Hà Nội nổi tiếng với 36 phố phường với những quán trà chanh chém gió hay trà đá vỉa hè… Những câu miêu tả ngắn gọn này lại có thể biểu thị hết những điều bình dị nhất của thủ đô ngàn năm văn hiến. Cùng với lịch sử thăng trầm, Hà Nội luôn thu hút du khách với một màu sắc riêng biệt. Một nét văn hóa “người Tràng An” và một phong cách sống riêng chẳng thể lẫn với bất kỳ nơi nào khác.
Hà Nội có gì mà khiến bao người khi đặt chân đến đây đều say đắm vậy? Cùng RuudNguyen.com tìm hiểu tất cả những kinh nghiệm du lịch Hà Nội qua bài viết chi tiết dưới đây để các bạn chuẩn bị cho một chuyến đi gần nhé!
Thời điểm nào thích hợp để du lịch Hà Nội
Mùa thu Hà Nội lá vàng trải đầy ven hồ Hoàn Kiếm ( Ảnh sưu tầm)
Khí hậu thủ đô Hà Nội được chia thành bốn mùa khá rõ rệt và mỗi mùa lại có một vẻ đẹp riêng. Bạn có thể du lịch đến đây vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, theo các kinh nghiệm du lịch Hà Nội thì đặc biệt vào mua thu là đẹp nhất. Cùng với đó là các mùa hoa trong năm như hoa cải, hoa sen, cúc họa mi, hoa sữa…
Còn nếu với những du khách ưa thích những ngày lạnh với những cơn gió mùa tăng cường. Khoảng từ tháng 12 đến tháng 2 sẽ là một gợi ý không tệ để du lịch tham quan Hà Nội. Đến Hà Nội vào thời điểm này bên cạnh việc tham quan các địa điểm du lịch nổi tiếng. Du khách còn có thể thưởng thức nhiều món ăn đặc sản giữa lòng thu đô ngon ở Hà Nội.
Hướng dẫn phương tiện di chuyển khi du lịch Hà Nội
Bằng máy bay
Đến Hà Nội tiện lợi nhất hẳn chính là bằng máy bay. Một ngày có rất nhiều chuyến bay đến Hà Nội từ trong nước hay quốc tế để cho bạn dễ dàng lựa chọn khung giờ phù hợp nhất.
- Chuyến bay TP.HCM – Hà Nội có lộ trình thời gian bay trong khoảng 2 giờ
- Chuyến bay Đà Nẵng – Hà Nội có lộ trình thời gian bay khoảng 1 giờ 30 phút
Cách trung tâm khoảng 30 km, từ sân bay Nội Bài có 3 hình thức chính để di chuyển vào trung tâm thành phố:
- Taxi: Có giá dao động 250.000 – 400.000 VND/chuyến. Bạn cũng có thể bắt taxi của các hãng công nghệ như grab, uber để được giá rẻ nhất.
- Xe buýt: Từ sân bay, có 4 chuyến xe buýt chạy vào thành phố. Tuyến số 7 (Ga T1 – Cầu Giấy), tuyến 17 (Ga T1 – Long Biên), tuyến 90 (Kim Mã – Ga T1 – Ga T2), và tuyến 86 (Ga Hà Nội – Ga T1 – Ga T2). Ba tuyến đầu có giá vé dao động khoảng 8.000 – 9.000 VND/ lượt, tuyến số 86 có giá khoảng 30.000 VND/ lượt.
- Xe trung chuyển: Các hãng hàng không nội địa đều có xe trung chuyển hành khách vào trung tâm với mức giá tham khảo khoảng 40.000 VND/người.
Bằng tàu hỏa
Ga Hà Nội nằm ở phố Lê Duẩn ngay trung tâm nên sẽ thuận tiện cho những ai chọn hình thức này để du lịch Hà Nội. Tuy nhiên hạn chế ở đây là thời gian vì nếu đi từ các tỉnh phía Nam thì bạn sẽ mất gần hai ngày cho chuyến hành trình nhưng giá vé lại không chênh lệch nhiều so với đi máy bay nên theo các kinh nghiệm du lịch Hà Nội của mình thì đây sẽ là sự lựa chọn phù hợp cho những ai xuất phát từ các tỉnh miền Bắc hoặc miền Trung hay có thời gian dài cho chuyến đi.
Bằng xe khách
Xe khách cũng là một hình thức di chuyển tiết kiệm và hiệu quả cho những du khách ở các tỉnh lân cận. Hà Nội có 4 bến xe là Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm và Gia Lâm để phục vụ cho nhu cầu di chuyển của hành khách đến thủ đô. Ngoài ra một số nhà xe hiện có thêm hình thức đưa đón trong nội thành nên các bạn có thể tham khảo thêm.
Phương tiện tham quan ở Hà Nội
Xích lô là phương tiện được khách nước ngoài khá thích thú khi lựa chọn (Ảnh sưu tầm)
Đến Hà Nội du lịch các bạn có thể tham khảo các hình thức tham quan bằng một số loại phương tiện phổ biến như sau:
- Xe máy: Bạn có thể tự mình khám phá thành phố bằng cách thuê xe máy hoặc gọi các dịch vụ xe ôm công nghệ cao như grab,go việt, bee. Về thuê xe máy các bạn nên liên hệ khách sạn nơi đặt phòng để được hỗ trợ tốt nhất.
- Taxi: Nếu đi đông người bạn có thể lựa chọn taxi. Với taxi truyền thống mặc dù giá cao nhưng có thể đứng ngoài đường là bắt được. Còn với taxi công nghệ cao thì ưu điểm là giá rẻ hơn và sẽ giúp bạn đến bất cứ địa điểm nào bạn muốn một cách an toàn và nhanh chóng tuy nhiên yêu cầu bạn phải cài đặt phần mềm trên điện thoại.
- Xe xích lô: Bạn có thể di chuyển bằng xích lô để đi thăm khu phố cổ. Đa phần khách du lịch đến đây đều chọn xích lô để di chuyển đến các điểm du lịch ở Hà Nội. Bạn có thể trực tiếp gọi xe bởi ở khu vực bờ hồ, số lượng xe xích lô rất nhiều.
- Xe bus: Đây là loại phương tiện công cộng rất quen thuộc với người dân cũng như du khách khi đến với Hà Nội. Giá vé cho mỗi chuyến khá rẻ, chỉ khoảng từ 7.000 – 9.000đ. Bạn có thể xem lộ trình và bản đồ các tuyến xe bus tại đây. Tuy nhiên nếu đi loại hình này rất bất tiện nếu bạn đang có nhiều hành lý mang theo.
- Xe điện: Là phương tiện du lịch xanh mới của Hà Nội chủ yếu phục vụ trong khu phố cổ. Bạn cũng có thể chọn xe điện để di chuyển đến các điểm tham quan để có thể khám phá đầy đủ nhất một Hà Nội văn minh, hiện đại và vừa cổ kính trầm mặc.
Các địa điểm tham quan du lịch Hà Nội nổi tiếng
“Hà Nội không vội được đâu”…
Nếu như có một ai hỏi rằng đến Hà Nội có gì đẹp thì thật dễ dàng trả lời ngay: Hà Nội đẹp bởi có Hồ Gươm với tháp Rùa cổ kính, những mái nhà rêu phong nơi phố cổ, có lăng Bác uy nghi, có hồ Tây lộng gió, những hàng cây hoa sữa thơm lừng góc phố… Giờ hãy cùng mình xem ngay những địa điểm thú vị nhất không thể bỏ lỡ khi du lịch thủ đô Hà Nội dưới đây nhé:
Hồ Hoàn Kiếm
Nằm ngay trung tâm thủ đô chính là hồ Hoàn Kiếm – hồ gắn liền với những câu chuyện lịch sử quan trọng của thủ đô. Xung quanh hồ Hoàn Kiếm còn là một quần thể kiến trúc lịch sử đa dạng, trở thành một điểm đến đặc biệt không thể bỏ qua cho bất kỳ ai đến du lịch Hà Nội.
Hồ Gươm giữa lòng thu (Ảnh sưu tầm)
Được mệnh danh là trái tim của thủ đô, dưới thời vua Lê thì hồ Hoàn Kiếm có tên là hồ Thủy Quân. Theo truyền thuyết được truyền lại tại hồ Thủy Quân, vua Lê đã trả gươm cho rùa vàng, nên hồ Hoàn Kiếm có tên từ đó.
Giữa lòng hồ là Tháp Rùa cổ kính, xung quanh hồ là những di sản có ý nghĩa và giá trị còn nguyên vẹn như đền Ngọc Sơn, Tháp Bút, cầu Thê Húc dẫn vào lầu Đắc Nguyệt, Đài Nghiên… Tất cả đều là những biểu tượng làm nên nét đẹp của thủ đô ngàn năm văn hiến. Với không gian cổ kính, không khí trong lành, nơi đây là điểm đến thu hút được đông đáo giới trẻ ưa thích, được các cặp đôi chọn làm nơi chụp ảnh hay đi bộ cuối tuần. Không chỉ thế hồ Hoàn Kiếm là một trong những điểm hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.
Lăng Bác
Là một trong những di tích lịch sử quan trọng nhất của thủ đô, quảng trường Ba Đình là nơi Bác Hồ từng đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 2/9/1945, và nay đã là nơi đặt lăng Bác để ghi nhớ công ơn của Người.
Hình ảnh Lăng Bác phía bên ngoài (Ảnh sưu tầm)
Khuôn viên phía sau lăng là Khu di tích Phủ Chủ Tịch – nơi Bác từng sống và làm việc những năm 1960. Tại đây có nhà sàn, ao cá, vườn tược dân dã, khi thăm quang sẽ giúp du khách hiểu thêm về cuộc sống giản dị của Bác lúc sinh thời.
Thời gian viếng Lăng Bác:
- Mở cửa các ngày thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ bảy, chủ nhật
- Mùa hè (ngày 01/04 – 31/10): 7:30 – 10:30 (cuối tuần mở cửa đến 11:00)
- Mùa đông (ngày 01/11 – 31/03): 8:00 – 11:00
Chùa Trấn Quốc
Chùa Trấn Quốc lúc chạng vạng (Ảnh sưu tầm)
Chùa Trấn Quốc nằm trên một bán đảo nhỏ phía đông của Hồ Tây. Ngôi chùa trên 1.500 năm tuổi được coi là cổ nhất Hà Nội mới đây đã lọt vào danh sách 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới do báo Daily Mail của Anh bình chọn. Chùa là nơi lưu giữ những giá trị tôn giáo và lịch sử thu hút nhiều Phật tử và khách du lịch tới tham quan.
Nhà thờ lớn Hà Nội
Nhà thờ Lớn nằm ở 40 phố Nhà Chung, Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Về tổng thể, công trình mang phong cách kiến trúc Gothic châu Âu, nhưng vẫn có sự kết hợp hài hòa với kiến trúc bản địa được thể hiện ở hệ thống mái ngói đất nung, cách trang trí nội thất đậm chất truyền thống Việt Nam. Chình vì vậy nó chính là sản phẩm của sự giao thoa văn hóa Đông Tây rất đặc sắc.
Nhà thờ lớn Hà Nội (Ảnh sưu tầm)
Bạn sẽ không khó để tìm được nhà thờ lớn trong khu vực phố cổ sầm uất. Mang kiểu kiến trúc Gothic đặc trưng, cùng mảng tường vôi đã ngả màu theo năm tháng, nhà thờ lớn gợi lên những nét cổ xưa cho khi du khách đến thăm quan.
Nhà thờ Lớn Hà Nội được xem là kiến trúc nhà thờ tiêu biểu và là một trong những nhà thờ Công giáo đẹp nhất của Việt Nam. Nếu một lần được du lịch Hà Nội chắc chắn du khách sẽ không thể bỏ qua địa chỉ hấp dẫn này.
Văn miếu Quốc Tử Giám
Được xây dựng hoàn thành từ những năm thế kỷ thứ 11, Văn Miếu – Quốc Tử Giám gồm hai công trình chính. Một là Văn Miếu, nơi thờ các bậc hiền triết, thánh nhân của đạo Nho. Hai là Quốc Tử Giám, được xem như trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Từ lúc ban đầu dành cho con của vua chúa và các bậc quý tộc, sau mở rộng cho cả thường dân với tài trí hơn người.
Điện thờ trong văn miếu (Ảnh sưu tầm)
Ngày nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là nơi các sĩ tử đến cầu may mắn trong việc học hành, công việc, đặc biệt là trước các kì thi để mong cầu được đỗ đạt cao.
- Địa chỉ tham khảo: số 58 phố Quốc Tử Giám, Quận Đống Đa
- Giờ mở cửa thăm quan: 7:30 – 18:00 (thứ hai đến thứ sáu), 8:00 – 21:00 (thứ bảy, chủ nhật).
Nhà hát lớn
Nhà hát lớn nằm tại số 1 Tràng Tiền, Chương Dương, Hoàn Kiếm. Đây là công trình mang nhiều dấu ấn lịch sử tại trung tâm thủ đô Hà Nội còn là địa điểm tổ chức những sự kiện nghệ thuật lớn của nhiều ca nhạc sĩ, nghệ sĩ tên tuổi hàng đầu Việt Nam.
Nhà hát lớn- biểu tượng văn hóa của Thủ đô (Ảnh sưu tầm)
Du khách có thể chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của Nhà hát Lớn Hà Nội hay mua vé vào xem một trong những chương trình biểu diễn để được mục sở thị tận mắt thấy hết nội thất tráng lệ của nhà hát.
Hồ Tây
Hồ Tây nhìn từ trên cao xuống (Ảnh sưu tầm)
Hồ Tây nằm ở phía Tây Bắc nội thành Hà Nội với diện tích khoảng hơn 500ha, với tuyến đường vòng quanh hồ dài tầm gần 20km. Nơi đây là mộ trong những góc lãng mạn nhất trong bức tranh Hà Nội đa màu, là nơi tận hưởng những làn gió trong trẻo, sự phóng khoáng và giàu chất thơ. Hồ Tây không chỉ là địa điểm vui chơi ở Hà Nội hấp dẫn du khách mà nó còn chứa đựng những giá trị văn hóa dân tộc.
Hoàng hôn hồ Tây (Ảnh sưu tầm)
Quanh hồ hiện có khoảng hơn 20 ngôi đình, đền, chùa lớn nhỏ đã được xếp hạng với nhiều di tích nổi tiếng với nhiều văn vật giá trị như khoảng hơn 100 bia đá, 165 câu đối, 140 hoành phi, gần 20 quả chuông cổ, 60 sắc phong thần, trên 300 pho tượng bằng đồng, gỗ, đá.
Những địa điểm quanh Hồ Tây:
- Làng cổ Nghi Tàm, làng Nhật Tân với nghề trồng đào,quất, hoa và cây cảnh.
- Làng Kẻ Bưởi với nghề làm giấy dó.
- Phủ Tây Hồ thờ Liễu Hạnh Công Chúa (một trong Tứ Bất Tử của Việt Nam) nhớ đừng quên thưởng thức món bánh tôm Hồ tây.
- Chùa Trấn Quốc: Nằm ở phía đông hồ Tây, chùa được xây dựng từ thời Lý, đến nay vẫn còn những pho tượng hàng trăm năm tuổi và cực kỳ đẹp mỗi buổi chiều hoàng hôn.
Phố cổ Hà Nội
Ô Quan Chưởng – Hàng Chiếu (Ảnh sưu tầm)
Phố cổ Hà Nội là những con đường, ngôi nhà, góc phố mang đậm phong cách kiến trúc của người Pháp ở thế kỷ 19. Trải qua năm tháng lịch sử hào hùng của thủ đô nơi đây vẫn còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc như thuở ban đầu. Có thể nói phố cổ là linh hồn, là nét riêng biệt không lẫn vào đâu của Hà Nội.
Những địa điểm du lịch gần Hà Nội thú vị
Bên cạnh những danh lam thắng cảnh nổi tiếng vừa kể trên trong thành phố, khi đến thăm quan du lịch tại Hà Nội bạn cũng đừng bỏ qua những địa điểm ngoại thành thú vị mà mình gợi ý dưới đây nhé:
Làng gốm Bát Tràng
Là một trong những làng gốm nổi tiếng nhất cả nước, hiện nay Bát Tràng vẫn còn giữ được hình ảnh của một làng nghề truyền thống. Nếu có thời gian trải nghiệm một ngày ở Bát Tràng, bạn có thể thích thú khi được tự tay nặn gốm hay rinh được những bộ đồ gốm sứ nhỏ xinh về làm quà Hà Nội cho người thân.
Một góc của làng gốm bát tràng (Ảnh sưu tầm)
Cách di chuyển đến Bát Tràng:
- Xe buýt: Từ trung tâm Hà Nội bạn bắt xe đến Long Biên rồi bắt tiếp tuyến 47 để đến Bát Tràng
- Xe máy, taxi: Chỉ cần đi dọc sông Hồng từ cầu Chương Dương, Vĩnh Tuy hay Thanh Trì rẽ phải đi ven theo đê là bạn đã có thể đến làng gốm rồi.
Làng cổ Đường Lâm
Nằm cách thủ đô khoảng hơn 50km, làng cổ Đường Lâm thuộc địa phận thị xã Sơn Tây là một điểm du lịch gần Hà Nội khá nổi tiếng. Đây là ngôi làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia năm 2006.
Nếu bạn muốn lạc trong không gian xưa giữa lòng Hà Nội! Hãy đến Đường Lâm. Đây là một trong những ngôi làng cổ hiếm hoi mà vẫn còn nguyên vẹn nét kiến trúc xen lẫn nếp sinh hoạt của người xưa.
Cổng làng cổ Đường Lâm với cây đa cổ kính (Ảnh sưu tầm)
Trải nghiệm tại Đường Lâm, các bạn có thể tìm về những kí ức xưa với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình; được chạm tay vào những bức tường đá ong thô nhám, ăn một bữa cơm quê, hoặc đạp xe dạo quanh, hít thở bầu không khí trong lành của làng quê.
- Cách di chuyển đến làng Đường Lâm: Nằm trên trục QL 32 khá dễ đi nên bạn có thể đi xe bus (tuyến 70, 71, 77), taxi hoặc xe máy để đến thị xã Sơn Tây, hỏi đường vào Đường Lâm là được.
Vườn quốc gia Ba Vì
Cách Hà Nội khoảng hơn 60km, Vườn quốc gia Ba Vì thuộc huyện Ba Vì. Nơi đây là một quần thể các khu du lịch giải trí, khám phá, nghỉ dưỡng. Gắn với nhiều truyền thuyết và lịch sử từ xưa thì đây là nơi thích hợp cho các bạn hoặc các gia đình đến để vui chơi thư giãn xả stress cực kỳ hiệu quả.
Con đường ở vườn quốc gia Ba Vì giống như phim Hàn Quốc (Ảnh: TuanDao)
Nếu đến Vườn quốc gia Ba Vì, các bạn có thể tham quan các địa điểm như đền thượng, đền Mẫu, nhà kính xương rồng, những công trình cổ do người Pháp xây dựng. Bạn cũng có thể leo tới đỉnh Vọng Cảnh để ngắm toàn cảnh rừng núi xung quanh…. Cùng với đó có thể trải nghiệm những dịch vụ nghỉ dưỡng chất lượng cao.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch vườn quốc gia Ba Vì
Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam Đồng Mô
Làng Văn hoá các Dân tộc Việt Nam nằm tại Đồng Mô – Ngải Sơn (thị xã Sơn Tây), đây là nơi tái hiện những giá trị văn hoá đặc sắc của 54 dân tộc anh em của Việt Nam. Chính vì những giá trị văn hóa quý báu đó đây được xem là điểm tham quan lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước đến du lịch.
Nơi tái hiện nét giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt Nam (Ảnh sưu tầm)
Làng văn hóa các dân tộc được coi là biểu tượng sinh động để các nước trên thế giới hiểu được đặc trưng của các dân tộc ở Việt Nam.
Núi Trầm
Núi Trầm thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ; cách trung tâm Hà Nội khoảng hơn 30 km. Không quá cách xa trung tâm, để tới được đây các bạn đi theo quốc lộ 6 hướng đi Hòa Bình, tới thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ sẽ có biển báo rẽ phải vào chùa Trầm.
Núi Trầm là nơi thích hợp để thư giãn và cắm trại cuối tuần (Ảnh sưu tầm)
Đây là một địa điểm đẹp và rất thích hợp cho những buổi picnic dã ngoại trong ngày hay cắm trại qua đêm. Nếu ngủ lại núi Trầm qua đêm, bạn sẽ đắm chìm trong cảnh đẹp thơ mộng lúc hoàng hôn xuống hay ngắm sương mù trắng xóa khi bình minh lên.
Những món ngon đặc sản Hà Nội
Phở Hà Nội
Phở là món ăn đầu tiên mà bạn nên thưởng thức ngay khi đặt chân đến Hà Nội. Có thể kể tên những quán phở nổi tiếng như: Phở gánh ở Hàng Trống, quán là một gánh hàng rong nhỏ được đặt ở trên vỉa hè và chỉ mở cửa buổi chiều. Đây là quán đã có từ rất lâu rồi, mặc dù không có chỗ ngồi ăn thoải mái nhưng người đến quán đông nghịt, phải xếp hàng và chờ rất lâu.
Đặc sản nổi tiếng nhất chính là phở bò Hà Nội (Ảnh sưu tầm)
Ngoài ra còn có thể kể thêm các quán phở bò ngon như Phở Lý Quốc Sư, phở gà ngon nhất nằm trên phố Quán Thánh, phở Hạnh trộn chua ngọt nằm trên phố Lãn Ông, hoặc phố Lương Văn Can, phở áp chảo phố Bát Đàn…
Một số địa chỉ phở bò Hà Nội ngon mình gợi ý cho các bạn:
- Phở Lý Quốc Sư: số 10 Lý Quốc Sư, Q.Hoàn Kiếm
- Phở Bát Đàn: số 49 Bát Đàn, Q.Hoàn Kiếm
- Phở Thìn Lò Đúc: số 13 Lò Đúc, Q.Hai Bà Trưng
Bún chả
Món chả được làm từ thịt nạc xay nhỏ rồi tẩm ướp gia vị, sau đó người ta nặn thành những miếng tròn và cho lên vỉ nướng trên than củi hồng đến khi miếng chả vàng rộm, dậy mùi thơm là được. Nước chấm bún chả Hà Nội là loại nước mắm được pha cầu kì chua ngọt với giấm, tỏi, ớt, hạt tiêu trộn với đu đủ xanh cắt miếng mỏng chua ngọt. Món này ăn kèm bún và rau sống cùng lá tía tô là sẽ đủ vị nhất.
Bún chả thịt nướng rất hấp dẫn (Ảnh sưu tầm)
Danh sách các địa chỉ ăn ngon mình gợi ý cho bạn có thể ghé qua thưởng thức:
- Bún chả Hương Liên: 24 Lê Văn Hưu, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
- Bún chả Đắc Kim: số 1 Hàng Mành, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Bún chả kẹp que tre: đoạn giao ngã tư Nguyễn Du – Bà Triệu.
Chả cá Lã Vọng
Chả cá Lã Vọng là một trong những món nổi tiếng của Hà Nội . Món ăn này được chế biến không quá phức tạp. Cá được rán nhỏ lửa trong chảo dầu. Ăn kèm cùng với bánh đa nướng, bún rối, lạc rang, rau mùi, rau húng láng, thì là, hành tươi chẻ nhỏ chấm với mắm tôm thêm đặm vị.
Đến Hà Nội đừng quên thưởng thức món chả cá Lã Vọng (Ảnh sưu tầm)
Mắm được pha chế với ớt thái sợi, một chút nước cốt chanh, thêm vài giọt rượu trắng, cùng tinh dầu cà cuống, với một thìa mỡ và đường sau đó đánh cho rủi bọt lên. Món ăn này có vị ngọt, bùi, ngậy và beo béo. Để nếm thử chả cá Lã Vọng đúng “chuẩn vị” nhất thì bạn nên ghé thăm số 14 Chả Cá, Hoàn Kiếm.
Bún Thang
Bún thang là món ăn chứa đựng nhiều nét văn hóa của ẩm thực thủ đô. Nguyên liệu để làm bún thang bao gồm thịt trứng gà chiên, gà xé phay, giò lụa cắt sợi. Nước dùng được hầm từ xương, tôm he. Nồi nước để đạt chuẩn là nước phải trong, có mùi thơm nhè nhẹ, dậy mùi mắm tôm.
Món bún thang thơm ngon (Ảnh sưu tầm)
RuudNguyen.com sẽ gợi ý bạn một số địa điểm ăn bún thang ngon được rất nhiều người ghé thăm:
- Quán bún thang Cầu Gỗ: địa chỉ 48 Cầu Gỗ, Q.Hoàn Kiếm
- Quán bún thang Hàng Hòm: số 11 Hàng Hòm, Q.Hoàn Kiếm
Bánh cốm
Bánh cốm Hà Nội (Ảnh sưu tầm)
Cho đến nay chỉ còn duy nhất cửa hàng Nguyên Ninh nằm tại số nhà 11 Hàng Than là vẫn giữ được nghề làm bánh cốm thủ công truyền thống. Những chiếc bánh cốm nhỏ xinh có màu xanh bên trong cùng là lớp nhân đậu xanh màu vàng, khi thưởng thức bánh có mùi ngầy ngậy của dừa và mùi thơm của đậu xanh. Khi ghé thăm Hà Nội các bạn nhớ mua bánh cốm về làm quà nhé.
Bánh cuốn
Bánh cuốn là món ăn dân dã của người dân thủ đô. Nguyên liệu để làm bánh cuốn khá kén chọn thường là loại gạo ngon được xay thành bột, sau đó pha với nước rồi tráng trên bếp cho ra những tấm bánh mỏng dính. Nhân bánh được làm từ thịt heo, nấm hương, khi bánh được cuộn lại bên trên được rắc thêm một ruốc tôm và hành khô. Điểm quyết định độ ngon của món này còn phụ thuộc cả vào nước chấm thông thương là nước mắm, cà cuống và chả quế.
Bánh cuốn Hà Nội (Ảnh sưu tầm)
Điểm danh những địa điểm ăn bánh cuốn Hà Nội ngon nhất được các du khách nhận xét:
- Quán bánh cuốn Bà Hoành địa chỉ 66 Tô Hiến Thành.
- Quán bánh cuốn Thanh Vân địa chỉ Lê Văn Hưu.
Bún đậu mắm tôm
Là món ăn mà ai đến Hà Nội đặc biệt là các vị khách nước ngoài cũng muốn được thưởng thức một lần. Bún đậu mắm tôm này tuyệt diệu nhất là ở cách pha chế mắm tôm, lúc này người đầu bếp phải lựa chọn được loại mắm ngon rưới thêm một chút mỡ nóng, thêm chút ớt, vắt quất hoặc chanh vào và đánh đều cho đến khi mắm bông lên. Chén mắm tôm đậm đà hương vị Hà Nội thì khi chấm với miếng đậu vừa chiên nóng thờm lừng, miếng chả cốm thơm béo ngậy hay miếng thịt ba chỉ nóng hổi sẽ làm tan chảy dạ dày đói meo của bạn.
Bún đậu mắm tôm (Ảnh sưu tầm)
Những địa điểm mình gợi ý về ăn bún đậu mắm tôm nổi danh nhất:
- Quán bún đậu Hàng Khay: số 31 Hàng Khay.
- Quán bún đậu Phan Huy Ích: 54 Phan Huy Ích.
Phở cuốn
Món phở cuốn cực kỳ hấp dẫn (Ảnh sưu tầm)
Phở cuốn với nguyên liệu phần bánh phở trắng tinh cuốn lấy thịt bò, các loại rau thơm bên trong được cuộn lại kết hợp với nước chấm pha đúng vị chính là món đặc biệt Hà Nội khó có thể cưỡng lại. Để thưởng thức món ăn hấp dẫn này, bạn có thể đến các quán phở ở phố Ngũ Xã cạnh hồ Trúc Bạch hoặc trên phố Quán Thánh. Ngoài phở cuốn, các quán này còn bán cả phở xào, phở chiên phồng, phở chiên trứng, chả ngan ngon và các đồ ăn khác tuyệt cú mèo.
Xem thêm: Tổng hợp các địa điểm du lịch Hà Nội hấp dẫn nhất
Xem thêm: Những đặc sản Hà Nội làm quà “ý nghĩa” cho người thân
Discussion about this post