Mẫu Sơn nằm cách thành phố Lạng Sơn 30 km về phía Đông Bắc. Là vùng núi cao của tỉnh có địa hình đa dạng, với quần thể là 80 ngọn núi lớn nhỏ. Đây cũng là vùng có khí hậu tương đối thấp, vào mùa đông tuyết phủ trắng xóa. Hãy cùng RuudNguyen.com khám phá vùng đất này nhé.
Giới thiệu về Mẫu Sơn
Do vậy Mẫu Sơn trở thành điểm đến lý tưởng cho dân phượt và những thích ngắm tuyết. Với độ cao hơn 1.500 m so với mực nước biển, Mẫu Sơn được mệnh danh là xứ sở của gió và sương mù. Đặc biệt đến Mẫu Sơn vào mùa đông, nếu may mắn bạn có thể được tận mắt chiêm ngưỡng những bông tuyết trắng xóa, điểm xuyến trên những ngôi biệt thự cổ thời Pháp, kết thành chùm trên cành cây, ngọn cỏ, phủ khắp nhà cửa, lối đi…
Vùng núi Mẫu Sơn nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Lạng Sơn, thuộc địa phận 2 xã: Công Sơn huyện Cao Lộc, và Mẫu Sơn huyện Lộc Bình. Độ cao đỉnh Mẫu Sơn trung bình từ 800 – 1.000m so với mực nước biển, gồm quần thể 80 ngọn núi lớn nhỏ. Đỉnh cao nhất là Phia Po 1.541m, còn gọi là Núi Cha; kế đến là đỉnh Phia Mê 1520m, còn gọi là Núi Mẹ. Ngoài ra, hệ thống sông suối ở đây phân bố khá dày, tạo điều kiện thuận lợi cho hệ sinh thái phát triển.
Mẫu Sơn có khí hậu quanh năm đều mát mẻ (Ảnh sưu tầm)
Khu du lịch núi Mẫu Sơn trải rộng trên diện tích hơn 10.740ha, trong đó có 5.380ha đất lâm nghiệp và 1.543ha rừng nguyên sinh. Thực vật thường gặp là họ chè, họ tre nứa với loài trúc sặt phát triển rất tốt. Cộng đồng dân cư chủ yếu là các dân tộc Dao, Tày, Nùng sinh sống gần các khu rừng trồng. Tập quán canh tác đốt rừng làm nương hầu như không còn, thay bằng đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khai thác hiệu quả đất canh tác hiện có.
Nên đi phượt Mẫu Sơn vào thời điểm nào ?
Nên đi phượt Mẫu Sơn vào thời điểm nào? Vùng núi Mẫu Sơn có khí hậu hai mùa rõ rệt. Mùa đông từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, nhiệt độ trung bình 7-13 độ. Mùa hè từ tháng 4 đến tháng 10, thường có mưa nhiều, nhiệt độ trung bình khoảng 16-17 độ. Vào mùa đông có những năm nhiệt độ Mẫu Sơn xuống dưới 0 độ và thường xuất hiện băng tuyết, đây cũng chính là một đặc điểm thu hút khách du lịch tới Mẫu Sơn vào mùa đông trong những năm gần đây.
Nên đến Mẫu Sơn vào mùa hè, khoảng tháng 9. Thời tiết trên Mẫu Sơn lúc nào cũng mát lạnh, phù hợp cho một chuyến nghỉ ngơi an dưỡng với bạn bè hoặc gia đình.
Đối với những bạn thích cái rét của mùa đông hay đơn giản chỉ là tò mò về hiện tượng băng tuyết thì hãy cứ chọn thời điểm khoảng tháng 1 hàng năm, chú ý kết hợp xem dự báo thời tiết xem lúc nào không khí lạnh tràn về.
Phương tiện đi phượt Mẫu Sơn
Xe khách
Bạn có thể đi xe khách từ bến Mỹ Đình tới Lạng Sơn. Khi tới TP Lạng Sơn, bạn có thuê xe máy để tới Mẫu Sơn. Theo những người đã có kinh nghiệm phượt Mẫu Sơn thì để tránh những rủi ro có thể xảy ra trong suốt cuộc hành trình bạn nên đi theo nhóm.
Xe máy hoặc ô tô riêng
Xuất phát từ Hà Nội lên Mẫu Sơn chỉ 200km nếu theo đường quốc lộ 1A. Đường đi khá đẹp nên sẽ thuận tiện đi. Bạn sẽ mất khoảng 4- 5 tiếng để lên đến TP Lạng Sơn. Tại đây bạn có thể tham quan những địa điểm du lịch Lạng Sơn đầy hấp dẫn. Sau đó bạn có thể tới Mẫu Sơn nếu bạn muốn ngắm tuyết rơi vào mùa đông.
Khách sạn nhà nghỉ tại Mẫu Sơn
Nhà nghỉ ở Mẫu Sơn khá nhiều, vị trí đẹp mắt và được trang bị đầy đủ tiện nghi, giá cả vừa phải, dao động từ 120 ngàn đến 200 ngàn cho 1 phòng đôi. Bạn nên chọn khách sạn trong thành phố, đừng quá sát biên giới (ít tiện nghi lại không an toàn).
Ăn gì khi đi du lịch Mẫu Sơn
Nơi đây ngoài khí hậu mát mẻ, cảnh đẹp nên thơ còn có vô số những sản vật từ núi rừng mà dường như đã gắn bó với tên tuổi Mẫu Sơn.
Rượu Mẫu Sơn nấu bằng men lá rừng được làm bằng những cây thảo mộc mọc xung quanh núi. Chúng gồm hơn 30 loại thảo dược quý hiếm như: Dây nước, trầu rừng, dây ngọt,… Đào Mẫu Sơn nổi tiếng vì hương vị độc đáo có 1 không 2. Đào có màu xanh trắng, vị ngọt lịm mà lại giòn tan, thịt đào đỏ au và có mùi thơm dịu đặc trưng. Chè tuyết sơn của khu du lịch Mẫu Sơn nổi tiếng không chỉ bởi sự tươi mát mà còn vì sự hình thành đặc biệt của những búp chè mọc trên những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên các đỉnh núi quanh năm ẩn trong sương mù. Ngoài ra, gà sáu cựa, lợn quay, chanh rừng, măng rầm,sữa quay mắc mật, gà sáu cựa đem nướng, ếch hương, đào tiên tiến vua.…
Lợn sữa quay
Đây là món ăn đặc sản không thể thiếu trong các bàn ở Lạng Sơn và không chỉ ngon mà còn chế biến cầu kì và mang hương vị riêng của xứ Lạng. Lợn quay Lạng Sơn được quay nguyên con. Tạo màu cho lợn quay là một trong những bước quan trọng nhất tạo nên độ bắt mặt cho món lợn quay Lạng Sơn. Để da của lợn quay nổi rộp thì người thợ cần dùng một cây kim dài, vừa quay vừa châm vào da, đồng thời phết mật ong và quay đều tay cho đến khi con lợn xuất hiện màu nâu cánh gián.
Trước đây, người Tày thường quay lợn trực tiếp trên ngọn lửa than củi núi đá mất khoảng 2-3 tiếng. Hiện nay, bà con cải tiến bằng lò quay chạy tự động nhanh hơn rất nhiều, đáp ứng được nhu cầu kinh doanh của người dân. Mỗi một con lợn ngon được ra lò phụ thuộc vào tay nghề của người thợ cũng như bí quyết quay của từng gia đình.
Trước đây, người Tày thường quay lợn trực tiếp trên ngọn lửa than củi núi đá mất khoảng 2-3 tiếng. Hiện nay, bà con cải tiến bằng lò quay chạy tự động nhanh hơn rất nhiều, đáp ứng được nhu cầu kinh doanh của người dân. Tuy nhiên, dù phương thức quay có tiên tiến hơn nhưng hương vị và màu sắc của thịt lợn quay Lạng Sơn vẫn giữ được nét đặc trưng với những nguyên liệu vô cùng đơn giản.
Gà nướng mật ong
Đây là một món ăn đặc sản ngon và dân giã của Mẫu Sơn, gà được lựa chọn là giống gà sáu cựa được người dân nuôi bằng cách thả chạy tự do trong bản nên thịt gà chắc và thơm hơn gà dưới xuôi.
Cách chế biến: Rửa sạch rồi tẩm ướp các loại gia vị theo phương pháp truyền thống của riêng mỗi nhà hàng mang đậm hương vị Mẫu Sơn rồi cứ thế để nguyên con nướng trên bếp than hồng, có thể phết thêm mật ong rừng để tạo thêm vị ngậy cũng như để lớp da ngoài của gà đẹp mắt. Gà nướng được ăn cùng với xôi nếp và nhâm nhi một chút rượu Mẫu Sơn giữa tiết trời se lạnh sẽ là một cái thú mà nhiều người sẽ rất thích.
Ếch hương
Du khách đến Lạng Sơn sẽ được nghe những câu chuyện về đặc sản “tiến vua”, loài ếch hương quý sống trên vùng rừng núi Mẫu Sơn. Ếch hương ở đây được nhiều du khách gọi là ếch đại gia, ếch vương, ếch công nương. Còn người Dao đỏ địa phương vẫn thường gọi là “Tồng Keng”, theo tiếng dân tộc có nghĩa là ếch lớn.
Trên bàn nhậu ở Mẫu Sơn, nếu đem đĩa ếch hương chiên giòn lên, những sản vật khác như cá hồi, gà sáu cựa hay thịt hun khói đều được dời qua một bên để đĩa ếch chiếm vị trí trang trọng nhất. Bởi ếch hương rừng là “vua” của ẩm thực Mẫu Sơn.
Cá Hồi Mẫu Sơn
Nhiều chuyên gia hải sản đã đánh giá rằng Mẫu Sơn có điều kiện khí hậu, nguồn nước vô cùng phù hợp cho việc nuôi cá hồi, cá tầm… Hơn nữa, chất lượng cá hồi được nuôi tại Mẫu Sơn tốt, cho hàm lượng dinh dưỡng cao, thịt cá thơm ngon màu sắc đẹp không thua kém so với bất cứ loại cá hồi nào đang được nhập khẩu và đang tiêu dùng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, sau nhiều lần học hỏi, cải tiến kỹ thuật, người dân ở Mẫu Sơn đã nuôi cá hồi thành công. Việc thử nghiệm nuôi cá hồi thành công không chỉ giúp mang thứ ẩm thực thượng hạng có nguồn gốc từ Châu Âu cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của khách du lịch, mà còn giúp tạo cho Mẫu Sơn một điểm tham quan mới.
Rượu Mẫu Sơn
Rượu mẫu sơn nổi tiếng thơm ngon, trong vắt như nước suối, uống rất dịu, vị đậm đà, lại không quá cay nồng mà cũng không quá nhạt, mang hương vị đặc trưng, thơm dịu của lá và rễ cây thuốc miền núi Xứ Lạng, mà hễ ai đã từng một lần uống thì mãi không thể quên được.
Chính tay những người dân tộc Dao sống trên đỉnh Mẫu Sơn (Lộc Bình-Lạng Sơn) chưng cất ở độ cao 800-1000m so với mặt biển bằng phương thức truyền thống, được lưu truyền tứ đời này qua đời khác.
Mật ong rừng
Mật ong rừng nguyên chất được lấy từ đỉnh núi Mẫu Sơn mang hương vị đặc biệt của các loài hoa rừng có rất nhiều công dụng trong y học, chăm sóc sức khỏe; được thu hoạch bằng phương pháp thủ công nên giữ nguyên hương thơm, vị ngọt tự nhiên và hoàn toàn nguyên chất. có màu nâu trong, ngọt mát – vị ngọt rất riêng của núi, của rừng Mẫu Sơn.
Ngải cứu Mẫu Sơn
Một thứ thuốc tiên của vùng núi cao, không chịu mọc ở dưới độ cao 600m so với mặt biển. Thứ rau thuốc sạch tự nhiên này mang đầy hương vị độc đáo này có thể giúp bạn giải cảm, giúp tiêu hoá tốt, chống đau đầu. Sử dụng các phương pháp chế biến truyền thống, bạn có thể tạo ra nhiều thứ thức ăn – vị thuốc khác nhau.
Mọc ở bất kỳ chỗ nào có đất và chen lẫn cùng với các loài cây dại khác, điều đặc biệt là ngải cứu Mẫu Sơn có vị ngọt rõ ràng để lại trên đầu lưỡi sau khi ăn. Bạn có thể dùng lá ngải để làm đa dạng thêm bữa ăn của mình như mì nấu ngải cho bữa sáng, canh ngải hoặc một món đơn giản khác là trứng ngải cứu. Bạn cũng có thể nhờ nhân viên khách sạn hướng dẫn cách làm bánh ngải của đồng bào người Tày, Dao hoặc mang về biếu người thân, bạn bè như một món quà du lịch độc đáo.
Đào Mẫu Sơn
Nổi tiếng từ lâu trong cả nước không chỉ với màu sắc mà hương vị cũng rất đặc biệt. Khác hẳn với các loại đào tuy chín có màu đỏ rực, thơm nức nhưng thịt lại mềm, nhũn. Được phơi giữa nắng gió Mẫu Sơn, những trái đào nơi đây dường như ngọt, giòn và chắc hơn. Bên ngoài có màu xanh nhạt nhưng khi ăn quả có vị ngọt lịm mà lại giòn tan, thịt đào đỏ au và có mùi thơm dịu. Chính hương thơm tự nhiên và sắc vị ngọt ngào ấy đã níu giữ biết bao du khách dù chỉ một lần đặt chân lên Mẫu Sơn, để rồi họ mua làm quà.
Mỗi năm Mẫu Sơn chỉ có một mùa đào, trong vòng một tháng mà thôi. Chính vì vậy, những trái đào dường như trở thành sản vật vô cùng quí giá mà thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng cho vùng đất này. Giống đào ở đây ngon và nổi tiếng không nơi nào sánh được.
Đào Mẫu Sơn vừa to, vừa ngọt. Đào có màu xanh trắng, bên ngoài là lớp vỏ có lông tơ mềm như nhung. Quả của nó có một hạt ở giữa và được bao bọc bởi cùi thịt màu vàng hay ánh trắng. Nhìn vẻ bề ngoài, những trái đào Mẫu Sơn căng mọng với màu sắc hồng hào, tươi đẹp đã hấp dẫn mọi người thưởng thức.
Chanh rừng Mẫu Sơn
Không giống với các loại chanh khác, loại chanh này khá nhỏ, chỉ to hơn quả quất một chút. Khi chanh chín, vỏ chanh có màu vàng đẹp mắt. Nếu ta ăn cả vỏ thì sẽ cảm nhận thấy vị ngọt bùi và rất thơm. Nếu ăn mỗi lõi không thì sẽ hơi chua một chút. Hoa chanh rừng nhỏ màu trắng nở ở những kẽ lá cành cây mọc từ gốc đến tận ngọn. Trong mỗi quả chanh thường có từ 3 đến 5 hạt con, rất ít.
Loại chanh Mẫu Sơn này chỉ mọc được ở vùng núi Mẫu Sơn, Lạng Sơn. Bởi vì nơi đây có độ cao từ 800 – 1541m so với mực nước biển. Nhiệt độ trung bình rơi vào khoảng từ 15 đến 22 độ C. Điều này vô cùng phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây chanh.
Đi đâu chơi khi đến du lịch Mẫu Sơn
Tuy chỉ là một xã nhỏ nằm sát biên giới với Trung Quốc nhưng Mẫu Sơn cũng có một vài điểm đến thú vị mà khi đi phượt Mẫu Sơn các bạn không nên bỏ qua. Đa phần các điểm đến này nằm không xa lắm nên các bạn hoàn toàn có thể đi lại trong ngày.
Một số bản của người Dao
Người Dao Mẫu Sơn vẫn giữ được nhiều nét văn hóa riêng của mình (Ảnh sưu tầm)
Đỉnh Mẫu Sơn vẫn đang hiện hữu những giá trị về bản sắc văn hóa thuần khiết, đa dạng của các đồng bào dân tộc gồm 3 dân tộc cùng sinh sống: Dao, Tày, Nùng, trong đó dân tộc Dao chiếm tỷ lệ 98% dân số. Bản Khuổi Cấp, nơi tập trung sinh sống lâu đời của đồng bào người Dao. Cuộc sống của người dân nơi đây phụ thuộc nhiều vào sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt.
Ở bản Khuổi Cấp, những bản sắc riêng về văn hóa, phong tục, tập quán vẫn được lưu giữ nguyên vẹn, không pha trộn từ cách ăn, nếp ở, trang phục, phong tục thờ cúng, lễ hội… Chính vì thế, bản Khuổi Cấp đang là địa điểm du lịch văn hóa cộng đồng vô cùng hấp dẫn
Suối Long Đầu
Suối Long Đầu là một trong những thắng cảnh và điểm du lịch sinh thái được nhiều người biết đến của tỉnh Lạng Sơn nó mang vẻ đẹp hiền hòa dịu dàng với dòng nước trong vắt. Suối Long Đầu là một con suối khá lớn dài chừng 10km chảy trên địa phận 2 xã Mẫu Sơn và Yên Khoái của huyện Lộc Bình.
Suối Long Đầu được bắt nguồn từ dãy núi Mẫu Sơn có độ cao trên 1000m chảy hướng Bắc Nam lòng suối hẹp dốc tạo cho con suối rất nhiều thác ghềnh, khu vực thượng nguồn có những thác nước rất lớn cao tới hơn 3m, rộng 7 – 15m, sâu 2 – 3m. Vào mùa mưa lũ nước chảy nhiều con suối có thể mở rộng ra tới 2-3 lần, tốc độ dòng chảy lớn tạo nên những con thác vô cùng hùng vỹ.
Linh địa cổ Mẫu Sơn
Với độ cao 1.190m so với mực nước biển, khu Linh địa cổ Mẫu Sơn là nơi thờ thần núi Mẫu Sơn có tên gọi là “Đức Tôn Thần Công Tịnh Quang Mậu, Hùng Trấn Đại Vương, Thượng Đẳng Phúc Thần”, của người Tày cổ.
Đường vào khu Linh địa cổ là đường mòn để vào đây chỉ có cách là đi bộ mất khá nhiều thời gian để đến được nơi đây, vì vậy nơi đây thường thu hút các nhà nghiên cứu khảo cổ, người dân hành hương đến để tìm hiểu về khu linh địa cổ, khu linh địa cổ Mẫu Sơn phân bố trên sườn núi dốc trên dãy Mẫu Sơn, thuộc địa phận thôn Lặp Pịa, xã Mẫu Sơn. Đền được xây dựng để thờ vị thần trấn núi Mẫu Sơn có tên gọi là “Đức Tôn Thần Công Tịnh Quang Mậu, Hùng Trấn Đại Vương, Thượng Đẳng Phúc Thần”.
Núi Phặt Chỉ
Núi Phặt Chỉ (tiếng địa phương) còn có tên gọi Phật Chỉ thuộc một phần của thôn Khuổi Tẳng, Khuổi Cấp, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Từ thành phố Lạng Sơn theo quốc lộ 4B (Lạng Sơn – Tiên Yên) đến Km14 rẽ trái theo đường 237A lên Khu du lịch Mẫu Sơn, đến km12 rẽ phải vào đường mòn xuyên cánh rừng nguyên sinh khoảng hơn 2 km là đến núi Phặt Chỉ.
Di tích núi Phặt Chỉ là một trong ba ngọn núi lớn, cao nhất trong số núi đá tự nhiên trong dãy núi đá vôi phía Tây Nam của Khu du lịch Mẫu Sơn. Toàn bộ khu núi Phặt Chỉ và mặt bằng thảm cỏ với tổng diện tích khoảng trên 10 ha. Khu núi này có độ thoải dốc tự nhiên từ phía Bắc xuống phía Nam (khu vực này có ít cây rừng mọc, chỉ có thảm đồng cỏ rộng lớn). Bên cạnh đó là nhiều dãy núi lớn nhỏ xung quanh có độ cao trung bình khoảng ± 1.000m so với mặt nước biển (thấp hơn Khu du lịch Mẫu Sơn khoảng 100m).
Tuy nhiên, vấn đề được mọi người quan tâm nhất tại khu núi Phặt Chỉ này là tính linh thiêng của các đạo thờ Thần ở nơi này và đã có rất nhiều câu chuyện huyền bí của người Dao ở Mẫu Sơn truyền khẩu, viết sách, chuyển thơ đưa vào các bài cúng trong các buổi lễ dòng họ, tổ tiên.
Lịch trình tham khảo đi Mẫu Sơn
Do Mẫu Sơn là một địa điểm không quá xa nên các bạn có thể phượt một chuyến lên Mẫu Sơn chỉ trong vòng 2 ngày. Ngoài ra bạn cũng có thể tham khảo bài viết Kinh nghiệm phượt Lạng Sơn để kết hợp thành một lịch trình dài hơn.
Ngày 1 : Đi xe máy từ Hà Nội – Lạng Sơn – Mẫu Sơn khoảng 200km đường quốc lộ 1 lên Lạng Sơn khá đẹp nên thời gian đi lại cũng khá nhanh, nếu xuất phát từ sáng bạn có thể tranh thủ tham quan một số địa điểm du lịch ở Lạng Sơn trước. Chiều tối lên đến Mẫu Sơn nhận phòng khách sạn, dạo chơi quanh đỉnh núi chụp ảnh, tối có thể mua củi đốt lửa trại tiến hành một số hoạt động giao lưu. Nếu bạn đi xe khách từ Hà Nội lên Lạng Sơn thì lên đến nơi có thể thuê xe taxi lên thẳng Mẫu Sơn, nhớ thỏa thuận giá cả trực tiếp với lái xe luôn về điểm đến.
Ngày 2 : Dạo chơi quanh Mẫu Sơn, có thể trekking hoặc sử dụng xe máy đi vào một số bản người Dao trên đường xuống núi như Khuổi Cấp, Khuổi Tẳng, dạo chơi suối Long Đầu, ghé thăm núi Phặt Chỉ và Linh địa cổ Mẫu Sơn. Các địa điểm này các bạn có thể đi hầu hết trong vòng 1 ngày, chiều xuống núi và trở về Hà Nội.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Lạng Sơn
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Bắc Sơn, Lạng Sơn
Discussion about this post