Phú Thọ thuộc vùng Đông Bắc của nước ta, Phú Thọ sở hữu vị trí đắc địa có lợi thế. Phía Đông Nam giáp Hà Nội, phía Bắc giáp Tuyên Quang và Yên Bái, phía Đông giáp Vĩnh Phúc, phía Nam giáp Hòa Bình và phía Tây giáp với Sơn La. Phú Thọ là tỉnh có một vị trí trung tâm chuyển tiếp giữa miền núi phía Bắc và đồng bằng, đỉnh của tam giác Châu Thổ đồng bằng Bắc Bộ. Tự nhiên đã ban tặng cho Phú Thọ nhiều cảnh quan thiên nhiên đặc sắc vô cùng quý báu để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Đây cũng là mảnh đất cội nguồn của dân tộc có truyền thống lịch sử văn hóa gắn liền với suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Hãy cùng RuudNguyen.com khám phá mảnh đất và con người nơi đây nhé.
Giới thiệu chung về Phú Thọ
Được thiên nhiên ban tặng ưu đãi với địa hình chuyển tiếp giữa đồng bằng với trung du miền núi, nên sở hữu cả đồng bằng phì nhiêu, núi non hiểm trở và các ngọn đồi trung du san sát nhau. Khi đi du lịch Phú Thọ bạn sẽ được trải nghiệm những loại hình du lịch khác nhau như: Tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và khu du lịch sinh thái.
Một góc thị xã Phú Thọ (Ảnh sưu tầm)
Với những tiềm năng và lợi thế đó, du lịch Phú Thọ có điều kiện phát triển nhiều loại hình du lịch: du lịch tâm linh hướng về cội nguồn; du lịch di tích lịch sử văn hóa; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; tham quan danh lam thắng cảnh.
Phú Thọ là một tỉnh Trung du miền núi phía Bắc của Việt Nam, có vị trí trung tâm vùng và là cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội. Tỉnh Phú Thọ nằm trên trục hành lang kinh tế Hải Phòng – Hà Nội – Côn Minh (Trung Quốc). Phú Thọ cách sân bay quốc tế Nội Bài 50km, cách Trung tâm thành phố Hà Nội 80km, cách cảng Hải Phòng 170km, cách cửa khẩu quốc tế Hà Khẩu (giữa Lào Cai – Việt Nam và Vân Nam – Trung Quốc) và cửa khẩu Thanh Thủy – Lạng Sơn 200km và là nơi hợp lưu của ba con sông lớn: sông Hồng, sông Đà và sông Lô.
Vị trí địa lý của Phú Thọ đã tạo cho Phú Thọ có nhiều điều kiện thuận lợi và tiềm năng to lớn để sản xuất kinh doanh, giao lưu, phát triển kinh tế với cả trong nước và ngoài nước.
Không những thế Phú Thọ còn là mảnh đất cội nguồn, vùng đất tổ của dân tộc Việt Nam. Tại đây có đền thờ các Vua Hùng và hệ thống di tích lịch sử, lễ hội dày đặc, mỗi lễ hội có một sắc thái riêng đặc sắc và độc đáo, là tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch, dịch vụ.
Đền Hùng – Là một trong những nơi cổ kính nhất thờ tự các Vua Hùng. Từ xưa đến nay nơi đây còn là nơi tụ hội và thể hiện sức mạnh, ý chí đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam ngày nay. Trên mảnh đất này còn lưu giữ hơn 1.300 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 01 di tích quốc gia đặc biệt, 73 di tích quốc gia, 219 di tích cấp tỉnh và hàng trăm lễ hội dân gian đặc sắc như lễ hội đền Hùng, lễ hội đền Mẫu Âu Cơ, lễ hội Trò Trám, lễ hội rước Chúa Gái, lễ rước kiệu Hùng Lô, hội Phết Hiền Quan… cùng các làn điệu dân ca Xoan, Ghẹo. Trong đó, Hát Xoan đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại là nguồn di sản văn hóa vô giá mang đậm bản sắc văn hóa nguồn cội và đó chính là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn độc đáo tạo nên sức hấp dẫn lớn đối với du khách thập phương.
Dù đi ngược về xuôi thì cũng nhớ ngày giỗ Tổ nhé (Ảnh sưu tầm)
Với các điểm đến tâm linh hấp dẫn: Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, đền Mẫu Âu Cơ, đình Hùng Lô, đình Lâu Thượng, đền Lăng Sương, thành phố lễ hội Việt Trì…, các điểm đến danh lam thắng cảnh được thiên nhiên ưu đãi ban tặng: Vườn Quốc gia Xuân Sơn với hệ thống rừng nguyên sinh, hang động kỳ thú và thác nước; khu nước khoáng nóng có lợi cho sức khỏe Thanh Thủy, đầm Ao Châu, Ao Giời – suối Tiên… Phú Thọ có điều kiện phát triển nhiều loại hình du lịch: du lịch tâm linh hướng về cội nguồn, du lịch di tích lịch sử văn hóa, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, tham quan danh lam thắng cảnh….
Du lịch Phú Thọ vào thời gian nào?
Các lễ hội lớn nhỏ của Phú Thọ diễn ra rải rác suốt năm nên nếu muốn tham gia lễ hội nào, bạn chỉ cần lên lịch trình xuất phát vào ngày gần đó hay ngay ngày diễn ra lễ hội. Một lễ hội lớn mà bạn không nên bỏ qua ở Phú Thọ là lễ giỗ các vua hùng vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm.
- Nếu thích khám phá du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở Phú Thọ, các bạn không thể bỏ qua Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Thời điểm thích hợp để đến với Xuân Sơn là khoảng từ tháng 4-8, lúc này chưa bước vào mùa mưa bão của miền Bắc, thời tiết oi nóng nên việc vào rừng khám phá sẽ rất tuyệt vời.
- Nếu muốn đến tắm thư giãn tại khu suối khoáng nóng Thanh Thủy, các bạn hãy chọn thời điểm mà thời tiết hơi se lạnh (trước khi bước sang mùa đông miền Bắc, với những đợt rét buốt). Ngâm mình trong làn khoáng nóng vào thời điểm này sẽ là một trải nghiệm thú vị.
Hướng dẫn đi tới Phú Thọ
Phương tiện cá nhân
Thành phố Việt Trì cách trung tâm thủ đô Hà Nội 80 km, cách sân bay quốc tế Nội Bài 50 km và nằm đối diện với huyện Ba Vì, Hà Nội nên bạn hoàn toàn có thể lên kế hoạch cho một chuyến phượt ngắn ngày (thăm vài điểm) hay dài ngày (tham quan tất cả các thắng cảnh của Phú Thọ).
Phương tiện công cộng
Đường sắt
Phú Thọ nằm trên hành trình của tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai, tàu này dừng ở một số ga ở Phú Thọ nhưng trong đó có 2 ga chính là ga Việt Trì và Thị xã Phú Thọ.
Từ ga Hà Nội có 2 chuyến tàu có dừng ở ga Việt Trì là tàu YB3 và tàu SP3. Tàu YB3 xuất phát từ Hà Nội lúc 6h10 và đến Việt Trì lúc 8h20. Tàu SP3 xuất phát từ Hà Nội lúc 22h và có mặt ở Việt Trì lúc 23h50. Dừng ở ga Tiên Kiên chỉ có tàu YB3 lúc 8h55.
Nếu đi Đền Hùng các bạn có 2 lựa chọn. Xuống ga Việt Trì rồi đi bộ ra đường Hùng Vương để bắt xe buýt số 19, tuyến buýt này sẽ đi ngang qua gần Đền Hùng. Xuống ga Tiên Kiên (Lâm Thao) rồi đi xe ôm hoặc taxi vào Đền Hùng (từ đây vào đền Hùng còn khoảng 4km).
Đường bộ
Từ Bến xe Mỹ Đình hàng ngày có rất nhiều các tuyến xe đi tới các huyện của Phú Thọ, các bạn có thể thoải mái lựa chọn nhà xe phù hợp với lịch trình của mình.
Bạn có thể bắt xe tại bến Mỹ Đình hoặc liên hệ với một số nhà xe uy tín có điểm đến tới Phú Thọ như: Hải Thường, Hiếu Nghĩa, Mạnh Nga…
Nếu muốn đi Đền Hùng bằng xe khách, các bạn chỉ cần lựa chọn các nhà xe có lộ trình đi Thị xã Phú Thọ, các xe này sẽ đi ngang qua cửa Đền Hùng.
Đi lại ở Phú Thọ
Để đi lại ở Phú Thọ khi đến đây bằng phương tiện công cộng, các bạn có thể sử dụng xe buýt, xe ôm, taxi hoặc thuê xe máy.
Tuy các dịch vụ cho thuê xe máy ở Phú Thọ chưa phát triển nhưng nếu thực sự bạn cần thuê, có thể vận dụng một vài mẹo nho nhỏ để có thể tìm được các địa điểm có thuê xe máy này.
- Các cửa hàng cầm đồ: Đây là một kho các loại xe máy cũ, rất nhiều các loại xe cho các bạn lựa chọn, có thể thuê theo giờ, theo ngày và thậm chí cả thuê theo tháng.
- Các khu vực xung quanh các trường đại học, cao đẳng: Những địa điểm này thường rất hay có các cửa hàng cho thuê xe máy phục vụ cho nhóm đối tượng là sinh viên các trường này.
Lưu trú ở Phú Thọ
Ngoài đền hùng, đến Phú Thọ bạn cũng có thể khám phá những nơi đẹp tuyệt như suối Tiên, hang Lạng, đầm Ao Châu và thưởng thức đặc sản thơm ngon hấp dẫn của vùng trung du này.
Khách sạn nhà nghỉ ở Phú Thọ
Để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch ngày một lớn, trong những năm qua, hệ thống các cơ sở lưu trú, các cơ sở kinh doanh du lịch dịch vụ, các khu, điểm tham quan, vui chơi giải trí từng ngày được đầu tư cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, Phú Thọ đã có trên 300 cơ sở lưu trú du lịch với chất lượng các dịch vụ du lịch đang ngày được nâng lên, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của du khách đến với Phú Thọ.
Homestay ở Phú Thọ
Homestay ở Phú Thọ tập trung nhiều ở Vườn Quốc Gia Xuân Sơn (Ảnh sưu tầm)
Homestay đang là một trào lưu được giới yêu du lịch đặc biệt yêu thích và du lịch Phú Thọ cũng không nằm ngoại lệ. Sự ra đời của những Homestay tại Phú Thọ đã đáp ứng được nhiều lựa chọn lưu trú hơn cho khách du lịch, đặc biệt là những bạn trẻ.
Các địa điểm du lịch ở Phú Thọ
Việt Trì
Đền Hùng
Đền Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Khu di tích đền Hùng là một quần thể kiến trúc thâm nghiêm trên núi Nghĩa Lĩnh.
Khu di tích Đền Hùng, điểm đến nổi tiếng ở Phú Thọ (Ảnh sưu tầm)
Từ Hà Nội theo quốc lộ số 2 đến thành phố Việt Trì (84km) đi tiếp khoảng 10km đến ngã ba Hàng rẽ về bên trái 3 km là đến khu di tích. Khu di tích lịch sử đền Hùng gồm có đền Hạ và chùa, đền Giếng, đền Trung, đền Thượng, lăng vua Hùng.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Đền Hùng
Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân
Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ). Nơi đây không chỉ gắn liền với truyền thuyết “con rồng cháu tiên” mà còn nổi tiếng bởi sự trang nghiêm, hoành tráng của ngôi đền, bởi địa thế đắc địa trong phong thủy “sơn chầu thủy tụ”.
Đền thờ Lạc Long Quân (Ảnh sưu tầm)
Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân được khởi công xây dựng tại đồi Sim 26/3/2007, cách núi Nghĩa Lĩnh khoảng 1km, nơi có vị trí đắc địa, có thế “sơn chầu thủy tụ”. Đền có tổng diện tích 13ha, trên ngọn đồi có hình thế giống một con rùa lớn, hai bên có Thanh Long, Bạch Hổ, phía trước là hồ Hóc Trai và sông Hồng chảy xuôi về biển biểu hiện sự linh thiêng, huyền bí với nhiều hạng mục công trình: Cổng tam quan, cổng biểu tượng, sân hành lễ, phương đình, tả vu, khu đền thờ chính.
Khu đền thờ chính có diện tích 210m², gồm tiền tế, đại bái và hậu cung; bên trong nội thất được làm gỗ lim và sơn son thếp vàng; mái lợp ngói mũi hài, nền lát bằng gạch Bát Tràng, bó vỉa đá xanh. Hậu cung của đền đặt tượng thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân bằng đồng nặng 1,5 tấn, cao 1,98m; Đức Quốc Tổ ngồi trên ngai, dáng vẻ uy nghiêm, được đặt trên bệ đá chạm khắc hoa văn theo mô típ văn hóa Đông Sơn. Hai bên là tượng Lạc hầu và Lạc tướng ở tư thế đứng có chiều cao 1,80m, mỗi pho nặng 0,5 tấn; trong đền cũng được treo trang trọng hai bức phù điêu “Quốc Tổ Lạc Long Quân cùng 50 người con xuống biển” và “Quốc Mẫu Âu Cơ cùng 50 người con lên non”. Đền được xây dựng năm 2007 và hoàn thành năm 2009, tuy nhiên kiến trúc lại dựa hoàn toàn theo lối truyền thống.
Bước vào đền, du khách phải đi qua chiếc cầu bắc qua hồ Hóc Trai; bên dưới hồ thả cá chép vàng trông thật hài hòa, sinh động. Cổng Tam quan, còn được gọi là nghi môn, gồm 4 cột đá xanh chạm họa tiết hoa văn bốn mặt; bên trong là cổng biểu, được xây dựng như một mái nhà với các họa tiết trang trí mô phỏng theo hoa văn trên trống đồng Đông Sơn cách điệu như: hình ảnh người giã gạo, chim lạc… càng làm tôn thêm sự uy nghiêm, linh thiêng của ngôi đền. Hai bên sân đền là nhà tả vu, hữu vu xây dựng 5 gian, khung gỗ lim, lợp ngói mũi hài.
Tương truyền, Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, sinh ra một bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai. Để gây dựng giang sơn, 50 người con theo cha xuống biển, 49 người theo mẹ lên núi, suy tôn người con cả làm vua, hiệu là Hùng Vương, đặt quốc hiệu là Văn Lang. Nơi vua ở là bộ Văn Lang, con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương, tướng văn gọi là Lạc hầu, tướng võ gọi là Lạc tướng. Tương truyền có 18 đời vua đều gọi là Hùng Vương. Lạc Long Quân được xem như Quốc Tổ của dân tộc Việt Nam và được người đời vô cùng sùng bái, tôn kính.
Ngày nay, đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng, du khách sẽ được thăm viếng đền Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ trước, sau đó thắp hương tri ân công đức các Vua Hùng. Việc quy tụ các giá trị văn hóa tâm linh đầy ý nghĩa ấy trong cùng một khu vực càng thể hiện sâu sắc đạo hiếu “uống nước nhớ nguồn” của con dân đất Việt.
Bảo tàng Hùng Vương
Tọa lạc trên một quả đồi thuộc xã Hy Cương – thành phố Việt Trì, cách cổng đền Hùng chừng 100m, Bảo tàng “quốc gia” Hùng Vương là một kiến trúc có thiết kế 2 tầng với gần 1.000m² diện tích xây dựng, tuy hiện đại nhưng vẫn không thiếu tính dân tộc, vừa đường bệ lại vừa trang nhã, thanh thoát… Đây là công trình được thiết kế bởi Hội Kiến trúc sư Việt Nam dựa trên thế giới quan của người Việt cổ với quan niệm trời tròn – đất vuông. Đứng từ đỉnh núi Nghĩa Lĩnh nhìn xuống, Bảo tàng như một chiếc hộp vuông khổng lồ gợi liên tưởng đến sự tích bánh Chưng, bánh Dầy trong huyền sử dân tộc Việt.
Bảo tàng Hùng Vương, Tp Việt Trì (Ảnh sưu tầm)
Bảo tàng Hùng Vương là một trong những bảo tàng đẹp, khang trang, bề thế nhất của khu vực các tỉnh phía Bắc. Hiện nay Bảo tàng có hơn 11.000 hiện vật gốc phản ánh lịch sử hình thành, phát triển của tỉnh Phú Thọ từ thời Tiền – Sơ sử đến nay.
Thiết kế không gian trưng bày của Bảo tàng Hùng Vương gồm 3 tầng. Phần trưng bày cố định (thường trực) tại tầng 2 và tầng 3 có diện tích 4.100 m2 .
Với gần 2.000 hiện vật gốc được trưng bày thành 05 chủ đề chính chạy xuyên suốt tiến trình lịch sử tỉnh Phú Thọ từ thời kỳ Hùng Vương dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh:
Khu du lịch Bạch Hạc – Bến Gót
Ngã ba Hạc hợp lưu bởi sông Thao, sông Đà, sông Lô, tạo nên dòng trong, dòng đục, nước sông rộng mênh mông như biển cả, xa xa tả có Tam Đảo, hữu có Ba Vì, hai bên bờ là các làng mạc, ruộng vườn tươi tốt, bến sông thuyền bè tấp nập vào ra…. tất cả những phong cảnh đó đã tạo cho ngã ba Hạc có cảnh trí vừa thơ mộng, vừa hữu tình.
Bạch Hạc – Bến Gót ngày nay thuộc phủ Tam Đới xưa, còn tồn tại rất nhiều di tích lịch sử văn hoá, các truyền thuyết, chuyện kể về quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta như: “Hoa Long Thiền Tự” xưa ở bến sông Thông, cạnh chùa có một tảng đá ven sông, trên mặt còn hằn vết gót chân. Tương truyền, đây là nơi Lạc Long Quân lập đàn tế trời và đã được tiên ông từ trên trời xuống, ngồi trên tảng đá này, đặt tên, phân định anh em cho một trăm người con do Âu Cơ sinh ra, sau nơi đây buôn bán kinh doanh sầm uất, trên bến dưới thuyền mới có tên là Bến Gót; Đình Bạch Hạc còn có tên là đình thôn Việt Trì là nơi thờ các vua Hùng.
Thiên cổ miếu
Thiên Cổ Miếu là tên gọi của ngôi đền nằm trên một quả đồi nhỏ ven đường thuộc thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì. Ngôi đền cổ miếu nằm ẩn mình dưới hai cây táu cổ thụ, gốc to đến năm, sáu người ôm không xuể. Dù chỉ có một gian nhưng ngôi đền khiến khách qua đường không thể không chú ý bởi nét trầm mặc, vẻ cổ kính và còn bởi đôi câu đối ở trong đền:
“Hùng lĩnh trung chi thắng tích
Nam thiên chính khí linh từ”
(Đại ý: Đền thiêng thờ người có chí khí mạnh mẽ, lớn lao của trời Nam).
Nằm trong địa phận của kinh đô Văn Lang xưa, đền Thiên Cổ uy nghiêm ngự trên một quả đồi nhỏ thuộc thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là ngôi đền thờ vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang, người thầy giáo đầu tiên của dân tộc đã có công dạy dỗ hai công chúa Tiên Dung – Ngọc Hoa con vua Hùng Vương thứ 18.
Thiên Cổ Miếu (Ảnh sưu tầm)
Sự độc đáo của hai cây cổ thụ ước đoán tuổi đời đã đến nghìn năm và tầm vóc của đôi câu đối phần nào đã được hé lộ trong bản sắc phong và ngọc phả mà người dân thôn Hương Lan vẫn còn giữ được…
Tương truyền, thầy giáo Vũ Thê Lang quê ở Mộ Trạch, Hải Dương cùng vợ là bà Nguyễn Thị Thục, quê ở Đông Ngàn, Kinh Bắc lên kinh đô Văn Lang dạy học từ thời Hùng Vương thứ 18. Hai người tạ thế cùng một giờ, một ngày mồng 2 tháng 2 năm Quý Dậu (năm 228 trước Công nguyên). Đến nay phần mộ của hai vợ chồng thầy cô vẫn còn được nhân dân giữ gìn và bảo vệ cẩn thận ở trong ngôi đền. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, ngôi đền vẫn được người dân thôn Hương Lan, xã Trưng Vương hết lòng bảo vệ.
Đền Tam Giang – Chùa Đại Bi
Đền Tam Giang – chùa Đại Bi tọa lạc trên địa thế đắc đạo ngã ba sông thuộc phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, Phú Thọ, tĩnh lặng bên dòng sông Lô cuồn cuộn. Tuy thời điểm xây dựng đền và chùa có khác nhau và trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đến nay đền Tam Giang – chùa Đại Bi trở thành một cụm di tích hoàn chỉnh, thống nhất, là một trong những điểm du lịch danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia được nhiều khách thập phương trong và ngoài tỉnh thường xuyên viếng thăm.
Đền Tam Giang và chùa Đại Bi (Ảnh sưu tầm)
Trong số các cảnh đẹp Phú Thọ cổ xưa, trải qua bao thế kỷ, đền Tam Giang – chùa Đại Bi đã qua nhiều lần trung tu, tôn tạo vẫn giữ được vóc dáng và kiến trúc đẹp. Nằm trong khuôn viên rộng hơn 1000m2, ngôi đền có vị trí đắc địa (điểm hợp giang của ba con sông hay còn gọi là tam giang), phía trên là trời mây thoáng đãng, xung quanh là non nước bao la, phong cảnh sơn thủy hữu tình. Ngôi đền quay ra sông, nhìn theo hướng Tây Bắc thấy núi Nghĩa Lĩnh – nơi thờ các đức Quốc tổ Hùng Vương. Với lối kiến trúc “tiền thần, hậu phật”, đền gồm 2 tòa tiền tế và hậu cung, nhà bốn mái, đao cong, nội thất chạm trổ các bộ tứ quý: “Long, ly, quy, phượng”, “tùng, cúc, trúc, mai”. Các nét chạm trổ hết sức tinh tế làm toát lên vẻ linh thiêng, hoàn mỹ. Trong đền lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lich sử, văn hóa, thẩm mỹ cao như bia đá “Hậu thần bia ký” (năm 1818); chuông đồng “thông thánh quán chung ký” (niên đại 1830). Đặc biệt quý giá là những bài minh chuông gắn liền với ngôi đền đó là thác bản chuông “Thông Thánh Quán” (năm 1321, đời vua Trần Minh Tông) và “Phụng Thái Thanh từ” (niên đại Gia Long năm thứ 17)..
Làng cổ Hùng Lô
Làng cổ Hùng Lô chỉ cách Đền Hùng chừng 10 km. Trải qua bao biến thiên, thăng trầm lịch sử, nơi đây vẫn bảo tồn được gần như nguyên vẹn kiến trúc ngôi đình cổ, di tích lịch sử cấp quốc gia đã được công nhận từ năm 1990. Tương truyền, đây vốn là nơi Vua Hùng cùng công chúa và các quần thần dừng chân nghỉ ngơi trong một chuyến du ngoạn.
Đến làng cổ Hùng Lô, du khách sẽ được nghe hát Xoan (Ảnh sưu tầm)
Vua thấy nơi này trù phú, cây cối tốt tươi, lại có khí thiêng từ lòng đất bốc lên nên cho đây là chốn địa linh. Sau này, dân làng đã dựng miếu thờ Vua Hùng để đời đời nhớ ơn Vương tổ. Đến thời vua Lê Hy Tông, đình bắt đầu được xây dựng, hướng về núi Nghĩa Lĩnh.
Đình Hùng Lô
Đình Hùng Lô là quần thể di tích lịch sử văn hóa được xây trên dải đất rộng, gồm nhiều hạng mục công trình như: tòa Đại đình, Phương Đình, Lầu Chuông, Lầu Trống, Nhà tiền tế… Tất cả đều được xây dựng bằng những loại gỗ quý như đinh, lim, sến, táu… Tòa Đại đình được cấu trúc theo kiến trúc truyền thống ba gian, hai chái; cả ba gian đều có bàn thờ. Các gian tiền tế được xây theo cấu trúc năm gian, hai chái. Hai bên đình là nhà thờ Phật và bệ thờ Thần Nông.
Đình Hùng Lô là nơi diễn ra nhiều các hoạt động văn hóa (Ảnh sưu tầm)
Ngoài ra, quần thể di tích còn có khu Văn chỉ thờ Khổng Tử, cũng là nơi ghi danh truyền thống hiếu học của nhân dân Hùng Lô; nhà Yến Lão là nơi các bậc cao niên dự việc làng và hiện là nơi sinh hoạt, hội họp của những người cao tuổi. Khu sân đình được bài trí thoáng rộng với hòn non bộ, cây si, cây đa rủ bóng…
Một điểm đặc sắc đáng lưu ý nữa, đình Hùng Lô rất nổi tiếng về truyền thống trong lễ hội rước kiệu Đền Hùng từ xưa đến nay. Năm Mậu Ngọ (1918), đình Hùng Lô đã được thưởng “Kỷ niệm Hùng Vương đệ nhất hội”; hiện nay, biển thưởng này vẫn được trang trọng lưu giữ trong đình. Vào dịp lễ hội Đền Hùng hằng năm, đến đình Hùng Lô, du khách sẽ được hòa mình trong lễ rước kiệu quy mô rất hoành tráng của trên 200 nam trung, đi đến đâu náo động cả một vùng đến đó. Cuộc rước sẽ đi từ đình làng đến Đền Hùng; trở về từ Đền Hùng, các lễ tế tại đình làng mới được tiến hành, sau cùng là thụ lễ tại nhà Yến lão.
Chùa Cát Tường
Bên cạnh di tích Đền Tiên còn có chùa Cát Tường được xây dựng năm 1999, trùng tu lớn vào năm 2016- 2017. Chùa có tổng diện tích 7.000 m2 bao gồm nhà tam bảo, nhà tổ, nhà tăng, nhà chay đường, nhà khách… Lễ hội Đền Tiên diễn ra từ ngày mồng 9 đến ngày mồng 10 tháng 10 Âm Lịch theo nghi thức truyền thống, với phần nghi lễ: Tế lễ bao gồm 5 tuần (1 tuần hương, 1 tuần rượu, 1 tuần lễ vật, 1 tuần vật phẩm, 1 tuần đọc chúc và hóa chúc); Phần hội diễn ra tưng bừng, náo nhiệt với các trò chơi đấu cờ người, kéo co, chọi gà, hát Xoan… diễn ra suốt buổi chiều và có khi qua đêm đến hết ngày hôm sau.
Quần thể Lộc Vừng ở Cẩm Khê
Quần thể lộc vừng gồm khoảng 85 gốc nằm ở đền Gò Thờ, xã Chương Xá, Cẩm Khê, Phú Thọ. Đây là quần thể lộc vừng hiếm hoi được công nhận là cây di sản Việt Nam. Hàng năm, cứ vào khoảng cuối tháng 6 đầu tháng 7, quần thể lộc vừng lại bung nở hoa đỏ rực tạo nên khung cảnh đẹp như một bức tranh.
Quần thể lộc vừng (Ảnh sưu tầm)
Hạ Hòa
Đầm Ao Châu
Đầm Ao Châu là một địa điểm nổi tiếng ở huyện Hạ Hòa, có một vị trí giao thông vô cùng thuận lợi rất thích hợp cho việc du khách tới đây du lịch. Theo đường sắt thì địa danh này nằm trên tuyến đường Hà Nội – Lào Cai và trong tương lai là đường sắt xuyên Châu Á. Đường thủy thì có nhiều con sông lớn chảy qua như Sông Hồng, Sông Đà… Nơi đây cách Việt Trì không xa lắm, ngoài ra đối với du khách ngoại tỉnh thì Đầm Ao Châu Phú Thọ là một địa điểm du lịch gần Hà Nội cách Hà Nội khoảng 140km điều kiện rất thuận lợi cho khách ở xa đến tham quan.
Đầm Ao Châu được ví như Hạ Long trên cạn của mảnh đất Phú Thọ (Ảnh sưu tầm)
Đầm Ao Châu Phú Thọ có diện tích khoảng 300ha và có khoảng 99 đầm. Mỗi đầm có một vẻ đẹp riêng đang chờ các bạn khám phá. Không những thế đầm còn có khoảng 100 hòn đảo lớn nhỏ được bày bố khắp mặt hồ. Theo truyền thuyết lưu truyền lại xưa kia nơi này là nơi dừng chân của vua Hùng Vương trong hành trình đi tìm đất để đóng đô bởi vì thấy nơi đây có dải đất hình sông, địa thế hài hòa, phong thủy hữu tình.
Đầm Ao Châu đã được quy hoạch để xây dựng thành một khu du lịch sinh thái với hệ thống các khách sạn sang trọng, các khu nghỉ dưỡng với các trò vui chơi giải trí như bơi thuyền, đua thuyền trên mặt đầm.
Đền Quốc Mẫu Âu Cơ
Đền Quốc mẫu Âu Cơ nguyên thủy được xây dựng từ thời Hậu Lê tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, để qui tụ các giá trị văn hóa tinh thần thuộc thời đại Hùng Vương về hội tụ tại khu di tích Đền Hùng, từ giữa tháng 9/2001 công trình đền Quốc mẫu Âu Cơ chính thức được khởi công xây dựng mới tại núi Vặn trong khuôn viên Khu di tích lịch sử Đền Hùng thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì và đến ngày 31/12/2004 đã cơ bản hoàn thành cả nội và ngoại thất.
Đền Quốc Mẫu Âu Cơ (Ảnh sưu tầm)
Ao Giời – Suối Tiên
Ao Giời – Suối Tiên nằm trên Núi Nả thuộc xã Quân Khê – huyện Hạ Hoà, cách thành phố Việt Trì 80 km về phía Tây Bắc, cách Ao Châu 15 km, có ưu thế là liền kề với hệ thống đường bộ, đường thuỷ, đường sắt.
Khu du lịch Ao Giời – Suối Tiên (Ảnh sưu tầm)
Khu sinh thái Ao Giời – Suối Tiên hai bên có hàng trăm đỉnh núi lớn, nhỏ có độ cao trung bình từ 500-600 m so với mặt biển. Với đỉnh cao 1.200m, núi Nả cao vượt lên sừng sững, trông thật hùng vĩ như điểm tựa của miền thượng vùng trung du rộng lớn, được phủ một màu xanh dày đặc của các loài cây nhiệt đới, chen chúc nhau tầng tầng, lớp lớp với khá nhiều loài cây quí hiếm như đinh, lim, gụ, vàng tâm… Trong rừng còn có các bầy khỉ, nai, hoẵng, lợn rừng, cầy hương…
Với chiều dài hơn 10 km, lòng suối dày kín lớp sỏi đá và cát vàng làm cho nước suối được thanh lọc tinh khiết, trong vắt, lấp lánh ánh mặt trời phản chiếu. Đầu nguồn của con suối có Giếng Tiên, diện tích chừng 40m2, sâu đến hơn 10m. Từ đáy giếng, dòng nước phun lên mát lạnh, ngọt ngào tạo thành Suối Tiên. Suối Tiên quanh co chảy qua nhiều tầng, bậc tạo nên nhiều thác nước thẳng đứng. Suốt chiều dài con suối có tới 14 thác nước, trong đó có một số thác cao 20m, tựa những tấm màn the trắng xoá, che các hang, hốc đá phía trong. Dưới chân các thác nước cao là những phiến đá khổng lồ, trải qua thời gian dài bị xói mòn, đã thành những chiếc ao nhỏ mà đáy ao là cả một phiến đá, làm nên vẻ đẹp riêng chỉ có ở khu du lịch sinh thái hấp dẫn này.
Theo truyền thuyết: “xưa kia chỉ có Giếng Tiên, hàng ngày có các nàng tiên thường tới đây tắm mát, Ngọc Hoàng đã cho nước giếng dâng lên tạo thành các thác nước đổ xuống, lâu dần tạo thêm các ao. Ai được tắm ở Ao Giời – Suối Tiên trong 3 năm sẽ có làn da trắng mịn như ngọc, khuôn mặt sáng đẹp như trăng rằm, tâm hồn thư thái, sáng láng”. Có lẽ, chính vì vậy Suối Tiên có sức hấp dẫn lạ kỳ đối vơi du khách có nhu cầu du lịch sinh thái ở Phú Thọ , nhất là vào các ngày hè nóng nực, thường có hàng trăm lượt người đến đây tắm mát, nghỉ ngơi, vãn cảnh.
Đầm Vân Hội
Được hình thành cách đây gần nửa thế kỷ do xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho một số xã của huyện Trấn Yên tỉnh Yên Bái và huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, đầm có chiều dài gần 10 km, rộng có nơi gần 2 km, với 410 ha mặt nước.
Đầm Vân Hội nằm giữa Yên Bái và Phú Thọ (Ảnh sưu tầm)
Đầm Vân Hội đã góp phần rất lớn vào việc cải tạo và điều hòa môi trường làm giảm nhiệt độ mùa hè từ 1 – 2oC, tăng độ ẩm tuyệt đối vào mùa khô lên trên 20%, tạo điều kiện duy trì thảm thực vật xanh tốt. Chính vì vậy, đầm nước mênh mông hòa với núi non hùng vĩ, khiến đầm Vân Hội được ví như một thiên đường thu nhỏ.
Tân Sơn
Vườn Quốc gia Xuân Sơn
Cách Hà Nội khoảng 120km, Vườn quốc gia Xuân Sơn rộng hơn 15.000ha, đứng thứ 12 trong số 15 vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam. Vườn được ví là “lá phổi xanh,” là điểm du lịch hấp dẫn nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh, với độ che phủ rừng lên tới 84%, chất lượng các hệ sinh thái rừng ổn định và được bảo vệ tốt. Vườn được đánh giá là nơi có môi trường không khí, môi trường nước sạch sẽ, mát mẻ, nhiệt độ trung bình năm từ 22-23 độ C.
Nắng trong Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Ảnh sưu tầm)
Theo kinh nghiệm du lịch vườn quốc gia Xuân Sơn, đi du lịch ở đây vào thời gian nào cũng hợp lý bởi mỗi mùa có mỗi vẻ đẹp khác nhau. Vào mùa khô, con đường dễ đi, có thể hạn chế được nhiều rủi ro hơn, phong cảnh tươi mát hơn và thuận lợi cho việc đi chơi hơn. Nhưng vào mùa mưa, mặc dù đường vào vườn quốc gia Xuân Sơn có thể hơi khó đi nhưng du khách sẽ được chiêm ngưỡng dòng thác chảy rì rào, kì vĩ và mạnh mẽ hiếm hoi.
Xem thêm: Kinh nghiệm đi Vườn Quốc Gia Xuân Sơn
Bản Cỏi
Bản Cỏi được ví như viên ngọc thô nằm ẩn mình trong vùng lõi của vườn quốc gia Xuân Sơn – Phú Thọ. Trong vòng 1 năm trở lại đây, bản Cỏi bỗng trở thành một cái tên hot trong danh sách điểm đến của dân nghiền du lịch.
Một góc Bản Cỏi trong Vườn quốc gia Xuân Sơn (Ảnh sưu tầm)
Tưởng như thức đặc sản tiến vua thuở xưa với mâm lễ vật “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” giúp Sơn Tinh thắng cuộc mà lấy được công chúa Mỵ Nương chỉ có trong truyền thuyết, vậy mà đến với bản Cỏi, ai cũng không khỏi bất ngờ khi tận mắt chứng kiến giống gà chín cựa trứ danh. Rừng Xuân Sơn là quê hương của gà chín cựa, thức gà thơm từ thớ thịt, vị đậm đà, hơn hẳn những giống gà khác. Vị gà ngon bao nhiều thì cách nuôi gà lại kỳ công bấy nhiêu, từ khâu lựa số cựa, chọn dáng gà, cho tới khâu chăm gà ăn để đảm bảo độ chắc thịt. Có không ít thực khách vượt hàng nghìn cây số từ phương Nam về với bản Cỏi, chỉ để được tận mắt thưởng thức gà tiến vua này.
Đồi chè Long Cốc
Đồi chè Long Cốc nằm tại huyện Tân Sơn, Phú Thọ, nằm cách Hà Nội khoảng 125km, đang là điểm đến thu hút du khách thời gian gần đây. Long Cốc được đánh giá là một trong những đồi chè đẹp nhất Việt Nam, với hàng trăm, hàng ngàn quả đồi nhỏ. Vào thời điểm giao mùa cuối thu đầu đông, vùng đồi chè bao phủ sương mù huyền ảo.
Đồi chè Long Cốc (Ảnh sưu tầm)
Nằm dọc hai bên cung đường uốn lượn là những đồi chè trải dài, xanh mướt nhấp nhô bát ngát nối tiếp nhau đến tận chân trời. Đến Long Cốc, du khách thỏa thích chụp ảnh đồi chè, khám phá hương vị chè và hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường.
Đèo Khế
Đèo Khế trên quốc lộ 32 dài 30 km, ở vùng giáp ranh xã Thu Cúc huyện Tân Sơn tỉnh Phú Thọ và xã Minh An huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái.
Đèo Khế trên Quốc lộ 32, con đường dẫn thẳng lên Mù Cang Chải (Ảnh sưu tầm)
Quốc lộ 32 đã được sửa chữa nâng cấp, nên đã trở thành tuyến đường chính cho những người đi du lịch Mù Cang Chải, thay vì chạy dài hơn từ thành phố Yên Bái, qua Văn Chấn và Nghĩa Lộ. Vượt qua đèo Khế sẽ sang tới địa phận của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Trước đây, đèo Khế từng là “nỗi sợ hãi” đối với cánh tài xế và những người đi đường đêm. Sau khi được tu sửa lại, con đường đèo dài gần 30km không chỉ giúp giao thông thuận tiện mà còn trở thành điểm lui tới quen thuộc của dân mê phượt.
Thanh Sơn
Thác Mây, thác mơ
Thác Mây thuộc xã Hương Cần, nằm cách trung tâm huyện Thanh Sơn khoảng 25km. Trên đỉnh núi Hem có một hồ nước nhỏ, nước từ đó đổ xuống sườn núi tạo thành suối Hem và nhiều tầng thác liên hoàn kế tiếp nhau, gọi là thác Mây.
Thác Mây ở xã Hương Cần, Thanh Sơn (Ảnh sưu tầm)
Thác Mây gồm 13 thác nước lớn nhỏ, trong đó thác cao nhất là thác Thượng với nhiều cột nước tung bọt trắng xoá. Những ngày trong xanh, hoà cùng màu xanh của núi rừng và màu xanh của trời là những dòng thác như giải lụa mềm giữa trời. Nhiều thác nước lớn nhỏ đã tạo nên những cung bậc âm thanh khác nhau, có thác nước đổ rào rào, có thác nước chảy róc rách giống như những bản nhạc của thiên nhiên. Tới gần thác, không khí như dịu mát hẳn, khác biệt với không khí bên ngoài, du khách có thể đắm mình trong dòng nước suối trong mát sau khi khám phá bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Thác Mơ thuộc xã Cự Thắng, cách trung tâm huyện 15km. Trước đây, thác có tên gọi khác là thác Vạn Mơ nhưng lâu dần người ta gọi thác là thác Mơ. Ngay từ tên gọi của thác đã tạo cho du khách hình dung được khung cảnh mộc mạc, mà nên thơ. Đường vào thác được bao bọc bởi màu xanh của núi rừng, các loại hoa dại hai bên đường, góp phần tạo nên vẻ đẹp hoang sơ cho khung cảnh nơi đây.
Thác Mơ có đến 9 tầng khác nhau, từ xa, đã nghe tiếng thác nước đổ rì rào như lời hát của các sơn nữ. Men theo con suối nhỏ để đến chân thác, du khách sẽ được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên còn hoang sơ của đại ngàn. Thác được vây quanh bởi những ngọn núi xanh mát, hệ động thực vật nguyên sinh phong phú, đa dạng. Sau khi khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên, du khách có thể nghỉ ngơi tại nhà sàn, thưởng thức các món ăn dân giã đặc sắc của đồng bào các dân tộc Thanh Sơn.
Hai thác nước có điểm chung là đường đến thác quanh co, uốn lượn rất thơ mộng. Hai bên đường có nhiều cây cổ thụ cao sừng sững, ở tầng thấp hơn là cây cỏ và dày đặc những dây leo chằng chịt. Đôi khi, những dây leo tự nhiên này là trợ thủ đắc lực, an toàn để du khách bám và leo lên. Càng đi lên, du khách càng cảm thấy như bị cuốn vào một câu chuyện đầy bí ẩn giữa không gian tĩnh mịch, bốn bề là núi rừng xen lẫn là tiếng ầm ầm của thác, bụi nước toả thành làn sương huyền ảo, mơ màng, cảm giác thiên nhiên và con người như hoà quyện vào nhau. Du khách đến với thác Mây, thác Mơ không chỉ vì vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên tươi đẹp mà còn cảm nhận được không gian mang đậm chất nghệ thuật của tự nhiên với những hàng cây, tảng đá và hệ thực vật phong phú.
Suối khoáng nóng Thanh Thủy
Suối khoáng nóng Thanh Thủy không phải là dòng suối nào cụ thể mà là cả 1 vùng rộng lớn thuộc xã La Phù, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ, khu vực này có mạch nước khoáng nóng chảy ngầm trong lòng đất, nhiệt độ trung bình của dòng khoáng nóng ở đây từ 45 – 60 độ C.
Trong các khu nghỉ dưỡng ở Thanh Thủy đều có các bể bơi khoáng nóng (Ảnh sưu tầm)
Nguồn khoáng nóng được khai thác từ độ sâu gần 100m, nước chứa nhiều hàm chất vi lượng nên khoáng nóng Thanh Thủy có khả năng phục hồi sức khoẻ, giúp lưu thông máu, lợi cho tim.
Nhiều năm gần đây nhu cầu nghỉ dưỡng, dã ngoại cuối tuần phát triển mạnh, để đáp ứng nhu cầu này nhiều Resort, khách sạn được xây dựng ở Thanh Thủy phục vụ du khách đến nghỉ dưỡng, tắm khoáng nóng.
Những Resort, khách sạn khu vực này đều có những bể bơi khoáng nóng lớn để đáp ứng nhu cầu tắm khoáng của du khách, một số Resort với khuôn viên rộng còn có cả bể bơi trong nhà phục vụ du khách tắm trong mùa đông.
Hồ Ly (Hồ Thượng Long)
Gần đây, giới phượt đang truyền tai nhau về một địa điểm du lịch còn khá mới và hoang sơ, được ví von như “Tuyệt tình cốc” phiên bản Phú Thọ. Đó là hồ Ly, nằm ở xã Thượng Long, huyện Yên Lập.
Hồ Ly nhìn từ trên cao (Ảnh sưu tầm)
Hồ Ly được hình thành từ hai khe: khe Ly và khe Chanh nhưng người dân lấy tên khe Ly làm tên gọi cho hồ. Hồ được chia làm hai nhánh lớn và được bao quanh bởi núi đồi trập trùng, khung cảnh thơ mộng.
Các món ăn ngon ở Phú Thọ
Cơm lam người Mường
Với người Mường ở Thanh Sơn, họ đã biết cách chung sống cùng thiên nhiên, những món ăn đơn giản, dân dã nhưng luôn hài hòa và gắn liền với thiên nhiên cũng như bản tính hiền lành và đôn hậu của con người xứ Mường. Cho đến nay, những giá trị văn hóa đó vẫn được đồng bào bảo tồn và phát huy. Một trong số các món ăn điển hình phải kể đến là cơm lam.
Cơm lam là món dễ tìm thấy ở nhiều tỉnh phía Bắc (Ảnh sưu tầm)
Trước đây, người Mường trồng lúa nếp là chính. Theo các cụ cao niên ở bản Mường kể lại, người dân Mường xa xưa thường phải đi rừng, đi nương từ sáng sớm để kiếm thức ăn, thậm chí phải ngủ lại trong rừng. Do đó đồng bào đã sáng tạo ra việc dùng ống tre, ống nứa rồi cho gạo vào trong, đem nướng trên lửa và nấu chín thành cơm gọi là cơm lam. Về sau, việc chế biến món ăn này trở thành thói quen và được người Mường ưa thích. Món cơm lam từ bao đời cũng đã khẳng định được vị trí của mình trong thước đo giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào.
Bánh trứng kiến người Mường
Cứ độ tháng 2, tháng 3 âm lịch, cây cối đương mùa đơm hoa, kết quả cũng là lúc những tổ kiến trên cây bắt đầu chắc trứng; đó cũng là lúc đồng bào Mường vào rừng tìm trứng kiến đem về làm bánh. Bánh trứng kiến là món ăn dân dã được chế biến tương đối cầu kỳ với vị thơm ngon riêng, trở thành một trong những nét văn hóa ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc Mường vùng Đất Tổ.
Trứng kiến là món ăn ngon, nhưng có thể gây dị ứng cho một số người (Ảnh sưu tầm)
Tùy vào kích thước của từng tổ mà số lượng trứng kiến nhiều hay ít, có tổ lấy được một bát, nhưng có tổ lớn lấy được ba, bốn bát. Trứng kiến lớn bằng hạt gạo, có màu trắng sữa, được mang về để chế biến thành nhân bánh. Một chiếc bánh ngon phải có nhân là trứng kiến nguyên chất, chỉ cần phi hành mỡ và muối không trộn thêm các nguyên liệu khác. Bột bánh làm từ gạo nếp ngon, xay nhuyễn, nhào dẻo, dát mỏng, nhồi nhân, rồi nặn thành hình vuông, bọc vào 2 lớp lá ngõa, đem hấp chín.
Bắp chuối lam sườn
Bắp chuối lam sườn là món ăn truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Mường. Hoa chuối rừng có trên khắp các các dãy núi, cánh rừng ở Yên Lập. Khi đi rừng người Mường thường hái bắp chuối mang về để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Để làm món bắp chuối lam sườn, bắp chuối sẽ được thái mỏng, ngâm với dấm, sau đó vớt ra để ráo nước và với các trộn gia vị: muối, tiêu, lá thơm và thịt sườn băm (trước kia là thịt thú rừng băm nhỏ) cho vào ống nứa và lam đều tay (như lam cơm) trên lửa nhỏ hoặc than hồng. Khi lam chín món ăn có mùi thơm đặc trưng của hoa chuối rừng vị ngọt của thịt sườn, có thể ăn cùng cơm nóng hay làm dùng đồ nhắm rượu đều rất tuyệt.
Măng chua nấu thịt gà
Văn hóa ẩm thực của người Mường hình thành từ những món đơn giản dân dã, in đậm hương vị núi rừng, sông suối như thịt, cá, măng, rau rừng… Trong số đó, sẽ là thiếu sót khi không nhắc tới gà nấu măng chua. Trong tiết trời lạnh của mùa đông rất thích hợp để thưởng thức món măng chua nấu gà với mùi vị chua dịu nhẹ và thịt gà mềm mượt. Món măng chua nấu gà từ lâu đã nổi tiếng. Với đồng bào Mường để thưởng thức món măng chua nấu thịt gà ngon thì không thể thiếu các loại rau ăn kèm như lá đu đủ, cải nương … ăn kèm thịt gà với các loại rau này sẽ tạo nên hương vị đặc sắc vị đắng lá đu đủ kết hợp với cay của rau cải nương cùng hương vị thơm ngon của măng chua nấu thịt gà sẽ tốt cho sức khỏe.
Thịt nộm nâu Thanh Sơn
Người Mường ở Thanh Sơn bên cạnh sở thích ăn thức ăn có vị chua như: củ kiệu muối, quả cà muối chua, rau cải muối dưa, rau sắn muối dưa cá; vị đắng như: măng đắng; lá, hoa, quả đu đủ; rau đốm… thì đồng bào còn ưa dùng một loại củ rất đặc biệt có vị chát, đó là củ nâu.
Món thịt nộm nâu (Ảnh sưu tầm)
Loại củ này được người Mường ở đây khéo léo chế biến thành món nộm tạo nên nét đặc trưng riêng biệt, hương vị không thể lẫn với nét văn hóa ẩm thực của các dân tộc khác. Nộm củ nâu hay còn gọi nộm nâu là tên gọi một loại phụ gia tổng hợp với thành phần chính là bột củ nâu được người Mường sử dụng để chế biến gỏi cá.
Tuy nhiên nếu gỏi cá người Kinh ăn kèm nhiều loại rau, lá, củ, quả thì gỏi cá người Mường chỉ trộn củ nâu. Củ nâu có tác dụng khử mùi tanh vì thế hương vị gỏi khá đơn điệu, nhưng giữ được vị ngọt nguyên thủy của cá sống.
Điều đặc biệt là củ nâu không chỉ dùng để làm gỏi cá mà hầu hết các loại thịt người Mường thường dùng củ nâu để tạo nên các món ăn. Món thịt nộm nâu được xem như món ăn “lạ” và đặc trưng của đồng bào Mường trên mảnh đất này.
Rau rừng đồ
Từ bao đời nay, rau rừng đồ đã trở thành một món ăn quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày của đồng bào dân tộc Mường ở Thanh Sơn. Do đặc điểm tập quán sinh sống, người Mường thích những vị chua chát, vị đắng, thích sử dụng phương thức đồ để chế biến rau nên món rau đồ được đồng bào khá ưa chuộng. Theo họ, rau đồ khác với các món ăn từ rau khác là sẽ giữ được hương vị của các loại rau.
Món rau rừng đồ thập cẩm rất phổ biến trong văn hóa ẩm thực người Mường (Ảnh sưu tầm)
Món rau rừng đồ được tạo thành từ nhiều loại rau khác nhau, thông thường, đồng bào sẽ hái các loại rau quanh nhà như: rau lang, rau bí, rau dền cơm, rau ngải cứu, lá tía tô, lá lốt, cà rừng (loại cà quả nhỏ như cà pháo nhưng có gai), hoa chuối rừng, rau cải đồng… và không thể thiếu được trong món rau đồ đó là ngọn và lá đu đủ bánh tẻ cùng những chùm hoa đu đủ đực trắng tinh. Chúng được sử dụng để tạo ra vị đắng cho các món ăn.
Bánh tai Phú Thọ
Bánh Tai có từ thời xa xưa của làng Phú Thọ, bánh có tên gọi khác là bánh Hòn. Bánh có hình dạng giống cái tai, được làm từ gạo tẻ, nhân thịt lợn với công thức và những nguyên liệu đặc biệt khác, và không phải ai cũng làm được chiếc bánh Tai giếng Thánh đúng chuẩn hương vị đặc biệt vốn có.
Bánh tai, món đặc sản mảnh đất Phú Thọ (Ảnh sưu tầm)
Bánh tai là món ăn không còn xa lạ với những người con của thị xã Phú Thọ từ nhiều năm nay, đặc biệt là món bánh tai có truyền thống hơn 5 đời của gia đình cụ Nguyễn Thị Định ở phố Bạch Đằng, phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ
Xôi nếp Gà Gáy
Nếp Gà gáy Mỹ Lung nổi tiếng là thứ gạo đặc sản ngàn năm của người dân tộc Mường ở huyện Yên Lập (Phú Thọ) gắn liền với huyền thoại được nhiều người dân nơi đây truyền miệng từ đời này sang đời khác.
Xôi nếp gà gáy (Ảnh sưu tầm)
Nếp Gà Gáy không được gặt bằng liềm hay máy mà phải thu hoạch từng bông bằng tay cùng dụng cụ có tên là “túm”. Lúa được bó thành từng “cúm”, gánh về phơi. Khi những cúm lúa đã săn, người Mường không đem đi suốt mà cho vào bao hoặc treo lên gác bếp. Hạt thóc khi xát ra nhìn nửa trắng, nửa trong, tỏa hương thơm dễ chịu.
Lúa nếp Gà gáy khi trồng thân cây cao ngang đầu người, mùi hương thơm nên rất dễ bị sâu bệnh. Đặc biệt là nếu thời tiết xấu, mưa bão vào dịp lúa chín, cây đổ thì coi như mất mùa. Bởi vậy, năm 2005, nếp gà gáy đứng trước nguy cơ mất giống vì chỉ có duy nhất xã Mỹ Lung còn trồng với diện tích ít ỏi, khoảng 4 – 5 ha.
Cuốn cão làng Sỏi
Không biết món cuốn cão ở làng Sỏi có từ bao giờ, ai là người đầu tiên sáng tạo nên món ăn đặc biệt ấy. Xưa kia người dân nơi đây gọi con tôm càng là con cão, cách gọi tên này ngày nay vẫn còn không ít người trong làng sử dụng. Món ăn là sự tổng hợp của nguyên liệu, nhiều màu sắc với màu đỏ của tôm, màu xanh của rau thơm, củ kiệu, màu trắng của thịt ba chỉ luộc và bún, giò lụa, màu vàng của trứng rán…
Cuốn cão làng Sỏi (Ảnh sưu tầm)
Những con tôm được lựa chọn to chừng ngón tay út, đều nhau được rang lên phải đạt độ giòn và ngả màu hơi đỏ. Củ kiệu để cả lá, nhặt bỏ rễ và đem luộc chín. Trứng rán, thịt lợn ba chỉ luộc, giò lụa và bún, tất cả được thái thành miếng nhỏ dài để dễ xếp và dễ cuốn với kiệu. Để có một miếng cuốn cão ngon vừa miệng, người ta xếp các loại thực phẩm đã thái sẵn mỗi loại một miếng cùng một ít rau mùi sau đó dùng lá của củ kiệu cuốn lại.
Nhộng tằm lá sắn
Việc trồng sắn, vừa lấy củ, vừa tận dụng lá để nuôi tằm đã đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân ở xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê …Nuôi tằm ở xã Đồng Lương vừa bán được kén, vừa bán được nhộng để làm thức ăn.
Nhộng tằm lá sắn (Ảnh: Bắc Hà Food)
Thịt chua Thanh Sơn
Thịt chua là vốn là món ăn truyền thống của người Mường vùng Thanh Sơn – Phú Thọ. Ngày xưa người dân ở đây thường nghĩ ra cách muối Thịt chua nhằm bảo quản thịt được lâu hơn và dần dần món Thịt chua trở nên phổ biến và trở thành đặc sản của người dân huyện miền núi này.
Thịt chua Thanh Sơn (Ảnh sưu tầm)
Ngày nay, khi xã hội phát triển, người dân Thanh Sơn đã cải tiến món Thịt chua bằng cách thái mỏng thịt và ướp thêm gia vị vừa vặn hơn trộn với thính để lên men và tạo thành món đặc sản Thịt chua Thanh Sơn như bây giờ.
Rêu đá Tân Sơn
Khi lấy rêu đá, phải lựa chiều nước chảy để rêu không bị nát…Không được hái cả gốc rêu, chỉ hái phần thân non tơ. Tiếp đó, phải vò sạch, lấy dui gỗ đập thật mạnh cho hết cát bám.
Rêu được đóng bánh và bày bán (Ảnh sưu tầm)
Để chế biến, băm nhỏ tỏi, hạt dổi, hạt mắc khén, ớt, gừng, lá chanh, lá đu đủ, kèm chút nước mắm và muối. Sau khi thái nhỏ rêu đá, trộn các nguyên liệu trên vào nhau và đưa lên nồi để xào.Rêu ăn thơm và mát, là phương thuốc chữa bệnh, lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt.
Gà chín cựa
Đến với Vườn quốc gia Xuân Sơn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ du khách sẽ được tận mắt ngắm nhìn giống “gà chín cựa” hay còn gọi gà nhiều cựa. Tưởng rằng chỉ có trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thuỷ Tinh, nhưng giống gà này vẫn được người Dao Tiền tại vùng lõi Vườn quốc gia Xuân Sơn nuôi dưỡng và phát triển, chúng được sùng kính gọi là “Gà Chúa”.
Gà chín cựa, giống gà tiến Vua tưởng chỉ có trong truyền thuyết (Ảnh sưu tầm)
Mắt sáng quắc, mào đỏ tươi, đuôi cong vút tựa cầu vồng và đặc biệt những cặp chân to, mọc nhiều cựa, giống gà quý theo truyền thuyết xưa dùng để tiến vua Hùng vẫn được người dân Phú Thọ nuôi thả giữa rừng núi.
Những chú gà nhiều cựa ở đây sống trong môi trường tự nhiên, đôi khi kết bạn gà rừng, có lẽ vì thế mà thịt gà nhiều cựa rất ngon và rắn chắc. Món gà đặc sản này khi người dân thiết đãi khách gà thường mang hấp lá chanh hoặc ướp mật ong rừng và một số loại lá cây gia vị tẩm ướp rồi nướng trong bếp than đỏ, khi thưởng thức mang lại cho chúng ta một hương vị thơm ngon tuyệt hảo đặc trưng của núi rừng.
Vịt lam Xuân Sơn
Xuyên rừng Xuân Sơn ăn vịt nhồi lam và nhiều món ăn khác đơn sơ mà hấp dẫn của đồng bào. Ăn no rồi, ra hỏi kĩ, cô chủ nhà đon đả kể: đầu tiên là thịt vịt, lọc xương, thái mỏng, nhưng vịt phải chọn vịt nuôi bằng ngô, thóc và thả ngoài suối, ngoài ruộng mới thơm.
Món thịt vịt lam trong Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Ảnh sưu tầm)
Vịt thái xong đem trộn hoa chuối xắt mỏng và các loại gia vị khác trong đó đặc biệt có hạt dổi và lá dổi, loại lá hiếm có của vườn quốc gia Xuân Sơn. Tất cả đem bỏ vào ống giang, nút kín và đun trên lửa cho đến khi không còn thấy sôi và sủi bọt nữa thì bỏ ra ăn.
Cá thính chua
Ở Phú Thọ, chế biến cá thính chua được coi như một phương pháp bảo quản cá. Phương pháp này được sử dụng khá phổ biến ở đây – nơi có truyền thống và nhiều kinh nghiệm chế biến đặc sản cá thính chua.
Cá thính rán (Ảnh sưu tầm)
Cá thính, còn gọi là cá muối chua, là sản phẩm được làm từ các loại cá nước ngọt còn tươi đem sơ chế, ướp thính để lên men chua, thơm, làm chín món ăn một cách tự nhiên. Cá thính thịnh hành như một trong những món ăn mặn dân dã, phổ thông,
Nguyên liệu và cách thức thực hiện không khó, nhưng để làm được hũ (chĩnh, lọ) cá thính ngon, thơm, chua dịu, miếng cá cứng nguyên dạng và “chín” đều lại khá khó khăn, phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của người làm.
Măng sặt Ấm Hạ
Măng rừng có ở nhiều nơi nhưng măng Sặt là giống măng rừng không phải vùng nào cũng có. Từ lâu rồi, măng Sặt mọc nhiều trên núi Buộm, dãy núi cao nhất ở Ấm Hạ. Loại măng này có đặc điểm thân nhỏ bằng đầu ngón tay cái, dong dỏng cao, lá nhỏ, sinh sản nhanh.
Măng sặt Phú Thọ (Ảnh sưu tầm)
Ở núi Buộm, măng Sặt mọc thành rừng và từng cụm dày. Sau tết nguyên đán, những cơn mưa xuân lất phất tạo cho đất rừng ẩm, tiết trời ấm, đây là thời điểm thuận lợi để Sặt mọc măng. Vì thế, từ tháng hai âm lịch đến hết tháng tư âm lịch là mùa măng Sặt mọc.
Cá nheo đồng Hạ Hòa
Cá nheo đồng dẫn đầu trong số những loài cá da trơn như trê đồng, trê phi, cá ngạnh, cá bò…Cá nheo sống ở hầu khắp các ao, vũng, đầm, hồ, thậm chí chúng có mặt cả ngoài sông Hồng. Ở mỗi môi trường nước khác nhau, nheo lại có màu sắc khác nhau. Khi thì đen tuyền, khi vàng ươm, vàng sẫm hoặc trắng đậm.
Cá nheo đồng được người dân miền trung du Hạ Hòa chế biến thành những món ăn đậm đà dư vị. Vì đây là loại cá da trơn nên khó lòng chế nheo thành món luộc, món hấp hay nấu canh.
Xôi cọ
Xôi cọ với vị bùi ngậy của cọ, vị thơm dẻo của gạo nếp nương mang lại hương vị độc đáo, lạ miệng cho thực khách. Xôi cọ là một món ăn dân dã, mang hương vị ẩm thực của đồng bào người Tày từ thủa xưa vẫn còn lưu truyền đến ngày nay. Xôi cọ được chế biến rất đơn giản, không cầu kỳ, song đây là một trong những nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Tày.
Xôi Cọ (Ảnh sưu tầm)
Tháng 11 – 12 âm lịch hàng năm là mùa cọ chín, người dân tại Bảo Yên, Thanh Thủy, Phú Thọ lại bắt tay chế biến món ăn lâu đời đã trở nên thân thuộc với vùng quê nơi đây. Để có được món xôi cọ ngon miệng, nguyên liệu cần phải có là gạo nếp nương và cọ ỏm. Người ta thường chọn các quả cọ nếp có vị béo và ngậy. (Cọ tẻ cũng có thể làm được xôi nhưng thường không ngậy và dẻo). Sau khi ỏm xong, cọ được tách ra lấy phần thịt màu vàng để nấu xôi.
Cơm nắm lá cọ
Không chỉ nổi tiếng bởi mảnh đất quê cha đất tổ, Phú Thọ còn đi vào lòng người bởi những món ăn thân quen qua câu ca dao truyền miệng. Cơm nắm lá cọ qua năm tháng đã trở thành món thương, món nhớ của người Phù Ninh.
Cơm nắm lá cọ (Ảnh sưu tầm)
Cơm nắm lá cọ vốn là món ăn dân dã nhưng vẫn cần đến những bàn tay khéo léo của người tạo nên. Cứ vào đúng mùa cọ, người ta lại lên đồi chặt những tàu lá cọ vẫn còn bánh tẻ về để nắm cơm. Những tàu lá cọ non còn chưa xòe hết, xanh mướt như uống trọn cái nắng ấm áp miền trung du.
Cọ ỏm
Những chùm quả chín già, bóng, dai trĩu mời gọi. Người dân đi thu quả về, chọn những quả tròn, đầy, đều để làm cọ ỏm. Người Phú Thọ có con mắt chọn quả tinh tường, chọn quả nào là quả đó ngon thơm, chứ du khách thập phương khó phân biệt được quả ngon, quả chưa ngon, quả nếp, quả tẻ.
Cọ ỏm ở Phú Thọ (Ảnh sưu tầm)
Cọ được chọn đem xóc trộn để cạo bỏ lớp vỏ ngoài, rồi đem rửa sạch, luộc chín. Luộc cọ nghe thì đơn giản, nhưng không khéo thì cọ sẽ không ngon. Khi nước sôi liu riu, cho cọ vào, đậy vung đun nhỏ lửa, để nước sôi lăn tăn. Dầu cọ từ quả phôi ra, nổi váng trên mặt nước, bám vào thành nồi, khi ấy cọ đã chín. Nếu không đúng phần lửa, phần nước, quả cọ sẽ chát và cứng, khó ăn.
Bánh làng Dòng
Bánh chưng được gói từ gạo nếp cái hoa vàng, dẻo thơm đậm đà hương vị; bánh nẳng được làm cầu kỳ từ gạo nếp với nước cốt các loại lá thơm, mầu đỏ đậm, có độ trong và dẻo, chấm với mật mía đem lại cho du khách cảm giác mát giọng, ngọt ngào; bánh gai dẻo mềm hương vị của lá gai, bùi béo của mứt sen trần, của lạc rang, của cùi dừa; bánh đúc giòn, đậm đà vị tương quê, thêm lạc rang bùi ngậy thơm nồng; bánh giày mịn màng, dẻo thơm, ngọt dịu…
Bánh chưng làng Dòng (Ảnh sưu tầm)
Để làm ra những chiếc bánh thơm ngon, người dân làng Dòng luôn chú ý chọn gạo tốt để làm bánh, cùng với đậu xanh, lá thơm, mật mía, lạc rang…dưới bàn tay khéo léo của những người phụ nữ đảm đang làng Dòng, đã tỉ mỉ tạo nênnhững chiếc bánh đậm đà như vậy.
Bánh sắn
Ngày xưa, khi kinh tế khó khăn, có rất nhiều “giai thoại” về bánh sắn. Thời bố mẹ mình còn trẻ thì món bánh sắn “sang chảnh” nhất là bánh sắn nhân đũa (tức là bánh sắn chỉ lấy cái đũa nén xuống rồi viên lại hấp chứ chẳng có cái gì làm nhân cả).
Bánh sắn Phú Thọ (Ảnh sưu tầm)
Lúc mình nhỏ thì bánh sắn bắt đầu có nhiều loại hơn, nhưng ngon nhất cũng chỉ có nhân đỗ xanh, mỡ hành trộn với tóp mỡ. Chỉ thế thôi mà những chiếc bánh thơm lừng cũng đủ làm xao xuyến hết thảy bọn trẻ con rồi. Khi mình lớn hơn, kinh tế của hầu hết các gia đình đều khá hơn thì mới có các loại bánh sắn nhân thịt, nhân đậu đỏ,…
Đặc sản Phú Thọ mua về làm quà
Tương Dục Mỹ
Tương là món chấm quen thuộc của vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ. Giọt tương sóng sánh vàng, thơm đượm mùi nắng, mùi đỗ tương và gạo nếp đã theo bao lớp người lớn lên.
Làng nghề tương Dục Mỹ (Ảnh sưu tầm)
Làng Dục Mỹ, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ nổi tiếng với nghề làm tương cổ truyền từ lâu. Tương ở đây được ủ chín đủ ngày có màu vàng hơi đỏ, vị thanh, không gắt, ngọt đậm mà không mặn.
Bưởi Đoan Hùng
Đoan Hùng là một huyện của tỉnh Phú Thọ, thuộc trung du Bắc Bộ, trên ngã ba của hai con sông sông Lô và sông Chảy. Nói đến Đoan Hùng, người ta thường nghĩ đến những đồi cọ, những đồi chè… và đặc biệt là một loại trái cây đặc biệt: bưởi Đoan Hùng.
Bưởi Đoan Hùng là đặc sản của Phú Thọ (Ảnh sưu tầm)
Đây phải là loại cây trồng lâu năm, có quả hình cầu dẹt, quả chưa đầy 1 kg, chín màu vàng sáng, vỏ hơi héo, cùi mỏng, múi ráo, tôm mọng nước, màu trắng ngà, đặc trưng bởi hương vị thơm, ngon, ngọt, mát. Giống bưởi đặc sản của Phú Thọ còn quý ở chỗ, có thể bảo quản được vài tháng đến nửa năm, khi bổ ra, ăn vẫn ngọt, ngon như thường!
Hồng Gia Thanh
Hồng Gia Thanh có nguồn gốc ở Tiên Cát, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, được dân di thực về trồng tại các vườn hộ gia đình thuộc xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh ít nhất từ 50 – 70 năm trở lại đây, có những cây đã gần 70 tuổi. Hiện trên địa bàn huyện Phù Ninh đang có khoảng 50ha diện tích trồng Hồng mang lại thu nhập cho người dân.
Hồng không hạt Gia Thanh (Ảnh sưu tầm)
Đặc điểm của Hồng Gia Thanh là quả không có hạt, hình thoi cao thành chứ không tròn, tai vểnh lên, khi chín quả có màu vàng nhạt, ăn vị giòn, ngọt. hồng ngâm còn chứa nhiều vitamin tốt cho sức khỏe, là một món quà hấp dẫn cho những người con xa quê và du khách thập phương ghé thăm Phú Thọ được thưởng thức đặc sản vùng Đất Tổ.
Chè Phú Thọ
Ở tỉnh Phú Thọ, chè được trồng nhiều ở các huyện: Thanh Sơn, Tân Sơn, Thanh Ba, Đoan Hùng, Hạ Hòa… nhưng một trong những nơi trồng chè nhiều và nhiều đồi chè đẹp, có nhiều cơ sở, công ty sản xuất, chế biến chè phải kể đến huyện Thanh Sơn, với diện tích hơn 3.000ha.
Chè Phú Thọ (Ảnh sưu tầm)
Riêng xã Long Cốc là nơi có nhiều đồi chè đẹp, ở đây có nhiều đồi chè hình bát úp; dưới chân đồi là những hợp tác xã sản xuất, chế biến chè; những hồ nước trong xanh mát lạnh; những con đường xuyên qua các đồi chè…
Lịch trình du lịch Phú Thọ
Hà Nội – Đền Hùng 1 ngày
Với khoảng cách khá gần Hà Nội và không có nhiều điểm đến đặc sắc, do vậy lịch trình du lịch Phú Thọ 1 ngày là hợp lí cho chuyến đi cuối tuần.
- 6h sáng: Khởi hành từ Hà Nội -> Phú Thọ.
- 7h15 ăn sáng trên đường đi. (Mình gợi ý với bạn một quán ăn sáng rất ngon trên đường đi là bánh cuốn đường Trần Quốc Tuấn, thành phố Vĩnh Yên)
- 10h: Tới xã Phú Ninh, lên Đền Hùng thắp hương.
- 11h Tham gia các hoạt động ở dưới chân đền Hùng, hội trại hoặc các trò chơi, những cuộc thi.
- 12h: Ăn trưa và nghỉ ngơi.
- 13h15: Tham quan đền Hạ, Trung, Thượng, Giếng và suối Trao Duyên…
- 16h15 khởi hành về Hà Nội kết thúc chuyến đi.
Hà Nội – Thanh Thủy – VQG Xuân Sơn 2 ngày
Lịch trình này kết hợp tắm khoáng nóng Thanh Thủy và khám phá Vườn Quốc gia Xuân Sơn, các bạn cần có phương tiện cá nhân để thực hiện được theo lịch trình này.
Ngày 1: Hà Nội – Thanh Thủy – Đồi Chè Long Cốc – VQG Xuân Sơn
Khởi hành từ Hà Nội đi theo đường 32, qua cầu Trung Hà các bạn rẽ trái đi Thanh Thủy, đến khu suối khoáng nóng Thanh Thủy thì dừng nghỉ ngơi, tắm khoáng rồi ăn trưa.
Chiều từ Thanh Thủy khởi hành đi đồi chè Long Cốc ở Tân Sơn, đây là một trong những đồi chè khá đẹp nhé. Chụp ảnh ọt ở đây xong thì đi thẳng vào VQG Xuân Sơn.
Tối nghỉ ngơi, ăn uống thưởng thức các đặc sản ở Xuân Sơn. Đừng quên nghỉ homestay của người dân ở các bản nhé.
Ngày 2: Khám phá Xuân Sơn
Sáng ngủ dậy sau khi ăn sáng các bạn chuẩn bị đồ đạc để khám phá một số địa điểm ngay trong VQG như: bản Lấp, bản Cỏi, hang Na, hang Thổ Thần, khám phá rừng nguyên sinh rồi thăm Bảo tàng thiên nhiên Xuân Sơn.
Chiều khởi hành về Hà Nội
Hà Nội – Xuân Sơn – Tà Xùa – Nghĩa Lộ 3 ngày
Lịch trình này các bạn nên sử dụng xe máy bởi chặng đi qua Tà Xùa sang Văn Chấn ô tô khả năng cao là không đi được.
Ngày 1: Hà Nội – Xuân Sơn
Khởi hành từ Hà Nội đi Vườn Quốc Gia Xuân Sơn, trước khi vào Vườn Quốc Gia các bạn có thể ghé qua đồi chè Long Cốc để chụp ảnh.
Đến trưa tới Xuân Sơn thì nhận phòng, ăn trưa, thưởng thức các món đặc sản ở đây rồi sau đó nghỉ ngơi một chút, đầu giờ chiều khám phá bản Lấp, bản Cỏi, hang Na, hang Thổ Thần, khám phá rừng nguyên sinh rồi thăm Bảo tàng thiên nhiên Xuân Sơn.
Tối ngủ homestay ở Xuân Sơn.
Ngày 2: Xuân Sơn – Phù Yên – Tà Xùa
Từ Xuân Sơn đi tiếp theo đường xuyên rừng để ra QL32 rồi rẽ QL32B đi Phù Yên, tiếp tục chạy thẳng lên Tà Xùa săn mây. Tối nghỉ ngơi tại Tà Xùa.
Ngày 3: Tà Xùa – Nghĩa Lộ – Hà Nội
Từ Tà Xùa chạy theo đường Bắc Yên – Trạm Tấu rồi về Nghĩa Lộ. Nếu có thời gian thì ở lại Nghĩa Lộ 1 ngày, khám phá Nghĩa Lộ rồi hôm sau về Hà Nội. Nếu không có thời gian thì về đây nghỉ ngơi ăn uống, rồi chạy thẳng về Hà Nội.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Đền Hùng, Phú Thọ
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Xuân Sơn, Phú Thọ
Discussion about this post