Là tỉnh nằm phía Bắc Sông Đà, giáp với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, vùng đất có nhiều hang động, những thác nước hùng vĩ. Những năm trơ lại đây, nơi này đã trở thành địa điểm du lịch ấn tượng cho du khách trong nước và quốc tế.
Để đến với Lai Châu phải vượt qua những con đèo hiểm trở, quanh co và mây nằm dưới chân đã trở thành thú vui đặc biệt đối với các bạn trẻ mê phượt. Hãy cùng RuudNguyen.com khám phá các địa điểm du lịch và các món đặc sản ở nơi này nhé.
Giới thiệu chung về Lai Châu
Về tiềm năng du lịch, Lai Châu có nhiều cao nguyên cao trên 1.500m, mây, sương phủ bốn mùa, khí hậu trong lành, mát lạnh quanh năm như: cao nguyên Sìn Hồ, Hồ Thầu, Dào San. Ngoài ra Lai Châu cũng có nhiều đỉnh núi cao, sông suối nhiều thác ghềnh, như: đỉnh Fansipang, dãy Pu Sam Cáp (cao trên 1.700 m), sông Đà, sông Nậm Na, sông Nậm Mu.
Lai Châu là tỉnh biên giới phía Tây Bắc, cách Thủ đô Hà Nội khoảng hơn 400km về phía Đông Nam, phía Bắc và Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, phía Tây giáp tỉnh Điện Biên, phía Đông và phía Đông Nam tiếp giáp với hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái, phía Nam tiếp giáp với tỉnh Sơn La.
Địa hình nơi này được tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, có nhiều đỉnh núi cao như đỉnh Pu Ta Leng. Tỉnh Lai Châu có 08 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm Thành phố Lai Châu và các huyện: Mường Tè, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Tam Đường, Phong Thổ, Tân Uyên, Than Uyên…
Đi du lịch Lai Châu vào thời gian nào ?
Lai Châu mang đặc trưng của khí hậu và văn hóa Tây Bắc nên thời điểm thích hợp để du lịch Lai Châu cũng tương tự như khoảng thời gian thích hợp để đi Tây Bắc.
Các bạn nên đi vào khoảng tháng từ 9 – 10 để kết hợp đi ngắm lúa ở Mù Cang Chải cùng với cánh đồng Mường Than ở huyện Than Uyên.
Các bạn không nên đi Lai Châu vào mùa mưa của Tây Bắc nhất là những thời gian có bão hay áp thấp nhiệt đới gây mưa bởi lúc này các tuyến đường Tây Bắc thường xuyên bị sạt lở đất, nước lũ trên các sông suối cũng dâng cao rất nguy hiểm.
Thiên đường mây Lai Châu (Ảnh sưu tầm)
Một lưu ý nhỏ là vào mùa mưa của Tây Bắc (thời gian hè) thường có bão hay áp thấp nhiệt đới, mưa liên tục có thể dẫn đến tình trạng bị sạt lở đất, nước lũ trên các sông suối cũng dâng cao rất nguy hiểm; các bạn nên tránh các tháng hè 7, 8.
Hướng dẫn đi đến Lai Châu
Phương tiện cá nhân
Từ Hà Nội các bạn sẽ có 2 lựa chọn để ghé thăm Lai Châu. Cách thứ nhất đi qua QL32 đi Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải, Than Uyên rồi đến Lai Châu.
Hãy lựa chọn phương án này nếu các bạn có kế hoạch khám phá Nghĩa Lộ hay ngắm mùa lúa chín ở Mù Cang Chải. Lựa chọn phương án này quãng đường sẽ xa hơn (khoảng hơn 400km) và thời gian sẽ lâu hơn.
Phương án thứ hai là sử dụng tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, sau đó lên Sa Pa và qua đèo Ô Quy Hồ để sang Lai Châu. Phương án thứ hai này quãng đường di chuyển sẽ giảm khoảng tầm 50km, thời gian giảm khoảng 4 tiếng do chặng Hà Nội – Lào Cai đi hoàn toàn trên cao tốc.
Phương tiện công cộng
Lai Châu cách Hà Nội khoảng hơn 450km nên rất thuận tiện để bạn bắt xe khách Hà Nội – Lai Châu tại bến xe Mỹ Đình. Các bạn có thể tham khảo các nhà xe đi Than Uyên, xe đi Mường Tè, xe đi Sìn Hồ…
Thuê xe máy ở Lai Châu
Hiện tại ở Lai Châu không có các điểm cho thuê xe máy bởi vậy nếu bạn không mang theo xe máy mà vẫn muốn có xe máy để phượt Lai Châu thì bạn hãy thuê xe máy ở Sapa, vì thế thay vì các bạn đi xe khách lên thẳng Lai Châu các bạn hãy đi xe giường nằm hoặc tàu hỏa tới Lào Cai, thuê xe máy từ Sapa rồi đi sang Lai Châu.
Lưu trú ở Lai Châu
Khách sạn nhà nghỉ ở Lai Châu
Chưa phát triển du lịch nên chưa có nhiều nhà nghỉ, khách sạn ở Lai Châu cho du khách lựa chọn, nhưng vì vậy giá lại khá mềm. Bạn có thể tìm khách sạn hay nhà nghỉ trên các tuyến đường thành phố như Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Lê Duẩn và 30/4…
Homestay ở Lai Châu
Homestay cũng sẵn có cho những du khách muốn khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu về phong tục tập quán của người dân địa phương. Điểm du lịch cộng đồng Bản Hon, Tam Đường Sìn Suối Hồ, Phong Thổ và ở Thị trấn Sìn Hồ đang là những điểm đến được nhiều du khách lựa chọn.
Các địa điểm du lịch ở Lai Châu
Đèo Ô Quy Hồ (Ô Quý Hồ)
Một trong tứ đại đỉnh đèo của miền núi phía Bắc, du khách tới Lai Châu nhất định không thể bỏ qua. Nối liền 2 tỉnh Lai Châu và Lào Cai, đèo Ô Quy Hồ không chỉ là con đèo dài nhất Việt Nam mà còn sở hữu cảnh đẹp mê hồn, nơi đây là đích đến của giới phượt thủ tìm đến mỗi năm.
Đèo Ô Quy Hồ (Lai Châu) cách Sa Pa (Lào Cai) khoảng 17 km, là điểm check-in đình đám vùng núi Tây Bắc được hội mê xê dịch yêu thích. Từ Sa Pa, du khách có thể di chuyển đến đèo Ô Quy Hồ bằng xe máy.
Đèo Ô Quý Hồ nối liền 2 tỉnh Lai Châu và Lào Cai, nơi có đỉnh Fansipan huyền thoại. Fansipan nằm ở độ cao hơn 2000m hiện lên phong cảnh hùng vĩ bởi cung đường đèo hiện ra mềm mại uốn mình sát những vách núi dựng đứng.
Đèo Ô Quy Hồ còn có tên gọi là đèo Hoàng Liên, Đèo Hoàng Liên Sơn do đèo vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn nhưng ít ai biết rõ xuất sứ cái tên “Ô Quý Hồ”. Ô Quý Hồ chính là tiếng kêu da diết của một loài chim mỗi khi hoàng hôn rơi trên đỉnh núi và ẩn sau tiếng kêu ấy là một câu chuyện tình yêu không thành của đôi trai gái.
Có thể bạn chưa biết thì đèo Ô Quy Hồ cùng với Đèo Mã Pì Lèng, Đèo Pha Đin và Đèo Khau Phạ là tứ đại đèo vùng Tây Bắc. Ngoài danh hiệu trên, đèo Ô Quy Hồ còn được biết tới như con đèo dài nhất và cao nhất Việt Nam, với độ cao gần 2.000 m. Tổ chức kỷ lục Việt Nam năm 2013 đã trao cho đèo Ô Quy Hồ danh hiệu đèo dài nhất Việt Nam, với chiều dài gần 50 km.
Tam Đường
Cọn nước Nà Khương và Đồi chè Bản Bo
Vẻ đẹp đơn sơ, giản dị của những guồng nước ở bản Nà Khương, xã Bản Bo, huyện Tam Đường (Lai Châu), đã trở thành điểm du lịch độc đáo của núi rừng Tây Bắc, thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
Chỉ cách thi trấn Tam Đường khoảng gần 10km, Cọn Nước Bản Bo và Cọn nước Nà Khương là điểm du lịch nổi tiếng nhất tại Lai Châu về sự độc đáo và cảnh quan quyến rũ. Những guồng nước quay đều như bánh xe khổng lồ, phát ra âm thanh của tiếng sáo đã làm say đắm lòng người đến đây.
Nhằm phục vụ du khách đến tham quan, người dân trong bản đã dựng lán cho thuê, làm những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc, phục vụ du khách. Sau một chặng đường dài, du khách có thể nghỉ ngơi, thư giãn, thưởng thức các món ăn địa phương và được ở trong không gian thoáng đạt, hòa mình cùng nắng, gió…
Trên đường đi các bạn đừng quên ghé thăm đồi chè bản Bo, nơi có thể ngắm nhìn các ruộng lúa, đồi chè xanh ngắt tuyệt đẹp trong ánh chiều tà hoàng hôn nhé.
Bản Nà Luồng
Cách đây 300 năm, một bộ lạc người Lào đã tìm tới địa phận ven dãy Hoàng Liên Sơn khai phá làm ruộng nước, mở mang cuộc sống mới. Người Lào ở bản Nà Luồng rất chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nên không bị đổi thay theo thời gian.
Điều này giúp bản Nà Luồng hội tụ các điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch bản làng, gắn liền với các yếu tố văn hóa truyền thống của cư dân.
Đối với du khách ưa khám phá cảnh quan thiên nhiên và văn hóa truyền thống thì Nà Luồng là địa điểm không thể bỏ qua trong hành trình khám phá vùng cao Tây Bắc. Cảm giác khoan khoái đến với du khách ngay khi đặt chân trên cây cầu chênh vênh dẫn lối vào bản.
Dòng Nậm Mu ngay dưới chân cầu hiền hòa chảy, cùng với những đụn khói lam chiều từ những nếp nhà thấp thoáng bên sườn núi tạo nên vẻ đẹp dung dị cho bản Nà Luồng làm nao lòng nhiều lữ khách.
Theo giải thích của người dân nơi đây, trong tiếng dân tộc Lào, “Nà” có nghĩa là ruộng, “Luồng” có nghĩa là con rồng. Từ xa, phóng tầm mắt thì thấy rất rõ dòng Nậm Mu như con rồng đang uốn lượn bên những thửa ruộng bậc thang của bản Nà Luồng.
Người Lào có nhiều điệu dân vũ truyền thống, nhưng nổi tiếng hơn cả là điệu xòe và lăm vông. Bộ nhạc cụ truyền thống của người Lào có trống, chiêng, khèn bè, sáo. Các trò chơi dân gian là ném còn, đánh quay, đánh cầu lông gà, đẩy gậy thường được tổ chức vào các dịp lễ hội như lễ Bun Vốc Nặm (lễ té nước) với mong muốn mưa thuận gió hòa, cây trái tốt tươi.
Về trang phục người Lào khá độc đáo. Đàn ông mặc quần kiểu chân què lá tọa nhưng từ đầu gối trở xuống hẹp dần, thêu nhiều hoa văn, áo màu đen, cổ tròn, cài khuy bạc, có hai túi to trước bụng. Phụ nữ Lào mặc váy ống chia thành hai loại.
Loại thường ngày, nửa dưới màu đen, nửa trên có các đường sọc ngang nhỏ, nhiều màu sắc. Loại ngày hội, gấu được thêu nhiều hoa văn hình quả trám hoặc hình con rồng cách điệu, phần cạp để sọc trắng.
Bản Hon
Nằm cách thành phố Lai Châu khoảng chừng 20km Bản Hon đang dần trở thành một điểm du lịch cộng đồng ở Lai Châu ưa thích của rất nhiều du khách trong và ngoài nước.
Đây là nơi cư trú của cộng đồng dân tộc Lự và Mông, trong đó, dân tộc Lự chiếm 90%. Điểm đặc trưng ở Bản Hon là nơi đây vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa phong phú, đặc sắc của đồng bào Lự.
Sì Thâu Chải
Bản Du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải xã Hồ Thầu cách trung tâm huyện Tam Đường chừng 6 km, nằm ở độ cao 1400m, là nơi sinh sống của hơn 60 hộ dân với 100% là người Dao đầu bằng sinh sống.
Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, không khí trong lành cùng với những phong tục tập quán độc đáo của người dân nơi đây, bản Sì Thâu Chải đã trở thành một điểm đến không thể bỏ qua khi đến với Lai Châu.
Theo đánh giá chung thì bản Sì Thâu Chải rất phù hợp để trở thành một điểm đến lý tưởng khi hội tụ đủ nhiều yếu tố: là nơi bảo lưu nhiều giá trị văn hóa độc đáo, có thể khai thác để phát triển du lịch như: phong tục tập quán, lễ hội, trang phục, lá thuốc, nghề truyền thống,… đó được coi là những “di sản sống”, được trao truyền từ đời này sang đời khác, có thể tái sinh trong cộng đồng.
Bên cạnh đó còn có những di sản vật thể như nhà trình tường, cảnh quan bản làng… đều là những di sản có thể tạo lập, bảo lưu để phục vụ du lịch. Ngoài ra, Sì Thâu Chải còn là nơi có thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm.
Con người thân thiện, hiếu khách và sẵn sàng làm du lịch. Đây chính là những nguồn tài nguyên nguồn tài nguyên quý giá, phong phú, để hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn.
Nùng Nàng
Nùng Nàng là xã vùng cao của huyên Tam Đường, nằm cách trung tâm huyện chừng 32 km về phía Đông, cách trung tâm tỉnh lỵ Lai Châu 4 km, Nùng Nàng hiện ra sau con dốc uốn lượn.
Nùng Nàng đệ nhất view (Ảnh sưu tầm)
Đây là xã gần như 100% đồng bào Mông sinh sống thuộc huyện Tam Đường, vẫn giữ được nét hoang sơ về cảnh quan cũng như phong tục tập quán.
Thác Tác Tình
Thác Tác Tình còn có tên gọi khác là thác Tắc Tình hay theo cách gọi thân thương của người dân nơi đây là thác Tình, nằm rên địa phận Xã Bình Lư, Huyện Tam Đường, Lai Châu.
Đây là một trong những thắng cảnh hấp dẫn của tỉnh Lai Châu, thu hút được nhiều du khách thích khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên.
Thác Tác Tình nằm giữa một vùng núi non trùng điệp, nhìn từ xa thác giống như một dải lụa mềm mại đang thả mình trong không gian bao la của núi rừng hùng vĩ. Không biết từ khi nào cuộc sống của người Dao và cư dân địa phương đã gắn bó chặt chẽ với thác, nguồn nước trong mát vẫn không ngừng chảy theo năm tháng của thác chính là mạch sống cho quá trình sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của bà con nơi đây.
Động Tiên Sơn
Động Tiên Sơn (tên gọi khác là động Đán Đón, Pờ Ngài Tủng, động Đá Trắng, động Bình Lư) nằm kề quốc lộ 4D, thuộc địa phận xã Bình Lư, huyện Tam Đường cách trung tâm thị trấn Tam Đường khoảng 4km và cách Sa Pa 50 Km.
Động Tiên Sơn với các hang động nằm trong quần thể truyền thuyết về 99 ngọn núi, 99 hồ nước của đồng bào dân tộc Lai Châu- đã trở thành nét đẹp riêng mà ít nơi nào có được.
Truyền thuyết về động Tiên Sơn đã được dân gian lưu truyền qua nhiều thế hệ: “99 ngọn núi chính là biểu tượng của 99 chàng trai khỏe mạnh, cường tráng còn 99 hồ nước trong xanh chính là 99 người con gái cần cù, xinh đẹp.
Những ngọn núi và hồ nước nối tiếp nhau tạo nên bức tường thành ôm giữ một vùng đất đai trù phú, phì nhiêu. Cảnh đẹp ấy, con người nơi đây cũng trở thành nguồn cảm hứng để cho ra đời những lời ca tuyệt vời “chín mươi chín ngọn núi chàng trai, chín mươi chín hồ xanh cô gái…”
Tả Liên Sơn
Có lẽ vì từ bản nhìn lên, đỉnh núi cao vời vợi, kiêu hãnh như sống lưng của loài trâu mộng sống trong khu rừng nguyên sinh dưới chân núi nên Tả Liên còn có tên gọi khác là Cổ Trâu. Độ cao ghi nhận trên đỉnh Tả Liên là 2.993m.
Đây là một trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Từ trên cao bạn có thể nhìn thấy khá rõ thành phố Lai Châu nhỏ bé mà xinh đẹp giữa bốn bề núi rừng hùng vĩ.
Khu rừng Tả Liên với thảm thực vật nguyên sinh đa dạng sẽ khiến các bạn phải ngạc nhiên. Những tán cây cổ thụ xum xuê, thân to lớn mà rêu phong và dương xỉ phủ kín khiến tất cả như biến thành khung cảnh cổ tích, huyền bí.
Bao thảm hoa trà rụng trắng lối, lá phong đỏ rực và cả thảm rêu xanh quyến rũ một màu tươi mới. Rêu phong phủ khắp lối và bám kín từ những phiến đá lớn xếp chồng với đủ hình thù kỳ dị cho tới thân cây cổ thụ vươn mình ngạo nghễ.
Những thân cây leo bám chằng chịt lên phiến đá trông không khác gì xúc tu của một loài động vật lạ, sẵn sàng vươn mình nuốt trọn kẻ vượt núi tìm rừng.
Pu Ta Leng
Nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn thuộc xã Tả Lèng, huyện Tam Đường. Pu Ta Leng theo tiếng H’Mông gọi là Pú Tả Lèng, với chữ “Pú” nghĩa là núi.
Đỉnh Pú Tả Lèng hay Putaleng nằm ở độ cao cao 3.049 m, là nóc nhà thứ hai của Đông Dương. Đỉnh núi nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, thuộc xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
Putaleng hút hồn bởi sắc đỏ rực rỡ của hoa đỗ quyên, loài hoa được mệnh danh là nữ hoàng hoa rừng Tây Bắc. Tuy nhiên, chốn thiên đường này không chỉ có thế.
Chinh phục Putaleng, bạn sẽ được trải qua cảm giác vượt suối, băng rừng, đi xuyên những vòm trúc mọc không hàng lối, chìm trong sương mù của dãy Hoàng Liên Sơn hay bước chân trên thảm hoa đỗ quyên đỏ dài bất tận.
Thành phố Lai Châu
Bản San Thàng
Bản San Thàng I (hay Phố Đá) nằm ngay tại cửa ngõ, cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 3km. Đến Phố Đá du khách không chỉ được xem những kiến trúc bằng đá độc đáo mà San Thàng còn được coi là địa danh lưu giữ được bản sắc văn hóa của người Giáy nhiều nhất ở vùng này.
Đến với San Thàng vào thứ 5 và chủ nhật, du khách sẽ được tham gia vào phiên chợ đặc trưng của vùng cao – Chợ phiên San Thàng. Không chỉ là nơi trao đổi mua bán các nông sản vật của bà con nhân dân mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, gắn kết tình cảm của đồng bào các dân tộc trên địa bàn thành phố Lai Châu.
Pu Sam Cap
Pu Sam Cáp có độ cao từ 1.300m đến 1.700m so với mực nước biển, nằm trên tỉnh lộ 129 nối TP Lai Châu với huyện Sìn Hồ, cách trung tâm thành phố chừng 5 km.
Chạy dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, là địa giới thiên nhiên giữa TP Lai Châu, huyện Tam Đường và huyện Sìn Hồ, đây là dãy núi đá vôi hình thành từ kỷ nguyên kiến tạo, theo địa hình catster với sườn núi thoải về hướng Nam và dốc đứng, chia cắt về hướng Bắc.
Theo các nhà địa chất, ở vùng thung lũng giữa miền núi cao đá vôi này, phía dưới bề sâu thường lắm mạch nước ngầm không bao giờ khô cạn. Pu Sam Cáp là một quần thể hang động mới được phát hiện trong số hơn 10 hang động lớn, nhỏ.
Nét đẹp hoang dã và bản địa của khối quần thể trong hang động được ví như những người đẹp ngủ quên giữa rừng sâu Tây Bắc. Với vị trí như vậy, chắc chắn bạn sẽ có cảm giác vô cùng thoải mái, thích thú khi khám phá hang động này.
Tân Uyên
Đồi chè Tân Uyên
Được trải dài theo QL32,với tuổi đời cây chè từ 40 – 50 năm quy mô khủng gần 2000 ha. Nằm cách trung tâm thị trấn Tân Uyên không xa, đồi chè tân Uyên hiện là điểm đến yêu thích của nhiều người khi đến với Tân Uyên.
Đồi chè là trung tâm xuất khẩu hàng hóa đi khắp nơi của tình Lai Châu. Đây cũng là nơi nhiều người chọn để chụp ảnh cưới, hoặc thực hiện nhiều bộ ảnh lãng mạn trong đồng chè xanh mướt. Chè cũng là một trong những cây kinh tế chính của thị trấn với sản phẩm chè nổi tiếng khắp cả nước như chè Shan Tuyết, Ô long, Thanh Tâm…
Bản Phiêng Phát
Ẩn mình trong núi đá vôi được che chở bởi những cánh rừng nhiệt đới, quần thể danh lam thắng cảnh Phiêng Phát đã thực sự trở nên nổi tiếng bởi sự hào phóng của tạo hoá đã ban tặng cho vùng đất Tây Bắc nói chung và Lai Châu nói riêng một hệ thống hang động thật lộng lẫy kỳ vĩ và huyền bí mà chúng ta chưa thể khám phá hết được.
Suối nước nóng Phiêng Phát
Suối nước nóng Phiêng Phát nằm trong khu vực quần thể danh lam thắng cảnh Phiêng Phát. Suối có 2 điểm có nước nóng, lưu lượng nước ổn định đạt 5l/s, Suối nước nóng nằm cách trung tâm huyện khoảng 6km.
Hiện nay, số lượng người dân trên địa bàn huyện và ở địa phương khác đến tắm tại suối nước nóng ngày càng tăng, số lượng người tắm thường tăng cao vào khoảng tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau.
Suối nước nóng như một cái hồ với chiều rộng khoảng 7m, dài khoảng 15m, sâu khoảng 1,5m. Đáy hồ lởm chởm những hòn đá cuội xen kẽ nhau, mặt hồ trong xanh, không biết từ đâu trong lòng đất cứ ùng ục phun lên dòng nước nóng, khói toả nghi ngút giống như một chảo nước đang sôi. Nước suối có độ nóng khoảng 40 – 500C vào mùa hè, 70 – 800C vào mùa đông.
Than Uyên
Đèo Khau Cọ
Dọc theo dãy Hoàng Liên Sơn ở chặng đường cuối cùng là đèo Khau Cọ – từng là một trong những cung đèo thách thức phượt thủ ở mảnh đất Lào Cai và Lai Châu. Khau Cọ có chiều dài khoảng 30 km, là cung đèo gắn kết các tỉnh trong vùng rẻo cao Tây Bắc qua bao năm tháng.
Tìm về Khau Cọ và khám phá thế giới của riêng nó, hầu như bất kỳ ai cũng đều nhớ mãi những thước ảnh nơi đây, bởi lẽ nó đã mang đến những cảm xúc thật đặc biệt cho bao người phượt thủ đã từng đặt chân đến.
Cánh đồng Mường Than
“Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”. Cánh đồng mường Than Là nơi nối huyện Mù Cang Chải, Yên Bái với huyện Than Uyên, Lai Châu là cánh đồng mênh mông đẹp như tranh vẽ, mùa nước đổ thì lung linh những mảng màu, mùa lúa chín thì nhuộm vàng cả vùng trời.
Phong Thổ
Cao nguyên Dào San
Dào San là xã vùng biên giới cách trung tâm Thị xã Lai Châu khoảng 60km về phía Bắc, là nơi cư trú của 5 dân tộc Mông, Dao, Thái, La Hủ, Hà Nhì. Đây cũng là nơi ẩn chứa biết bao điều kỳ diệu, khiến cho du khách đã từng đặt chân tới đều hết sức ngỡ ngàng…
Về với cao nguyên Dào San, du khách không chỉ được chìm đắm trong phong cảnh thiên nhiên hữu tình, không gian thoáng đãng nên thơ, kiến trúc độc đáo từ những ngôi nhà truyền thống của người Mông, mà còn được sống trong môi trường du lịch thân thiện, đầm ấm và cảm nhận cái chân chất, mộc mạc của những con người sống nơi vùng cao biên cương.
Dào San là tên gọi bắt nguồn từ tiếng Quan Hỏa, theo ngôn ngữ của người Mông nơi đây: “Dào” có nghĩa là làng, “San” gọi theo tên vùng nơi đây. Có thể hiểu Dào San là một vùng đất không cao không thấp với khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành.
Suối nước nóng Vàng Pó
Suối nước nóng Vàng Pó nằm trong bản Vàng Bó thị trấn Phong Thổ. Đây là một bản làng bình yên nằm bên quốc lộ 4D. Suối nước nóng Vàng Pó gắn với cụm điểm du lịch Mường So và khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng.
Suối nước nóng Vàng Pó (Ảnh sưu tầm)
Suối nước nóng Vàng Bó – Một trong những con suối nổi tiếng và hấp dẫn nhất tại Lai Châu này, thu hút được rất nhiều du khách đến tham quan du lịch. Bất kể ai đến Lai Châu tham quan du lịch đều mong muốn được một lần đến Suối nước nóng Vàng Bó để được ngâm mình trong làn nước thư giãn tuyệt vời đó.
Nằm về phía Tây Bắc nước ta nơi đây được mẹ thiên nhiên ban tặng cho một con suối vô cùng đặc biệt và hấp dẫn. Nghe mọi du khách đã từng đến đây du lịch nói rằng nếu được một lần ngâm mình trong làn nước suối đó cơ thể sẽ cảm thấy khỏe mạnh hơn tinh thần thì vô cùng thoải mái và thư thái.
Cửa khẩu Ma Lù Thàng
Cửa khẩu Ma Lù Thàng thuộc xã Ma Li Po, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Cửa khẩu này thông thương với cửa khẩu Kim Thủy Hà ở xã Na Phà huyện Kim Bình tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Ma Lù Thàng được coi là mũi nhọn để thúc đẩy nền kinh tế của huyện. Ma Lù Thàng là cửa khẩu cách các trung tâm kinh tế trong nước khá xa, chỉ có thể vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ.
Chợ Sừng Sì Lờ Lầu
Xã Sì Lờ Lầu là mũi chóp cuối cùng, cao và xa nhất trong 8 xã biên giới thuộc huyện Phong Thổ, nằm cách xa thành phố Lai Châu hơn 100km. Theo tiếng địa phương, Sì Lờ Lầu có nghĩa là 12 tầng dốc, để đến được đây phải đi qua 12 con dốc uốn lượn lên tới độ cao gần 2.000m so với mực nước biển.
Ở đây hằng tuần có một phiên chợ đặc biệt, rất đông bà con trong, ngoài xã và cả bên kia biên giới sang buôn bán – gọi là chợ Sừng. Sở dĩ gọi là chợ Sừng bởi chợ họp vào ngày hai con vật có sừng trong 12 con giáp là con dê (ngày Mùi) và con trâu (ngày Sửu).
Vậy là cứ sáu ngày chợ họp một lần. Nếu tính theo tuần, thì chợ họp lùi ngày, thí dụ tuần trước họp Chủ nhật, thì tuần sau họp vào thứ 7, rồi lại thứ sáu tuần sau nữa cứ lùi vòng quanh như thế.
Ngày chợ, hàng nghìn đồng bào kéo về đây từ sáng sớm mang theo nhiều sản vật, hàng hóa, lương thực thực phẩm, vật nuôi, cây trồng, quần áo, lá thuốc, mắm muối, đồ ăn… để trao đổi mua bán. Chợ kết thúc vào cuối buổi chiều, đồng bào Dao, Hà Nhì, Mông… lại hẹn nhau vào ngày có sừng tuần sau đến chợ.
Thác Trái Tim
Thác Trái Tim nằm trên địa phận xã Sin Suối Hồ huyện Phong Thổ, cách trung tâm thành phố Lai Châu chừng 32 km. Thác ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ, uốn lượn giữa núi non điệp trùng, với phong cảnh hữu tình, thác Trái tim đẹp đến thơ mộng giữa núi rừng Tây Bắc.
Để tới được thác Trái tim du khách phải đi xuyên qua rừng. Trên con đường ấy du khách sẽ có những cảm nhận rất riêng, rất thú vị qua môĩ mùa khác nhau.
Mùa xuân, con đường dẫn tới thác trở nên đẹp hơn nhờ vẻ đẹp kiêu hãnh của hoa Lan, mùa hạ con đường ấy trở lên thơ mộng bởi những bông hoa Sim, mùa thu mùa thu hoạch của Thảo quả sẽ khiến du khách cảm thấy thú vị hơn rất nhiều trong chuyến hành trình khám phá mảnh đất này.
Mùa đông đến bước chân du khách như đặt lên chốn bồng lai tiên cảnh bởi đôi chân ta như thể dẫm đựơc trên những đám mây. Tất cả hòa quyện tạo thành bức tranh sơn thuỷ tuyệt mỹ đầy quyến rũ.
Trên đường đi, dòng chảy của thác, tạo thành dòng suối nhỏ đổ theo vách đá, tung bọt trắng như vũ điệu của núi rừng. Ngọn thác còn là minh chứng cho tình yêu của một đôi trai gái trong bản.
Đỉnh núi Bạch Mộc Lương Tử
Đỉnh Bạch Mộc Lương Tử thuộc địa phận xã Sin Suối Hồ, Phong Thổ. Với độ cao 3.045m so với mực nước biển, Bạch Mộc Lương Tử là một trong 5 ngọn núi cao nhất Việt Nam và Đông Nam Á trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Nằm giữa hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai, dãy núi Bạch Mộc Lương Tử địa hình hiểm trở được dân phượt khai phá từ năm 2012.
Để lên tới đỉnh, du khách phải leo quãng đường dài khoảng 30 km, qua nhiều địa hình khác nhau như đồi trọc, rừng tre nứa, rừng gỗ lớn, rừng trúc lùn đến những vách đá cheo leo toàn rêu phủ.
Xem thêm: Kinh nghiệm chinh phục Bạch Mộc Lương Tử
Bản Vàng Pheo
Nằm cách trung tâm thị xã Lai Châu khoảng 30 km, bản Vàng Pheo tại xã Mường So, huyện Phong Thổ, Lai Châu được nhắc đến như “thung lũng mỹ nhân”, một trong những bản cổ xưa nhất của người Thái trắng ở Lai Châu. Mang trong mình những nét văn hóa đặc trưng, cùng với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, bản Vàng Pheo hội tụ nhiều điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng.
Bản Vàng Pheo có vị trí địa lý đẹp, tựa mình vào núi Phu Nhọ Khọ, là nơi giao thoa giữa hai dòng suối Nậm So và Nậm Lùm, được ví như một viên ngọc quý mà tạo hóa đã ban tặng cho con người nơi đây.
Dù đang trong quá trình hội nhập, giao lưu nhiều luồng văn hóa nhưng văn hóa của người Thái trắng ở Vàng Pheo vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn từ những ngôi nhà sàn truyền thống đến những bộ váy của người phụ nữ Thái trắng được thiết kế cầu kỳ, váy khâu liền màu đen tuyền, dài chấm mắt cá chân, áo cóm chấm đến thắt lưng, cổ liền…
Bản Vàng Pheo cũng là nơi có nhiều lễ hội, lưu giữ nhiều nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Mỗi lễ hội có một bản sắc riêng như lễ hội: Nàng Han (rằm tháng 2 âm lịch), Then Kin Pang (mùng 10/3 âm lịch), Kin Lẩu Khẩu Mẩu (rằm tháng 9 âm lịch) Lễ hội bản Vàng Pheo có nhiều trò chơi dân gian độc đáo như: ném còn, đẩy gậy, tù lu.
Sìn Hồ
Sìn Hồ có lẽ là một cái tên khá xa lạ với mọi người bởi sự heo hút, xa xôi với những con đường vào không hề dễ dàng. Tuy nhiên, khi đã tới đây, hẳn người ta sẽ bỏ qua tất thảy những khó khăn thiếu thốn vừa trải qua để cùng khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn nơi cao nguyên Sìn Hồ.
Sìn Hồ là huyện nằm ở giữa tỉnh Lai Châu, phía Bắc giáp Vân Nam – Trung Quốc, phía Nam là huyện Tủa Chùa, phía Đông là huyện Phong Thổ, phía Tây là huyện Mường Tè. Theo tiếng bản địa, “Sìn Hồ” là nơi tập trung nhiều con suối.
Ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, cao nguyên Sìn Hồ được ví như nóc nhà của tỉnh Lai Châu. Nơi đây khí hậu khá giống với thị trấn Sa Pa (Lào Cai), Tà Xùa (Sơn La), quanh năm mát mẻ tạo điều kiện cho nhiều giống hoa, quả ôn đới sinh trưởng.
Sìn Hồ là một bản gồm nhiều dân tộc khác nhau cùng cư trú. Tại bản Sìn Hồ có phiên chợ họp vào các ngày chủ nhật trong tuần. Nếu đúng dịp, du khách được chiêm ngưỡng một bức tranh đầy sắc màu trong phiên chợ của người dân vùng núi cao.
Trong vài năm gần đây, tại khu 2 thị trấn Sìn Hồ có dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho du khách, đó là dịch vụ tắm lá thuốc, xoa bóp và bấm huyệt do người dân địa phương cung cấp.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Sìn Hồ
Núi Đá Ô và Động Ông Tiên
Cách thành phố Lai Châu hơn 60km, Sìn Hồ là một vùng du lịch tiềm năng của tỉnh Lai Châu, một điểm đến còn tương đối mới mẻ với nhiều du khách.
Núi đá Ô là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh, nằm trên địa phận xã Tả Phìn huyện Sìn Hồ, gắn với sự tích của người Dao Khâu kể về Ông Tiên xuống hạ giới du ngoạn để quên cái ô, qua thời gian cái ô hóa thành đá.
Cho đến bây giờ, vào các dịp lễ, tết, người Dao Khâu, người Mông đen ở xã Tả Phìn và các xã lân cận hàng năm có tục lệ đến núi đá Ô vui chơi và thắp hương cầu mong cho gia đình con cái được khỏe mạnh, người ốm sớm bình phục. Nằm gần khu vực Núi Đá Ô là Động Ông Tiên, động có nhiều thạch nhũ với hình thù kỳ lạ được hình thành do kiến tạo địa chất từ hàng nghìn năm.
Nậm Nhùn
Nậm Nhùn ra đời trên phần diện tích tách ra từ hai huyện Sìn Hồ và Mường Tè. Chiều dài từ đầu đến cuối huyện cũng hơn 100 km. Nậm Nhùn có một dấu ấn lịch sử – văn hoá giàu ý nghĩa. Đó là đến thờ vua Lê Thái Tổ, nơi lưu giữ bài thơ khắc trên vách núi của nhà vua về mảnh đất biên thuỳ này.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Lê Lợi thân chinh đưa quân lên biên giới phía tây, dẹp loạn cát cứ của tù trưởng đập tan sự nhòm ngó của kẻ thù bên ngoài, xác lập chủ quyền ở phía tây của nước Việt.
Bia Lê Lợi và đền thờ vua Lê
Văn bia ghi lại sự kiện lịch sử vua Lê Thái Tổ thân chinh chỉ huy các đạo quân dẹp phản loạn ở vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Đó là sự kiện năm 1431, tù trưởng Đèo Cát Hãn làm phản, liên kết với Kha Đốn (còn gọi là Kha Lại) – một bầy tôi phản nghịch của Ai Lao (nước Lào) quấy nhiễu nhân dân nơi biên ải, đánh chiếm vùng đất Mường Muỗi (nay là vùng Thuận Châu – Sơn La ngày nay).
Do hành động phản nghịch của Đèo Cát Hãn, vua Lê Thái Tổ đã phái Quốc Vương Tư Tề và Quan Tư Khấu Lê Sát đem quân tiến đánh. Sau đó vua Lê Thái Tổ thân chinh đem quân lên châu Phục Lễ (châu Ninh Viễn).
Đại quân của triều đình tiến theo đường từ sông Hồng, rồi ngược sông Đà, bằng đường thủy và đường bộ, đánh tan quân phản nghịch Đèo Cát Hãn. Khi quân của nhà vua tiến đến sào huyệt của Đèo Cát Hãn, Kha Lại và Đèo Cát Hãn bỏ trốn, sau đó nhân dân bắt được Kha Lại và giết chết.
Sau khi bình định vùng Tây Bắc, trên đường quay trở về qua địa phận xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn (hiện nay), để ghi nhớ sự kiện trọng đại này đồng thời răn dạy các tù trưởng cai quản nơi biên giới của Tổ quốc, tháng Chạp năm Tân Hợi – 1431, vua Lê Thái Tổ đã cho khắc vào vách đá bài văn bia ghi nhớ sự kiện này.
Di tích vua Thái – Đèo Văn Long
Dinh thự Đèo Văn Long được xây dựng bên ngã 3 sông Nậm Na và sông Đà, một vị trí hiểm yếu, sau lưng là núi cao trước mặt là sông rộng, đứng ở khu vực dinh có thể quan sát được mọi hoạt động của một vùng sông nước và khu vực đất Mường Lay, ở vị trí yết hầu đó có thể khống chế được con đường lên Phong Thổ, Sa Pa, Mường Tè và xuôi về Hoà Bình cũng như qua ngả Điện Biên sang Lào.
Theo các tài liệu, Đèo Văn Long là con của Đèo Văn Trị, cai quản mười hai xứ Thái (Sipsong Chuthai). Cuối thế kỷ 19, Đèo Văn Trị hưởng ứng Hịch Cần Vương, lãnh đạo sắc tộc Thái và một số dân tộc khác vùng Lai Châu nổi dậy chống Pháp.
Sau bị dụ dỗ, Đèo Văn Trị đầu hàng Pháp, mở đường cho chúng tiến vào Mường Thanh, được Pháp khôi phục quyền cai trị vùng đất Sipsong Chuthai bên bờ sông Đà, cho phép cha truyền con nối.
Được sự hỗ trợ của Pháp, Đèo Văn Long lên nắm quyền cai trị thay cha, ra sức vơ vét của cải, buôn bán thuốc phiện, lâm thổ sản, hàng hoá, tổ chức những đoàn thuyền lớn lấy sông Đà làm tuyến giao thông chính giao thương với vùng đồng bằng sông Hồng, trở thành người giàu có nhất vùng.
Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đèo Văn Long cùng gia đình sống lưu vong ở Pháp. Dinh thự của Đèo Văn Long bị bỏ trống, dần dần bị xuống cấp trầm trọng. Theo lời kể của người dân bản địa thì kiến trúc của khu dinh thự Đèo Văn Long là sự kết hợp giữa kiến trúc nhà sàn của người Thái với kiến trúc của người Pháp.
Bản Pú Đao
Pú Đao là một xã vùng cao thuộc huyện Sìn Hồ, Lai Châu, cách thị trấn Mường Lay 13 km và Hà Nội hơn 560 km về phía Tây Bắc.
Dù dân cư chưa đến nghìn người với địa thế xa xôi, hẻo lánh nhưng với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, thuần khiết, Pú Đao giống như “thỏi nam châm” hút bất cứ ai đam mê khám phá những vùng đất mới. Đó là lý do mà hãng du lịch Gecko Travel của Anh năm 2006 bầu chọn Pú Đao là một trong 5 điểm đến hấp dẫn nhất Đông Nam Á.
Pú Đao theo tiếng H’Mông có nghĩa là “điểm cao nhất”, nằm chót vót trên núi cao, vắt ngang mình trên những con đèo ngoằn ngoèo, hiểm trở. Để đến được Pú Đao, phải đi qua cầu Lai Hà bắc ngang một phụ lưu của sông Đà. Từ đây bạn sẽ thấy bên kia bờ là những ngôi nhà sàn người Thái ẩn mình dưới hàng dừa.
Xã Pú Đao gồm 4 bản người Mông là Hồng Ngài, Nậm Đoong, Nậm Đắc và Hồng Tý. Bạn có thể sẽ nhầm tên bản Hồng Ngài, trung tâm xã Pú Đao với xã Hồng Ngài, Bắc Yên, Sơn La hoặc bản cùng tên ở Y Tý, Bát Xát, Lào Cai. Ngay cả khi các công ty lữ hành trong nước vẫn chưa biết đến Pú Đao, thì khách du lịch quốc tế đã coi đây như điểm trekking lý tưởng.
Nhà máy Thủy điện Lai Châu
Công trình này được xây dựng ở bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà tại Việt Nam, bậc trên của thủy điện Sơn La đang xây dựng. Đây là công trình thủy điện không những có vai trò quan trọng trong việc phát triển điện, cấp nước cho đồng bằng sông Hồng về mùa khô mà còn tạo cơ hội phát triển – kinh tế xã hội hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc. Công trình thủy điện Lai Châu có 3 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1200 MW, với sản lượng phát điện trung bình hàng năm là 4,67 tỷ kWh.
Mường Tè
Thu Lũm
Mường Tè là huyện khó khăn bậc nhất của tỉnh Lai Châu, ít ai nghĩ sẽ có ngày tới đây du lịch khám phá, bởi quả thực, nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này vô cùng thiếu thốn, đất đai cằn cỗi, đi lại khó khăn và đúng tính chất vùng sâu vùng xa.
Thế nhưng, chính cái khó ấy lại là điểm hấp dẫn các phượt thủ, khi mà con đường biên giới Ka Lăng – Thu Lũm cứ xanh ngắt màu trời, màu cây lá và những thửa ruộng thấp thoáng miền cao.
Nếu như đường lên Mường Tè làm cho ai nấy chân tay rã rời thì cung đường tiếp theo từ trung tâm huyện qua Nậm Củm, Pác Ma lên xã Thu Lũm lại còn gian nan hơn. Thu Lũm là xã vùng cao biên giới, phía tây tiếp giáp nước bạn Trung Quốc với chiều dài biên giới 36,246 km; cách trung tâm thị trấn huyện hơn 97 km.
Đỉnh núi Pu Si Lung
Là ngọn núi hoang sơ, bí ẩn và quyến rũ bậc nhất Việt Nam, đỉnh Pu Si Lung huyền thoại thuộc địa phận tỉnh Lai Châu luôn là điểm đến trong mơ của các phượt thủ ưa khám phá.
Nằm ở biên giới Việt Nam và Trung Quốc thuộc xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu với độ cao hơn 3000m. Ngọn núi này được mệnh danh là nóc nhà biên giới luôn là điểm đến trong mơ của các phượt thủ ưa khám phá.
Mốc 17 – Thượng nguồn Sông Đà
Sông Đà, còn gọi là sông Bờ hay Đà Giang là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng. Sông bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc chảy theo hướng tây bắc – đông nam để rồi nhập với sông Hồng ở Phú Thọ.
Sông Đà dài 910 km (có tài liệu ghi 983 km), diện tích lưu vực là 52.900 km². Ở Trung Quốc, sông có tên là Lý Tiên Giang, do hai nhánh Bả Biên Giang và A Mặc Giang hợp thành. Đoạn ở Việt Nam dài 527 km (có tài liệu ghi 543 km). Điểm đầu là biên giới Việt Nam – Trung Quốc tại huyện Mường Tè (Lai Châu).
Con sông này được bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam và cuối cùng nhập với sông Hồng thuộc tỉnh Phú Thọ. Đây điểm tham quan thú vị để du khách có thể chứng kiến tận mắt con sông Đà hùng vĩ.
Đá thiêng Hà Nhì
Từ hình ảnh hòn đá trắng, bà con lưu truyền nhiều câu chuyện thần bí gắn liền với quá trình thiên di của người Hà Nhì. Người Hà Nhì ở vùng biên này kể rằng theo tập tục du canh du cư xưa, khi nương rẫy đã kiệt màu, dân bản lại đi tìm đất để dời nhà, làm nương mới.
Có đôi vợ chồng trẻ trên đường đi tìm vùng đất mới, người vợ chợt nhớ mình để quên khăn đội đầu nên quay lại lội qua suối về nhà lấy khăn. Không may đúng lúc đó xảy ra lũ lụt nhiều ngày. Người chồng đi tìm người vợ sau nhiều ngày không thấy, đến dòng suối nước chảy cuồn cuộn thì ngồi chờ đợi, rồi hóa thành hòn đá trắng.
Hòn đá Trắng được coi là cột mốc tự nhiên của biên giới, cách con đường tuần tra biên giới khoảng 20m và cách biên giới Việt – Trung khoảng 1m. Người Hà Nhì thì gọi Hòn đá trắng bằng một cái tên gần gũi hơn: ông già tóc trắng.
Các món ăn ngon và đặc sản Lai Châu
Lợn cắp nách
Lợn cắp nách thực chất là giống lợn truyền thống được lai giữa lợn rừng và lợn Mường. Một số nơi còn gọi là lợn lửng, lợn còi hay lợn ri.
Người dân vùng cao thường nuôi theo kiểu thả rông trong rừng, và vì lợn có ngoại hình nhỏ, chỉ nặng chừng 10 – 15kg nên hay được cắp vào nách cho tiện mang đi bán.
Giống lợn cắp nách được thả rông ở núi rừng thoải mái, không có sự chăm sóc nào nên thường tự tìm kiếm thức ăn như ngô, khoai, sắn, rau rừng… Do đó, thịt của chúng rất chắc và thơm ngon.
Khách vào bản mua lợn, người bán cứ ra ven rừng đuổi bắt được con nào thì lấy con đấy. Vì giá không quá cao nên nhiều người tranh thủ lên đây ăn rồi mua cả lợn cắp nách về làm quà cho người thân.
Hấp dẫn nhất là lúc chế biến, lợn cắp nách sau khi mua về sẽ được cạo lông sạch sẽ và mổ theo kiểu mổ moi. Để làm sạch được da lợn thì phải dùng chanh để tẩy hết lớp đất bụi bám ở lông, rồi mới rửa lại, để khô, xoa nước hàng và thui bằng rơm hoặc bã mía.
Khi thui cũng phải thui đều lửa đến khi lợn ngả màu vàng ruộm thì chà sạch thêm một lần nữa bằng chanh. Cuối cùng mới lọc thịt ra để chế biến thành nhiều món ăn.
Thịt lợn trộn lá chua
Lá Chua ở rừng sẵn có quanh năm, mang về giã nhỏ, thêm ớt, hạt Dổi. Trộn đều với thịt lợn, ăn tuyệt ngon mà không bị ngán. Đây là món ngon của anh chị em đồng bào Thái Trắng ở Lai Châu.
Món cá nướng của người Thái
Từ xưa người Thái thường định cư ở các thung lũng, ven con sông nên cá luôn là nguồn thực phẩm quan trọng không thể thiếu với đời sống hàng ngày. Tục ngữ người Thái đã có câu: “Cáy măn mọk má ha, Báu to pa pỉnh tộp ma sú” nghĩa là: ”Gà tơ tần đem đến, không bằng cá Pỉnh Tộp đem cho”. Bởi đối với đồng bào dân tộc Thái thì cá còn là biểu tượng của sự no đủ, sung túc và hạnh phúc.
Món cá nướng Pa Pỉnh Tộp bắt nguồn từ người dân tộc Thái, chủ yếu sống ở Lai Châu. Có thể áp dụng nướng cho nhiều loại cá khác nhau như cá Chép, cá Rô Phi, cá Trim… nhưng ngon nhất phải là cá Vược vì cá Vược có đặc tính thịt thơm, chắc và dai rất phù hợp với món nướng. Đây cũng là loại cá mà Trần Luận và Chợ Sạch nướng và bán cho khách hàng.
Cá bống vùi gio (tro)
Xôi tím
Thịt lợn hun khói
Thịt lợn hun khói Lai Châu một trong những món ăn truyền thống của con người nơi đây trong những ngày lễ, tết. Thịt lợn hun khói nơi đây được người dân tiếp đãi khách quý và được làm theo mùa cố định.
Từ những nguyên liệu vốn sẵn cùng những nguyên liệu trong tự nhiên ở nơi đây mới có, để tạo ra một món thịt vô cùng thơm ngon và bổ dưỡng thu hút rất nhiều khách du lịch đến để thưởng thức.
Không phải mùa nào cũng có thể làm được thịt hun khói, nó còn tùy thuộc vào thời tiết để tránh tình trạng ôi thiu và hỏng. Mùa làm thịt hun khói tốt nhất và ngon nhất là mùa đông, chính vì vậy người Pu Nả làm thịt hun khói khi mổ lợn Tết.
Trong vùng nhà nào cũng chuẩn bị cho nhà mình một con lợn to để mổ tết, có nhà nuôi con lợn tới vài ba năm mới mổ, khi mổ lợn nặng tới 1 tạ, thậm chí tới 2 tạ.
Một miếng thịt đạt tiêu chuẩn là khi xắt ra có màu hồng đào trông rất bắt mắt. Khi ăn sẽ cảm nhận vị ngọt đậm của thịt, đặc biệt là có mùi thơm rất đặc trưng, ăn rất thơm ngon, đậm đà, không ngán.
Đây là một món ăn được người dân tộc dùng để đãi khách quý, bạn bè, người thân trong những dịp lễ hội, ngày tết. Hãy đến nơi đây cùng nhau thưởng thức món ăn thơm ngon và đặc sắc này.
Măng nộm hoa ban
Nếu ai đã có dịp ghé qua các bản làng người Thái trên này sẽ không chỉ biết đến một truyền thuyết đầy cảm động về Hoa Ban – Măng Đắng mà còn được thưởng thức một món ăn có chứa đủ vị: đắng, chua, cay, mặn, ngọt, bùi của món Măng nộm hoa ban.
Hoa ban như người thiếu nữ e ấp, khiêm nhường quanh năm suốt tháng, chỉ khi hoa mận, hoa đào đã lui dần theo mùa xuân ban mới lung linh khoe sắc trắng. Và cũng lạ, hình như ở đất Tây Bắc này, hễ chỗ nào có hoa ban là có người Thái. Đến mùa hoa ban, họ lại tranh thủ những lúc đi nương về hái một giỏ hoa về chế biến thành những món ngon.
Nộm rau dớn
Nộm rau dớn là món ăn đặc trưng của người Thái ở Tây Bắc. Rau dớn người Thái gọi là “pắc cút”, loại cây thuộc họ quyết, giống như cây dương xỉ, thân to, tán lá rộng, mặt lá có màu xanh nhẵn. Loại cây này chỉ mọc ở bờ suối, khe suối, nơi có độ ẩm cao.
Nộm rau dớn là món ăn đặc trưng của người Thái ở Lai Châu nói riêng và đồng bào Tây Bắc nói chung. Rau dớn người Thái gọi là “pắc cút”, loại cây thuộc họ quyết, giống như cây dương xỉ, thân to, tán lá rộng, mặt lá có màu xanh nhẵn. Loại cây này chỉ mọc ở bờ suối, khe suối, nơi có độ ẩm cao.
Ngoài món nộm, người Thái còn chế biến các món ăn độc đáo khác như rau dớn xào tỏi, rau rớn xào cùng nước măng chua…Với cách chế biến khá đơn giản, rau dớn không chỉ là đặc trưng của dân tộc Thái mà còn là đặc sản của các nhà hàng tại Lai Châu.
Vì vậy khi đến với Lai Châu, thực khách không có dịp ăn món nộm rau dớn của chính bàn tay người Thái làm thì cũng có thể ghé qua các nhà hàng để tận hưởng vị ngon của món ăn đậm chất dân dã vùng cao này.
Món ăn từ rêu đá
Nhắc tới loại rêu mọc trên đá, có lẽ không ai nghĩ rằng đây có thể là món đặc sản quý giá của người dân tộc Thái. Thế nhưng, loại rêu đá lại là đặc sản chỉ có ở vùng Tây Bắc, rêu thường bám vào các gờ đá nơi lòng suối.
Rêu được chia thành 3 nhóm: “cui”, loại rêu mọc thành sợi như sợi tóc, màu hơi sẫm; “cay”, loại rêu có sợi mọc rời rạc màu xanh và “tau”, loại rêu mọc thành từng mảng ở ao hoặc các khe suối. Rêu đá mọc theo mùa bắt đầu từ xuân hè, rêu ngon là rêu mọc dài thướt tha, sờ vào thấy mát rượi êm ái, chỉ cần lấy tay vợt nhẹ nhàng là thu hái được.
Đi hái rêu là một nét đẹp văn hóa của người Thái, khi một ngày đẹp trời cả bản nghỉ nương rẫy rủ nhau tới các bãi rêu như đi trảy hội. Với tâm ý, rêu là của đất trời, hái được nhiều sẽ có nhiều tài lộc nên ai cũng đi hái rêu để tích trữ.
Rêu đá có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, trong đó đơn giản nhất là canh rêu tươi (kinh tau). Rêu sau khi rũ hết cát sạn được cắt thành từng đoạn nhỏ, thả vào nước luộc gà hoặc xương hầm, nêm gia vị vừa khéo, đến khi chín sẽ dậy lên hương thơm hấp dẫn.
Trứng kiến
Món trứng kiến là nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực dân tộc Thái. Thời hội nhập, bà con thu hoạch trứng kiến và bán cho các nhà hàng ẩm thực dân tộc ở huyện, thành phố. Ngoài thăm thú bản làng, du khách có cơ hội thưởng thức món ăn béo ngậy, thơm ngon này.
Đến các làng bản ở Tây Bắc trong mùa mưa này các bạn có thể được dịp thưởng thức đủ các món chế biến từ trứng kiến như: Trứng kiến ướp gia vị trong lá dong, lá chuối và nướng trên bếp than hồng, hoặc món trứng kiến đồ cùng xôi nếp nương, làm nộm với lá chua chát, nấu canh ngọt dịu không thể thiếu ở các bản làng văn hóa vùng cao.
Bánh đen Sìn Hồ
Bánh đen được làm từ gạo nếp và cây màng tang, nhân bánh sử dụng thịt ba chỉ được trộn với thảo quả và mắc khén, tất cả được gói bằng lá mây.
Khâu nhục
Khâu Nhục là một món ăn mà thường được thấy trong những dịp lễ Tết hoặc những sự kiện được diễn ra hàng ngày như đám cưới đám hỏi hoặc ma chay của người dân tộc vùng cao được làm từ thịt lợn nhưng lại mang cho bạn một hương vị thật khác.
Mặc dù có nguồn gốc từ Trung Hoa nhưng cùng với thời gian và đặc biệt là sự “Biến tấu” cho phù hợp với văn hóa ẩm thực của người Nùng, món khâu nhục đã mang được nét độc đáo rất riêng. Về cơ bản khâu nhục là hầm cách thủy thịt ba chỉ trong thời gian dài, nhưng cách chế biến khá phức tạp và nhiều công đoạn.
Khâu nhục là tiếng hoa đánh vần lại chữ viết tiếng Việt, phát âm tiếng Hoa là khâu nhục. “Khâu” có nghĩa- hấp đến mềm gục, “Nhục” có nghĩa- thịt, nếu dịch đúng nghĩa là thịt gục, hoặc thịt hấp gục.
Tùy từng địa phương, món ăn này còn có các tên gọi khác như: “khau nhục”, “khổ nhục”, “nằm khau”. Ngoài ra, tên gọi của chúng còn được bắt nguồn từ chính cách thức xếp trên đĩa và hình dáng giống như một mỏm đồi nhỏ, đang vươn lên, nên người dân tộc Nùng gọi là “khâu” tức đồi.
Canh tiết lá đắng
Theo tiếng Mông, bánh dày có tên gọi là “Dúa pả”. Đồng bào quan niệm: Bánh dày tượng trưng cho đất trời và sự an lành, no ấm của cuộc sống với mùa màng bội thu.
Nhìn thì có vẻ đơn giản, nhưng trong quy trình làm bánh dày, việc giã bánh là công đoạn vất vả và tốn nhiều công sức hơn cả. Cối để giã bánh dày của người Mông được làm bằng thân cây gỗ trắc, mịn thớ, có mùi thơm. Chày giã bánh cũng được làm từ các loại gỗ cứng và nặng.
Trước đây đồng bào Mông thường đón tết cổ truyền trước tết Nguyên đán khoảng 1 tháng, tức là vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch.
Thực hiện nếp sống văn hóa mới, nhiều nơi đồng bào Mông giờ đã ăn Tết cổ truyền cùng cả nước. Tuy nhiên, người Mông vẫn gìn giữ những nét phong tục tập quán văn hóa truyền thống rất riêng, trong đó có tục làm bánh dày ngày Tết.
Vào dịp đầu xuân hay các ngày lễ hội, một số bản người Mông còn tổ chức thi làm bánh dày giữa các dòng họ, các gia đình, các bản. Đây là một cách bảo tồn, gìn giữ và giới thiệu những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông với du khách thập phương.
Bánh dày người Mông
Theo tiếng Mông, bánh dày có tên gọi là “Dúa pả”. Đồng bào quan niệm: Bánh dày tượng trưng cho đất trời và sự an lành, no ấm của cuộc sống với mùa màng bội thu.
Nhìn thì có vẻ đơn giản, nhưng trong quy trình làm bánh dày, việc giã bánh là công đoạn vất vả và tốn nhiều công sức hơn cả. Cối để giã bánh dày của người Mông được làm bằng thân cây gỗ trắc, mịn thớ, có mùi thơm. Chày giã bánh cũng được làm từ các loại gỗ cứng và nặng.
Trước đây đồng bào Mông thường đón tết cổ truyền trước tết Nguyên đán khoảng 1 tháng, tức là vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch. Thực hiện nếp sống văn hóa mới, nhiều nơi đồng bào Mông giờ đã ăn Tết cổ truyền cùng cả nước. Tuy nhiên, người Mông vẫn gìn giữ những nét phong tục tập quán văn hóa truyền thống rất riêng, trong đó có tục làm bánh dày ngày Tết.
Vào dịp đầu xuân hay các ngày lễ hội, một số bản người Mông còn tổ chức thi làm bánh dày giữa các dòng họ, các gia đình, các bản. Đây là một cách bảo tồn, gìn giữ và giới thiệu những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông với du khách thập phương.
Bánh chưng đen
Bánh chưng đen (Rùa Chía) của người Dao gói tròn có thể dùng gạo nếp trắng hoặc nếp cẩm để gói, khi gói bánh chưng người ta thường trộn than cây màng tang giã nhỏ để có vị thơm ngon đặc sắc.
Nhìn từ bên ngoài, bánh dẻo quánh, nhân vàng ươm màu đỗ, thơm lừng mùi hành mỡ, hạt tiêu, mùi lá dong, thảo quả… Chỉ cần nhìn thôi, thực khách cũng đủ ngây ngất và có cảm giác như bị mê hoặc bởi thứ đặc sản vùng cao.
Lòng lợn nhồi gạo nếp
Món lòng lợn nhồi gạo nếp (tùng càng nhảng) được trộn tiết sống lẫn với thảo quả giã nhỏ, luộc chín tới vớt ra ăn ngay hoặc để ăn dần trong mấy ngày tết. Ở Sìn Hồ khi tiết trời xuân se se lạnh thì món này để lâu cũng không bị hỏng.
Dưa mèo
Dưa mèo là cách gọi thông thường của người dân ở Lai Châu về một loại dưa do người dân tộc Mông ở nơi “cuối trời Tây Bắc” này được gieo hạt, trồng xen canh cùng lúa nương, cây bò tự do trên mặt đất, trên các mỏm đá chứ không cần phải làm giàn cho leo như dưa chuột. Hạt thường được gieo vào tháng 3, 4 hàng năm; đến tháng 6, 7 bắt đầu cho thu quả, đầu tháng 8 hết mùa.
Hái dưa để bán cũng là cả nghệ thuật. Quả dưa được hái khéo léo bởi bàn tay thoăn thoắt của người phụ nữ Mông đặt nhẹ nhàng vào chiếc gùi địu trên lưng, tránh việc va đập mạnh làm dưa bị bầm dập. Quả dưa đem bán cuống phải còn tươi mới được khách hàng ưa chuộng.
Đặc sản Lai Châu mua về làm quà
Rượu ngô Sùng Phài
Rượu ngô Lai Châu hay còn gọi là rượu ngô Sùng Phài, rượu Mông Kê đã từ lâu trở thành một đặc sản nổi tiếng của tỉnh Lai Châu. Rượu ngô nơi đây được những ưu đãi đặc biệt từ nguồn nước tinh khiết, độ cao và khí hậu mát lạnh của dãy Hoàng Liên Sơn. Rượu ngô Lai Châu đã dần trở thành món quà không thể thiếu cho du khách mỗi khi có dịp đến với Lai Châu yêu dấu.
Rượu ngô Sùng Phài được người Mông ở Lai Châu chưng cất từ những hạt ngô thơm dẻo, quyện lẫn hạt kê ngọt bùi. Không chỉ sở hữu hương vị thơm ngon hấp dẫn, mà rượu ngô nơi đây còn thấm đẫm cái khí chất hào sảng, khoáng đạt của người Mông ven trời Tây Bắc.
Rượu ngô có nhiều địa phương nấu, nhưng Sùng Phài với vị thế đắc địa dưới chân núi Hoàng Liên Sơn, quanh năm khí hậu mát mẻ và nguồn nước trong lành, làm ra loại rượu ngô được đánh giá là đệ nhất danh tửu của Lai Châu.
Hạt dổi
Bất cứ ai có dịp lên Tây Bắc và thưởng thức những món ăn của người Thái chắc hẳn sẽ không bao giờ quên loại gia vị lạ, thơm thơm, ngai ngái mùi núi rừng của hạt dổi.
Hạt dổi có đặc điểm là khi đã rang hoặc nướng chín không để được lâu như hạt tiêu nên khi dùng mới đem nướng để giữ được mùi thơm. Hạt dổi cho mùi thơm ngậy đặc trưng nên nhiều người vẫn nói “khéo bị nghiện hạt dổi”, không thể thiếu nó trong mỗi bữa cơm. Nhiều món ăn Tây Bắc như thịt gác bếp, thịt lợn rừng, thịt nướng, tiết canh… nhờ có hương vị hạt dổi mà thêm phần hấp dẫn.
Hạt dổi cũng là gia vị không thể thiếu để tẩm ướp thịt lợn rừng và các món nướng như gà nướng, thịt ba chỉ nướng, sườn nướng. Thông thường hạt dổi được giã nhỏ trộn với muối chanh, ớt thành một thứ nước chấm cay cay, chua chua, thơm ngậy, dùng để chấm thịt gà, thịt luộc thì không một thứ nước chấm nào có thể sánh được hay đơn giản nhất, chấm xôi trắng với muối rang hạt dổi thôi cũng đã đủ thơm ngon.
Hạt dổi cũng rất thích hợp với các món ăn được chế biến từ măng chua, nổi tiếng như thịt gà nấu măng chua với hạt dổi. Nếu bát tiết canh được rắc thêm một ít hạt dổi thì hương vị càng thêm đậm đà, tiết sẽ đông giòn hơn.
Quả óc chó Sìn Hồ
Hạt óc chó là một món ăn yêu thích của nhiều người, đặc biệt tốt cho mẹ bầu trong quá trình mang thai. Óc chó được người Mỹ, Úc sử dụng từ rất lâu đời, nhưng lại xuất hiện khá muộn ở Việt Nam. Thời gian gần đây, hạt óc chó được rất nhiều người săn lùng, bởi những giá trị tuyệt vời mà loại hạt này mang lại cho sức khỏe.
Óc chó Sìn Hồ quả không được đều tăm tắp như của Trung Quốc, nhiều hạt do quá trình phơi chưa làm sạch được hết vẫn còn dính chút thịt quả nhưng mà chất lượng hạt thì khá bùi và ngậy.
Rượu nếp than
Mật ong Mường Tè
Mật ong Mường Tè là sản vật đặc trưng, hiếm có ở Lai Châu được khai thác trong những khu rừng thuộc khu bảo tồn Thiên nhiên Mường Tè. Mật ong là 1 trong 5 đặc sản nổi tiếng của Lai Châu. Và huyện có mật ong rừng ngon nhất là huyện Mường Tè, huyện xa xôi nhất của tỉnh Lai châu.
Mật ong ở đây hoàn toàn tự nhiên, đến tháng 3 âm lịch hàng năm dân vào rừng tìm và trèo lên cây để lấy. Cả năm dân chỉ trông chờ đến tháng 3 để đi lấy mật có thêm nguồn thu nhập mặc dù đó là 1 công việc hết sức mạo hiểm nguy cơ tai nạn rất lớn nhưng ngoài nương rẫy ra người ta ko thể kiếm được thêm nguồn thu nhập.
Lịch trình du lịch Lai Châu
Với những thông tin ở trên, mình tin rằng các bạn cũng đã có những thông tin cơ bản về du lịch Lai Châu và lựa chọn cho riêng mình những kế hoạch để đến với vùng đất này.
Dưới đây mình xin gợi ý cho các bạn một số lịch trình cơ bản để kết hợp du lịch Lai Châu với những vùng khác.
Sapa – Lai Châu – Sìn Hồ – Phong Thổ
Ngày 0 : Hà Nội – Sapa
Các bạn có thể bắt tàu hỏa hoặc xe khách giường nằm từ Hà Nội lên Sapa hoặc bạn có thể lựa chọn mang xe máy từ Hà Nội hoặc lên đến Sapa thì thuê xe tại Sa Pa để di chuyển tiếp sang Lai Châu.
Ngày 1 : Sapa – Tp Lai Châu – Phong Thổ (120km)
Các bạn chạy xe máy từ Sapa đi theo QL4D đi Lai Châu, trên đường đi có thể tham quan một số địa điểm như Thác Bạc, Đèo Ô Quý Hồ…
Khi tới Thị xã Lai Châu các bạn có thể đi thăm một số bản du lịch cộng đồng như thăm quần thể hang Pu Sam Cáp, đến Thị trấn Tam Đường vào tham quan thác Tác Tình.
Các bạn đi dọc QL4D đến Thị trấn Phong Thổ thì chuyển sang Quốc lộ 12 lên cửa khẩu Ma Lù Thàng thì nhớ xin phép các anh bộ đội Biên phòng để tham quan cụm mốc từ 64 – 66 ở khu vực xã Ma Ly Pho. Đến tối các bạn quay về ngủ tại Thị trấn Phong Thổ.
Ngày 2 : Phong Thổ – Sìn Hồ
Sáng các bạn dậy sớm từ Thị trấn Phong Thổ đi theo QL12 về Sìn Hồ. Khi qua khu vực xã Nậm Ban và Pa Tần của Sìn Hồ các bạn có thể liên hệ với đồn biên phòng gần nhất để hỏi đường tham quan các cột mốc từ 51-54 (nếu còn thời gian). Trải nghiệm tắm thuốc người Dao và nghỉ ngơi 1 đêm tại Sìn Hồ.
Ngày 3 : Sìn Hồ – Lai Châu – Sapa – Hà Nội
Các bạn dậy sớm xong đi từ Sìn Hồ đi ngược về Tp Lai Châu, tiếp tục qua đèo Ô Quy Hồ về Sapa, dạo chơi quanh Sapa. Đến chiều tối các bạn trả xe máy rồi lên ô tô hoặc tàu hỏa về Hà Nội.
Hà Nội – Điện Biên – A Pa Chải – Mường Lay – Sìn Hồ – Mù Cang Chải/Sapa
Ngày 0 : Hà Nội – Điện Biên
– Các bạn có thể gửi xe máy hoặc đi xe giường nằm từ Hà Nội lên Điện Biên.
Ngày 1 : Điện Biên – Mường Chà – Mường Nhé – Đồn 317
– Qua một đêm sáng sớm các bạn có mặt ở Điện Biên.
– Tiếp đó các bạn sẽ đi thăm quan một số điểm du lịch như Hầm Đờ Cát, Đồi A1, Nghĩa trang đồi A1 trong khoảng hơn 1 tiếng.
– Đi thẳng từ Điện Biên vào Mường Nhé (200km) các bạn có thể lựa chọn nghỉ ngơi tại Mường Nhé (nếu đi vào các dịp lễ đông như 30-4) hoặc vào thẳng đồn 317 ngủ.
Ngày 2 : Đồn 317 – Mốc 0 – Đồn 317 – Mường Nhé
– Sáng các bạn dậy sớm ăn sáng và chuẩn bị đồ mang theo dọc đường và đồ ăn trưa để leo mốc.
– Khoảng giữa buổi sáng sẽ tới mốc 0, dừng chụp ảnh và ăn trưa. Thời gian trên còn tùy thuộc vào khả năng leo núi của từng đoàn.
– Tầm 11h từ mốc 0 trở về, khoảng 12h-13h sẽ về tới đồn 317.
– Các bạn thu dọn đồ đạc và chạy ngược ra Mường Nhé rồi đi tiếp về Mường Lay nghỉ ngơi nhé.
Ngày 3 : Mường Lay – Sìn Hồ
– Các bạn dậy sớm đi đến khu vực xã Chăn Nưa thì rẽ theo TL 128 đi Sìn Hồ và tối ngủ lại đây. Nhớ đừng quên đi tắm lá thuốc để xóa tan mệt mỏi mấy ngày vừa qua. Tối nghỉ ngơi tại Sìn Hồ.
Ngày 4 : Sìn Hồ – Lai Châu – Tam Đường – Bình Lư – Mù Cang Chải (Thích hợp nếu đi vào mùa lúa chín tầm tháng 9)
– Sáng các bạn dậy sớm có thể đi chơi chợ Sìn Hồ nếu đúng ngày chợ họp, sau đó lên Đài tưởng niệm chụp ảnh toàn cảnh Sìn Hồ.
– Từ Sìn Hồ đi về Thị xã Lai Châu, qua Tam Đường tới ngã 3 Bình Lư thì rẽ đi Than Uyên đi theo hướng Mù Cang Chải. Nếu thời tiết đẹp thì sẽ được ngắm mây Sìn Hồ.
– Nếu về sớm có thể tranh thủ đi chơi quanh Mù Cang Chải và thăm đồi mâm xôi.
– Đến tối ngủ và ăn uống tại các homestay ở trung tâm Mù Cang Chải.
Ngày 5: Mù Cang Chải – Tú Lệ – Nghĩa Lộ – Hà Nội
– Phương án 1 : Các bạn dạo chơi Thị trấn Mù Cang Chải, rồi về Tú Lệ ăn trưa sau đó chạy thẳng về Hà Nội.
– Phương án 2 : Dành nguyên 1 ngày để chơi ở Mù Cang Chải, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Đèo Khau Phạ rồi nửa đêm gửi người và xe máy theo xe khách Lai Châu về Hà Nội.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Sìn Hồ, Lai Châu
Xem thêm: Các món ăn ngon ở Lai Châu
Discussion about this post