Từ lâu Y Tý, Lào Cai đã nổi tiếng là điểm “săn mây” ấn tượng trong giới phượt thủ. Y Tý nằm ở độ cao trên 2.000m, lưng tựa vào dãy núi Nhìu Cồ San mà đỉnh của nó cao tới 2.660m, gần như quanh năm mây phủ. Tuy nhiên, hành trình “săn mây” Y Tý lại là một thử thách lớn đối với những người mới, nhất là vấn đề đi lại, ăn uống và chỗ ngủ nghỉ. Những kinh nghiệm bổ ích và cần thiết cho người lần đầu phượt, du lịch Y Tý sau đây sẽ giúp các bạn có chuyến đi đáng nhớ, thuận lợi nhất.
Giới thiệu về Y Tý
Những ngôi nhà Trình Tường ở Y Tý (Ảnh sưu tầm)
Y Tý là một xã vùng cao biên giới của huyện Bát Xát thuộc xã 135 đặc biệt khó khăn với diện tích đất tự nhiên 8654 ha và gần 12km đường biên giới. Toàn xã có tổng số gần 1000 hộ sinh sống trên 16 thôn bản với 4 dân tộc anh em (Mông, Hà Nhì, Dao, Kinh).
Xã Y Tý nằm ở phía tây của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, cách thành phố Lào Cai khoảng 100 km. Nơi được mệnh danh là “vùng đất mù sương” với những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp và những ngôi nhà trình tường độc đáo. Một vùng đất hoang sơ và huyền bí đang cất giữ những điều kỳ lạ khó có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu. Nằm ở độ cao hơn 2000m so với mực nước biển, Y Tý có khí hậu quanh năm mát mẻ và đặc biệt khắc nghiệt hơn rất nhiều so với các xã khác trong huyện Bát Xát vào mùa đông.
Y Tý cũng là nơi duy nhất có đông đồng bào dân tộc Hà Nhì sinh sống, với bản sắc văn hóa đậm đặc, độc đáo và rừng nguyên sinh Dền Sáng, được ví như “rừng treo” trên núi đá cao vời vợi.
Thú nhất là khi được đứng trên cao mà ngắm nhìn biển vàng Y Tý. Chiều về, khung cảnh thần tiên hiện ra rõ hơn khi những đám mây sà suống những cánh đồng bậc thang khiến cho không gian có sự quyện hòa tinh tế giữa màu vàng của lúa, màu trắng tinh khôi của mây trời. Hòa mình vào trời mây non nước nơi đây, con người như được sống chậm với thời gian, như xua đi bao ưu phiền chốn thị thành. Phía xa xa là những triền núi cao và hùng vĩ, gợi lên sắc màu của vùng biên viễn.
Thời gian thích hợp để đi Y Tý?
Y Tý có 3 khoảng thời gian khá được các bạn trẻ yêu thích đó là mùa lúa chín từ khoảng tuần thứ 3 của tháng 8 cho đến giữa tháng 9 ,mùa săn mây vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 4 hàng năm và mùa nước đổ vào khoảng tháng 5 đến tháng 6. Ngoài ra, vào những năm thời tiết lạnh, Y Tý cũng là một điểm có khả năng có tuyết rơi cùng với Sa Pa và Mẫu Sơn.
Y Tý mùa lúa chín vàng (Ảnh: haichi8)
Hướng dẫn đi tới Y Tý
Hành trình từ Hà Nội đi Y Tý – Lào Cai có rất nhiều đường đi và phương tiện di chuyển khác nhau nhưng nhanh nhất và thuận tiện nhất là bạn di chuyển lên Lào Cai bằng tàu hoặc xe giường nằm sau đó thuê xe máy để phượt Y Tý. Thường thì di chuyển lên xe khách buổi tối thì ngủ qua một đêm trên xe là các bạn đã tới TP Lào Cai.
Từ Lào Cai tới Y Tý bạn có thể chọn 2 cung đường để di chuyển.
- Lào Cai – Bát Xát- Trình Tường- Lũng Pô – A Mú Sung – A Lù – Ngãi Thầu – Y Tý. Đoạn này được đi tốt chỉ mất một đoạn ngắn chỗ Ngãi Thầu
- Lào Cai – Sapa- Mường Hum – Dền Sáng – Y Tý. Đường này khó đi vì đường khá nhiều đá răm
Theo kinh nghiệm của mình nếu đi Y Tý thì bạn nên chọn cung đường thứ nhất từ Lào Cai – Bát Xát.
Nhà nghỉ và homestay tại Y Tý
Y Tý chưa có nhiều cơ sở lưu trú, nên đôi lúc cả đồn biên phòng cũng phải rộng cửa đón tiếp những vị khách phương xa lỡ độ đường. Vài ba nhà nghỉ thì đang dần trở nên đông đúc khi ngày càng có nhiều người thích thú tìm đến nơi đây.
Homestay Y Tý (Ảnh sưu tầm)
Vào những dịp đông như 2/9 hay dịp lễ hội mùa thu hàng năm, các bạn nên chủ động mang theo lều vì không chắc có thể tìm được chỗ nghỉ lại trong Y Tý.
Các địa điểm du lịch đẹp ở Y Tý
Các điểm du lịch trong bài của mình gợi ý dưới đây được sắp xếp thứ tự theo hướng từ TP Lào Cai đi Bát Xát rồi từ đây dọc theo sông Hồng đi tới Lũng Pô và chạy thẳng vào Y Tý qua Mường Hum, qua Sa Pa rồi về lại TP Lào Cai.
Mốc 92 – Ngã 3 Lũng Pô
Ngã 3 Lũng Pô là nơi có con sông Nguyên Giang (Trung Quốc) gặp dòng sông Lũng Pô hòa mình vào nhau và chảy vào Việt Nam với tên gọi sông Hồng. Từ phía thượng nguồn sông Hồng, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh những bản làng tuyệt đẹp nằm bên những thửa ruộng nằm gối nhau xanh mướt một màu.
Mốc 92 nằm ở ngay ngã 3 sông, nơi sông Hồng chảy vào Việt Nam (Ảnh sưu tầm)
Cột mốc 92 gồm: mốc 96(1) nằm ở phía Việt Nam; mốc 92(2) và mốc 92(3) nằm trên bờ sông phía Trung Quốc. Từ TP Lào Cai đến Lũng Pô khoảng 70km, đường núi quanh co, đèo dốc lên xuống điệp trùng là một thử thách cam go với nhiều phượt thủ đi xe máy.
A Lù
Người ở Bát Xát (Lào Cai) hay nói “Dốc A Lù – sương mù Ý Tý”, câu nói vừa khiến người phượt thủ luôn tò mò vừa như một cái nắm tay đầy ngập ngừng và e ngại.
Cánh đồng lúa ở A Lù (Ảnh: Meogiaphoto)
A Lù là một trong những xã nằm trên đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc dọc theo suối Lũng Pô, thuộc huyện Bát Xát, Lào Cai. Con đường trải nhựa vào tới A Lù đã được hoàn thành vào năm 2012, nhờ vậy việc đi lại từ Ý Tý, Ngải Thầu hay từ Lũng Pô, A Mú Sung sang không còn gian nan như trước nữa. Giờ đây trên con đường chạy dọc con suối Lũng Pô, người ta chỉ thấy một vẻ đẹp đầy huyền sử của mảnh đất, con người miền Tây Bắc này.
Cũng như nhiều xã vùng cao Bát Xát, địa hình A Lù bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi cao, thấp dần từ đông nam sang tây bắc, giao thông trong vùng vô cùng khó khăn, cách trở. Nhưng cũng chính điều này đã mang lại cho A Lù một vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, khoáng đạt. Những bậc thang lúa vàng bát ngát như muôn vàn những con sóng nối tiếp xô nhau tới đường chân trời, ôm ấp vài ngôi nhà cửa nẻo thanh sơ, đùa giỡn vạt váy thổ cẩm của người phụ nữ H’Mông. Khung cảnh như mơ như mộng ấy, âu chỉ có ở chốn núi rừng ban sơ, ngọt ngào này…
Ngải Thầu
Ngải Thầu là một xã vùng cao nằm giáp biên giới phía bắc của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Nơi đây khí hậu ôn đới, quanh năm mây mù bao phủ tạo thành khung cảnh huyền ảo. Trong ảnh là khung cảnh mây vờn vào mỗi sớm mai trên thung lũng Thiên Sinh nhìn từ Ngải Thầu.
Biển mây ở Ngải Thầu (Ảnh: hachi8)
Thung lũng Thề Pả
Thề Pả theo tiếng địa phương nghĩa là ruộng chân núi hoặc ruộng đáy. Ruộng bậc thang ở đây chủ yếu do người Hà Nhì và người Mông ở xã Y Tý canh tác. Thung lũng Thề Pả phần thuộc xã Y Tý với hàng nghìn thửa ruộng bậc thang vần vũ, uốn lượn, trải dài hơn 5km từ thông Choỏn Thèn đến cầu Thiên Sinh.
Ruộng bậc thang ở thung lũng Thề Pả (Ảnh: meogiaphoto)
Khu danh thắng ruộng bậc thang thung lũng Thề Pả có diện tích khoảng 233,1 ha, nằm trên địa phận hai xã Y Tý và Ngải Thầu, trong đó, phần lớn diện tích ruộng bậc thang nơi đây do nhân dân thôn Lao Chải, Choản Thèn, Sín Chải (Y Tý) canh tác, khu vực thuộc xã Ngải Thầu chủ yếu là tại thôn Phìn Chải.
Chợ phiên Y Tý
Nếu nói về quy mô thì chợ Y Tý không đầy sắc màu như chợ phiên đẹp nhất Việt Nam ở Bắc Hà. Nhưng nét độc đáo của chợ phiên Y Tý là nằm giữa biển mây huyền ảo, thu hút đông khách du lịch đến săn mây, dạo chợ, mua sắm và khám phá nét văn hóa độc đáo.
Phiên chợ ở Y Tý họp mỗi tuần 1 lần, vào sáng thứ 7 (Ảnh sưu tầm)
Khác với một số chợ phiên thường chỉ bán một loại hàng hóa, chợ phiên Y Tý bán đầy đủ các mặt hàng từ quần áo, vật dụng, thức ăn, rau củ, bánh trái… Trong đó, có rất nhiều sản vật đặc trưng của bà con dân tộc Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì.
Lảo Thẩn
Nằm trên độ cao 2.860m so với mực nuớc biển, Lảo Thẩn được ưu ái gọi bằng cái tên “nóc nhà Y Tý” bởi độ cao 2.800m so với mặt nước biển. Nơi đây chắc chắn hoàn hảo để leo núi săn mây, kể chuyện với đại ngàn hùng vĩ.
Mây trên đỉnh Lảo Thẩn (Ảnh sưu tầm)
Đường chinh phục Thảo Lẩn không gian nan nhưng cũng cần bền sức, với những công chúa, hoàng tử cả ngày không biết thể dục thể thao là gì thì cũng nên rèn luyện cơ thể trước vài buổi, lăn lộn hai ngày trời không phải là chuyện dễ như xơi kẹo, uống tách trà.
Thôn Hồng Ngài
Thôn Hồng Ngài là thôn xa nhất của xã Y Tý (cách trung tâm xã khoảng gần 20km), tận cùng biên giới tỉnh Lào Cai, nằm trên độ cao gần 2.000 m so với mặt nước biển. Nằm ở vị trí xa nhất của xã Y Tý, nằm sát với biên giới Trung Quốc. Theo tiếng của người Mông, Hồng Ngài nghĩa là Đá đỏ.
Hoàng hôn ở Hồng Ngài (Ảnh sưu tầm)
Thôn Hồng Ngài có nhiều cây thảo quả nên cuộc sống của người dân khá ổn định. Nhiều người tưởng rằng đây là thôn Hồng Ngài trong truyện “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài, nhưng thôn trong truyện là ở huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.
Lao Chải – Tả Van
Cũng giống như bản Cát Cát, Lao Chải – Tả Van là nơi sinh sống của người dân tộc thiểu số, cách trung tâm thị trấn Sapa khoảng 7km. Nếu đi từ trung tâm thị trấn Sapa, quý khách đi dọc theo phố Cầu Mây, sau đó rẽ sang phố Mường Hoa.
Những ngôi nhà trình tường của người dân ở thôn Lao Chải (Ảnh sưu tầm)
Lao Chải – Tả Van nằm dưới thung lũng, hai bên là hai dãy Hoàng Liên Sơn và núi Hàm Rồng hùng vĩ, bao quanh bản là các thửa ruộng bậc thang trồng lúa nằm ở cấp thấp hơn. Ruộng kéo dài đến tận cửa nhà. Tưởng chừng như đó là những bậc thang nối liền Lao Chải với các ngọn núi để hòa mình vào mây lên tận trời cao…
Những thửa ruộng bậc thang này đã có từ hàng trăm năm nay và đều do những đôi bàn tay tài hoa, cần mẫn của những người nông dân dân tộc thiểu số kiến tạo nên và những cánh đồng này rộng hàng trăm ha … trông như những bức tranh phong cảnh khổng lồ với những đường nét uốn lượn tài hoa do các “họa sỹ chân đất” tạo nên… Cứ đến mùa thu hoạch lúa chín (Tháng 4 và tháng 9 hàng năm ) là cả thôn bản ấm lên cùng sắc vàng tự nhiên của lúa chín. Đây cũng là thời điểm du lịch Sapa nói chung và Lao Chài – Tả Van nói riêng bởi khao khát được một lần ngắm những cánh đồng lúa chín vàng theo từng bậc, từng bậc đó khiến ta có cảm giác được lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh…
Thôn Sim San
Sim San là một thôn cách trung tâm xã Y Tý 10km, cả thôn có khoảng gần 100 hộ. Đời sống của người chủ yếu dựa vào trồng lúa và trồng ngô. Do địa hình nằm ở độ cao ở độ cao trên 2000m so với mực nước biển và nhiệt độ trung bình trong năm khá mát mẻ.
Qua thôn Lao Chải, các bạn sẽ gặp thôn Sim San 1 và Sim San 2. Đây là nơi sinh sống của người Dao đỏ và tại đây có dịch vụ tắm lá thuốc. Từ điều kiện thổ nhưỡng đặc trưng, nên người Dao ở thôn Sim San đã trưng cất ra một loại rượu rất thơm ngon và lấy tên thôn để đặt cho sản phẩm, đó chính là Rượu Sim San.
Thôn Phan Cán Sử
Là một trong 2 thôn cao nhất của vùng biên Y Tý, đường vào thôn chỉ cách trung tâm xã khoảng gần 7km với đường vào phải vượt qua khá nhiều con dốc. Từ Phan Cán Sử bạn có thể nhìn bao quát cảnh đẹp của Y Tý.
Trẻ em Phan Cán Sử (Ảnh sưu tầm)
Cầu Thiên Sinh
Trước khi đến cầu Thiên Sinh, bạn sẽ gặp cột mốc 87(2) – ranh giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Nằm ở cuối thôn Lao Chải, cầu Thiên Sinh theo tiếng dân tộc Hà Nhì gọi là cầu Thiên Sân Shù nghĩa là cầu “trời sinh”. Trước đây, nơi này là một tảng đá tự nhiên bắc qua khe sâu của dòng suối Lũng Pô.
Cầu Thiên Sinh (Ảnh sưu tầm)
Theo thời gian, hòn đá bị bào mòn nên người dân dùng thanh gỗ làm cầu, sau đó xây cầu bê tông. Đứng trên cầu, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của dòng suối Lũng Pô (suối Rồng Bố). Đây là thượng nguồn của cửa thác Bát Xát.
Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì đen
Sau đó thịt trâu được chia cho từng gia đình (Ảnh sưu tầm)
Lễ hội Khô Già Già năm nay được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày Thìn của tuần thứ nhất cho đến hết ngày Ngọ của tháng 6 âm lịch trong khu vực “Gạ hen lạ gio” mà dân tộc Hà Nhì đen quen gọi là rừng công viên.
Lễ hội mở đầu bằng nghi lễ mổ trâu cúng tế thần linh. Sau đó, thịt trâu sẽ được chia đều cho các gia đình mang về để cúng tổ tiên. Sau đó mỗi gia đình sẽ tự chuẩn bị lễ vật rồi mang đến rừng thiêng cúng tế. Ngoài các nghi lễ long trọng, linh thiêng, lễ hội còn có các hoạt động văn hóa hấp dẫn như đu dây, kéo co…
Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì hàm chứa các lớp trầm tích tín ngưỡng, văn hóa sâu sắc. Lễ hội đã có từ rất lâu đời và được lưu truyền từ đời này qua đời khác nhằm gắn kết các gia đình, thành viên trong cộng đồng dân tộc Hà Nhì đen ở vùng cao Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Dền Sáng
Cách xã Ý Tý khoảng 10km, nếu để ngắm màu vàng ươm thì ruộng bậc thang ở đây là vàng nhất tỉnh Lào Cai, theo người dân địa phương ở đây cho biết, ruộng được cấy bằng giống lúa tại địa phương vì thế màu rất vàng rất thích hợp để chụp ảnh.
Dền Sáng vào mùa cấy (Ảnh sưu tầm)
Do tận dụng lợi thế về khí hậu và nguồn nước, những năm gần đây, phong trào nuôi cá nước lạnh trên địa bàn xã Dền Sáng phát triển mạnh. Từ một vài cơ sở chăn nuôi cá nước lạnh quy mô nhỏ lẻ, đến nay, trên địa bàn xã đã có 10 cơ sở chăn nuôi cá nước lạnh quy mô lớn.
Chợ Mường Hum
Chợ Mường Hum nằm kề bên là suối nước trong vắt, bên cạnh thung lũng nhỏ, được bao quanh bởi những dãy núi cao ngất trùng mây. Chợ phiên Mường Hum này là nơi giao lưu, gặp gỡ, mua bán và vui chơi của bà con các dân tộc H’Mông, Hà Nhì, Hoa, Dao Ðỏ, Giáy, Dao Tuyển, Hán và là nơi hò hẹn, tâm tình của đôi trai gái…
Chợ Mường Hum (Ảnh sưu tầm)
Bên trong chợ là cảnh tấp nập, ồn ào, xen lẫn giữa những bộ y phục sặc sỡ sắc màu của các thiếu nữ Mông là những bộ trang phục đầy màu sắc của người người Hà Nhì, của Dao Đỏ… Tất cả đã làm nên một buổi chợ phiên đậm đà bản sắc vùng cao.
Đặc sản vùng cao Y Tý
Nấm hương Y Tý
Y Tý mùa hè có rất nhiều nấm hương, thi thoảng cũng có nấm sò, nấm thông, hoặc một số loại nấm khác. Theo kinh nghiệm của bà con nơi đây, sau mỗi đợt mưa nấm lại mọc nhiều, đó cũng là lúc bà con rủ nhau lên rừng tìm nấm. Nấm hương Y Tý có thể đem làm món nướng cùng thịt lợn rừng, nấu canh xương, canh gà hoặc xào sơ cùng vài lát lạp xưởng gác bếp.
Lên vùng cao Tây Bắc dịp đầu năm rất dễ mua được những dây nấm hương rừng (Ảnh sưu tầm)
Bạn có thể mua về làm quà biếu. Nấm hương từ xưa đã được mệnh danh là “ Hoàng hậu của thực vật” và là “vua của loài rau” (Can thái chi vương) , không phải tự nhiên nấm được mệnh danh thế mà vì nấm hương loại thực vật giàu protein nhất có tới 12-14g Protein/100g Nấm hương khô, với hàm lượng trên không có bất kỳ loại rau nào sánh được, nó có thể sánh với lượng protein trong thịt.
Bia Hà Nhì
Bia của người Hà Nhì làm từ gạo nếp. Công đoạn ủ bia thì quả là cầu kỳ và độc đáo. Để có được hũ bia ngon, mùi thơm đặc trưng thì điều quan trọng nhất đó là phải chọn được loại gạo nếp ruộng phơi đủ nắng, hạt đều và có mùi thơm. Gạo nếp được đãi sạch, ngâm nước 1 tiếng rồi đem đồ thành xôi. Khi xôi chín, người ta rải xôi ra mẹt và để nguội. Để từng hạt xôi ngấm đều men người ta dùng nước đun sôi để nguội vẩy lên mẹt xôi cho từng hạt tơi ra, không dính vào nhau.
Bia Hà Nhì (Ảnh sưu tầm)
Ngoài gạo ra thì men là cũng là yếu tố quan trọng để làm bia ngon. Men để ủ thành bia là được làm thủ công từ hạt cây rừng, nghiền nhỏ trộn với bột gạo nếp và ủ trong rơm. Sau khi xôi nguội, người ta rắc men trộn đều và cho xôi vào hũ sành, bịt kín lại. Sau 3 ngày, phần cơm xôi đó sẽ lên men, tiết ra nước, phần cái nổi lên trên và phần dưới là nước cốt. Nước cốt màu trắng ngà có mùi thơm và vị ngọt dịu. Lúc này, sẽ chế thêm nước sôi để nguội vào hũ và tiếp tục ủ, đủ 15 ngày sẽ cho ra sản phẩm bia. Cứ 10 kg gạo nếp sẽ cho khoảng 7 lít bia. Càng ủ lâu, nước bia chuyển từ trắng sẽ sang vàng và uống càng ngon.
Củ Hà Sin Cô
Được người dân gọi là Hà Sin Cô hay Hoàng Sin Cô. Với công dụng giải khát, thanh lọc cơ thể, nhuận tràng…, giá lại rẻ như khoai, những củ sâm đất tươi được trồng ở vùng núi cao huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai nhanh chóng tạo cơn sốt cho người tiêu dùng thành thị.
Loại củ này có xuất xứ từ Trung Quốc (Ảnh sưu tầm)
Thoạt nhìn, hoàng sin cô có hình dáng giống như củ khoai lang, tùy loại to, nhỏ, củ có trọng lượng từ vài lạng đến khoảng 1kg.
Lịch trình đi phượt Y Tý
Mình sẽ tổng hợp một số lịch trình đi phượt Y Tý, các bạn có thể kết hợp thêm một số địa danh du lịch nổi tiếng khác như du lịch Sapa, Bạch Mộc Lương Tử … để kết hợp thành 1 lịch trình dài ngày nhé.
Hoàng hôn Choản Thèn (Ảnh sưu tầm)
Gợi ý lịch trình phượt Y Tý 2 ngày 3 đêm
Ngày 1 : Các bạn tối thứ 6 bắt xe khách giường nằm lên Lào Cai. Ngủ qua một đêm trên xe là rạng sáng hôm sau bạn đã có mặt ở TP. Lào Cai rồi. Nếu muốn di chuyển nhanh hơn các bạn có thể đặt các nhà xe limousine.
Ngày 2 : Lào Cai – Bát Xát (12km) – Trịnh Tường (27km) – Lũng Pô (20km) – A Mú Sung (8km) – A Lù (8km) – Ngải Thầu (6km) – Y Tý (8km)
Ngày thứ 2 này sẽ mất chừng 1 ngày cho quãng đường gần 100km, các địa điểm có thể dừng chân bao gồm mốc 92 – nơi sông Hồng bắt đầu chảy vào Việt Nam, đoạn đường từ A Lù đi Y Tý vào mùa lúa sẽ đẹp mê hồn, cầu Thiên Sinh (mốc 87). Nếu chiều các bạn thấy còn sớm có thể đi theo vào một số thôn như Sín Chải, Lao Chải hoặc xa hơn là Hồng Ngài.
Lưu ý: nếu đi vào đường tuần biên thì nên chuẩn bị đầy đủ giấy tờ trong người.
Ngày 3: Các bạn sẽ có 2 lựa chọn là về Sa Pa hoặc đi đường Bản Xèo qua Bát Xát rồi về lại TP Lào Cai.
Theo gợi mình nên đi Y Tý – Dền Sáng (30km) (hoặc Dền Thàng, đường nào cũng về Mường Hum) – Mường Hum (11km) – Sa Pa (43km)
Nếu về Sa Pa, các bạn có thể ở lại thêm một ngày để du lịch Sa Pa hoặc chơi ở Sa Pa thêm vài tiếng rồi hãng lên xe về Hà Nội.
Hà Nội – Y Tý – Mù Cang Chải – Hà Nội
Ngày 1 : Tối thứ 6 bắt xe khách giường nằm lên Lào Cai. Nếu dùng phương án đi xe khách các bạn có thể đến Lào Cai thuê xe máy. Đặt vé trước và khởi hành từ Mỹ Đình, bạn cũng có thể chọn gửi xe máy lên tàu hỏa nhưng thời gian sẽ đi lâu hơn ô tô mà sẽ mệt hơn nhiều. (8 tiếng đi tàu hỏa và khoảng 4-5 tiếng đi ô tô).
Ngày 2 : Lào Cai – Bát Xát (11km) – Trịnh Tường (26km) – Lũng Pô (19km) – A Mú Sung (7km) – A Lù (7km) – Ngải Thầu (5km) – Y Tý (7km)
Ngày thứ 2 này sẽ mất khoảng gần 1 ngày cho quãng đường 80km, các địa điểm có thể dừng chân bao gồm mốc 92 – nơi sông Hồng bắt đầu chảy vào Việt Nam, đoạn đường từ A Lù đi Y Tý vào mùa lúa sẽ đẹp mê hồn, cầu Thiên Sinh (mốc 87) nối với Trung Quốc, chiều nếu còn sớm có thể đi theo vào một số thôn như Sín Chải, Lao Chải hoặc xa hơn là Hồng Ngài (cách xã Y Tý 9km)
Ngày 3 : Y Tý – Dền Sáng (29km) (hoặc Dền Thàng, đường nào cũng về Mường Hum) – Mường Hum (10km) – Ô Quy Hồ (35km) – Than Uyên (90km) – Mù Cang Chải (50km)
Ngày này nếu vào chủ nhật các bạn có thể tham dự chợ phiên Mường Hum, đi qua một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc là Ô Quý Hồ và dừng nghỉ tại thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Sẽ đẹp nhất nếu bạn đến Mù Cang Chải vào đúng dịp lúa chín tháng 9-10.
Ngày 4 : Mù Cang Chải – Đèo Khau Phạ – Tú Lệ – Nghĩa Lộ – Thanh Sơn – Sơn Tây – Hà Nội
Ngày kết thúc của hành trình bạn sẽ lại chinh phục tiếp con đèo thứ 2 trong tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc là đèo Khau Phạ, ngắm ruộng bậc thang trên cánh đồng Tú Lệ rồi trở về Hà Nội. Nếu đi vào mùa mưa bão lưu ý có những đoạn sạt lở trên đường.
Hà Nội – Bắc Hà – Sa Pa – Y Tý
Lịch trình này phù hợp vào khoảng tháng 9 là mùa lúa ở Tây Bắc. Với lịch trình này các bạn cần mang theo xe máy từ Hà Nội, chạy 1 chiều nếu mệt chiều về có thể gửi tàu hoặc xe khách.
Ngày 1: Hà Nội – Bắc Hà
Bắc Hà cách Hà Nội chừng 300km, các bạn khởi hành từ Hà Nội theo QL70 đến Bắc Ngầm thì để ý rẽ vào đường 153 đi Bắc Hà. Các bạn nên khởi hành từ Hà Nội khoảng sáng sớm để đến Bắc Hà không bị muộn quá nhé. Nên đi vào thứ 7 để dạo chơi được chợ phiên Bắc Hà vào sáng chủ nhật nha.
Ngày 2: Bắc Hà – Sa Pa
Sáng các bạn dậy sớm đi chợ phiên Bắc Hà và đi tham quan dinh Hoàng A Tưởng. Đến trưa các bạn khởi hành từ Bắc Hà đi tiếp về Lào Cai rồi lên Sa Pa. Tùy thuộc vào hành trình, các bạn có thể ở Sa Pa 1 hoặc 2 ngày. Đến tối các bạn ngủ Sa Pa và thưởng thứ ẩm thực nhé.
Ngày 3: Sa Pa – Mường Hum – Y Tý
Sáng các bạn dậy ăn sáng ở Sa Pa rồi khởi hành từ Sa Pa đi theo hướng Ô Quy Hồ vào Mường Hum rồi từ đây vào Y Tý. Nếu ngày này vào chủ nhật, các bạn có thể ghé thăm chợ phiên Mường Hum. Đến tối các bạn ngủ Y Tý.
Ngày 4: Y Tý – A Lù – Bát Xát – Lào Cai
Ngày cuối cùng này các bạn hãy dành thời gian chạy theo một trong những đoạn đường có ruộng bậc thang đẹp nhất ở Y Tý theo hướng đi ngược về Bát Xát. Các bạn nhớ trên đường sẽ đi qua Lũng Pô và mốc 92, nơi sông Hồng đổ vào Việt Nam.
Sau khi kết thúc các địa điểm thì các bạn về TP. Lào Cai mua vé tàu và gửi xe máy về Hà Nội. Còn nếu muốn đi xe máy về Hà Nội thì nên ngủ qua đêm xong sáng hôm sau về sớm.
Một vài lưu ý khi đi Y Tý

– Do Y Tý là một xã biên giới nên dọc đường đi sẽ có trạm biên phòng, vì vậy các bạn nên đến đồn biên phòng Y Tý để khai báo tạm trú nhé!
– Trước khi đi phượt, nếu không mang theo xe máy cá nhân mà lên Lào Cai thuê xe thì bạn nên sử phô tô công chứng CMTND, vì thuê xe phải để lại chứng CMTND, cho nên hãy chuẩn bị một bản phô tô công chứng để gửi cho nhà xe, còn CMT thì nên giữ bên người để còn trình báo với biên phòng.
– Y Tý nằm ở độ cao 2000m, giáp biên giới Việt Trung, vì vậy dù là mùa hè thì thời tiết sẽ hơi lạnh, khi đi bạn hãy mang theo khăn, mũ và áo ấm, giày thể thao, giày leo núi và mang theo thuốc chống muỗi, băng gạt y tế, thuốc đau đầu, cảm cúm…Phòng trừ trường hợp bất trắc xảy ra.
– Một vài vị trí đẹp để chụp ảnh : Từ Y Tý chạy ngược về phía Ngãi Thầu chừng 4km có đường chạy lên bản cao trên núi. Từ đây trở đi ngắm mây rất đẹp. Khi lên hết dốc thì để xe leo tiếp lên đồi gần đó, sẽ thấy biển mây mặt bên kia của núi. Nếu định vị GPS có tọa độ là: E 103 60147 N 22 68763. Cao độ: 1805m
Xem thêm: Hướng dẫn leo Bạch Mộc Lương Tử
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch phượt Sapa
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Bắc Hà, Lào Cai
Xem thêm: Các địa điểm du lịch ở Lào Cai
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Lào Cai
Xem thêm: Các món ăn ngon ở Lào Cai
Thảo luận về điều này post