Nhắc đến Nam Định là chúng ta nhớ đến ngay những lễ hội nổi tiếng như: chợ Viềng, Phủ Dày, đền Trần… Nhưng các bạn không biết Nam Định còn rất nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng và các di tích lịch sử. Sau đây RuudNguyen.com sẽ chia sẻ kinh nghiệm du lịch Nam Địnhcực đầy đủ và chi tiết nhất.
Giới thiệu về Nam Định
Nam Định là một trong những tỉnh đồng bằng ven sông Hồng, cách thành phố Hà Nội khoảng chừng 90km. Qua nhiều thập kỷ, nơi đây vẫn giữ được vẹn nguyên những quần thể di tích văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.
Là một trong những tỉnh có nhiều nhà thờ đẹp nhất cả nước (Ảnh: Hoài Thu)
Nam Định hiện có gần 4.000 di tích lịch sử văn hóa. Nhiều di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc tiêu biểu như: Phủ Dầy, chùa Cổ Lễ, chùa Keo Hành Thiện, cầu Ngói, chùa Lương, cột cờ Nam Định. Ngoài ra, còn có các di tích lịch sử văn hóa gắn với các danh nhân như: Trạng Nguyên Nguyễn Hiền, Trạng lường Lương Thế Vinh, nhà thơ Tú Xương, nhà lưu niệm Nguyễn Bính, khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh…
Đi du lịch Nam Định vào thời điểm nào?
Nam Định có khí hậu tương tự như các tỉnh phía bắc nên thời tiết không quá lạnh và cũng không quá nóng và bạn có thể để đi du lịch quanh năm. Theo kinh nghiệm của minh thời điểm đẹp nhất để du lịch Nam Định nên đi vào tháng Giêng bởi đây là tháng của các lễ hội nổi tiếng tại nơi này như: Lễ hội Phủ Dầy, chợ Viềng, khai ấn đền Trần… bạn sẽ có cơ hội được tận hưởng và trải nghiệm không khí vô cùng náo nhiệt, đặc sắc.
Phương tiện di chuyển
Phương tiện cá nhân
Phương tiện cá nhân có thể lựa chọn xe máy hoặc xe oto, bạn có thể di chuyển theo hướng QL1A. Từ trung tâm thành phố Hà Nội bạn đi theo đường Giải Phóng đến ngã ba Pháp Vân, bạn rẽ ra đường cao tốc hướng đi Cầu Giẽ, đi theo QL 1A cũ đến hết thị xã Phủ Lý thì rẽ trái theo quốc lộ 21A đi thẳng là đến Nam Định. Nếu đi bằng oto thì các bạn đi cao tốc sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian hơn.
Xe khách
Bạn ra bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm có rất nhiều hãng xe đi từ Hà Nội – Nam Định với giá vé cũng không quá đắt. Ngoài ra các bạn có thể tìm thêm các xe gọi limousine đưa đón tận nơi nhé.
Tàu hỏa
Bạn sẽ ra ga Hà Nội đi tàu về Nam Định với thời gian tàu chạy khoảng 2 tiếng, giá vé tàu hỏa tùy vào từng vị trí ngồi sẽ có mức giá khác nhau. Nhưng để tiết kiệm thời gian mình khuyên các bạn không nên chọn cách này nếu ga Nam Định không gần địa điểm du lịch bạn muốn tới.
Lưu trú ở Nam Định
Ở Nam Định có đủ loại hình khách sạn, nhà nghỉ bạn có thể tham khảo để đặt trước. Nếu bạn nghỉ qua đêm ở thành phố Nam Định thì để cho việc đi lại được thuận tiện hơn mình khuyên các bạn thuê phòng ở khu vực đường Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Lê Hồng Phong…
Đường Trần Phú, Trần Hưng Đạo và Nguyễn Du là nơi có nhiều khách sạn (Ảnh sưu tầm)
Nếu nghỉ ở khách sạn nhà nghỉ gần biển các bạn có thể tham khảo ở huyện Hải Hậu. Dưới đó có một số khách sạn nhà nghỉ gần biển rất thuận tiện cho việc đi lại mà view phòng đẹp, trang thiết bị đầy đủ đạt chuẩn 2 sao , giá cả phải chăng.
Địa điểm du lịch du lịch Nam Định
Huyện Giao Thủy
Biển Quất Lâm
Mùa hè là thời điểm lý tưởng nhất để du lịch biển Quất Lâm (Ảnh sưu tầm)
Địa chỉ biển Quất Lâm thuộc thị trấn huyện Giao Thuỷ. Đây là bãi biển khá nổi tiếng tại Nam Định vì thuận tiện đi lại cũng như có khá nhiều cảnh đẹp. Với khoảng cách từ Hà Nội về đến Quất Lâm – Giao Thủy là 120km thế nên nhiều khách du lịch đặc biệt những bạn trẻ yêu thích trải nghiệm, khám phá cảnh đẹp làng quê thì hay lựa chọn hình thức phượt bằng xe máy. Thời điểm đẹp nhất và vui nhất mà du khách nên ghé thăm đó chính là mùa hè từ tầm tháng 5 – tháng 9.
Vườn quốc gia Xuân Thủy
Vườn quốc gia Xuân Thủy có tổng diện tích là 12.000 ha (Ảnh sưu tầm)
Vườn quốc gia Xuân Thủy thuộc huyện Giao Thủy là một trong các khu rừng ngập nước quan trọng của Việt Nam, và được xem như “sân ga” của nhiều loài chim di cư quý hiếm, trở thành điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn du khách. Đây còn là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, nơi cư trú của các loài chim nước) đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á, từ năm 1989. Đến tháng 12/2004, UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng là khu dự trữ sinh quyển thế giới, trong đó Vườn quốc gia Xuân Thủy ở khu vực trung tâm.
Đến khám phá Vườn quốc gia Xuân Thủy, du khách sẽ có dịp vi vu bằng thuyền trên dòng sông Vọp tiến ra cửa Ba Lạt, ghé ngọn Hải Đăng – Tiền Hải, lên đài quan sát Cồn Ngạn, thăm thú Cồn Xanh, thả bộ dọc theo dải phi lao trên Cồn Lu, và len lỏi qua các thảm rừng ngập mặn. Mùa lý tưởng nhất để xem chim là từ tháng 10-11 đến tháng 3-4 năm sau.
Huyện Hải Hậu
Nhà thờ Hưng Nghĩa
Theo lịch sử ghi lại thì nhà thờ Hưng Nghĩa được xây dựng từ năm 1927 (Ảnh sưu tầm)
Giáo xứ Hưng Nghĩa Nam Định tọa lạc tại xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu nằm cách trung tâm thành phố hơn 30 km. Dù nơi đây khá xa khu trung tâm nhưng du khách đều dành thời gian đến để chụp ảnh, check in vài tấm hình đẹp làm kỷ niệm. Theo lịch sử ghi lại, nhà thờ đẹp ở Nam Định này được xây dựng từ năm 1927 theo lối kiến trúc Gothic của Pháp, Tây Ban Nha. ến năm 2000, giáo xứ Hưng Nghĩa được khởi công trùng tu, sửa chữa lại và mãi đến 2007, công trình này mới hoàn thiện, mang vẻ đẹp mới mẻ hơn.
Nhà thờ đổ Hải Lý
Nhà thờ đổ Hải Lý hấp dẫn nhiều du khách, các bạn trẻ đến thăm (Ảnh: Ngọc Dũng)
Trước đây, ngay bên bờ biển Xương Điền, xã Hải Lý, huyện Hải Hậu này là một quần thể gồm nhiều nhà thờ lớn nhỏ. Tuy nhiên, theo thời gian, nước biển dần dần xâm lấn đất liền làm ảnh hưởng lớn đến các công trình. Nhà thờ đổ ở bờ biển Xương Điền này mang tên Trái Tim, bị bỏ hoang từ năm 1996.
Quanh nhà thờ đổ là làng chài, không có dịch vụ nhà nghỉ. Tuy nhiên, ở đây có nhiều lán, chòi dựng tạm để người dân thu mua hải sản. Bạn có thể xin ở nhờ để sáng dậy sớm chụp bình minh và xem kéo lưới, cũng để hiểu hơn cuộc sống người dân làng chài. Ngoài nhà thờ đổ và làng chài, bạn có thể đến cánh đồng muối cách đó chừng một km để tham quan, chụp ảnh.
Bãi biển Thịnh Long
Bãi biển Thịnh Long (Ảnh: Ngọc Dũng)
Biển Long Thịnh nằm ở huyện Hải Hậu là một bãi biển sạch, trải dài hơn 3km với bờ cát cực mịn và không bị bùn lún. Nơi đây được chia làm hai bãi biển mỗi bãi biển có một đặc điểm khác nhau và đều tuyệt vời để bạn khám phá trong đó:
- Bãi biển 1: Bãi biển 1 gồm những chiếc mủng, ghe của dân chài lưới cực phù hợp cho các bạn chụp ảnh và tạo những bức ảnh cực ấn tượng.
- Bãi biển 2: Bãi biển 2 là nơi của nhiều nhà nghỉ mọc cùng với đó là các quán ăn, cửa hàng bán đồ lưu niệm. Đây cũng chính là bãi tắm chính của biển Thịnh Long đó, nếu bạn muốn vừa tắm biển vừa có dịch vụ du lịch phục vụ thì hãy tới bãi biển 2 nhé.
Huyện Xuân Trường
Tòa giám mục Bùi Chu, đền thánh Kiên Lao
Kiến trúc nhà thờ Đền Thánh Kiên Lao thiết kế độc đáo (Ảnh sưu tầm)
Một trong những nhà thờ đẹp ở Nam Định còn phải kể đến Tòa giám mục Bùi Chu và đền thánh Kiên Lao. Nhà thờ Đền Thánh Kiên Lao có tọa lạc nằm ở xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định cách trung tâm thành phố khoảng 30 km. Nổi bật với kiến trúc đồ sộ, độc đáo, dù có tuổi đời lên đến 100 năm ấy mà tòa giám mục vẫn uy nghi, bề thế, còn đền thánh lại thu hút với vẻ đẹp cổ kính, lối kiến gotich khiến bạn khó lòng rời mắt khỏi. Nơi đây từ lâu đã nổi tiếng rất lâu với nghề chạm trổ, điêu khắc gỗ, tạc tượng… và những công trình lớn.
Ngôi nhà thờ Chính tòa Giáo phận Bùi Chu (Ảnh sưu tầm)
Tòa Giám mục Giáo phận Bùi Chu nay thuộc xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường. Vào năm 1960, Giáo phận Bùi Chu được Tòa thánh Vatican nâng lên thành Giáo phận chính tòa. Bùi Chu là Giáo phận có nhiều xứ đạo hình thành từ lâu đời và gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển Công giáo tại Việt Nam.
Huyện Vụ Bản
Khu di tích Phủ Dầy
Quần thể di tích Tâm Linh phủ Dầy có đến 4 địa điểm chính thờ Mẫu Liễu Hạnh (Ảnh sưu tầm)
Phủ Dầy là một quần thể di tích tâm linh nằm tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản. Nơi đây gắn liền đến sự giáng sinh lần thứ hai của mẫu Liễu Hạnh. Quân thể Phủ Dầy rộng khắp và trải dài trên xã Kim Thái với trên 20 đền, phủ, lăng, chùa. Vì vậy nếu để đi lễ đủ khắp hết các địa danh, quý khách có thể đi trong 2 ngày. Nếu không có quá nhiều thời gian, quý khách có thể đi điểm chính bao gồm Phủ Chính Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Mẫu và Chùa Tiên Hương.
Đây là những địa danh lớn trung tâm trong quần Phủ Dầy, nơi gắn liền với nhiều huyền tích về Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Khi gọi Phủ Dầy còn vì chính nơi này có món bánh dày – giò nổi tiếng, lại có người cho rằng: Kẻ Dày xuất phát từ nơi có gò đất nổi lên hình bánh dầy trước cửa phủ.
Chợ Viềng
Chợ Viềng là một nét văn hóa đặc trưng của cư dân nông nghiệp ĐB sông Hồng (Ảnh sưu tầm)
Chợ Viềng Nam Định là tên gọi chung của 2 khu chợ: chợ Viềng Vụ Bản (hay chợ Viềng Phủ do gần phủ Dầy, xã Trung Thành, huyện Vụ Bản) và chợ Viềng Nam Trực (hay chợ Viềng Chùa do gần chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực). Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ xuân về, người Nam Định cùng với nỗi háo hức đón Tết là niềm mong ngóng chợ Viềng mồng 8 tháng Giêng – phiên chợ “cầu may” có một không hai mở từ đêm mồng 7. Phiên chợ nào cũng đông nghịt người với mong muốn đến chợ Viềng để mua may bán rủi. Bán đi cái xui của năm cũ mua cái may mắn cho năm này chính vì vậy mà người bán chẳng bao giờ nói thách, người mua cũng chẳng bao giờ mặc cả.
Thành phố Nam Định
Tượng đài Trần Hưng Đạo
Tượng đài Trần Hưng Đạo là một trong những biểu tượng của thành phố Nam Định (Ảnh sưu tầm)
Tượng đài Trần Hưng Đạo hay còn gọi là tượng đài Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Tượng đài có tọa lạc nằm trên quảng trường 3 – 2 thuộc thành phố Nam Định và ngay bên hồ Vị Xuyên thơ mộng. Tượng đài được dựng vào năm 2000 nhân kỷ niệm 700 năm ngày mất của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Bức tượng Trần Hưng Đạo được đúc bằng đồng nguyên chất với trọng lượng lên đến 21 tấn, chiều cao tượng lên đến 10,22m được đặt trên một tấm bệ khá cao 6,5m nhìn rất hoành tráng và uy nghiêm.
Cột cờ Thành Nam
Cột cờ Thành Nam nằm trong khuôn viên Bảo tàng Nam Định (Ảnh sưu tầm)
Cột cờ Thành Nam nằm trong khuôn viên Bảo tàng Nam Đinh (Đường Tô Hiệu, P. Ngô Quyền, Tp. Nam Định), đây là một trong những công trình kiến trúc cỗ, là một biểu tượng lịch sử thiêng liêng của mảnh đất Nam Định. Được xây dựng vào thế kỷ thứ XIX, vào năm thứ Ba đời Thiệu Trị triều Nguyễn (1843). Kiến trúc Cột cờ Nam Định cao 24,84 mét gồm hai bệ đáy vuông, chu vi hơn 200 mét. Ngày nay, cột cờ Thành Nam trở thành địa điểm du lịch không thể bỏ qua khi ghé thăm thành phố Nam Định.
Khu di tích Đền Trần
Khu di tích Đền Trần Nam Định là ngôi đền thờ 14 vị vua nhà Trần (Ảnh sưu tầm)
Khu di tích Đền Trần Nam Định bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là: đền Thiên Trường, đền Cố Trạch và đền Trùng Hoa, có kiểu dáng chung và quy mô ngang nhau. Phía trước có cổng ngũ môn. Qua cổng là một hồ nước hình chữ nhật. Chính giữa phía sau hồ là đền Thiên Trường. Lễ khai ấn Đền Trần Nam Định diễn ra từ ngày 14 – 15 tháng Giêng âm lịch.
Hàng năm, tại khu di tích Đền Trần Nam Định sẽ diễn ra 2 lễ hội lớn, đó là Lễ khai ấn Đền Trần đầu xuân và Hội Đền Trần tháng tám, thu hút đông đảo người dân địa phương cùng du khách thập phương về dự, tri ân công đức của 14 vị vua Trần và cầu mong những điều tốt đẹp.
Chùa Phổ Minh
Tháp Phổ Minh trong tờ 100 đồng (Ảnh sưu tầm)
Chùa được xây dựng dưới thời Lý và được triều Trần mở rộng vào năm 1262. Chùa nằm về phía tây cung điện Trùng Quang, nơi các thái thượng hoàng nhà Trần sau khi nhường ngôi cho con về ở. Chùa có quy mô rất bề thế và là nơi tu hành tụng niệm của quan lại, quý tộc cao cấp triều Trần. Chùa tháp Phổ Minh cùng với đền Thiên Trường (thờ các vua Trần) và đền Cố Trạch (thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn) đã tạo thành một khu di tích không những có giá trị về mặt nghệ thuật mà còn mang ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn.
Công trình có giá trị nhất, giữ vai trò chủ đạo của chùa và được bảo tồn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay là tháp Phổ Minh. Do công trình này mà chùa Phổ Minh còn được gọi là chùa Tháp. Tháp Phổ Minh được xây dựng vào năm 1305, dưới thời vua Trần Anh Tông, cao 19,5m, có 14 tầng, lên cao thu hẹp dần và kết thúc bằng một chỏm nhọn hình bầu rượu có nhiều cạnh.
Khu Phố Cổ Nam Định
Đây là nét đặc sắc mà không phải đô thị xưa nào ở Việt Nam giữ gìn được (Ảnh sưu tầm)
Phố cổ Nam Định ra đời chỉ sau phố cổ Hà Nội, cũng đẹp và sầm uất không kém Hà Nội 36 phố phường. Phố cổ Nam Định xưa kia có tới 40 phố, trong đó 35 phố mang tên “Hàng” như Hàng Bát, Hàng Kẹo, Hàng Mâm, Hàng Tiện, Hàng Ghế, Hàng Sắt, Hàng Đồng,…
Những con phố nhỏ nằm sát ngôi thành cổ và trải dài theo ven bờ sông Vị Hoàng (sông Đào, hay còn gọi là sông Nam Định) gắn liền với lịch sử phát triển của Thành Nam. Hiện nay, chỉ còn một vài con phố còn mang tên cổ như: Hàng Tiện, Hàng Cấp, Hàng Thao, Hàng Đồng, Hàng Sắt,… còn lại phần lớn đã được đổi tên.
Bảo Tàng Dệt
Bảo tàng dệt Nam Định được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp cổ (Ảnh sưu tầm)
Bảo tàng dệt Nam Định hay còn gọi là bảo tàng ngành dệt may Việt Nam có tọa lạc nằm tại số 5 đường Hoàng Hoa Thám, thành phố Nam Định. Bảo tàng dệt may Nam Định thuộc khu nhà truyền thống của tổng công ty cổ phần nhà máy dệt Nam Định. Đây chính là cái nôi của ngành dệt Việt Nam và là nơi lưu giữ những giá trị, hiện vật truyền thống chiến đấu, lao động sản xuất của những cán bộ, công nhân ngành dệt may thời xưa.
Huyện Trực Ninh
Chùa Cổ Lễ
Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa cao cao 12 tầng (32m), có 8 mặt (Ảnh sưu tầm)
Được xây dựng từ thời Lý với tên tự là “Thần Quang”, chùa Cổ Lễ, thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh là một quần thể kiến trúc phật giáo độc đáo nổi tiếng của Việt Nam. Theo văn bia chùa Cổ Lễ ghi lại, chùa được xây dựng vào thế kỷ thứ XII thời Lý Thần Tông, trên một nền đất vuông, rộng gần 10 mẫu bắc bộ, cảnh quan sơn thủy hữu tình, xung quanh có sông nhỏ và hồ bao quanh. Ngôi chùa linh thiêng này ngoài thờ Phật, còn thờ Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không, người có công lớn trong việc xây dựng chùa.
Các món ngon Nam Định
Phở bò Nam Định
Phở gia truyền Nam Định với hương vị riêng, khác hẳn Hà Nội (Ảnh sưu tầm)
Khác với phở Hà Nội phở Nam Định có hương vị đậm đà hơn nhờ cốt nước mắm cá, nhắc đến phở Nam Định là nhắc tới Phở Cồ. Nước dùng phở được chế biến từ xương bò ninh nhừ với đầy đủ gia vị hương liệu như như hành khô, gừng nướng đập dập, thảo quả, hoa hồi, quế, đinh hương, hạt ngò gai, thanh quế, nước mắm loại ngon… Bánh phở Nam Định có sợi to bản, thường là loại bánh tráng tay mỏng vừa phải, thái cũng bằng tay, sợi to gấp đôi sợi bánh thái bằng máy phổ biến tại Hà Nội. Những hàng phở Nam Định còn đặc trưng bởi những tảng thịt bò treo trước quầy, những mảng tường ám khói đen kèm theo mùi hương thịt bò.
Nem nắm Giao Thủy
Nem nắm Nam Định đầy đủ lá sung, nước chấm, đinh lăng (Ảnh sưu tầm)
Theo sách vở xưa còn để lại, khi phủ Thiên Trường trở thành kinh đô thứ hai của Vua Trần, các làng nghề truyền thống dần được hình thành và những của ngon vật lạ cả nước đổ về đây để dâng lên vua. Sau khi thưởng thức món nem nắm Nhà Vua khen rất ngon và món nem nắm Nam Định Giao Thủy hay nem thính Nam Định cũng có lai lịch từ thời đó. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, món nem nắm Giao Thủy được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác và đã trở thành “thương hiệu” đặc sản Nam Định. Nem nắm Nam Định được làm từ thịt, bì lợn, thính, tỏi, nước mắm, lá sung, lá đinh năng…
Bún đũa Thành Nam
Bún đũa – đặc sản Nam Định ngon mê ly (Ảnh sưu tầm)
Gần giống như bánh canh ở miền Nam nhưng bún đũa Nam Định có sự khác biệt không thể lẫn: sợi bún to cỡ đầu đũa, mềm nhưng săn chắc chứ không hề nhũn. Bún đũa kết hợp với riêu cua có vị ngọt đậm, nước dùng hơi chua, thơm dậy mùi của cua đồng. Dạo quanh các chợ Ngõ Ngang, chợ Rồng hay phố Hàng Đồng, không nên bỏ lỡ cơ hội để thưởng thức bát bún đũariêu cua có vị chua thanh thanh.
Xôi xíu Nam Định
Xôi xíu Nam Định món ăn ngon không thể bỏ qua (Ảnh sưu tầm)
Xôi xíu là món ăn được tạo nên từ gạo nếp thơm ngon. Và thứ đặc biệt hơn cả tạo nên hương vị độc đáo cho món ăn này chính là xíu đi kèm. Xíu được làm từ thịt, qua quá trình tẩm ướp. Khi nấu lên xíu có vị ngòn ngọt, mằn mặn, cay cay khiến người dùng có những cảm nhận vô cùng khác lạ. Những khách hàng quen thuộc của những quán bán xôi xíu thường chủ yếu là học sinh và những người đi làm. Họ thường ghé vào tiệm xôi xíu bên đường để ngồi ăn vào mỗi sáng. Từ những hạt gạo nếp trắng ngần bóng bẩy, qua bàn tay của người bán hàng. Xôi xíu đã trở thành một món ăn hấp dẫn ngay cả chính người Nam Định và những vị khách thập phương.
Bánh cuốn Làng Kênh
Bánh cuốn làng Kênh giờ đã lan khắp thành Nam (Ảnh sưu tầm)
Đặc biệt, bánh cuốn làng Kênh không có nhân gì cả, chỉ là lớp bánh được tráng, cuốn lại và ăn với thứ nước chấm độc đá và khẩu chả quế. Trải qua những biến cố thời gian, bánh cuốn Kênh, nay là đường Bái, phường Lộc Vượng, TP Nam Định vẫn được duy trì cho tới ngày nay. Bánh cuốn làng Kênh mỏng tang như lụa bạch nhưng vẫn dai, màu trắng ngà mà thanh khiết chứ không nặng đục, vị bánh thơm tho của thứ gạo Mộc Tuyền xưa. Nước chấm phải là thứ nước mắm ngon nguyên chất có độ đạm cao, được pha với nước lọc, giấm trắng, đường theo tỷ lệ nhất định.
Bánh Gai Nam Định
Bánh gai bà Thi chất lượng khác biệt thực khách khó quên (Ảnh sưu tầm)
Theo lịch sử ghi lại thì xuất xứ từ món bánh gai Cầu Ốc xã Lộc Hạ. Với sự độc đáo từ nguyên liệu đến cách làm của loại bánh gai này. Cụ thể nhân bánh được làm bằng hột bàng và gói bằng lá chuối ngự đây cũng là đặc sản Nam Định nổi tiếng. Hương vị của bánh gai Cầu Ốc thì ngọt, bùi, thơm mùi lá gai, béo ngậy của hạt bang làm nao nức lòng người. Theo như nhiều người có kinh nghiệm mua và chọn bánh lâu năm thì dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo được cho là bán bánh chính hiệu.
Cá nướng úp chậu
Cá nướng úp chậu được xem là món hiếm có khó tìm (Ảnh sưu tầm)
Món ăn từ lâu là niềm tự hào của người dân Phương Định, huyện Trực Ninh. Cá không kén mùa nhưng chủ yếu được chế biến và thưởng thức trong những ngày tết cổ truyền. Cá nướng Nam Định tuyệt ngon song không được rao bán như cá kho niêu đất Vũ Đại, Hà Nam. Cá nướng úp chậu tuyệt ngon khi thưởng thức cùng nước chấm pha gừng vừa cay vừa bùi, phảng phất mùi rơm nếp, lá chuối. Món ăn đạt chuẩn khi chín vàng, thơm lựng, ấn vào thấy khô nhờ lượng nhiệt truyền qua lớp chậu dày chứ không để lửa bén vào trong khiến cá cháy đen hoặc chảy nước.
Bánh Xíu Páo
Nhân bánh làm bằng thịt lợn thái hạt lựu (Ảnh sưu tầm)
Ngay cả người Nam Định gốc cũng không còn nhớ chiếc bánh xíu páo nhỏ xinh này xuất hiện từ bao giờ. Bánh xíu páo là một loại bánh có nguồn gốc từ Trung Hoa. Chiếc bánh nhỏ xinh như chiếc bánh bao đã theo chân cộng đồng Hoa kiều di cư đến sống ở Phố Khách (nay là phố Hoàng Văn Thụ và phố Lê Hồng Phong). Đặc biệt hơn cả, vỏ bánh mang màu nâu bánh mật nên nhiều người hay bị lầm tưởng đây là bánh pía của Sóc Trăng. Để làm nên một chiếc bánh xíu páo Nam Định nổi danh khắp nước thì nguyên liệu tạo ra nó cũng khá đơn giản như: thịt lợn, bột mì, húng lìu, dầu hào, trứng, mật ong…và cả những gia vị bí truyền mà chỉ có người làm bánh mới biết.
Bánh nhãn
Bánh nhãn Nam Định được làm từ 4 nguyên liệu chính (Ảnh sưu tầm)
Đặc sản bánh nhãn Nam Định nổi tiếng là vàng óng, tròn như long nhãn. Sở dĩ bánh có tên là bánh nhãn là do dân gian đặt, bánh nhãn không phải được làm từ long nhãn hay có hương thơm của nhãn mà bởi vì những chiếc bánh nhãn này giống hệt như quả nhãn về hình dáng và có màu sắc gần giống với màu của quả nhãn. Nguyên liệu làm bánh chủ yếu là từ thứ bột làm từ loại gạo nếp hương hay nếp cái hoa vàng Hải Hậu. Đây là món quà khi đến Nam Định mà bạn có thể mua tặng, biếu cho người thân rất phù hợp của du khách.
Kẹo Sìu Châu
Kẹo lạc Sìu Châu (Ảnh sưu tầm)
Kẹo này vốn là của một người họ Đỗ quê ở Hưng Yên sang lập nghiệp ở Nam Định làm và nổi tiếng từ những năm 60 của thế kỉ XIX. Cửa hàng ở phố Hàng Sắt dưới là phố có rất nhiều người Thiều Châu. Bí quyết của kẹo Sìu không có gì ghê gớm, nó hầu như chỉ mang tính gia truyền. Lạc chọn kỹ, nấu với mạch nha, chảo “đồng điếu”, cắt thành miếng khi còn đang nóng, bọc bằng bột nếp, ủ cho lên hương. Những thanh kẹo được cắt ngắn, dường như chỉ vừa hai miếng cắn, không mấy mịn màng, thậm chí còn hơi cùn quằn nữa, bám đầy một lớp bột trắng ngà, ăn vào là cứ thấy nó giòn tan đi, rất giòn mà lại rất dễ nhai.
Kẹo dồi
Kẹo dồi lạc Đình Mạnh đặc sản truyền thống của Nam Định (Ảnh sưu tầm)
Kẹo dồi được tạo hình thành từng thanh kẹo trắng tinh, bên trong là nhân đậu phộng đã được rang chín thơm. Đã nổi tiếng từ rất lâu, kẹo được tinh chế bằng phương pháp cổ truyền từ những nguyên liệu chọn lọc: Lạc, đường kính, mạch nha nếp, vừng bóc, bột nếp cái hoa vàng. Kẹo dồi lạc quen thuộc với mọi lứa tuổi, nhâm nhi tách trà hoài cổ kỷ niệm xưa cũ. Kẹo lạc là món quà nhắc về quê hương, về nét văn hóa của người Việt.
Chè kho
Đỗ được chọn làm chè phải ngon, khi nấu lên phải tơi màu vàng ruộm (Ảnh sưu tầm)
Chè kho Nam Định là món ăn dân dã của vùng đất giàu truyền thống văn hóa Nam Định. Đây là món ăn được người Nam Định rất yêu thích. Tuy không cầu kỳ như chè Huế và không nhiều nguyên liệu như chè miền Nam nhưng chè kho Nam Định với vị thơm nồng và ngọt dịu đặc trưng khiến người ăn không thể chối từ. Mặc dù gọi là chè nhưng lại được bày trong đĩa chứ không phải trong cốc. Món chè kho rất đặc biệt: làm từ đậu xanh, nấu ngọt qua một công đoạn nấu mà người Nam Định gọi là kho.
Chuối Ngự chợ Rồng
Chuối ngự là đặc sản Nam Định (Ảnh sưu tầm)
Nam Định có tới 17 khu chợ, chợ Rồng là khu chợ nhộn nhịp và lớn nhất Nam Định. Chợ Rồng xưa nổi tiếng bởi có lụa tơ tằm và chuối ngự, cho đến ngày nay vẫn vậy. Chuối ngự quả nhỏ, thuôn dài, vỏ mỏng, ăn thơm và ngon ngọt tự nhiên hơn nhiều so với các loại chuối thông thường. Mùa chuối ngự, ở chợ Rồng ánh vàng sáng lên rực chợ. Chuối ngự bày bán theo buồng, buồng to chỉ dăm bảy nải. Người mang đi xa thì chọn phần quả còn xanh, người nhà gần thì chọn buồng chuối chín.
Bánh dầy Vị Dương
Bánh dầy Vị Dương thường được giã bằng chày đứng và cối đá loại lớn (Ảnh sưu tầm)
Bánh dầy Vị Dương được giã bằng chày đứng và cối đá loại lớn, hoặc cũng có khi giã bằng chày ngang có cán gỗ qua một lượt vỉ buồm.Vỉ giã bánh dầy không phải bằng cói đơn thuần mà phải được đan bằng thân cây mai đập dập (loại cây thân nhỏ, tròn, cao quá đầu người mọc ở quanh bờ ao). Bánh dầy nặn to hay nhỏ tùy vào việc dùng bánh theo tiết lễ nhưng phải đạt độ vanh, cao thành, mặt bánh bóng mượt xoáy trôn ốc, không chảy nhão. Trong những chuyến du xuân chơi hội Phủ Dày tháng ba và hành hương vui hội Trần tháng Tám âm lịch hàng năm, khách thập phương vẫn không quên ghé qua mua vài cặp bánh dầy Vị Dương vào phủ trước là lễ Mẫu, lễ Đức Thánh Trần, sau mới thưởng thức món ăn mang đậm phong vị vùng miền của quê hương Nam Định.
Bánh chưng bà Thìn
Bánh chưng bà Thìn xuất hiện vào những năm 1948 (Ảnh sưu tầm)
Để có bánh chưng ngon quả cũng là công phu. Sở dĩ bánh chưng tại nơi đây đạt được độ thơm ngon, gây thương nhớ là bởi nguồn nguyên liệu hết sức đặc biệt như sau: Hạt gạo nếp cái hoa vàng ở Hải Hậu, hạt gạo được tắm chung hạt phù sa đỏ nắng Sông Ninh mới đủ độ béo, độ dẻo thơm cho bánh, gừng, đỗ xanh phải được trồng trên đất pha cát, thịt lợn là thịt nóng, thịt tươi hàng ngày.
Discussion about this post