Hải Phòng là một thành phố lớn và gần biển đảo, đây được xem là một mắt xích quan trọng trong tam giác kinh tế và du lịch của vùng duyên hải Bắc Bộ. Hải Phòng sở hữu nhiều điểm tham quan hấp dẫn như Cát Bà, Đồ Sơn, khu du lịch suối nước nóng ở Tiên Lãng…
Đến với Hải Phòng du khách thường chọn lui tới quần đảo Cát Bà – một hòn đảo xinh đẹp với hệ sinh thái rừng, biển. Nếu bạn muốn tìm hiểu rõ hơn về vùng đất này, RuudNguyen.com sẽ chia sẻ những kinh nghiệm du lịch Hải Phòng để bạn có một chuyến đi thật vui vẻ, hữu ích.
Giới thiệu chung về Hải Phòng
Hải Phòng còn được gọi là Đất Cảng hay Thành phố Cảng, là thành phố cảng quan trọng, trung tâm công nghiệp, cảng biển. Không dừng lại ở đó, Hải Phòng còn là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ của Vùng duyên hải Bắc Bộ. Sau khi kết thúc chiến tranh, Hải Phòng cùng với Hà Nội và Sài Gòn trở thành 1 trong 3 thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên của Việt Nam.
Hải Phòng chỉ cách Hà Nội khoảng hơn 100km theo Quốc lộ 5 với thời gian di chuyển trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng vẻn vẹn một tiếng rưỡi. Nơi đây không chỉ là một thành phố cảng công nghiệp, Hải Phòng còn là một trong những nơi có tiềm năng du lịch rất lớn.
Hải Phòng hiện lưu giữ nhiều nét hấp dẫn về kiến trúc, bao gồm kiến trúc truyền thống với các chùa, đình, miếu cổ và kiến trúc tân cổ điển Pháp tọa lạc trên các khu phố cũ. Thành phố còn có những nét đặc trưng về văn hóa, đặc biệt là ẩm thực và các lễ hội truyền thống.
Du lịch Hải Phòng nên đi vào mùa nào đẹp nhất?
Do thuộc miền Bắc nên khí hậu Hải Phòng nhìn chung không có gì khác biệt mấy so với Hà Nội khi được chia thành 4 mùa. Mỗi mùa Hải Phòng lại khoác lên mình một chiếc áo mới với nét đẹp đặc trưng riêng.
Mùa hạ tiết trời Hải Phòng rất lý tưởng cho du khách có thể du ngoạn biển. Hơn nữa đây cũng là thời điểm mà Hải Phòng có nhiều sự kiện và lễ hội hấp dẫn.
Đặc biệt, du khách đến Hải Phòng vào mùa hè còn có được những bức hình selfie lung linh vì cả thành phố khoác lên mình tấm áo mới màu đỏ rực của Hoa Phượng.
Hướng dẫn đi tới Hải Phòng
Phương tiện cá nhân
Để di chuyển tới Hải Phòng bằng phương tiện cá nhân, các bạn chỉ nên đi bằng xe ô tô riêng bởi có tuyến đường cao tốc 5B nên thời gian di chuyển khá nhanh chỉ khoảng một tiếng rưỡi. Các bạn nếu có ý định đi xe máy thì sẽ đi theo QL5 cũ với thời gian khoảng 2 tiếng.
Phương tiện công cộng
- Tàu hỏa: Là phương tiện được nhiều du khách yêu thích chọn lựa. Hàng ngày từ Hà Nội có 4 chuyến tàu khởi hành đi Hải Phòng, thời gian di chuyển khoảng từ 2,5 đến 3 giờ. Di chuyển bằng tàu hỏa sẽ giúp bạn ngắm nhìn trọn vẹn cảnh đẹp Hải Phòng. Nếu đi ngày thường các bạn đi từ ga Long Biên, nếu đi vào cuối tuần có thể đi từ ga Hà Nội
- Xe khách: Lựa chọn di chuyển bằng xe khách sẽ tiết kiệm thời gian hơn đi bằng tàu hỏa. Chỉ mất khoảng gần 2 tiếng là bạn đã có mặt tại Hải Phòng rồi. Các chuyến xe khách từ Hà Nội đi Hải Phòng hiện tại thường xuất phát từ bến xe Nước Ngầm và bến xe Gia Lâm, gần như xe chạy liên tục nên các bạn có thể ra bến bất cứ lúc nào để đi.
- Máy bay: Hầu hết các thành phố lớn ở Việt Nam từ khu vực miền Trung trở vào đều có các chuyến bay tới Hải Phòng (sân bay Cát Bi) của các hãng hàng không trong nước. Bạn sẽ đáp cánh tại sân bay Cát Bi – Hải Phòng cách trung tâm thành phố khoảng 5 km, từ đây bạn chỉ mất thêm vài phút đi taxi để tới nơi.
Lưu trú ở Hải Phòng
Khách sạn và nhà nghỉ
Đa phần du khách sẽ ưu tiện lựa chọn khách sạn hơn (Ảnh sưu tầm)
Là một trong những thành phố du lịch khá nổi tiếng nên hệ thống khách sạn ở đây cũng ngày càng được chú trọng đầu tư. Theo kinh nghiệm du lịch Hải Phòng của nhiều du khách, bạn nên lựa chọn những khách sạn nhà nghỉ nằm tại trung tâm thành phố, thuận tiện cho việc di chuyển.
Homestay
Cùng với xu thế chung trong việc đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch do chính người dân địa phương cung cấp, các homestay ở Hải Phòng cũng bắt đầu được nhiều hộ kinh doanh phát triển. Hiện tại, ngoài một số homestay trong thành phố thì hình thức lưu trú này vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực đảo Cát Bà.
Địa điểm du lịch ở Hải Phòng
Trung tâm thành phố
Khu phố cổ Hải Phòng
Khu vực phố cổ Hải Phòng (Ảnh: Hai Le Cao)
Nhắc đến những khu phố cổ, người ta thường quen thuộc với phố cổ Hà Nội hay Hội An… Ít ai biết rằng Hải Phòng cũng có phố cổ cực kỳ đẹp theo một nét riêng.
Những khu phố như Tam Bạc, Lý Thường Kiệt, Cầu Đất… hiện vẫn lưu giữ nhiều nét không gian kiến trúc cổ kính, thể hiện qua những tòa nhà, biệt thự Pháp cổ hàng trăm năm tuổi.
Nhà hát lớn Hải Phòng
Nhà Hát Lớn Hải Phòng (Ảnh: HP Production)
Nhà hát Lớn khởi công năm 1904 theo lối kiến trúc Baroc với nhiều lần trùng tu, bảo tồn, Nhà hát lớn Hải Phòng là công trình văn hóa, lịch sử đặc sắc, độc đáo của cả nước.
Nằm ở vị trí trung tâm của TP Hải Phòng hiện nhà hát là nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa, là địa điểm biểu diễn văn nghệ, trao học bổng cho các học sinh giỏi hằng năm.
Bảo tàng Hải Phòng
Bảo tàng Hải Phòng toạ lạc ngay trung tâm thành phố số 65 Điện Biên Phủ, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng, là một trong những kiến trúc cổ ở thành phố biển.
Bảo tàng Hải Phòng là một trong các bảo tàng thuộc tỉnh, thành phố ra đời sớm nhất ở nước ta. Bảo tàng được xây dựng vào năm 1919 với diện tích khoảng 1ha. Chưa cần bàn đến những giá trị về lịch sử, cổ vật, hiện vật mà nơi đây sở hữu thì riêng kiến trúc của bảo tàng cũng thực sự gây ấn tượng.
Bảo tàng là công trình thiết kế mang phong cách Gothique của Châu Âu đẹp nhất thời bấy giờ, do trước đó, bảo tàng vốn là trụ sở của Ngân hàng Pháp – Hoa. Đặc biệt, trong số các bộ sưu tập, phải kể tới bộ sưu tập hiện vật quý giá thời tiền sử, với các công cụ sản xuất, công cụ săn bắn… của người Việt cổ được tìm thấy ở di chỉ Cái Bèo (Cát Bà), niên đại cách đây 6000-7000 năm.
Nhà thờ lớn Hải Phòng
Nhà thờ lớn Hải Phòng toà lạc ở số 46 phố Hoàng Văn Thụ. Nhà thờ chính tòa Hải Phòng với tước hiệu Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi là nhà thờ chính tòa của Giáo phận Hải Phòng. Nhà thờ được xây theo kiểu kiến trúc Gothique dài 47m, rộng 17m kèm theo tháp chuông hình vuông nhà cao 28m. Sau khi khánh thành, trải qua thăng trầm thời gian, nhà thờ xuống cấp nặng.
Đến năm 2000, linh mục chính xứ đã làm đơn xin cải tạo, sửa chữa, nâng cấp toàn bộ nội thất nhà thờ và giữ nguyên kiến trúc như xưa. Đến nay, nhà thờ chính toà, tháp chuông, khuôn viên đã được chỉnh trang, sửa chữa đồng bộ, là một trong những nhà thờ lớn và đẹp của Hải Phòng.
Quán Hoa
Nằm ngay giữa trung tâm Hải Phòng, bên cạnh Nhà hát lớn, quán hoa là công trình được người Pháp xây dựng vào năm 1944. Theo các tài liệu hiện có, quán hoa Hải Phòng do đốc lý Luyxiani chủ trì xây dựng và chánh lục lộ Gôchiê phụ trách thiết kế kỹ thuật.
Để xây dựng công trình người ta đã phải chọn lựa từ hàng chục mẫu thiết kế của nhiều kiến trúc sư trong cả nước để làm sao chọn công trình phù hợp với quần thể kiến trúc xung quanh, nhưng vẫn giữ đựơc phong cách nghệ thuật Phương Đông. Quán không có tường, rộng khoảng 20 m2, lát gạch Bát Tràng, mỗi quán cách nhau 6m.
Chợ Đổ
Chợ Đổ là tên thường gọi của chợ Tam Bạc vì được xây dựng trên nền đất cũ của một khu nhà đổ trong chiến tranh. Chợ Đổ là khu chợ gắn liền với lịch sử thăng trầm của vùng đất Hải Phòng. Chợ có tên chính thức là Tam Bạc, xuất phát từ việc Pháp viết sai từ Trạm Bạc mà thành.
Trong khu chợ còn có đền Bà và ngôi nhà được Tôn Trung Sơn (một nhà cách mạng nổi tiếng của Trung Quốc) lưu lại trong thời chiến tranh.
Chợ Sắt
Chợ được xây dựng từ cuối thế kỷ 19, dưới thời Pháp thuộc với những gian nhà lớn, vật liệu chủ yếu là sắt thép, nền xi măng, có tháp nước, vì thế được gọi là “chợ Sắt”. Chợ nằm bên bờ của ngã ba sông Cấm và sông Tam Bạc và là chợ lớn nhất thành phố Hải Phòng.
Chợ Sắt là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách khi đến thành phố Hải Phòng. Từ lâu, trung tâm thương mại này là địa chỉ quen thuộc không chỉ của người dân Hải Phòng mà mỗi du khách đến đây mua sắm đặc sản cũng tìm hiểu về một địa danh nổi tiếng và độc đáo của thành phố Cảng.
Chợ Hàng
Mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, phố Chợ Hàng tấp nập xe máy, ô tô chở đủ loại hàng hóa, đồ dùng sinh hoạt từ khắp nơi về bày bán tại chợ. Hàng hóa ở khu này toàn là đồ cũ, trải dài trên đoạn đường chưa đầy 200 mét, từ số nhà 465 tới 517 phố Chợ Hàng.
Chợ Hàng Hải Phòng là một thiên đường mua sắm các loại cây cảnh từ nhỏ đến lớn. Ngoài ra, các bạn cũng có thể tới đây để mua cho mình những con thú cưng như chó, mèo, thỏ chuột, hay các loại chim, cá … Có thể nói, ở chợ Hàng, người ta bán tất cả những gì có thể bán
Chùa Dư Hàng
Chùa Dư Hàng (tên chữ là Phúc Lâm tự), thuộc xã Dư Hàng Kênh (huyện An Dương), nay thuộc địa bàn phường Hồ Nam, quận Lê Chân. Nếu căn cứ vào bản ghi chép bia ký của chùa Dư Hàng thì chùa có nguồn gốc từ thời Tiền Lê (980-1009). Trải qua thời gian và những thăng trầm của lịch sử nhưng ngôi chùa vẫn được gìn giữ, bảo tồn nhờ công sức của bao thế hệ.
So với nhiều ngôi chùa thờ phật ở Hải Phòng, chùa Dư Hàng có kiến trúc bề thế, khuôn viên hoàn chỉnh, gồm toà phật điện 7 gian, gác chuông cao 3 tầng, mái công vút, quả chuông đồng cỡ lớn, chữ đề: “ Phúc Lâm tự chung”, nghĩa là chuông chùa Phúc Lâm.
Đồ Sơn
Đồ Sơn là một quận thuộc địa phận Hải Phòng, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 20 km về hướng Đông Nam và cách thủ đô Hà Nội khoảng 120km. Ngoài phong cảnh sơn thủy hữu tình với núi cao, biển rộng được thiên nhiên ưu đãi, Đồ Sơn còn có rất nhiều di tích lịch sử văn hóa.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Đồ Sơn
Bãi biển Đồ Sơn
Tắm biển Đồ Sơn là một trong những trải nghiệm mà không ai có thể bỏ qua (Ảnh: Huyềnn)
Khu du lịch Đồ Sơn được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều bãi tắm tự nhiên, lý tưởng được phân bố từ khu 1 đến khu 3.
Các bãi tắm hướng trực tiếp ra biển Đông, có chiều dài từ 0,5 đến 1,5km với bãi cát mịn, trải dài, dịch vụ sạch sẽ và tiện nghi, kết hợp với nhiều hoạt động vui thú khiến bãi biển Đồ Sơn lúc nào cũng đông khách.
Khu du lịch Hòn Dấu
Khu du lịch đảo Dấu với bể bơi nhân tạo thuộc hàng top của Châu Á. Nơi này sở hữu vườn chim, vườn thú, khu vui chơi giải trí. Kể từ khi được tu sửa, nơi đây còn có thêm khu “Đà Lạt thu nhỏ”, địa điểm này được khá nhiều du khách lựa chọn khi đến chơi ở Đồ Sơn dịp cuối tuần.
Đảo Hòn Dấu
Hòn Dáu hay Hòn Dấu là hòn đảo nằm trong vịnh Bắc Bộ thuộc khu du lịch giải trí Đồ Sơn. Phần lớn đảo vẫn đang ở trạng thái nguyên sinh. Trên đảo có đền thờ Nam Hải Đại Vương, có ngọn hải đăng và một số di tích khác.
Khu du lịch Đồi Rồng
Đây là một khu du lịch liên hợp với nhiều dịch vụ, được khai trương từ năm 2020. Toàn bộ khu được xây dựng trên một diện tích lấn biển với đầy đủ trung tâm hội nghị, hội thảo; Nhà ở nghỉ dưỡng cao cấp phục vụ du lịch; khách sạn 5 sao; sân golf; Resort; Khu phố thương mại; Biển nhân tạo; bể bơi nước ngọt, Bể bơi nước mặn; công viên nước; khu vui chơi giải trí…
Hải An
Từ Lương Xâm
Từ Lương Xâm là di tích lịch sử văn hoá lớn chứa đựng nội dung liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng lần thứ nhất năm 938 của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo mưu trí, sáng suốt của Ngô Quyền, đập tan quân xâm lược Nam Hán, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ cho dân tộc.
Trong đó, nhiều sắc phong suy tôn Ngô Quyền là “Ngô vương thiên tử” và “Thượng đẳng tối linh đại vương”. Đặc biệt trong từ còn lưu giữ 3 chiếc cọc, được cho là cọc Bạch Đằng- chứng tích của trận Bạch Đằng lịch sử năm 938.
Làng hoa Hạ Lũng
Nằm cách trung tâm thành phố Hải Phòng chừng 6 km có một làng hoa mang tên Hạ Lũng, thuộc phường Đằng Hải, quận Hải An. Đây được xem là làng hoa nổi tiếng và có truyền thống bậc nhất ở Hải Phòng.
Và nhờ đất đai màu mỡ phù sa cùng với bàn tay khéo léo của những người dân giàu kinh nghiệm, những bông hoa luôn rất lớn, thắm sắc và được rất nhiều du khách tìm đến và đặt mua.
Với những người Hải Phòng, chợ hoa đêm Đằng Hải không chỉ là đầu mối cung cấp hoa cho cả thành phố mà còn là nơi lưu giữ một nét đẹp văn hóa, nét đẹp tinh thần chẳng thể nào phai trong tâm trí những ai đã từng một lần ghé qua.
Cát Hải
Đảo Cát Bà
Quần đảo Cát Bà gồm 367 đảo nằm phía nam vịnh Hạ Long. ngoài khơi thành phố Hải Phòng. Ngoài du lịch biển đảo, Cát Bà còn là nơi duy nhất ở Việt Nam hội tụ ba danh hiệu quốc gia và quốc tế gồm Vườn Quốc gia Cát Bà, Khu bảo tồn biển và Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Cát Bà
Vịnh Lan Hạ
Vịnh Lan Hạ nằm ở phía Đông đảo Cát Bà, trông ra cửa Vạn, liền kề vịnh Hạ Long. Đây là một vùng vịnh rất êm ả hình vòng cung với khoảng 400 hòn đảo lớn nhỏ tạo nên một bức tranh khổng lồ khắc hoạ lại cảnh tiên.
Điểm hấp dẫn của vịnh Lan Hạ chính là vẻ đẹp hoang sơ, không gian yên tĩnh không đâu có được, rất phù hợp là điểm đến cho những ai muốn tìm kiếm không gian mới để nghỉ dưỡng.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Vịnh Lan Hạ
Đảo Long Châu
Còn được biết đến là Đảo Mắt Rồng, là một trong những quần đảo nằm ở phía Đông Nam đảo Cát Bà. Khoảng cách giữa nơi đây đến trung tâm thành phố Hải Phòng là khoảng 50km. Quần đảo này sơ qua thì có tổng cộng khoảng 30 hòn đảo, được cấu tạo từ những viên đá vôi và những bãi đá ngầm
Ngọn hải đăng trên đảo với tuổi đời trên 100 năm đã trôi qua, nhưng chưa một đêm nào những ngọn đèn này ngừng chiếu sáng. Nơi đây cũng được xem là tiền đồn canh trấn vào cửa biển Hạ Long và Hải Phòng.
Hòn đảo này không phải địa điểm du lịch, trên đảo chỉ có các cán bộ của ngọn hải đăng cùng với lính biên phòng. Nếu muốn ra đây các bạn cần mang theo đầy đủ giấy tờ, liên hệ các tàu cá để có phương tiện di chuyển.
Bạch Long Vĩ
Cách Hòn Dấu hơn 100km, mất tới 9h đi tàu để có thể ra tới Bạch Long Vĩ, hòn đảo xa bờ nhất của Việt Nam trong khu vực vịnh Bắc Bộ. Được thành lập chính thức từ năm 1992, Bạch Long Vĩ trở thành huyện đảo trực thuộc thành phố Hải Phòng.
Nhìn từ trên cao hòn đảo này có hình dáng giống đuôi của một con rồng. Đó cũng chính là lý do mà người ta đặt cho nó cái tên là Bạch Long Vĩ.
Kiến Thụy
Đền Mõ
Đền Mõ, xã Ngũ Phúc do dân làng Nghi Dương xây dựng lên tỏ lòng nhớ ơn công chúa Thiên Thụy người có công khai lập. Công chúa Thiên Thụy là con gái trưởng vua Trần Thánh Tông, chị gái vua Trần Nhân Tông, tên húy Trần Quỳnh Nga.
Theo lời kể dân gian công chúa đặt hiệu lệnh bằng tiếng mõ để mọi người nghe đó mà nghỉ ngơi, ăn uống, đi làm việc…nên mọi người gọi công chúa là “ Bà chúa Mõ”, rồi tụ tập trai tráng mở vật cầu trời cho mưa thuận gió hòa, có nước cho nhà nông cấy trồng, mùa màng tươi tốt.
Đền Mõ có địa điểm thuộc xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng (xưa là xã Nghi Dương, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn).
Ngôi đền tọa lạc phương thức trung tâm huyện Kiến Thụy khoảng 4km và tọa lạc sát bên đường quốc lộ. Tại Đền Mõ hiện có cây gạo cổ thụ được trồng từ năm 1284 (đến nay đã hơn 700 năm) được công nhận là cây di sản Việt Nam.
Từ đường nhà Mạc
Từ đường họ Mạc là một quần thể các di tích lịch sử nằm trên địa bàn xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, vốn là đất phát tích của nhà Mạc và đồng thời là khu vực trung tâm của Dương Kinh (kinh đô thứ hai sau Thăng Long ở thời thịnh Mạc.
Khu tưởng niệm gồm nhiều công trình như Thái miếu – nơi đặt linh vị hoàng đế đầu tiên của triều Mạc, chính điện, hậu cung. Đây cũng là nơi lưu giữ thanh Bảo Long đao của Mạc Đăng Dung với hơn 500 năm tồn tại. Bảo Long là thanh đao cổ nhất châu Á và là một trong hai thanh đao nặng nhất thế giới.
Thủy Nguyên
Bạch Đằng Giang
Nằm ngay cửa sông Bạch Đằng, cách trung tâm thành phố khoảng 20km, nơi đây gắn liền với 3 trận thủy chiến trên sông. Đó là những trận chiến tiêu biểu cho tinh thần dân tộc:
- Năm 938, Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán, kết thúc nghìn năm đô hộ của phương Bắc.
- Năm 981, vua Lê Hoàn đánh bại quân Tống.
- Năm 1288, quốc công Trần Hưng Đạo chỉ huy trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng chống quân Nguyên – Mông.
Bãi cọc Cao Quỳ
Bãi cọc Cao Quỳ nằm bên bờ hữu ngạn sông Bạch Đằng, thuộc xã Liên Khê, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng. Bãi cọc được phát hiện từ tháng 10 năm 2019, đây là khu vực bãi cọc có quy mô khá lớn với các cọc gỗ lớn/nhỏ xen kẽ, được bố trí theo ý đồ chiến thuật rõ ràng với nhiều tầng, nhiều lớp.
Các cọc có kích thước không đều nhau, loại nhỏ từ 10-18cm, loại lớn từ 28-32cm, đặc biệt có cọc đường kính từ 37-40cm. Các cọc chủ yếu làm bằng gỗ sến nhựa và lim.
Chùa Mỹ Cụ
Chùa Mỹ Cụ (hay còn gọi là Linh Sơn) nằm tựa lưng vào núi đất nhỏ chạy dài có tên gọi “ núi con rồng” với địa thế đẹp hai bên có “ Hổ phục quy chầu” thuộc thôn Mỹ Cụ, xã Chính Mỹ, Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Tương truyền song thân vua Lê Đại Hành đã đến chùa cầu tự sau đó sinh ra vua, tức là vào khoảng thế kỷ thứ 10 chùa đã được xây dựng. Hàng năm nhà chùa mở hội vào ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch, đây là hội làng có truyền thống từ rất lâu đời trải qua nhiều thế hệ được duy trì liên tục kể cả trong điều kiện chiến tranh, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng tham gia.
Tuyệt Tình Cốc
Thật ra Tuyệt tình cốc là địa danh mới nổi gần đây trên các trang mạng xã hội Việt Nam. Ban đầu chỉ là một địa điểm check in lạ lẫm mà một vài bạn trẻ phát hiện và đăng tải lên trang cá nhân facebook.
Khu vực này thực chất là một mỏ khai thác đá nằm ở khu vực xã An Sơn, do ảnh hưởng của kim loại đồng nên hồ nước xung quanh khu vực này có màu xanh tương đối đẹp. Tuy vậy các bạn lưu ý là khu vực đường đi tới đây tương đối bụi, nhất là trong những ngày mưa gió thì sẽ rất bẩn.
Suối khoáng nóng Tiên Lãng
Cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng gần 20km, suối khoáng nóng Tiên Lãng nằm trong tuyến du khảo đồng quê với những điểm đến hấp dẫn ở các huyện ngoại thành phía Nam Hải Phòng.
Nơi đây có nguồn nước khoáng nóng phun lên từ lòng đất ở độ sâu 850m, nhiệt độ 54ºC được chia thành nhiều khu vực khác nhau và điểm nhấn ở đây chính là mỗi khu vực được bố trí rất tinh tế, hài hòa với khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, mang lại cảm giác tươi mát và thư giãn tuyệt đối cho mọi người.
Đền thờ Trạng Trình
Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia năm 1991. Đây là một quần thể di tích rộng gần 13 ha với 10 điểm tham quan, tọa lạc giữa không gian rộng và thoáng đãng của huyện Vĩnh Bảo.
Quần thể khu di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm bao gồm các đơn nguyên kiến trúc chính: đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm; đền thờ thân phụ, thân mẫu; quán Trung Tân; tháp Bút Kình Thiên; mộ phần cụ Nguyễn Văn Định (thân phụ Nguyễn Bỉnh Khiêm); quảng trường, tượng đài. Lễ hội đền Trạng được tổ chức trong 3 ngày 27, 28, 29 tháng 11 âm lịch.
Núi Voi
Núi voi Hải Phòng nằm cách trung tâm thành phố khoảng hơn 20km. Mang trong mình nét đẹp tự nhiên, ghi dấu lịch sử hào hùng. Về địa lý, địa chất học, vẫn còn sò, hến bám ở trong các hang, vách đá ở độ cao 5- 10 m. Đặc biệt, hệ thống hang động huyền bí, có sức cuốn hút.
Theo truyền thuyết Núi voi Hải Phòng, trong thời kỳ chiến tranh hào hùng, các chiến sĩ bộ đội của ta đã dựa vào địa hình hiểm trở của ngọn núi này để làm nơi trú ẩn và dùng lối đánh du kích nhỏ lẻ để tiêu diệt quân địch.
Các món ăn ngon ở Hải Phòng
Các món hải sản
Bề bề Cát Bà
Bề bề rang muối có thể dễ gặp thấy trong thực đơn ở Cát Bà (Ảnh sưu tầm)
Bề bề tại Cát Bà có khá nhiều, đặc trưng của những con bề bề ở đây là to, mẩy và bóng, do đó món ăn từ bề bề bao giờ cũng hấp dẫn. Để có được món ăn độc đáo này, người chế biến phải chọn lựa bề bề cẩn thận và đặc biệt, phải còn sống.
Bề bề thường lớn bằng ngón chân cái, đầu có nhiều gạch, vỏ rất cứng nhưng thịt lại mềm. Bề bề hấp là món ăn đơn giản nhưng ngon nhất vì giữ được hương vị đặc trưng của nó, ngoài ra còn có thể chế biến theo cách nướng cũng rất lạ miệng.
Ghẹ xanh Cát Bà
Ghẹ Cát Bà (Ảnh sưu tầm)
Ghẹ xanh xuất hiện khá phổ biển ở khắp các vùng biển của Việt Nam. Ghẹ xanh ưa thích sống ở vùng nước có độ mặn 25-31‰ và thường sống ở độ sâu từ 4 đến 10m nước ở những vùng biển có đáy là cát, cát bùn và cát bùn có san hô chết. Ghẹ có nhiều loại như ghẹ đỏ, ghẹ ba chấm, ghẹ xanh… nhưng ghẹ ngon, nhiều thịt và bổ dưỡng nhất vẫn là ghẹ xanh.
Có hai loại ghẹ chính là ghẹ hoa và ghẹ xanh. Ghẹ hoa, mai màu nâu tươi, có hoa văn nhiều màu sặc sỡ, rất đẹp, càng và ngoe trắng hồng. Ghẹ xanh, mai và càng đều xanh lơ, lốm đốm trắng. Loại ghẹ nào bụng cũng trắng tinh và ngoe thon, dài. Ghẹ phải chọn những con thật chắc, to bằng bàn tay người lớn, bấm vào yếm không lún.
Mực Cát Bà
Thông thường, muốn câu mực, người câu phải ra khơi, nhưng do đặc thù biển sâu, độ mặn cao và ít có sóng to nên khu vực biển Cát Bà trở thành nơi thích hợp cho loài mực mò sát vào bờ sinh sống…chính vì vậy mực cũng là một đặc sản khá phổ biến ở Cát Bà, nếu có thể mua được những con mực vừa câu lên rồi đem về chế biến thì quả thật là tuyệt vời.
Những món ăn chế biến từ mực khá đa dạng như luộc, hấp, nhúng, dấm, xào, chiên giòn. Ở dạng phơi khô lại có món mực khô xé tay chấm tương ớt, hoặc mực khô làm nhân cùng thịt nạc xay nhuyễn trong món chả chìa. Song thuộc hàng đặc sắc phải kể đến món chả mực.
Bàn mai
Con bàn mai có phần cồi hay còn gọi là phần đanh là phần thịt ngon nhất, thịt trắng ngà thơm ngon, có vị giòn, ngọt thanh. Đặc biệt, cồi của bàn mai rất giàu khoáng chất và vitamin. Đây là một loại nhuyễn thể hoàn toàn tự nhiên và phân bố rải rác ở vịnh Bến Bèo, vịnh Lan Hạ.
Có thể chế biến bàn mai theo nhiều cách nhưng thông dụng, dễ làm và ngon nhất là món nướng. Bàn mai qua sơ chế, sắt miếng nhỏ vừa ăn, bày vào miếng vỏ, rưới dầu và hành phi rồi đưa lên vỉ nướng.
Cua Đồ Sơn
Cua biển hay cua bể là tên gọi chỉ chung cho tất cả các loài cua sống ven biển. Cua biển có nhiều loại: cua gạch, cua thịt, cua nước để bạn lựa chọn theo sở thích hay theo yêu cầu chế biến của món ăn. Cua Đồ Sơn gạch và cua thịt đều ngon và nhiều chất dinh dưỡng.
Ngao vàng Đồ Sơn
Ngao vàng được đánh bắt tại vùng biển Đồ Sơn thường to, thịt dai và rất ngon. Các món có thể thưởng thức là ngao hấp, cháo ngao, canh ngao…
Hiện tại, trên địa bàn, người dân đang nuôi 2 loại ngao là ngao vàng và ngao trắng. Ngao vàng được người dân và du khách ưa chuộng, tuy nhiên sản lượng đạt thấp hơn.
Hàu
Hàu là một loại nhuyễn thể, sinh sống chủ yếu ở các vùng nước mặn, thường sống ở các ghềnh đá ven biển hay cửa sông. Ngoài món hàu sống, món hàu nướng phô mai, nướng mỡ hành cũng rất được ưa thích.
Hàu sống cũng là một nguồn cung cấp dồi dào một số loại vitamin và khoáng chất quan trọng, đặc biệt là vitamin B12, rất tốt cho sức khỏe của não bộ.
Mực trứng
Mực trứng với đặc điểm là có kích thước dài từ 5 – 12 cm, trong thân mực toàn là trứng. Người ta gọi là mực trứng bởi loại mực này thường được đánh bắt vào thời điểm chúng đang sinh sản nên phần bụng to và chứa rất nhiều trứng.
Mực trứng có thể chế biến được rất nhiều món ăn bổ dưỡng như mực trứng nướng, mực trứng chiên nước mắm, mực trứng luộc…
Bánh đa cua
Bánh đa cua là món ăn đặc trưng và nổi tiếng của thành phố Hải Phòng. Một bát bánh đa cua ngon, thường mang những màu sắc rất hấp dẫn của gạch cua đồng, màu nâu của bánh đa, màu xanh thậm của chả lá lốt, xanh tươi của hành lá hòa quyện với sắc đỏ của ớt và vàng rộm của hành phi.
Có thể ăn buổi sáng hay buổi tối, mùa hè hay mùa đông cũng đều cảm thấy vị ngon. Nhiều người đã so sánh mức độ phổ biến và được ưa thích của bánh đa cua đối với người Hải Phòng cũng như món phở với người Hà Nội, món bún bò với người Huế và món hủ tiếu với người Sài Gòn.
Bánh mỳ cay
Bánh mì cay là món ăn cực kỳ quen thuộc tại Hải Phòng, với phần vỏ giòn dai hòa quyện cùng nhân pate cay bùi béo khiến ai ai nếm thử cũng đều nhớ mãi. Sở dĩ có tên gọi bánh mỳ que là do hình dạng của chiếc bánh mỳ nhỏ, dài, nằm lọt trong lòng bàn tay và điều quan trọng là độ giòn của bánh mỳ.
Còn tên gọi bánh mỳ cay là do vị cay đặc trưng của loại tương ớt ăn kèm. Điểm cơ bản tạo nên vị ngon của bánh mỳ cay (hay bánh mỳ que) chính là ở cách chế biến pa tê và tương ớt ăn kèm.
Nem cua bể
Món ăn này có xuất xứ từ cảng biển với nhiều vựa tôm mực, cua bể. Nếu bạn một lần thưởng thức món ăn này, chắc hẳn bạn sẽ khó quên hương vị đặc trưng của thịt cua bể chuẩn vị tươi sống không bị lẫn vào đâu được hòa quyện cùng gia vị của sợi miến dai dai, sần sật thật khó cưỡng lại.
Nem cua bể theo đúng cách chế biến kiểu Hải Phòng thường được gói theo hình vuông ngoài cách gói nem phổ biến hình thon dài. Cơ bản về nguyên liệu chế biến không có nhiều khác biệt so với chả nem chế biến tại nhiều địa phương như thịt lợn, tôm, nấm hương, mộc nhĩ, giá đỗ…
Khác biệt ở đây chính là sự có mặt của nguyên liệu cua bể và loại bánh đa nem sản xuất theo phương pháp truyền thống của địa phương.
Bún tôm
Đây là một món ăn phổ biến với nguyên liệu chính và không thể thiếu tạo nên món ăn này là bún sợi to , tôm sú hoặc tôm giảo tươi, sườn non, xương lợn, rau cần, rau cải xanh, mộc nhĩ, nấm hương, rau thì là, hành lá và gia vị.
Bún tôm Hải Phòng sau khi hoàn tất sẽ có màu sắc đẹp mắt, hương thơm hấp dẫn. Khi ăn ta sẽ cảm nhận được vị ngon, vừa ăn có chút chua nhẹ của cà chua, thịt tôm thì ngọt, mềm, cần ta thì thanh nhẹ.
Bánh bèo
Về mức độ phổ biến trong những món ăn đường phố tại Hải Phòng thì nó cũng ngang ngửa món bánh mì cay. Món ăn này dù có cùng tên gọi nhưng cách thức chế biến rất khác loại bánh vẫn thường thấy ở xứ Huế và các tỉnh thành khác tại miền Trung Việt Nam.
Khác với bánh bèo Nghệ An và bánh bèo Huế, bánh bèo Hải Phòng lại mang sức hút riêng đến từ lớp bánh dẻo dai, phần nhân đẫm thịt cùng bát nước chấm làm từ nước xương ninh nhừ.
Bánh cuốn
Bánh cuốn đã được đổ trước, một cách nắn nót với bột gạo ngon, lọc kỹ, đến khi nguội rồi, để cả ngày hay vài ngày vẫn còn dẻo và thơm nguyên. Ở Hải Phòng, bánh cuốn nguội được dùng chung với chả và hành phi. Có một điều đặc biệt là, sẽ có thêm chén nước dùng ninh từ xương heo, được nêm nếm rất vừa ăn kèm theo.
Cũng có quán bánh, sẽ cho thêm một ít hành hay một chút xíu mộc nhĩ băm nhuyễn, trông lơ thơ như điểm xuyết bằng vài hạt tiêu trên mặt bánh trắng nõn, thế nhưng cũng có quán, chỉ có bánh trắng tinh là trắng, cứ như thể, cho thêm một chút nguyên liệu nào khác vào, bánh sẽ bị kém ngon đi vậy.
Ốc
Không phải loại ốc mà chúng ta thường thấy ở các quán ốc Đinh Liệt, Trần Phú, Cửa Bắc… đâu, ốc Hải Phòng là vô vàn các loại ốc biển, rồi còn ngao, sò, rồi còn càng cù kỳ, càng ghẹ nữa…
Chỉ nhìn qua thôi cũng đủ thấy choáng ngợp và khó chọn rồi. Gia vị của món ốc xào gồm tương ớt, sả, gừng, vài lát dừa khô thái nhỏ… làm cho món ăn dậy mùi thơm phức.
Ốc vừa chín tới, người ta chắt nước ốc xào đặc sánh ra để làm nước chấm – một loại nước chấm có hương vị chẳng thể lẫn vào đâu, trộn lẫn giữa cái cay sè của ớt, cái béo béo của dừa, cái thơm nồng của gừng, của sả và vị ngòn ngọt.
Cơm cháy hải sản
Cũng có thể coi là một biến thể của món cơm cháy Ninh Bình (Ảnh sưu tầm)
Về cơ bản, cách chế biến cơm cháy trong món cơm cháy hải sản theo kiểu Hải Phòng không khác với cơm cháy Ninh Bình.
Điểm khác biệt chính là ở nguyên liệu và cách chế biến nước sốt ăn kèm với cơm cháy. Vì vậy, đầu bếp ở Hải Phòng đã kết hợp giữa cơm cháy của Ninh Bình với nước sốt hải sản- món ăn quen thuộc của người Hải Phòng để trở thành nét đặc trưng riêng của ẩm thực đất Cảng.
Các món gốc Hoa
Mỳ vằn thắn
Món ăn gốc Hoa này được yêu thích và bán ở nhiều khu trong thành phố hoa phượng đỏ. Mỗi quán có đặc trưng riêng, nhìn chung bát mì có sợi mì vàng, thịt xá xíu, viên vằn thắn…
Mì vằn thắn là một trong những món ngon có tiếng ở Hải Phòng bởi hương vị đặc biệt nó mang lại. Thưởng thức một bát mì nóng với những sợi mì màu vàng ươm, miếng sủi cảo nho nhỏ, vài lát thịt xá xíu sẽ là lựa chọn hấp dẫn cho một bữa ăn ngon trong ngày
Sủi dìn
Nhìn qua, sủi dìn gần giống bánh trôi nước truyền thống của Việt Nam, bởi cách làm và một số nguyên liệu giống nhau, nhưng món này có những nét riêng với nguồn gốc du nhập từ Trung Quốc, thể hiện ngay từ tên gọi.
Sủi dìn hay còn gọi là bánh trôi tàu, là món ăn có nguồn gốc từ cộng đồng người Hoa sống tại Hải Phòng. Đây là món ăn vặt đường phố được người dân nơi đây rất ưa chuộng.
Bánh cấu
Món bánh này có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng giờ đây đã rất được phổ biến ở Hải Phòng. Cùng một loại bánh nhưng có nhiều tên gọi khác nhau: bánh cấu, bánh xì liền cấu, bánh xì lồng cấu….đây là món quà tặng vào dịp tết.
Theo truyền thống địa phương, bánh cấu thường được làm vào những ngày trước Tết nguyên đán và có thể bảo quản trong thời tiết lạnh nhiều ngày liền mà vẫn giữ được hương vị đặc trưng.
Bánh đúc Tàu
Bánh đúc tàu Hải Phòng là món ăn đường phố có nguồn gốc từ Trung Hoa. Khoảng 50 năm trước, khi người Hoa di cư đến Hải Phòng, họ đã làm và bán món bánh đúc ở đây. Đến ngày nay, bánh đúc tàu đã trở thành một trong những đặc sản Hải Phòng hot nhất thành phố Cảng.
Bánh gồm bánh đúc được cắt nhỏ miếng nhỏ, thịt và tôm rán kỹ, đu đủ xắt hạt lựu, sau đó chan với nước mắm giấm ớt. Tuỳ khẩu vị từng người, bạn có thể chọn loại không cay, cay vừa hoặc cay nhiều.
Bún cá
Nói về món bún, nếu Hà Nội nổi tiếng với bún chả và bún đậu mắm tôm, Huế được biết đến với đặc sản bún bò thì Hải Phòng có món bún cá cay mà ai đã ăn một lần đều nhớ mãi.
Món bún cá ở Hải Phòng có hương vị hòa quyện hoàn hảo của các nguyên liệu đồng quê và biển cả. Điều đó đã khiến món ăn này trở thành đặc sản nổi tiếng của thành phố hoa phượng đỏ.
Tuy rằng bún cá không phải chỉ ở Hải Phòng mới có nhưng ở đây món ăn được người làm tạo nên nét độc đáo, ấn tượng đặc trưng riêng.
Sự đặc trưng ấy được thể hiện ở cách làm cầu kỳ, cách lựa chọn nguyên liệu, cách làm nước dùng và đặc biệt là sự hòa quyện của hương vị đồng quê xen lẫn hương vị của biển.
Cua rang muối
Cua bể Hải Phòng chắc nịch, ngọt thịt, không có vị chát (Ảnh sưu tầm)
Gọi là rang muối nhưng không cầu kỳ và cũng chẳng mất nhiều thời gian hơn luộc cua là mấy, có chăng chỉ thêm chút rau gia vị như: củ sả, lá mùi làm cua dậy mùi thơm, khử bớt mùi tanh.
Để chế biến món cua rang muối, ngoài cua và dầu ăn, chỉ cần thêm gia vị và bột muối. Bột là chất bột gạo được làm mặn nhẹ nhàng. Khi chế biến món ăn chín, món ăn sẽ có lớp bột mịn tơi và rời, trông như muối phủ bên ngoài.
Lẩu cua đồng
Lẩu cua đồng được ăn kèm cùng với các loại đồ nhúng như thịt bò, lòng non, chả cá, chả lá lốt, giò sống, hải sản, đậu phụ,… Thả tất cả vào nồi lẩu đang sôi, mùi hương tỏa ra thơm phức, thật sự là quyến rũ vô cùng.
Đồ nhúng sau khi được vớt ra, hợp nhất là chấm với chút muối tiêu chanh ớt, chua chua, cay cay, ăn cùng nước lẩu nóng hồi đúng là ngon không gì sánh bằng.
Ngoài ra, lẩu cua đồng còn được ăn kèm với các loại rau như rau mồng tơi, rau sống gồm xà lách, mùi tàu, húng các loại, hoa chuối thái sợi,…
Giá bể
Đây là một loài nhuyễn thể sống ẩn nấp dưới các lớp cát biển. Con vật này có hình dạng rất độc đáo, có chân thon nhỏ và cong queo như cọng giá đỗ nên được gọi tên là giá biển. Giá bể có thể xào chua ngọt hoặc làm nộm.
Giá bể có hương vị rất thơm ngon, tuy nhiên khá khó khăn để thưởng thức bởi lớp vỏ bao bọc bên ngoài nó khá cứng cáp.
Gà Liên Minh
Đây là giống gà quý hiếm của người dân thôn Liên Minh, xã Trân Châu trên đảo Cát Bà. Gà có chân cao, chạy nhanh, lông vàng óng mịn. Gà cao to, con trống nặng tới 5 kg, con mái nặng 2,5 đến 3 kg.
Gà Liên Minh có hương vị rất riêng, nổi tiếng bởi thịt mềm, thơm, ngọt, da giòn vàng óng. Gà Liên Minh có thể biến thành nhiều món như hấp, luộc, rang muối, hầm, tần với thuốc bắc… Tuy nhiên, món ăn được người dân địa phương và khách du lịch ưa chuộng nhất đó là gà nướng mật ong.
Dê núi Cát Bà
Dê Cát Bà là giống dê cỏ và được người dân nuôi nhỏ lẻ quanh vùng (Ảnh sưu tầm)
Dê núi Cát Bà được ăn nhiều loại thức ăn khác nhau trong thiên nhiên giàu có, đa dạng của đảo. Đặc biệt giống dê này ăn cả những loại lá cây có độc tố khá mạnh như lá ngón, xoan, mã tiên… mà vẫn phát triển bình thường.
Nguồn thức ăn đa dạng cùng với việc tìm kiếm thức ăn trên địa hình núi đá vôi khiến cho dê núi ở Cát Bà rất khỏe và có sức đề kháng cao. Cũng chính vì thế mà thịt dê rất săn chắc, có vị ngọt đậm, thơm hơn nhiều so với các nơi khác.
Các món ăn vặt
Chè
Ở Hải Phòng không chỉ trong những ngày hè mát mẻ các bạn có thể tìm thấy các hàng chè bán quanh năm. Quán chè ở Hải Phòng có rất nhiều loại chè ngon ngọt, mát lành và đa dạng sắc màu để thực khách lựa chọn như chè đậu các loại, chè thái, chè trôi nước, chè thập cẩm…
Xôi đỗ đen
Xôi đỗ đen là món xôi thơm ngon đặc biệt vì có vị beo béo của tóp mỡ, vị bở của đỗ đen, vị bùi của muối vừng và không thể thiếu món hành phi vàng rộm.
Đây là một món ăn vặt chiều rất nổi tiếng ở Hải Phòng. Các bạn chưa từng thử có thể ghé qua chợ Lương Văn Can tìm hàng xôi Bình.
Dừa dầm
Dừa dầm Hải Phòng có xuất xứ từ thành phố cảng xinh đẹp và sốt xình xịch trong vài năm trở lại đây. Dừa dầm ở Hải Phòng là sự kết hợp cực kỳ đặc biệt của các nguyên liệu quen thuộc như: sữa đặc, thạch dừa và nước cốt dừa
Thạch găng
Với người Hải Phòng, thạch găng là quà vặt thường mang nhiều kỷ niệm ấu thơ. Ưu điểm là giá cả phải chăng, hương vị ngon ngọt, thơm mát, giúp giải khát ngày hè. Từ khi đến Hà Nội, món này chiếm được cảm tình của nhiều bạn trẻ thủ đô.
Găng rừng vốn là loài cây thân gỗ, nhiều gai nhỏ, lá hơi tròn mọc thành bụi, thường ở các vùng trung du phía Bắc.
Nhiều nơi ở vùng quê hay trồng thành hàng rào tự nhiên. Cây lá găng có nhiều loại nhưng để chế biến thạch, người làm phải chọn những cành găng gai, lá hơi thuôn, nhọn, tù ở đầu.
Cà phê cốt dừa
Cà phê cốt dừa Hải Phòng là loại cà phê có xuất xứ cách pha chế từ một quán cà phê tại Hải Phòng. Với cách pha chế độc đáo kết hợp cà phê với nước cốt dừa, thạch sương sáo, trân châu và dừa khô, nạo rắc mặt đã tạo nên nét đặc trưng và làm khách hàng nhớ lâu.
Đặc sản Hải Phòng làm quà
Bánh đa đỏ
Bánh đa đỏ là một loại nguyên liệu bánh đa được dùng rất phổ biến ở Hải Phòng. Thành phần bánh đa đỏ Hải Phòng chủ yếu là gạo trắng, đường phèn, bột gấc. So với thủa ban đầu, bánh đa đỏ đã được cải biên đi rất nhiều.
Việc làm cho sợi bánh đa màu đỏ với mục đích tạo hương vị và làm cho bát bánh đa trở nên bắt mắt hơn. Và khi đó, bạn sẽ thấy thú vị hơn khi thưởng thức.
Pa tê
Món ăn này có thể có nguồn gốc từ thời Pháp thuộc do người Pháp du nhập vào Việt Nam, có quá trình Việt hóa cho tới nay cũng hơn một thế kỷ và cũng có không ít khác biệt so với công thức chế biến nguyên bản của người phương Tây.
Pate Hải Phòng là món ngon dễ làm, thường dùng kèm bánh mì cho bữa sáng thêm hấp dẫn hơn. Cách làm pate (pa tê) Hải Phòng đơn giản, với nguyên liệu gan heo, thịt heo, mỡ phần, sữa tươi, bánh mì, hành tỏi, cùng các loại gia vị nêm nếm vừa miệng.
Cá thu một nắng Cát Bà
Khu vực biển Cát Bà có khá nhiều loại cá thu như: thu gai, thu phấn, nhưng ngon nhất vẫn là cá thu phấn. Sau khi đánh bắt, ngư dân sẽ rửa nước muối rồi phơi cá qua một cái nắng duy nhất trong ngày và không ướp thêm bất kỳ chất bảo quản nào, để đảm bảo chất lượng món ăn.
Loại cá thu này đặc biệt có chứa nhiều chất đạm và các chất béo chưa bão hòa có lợi cho hoạt động màng tế bào của con người, giúp làm giảm nồng độ mỡ xấu trong máu và có khả năng giữ lại mỡ máu tốt.
Mực khô Cát Bà
Để làm loại khô mực này, người dân phải đánh bắt những con mực tươi ngon nhất trong những chuyến thuyền buổi sớm. Mực tươi sẽ được mổ, lấy hết phần ruột và túi mực bên trong sau đó đem phơi dưới ánh nắng mặt trời.
Những con mực mang đi đóng túi khi chỉ phơi sơ qua được gọi là mực khô một nắng. Loại mực này thường mềm và dai ngon nhưng không bảo quản được lâu.
Nước mắm Cát Hải
Những con cá tươi sau khi đánh bắt, mang về được ướp thành chượp, ủ trong thùng, chum, gia nhiệt thêm bằng ánh nắng mặt trời để giúp lên men tốt hơn. Hàng ngày, chum được mở phơi nắng để chượp nhanh chín hơn.
Sau đó, người làm nước mắm sẽ kiểm tra thường xuyên để đảm bảo việc ủ được thực hiện đúng tiêu chuẩn. Sau khoảng 12 tháng thì nước mắm sẽ được lấy ra.
Nem chua An Thọ
Nếu như nem chua Thanh Hóa được chế biến bằng thịt xay nhuyễn kèm bì thái sợi, ủ lên men rồi gói thành từng thanh dài, nhỏ như ngón tay và mỗi thanh là một khối kết dính thì nem chua An Thọ lại có cách chế biến hơi khác.
Chính điều này đã tạo nên hương vị độc đáo của món nem chua vùng đất này, góp phần tạo nên nét ẩm thực riêng của vùng đất Hải Phòng.
Chả chìa Hạ Lũng
Nhìn bên ngoài chả chìa Hạ Lũng trông gần giống như món nem lụi của xứ Huế. Thế nhưng cách thức chế biến lại hoàn toàn khác đấy. Đầu tiên người ta chẻ nhỏ dẻ mía bằng ngón tay rồi chia làm hai phần.
Phần trên dẻ mía, người ta bao quanh lớp thịt lợn nạc xay nhuyễn cùng với mực khô đã được tẩm ướp các gia vị, còn đoạn mía ở phần dưới, người ta bỏ ngỏ và làm tay cầm khi ăn chả chìa.
Mật ong Cát Bà
Mật ong Cát Bà là thương hiệu nổi tiếng của sản phẩm mật ong nội ở huyện đảo Cát Hải, mật ong Cát Bà có màu vàng đậm, đặc sánh, vị thơm, có giá trị dinh dưỡng cao.
Táo Bàng La
Táo Bàng La là một giống táo ta được diêm dân phường Bàng La, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng ghép trên những gốc táo lai, táo dại.
Táo ta sinh trưởng và phát triển tốt trên những gốc táo dại, táo lai, đặc biệt thích đặc biệt là thích nghi và phát triển tốt trên vùng đất chua, mặn, cho năng suất và chất lượng tốt, trở thành cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sản phẩm táo muối Bàng La là đặc sản địa phương, được thành phố Hải Phòng cho phép chỉ dẫn địa lý và bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
Nếp Đại Thắng
Nếp cái hoa vàng Đại Thắng là giống nếp cái hoa vàng tại Tiên Lãng. Đây là thương hiệu độc quyền đã được chứng nhận và ghi danh ở Hải Phòng đứng thứ 2 và sau một sản phẩm truyền thống chính là nước mắm Cát Hải.
Gạo hạt ngắn, có hình dáng hơi tròn, màu trắng đục và có mùi thơm nhẹ; sau khi nấu thành cơm(xôi) sẽ cho hạt căng, nở đều, màu trắng ngà, bóng, ráo nước, mềm, dẻo, khi ăn có vị đậm, ngậy thơm và lâu lại gạo.
Thuốc lào Tiên Lãng
Đây là giống thuốc lào được trồng, chế biến tập trung ở huyện Tiên Lãng và một số xã của An Lão. Thuốc lào tại địa phương này có giá trị kinh tế cao, thuốc ngon có tiếng và từng mang danh thuốc lào tiến vua.
Thuốc lào có màu nâu vàng đến nâu đậm, sợi dài không bị vụn, dẻo dai không bị bung ra khi nắm chặt, khi mở túi có mùi thơm đặt trưng, thuốc lào hut phải êm dịu, không nóng, không sốc, không khé cổ.
Lịch trình du lịch Hải Phòng
Hà Nội – Đồ Sơn 2 ngày
Lịch trình này phù hợp với các bạn sử dụng phương tiện công cộng, nếu bạn nào thích sử dụng xe gia đình thì có thể thay đổi lại cho phù hợp.
Ngày 1: Hà Nội – Hải Phòng
Di chuyển Hà Nội – Hải Phòng bằng tàu hỏa, các bạn có thể đi chuyến tàu lúc sáng sớm khoảng gần trưa sẽ tới nơi. Loanh quanh trong thành phố thưởng thức một số món ngon Hải Phòng như bánh đa cua, bún cá… rồi đi taxi ra Đồ Sơn.
Khi tới Đồ Sơn các bạn nhận phòng khách sạn, nghỉ ngơi rồi chiều ra biển tắm nghịch cát. Đến tối dạo quanh biển hóng gió, ăn hải sản.
Ngày 2: Hải Phòng – Hà Nội
Nếu gia đình có trẻ con, ngày 2 các bạn có thể cho các bé vào khu nghỉ dưỡng Hòn Dấu, trong này có bể bơi nhân tạo khá lớn và có bể phù hợp cho nhiều lứa tuổi.
Ngoài ra các bạn cũng có thể dạo quanh tham quan một số di lịch lịch sử văn hóa quanh Đồ Sơn, thuê thuyền ra Hòn Dấu khám phá vẻ đẹp của đảo. Chiều trả phòng, thuê taxi về lại ga Hải Phòng đi chuyến tàu lúc chiều tối.
Hà Nội – Hải Phòng – Cát Bà
Lịch trình này sử dụng phương tiện công cộng với những bạn không có xe cá nhân, dừng chơi 1 đêm ở thành phố Hải Phòng rồi hôm sau mới đi Cát Bà.
Ngày 1: Hà Nội – Hải Phòng
Di chuyển Hà Nội – Hải Phòng bằng tàu hỏa hoặc xe khách. Sau khi về khách sạn cất đồ các bạn có thể đi loanh quanh thành phố ăn uống, chơi bời nhẹ nhàng.
Nếu nhóm đông các bạn có thể thuê taxi ra Đồ Sơn ăn hải sản, tắm biển. Nhớ liên hệ taxi hỏi giá trọn gói đi và về trước khi lên xe nhé.
Ngày 2: Hải Phòng – Cát Bà
Sáng dậy ăn sáng xong xuôi các bạn di chuyển ra bến Bính, nếu thích nhanh thì mua vé tàu chạy trực tiếp ra đảo. Nếu thích thong thả ngắm cảnh thì các bạn mua loại vé tàu tránh sóng và ô tô trung chuyển. Ô tô khi đưa các bạn về trung tâm chạy trên con đường dọc biển khá đẹp.
Nếu khách sạn các bạn ở trung tâm thì có thể xuống ở điểm cuối là ngay gần cầu cảng, nếu không các bạn nhớ nói lái xe cho xuống địa điểm gần nhất. Đến chiều các bạn thuê thuyền đi vịnh Lan Hạ.
Ở trên vịnh có nhiều địa điểm khám phá và các dịch vụ như tắm biển, chèo kayak rất thú vị. Cái này chi tiết các bạn có thể hỏi người lái thuyền để biết thêm các địa điểm đẹp. Đến tối về thưởng thức hải sản Cát Bà
Ngày 3: Cát Bà – Hà Nội
Các bạn liên hệ mua vé xe khách chạy chuyến chiều tối từ Cát Bà về thẳng Hà Nội. Buổi sáng dậy sớm các bạn có thể kiếm chiếc xe đạp dạo quanh thị trấn tận hưởng không khí biển, sau đấy liên hệ thuê thuyền đi làng Việt Hải. Cứ ra cảng Cái Bèo tham khảo giá hợp lý thì đi nhé. Tới Việt Hải có thể thuê xe đạp ngay cầu cảng, đạp xe chơi ở trong làng.
Trưa ăn trưa xong nghỉ ngơi, thuê xe máy đi hang Quân Y, động Trung Trang, ghé thăm Vườn Quốc gia Cát Bà. Đến chiều các bạn trả phòng rồi lên xe về lại Hà Nội, kết thúc chuyến đi.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Đồ Sơn
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Cát Bà
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Vịnh Lan Hạ
Discussion about this post