Với khí hậu mát mẻ và trong lành, Tam Đảo được mệnh danh là “Đà Lạt của miền Bắc” thu hút du khách tới tham quan. Khu du lịch Tam Đảo nằm trên dãy núi Tam Đảo ở độ cao trên 900 m so với mực nước biển. Cách thủ đô Hà Nội khoảng 80 km bao gồm 50 km theo quốc lộ 2 và khoảng 24 km theo đường quốc lộ 2B trong đó có 13 km đường đèo.
Tam Đảo một ngày trời xanh thật xanh (Ảnh – Hồng Mun)
Nằm ở phía Bắc huyện Tam Đảo, khu du lịch Tam Đảo được bao bọc bởi rừng nguyên sinh Quốc gia Tam Đảo, có khí hậu trong sạch, mát mẻ, nhiệt độ trung bình trong năm khoảng 18°C. Cùng theo dõi một số kinh nghiệm du lịch Tam Đảo mùa hè này nhé.
Giới thiệu chung về Tam Đảo
Tam Đảo nhìn từ trên cao (Ảnh: Hà Thị Thu Hiền)
Thị trấn Tam Đảo thuộc huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc nằm trên dãy núi Tam Đảo có độ cao trên 900m so với mực nước biển. Cách thủ đô Hà Nội khoảng 80 km bao gồm 50 km theo quốc lộ 2 và khoảng 24 km theo đường quốc lộ 2B trong đó có 13 km đường đèo. Khu du lịch Tam Đảo có phong cảnh núi non hùng vĩ, khí hậu mát mẻ quanh năm được mệnh danh là “Đà Lạt của miền Bắc”.
Nên đi du lịch Tam Đảo vào mùa nào
Khu nghỉ dưỡng Tam Đảo đông đặc biệt vào dịp cuối tuần (Ảnh: Bùi Huyền)
Được mệnh danh là “Đà Lạt ở phía Bắc”, Tam Đảo sở hữu một thuận lợi lớn với thời tiết mát mẻ quanh năm. Mỗi mùa của Tam Đảo sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm và cảm nhận rất riêng. Tam Đảo luôn có nhiệt độ thấp hơn Hà Nội, vì vậy, mùa hè, đây là địa điểm thuận lợi để mọi người đi du lịch, tránh cái nóng gay gắt của thủ đô. Vào mùa đông, nơi đây mang đến một vẻ đẹp lãng mạn và trầm lắng với những đám sương mù dày đặc, phủ kín cả đất trời.
Phương tiện đi và tới Tam Đảo
Phương tiện xe máy hoặc ô tô cá nhân
Đường lên Tam Đảo (Ảnh: Hồng Mun)
Đi bằng xe máy: đi tương tự theo khung đường đi xe ô tô riêng, tuy nhiên đường đi lên Tam Đảo từ chân núi lên đỉnh khoảng 13km đường nhỏ, có nhiều đoạn cua gấp hình chữ Z, độ dốc lớn nên bạn cần phải đi rất cẩn thận, không nên đi xe ga. Nếu đi bằng xe máy hoặc ô tô riêng, các bạn đi theo hướng dẫn sau: Từ Hà Nội bạn di chuyển ra cầu Thăng Long theo hướng Bắc Thăng Long Nội Bài (đường đi ra sân bay Nội Bài) -> đi khoảng 25km đến ngã tư giao giữa quốc lộ 2 -> đường AH 14 và đường Bắc Thăng Long Nội Bài -> từ đó rẽ trái sang quốc lộ 2 khoảng 500m -> rẽ tiếp theo đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai khoảng 25 km nữa, đến điểm rẽ vòng xuyến địa phận xã Tam Dương, Vĩnh Phú thì bạn sẽ phải theo hướng đường quốc lộ 2B đi khoảng 20km nữa là nới trung tâm khu du lịch Tam Đảo.
Phương tiện xe buýt
Đối với nhiều bạn thích đi bằng xe bus vừa an toàn lại, tiết kiệm chi phí (đa phần là các bạn sinh viên). Các bạn đi xe 58 (tuyến Long Biên – Mê Linh) tại trung chuyển Long Biên, rồi từ Mê Linh plaza rồi bắt xe 01 tới thị xã Vĩnh Phúc, sau đó đi xe bus 07 Vĩnh Yên – Tam Đảo.
Phương tiện xe khách
Bạn ra bến xe Mỹ Đình, đi xe chuyến Hà Nội – Việt Trì, Hà Nội – Yên Bái, Hà Nội – Vĩnh Yên. Xe chạy đến thành phố Vĩnh Yên, sau đó bạn bắt taxi hay xe ôm để lên Tam Đảo (khoảng 20km nữa).
Lưu trú tại Tam Đảo
Homestay tại Tam Đảo (Ảnh: Bùi Huyền)
Tam Đảo còn hàng nghìn khách sạn nhà nghỉ và homestay cho bạn lựa chọn. Các bạn lưu ý một điều là do khí hậu ở Tam Đảo khá ẩm nên một số khách sạn nhà nghỉ bình dân và các đồ dùng sẽ thường có mùi ẩm, khi lựa chọn khách sạn có thể bỏ qua tiêu chí này, cứ ngon bổ rẻ và thuận lợi cho đoàn mình là được.
Các địa điểm du lịch ở Tam Đảo
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên
Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên (Ảnh: Triệu Khắc Chí)
Bạn có thể kết hợp trước khi lên Tam Đảo ghé thăm Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một thiền viện thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nằm tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, cách Hà Nội khoảng 85 km về phía tây. Cùng với Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong 3 thiền viện lớn nhất của Việt Nam.
Quán Gió Tam Đảo
Tam Đảo (Ảnh: Anh Mẹt)
Một quán cafe nhỏ nằm nhô hẳn ra mặt đường nhựa và ngay trên các vách núi với tầm nhìn vô cùng đẹp cũng như không gian thoáng mát. Quán không có mái che nhưng cho dù ngồi ngay dưới trời nắng cũng không quá khó chịu bởi không khí mát mẻ từ dưới vách núi thổi lên. Một điểm trừ nữa là quán hơi ít bàn và nhân viên cũng không chủ động sắp xếp bàn cho bạn thế nên các bạn nếu muốn có chỗ đẹp thì nên bố trí lên sớm để “giành” chỗ nhé.
Tháp truyền hình Tam Đảo
Tam Đảo (Ảnh: Lê Ngọc Hân)
Nằm trên đỉnh Thiên Thị có độ cao 1.375 m. Ðường đi lên tuy vất vả nhưng lãng mạn, nên thơ. Dọc đường lên là hoa phong lan, hoa cúc quỳ và các loài hoa dại không tên khác nở đầy lối đi, tỏa hương thơm lạ, mầu sắc rực rỡ… Lên tới đỉnh, phóng tầm mắt ra bốn phía là mênh mông trời, đất, gió, mây…
Sau khi leo bộ lên gần 1.400 bậc đá đứng trên đỉnh Thiên Nhị là bạn sẽ đến được chân tháp truyền hình. Đi bộ lên đây khá xa, và mệt, tuy nhiên sẽ rất thú vị cho bạn nếu bạn là người thích mạo hiểm.
Đền Bà Chúa Thượng Ngàn
Để lên được Đền bạn sẽ phải leo khoảng 200 bậc đá Ngôi đền là nơi lưu giữ một truyền thuyết đẹp. Ngôi đền là nơi lưu giữ một truyền thuyết đẹp. Với khung cảnh mộng mơ của thị trấn miền mây trắng vẫn còn nguyên vẹn. Đây là một trong những địa điểm du lịch tâm linh trong cụm du lịch Tam Đảo. Đường đi lên đền Bà chúa thượng ngàn có đoạn đầu trùng với đường đi lên tháp truyền hình, nếu thời gian không có nhiều, bạn nên chọn leo lên Đền Bà Chúa Thượng Ngàn thay vì leo lên tháp truyền hình.
Thác Bạc
Toàn cảnh Thác Bạc – Tam Đảo (Ảnh: Hà Thị Thu Hiền)
Thác Bạc là dòng suối nhỏ khoảng 50m ào ào nước chảy cùng tiếng rừng, tiếng lá dội vào vách đá, Thác Bạc hút xuống thung lũng sâu với dòng nước trắng bạc và lóng lánh ánh mặt trời. Để đi tới địa điểm này từ trung tâm thị trấn, các bạn rẽ phải theo lối mòn, hút xuống thung lũng sâu, thác Bạc ẩn mình trong núi.
Đường dẫn xuống thác Bạc không quá dài nhưng cheo leo dựng đứng được thiết kế bằng những bậc tam cấp lót đá xanh. Do đường mở trong núi, một bên núi một bên vực nên thành đường có tay vịn, có một vài điểm để khách dừng nghỉ chân. Hiện nay, dọc đường xuống thác, nhất là vào những ngày cuối tuần khách đến tham quan chật cả đường đi. Cũng dọc con đường này, có rất nhiều hàng nước, bạn có thể dừng chân nghỉ bất cứ lúc nào.
Đặc biệt xuống thác Bạc, bạn như có cảm giác được về với khu rừng nguyên sinh trù phú. Ở đây khí hậu mát mẻ, cây rừng xanh tốt uy nghiêm tỏa bóng. bạn không còn lạ mắt khi thấy những chú chim rừng, chú sóc dạn dĩ quen thuộc bên đường.
Nhà thờ đá cổ Tam Đảo
Nhà thờ đá Tam Đảo (Ảnh: Ánh Ánh)
Đây là một điểm tham quan khá lý thú, đứng trên nhà thờ cổ bạn cũng có thể nhìn thấy toàn cảnh thiên nhiên Tam đảo rất mộng mơ. Nhà thờ đá cổ Tam Đảo được xây dựng từ năm 1906 ngay đường lên núi Thiên Nhị. Ban đầu đây chỉ là mô hình nhà sàn lợp lá được người Pháp dựng lên. Mãi đến năm 1937 nhà thờ mới được xây dựng kiên cố lại bằng đá theo lối kiến trúc Gothic điển hình.
Tam Đảo nhìn từ trên nhà thờ đá (Ảnh: Anh Mẹt)
Đứng trên nhà thờ cổ bạn có thể nhìn thấy toàn bộ khung cảnh thiên nhiên của Tam Đảo. Tại đây, bạn có thể chụp ảnh lưu niệm với bạn bè và người thân của mình. Đặc biệt, nhà thờ cổ Tam Đảo còn là địa điểm được nhiều cặp tình nhân lựa chọn để chụp ảnh cưới.
Cổng trời Tam Đảo
Tam Đảo thật mộng mơ (Ảnh: Nguyễn Thu Hương)
Đây là điểm cao mà bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh khu du lịch Tam Đảo, vào những ngày thời tiết trong xanh và hơi se lạnh có thể bạn sẽ nhìn thấy Tam Đảo mờ ảo trong những làn sương. Từ phía nhà thờ, bạn đi thẳng theo con đường trước mặt (hướng về phía đường xuống núi).
Chùa Địa Ngục (Địa Ngục Tự)
Chùa Địa Ngục (Ảnh: Nguyễn Hữu Thắng)
Chùa Địa Ngục không rõ xây từ thời nào, nhưng theo cuốn Kiến Văn Tiểu lục của Lê Quý Đôn mô tả là một khối kiến trúc vuông vức, mỗi cạnh dài khoảng một trượng, các tường bao quanh chùa đều bằng đá. Thường ngày hai cánh cửa ra vào khóa kỹ bằng một khóa sắt lớn và trong khuôn viên có đặt viên đá ghi rõ: Địa Ngục tự (tức chùa Địa Ngục)
Quảng trường tam đảo
Quảng trường Tam Đảo (Ảnh: Ánh Ánh)
Quảng trường tọa lạc ngay giữa thị trấn, là một nơi rộng lớn với các bậc thang được làm bằng đá cùng đài phun nước và biểu tượng Tam Đảo nổi bật. Địa điểm không quá mới lạ nhưng đã đến Tam Đảo bạn nhất định phải có ngay một kiểu ảnh check-in tại đây.
Có khá nhiều nơi sống ảo dành cho các bạn trẻ (Ảnh: Ánh Ánh)
Các món ăn ngon và đặc sản ở Tam Đảo
Rau và quả su su
Một góc khu vực trồng su su của Tam Đảo (Ảnh sưu tầm)
Ở Tam Đảo, bạn có thể nhìn thấy loài cây này có mặt ở khắp nơi. Su su mọc thành giàn , mơn mởn trước cửa nhà, bên sườn núi, hai bên đường dẫn vào thị trấn cũng bạt ngàn màu xanh của su su. Su su ở đây lúc nào cũng xanh tốt và có một sức đề kháng mà những loại sâu, côn trùng và mối không thể làm hại cây. Ở đây trồng su su cả năm. Người ta cắt bỏ cây già, cho gốc chồi lên cây non, rồi bón thúc thêm phân để lên cây mới.
Ngọn su su để xào tỏi, xào thịt bò, hoặc luộc chấm muối vừng chấm nước mắm ớt, tỏi cũng ngon. Khi ăn, bạn dễ dàng cảm nhận được độ ngon mềm nhưng lại giòn, vị ngọt mát tự nhiên. Bạn cũng có thể mua su su Tam Đảo về làm quà cho bạn bè và người thân.
Gà nướng Tam Đảo
Gà nướng Tam Đảo (Ảnh sưu tầm)
Gà Tam Đảo chủ yếu là gà tre, gà ri, thả trên núi, vì thời tiết lạnh nên số lượng không nhiều. Tùy từng cách chế biến, bạn sẽ có những món như: gà đồi rang muối, gà đồi hầm, gà đồi rang hành mỡ… Ngoài ra còn có món gà đồi bọc đất nướng, nhưng nhiều người đánh giá món gà đồi bọc đất này không được ngon, thịt gà hơi mềm, không săn chắc nhưng được kết hợp từ tinh hoa đất trời nên mùi món gà đồi bọc đất rất thơm, béo ngây.
Cá bống suối Tam Đảo
Cá bống suối kho tiêu (Ảnh sưu tầm)
Một món ăn không kém phần hấp dẫn khác là cá bống kho tương. Hấp dẫn nhất là món cá bống kho tương. Cá bống được làm sạch, đem chiên sơ qua, sau đó xếp vào nồi đất, cho nước tương vào, thêm một ít giềng cùng một ít bột tiêu, một ít nước cùng các loại gia vị đường, muối, bột nêm… Sau đó cho nồi lên bếp đun nhỏ lửa, cho tới khi nước cạn khô là được.Tam Đảo phát triển cá bống suối tự nhiên bằng cách đắp đập chăn nuôi.Cá bống rửa sạch, chế biến đơn giản bằng cách chiên giòn chấm với nước mắm tỏi ớt thì không gì bằng. Cắn một miếng cá giòn rụm vẫn cảm nhận được vị đậm đà, thơm ngon từ thịt cá. Cá bống chưng tương ngon nhất là ăn kèm với cơm trắng, chỉ cần vài con cá bống cũng có thể đánh veo hết nồi cơm. Cắn một miếng cá bống, cảm nhận vị béo, hòa trong cái vị đậm đà nhưng ngọt nhẹ rất vừa ăn.
Đồ nướng Tam Đảo
Bò cuốn cải và nấm nướng (Ảnh sưu tầm)
Với khí hậu mát mẻ, Tam Đảo là một địa điểm lý tưởng để thưởng thức các loại đồ nướng ngon. Ở Tam Đảo, không quá khó khăn để tìm được một quán nướng bình dân, các món như bò cuốn lá cải, bò cuốn nấm kim châm, chim cút nướng, gà nướng, thịt lợn xiên nướng, trừng nướng … là những món bạn nên thử.
Thịt tái bò kiến đốt
Thịt tái bò kiến đốt là một món ăn lạ ở Tam Đảo (Ảnh sưu tầm)
Bò tái kiến đốt là món ăn có tên gọi lạ tai và chế biến kỳ công. Những con bò mới mổ, thịt còn nóng, người ta cắt từng tảng đem treo ngay cạnh các tổ kiến trên cây rừng. Sau đó chọc cho lũ kiến trong tổ bung ra, bâu kín miếng thịt. Miếng thịt càng nóng, thơm càng kích thích lũ kiến.
Người chế biến chỉ “dụ” những tổ kiến ở trên cây để đảm bảo vệ sinh và loại kiến nào hung dữ càng đốt nhiều càng tốt. Ngoài ra nước chấm món ăn này cũng khá đặc sắc, được chế từ một loại tương làm từ ngô và đậu tương, pha thêm chút đường, gừng thái sợi cho dậy vị. Rau sống ăn kèm thường là khế chua và chuối chát, rau ngổ, rau thơm.
Rượu chít Tam Đảo
Rượu sâu chít có thể thấy ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc (Ảnh sưu tầm)
Món Rượu chít này rất nổi tiếng và là “anh em kết nghĩa” với món Thịt tái bò kiến đốt kia nên đành giới thiệu cùng để cho nó “có đôi có lứa”. Ai đến du lịch Tam Đảo cũng biết đây là vùng chập trùng núi cao với trăm suối ngàn khe cùng bát ngát những cánh rừng hỗn giao xen kẽ các vạt rừng nguyên chủng. Rừng chít cũng là đặc điểm rất riêng của vùng núi đồi này.
Chinh phục Tam Đảo bạn sẽ thấy vào dịp cuối năm, bà con các dân tộc Sán Dìu, Cao Lan… thường vào rừng lấy lá chít về gói bánh đồng thời bắt sâu chít về ngâm rượu. Vì thế người ta gọi là rượu chít. Trong bụi chít, họ tìm ngọn cây nào bị héo úa là bóc ra sẽ bắt được con sâu đang nằm ngoan ngoãn gọn gàng giữa thân cây. Nghe lời tả thì con sâu chít màu trắng ngà chỉ dài chừng hai đất tay giống như con tằm nhỏ. Mỗi người mỗi buổi luồn rừng dù tích cực thì cũng chỉ bắt được vài chục con.
Lịch trình đi phượt Tam Đảo
Trung tâm Tam Đảo (Ảnh: Bùi Huyền)
Ngày 1 : Hà Nội – Thiền viện Tây Thiên (Hoặc chùa Tây Thiên) – Tam Đảo
– 8h : Khởi hành từ Hà Nội
– 10h : Có mặt tại Thiền viện Tây Thiên (hoặc đi Chùa Tây Thiên)
– 10h – 11h : Thăm quan Thiền viện, tìm hiểu về một trong những cái nôi lớn của Thiền Tông Việt Nam
– 11h : Dùng cơm chay (Bạn cần đăng ký trước số lượng vào ngày hôm trước để Chùa còn chuẩn bị cơm)
– 12h : Khởi hành đi Tam Đảo
– 13h : Có mặt tại Tam Đảo, nhận phòng và sắp xếp đồ đạc
– 14h : Tham quan Tháp truyền hình Tam Đảo
– 17h : Quay về khách sạn nghỉ ngơi
– Tối ăn uống và đi chơi tự do, có thể đi quanh quanh ăn đồ nướng trong cái tiết trời se lạnh của Tam Đảo
Ngày 2 : Tam Đảo – Hà Nội
– 8h : Ăn sáng, mua một số đặc sản về làm quà
– 8h30 : Tham quan Thác Bạc, Nhà thờ Tam Đảo
– 10h : Vào vườn quốc gia Tam Đảo, có thể đăng ký tham gia 1 vài tour ngắn. Mang theo đồ ăn để dã ngoại
– 14h : Trở về khách sạn làm thủ tục trả phòng, dọn đồ
– 14h30 : Khởi hành về Hà Nội
– 16h30 : Có mặt tại Hà Nội, kết thúc chuyến đi
Lưu ý khi đi phượt Tam Đảo
Các lưu ý thời tiết đêm ở Tam Đảo khá lạnh (Ảnh: Nguyễn Thu Hương)
Có một vài lưu ý nhỏ dành cho các bạn khi đi phượt Tam Đảo, những lưu ý này được tổng hợp và đúc rút từ những bạn/đoàn đi trước, các bạn không nhất thiết phải làm theo nhưng nên đọc để tham khảo.
- Nếu dự định đi vào dịp cuối tuần, nên đặt phòng trước từ 3-4 ngày để không phải thuê phòng với giá cao.
- Kiểm tra hoặc bảo dưỡng xe cẩn thận trước khi đi, quan trọng nhất là 2 phanh phải hoạt động tốt.
- Không nên đi xe ga trừ khi bạn chắc chắn và có thể đảm bảo an toàn cho mình khi xuống dốc. Gần đây Tam Đảo thường xuyên xảy ra rất nhiều vụ tai nạn do xe mất phanh khi xuống dốc.
- Mang sẵn lượng tiền mặt đủ dùng bởi ở trên Tam Đảo không có hệ thống ATM, nếu cần tiền các bạn phải đi xuống dưới núi mới có thể rút được.
- Nếu bạn đi bằng xe bus Newway tới Tam Đảo, họ sẽ cho bạn xuống xe ở chợ, ngay khu trung tâm. Ngay khi xuống xe, sẽ có rất nhiều anh xe ôm đến mời bạn đi xe ôm, khi bạn nói đến khách sạn XYZ nào đó, họ sẽ bảo là cách xa lắm chừng 3-4km, tuy nhiên thực tế thì khu du lịch Tam Đảo rất bé, bạn chỉ cần đi bộ về khách sạn là được.
- Đêm ở Tam Đảo khá lạnh, gió có thể thốc thành từng cơn, bạn nên mang theo áo khoác mỏng lên đây.
- Bạn nên mang theo giày hoặc đơn giản hơn là dép lê để tiện leo núi (lên tháp truyền hình, đền Bà Chúa Thượng Ngàn, Thác Bạc).
- Du khách đến đây thường mua susu về làm quà, bạn nên ra chợ để mua, và nhớ là càng vào sâu chợ, susu càng nhiều, giá càng rẻ.
- Trước khi ăn nên hỏi giá trước, giá đồ ăn ở đây khá đắt.
- Nên mang sẵn theo ít thuốc, tìm nhà thuốc ở Tam Đảo cũng như tìm cửa hàng tạp hóa ở đây rất khó.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Vĩnh Phúc
Discussion about this post