đình này được xây dựng cách đây hơn 380 và tọa lạc tại khu đất trung tâm của làng với diện tích khoảng 1800m2. Đình gồm có hai toà đại bái và hậu cung, một gian hai chái lớn và cả hai toà nhà đều được làm theo kiểu 4 lá mái với họa tiết trang trí bay bổng hình mây cuộn rồng bay. Đình được lợp bằng ngói di xếp vảy cá. Trên thân các cột xà, thanh xà đều được trạm khắc hết sức tinh sảo với họa tiết đầu rồng, tứ linh, tứ quý, chim phượng . Có thể nói đây chính là hình mẫu tiêu biểu cho nghệ thuật chạm khắc trên gỗ hết sức tinh vi của người Việt cổ.
Hệ thống nhà cổ ở Đường Lâm
Những ngôi nhà được xây bằng các vật liệu đăc trưng khi xưa (Ảnh: Bùi Ngọc Công)
Làng cổ Đường Lâm có tất cả 956 ngôi nhà cổ được xây dựng từ những năm 1649. Các ngôi nhà ở đây đều được xây 5 gian hay 7 gian bằng các vật liệu truyền thống như gỗ xoan, tre nứa, gạch đất nung, ngói, đá ong, đất nện hay mùn cưa…Khuôn viên các ngôi nhà đều rộng rãi và phân thành nhiều khu: nhà chính, nhà ngang, sân, bếp, vườn, giếng nước, chuồng trại, cây rơm, cổng có mái che.
Nhà cổ Ông Thể
Nhà ông Hà Hữu Thể tọa lạc ở xóm Xui, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, được xếp hạng là nhà cổ loại I. Đây là một trong những ngôi nhà đẹp và còn tương đối nguyên vẹn như hồi tạo dựng trong các nhà cổ của Mông Phụ. Ngôi nhà của ông Thể gồm 7 gian được gắn kết theo lối cổ truyền. Căn nhà được xây dựng hoàn toàn dùng mộng, không sử dụng đinh sắt.
Nhà cổ ông Hùng
Nhà cổ ông Nguyễn Văn Hùng xóm Sui Dưới, thôn Mông Phụ, là di tích được xếp hạng nhà cổ loại I dạng dân sinh. Ngôi nhà chính của ông Hùng có niên đại từ năm 1649 và đã qua 12 đời sinh sống ở đây. Đây là ngôi nhà vô cùng ấn tượng với chiếc cổng cổ xưa cùng lối vào nhà rợp bóng cây tơ hồng.
Nhà cổ Ông Huyến
Là di tích được xếp hạng nhà cổ dân sinh loại một, ngôi nhà chính gồm 5 gian 2 chái, thiết kế theo lối nội tự ngoại khách. Bộ vì kết cấu trên 4 hàng chân cột, cột nhà bằng gỗ có đường kính 30 cm. Vốn có nghề nấu tương, nên hầu hết khoảng sân xếp các vại tương nâu trầm đều tăm tắp.
Nhà cổ Bà Lan
Nét đặc biệt ở nhà của chị Lan nằm ở những đồ trang trí hình chiếc sừng và bục cửa rất cao khiến ai muốn bước vào trong căn nhà đều phải cúi rạp mình. Những điều này đều thể hiện đây là ngôi nhà của người đỗ đạt làm quan. Ngôi nhà được xây từ năm 1780, vốn thuộc về cụ tổ chồng chị là quan đốc học Đỗ Doãn Chính. Kết cấu giàn chống trần mang dấu ấn thời kỳ Hậu Lê và vẫn chắc chắn sau 300 năm xây dựng.
Nhà cổ Bà Điền
Nhà cổ bà Điền có tuổi đời hơn 200 năm, được xây dựng với lối kết cấu “nội tự ngoại khách” gồm 5 gian 2 dĩ, 3 gian chính giữa để đặt bàn thờ cúng tổ tiên và làm nơi tiếp khách. Đây là ngôi nhà được xây dựng bằng vật liệu chính là gỗ. Nhà bà Điền vừa mang tính nghệ thuật – nhân văn đậm nét văn hóa làng cổ truyền thống Việt Nam. Các hiện vật trang trí và đồ dùng trong nhà còn nhiều và hầu hết là cổ vật toàn bộ kiến trúc ngôi nhà và hiện vật bên trong.
Nhà thờ thám hoa Giang Văn Minh
Ông được mệnh danh là vị sứ thần “Bất nhục quân mệnh” (Ảnh sưu tầm)
Nằm trong trung tâm của quần thể di tích làng cổ Đường Lâm, Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh đã và đang là điểm dừng chân hấp dẫn của nhiều du khách. Được xây dựng từ thời vua Tự Đức để thờ phụng và ghi nhớ công trạng của Thám hoa Giang Văn Minh. Nhà thờ quay mặt về hướng Nam, có kiến trúc theo hình chữ “nhị”. Ngày nay, nhà thờ trở thành một điểm tham quan hấp dẫn với những du khách thích tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, đồng thời cũng là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Chùa Mía
Chùa Mía là nơi lưu giữ nhiều tượng nghệ thuật nhất Việt Nam (Ảnh sưu tầm)
Chùa Mía (còn gọi là Sùng Nghiêm tự) tọa lạc ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Ngày xưa, vùng này là Cam Giá, tên Nôm là Mía, nên chùa này được quen gọi là chùa Mía. Chùa được xem là ngôi chùa lưu giữ nhiều tượng nghệ thuật nhất Việt Nam (287 bức tượng). Là một nốt nhấn trong khu di tích Quốc gia làng Việt cổ Đường Lâm. Và là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của thủ đô Hà Nội, thu hút lượng lớn khách đến tham quan.
Đình Cam Thịnh
Đình Cam Thịnh được xây dựng ở nửa sau thế kỷ XVII, thờ Đức Thành hoàng Bản thổ Kỳ Đại vương và Đức gia hậu Thượng tướng quân Cao Phúc Diễn cùng phu nhân là bà Giang Thị Thắng – người chị gái của sứ thần tài ba Giang Văn Minh. Đình được dựng vào thời vua Lê Thần Tông (1649 – 1662) với phần công đức lớn của vợ chồng tướng quân Phù Việt Hầu.
Trong Đình hiện còn lưu giữ một số di vật quý như 5 đạo sắc phong có niên đại sớm nhất mang niên hiệu Cảnh Hưng thứ 28 (1767), 1 tấm bia đá dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 8 (1712), 1 bộ kiệu mui luyện tạo tác ở Thế kỷ XVIII. Đình đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa vào năm 2000.
Đình Phùng Hưng
Đình Phùng Hưng ở Đường Lâm (Ảnh sưu tầm)
Đình Phùng Hưng được nhân dân trong làng lập nên để tôn thờ công lao to lớn của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng – một người con sinh ra ở ấp Cam Lâm. Phùng Hưng còn được nhân dân quen gọi với cái tên gần gũi Bố Cái Đại Vương. Người đã có công tổ chức, lãnh đạo nhân dân và nghĩa quân đánh đuổi giặc nhà Đường ra khỏi phủ Tống Bình để giành quyền tự chủ cả một vùng rộng lớn. Trong đền thờ có tấm bia Phùng tự bi ký ở đình Đoài Giáp được tạc vào năm Hồng Đức thứ 4 (1473) đã chép lại rất nhiều thông tin liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Ngài.
Đền và lăng Ngô Quyền
Lối vào đền thờ và Lăng Ngô Quyền ở Đường Lâm (Ảnh sưu tầm)
Đền thờ Ngô Quyền được xây dựng từ lâu đời và đã qua nhiều lần trùng tu. Lần tu sửa gần đây nhất là vào thời Vua Tự Đức (1848 – 1883). Đền có quy mô khá khiêm tốn, gồm: Nghi Môn, Tả Mạc, Hữu Mạc, Đại Bái (Tiền Đường) và Hậu Cung. Đền và lăng Ngô Quyền được xây dựng trên một đồi đất cao, có tên là đồi Cấm, mặt hướng về phía đông. Đền thờ được xây ở phía trên, cách lăng khoảng 100m.
Đặc biệt, trong quần thể đền và lăng Ngô Quyền, 18 cây duối cổ – tương truyền là nơi Ngô Quyền buộc voi, ngựa – đã được công nhận là “Cây di sản” cấp quốc gia. Hàng năm cứ đến ngày 14 tháng 8 âm lịch (ngày giỗ Vua Ngô Quyền) nhân dân trong vùng lại về đây để tưởng nhớ công ơn của ông – vị vua “đã mở nước xưng vương”, kết thúc hơn 1.000 năm Bắc thuộc, mở đầu một thời đại mới, độc lập, tự chủ cho lịch sử dân tộc.
Ăn gì ở Đường Lâm
Thịt quay đòn
Thịt quay đòn ở Đường Lâm (Ảnh sưu tầm)
Chiếc đòn gánh gắn liền với văn hoá của người Việt từ bao đời nay. Người bán hàng rong sử dụng đòn gánh bằng tre có độ uyển chuyển cao để gánh nhẹ hơn, bớt đau vai. Tới thăm làng cổ Đường Lâm, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức món thịt được cuốn gọn vào những chiếc đòn tre ấy, mang đậm dấu ấn hồn quê của một ngôi làng cổ.
Tương truyền, vua Ngô Quyền khi thắng trận trên sông Bạch Đằng đã chiêu đãi quân sĩ bằng món thịt quay đòn. Người dân Đường Lâm tự hào về lịch sử này và giữ nguyên cách chế biến truyền thống từ thời đó. Đây cũng là đặc sản dân làng mời khách từ phương xa tới.
Gà mía
Gà mía là món ngon nên thử khi tới Đường Lâm (Ảnh sưu tầm)
Gà mía có nguồn gốc từ xã Sơn Tây – Hà Nội và hiện nay được nuôi ở nhiều tỉnh trên nước ta. Gà mía có mình ngắn, đùi to, mắt sâu, mào đỏ, lông óng mượt và phần chân vàng ươm. Gà trống có màu long đỏ tía còn gà mái có lông thiên về màu nâu xám hoặc vàng.
Gà mía có thể nặng đến 5kg/con Gà mía từ 7-8 tháng tuổi mới bắt đầu đẻ trứng, khá muộn so với các loại gà khác nhưng trứng số lượng trứng mỗi năm có thể lên đến 50-55 quả, khối lượng trứng cũng khá lớn, khoảng 50-55g/quả.
Bánh tẻ
Bánh tẻ dễ dàng mua ở các hàng quán ngay trước đình Mông Phụ (Ảnh sưu tầm)
Bánh tẻ, một món ăn đã có từ rất lâu đời của người dân Hà Nội. Các bậc cao niên trong làng cũng không còn nhớ chính xác sự tích về nguồn gốc của bánh, chỉ biết là từ lúc sinh ra đã có và cứ thế truyền từ đời này sang đời khác. Tên gốc của bánh là bánh Giàng, nhưng ngày nay người dân địa phương thường gọi là bánh tẻ, bởi lẽ nguyên liêu chính để làm bánh được làm từ bột gạo tẻ của quê hương.
Cũng không không ít vùng quê có món bánh tẻ rất ngon như: Bánh tẻ làng Chờ (Yên Phong, Bắc Ninh) – Bánh tẻ làng Phú Nhi (phường Phú Thịnh thị xã Sơn Tây, Hà Nội) – Bánh tẻ ở xã Phụng Công Văn Giang, Hưng Yên (hay còn gọi là bánh răng bừa) – Bánh lá ở Khoái Châu, Hưng Yên. Từ những nguyên liệu gần gũi với đời sống lúa nước như gạo tẻ, thịt lợn, mộc nhĩ, hành, lá dong, lá chuối đã tạo nên chiếc bánh trắng ngần, thơm ngậy, khiến khách phương xa đã đến là phải mua về làm quà.
Đặc sản Đường Lâm mua về làm quà
Tương làng Mông Phụ
Thăm các ngôi nhà cổ sẽ thấy những chum vại làm tương được bày khắp sân nhà (Ảnh sưu tầm)
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại rằng: Không ai xác định được chính xác nghề làm tương Mông Phụ ra đời khi nào, chỉ biết nghề này được truyền lại từ đời các cụ, qua nhiều thế hệ con cháu kế thừa và tiếp nối, ý nghĩa hơn bởi gia vị này đã trở thành một phần không thể thiếu, trong bữa ăn hằng ngày của người dân dù đời sống phát triển như thế nào.
Để có được những bát tương ngon, người làm nghề cũng rất cầu kỳ và cẩn thận. Dù không quá nhộn nhịp hay tất bật như các làng nghề truyền thống khác nhưng làng tương Mông Phụ đã và đang cho ra đời những mẻ tương vàng óng ngọt lịm, làm nức danh cả một vùng đất Sơn Tây.
Kẹo dồi – Kẹo lạc
Món kẹo dồi, kẹo lạc có thể thưởng thức cùng chén trà khi dạo chơi ở Đường Lâm (Ảnh sưu tầm)
Nhiều làng quê Bắc Bộ đã không còn ăn kẹo lạc, đơn giản chỉ vì có quá nhiều các món ăn vặt, các loại bánh kẹo khác xuất hiện, dường như hấp dẫn hơn.Nhưng ở Đường Lâm thì khác, bởi Đường Lâm có nghề làm kẹo. Lịch sử nghề làm kẹo truyền thống của Đường Lâm có từ thế kỉ 16, khi bà chúa Mía mở chợ, xây chùa Mía và dạy nhân dân nấu kẹo.
Ngày nay kẹo truyền thống Đường Lâm được cải tiến hơn cho phù hợp với thị yếu của người tiêu dùng. Chủng loại cũng đa dạng hơn, đủ các loại kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo vừng và kẹo gạo lứt. Từ khi Đường Lâm được công nhận là quần thể di tích của quốc gia thì sản phẩm kẹo của làng cũng phát triển hơn, trở thành một sản phẩm du lịch mua về làm quà không thể thiếu.
Chè lam Đường Lâm
Vào đến làng các bạn dễ dàng bắt gặp những mẹt chè lam của người dân (Ảnh sưu tầm)
Chè lam Đường Lâm được làm hoàn toàn thủ công bằng phương pháp gia truyền, mỗi nhà một công thức, bí kíp riêng dù nguyên liệu đều như nhau. Một miếng chè lam đạt yêu cầu là dẻo vừa phải, không mắc răng; độ ngọt thanh; Có vị cay và thơm nồng của gừng lại có vị béo ngậy của những hạt lạc rang. Cùng với những kẹo lạc, kẹo dồi chó, oản, bỏng gạo… chè lam đã trở thành thứ quà quê gắn liền với vùng quê Bắc Bộ nằm bên bờ sông Hồng hiền hoà này.
Bánh gai
Bánh gai được bày bán ở Đường Lâm (Ảnh sưu tầm)
Nhắc đến bánh gai là nói đến người Đường Lâm, người Sơn Tây xứ Đoài nói riêng và người dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ nói chung – thứ quà quê quen thuộc mỗi dịp xuân về. Bánh gai đã món quà đặc sản của làng cổ Đường Lâm, bánh gai ở đây được làm theo phương pháp thủ công tuyệt đối nên vẫn giữ nguyên hương vị truyền thống quen thuộc.
Lịch trình du lịch Đường Lâm
Đường Lâm là một điểm khá thích hợp để đi về trong ngày (Ảnh: Maria Tuyền)
- 6h30: xuất phát từ Hà Nội.
- 8h00: Đến làng cổ Đường Lâm.
- 8h30 – 9h30: mua vé và tham quan Cổng và Đình làng Mông Phụ.
- 9h30 – 11h30: tham quan các nhà Cổ, nhà thờ Thám Hoa Giang Văn Minh, giếng Cổ Đường Lâm.
- 12h00: nghỉ ngơi và ăn trưa xong nếu không muốn tiếp túc ở Đường Lâm thì có thể kết hợp thăm quan VQG Ba Vì cho buổi chiều (hướng dẫn đường đi ở phía dưới).
- 13h30: tham quan Đền thờ Phùng Hưng, Lăng Ngô Quyền, chùa Mía.
- 15h30: ghé thăm Rặng Duối cổ hơn 1000 năm.
- 16h30: lên đường trở về Hà Nội.
Nếu các bạn có thể tham quan Đường Lâm trong buổi sáng thì ăn trưa xong đầu giờ chiều từ Đường Lâm quay lại theo hướng đường tránh 32 lúc đi để quay lại ngã 4 viện 105, đến ngã 4 thì rẽ phải đi Ba Vì. Khoảng 30 phút là đến cổng Vườn quốc gia Ba Vì, dừng xe mua vé rồi tiếp tục khám phá ở đây.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hà Nội
Xem thêm: Tổng hợp các địa điểm du lịch Hà Nội hấp dẫn nhất
Xem thêm: Kinh nghiệm phượt núi Trầm – Cao nguyên đá ngoại ô Hà Nội
Xem thêm: Những đặc sản Hà Nội làm quà “ý nghĩa” cho người thân
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Vườn Quốc gia Ba Vì
Discussion about this post