Kinh nghiệm du lịch Ninh Bình

297
SHARES
3.6k
VIEWS

Với thiên nhiên hoang sơ, phong cảnh non nước hữu tình Ninh Bình đang là một điểm du lịch nổi tiếng ở miền Bắc chỉ cách Hà Nội tầm 100km. Đặc biệt là cố đô Hoa Lư nơi gắn với nhiều di tích lịch sử huyền bí. Đó là chưa kể đến thế giới thiên nhiên nguyên vẹn được bảo tồn trong rừng nguyên sinh Cúc Phương, hay sự độc đáo, kỳ thú, hệ động thực vật phong phú, đa dạng của khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, hay tắm mình ở suối nước khoáng nóng Kênh Gà.

Mục lục Ẩn

Ninh Bình hiện là địa điểm du lịch hấp dẫn nhất miền Bắc (Ảnh: RuudNguyen.com)

Nếu bạn đang có ý định đi du lịch Ninh Bình trong thời gian tới thì bài viết này chính là cuốn cẩm nang đầy đủ giúp bạn yên tâm và tự tin hơn. Hãy cùng RuudNguyen.com giúp bạn có thêm kinh nghiệm khi du lịch Ninh Bình nhé.

Giới thiệu về Ninh Bình

Ninh Bình nằm ở vị trí ranh giới 3 khu vực địa lý: Tây Bắc, châu thổ sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Tỉnh này cũng nằm giữa 3 vùng kinh tế: vùng Hà Nội, vùng duyên hải Bắc Bộ và vùng duyên hải miền Trung. Ninh Bình nằm ở trọng tâm của nửa phía Bắc Việt Nam, khu vực các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở ra.

Ninh Bình đã từng được chọn làm bối cảnh cho nhiều bộ phim nước ngoài (Ảnh: Nhung JII)

Ở quê tôi, đẹp và tự hào nhất phải kể đến khu du lịch sinh thái Tràng An vốn được gọi là thành Nam của kinh đô Hoa Lư xưa. Với những dãy núi đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm, cùng quang cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và thanh bình như chốn thiên đường, Tràng An đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới kép vào năm 2014.

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An
Đây là quê em Ninh Bình
Ninh Bình từ thuở Vua Đinh…”

Ninh Bình cách Hà Nội khoảng 93km về phía Nam, giao thông cực kỳ thuận lợi khi có cả QL.1A và đường sắt Bắc-Nam chạy qua. Do đó, bạn có thể Ninh Bình bằng cả đường bộ và đường sắt.

Trải qua nhiều chặng đường lịch sử, tới thời Nguyễn vùng đất này chính thức mang tên Ninh Bình. Trong suốt hành trình gần hai thế kỷ qua, Ninh Bình ít nhất đã có trên 20 lần thay đổi về đơn vị hành chính, địa giới và tên gọi khác nhau, song về cơ bản địa giới và danh xưng tên gọi vẫn được giữ nguyên như hiện nay (trừ 16 năm hợp nhất trong tỉnh Hà Nam Ninh, nhưng thị xã vẫn mang tên Ninh Bình).

Ninh Bình với những nét hoang sơ của rừng núi, với khu du lịch Tràng An, Tam Cốc Bích Động, rừng Cúc Phương với cây trò ngàn năm rất thiêng và cả Chùa Bái Đính lớn nhất Đông Nam Á.

Ninh Bình có cố đô Hoa Lư với 3 triều đại, 6 vị vua (Ảnh: Vũ Kim Thành)

Vùng đất Ninh Bình xưa là kinh đô của Việt Nam giai đoạn 968 – 1010 với 3 triều đại Đinh, Tiền Lê, Tiền Lý và cũng là địa bàn quan trọng về quân sự qua các thời kỳ lịch sử. Hiện nay, với vị trí đặc biệt về giao thông, địa hình, lịch sử văn hóa đồng thời sở hữu 2 khu vực là di sản thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới, Ninh Bình hiện là một địa điểm du lịch có tiềm năng phong phú và đa dạng.

Nên đi du lịch Ninh Bình vào mùa nào?

Bạn có thể du lịch Ninh Bình vào tất cả các mùa trong năm. Tuy nhiên thời điểm đẹp nhất để đi là từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch. Vào tiết xuân, nơi đây không quá lạnh hay quá nóng. Du khách có thể kết hợp du lịch và du xuân vãn cảnh chùa, lễ chùa cầu may.

Tháng 4-5 hàng năm là thời gian du lịch Ninh Bình thích hợp nhất (Ảnh: RuudNguyen.com)

Những ngày hè từ tháng 4 – 6 thì phù hợp với nhiều người nhất. Những điểm du lịch Sinh Thái như Tam Cốc – Bích Động, rừng Cúc Phương, Tràng An đều đông nghịt du khách đến. Hoặc mọi người cùng trải nghiệm vẻ đẹp của những cánh đồng lúa chín rộ ở Tam cốc hay đến rừng Cúc Phương để ngắm hàng ngàn con bướm đậu kín đường. Đây là những khoảnh khắc giúp bạn có những tấm ảnh tự sướng có 1 không 2.

Hướng dẫn đi tới Ninh Bình

Với đường cao tốc, từ Hà Nội đi Ninh Bình giờ chỉ mất khoảng 1h đồng hồ (Ảnh: Anh Phương)

Đường bộ

Từ Hà Nội đến Ninh Bình: Cách Hà Nội 93 km về phía Nam – nơi có quốc lộ 1A, 10, 12A, 12B và cả đường sắt Bắc – Nam chạy qua, bạn có thể về Ninh Bình thông qua nhiều phương tiện khác nhau như tàu hỏa, xe buýt, ô tô riêng hoặc xe máy

Phương tiện công cộng

Các tuyến xe đi Ninh Bình từ Hà Nội đều xuất phát từ bến xe Giáp Bát và kết thúc ở bến xe trung tâm Ninh Bình. Do Tp Ninh Bình cũng nằm ngay sát trên trục QL1A nên ngoài các tuyến xe này, các bạn có thể sử dụng bất cứ một tuyến xe nào khác từ Hà Nội đi vào các tỉnh miền Trung hay miền Nam (hãy lựa chọn các tuyến xe Thanh Hóa, Vinh, Hà Tĩnh… vì các tuyến này số lượng nhiều, chạy khá liên tục)

Phương tiện cá nhân

Nếu sử dụng phương tiện ô tô, từ Hà Nội các bạn có thể đi theo đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình, với khoảng cách khoảng 90km chỉ mất khoảng 1 tiếng các bạn sẽ tới được trung tâm Tp Ninh Bình, từ đây đi tới các địa điểm du lịch trong tỉnh hầu như không quá 30km.

Nếu sử dụng phương tiện xe máy, từ Hà Nội các bạn đi theo đường QL1A cũ qua Hà Nam rồi đi theo hướng Ninh Bình Thanh Hóa.

Đường sắt

Ninh Bình có trục đô thị Tam Điệp – Ninh Bình nằm trên tuyến đường sắt Bắc-Nam. Trên địa bàn tỉnh có các ga Ninh Bình, ga Cầu Yên, ga Ghềnh và ga Đồng Giao. Chính vì vậy, các bạn dù ở trong Nam hay ngoài Bắc đều có thể dễ dàng đến với Ninh Bình bằng các chuyến tàu Thống Nhất.

Giá vé tàu Hà Nội – Ninh Bình dao động từ 90.000 – hơn 200.000đ tùy từng tàu và loại ghế. Lưu ý khi mua vé tàu bạn không nên chọn những chuyến quá muộn có thể làm ảnh hưởng đến lịch trình của bạn.

Đi lại ở Ninh Bình

Taxi

Đây là phương tiện đi lại phổ biến và dễ tìm, nhất là với những nhóm bạn đi đông người hoặc gia đình có trẻ em và người cao tuổi. Ở Ninh Bình chưa có dịch vụ Grab hay uber, xe bus cũng chưa phổ biến tới từng ngóc ngách, các điểm tham quan cũng không sát sàn sạt nhau như khu du lịch phố cổ Hà Nội vì vậy phương tiện di chuyển tiện lợi nhất di chuyển khi ở Ninh Bình là xe đạp, đặc biệt là xe máy. Thường thì ở homestay hoặc khách sạn sẽ có xe đạp, xe máy cho mình đi tham quan những chỗ du lịch xung quanh đấy.

Xe buýt

Hiện tại ở Ninh Bình cũng có một số tuyến xe buýt được mở ra để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân địa phương (và một phần du khách), tuy nhiên không tiện lắm vì các tuyết buýt này không mấy tuyến đi qua các địa điểm du lịch trong tỉnh, nếu các bạn với hành lý gọn nhẹ và rảnh rỗi thì có thể thử khám phá Ninh Bình bằng loại hình phương tiện này.

Lưu trú tại Ninh Bình

Bởi thế nên những khách sạn, Homestay cũng được xây dựng rất nhiều đáp ứng đủ nhu cầu của khách. Bạn cũng nên thuê khách sạn ở trung tâm thành phố và từ đó di chuyển đi các địa điểm du lịch khác.

Ninh Bình là một điạ điểm nghỉ dưỡng hấp dẫn (Ảnh: Anh Phương)

Ngoài những khách sạn sang trọng ra thì bạn cũng có thể lựa chọn những loại hình lưu trú khác như : Nhà nghỉ, Homestay … bình dân có mức giá khá rẻ từ 200k – 300k cho từng loại tiêu chuẩn. Bạn nên lựa chọn những khách sạn nào mà gần trung tâm để ăn uống, mua sắm và đi lại thuận tiện.

Các địa điểm du lịch ở Ninh Bình

Vườn Quốc gia Cúc Phương

Nằm lọt sâu trong lòng dãy núi Tam Điệp, có một mảnh đất đã trở lên vô cùng quen thuộc, thân thương, gợi lên tính hiếu kỳ cho biết bao du khách trong và ngoài nước, đó là Vườn quốc gia Cúc Phương – Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam.

Nếu chọn đúng thời điểm, bạn có thể đến Cúc Phương giữa mùa bướm trắng (Ảnh: Đỗ Xuân Quý)

Ngoài hệ sinh thái động thực vật phong phú đến với vườn quốc gia Cúc Phương bạn còn đượctham gia các chương trình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, lửa trại, mạo hiểm, nghiên cứu và văn hóa lịch sử. Đặc biệt nếu đến Cúc Phương vào tấm cuối tháng 4, tháng 5 sẽ được đắm chìm trong tiên cảnh với muôn ngàn cánh bướm dập dìu (cẩn thận để không bị dị ứng phấn bướm nhé).

Khu du lịch sinh thái Tràng An

Đền Trình

Đền bốn vị công thần khai quốc của vua Đinh Tiên Hoàng đã dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lập ra Đại Cồ Việt. Phần tiền đường thờ hai vị quan trung thần của nhà Đinh, có tước hiệu là Tả Thanh Trù là giám sát đại tướng quân và Hữu Thanh Trù.

Đền được đặt tại chân núi Tràng An theo thế “Ỷ Sơn, diện thuỷ” đã có cách đây hơn 1000 năm về trước. Trải qua bao thăng trầm của thời gian và các công cuộc trùng tu, ngôi chùa đã trở nên khanh trang, to đẹp hơn, được đặt giữa núi rừng Tràng An cảng trở nên trầm lặng và uy nghiêm.

Đền Tứ Trụ

Đền Tứ Trụ nằm cạnh đền Trình, là di tích thờ 4 vị đại thần nhà Đinh gồm Tể tướng Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, Thái sư Lưu Cơ và Thượng thư Trịnh Tú.

Sách Đại Nam Quốc sử Diễn ca cũng như thơ ca dân gian thường nói đến Tứ trụ “Bặc, Điền, Cơ, Tú” tức là bốn người trụ cột của triều nhà Đinh. Tứ trụ là 4 vị quan thân cận, cùng quê hương và cùng tuổi với Đinh Tiên Hoàng Đế, từng giúp vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Các vị đại thần Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú, Lưu Cơ hiện được thờ ở rất nhiều nơi, đặc biệt là vùng Hà Nam – Nam Định – Ninh Bình.

Đền Trần Ninh Bình

Đền Trần Ninh Bình do vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng cùng thời với đền Hùng, sau này vua Trần Thái Tông về đây lập hành cung Vũ Lâm tiếp tục cải tạo bề thế hơn nên được gọi là đền Trần. Đền Trần là nơi thờ thần Quý Minh, vị thần trấn cửa ải phía nam Hoa Lư tứ trấn. Đền còn có tên là đền Nội Lâm (ngôi đền trong rừng). Đền Trần Nội Lâm cùng với Vũ Lâm, Văn Lâm hợp thành Tam Lâm dưới triều đại nhà Trần.

Phủ Khống

Phủ Khống cũng được xây dựng theo hình chữ Đinh, nằm sát chân núi Tràng An. Nơi đây thời 7 vị công thần quan trọng của nhà Đinh. Truyền thuyết kể rằng khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, 7 vị quan trong triều đình đã mang nhiều quan tài chôn theo các hướng rồi cùng tự sát để giữ kín bí mật về ngôi mộ thực sự của nhà vua.

Phủ Khống (Ảnh sưu tầm)

Một vị tướng trấn giữ thành Nam đã vô cùng cảm kích trước nghĩa khí của 7 vị trung thần nên đã lập bát nhang thờ cúng tại đây. Sau khi vị tướng này qua đời, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và trồng một cây thị ngay trước cửa phủ để tưởng nhớ các bậc trung thần

Hành cung Vũ Lâm

Khu du lịch Hành cung Vũ Lâm nằm sâu trong khu vực rừng núi của Quần thể di sản thế giới Tràng An. Nơi đây còn gắn với sự kiện các vua Trần xuất gia tu hành, mở mang phật giáo.

Hành Cung Vũ Lâm nằm sâu trong vùng lõi của khu danh thắng Tràng An (Ảnh: Nhung JII)

Sau khi tham quan hết những hang động kỳ bí, ngắm nhìn những thế núi xếp tầng, du khách sẽ thấy say đắm ngay với dải Phi Vân Sơn hùng vĩ, tươi đẹp, phía dưới là sông ngòi uốn khúc, phía trong lại có các hang xuyên thủy nối liền khi đi qua cụm tâm linh, đặc biệt là “Hành cung Vũ Lâm” thuộc Quần thể Danh thắng Tràng An.

Đền Cao Sơn

Đền Cao Sơn thờ thần Cao Sơn trấn Tây Hoa Lư tứ trấn. Theo như thần phả các đền thờ Cao Sơn ở Ninh Bình thì Cao Sơn đại vương là Lạc tướng Vũ Lâm (tức vùng núi phía tây Ninh Bình ngày nay nên còn được gọi là vị thần tây trấn Hoa Lư tứ trấn), con thứ 17 vua Lạc Long Quân, khi vâng mệnh vua anh (Hùng Vương thứ nhất) đi tuần từ vùng Nam Lĩnh đến vùng Thiên Dưỡng, đã tìm ra một loài cây thân có bột dùng làm bánh thay bột gạo, lấy tên mình đặt tên cho cây là Quang lang (dân địa phương vẫn gọi là cây quang lang hay cây búng báng). Thần đã dạy bảo và giúp đỡ người dân làm ăn sinh sống đồng thời bảo vệ khỏi các thế lực phá hoại vì vậy đã được nhân dân lập nhiều đền thờ

Đền Suối Tiên

Đền Suối Tiên nằm ở thượng nguồn dòng sông Ngô Đồng, thực chất là điểm kéo dài của tuyến du lịch Tam Cốc nhưng lại được kết nối trong tuyến du lịch thứ 2 trong Khu du lịch sinh thái Tràng An. Đền thờ thần Quý Minh trấn Nam Hoa Lư tứ trấn.

Hang Địa Linh

Với chiều dài gần 300m. Đây là hang có nhũ đá đẹp, hiếm có nơi nào có dáng vẻ lộng lẫy như ở đây, hang cũ gọi là hang Châu Báu, vì khi vào trong lòng hang, du khách sẽ có cảm giác như lạc vào kho châu báu mà ngày nay đã hoá thạch.

Hang Nấu Rượu

Hang Nấu Rượu (Ảnh sưu tầm)

Hang Nấu Rượu dài khoảng 250m. Tương truyền, trong hang có mạch nước ngầm sâu hơn 10m, nối ra khu vực Cố đô Hoa Lư. Xưa kia các bậc tiền bối đã vào đây lấy nước nấu rượu tiến vua, trong quá trình nghiên cứu khảo cổ học, các nhà khoa học đã phát hiện ra rất nhiều bình gốm, hũ, vại, và các dụng cụ để nấu rượu nên hang này gọi là hang Nấu Rượu.

Hang Ba Giọt

Hang Ba Giọt có nhiều nhũ đá với đủ màu sắc xuất hiện. Có loại gọi là cây bụt mọc xuyên từ trần ngược xuống. Điểm đặc biệt là các nhũ đá ở hang Ba Giọt không khô như những hang trước mà ướt đẫm và tiếp tục biến hình, hình thành nên những hình dáng, sắc thái mới…

Hang Sính, hang Si và hang Ba Giọt gắn liền với truyền thuyết một câu chuyện tình buồn. Xưa có chàng công tử yêu tha thiết một nàng công nương. Khi chàng gánh sính lễ đến hang Sính để cầu hôn thì nàng đã bị cống nạp cho nước láng giềng. Chàng sang hang Ba giọt tắm gội, sau đó ôm khối tình riêng trầm mình ở hang Si.

Tương truyền ai đi qua hang Ba Giọt mà đón được ba giọt nước từ nhũ đá nhỏ vào lòng bàn tay sẽ may mắn trong cuộc đời và hạnh phúc trong tình yêu.

Hang Bói

Hang Bói là một di chỉ khảo cổ học có giá trị trong quần thể di sản thế giới Tràng An. Lối vào hang sâu thăm thẳm, rậm rạp với nhiều loài cây mọc ken dày, ánh nắng không thể chiếu xuống đất được nên con đường đầy rêu và thảm lá cây.

Hang Bói được phát hiện năm 2002. Lúc đó lòng hang có nhiều vỏ nhuyễn thể, xương động vật và một vài mảnh tước, bằng chứng cho thấy dấu ấn người tiền sử thuộc Văn hóa Hòa Bình sớm cách ngày nay khoảng một vạn năm. Các nhà nghiên cứu thống nhất đặt tên hang Bói vì nó ở trong khu thung Bói gắn với truyền thuyết vua quan nhà Trần từng gieo quẻ bói tại đây.

Cố đô Hoa Lư

Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của Đại Cồ Việt, nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền,cũng như  từng là nơi đóng đô của các triều vua Đinh, Tiền Lê và Lý. Sau khi dời đô về Thăng Long (Hà Nội), thì nơi này đã trở thành Cố đô. Dù các triều vua không đóng đô ở Ninh Bình nữa, nhưng họ vẫn cho tu sửa, xây dựng thêm nhiều công trình kiến trúc ở đây như là chùa chiền, phủ, đình, lăng bổ,… Năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội), Hoa Lư trở thành Cố đô.

Cố đô Hoa Lư (Ảnh: Maria Tuyền)

Cố đô Hoa Lư trở thành quần thể kiến trúc, di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt quan trọng, cần được hết sức gìn giữ của Việt Nam, và cũng là nơi được tổ chức UNESSCO công nhận là một trong bốn vùng lõi thuộc quần thể di sản Thế giới Tràng An. Cùng với bề dày thời gian lên tới hơn 1000 năm, nơi đây là nơi lưu giữ các di tích lịch sử qua nhiều thời đại.

Đền thờ Vua Đinh

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng nằm bên chân núi Mã Yên, Khu di tích lịch sử – văn hóa cố đô Hoa Lư (Ninh Bình). Trải qua hàng trăm năm với nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, đến nay đền thờ vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp cổ kính, uy nghi.

Đền Vua Đinh Tiên Hoàng (Ảnh sưu tầm)

Ngôi đền được xây dựng để thể hiện lòng kính trọng của nhân dân ta với vị vua khai quốc công thần, dẹp loạn 12 sứ quân, lập nên nhà nước phong kiến tự chủ đầu tiên ở Việt Nam

Đền thờ Vua Lê

Đền Vua Lê Đại Hành là một di tích lịch sử văn hóa quốc gia thuộc khu di tích đặc biệt cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Đền thờ Vua Lê Đại Hành, thái hậu Dương Vân Nga, Lê Long Đĩnh, ngoài ra còn có bài vị thờ công chúa Lê Thị Phất Ngân và tướng Phạm Cự Lượng. Đền nằm cách đền vua Đinh Tiên Hoàng 300 mét, thuộc thành Đông kinh đô Hoa Lư xưa, nay là làng cổ Yên Thành, xã Trường Yên, Ninh Bình. Đền vua Lê quy mô nhỏ hơn đền vua Đinh nên không gian trong đền khá gần gũi và huyền ảo.

Chùa Bái Đính

Bái Đính hiện đang là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam (Ảnh: Maria Tuyền)

Quần thể chùa Bái Đính được xây dựng từ năm 2003, có diện tích được xác lập là rộng nhất Việt Nam với 539ha, được bao bọc xung quanh là những vòng cung núi đá vôi kỳ vĩ.

Với kiến trúc đồ sộ, nguy nga, lộng lẫy, những pho tượng có nét uy nghi, bao dung, nghệ thuật chạm khắc, đúc đồng tinh tế, tài tình cùng cảnh quan hùng vĩ, núi gối đầu sông, mây vờn đỉnh núi, không gian tâm linh thanh tịnh bao trùm khiến mỗi khi bước chân đến đây, người người thư thái, lòng sáng, tâm tịnh, hướng đến Chân –  Thiện – Mỹ. 

Khu du lịch Vân Long

Vân Long là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Khu bảo tồn này nằm ở phía đông bắc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Vân Long được đưa vào khai thác du lịch từ năm 1998 và hiện là một trọng điểm du lịch của Quốc gia Việt Nam, là nơi sở hữu 2 kỷ lục của Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam năm 2010 đó là: “Nơi có số lượng cá thể voọc mông trắng nhiều nhất” và “Nơi có bức tranh tự nhiên lớn nhất”. Năm 1999, nơi đây trở thành khu bảo tồn thiên nhiên, được ghi trong danh sách các khu bảo vệ đất ngập nước và danh mục hệ thống các khu rừng đặc dụng Việt Nam.

Du lịch Vân Long bạn sẽ được ngắm cảnh bởi những chiếc thuyền(Ảnh: Vũ Kim Thành)

Không chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên, vùng đất ngập nước Vân Long còn là nơi có cảnh quan hấp dẫn. Vân Long được mệnh danh là “vịnh không sóng” vì khi đi trên thuyền trên đầm, du khách sẽ thấy mặt nước phẳng như một tấm gương khổng lồ. Bức tranh thuỷ mặc phản chiếu rõ từng nét tạc mạnh mẽ của những khối núi đá vôi mang hình dáng đúng với tên gọi như núi Mèo Cào, núi Mâm Xôi, núi Hòm Sách, núi Đá Bàn, núi Nghiên, núi Mồ Côi, núi Cô Tiên… Tuy nhiên, mặt nước ở đây nước không có màu xanh của biển, mà trong vắt hiện rõ nét những lớp rong rêu dưới đáy.

Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động

Tam Cốc, có nghĩa là “ba hang”, gồm hang Cả, hang Hai và hang Ba. Cả ba hang đều được tạo thành bởi dòng sông Ngô Đồng đâm xuyên qua núi. Đến Tam Cốc, bạn có cơ hội chèo thuyền quanh dòng sông Ngô Đồng le lỏi qua các vách núi, khám phá hang động kỳ bí, ngắm cánh đồng lúa chín vàng… tất cả tạo nên một “chốn tiên cảnh” làm khiến bao du khách xao lòng mỗi khi lạc vào.

Tam Cốc (Ảnh: Kiều Thị Thu Thủy)

Bích Động nằm cách bến Tam Cốc 2 km, có nghĩa là “động xanh”, là tên do tể tướng Nguyễn Nghiễm, cha của đại thi hào Nguyễn Du đặt cho động năm 1773. Đây là một trong những thắng cảnh nằm trong nhóm được người xưa gọi là “Nam thiên đệ nhất động”, cụ thể Bích Động được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhị động” tức động đẹp thứ nhì trời Nam (đứng sau động Hương Tích – Nam thiên đệ nhất động ở Hương Sơn và đứng trước động Địch Lộng – Nam thiên đệ tam động ở Kẽm Trống). Bích Động gồm một động khô nằm trên lưng chừng núi (làm chùa Bích Động) và một hang động nước đâm xuyên qua lòng núi (gọi là Xuyên Thủy Động). Phía trước động là một nhánh sông Ngô Đồng uốn lượn bên sườn núi, bên kia sông là cánh đồng lúa. Quần thể danh thắng Tràng An – Tam Cốc được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt và đã được tổ chức UNESCO xếp hạng di sản thế giới.

Hang Múa

Hang Múa nằm dưới chân núi Múa hình quả chuông lớn úp ngược, rộng khoảng 800m2. Từ phía dưới chân núi có thể thấy rõ được những bậc đá trắng dẫn lối đến đỉnh núi, từ xa những bậc thang nối nhau giống như Vạn Lý Tường Thành thu nhỏ. Hai bên bậc thang là những đường trang trí công phu trên đá với hình rồng hoặc phượng được chạm khắc đúng với hình tượng của húng trong nghệ thuật thời Trần, rất sắc nét và đẹp mắt.

Con đường dẫn lên đỉnh núi Múa uốn lượn, quanh co (Ảnh: Anh Phương)

Đường lên đỉnh núi được xây dựng mô phỏng theo kiến trúc Vạn Lý Trường Thành với gần 500 bậc đá. Từ đây, bạn có thể chiêm ngưỡng toàn bộ cảnh đẹp của khu Tam Cốc, danh thắng nổi tiếng ở Ninh Bình. Hang Múa còn được đầu tư xây dựng thành điểm du lịch sinh thái kết hợp thể thao leo núi.

Khu du lịch sinh thái Thung Nham

Khu du lịch vườn chim Thung Nham (hay còn gọi là Thung Chim) thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Nơi đây nằm trong lõi quần thể danh thắng Tràng An nổi tiếng và rất gần với Tam Cốc Bích Động.

Thung Nham là một khu du lịch sinh thái với nhiều địa điểm vui chơi (Ảnh: Trường Giang)

Khu vườn chim là không gian sinh sống của rất nhiều loài chim như cò, vạc, le le, chích chòe,… đặc biệt là hai loài quý hiếm trong sách đỏ là hằng hạc và phượng hoàng. Dãy núi đá vôi sừng sững in bóng trên làn nước xanh cùng những đàn chim chuyền cành tạo nên khung cảnh bình yên thơ mộng hiếm nơi nào có được.

Thạch Bích – Thung Nắng

Thung theo cách gọi của người địa phương là những vùng trũng ngập nước được núi đá vây quanh, và mỗi thung như thế đều có một cái tên riêng. Trước đây vào mùa nước cạn người dân địa phương có thể cấy lúa trên khắp thung nhưng nay do du lịch đầu tư phát triển chính quyền địa phương đã cho đắp đập ngăn nước rút, du khách có thể vào tham quan bất kỳ mùa nào trong năm.

Thuyền đưa khách đi dạo Thung Nắng (Ảnh sưu tầm)

Từ bến đò Thạch Bích chiếc thuyền nan nhỏ bé sẽ đưa bạn lượn lờ quanh các dãy núi đến một thung đầy nắng mà người dân địa phương gọi dân dã là Thung Nắng. Nơi đây đúng như tên gọi nắng chiếu rọi khắp nơi, xuyên qua cành lá, xuyên vào những mái tranh mộc mạc ven bờ, xuyên cả xuống tận đáy nước tạo nên một khung cảnh rực rỡ và yên bình.

Vượt qua quãng đường thủy dài khoảng 3km với hai bên là đồng lúa rì rào, núi non trùng điệp, bên dưới làn nước mát trong veo là hệ động thực vật phong phú. Càng vào sâu khung cảnh càng đẹp, hệ thống hang động càng nhiều, muôn hình muôn vẻ, có những chỗ bạn phải cúi thật thấp đầu để không chạm vào các nhũ đá phía trên trần hang, có những nơi phải ngước nhìn lên thật cao để thu hết vào tầm mắt mình vẻ huyền bí của thiên nhiên ban tặng cho nơi này.

Nhà thờ đá Phát Diệm

Cách thành phố Ninh Bình 28km về phía Nam, Nhà thờ toạ lạc trên một khu đất rộng khoảng 117m, dài 243m, giữa trung tâm thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Đầu thế kỷ XIX nơi đây chỉ là vùng đất bồi với bùn lầy và ngút ngàn cỏ sậy. Năm 1828, Nguyễn Công Trứ được triều đình nhà Nguyễn ở Huế phái ra Bắc với chức “Dinh Điền Sứ” đã khai phá lập ra vùng đất này. Kim Sơn là “núi vàng” và Phát Diệm có nghĩa là “Phát sinh ra cái đẹp”.

Nhà thờ đá Phát Diệm là một công trình kiến trúc khá độc đáo ở Ninh Bình (Ảnh sưu tầm)

Quần thể Nhà thờ đá Phát Diệm được xây dựng nhiều hạng mục khác nhau như: ao hồ, tượng đài, Phương Đình, Nhà thờ lớn, Nhà nguyện kinh thánh Rô Cô, Nhà nguyện kinh trái tim chúa, Nhà nguyện kinh thánh Giu-Se, Nhà nguyện kinh thánh Phê-Rô và các hang đá nhân tạo… Tất cả được bố trí trên một mặt bằng tổng thể hình chữ “Vương”, không gian đóng mở theo phong cách tạo cảnh phương Đông rất rõ nét, trước có hồ, sau có núi, không những làm cho phong cảnh thêm hữu tình mà còn thể hiện tư duy, quan niệm của người Á đông “Tiền có thuỷ, hậu có sơn”, mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp, an lành cho cuộc sống hiện tại và mai sau.

Khu du lịch Kênh Gà Vân Trình

Khu du lịch Kênh Gà – Vân Trình là một trong những khu du lịch lớn nhất ở Ninh Bình. Khu du lịch này nằm ở vùng phân lũ sông Hoàng Long, giáp ranh giới giữa 2 huyện Gia Viễn và Nho Quan được hình thành trên cơ sở đầu tư và kết nối 2 điểm du lịch nổi tiếng là suối nước nóng Kênh Gà và động Vân Trình. Vùng sinh thái tự nhiên này có sự hòa quyện giữa cảnh quan thiên nhiên sông, núi, hồ đầm và cánh đồng nên rất thuận lợi để phát triển du lịch.

Suối khoáng nóng Kênh Gà

Suối nước nóng Kênh Gà thuộc thôn Kênh Gà, Gia Thịnh, Gia Viễn. Suối chảy ra từ lòng một quả núi nằm trên làng nổi Kênh Gà và đổ vào nhánh sông Hoàng Long. Đây là một suối nước khoáng nổi tiếng, có hàm lượng cao các muối natriclorua, kaliclorua, canxiclorua, magieclorua và muối bicacbonat. Nước trong suối không màu, không mùi, vị hơi chát, nhiệt độ ổn định là 53 °C.

Làng nổi Kênh Gà

Ngã ba Kênh Gà là nơi hợp lưu giữa sông Bôi và sông Lạng vào sông Hoàng Long, nơi đây được gọi là Vọng Ấm vì thời tiết luôn luôn ấm, nơi quần tụ của nhiều loài cá và sinh vật dưới nước. Tại đây đã hình thành một làng chài tên gọi Kênh Gà.

Để đến với suối Kênh Gà, du khách phải đi thuyền qua các nhánh sông Hoàng Long vào làng nổi Kênh Gà. Đây là một làng quê hẻo lánh trong khu vực đá vôi vùng chiêm trũng Gia Viễn, Ninh Bình. Làng được bao bọc bởi hệ thống sông Hoàng Long.

Nghề nông ở làng Kênh Gà cũng như các làng kế cận khác thuộc vùng đồng chiêm trũng chỉ có một vụ. Nhưng do ruộng đồng nằm ngoài đê sông Hoàng Long nên phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Khi mùa nước lũ về sớm thì toàn bộ vụ chiêm có thể bị mất trắng. Mùa mưa lũ về cũng là thời điểm sôi động mùa đánh bắt trên sông. Cư dân làng Kênh Gà trú ngụ nằm rải dưới dãy núi từ Đầu Cóc xuống ngã ba sông Kênh Gà. Làng Kênh Gà bao gồm các xóm: xóm Lò, xóm Đá Bia, xóm Vườn Dâu, xóm Kênh Gà và xóm Lỗ Sôi. Tổng dân số làng Kênh Gà gần 3000 người, do cuộc sống sinh nhai nên dân cư không ở thành cụm, mà các nhà dân nằm rải rác khắp trên bãi bồi sông Hoàng Long, có những nhà dân nằm ở vùng đất của địa phương khác như xóm Vườn Dâu đất thuộc xã Gia Phú; Xóm Lò, Đá Bia là vùng đất của xã Đức Long, huyện Nho Quan; cuối làng Kênh Gà là vùng đất xã Gia Minh. Làng Kênh Gà vẫn chỉ là dân ngụ cư ở các vùng các xã.

Làng Kênh Gà có lợi thế là trên bến dưới thuyền, dân làng rất thạo sông nước hoặc điều khiển những con thuyền nhỏ, rất phù hợp với du lịch sinh thái. Tương truyền tên gọi là Kênh Gà là do trên ngọn núi ở đây có hòn đá nhô lên cao hình con gà trống. Làng nổi Kênh Gà được bao bọc bởi các con sông uốn lượn tạo thành 2 ngã ba gần nhau cách nhau khoảng gần 300m là ngã 3 Vườn dâu và ngã 3 Kênh Gà. Vùng ngoài đê sông Hoàng Long là vùng sinh thái. Mùa mưa nơi đây giống như một vùng đầm nước mênh mông. Các dãy núi như ngập mình trong biển nước và bị cô lập thành các đảo nhỏ xanh. Làng nổi Kênh Gà trong tương lai có thể là điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng nổi tiếng của Ninh Bình.

Động Vân Trình

Động Vân Trình là một động lớn có thể xếp vào loại đẹp nhất ở Ninh Bình. Động nằm trong núi Mõ thuộc xã Thượng Hòa, huyện Nho Quan. Động nằm trong một quả núi cao hơn trăm mét. Cửa vào động ở lưng chừng núi, cao khoảng 40 m so với mặt đất. Du khách theo tour du lịch vào thăm động sẽ đi bằng thuyền từ bến sông Hoàng Long. Từ thành phố Ninh Bình có thể đi đến động theo trục đường đại lộ Tràng An từ hồ Kỳ Lân qua khu du lịch sinh thái Tràng An, chùa Bái Đính tới đê Hữu sông Hoàng Long kéo dài tới động.

Động Nham Hao

Động Nham Hao hay động Ngọc Cao là một hang động ướt có chiều dài kỷ lục ở Ninh Bình mới được phát hiện, được xem là một hang động thuộc loại đẹp nhất miền Bắc. Hang động có chiều dài khoảng 3 km nằm dưới lòng núi. Động Nham Hao là thạch động mới được người dân phát hiện cách đây không lâu, vẫn còn khá hoang sơ và kỳ bí. Hang có nhiều động lớn ước độ dài khoảng 3 km nằm sâu trong lòng núi và có nước do đó mà hàng trăm năm qua người dân ít ai biết đến sự bí ẩn của nó.

Hồ Đồng Chương

Trong khi mùa đông mọi người mải mê lên vùng Tây Bắc ngắm tam giác mạch, ngắm hoa dã quỳ, mùa hè đổ xô đi biển, đảo miền trung, tháng 10 mùa nước nổi lại lặn lôi về sông nước miền Tây, Ninh Bình dường như là một địa điểm du lịch bị lãng quên.

Hồ Đồng Chương (Ảnh: wiki.youvivu.com)

Hồ Đồng Chương vằm cách thị xã Ninh Bình khoảng 30km, thuộc địa phần giữa xã Phú Lộc và Phú Long huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Đây là hồ nước ngọt thiên nhiên với khung cảnh hoang sơ và tĩnh lặng. Hồ nằm uốn lượn, xung quanh là các vạt đồi thông xõa bóng mát tạo nên không gian trong lành và thơ mộng.

Hồ Yên Quang

Sớm bên hồ Yên Quang (Ảnh sưu tầm)

Hồ Yên Quang (còn có tên gọi là hồ Nho Quan) là một hồ nước ngọt nằm trên địa bàn xã Yên Quang, huyện Nho Quan tỉnh Ninh Bình và tiếp giáp với Vườn quốc gia Cúc Phương. Hồ Yên Quang cùng với hồ Yên Thắng, hồ Đồng Thái là những hồ nước lớn nhất ở Ninh Bình với diện tích 300 ha và trữ lượng nước 5,6 triệu m³. Hồ Yên Quang được biết đến với những dự án nuôi trồng thủy sản lớn trên hồ. Đây cũng là một hồ câu cá và phát triển du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần ở Ninh Bình.

Núi Non Nước

Núi Non Nước hay được gọi với cái tên là Dục Thúy Sơn do Trương Hán Siêu đặt lại vào đời Trần. Ông đặt với cái tên như vậy có ý nghĩa là con chim trả tắm mình bên dòng sông nước bạc. Là một ngọn núi đẹp nằm ở thành phố Ninh Bình cách về phía Đông Nam. Nằm ở giữa cầu Non Nước và cầu Ninh Bình và ngay ở trên ngã ba sông Vân và sông Đáy.

Một ngôi chùa cổ được khánh thành vào thời vua Lý Nhân Tông và ở ngay dưới chân núi Non Nước Ninh Bình. Gần đây chùa đã được tu sửa lại khang trang hơn những vẫn giữ được nét vẻ linh thiêng của ngôi chùa cổ này. Ngay từ thời Lý ngôi chùa đã xuất hiện tháp trong tháp là Thờ Phật có một tượng Phật chính và một số tượng Phật phụ. Nhưng lại đến thế kỉ XVIII thì lại tách ra làm 2 kiến trúc riêng là: chùa và tháp. Đến thời Trần tháp “Linh Tế” bị đổ vỡ nhưng đến năm 1337 lại được xây dựng lại và từ khi xây dựng lại tháp các văn sĩ đã làm thơ mặc định trên vịnh núi:

“Bóng tháp hình trâm ngọc

Gương soi ánh tóc huyền”

Mỗi năm có hàng triệu khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan chùa Non Nước. Đứng nhìn từ xa du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh sắc yên bình, yên ắng của vùng quê Việt Nam.

Bảo tàng Ninh Bình

Bảo tàng Ninh Bình khánh thành ngày 1/9/1995 nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1945 – 1995). Với 1.200m2 sử dụng, trong đó có 500m2 trưng bày, thông qua các tài liệu,  hiện vật, hình ảnh, Bảo tàng đã phản ánh sinh động vẻ đẹp một vùng đất cổ “Non nước hữa tình” và quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước oanh liệt của nhân dân Ninh Bình. 

Bảo tàng Ninh Bình (Ảnh sưu tầm)

Bảo tàng trưng bày những hình ảnh, hiện vật về lịch sử tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và lịch sử Ninh Bình từ thời Tiền sơ sử. Sưu tập thú rất sinh động và đa dạng (gấu, báo, hổ, nai, hươu, lợn rừng trăn, rắn, sóc, bướm, chim…) và những hình ảnh về các thắng cảnh nổi tiếng ở Ninh Bình chứng minh Ninh Bình – một mảnh đất tươi đẹp, có sơn thanh thủy tú, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và những trung tâm bảo tồn thiên nhiên đặc biệt quý giá như Rừng quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long…

Động Thiên Hà

Động Thiên Hà, ở xã Sơn Hà, huyện Nho Quan (Ninh Bình), nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An, cùng với động Thiên Thanh là 2 di sản thiên nhiên vô cùng quý giá ở Ninh Bình.

Nhũ đá trong lòng động Thiên Hà (Ảnh sưu tầm)

Động Thiên Hà có chiều dài khoảng 700m có vẻ đẹp “sơn thanh, thủy tú”. Động được phát hiện vào năm 2007, sau thời gian dài cửa động bị vùi lấp dưới những lùm cây che kín. Để đến được động, từ bản Thổ Hà sẽ phải đi thuyền gần 1km trên dòng sông bến Đang quanh co uốn lượn. Đến bến thuyền, khách phải đi bộ thêm 500m ven theo chân núi Tướng. Con đường mòn này 2 bên cây cối phủ đầy bóng mát, du khách như lạc vào chốn rừng già hoang vu.

Bước vào cửa động, du khách chưa hết bất ngờ trước vẻ đẹp hư thực của thế giới nhũ đá thì trước mắt đã thấy một luồng sáng từ giếng trời trên cao tỏa xuống, mở rộng không gian và tầm mắt. Động khô dài khoảng 200m, rộng hơn 40m nơi đây không chỉ có những nhũ đá đủ màu sắc, đa dạng, sinh động, lung linh, huyền ảo mà còn có cả tòa “lâu đài đá” với những tích truyện như: voi chầu hổ phục, con khỉ, cáo…

Các món ăn ngon ở Ninh Bình

Cơm cháy Ninh Bình

Món cơm cháy không phải là món ăn cổ truyền của người Ninh Bình, nhưng do một người con cố đô sáng tạo ra và được lưu giữ, phát triển cho tới nay. Để có thể tạo ra món ăn đặc biệt này đòi hỏi người chế biến phải trải qua nhiều công đoạn cầu kì. So với những món truyền thống trước đây thì cơm cháy hiện nay đã có những sáng tạo khác biệt thế nhưng hương vị hầu như vẫn được giữ nguyên.

Cơm cháy, đặc sản nổi tiếng cùng với thịt dê ở Ninh Bình (Ảnh sưu tầm)

Cơm cháy truyền thống thường được ăn cùng với thịt dê núi Ninh Bình, tim cật sau xào cùng cà rốt, cà chua, nấm và hành tây. Cách chế biến món đặc sản này lại khá cầu kì. Muốn cho gạo được thơm ngon người làm phải nấu cùng với than củi trên một chiếc nồi gang dày và để lửa thật nhỏ để tạo cháy ở đáy nồi, sau đó đem phơi nắng càng lâu càng tốt.

Thịt dê núi Ninh Bình

Thịt dê núi Ninh Bình có đặc trưng săn chắc, ít mỡ và có vị thơm. Người ta cho rằng sở dĩ như vậy vì ở Ninh Bình có nhiều núi đá, dê chạy nhảy nhiều nên cơ thịt săn chắc, ít mỡ hơn hẳn dê chăn thả trên đồi. Mặt khác, với địa hình đặc trưng của núi đá vôi ngập nước có rất nhiều các loại rau, cỏ, thảo dược thích hợp là thức ăn cho dê như giò gai, giò vàng, bách bộ, ô zô, lim xẹt, móng bò, dướng, bầu trích, mộc sông, mõm chuột, xoan dù, cà gai leo, tạo nên chất lượng và vị ngon của thịt dê. Một số nguyên liệu và đặc sản sở tại khác cũng góp phần làm nổi bật các món thịt dê Ninh Bình phải kể đến các loại rau ăn kèm đặc trưng địa hình núi đá, rượu Kim Sơn, rượu cần Nho Quan và cơm cháy Ninh Bình.

Thịt dê núi Ninh Bình(Ảnh: Vũ Kim Thành)

Theo đúng chuẩn, thịt có độ mềm vừa phải, không quá dai, có mùi hơi hôi đặc trưng nhưng không nồng như dê vùng khác. Khi ăn, bạn dùng kèm chanh, gừng, ớt, sả, riềng, lá sung, lá mơ, chuối xanh cùng các loại rau sống để làm bớt mùi hôi và làm nổi độ ngọt của thịt lên.

Gỏi cá nhệch Kim Sơn

Để chế biến ra món gỏi cá nhệch đặc sản Kim Sơn, đặc sản Ninh Bình này, chúng ta cần một chuỗi khâu chế biến hết sức kì công. Gỏi cá nhệch món ăn đặc sản Kim Sơn, đặc sản Ninh Bình mang hương thơm bùi bùi của gạo nếp rang, vị chua thanh thanh của dấm xen vào cái vị cay ấm của gừng với tỏi, ớt, tiêu, sả. Gỏi cá nhệch đặc sản Kim Sơn, đặc sản Ninh Bình thơm và bùi, có mùi vị rất đặc trưng, ăn một lần là nhớ mãi không quên.

Gỏi cá nhệch Kim Sơn (Ảnh sưu tầm)

Có nhiều du khách khi đặt chân đến Ninh Binh du lịch được thưởng thức những món ăn đặc sản Ninh Bình, Nhưng không thể quên được gọi cá nhệch đặc sản Kim Sơn, đặc sản Ninh Bình khi đã một lần dùng món ăn đó. Một trong những món ăn đặc sản Ninh Bình được nhiều du khách yêu thích.

Ốc núi Ninh Bình

Loài ốc núi Ninh Bình này cực hiếm vì chúng chỉ sống trong các hang đá, phải đến mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 8 ốc núi mới bò ra tìm kiếm thức ăn và sinh sản. Ốc núi có ở hầu hết các nơi tỉnh Ninh Bình nhưng tập trung nhiều là ở các dãy núi đá vôi Tam Điệp, Yên Mô và Nho Quan, Hoa Lư.

Ốc núi Ninh Bình thơm ngon, thịt dai và ngọt (Ảnh sưu tầm)

Ốc núi rất khó phát hiện, người ta thường phải dậy từ sáng sớm khi ốc bò ra khỏi hang kiếm ăn mới tìm mà bắt được. Thịt ốc núi dai, giòn, ngọt, thơm mùi thuốc bắc. Ốc núi có thể chế biến thành nhiều món như nướng, xào me, hấp gừng, luộc xả hết, trộn gỏi hành tây…đều rất hấp dẫn.

Gà ri Cúc Phương

Gà ri nướng, ngay trong một số quán ăn dọc đường rừng (Ảnh sưu tầm)

Từ lâu, gà ri Cúc Phương đã trở thành loài vật nuôi đặc sản của huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Đây là loài gà được nuôi ở vùng rừng núi Cúc Phương với khí hậu và điều kiện tự nhiên phù hợp khiến thịt gà rất thơm ngon so với những giống gà khác. Nếu ghé Cúc Phương, hãy thưởng thức món ngon Ninh Bình này nhé.

Cá rô Tổng Trường

Cùng với giống cá tràu tiến vua (cá trèo đồi), cá rô Tổng Trường là thuỷ đặc sản quý hiếm phân bố ở các hang động, ruộng trũng, hệ sinh thái đất ngập nước vùng Hoa Lư (Ninh Bình). Cá rô Tổng Trường là loại cá rô sống ở môi trường hang động ngập nước vùng đất Hoa Lư, Ninh Bình. Gọi là cá rô Tổng Trường vì loài cá này được phát hiện thấy ở vùng hang động ngập nước thuộc Tổng Trường Yên, nay là quần thể di sản thế giới Tràng An ở huyện Hoa Lư.

Cá rô tổng trường trong bữa ăn gia đình hàng ngày (Ảnh sưu tầm)

Cá rô Tổng Trường có hình thái giống cá rô đồng song do sống lâu năm ở vùng đầm lầy, hang động Hoa Lư nên có một số biến dị. Cá có màu xanh xám, phần bụng có màu sáng hơn phần lưng, với một chấm màu thẫm ở đuôi và chấm khác ở sau mang. Các gờ của vảy và vây có màu sáng. Nắp mang cá có hình răng cưa. Chúng có một cơ quan hô hấp đặc biệt dưới mang là mang phụ, cho phép chúng có thể hấp thụ được ôxy trong không khí. Chúng có răng chắc, sắc, xếp thành dãy trên hai hàm, trên hai hàm còn có răng nhỏ nhọn: hàm răng ở giữa to hơn hai bên và răng có trên xương lá mía.

Dứa Đồng Giao

Dứa Đồng Giao là thương hiệu nông sản của vùng đất Tam Điệp, Ninh Bình. Quả dứa Đồng Giao có mặt trong sách Top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam. Dứa Đồng Giao cùng với cá rô Tổng Trường, dê núi và cơm cháy Ninh Bình được coi là những đặc sản ẩm thực tiêu biểu của Ninh Bình.

Trang trại dứa này nằm ở Đồng Giao, thuộc thành phố Tam Điệp – tỉnh Ninh Bình, chỉ cách Hà Nội khoảng 100km. Bạn có thể đến đây bằng một trong hai loại phương tiện: xe khách hoặc xe máy. Tuy nhiên, nếu muốn tiết kiệm thời gian và chủ động hơn trong khi di chuyển thì xe máy vẫn là lựa chọn phù hợp hơn cả.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch đồi dứa Tam Điệp, Ninh Bình

Bún mọc Tố Như

Bún mọc có lẽ không còn xa lạ với mọi người, tuy nhiên ở mỗi vùng khác nhau thì món ăn này cũng được chế biến và thưởng thức theo những cách khác nhau. Các bạn mà có dịp dịp ghé thăm thị trấn Phát Diệm (huyện Kim Sơn, Ninh Bình), ngoài việc tham quan nhà thờ đá Phát Diệm thì đừng quên thưởng thức món bún mọc Tố Như.

Mọc Kim Sơn khiến bát bún trở nên đặc biệt (Ảnh: thegioiamthuc.com)

Cũng như tên gọi, bún mọc Tố Như gồm có bún, mọc, nước dùng và thứ ăn kèm (rau sống) của nhà hàng Tố Như. Để có được bát bún ngon, người làm bún phải rất kỳ công từ khâu chọn gạo xay, sàng, lọc sao cho khi chế biến sợi bún trắng, dẻo, săn tròn. Việc làm mọc còn cầu kỳ hơn. Thịt phải là thịt bắp, lọc hết gân mỡ ra mới cho xay giã, ướp gia vị, viên thành từng viên nhỏ, thả vào nồi nước sôi, sau 7 đến 10 phút, viên mọc đã nổi lên trên mặt nước trắng hồng, trong suốt, một mùi thơm ngọt lan nhẹ xung quanh.

Xôi trứng kiến Nho Quan

Xôi là một món ăn phổ biến với người Việt, nhưng không phải ai cũng biết đến đặc sản xôi trứng kiến quý hiếm, độc đáo của vùng Nho Quan (Ninh Bình).

Xôi trứng kiến (Ảnh sưu tầm)

Hàng năm vào tháng 2 âm lịch, người dân địa phương lại bắt đầu hành trình đánh trứng kiến. Phải quan sát kỹ, chọn những tổ căng tròn có nhiều trứng. Trứng kiến mang về được rửa nước ấm, ráo nước, tẩm ướp gia vị rồi chế biến thành món ăn độc đáo này. Xôi trứng kiến Nho Quan là quà đặc biệt mà thiên nhiên ưu ái cho con người và vùng đất Ninh Bình, ai một lần được thưởng thức hẳn sẽ nhớ mãi không quên

Cá chuối nướng Vân Long

Cá chuối nướng trên than hồng (Ảnh sưu tầm)

Là đặc sản quý của đầm Vân Long, được phát hiện đầu tiên ở hang Cá. Cá chuối Vân Long có thân hình to, tròn, sống trong các hang động ngập nước nên có hình dáng đặc trưng. Món cá chuối nướng Vân Long là một đặc sắc ẩm thực của vùng đất phía bắc Gia Viễn. Trong danh sách các món ngon Ninh Bình không thể thiếu món cá nướng này rồi.

Miến lươn Ninh Bình

Miến lươn ấn tượng nhất ở nước dùng được ninh kỹ từ xương lươn cùng xương ống, nhờ đó mà nước có được hương vị đậm đà, thơm ngon, và có màu đục. Thịt lươn được lọc kỹ, rim theo công thức riêng nên khi ăn cũng có hương vị rất khác, thơm béo và ngọt vị đậm đà.

Miến lươn Ninh Bình (Ảnh sưu tầm)

Những con lươn được lựa chọn là lươn cốm, thịt ngọt mà dai và chắc. Ngoài ra, có một điểm vô cùng chú ý ở bát miến lươn này, đó là những sợi miến dai dai, để bao lâu trong bát cũng không bị nát hay nhũn quá, ăn vẫn có độ sần sật vừa đủ.

Cá kho gáo

Nghe qua cái tên cá kho gáo nhiều người lại lầm tưởng là cá kho bằng gáo, nhưng thực chất món cá kho gáo ở đây là kho cá với quả gáo. Gáo là một loại cây tầm nổi thường mọc ở khe suối hoặc chân đồi.

Cá kho gáo (Ảnh sưu tầm)

Quả gáo có vị chua, hơi ngọt mát và có mùi thơm nên thường được dùng để nấu các món canh chua thay me, sấu tuy nhiên ngon hơn cả là món cá kho gáo – món ăn trở thành đặc sản Ninh Bình mỗi khi nhắc tới món ngon đất cố đô Hoa Lư. Với hương vị rất đặc biệt, món cá kho gáo lại trở thành món ăn nổi tiếng đặc sản Ninh Bình. Chế biến món ăn này tuy không khó nhưng cũng cần những bí quyết riêng trong khâu chọn nguyên liệu và cách làm.

Đặc sản của Ninh Bình

Ngoài những món ăn ngon ở Ninh Bình mà các bạn có thể thưởng thức trong suốt hành trình khám phá mảnh đất cố đô, Ninh Bình còn có rất nhiều đặc sản mà các bạn có thể mua về làm quà cho gia đình và bạn bè.

Nem chua Yên Mạc

Nem chua Yên Mạc (Ảnh sưu tầm)

Nem chua Yên Mạc là đặc sản của Ninh Bình, do con gái của quan Thượng thư Phạm Thận Duật là Phạm Thị Thư sáng tạo nên dựa trên món nem chua cung đình Huế triều Nguyễn. Ăn nem chua Yên Mạc ngon nhất là ăn kèm với các loại lá sung, lá mơ, lá đinh lăng. Chỉ cần lấy đôi đũa xắn miếng nem ra là thấy một màu hồng rực của nem chua, xen lẫn là những sợi bì trắng tinh. Nem có vị hơi chua chua, chấm với nước mắm nhĩ hoặc nước mắm tỏi ớt là ngon vô địch.

Mắm tép Gia Viễn

Mắm tép Gia Viễn (Ảnh sưu tầm)

Mắm tép Gia Viễn Ninh Bình cũng giống như mắm tép ở các vùng khác với nguyên liệu chủ yếu là làm từ những con tép riu còn tươi, có hình dáng nhỏ, thân tròn màu xanh lam hoặc màu đỏ và ngon nhất vẫn là tép ở sông Hoàng Long. Sản phẩm mắm tép Gia Viễn có màu đỏ tươi đẹp mắt, lại có mùi thơm và vị mặn ngọt đặc trưng mắm tép. Mắm tép Gia Viễn có độ sánh vừa phải, không quá lỏng, vị mặn ngọt hòa quyện vừa ăn, kích thích vị giác, đã thử một lần khó mà quên được.

Rượu cần Nho Quan

Rượu cần Nho Quan là loại rượu không qua chưng cất lửa. Người ta dùng gạo nếp xay (gạo lứt) nấu thành cơm trộn đều với men đem ủ vào trong ang hoặc vò sành từ 3 tháng trở lên mới đem ra uống.Khi sắp uống, đem đổ nước vào ang. Nước đầu bao giờ cũng ngon và ngọt, đổ nước tiếp, rượu sẽ nhạt dần. Uống rượu cần không dùng chén, mà phải có các cần rượu làm bằng thân các cây trúc được thông rỗng bên trong cắm vào ang rượu. Rượu cần ngon hay không là do mem làm có chất lượng không. Men rượu phải là vỏ cây mun cùng với củ giềng, củ gừng, lá ổi xanh theo tỷ lệ nhất định, đem giã vắt lấy nước rồi trộn với bột gạo nếp. Sau đó nặn thành bánh tròn bằng quả ổi nhỏ ủ vào trấu cho phồng lên, để khô khoảng 10 ngày mới dùng được. 
Rượu cần uống phải đông người mới vui, uống để chuyện trò, giao lưu tình cảm. Chất ngọt thơm nồng của rượu và hơi thở, nhịp tim, ánh mắt, nụ cười của những người cùng uống tạo nên cái say nhẹ nhàng, cảm giác lâng lâng, khoan khoái như mãi níu kéo, gọi mời dù bạn mới chỉ thưởng thức lần đầu.

Rượu nếp Kim Sơn

Rượu Kim Sơn ủ từ men thuốc bắc lên men chung với loại gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon của vùng, trải qua quá trình chưng cất hết sức tỷ mỷ mới có được những chai rượu thơm ngon nổi tiếng đó. Rượu thường có nồng độ cao, tuy nhiên không gây sốc khi uống đối với những người lần đầu thử rượu. Tuy thế nhưng rượu để càng lâu thì uống càng êm và ngon hơn.

Khoai Hoàng Long

Củ khoai lang Hoàng Long có vỏ màu hồng nhạt, ruột vàng đậm như nghệ, khi chí ăn không quá bở, độ ngọt vừa phải. Tuy nhiên, do khả năng chịu hạn, rét kém, dễ bị hà nên người nông dân phải lưu tâm chăm sóc để có thể thu hoạch được những củ khoai lang thơm ngon nhất.

Khoai Hoàng Long mềm ngọt và thơm (Ảnh sưu tầm)

Khoai lang Hoàng Long có thân màu tím đỏ, lá già thì có màu xanh tím, gân lá tím, mặt dưới lá tím và lá hình tim. Đây là giống cây có thời gian sinh trưởng ngắn, thích hợp trồng tại các vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ hay trên các loại đất cát pha. Thường thì người dân sẽ trồng loại khoai lang này vào cuối tháng 9, và đặt dây kiểu dọc luống.

Lịch trình du lịch Ninh Bình

Hà Nội – Hoa Lư – Tam Cốc – Bích Động (1 ngày)

Ninh Bình là địa điểm hấp dẫn cho mọi lứa tuổi (Ảnh: Vũ Kim Thành)

Sáng khoảng 8h xuất phát từ Hà Nội đi thẳng xuống Ninh Bình, từ đây đi đến Cố đô Hoa Lư, thăm đền vua Đinh và vua Lê. Ở đây dạo chơi, ngắm cảnh rồi đến trưa tìm một nhà hàng nào đấy để nghỉ ngơi ăn trưa, nhớ thưởng thức các đặc sản thịt dê cơm cháy nhé.

Nghỉ ngơi xong thì tiếp tục từ Hoa Lư đi Hang Múa. Ở đây chơi bời chụp ảnh các kiểu xong thì di chuyển sang khu Tam Cốc Bích Động gần đấy, làm một tour đi hết Tam Cốc Bích Động thì đến chiều là vừa. Kết thúc hành trình, quay trở lại Hà Nội.

Hà Nội – Tràng An – Bái Đính – Hoa Lư (1 ngày)

Sáng từ Hà Nội khởi hành đi Ninh Bình, nếu đi theo đường cao tốc thì chỉ chừng hơn 1 tiếng là bạn có mặt ở Tp Ninh Bình. Từ đây bắt đầu đi tới khu du lịch Tràng An.

Khoảng 9h bắt đầu đi khám phá Tràng An bằng thuyền, tùy thuộc lịch trình mà các bạn mất khoảng 2-3 tiếng để khám phá hết nơi này. Sau khi rời Tràng An, đến khu di tích Cố đô Hoa Lư, tham quan khu đền vua Đinh, vua Lê. Nghỉ ngơi ăn trưa tại một nhà hàng nào đó.

Chiều đi thăm chùa Bái Đính, đây là quần thể chùa rất nổi tiếng ở Việt Nam với nhiều kỷ lục được xác nhận. Kết thúc hành trình các bạn trở lại về Hà Nội.

Hà Nội – Cúc Phương – Bái Đính – Tràng An – Vân Long (3 ngày 2 đêm)

Ngày 1: Hà Nội – Ninh Bình – Cúc Phương

Sáng khởi hành từ Hà Nội, khoảng 3 tiếng sẽ xuống đến cổng vườn quốc gia Cúc Phương, ăn trưa tại Cúc Phương. Tham quan rừng Cúc Phương, Cây Trò ngàn năm, các địa danh dọc theo chặng đường từ cửa rừng vào trong.

Tối ngủ một đêm tại Cúc Phương

Ngày 2: Cúc Phương – Bái Đính – Hoa Lư – Tràng An

Buổi sáng trả phòng, ăn sáng rồi từ Cúc Phương khởi hành đi chùa Bái Đính, ngôi chùa có quy mô hoành tráng và lớn bậc nhất. Từ Bái Đính tiếp tục di chuyển đi đến cố đô Hoa Lư. Sau khi thăm đền vua Đinh, vua Lê và khám phá cố đô, các bạn nghỉ ngơi ăn trưa rồi tiếp tục di chuyển đến khu du lịch Tràng An. Lựa chọn một trong 2 tuyến di chuyển ở đây, chiều về Tp Ninh Bình Nghỉ Ngơi

Ăn tối và ngủ đêm tại Tp Ninh Bình

Ngày 3: Ninh Bình – Vân Long – Kênh Gà – Hà Nội

Buổi sáng dậy trả phòng, từ Tp Ninh Bình đi đầm Vân Long. Đây cũng là một trong những nơi thực hiện các cảnh quay của Kong : Skull Island. Trưa từ Vân Long về thẳng khu suối nướng nóng Kênh Gà ăn uống, nghỉ ngơi và tắm suối nước nóng.

Chiều khởi hành về Hà Nội.

Hà Nội – Nhà thờ Phát Diệm – Tràng An – Bái Đính (2 ngày 1 đêm)

Ngày 1: Hà Nội – Ninh Bình – Phát Diệm – Động Thiên Hà

Từ Hà Nội khởi hành đi thẳng nhà thờ đá Phát Diệm. Đây là một quần thể nhà thờ công giáo với kiến trúc độc đáo và đặc sắc, được xây dựng chủ yếu bằng đá và gỗ trong một thời gian dài từ 1875 đến 1899.

Nghỉ ngơi ăn trưa. Chiều từ Phát Diệm đi tham quan Động Thiên Hà. Tuy động không lớn nhưng do nằm ngay trong dải núi Tướng, vốn là một phần của bức tường thành thiên nhiên vững chắc bao bọc, bảo vệ kinh thành Hoa Lư thế kỷ 10, nên động Thiên Hà được nhiều du khách tìm đến để hiểu thêm về vùng đất cố đô.

Chiều tối quay lại Tp Ninh Bình, thuê khách sạn tại Tp Ninh Bình để nghỉ ngơi, tối nhớ thưởng thức các đặc sản của Ninh Bình

Ngày 2: Tràng An – Hoa Lư – Bái Đính – Hà Nội

Từ Tp Ninh Bình di chuyển tới khu du lịch Tràng An, chọn 1 trong 2 tuyến khám phá Tràng An để đi. Sau khi kết thúc hành trình ở đây thì tiếp tục đi tới cố đô Hoa Lư thăm đền vua Đinh, vua Lê

Trước khi trở lại Hà Nội, các bạn nhớ ghé thăm chùa Bái Đính, một ngôi chùa mới được xây dựng với rất nhiều kỷ lục Việt Nam được xác lập.

5/5 - (1 bình chọn)

Related Posts

Next Post

Discussion about this post

Login to your account below

Fill the forms bellow to register

Retrieve your password

Please enter your username or email address to reset your password.