“Quê hương năm tấn” Thái Bình là điểm du lịch hấp dẫn ở Miền Bắc được nhiều người yêu thích. Tới Thái Bình bạn sẽ được khám phá những điểm du lịch hấp dẫn như chùa Keo, di tích vua Trần, vườn Bách Thuận, nhà thờ chánh tòa Thái Bình và các bãi biển tuyệt đẹp: biễn Đồng Châu, Cồn Thủ và Cồn Vành với gần 200 lễ hội đặc sắc như Hội Xuân Chùa Keo, Hội Chùa Múa… Nếu bạn đang muốn có một chuyến đi du lịch Thái Bình thì hãy tham khảo bài viết mà RuudNguyen.com đã tổng hợp dưới đây nhé.
Giới thiệu chung về Thái Bình
Thái Bình là tỉnh ven biển, thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng, nằm trong vùng ảnh hưởng của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Cách Hà Nội chừng 110km về phía Đông Nam. Thái Bình giáp với 5 tỉnh thành của cả nước là: Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định. Diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 1.546,54 km² gồm có 8 huyện, thành phố là: Hưng Hà, Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương, Vũ Thư và thành phố Thái Bình.
Nên đi du lịch Thái Bình vào thời điểm nào
Với hai điểm nhấn là biển xanh và những đồng lúa bạt ngàn, bạn có thể đến Thái Bình bất kỳ thời điểm nào trong năm. Song nếu muốn ngắm nhìn những cánh đồng hoa cải vàng óng bạn có thể đến vào cuối tháng 12 đến đầu tháng 1. Bạn hoàn toàn có thể vui chơi, tắm biển, tận hưởng chuyến du lịch của mình.
Phương tiện di chuyển đến Thái Bình
Xe khách
Xuất phát từ Hà Nội về Thái Bình, với quãng đường chừng 100km thì bạn có thể ra những bến xe lớn như Mỹ Đình, Giáp Bát và Gia Lâm để bắt xe khách di chuyển. Các chuyến khởi hành về thành phố thì xuất bến liên tục, một số tuyến chạy về xã hoặc huyện thì các bạn nhớ liên hệ với nhà xe trước nhé.
Phương tiện cá nhân
Từ Hà Nội bạn có thể chạy xe máy về Thái Bình theo 2 cung đường chính sau:
- Hà Nội chạy theo QL1A đến TT Đồng Văn (Hà Nam) rẽ trái qua cầu Yên Lệnh rồi tiếp tục lên quốc lộ 39A ở địa phận Hưng Yên qua cầu Triều Dương là sang tới đất Thái Bình.
- Hà Nội chạy theo QL1A tới Phủ Lý rẽ trái để vào QL21 chạy xuyên qua thành phố Nam Định, tới QL10 qua cầu Tân Đệ là về tới Thái Bình.
Lưu trú tại Thái Bình
Khách sạn ở trung tâm thành phố Thái Bình khá nhiều (Ảnh sưu tầm)
Nhìn chung giá nhà nghỉ và khách sạn ở Thái Bình có giá tương đối rẻ, còn dịch vụ homestay ở Thái Bình hiện chưa thực sự phát triển nên cũng khá khó tìm. Các bạn có thể thuê khách sạn hơạc nhà nghỉ cao cấp tại trung tâm thành phố. Nếu ra trung tâm các huyện các bạn có thể thuê nhà nghỉ với giá bình dân.
Địa điểm du lịch Thái Bình
Huyện Tiền Hải
Bãi Biển Cồn Vành Thái Bình
Cồn Vành chỉ các thủ đô Hà Nội chừng 140km (Ảnh sưu tầm)
Bãi biển cồn Vành tọa lạc phương thức đất liền 7km, thuộc huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Phía Bắc Cồn Vành giáp với Cồn thủ, phía Nam giáp với cửa Ba Lạt, phía đông giáp biển Đông còn phía Tây giáp với đê PAM. Biển Cồn Vành còn khá hoang sơ và nằm trong khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng. Nơi đây đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển châu thổ của sông Hồng. Với bãi cát dài gần 6km toàn phù sa và không mịn vàng như bao bờ biển khác. Tuy nhiên bờ biển này cực trong và sạch.
Nhà thờ Bác Trạch
Các họa tiết, hoa văn được làm một cách cầu kỳ và vô cùng tinh tế, sắc sảo (Ảnh: Phương Thảo)
Nhà thờ Bác Trạch hay còn gọi là Đền thánh đức mẹ mân côi nằm ở xã Vân Trường huyện Tiền Hải cách trung tâm thành phố Thái Bình khoảng 25km. Đây được coi là một trong những nhà thờ có tuyệt tác kiến trúc đẹp nhất Việt Nam, một kỳ công về kiến trúc Gothic, vốn được thấy nhiều dấu ấn nhất trong các nhà thờ lớn, các vương cung thánh đường. Nhà thờ Bác Trạch được xây dựng theo lối kiến trúc Gothic kinh điển thời xưa và kết hợp với lối kiến trúc của Hy Lạp ở 2 bên sườn của nhà thờ.
Biển Đồng Châu
Bình minh trên biển Đồng Châu (Ảnh: Thủy Nguyễn)
Nằm ở xã Đông Minh, huyện Tiền Hải cách thành phố Thái Bình chừng 35 km, tuy không được đẹp như các bãi biển khác, nhưng bãi biển Đồng Châu lại mang rất nhiều nét đẹp hoang sơ, tạo nên sự ấn tượng, độc đáo cho du khách tới đây. Ở trung tâm là bãi tắm dài 5km, bạn không những được tắm biển mà còn được ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên với những rừng thông, phi lao xanh ngát ven biển.
Huyện Vũ Thư
Chùa Keo Thái Bình
Chùa Keo có tên là “Thần Quang Tự” (Ảnh sưu tầm)
Chùa Keo thuộc huyện Vũ Thư và có tuổi đời gần 400 năm nhưng vẫn giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc cổ kính. Dân gian còn gọi ngôi chùa ở Thái Bình là Keo trên, phân biệt với chùa Keo dưới ở Nam Định, theo dòng chảy của con sông. Toàn bộ khuôn viên chùa rộng hơn 41.500m2, gồm 16 tòa kiến trúc với 116 gian xây dựng.
Trong khuôn viên chùa có 3 hồ lớn gồm hồ giữa tam quan ngoại và tam quan nội và hai hồ phía sau dãy hành lang đông và tây. Toàn bộ ngôi chùa được làm bằng gỗ lim, không sử dụng đinh tán mà chỉ dùng mộng gỗ ghép lại với nhau. Hàng năm chùa Keo Thái Bình có hai ngày hội chính. Hội Xuân vào ngày mùng 4 tháng giêng và hội Thu vào trung tuần tháng chín âm lịch.
Huyện Thái Thụy
Biển Cồn Đen
Cồn Đen có địa hình tương đối bằng phẳng (Ảnh: Bùi Văn Tình)
Khu du lịch sinh thái biển Cồn Đen thuộc địa phận xã Thái Đô, huyện Thái Thuỵ. Nằm cách thủ đô Hà Nội 150 km và cách trung tâm thành phố Thái Bình 60 km. Cồn Đen có địa hình tương đối bằng phẳng với dải cát dài khoảng 3km, chiều rộng chỗ lớn nhất khoảng 700m, chỗ hẹp nhất 450m; được hình thành do kiến tạo bồi đắp phù sa và bùn cát của sông Trà Lý. Với những bãi cát trải dài, độ dốc vừa phải, quanh năm sóng vỗ êm đềm, Cồn Đen cũng là nơi rất thích hợp để tắm biển mỗi dịp hè về.
Huyện Kiến Xương
Đền Đồng Xâm và làng chạm bạc Đồng Xâm
Đồng Xâm ngày nay thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm có tên cũ là Ðường Thâm. Tương truyền nghề chạm bạc Đồng Xâm đã có từ thế kỷ 15. Cách thành phố Thái Bình chừng 20 km về phía đông khi đến gần làng bạn sẽ nghe văng vẳng đâu đó âm vang chạm khắc trong không gian yên bình của một đồng quê lúa mênh mông. Nếu có dịp đến Đồng Xâm vào ngày 1-5 tháng 4 âm lịch, bạn còn được hòa mình trong không khí sôi động của lễ hội đền Đồng Xâm với nghi lễ rước, tế linh đình, các trò chơi dân gian.
Thuỷ toạ là một ngôi nhà hình lục lăng cao gồm sáu cửa vòm (Ảnh sưu tầm)
Đền Đồng Xâm với tổng thể khoảng 1.000m² xây dựng có 12 hạng mục kiến trúc, trong đó đáng chú ý nhất là tòa hậu cung nơi Thánh Triệu Đà và Trình Thị Hoàng Hậu ngự. Mặt tiền đền Đồng Xâm đắp nổi ba chữ “Nhất thống thủy” bằng gốm sứ cổ xưa. Đây là ý của tiền nhân nhắn nhủ hậu thế về dòng chảy lịch sử nước Việt. Hậu cung đền được bài trí công phu với nhiều đại tự, cuốn thư, câu đối cùng hệ thống y môn gỗ chạm tinh xảo. Nơi đây cũng lưu giữ nhiều bài thơ, câu đối lưu bút danh bái đề của những danh sĩ nổi tiếng như Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, tiến sĩ Doãn Khuê, phó bảng Vũ Tuân…
Huyện Vũ Thư
Làng vườn Bách Thuận
Cây thế được nghệ nhân làng vườn Bách Thuận tạo nên (Ảnh sưu tầm)
Làng vườn Bách Thuận thuộc huyện Vũ Thư đến nay đã có hơn 100 năm tuổi đời, đây là một làng quê cổ tiêu biểu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, cũng là làng vườn duy nhất của tỉnh Thái Bình còn lưu giữ nhiều nếp nhà Việt cổ và có nghề trồng cây cảnh lâu đời. Dọc hai bên đường làng là rất nhiều cây với màu sắc khác nhau, màu xanh thẫm của ngâu, màu đỏ của hoa mẫu đơn, cây ngũ sắc… Ngoài ra, du khách sẽ choáng ngợp với hàng trăm loại cây trái nối tiếp nhau, kéo dài như vô tận như: táo, ổi, roi, mận, chanh, nhãn, vải, hồng xiêm, cam, quýt, nhót… Bên cạnh những vườn cây ăn quả là những vườn cây cảnh, cây thế. Mỗi loại cây cảnh đều mang một dáng nét riêng với những tên gọi khác nhau tuỳ theo sự uốn tỉa của các nghệ nhân.
Huyện Hưng Hà
Chùa Báo Quốc
Đền Trần
Đây là một tổng thể kiến trúc rộng lớn, là nơi thờ tự các vua Trần (Ảnh sưu tầm)
Cùng với đền Trần – Nam Định, đền Trần Thái Bình với những nét mới trong kiến trúc càng ngày càng thu hút được rất nhiều khách du lịch thập phương. Nhất là trong các dịp lễ hội đầu năm, đây chính là điểm đến tâm linh, nơi thưởng thức những trò chơi giải trí mang đậm dấu ấn cổ truyền cho nhân dân cả nước. Trên diện tích 5175m2, đền thờ các vua Trần và Đức thánh Trần Hưng Đạo đã được xây dựng công phu, uy nghi bề thế toạ lạc trên nền phế tích nằm giữa trung tâm xã Tiến Đức với các hạng mục đã hoàn thành là toà hậu cung, toà bái đường, tả vu, hữu vu, nghi môn, đài hoá vàng, ba ngôi mộ các vua Trần và một số công trình kiến trúc liên quan.
Làng nghề dệt khăn, dệt vải Phương La – Thái Phương
Nghề dệt ở Thái Phương, huyện Hưng Hà có ở làng Phương La từ nhiều đời nay, làng này còn có tên là làng ‘Mẹo’ nổi tiếng khắp cả nước. Cũng như nghề chạm bạc, nghề dệt đũi, dệt Thái Phương cũng là làng chuyên nghề truyền thống, việc dạy nghề, truyền nghề trước đây hết sức khó khăn, vì vậy nó không phát triển mạnh mà chỉ bó hẹp theo quan niệm làng nghề nhưng thực chất là nghề của làng. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, thì nghề dệt của Phương La đã có cách đây gần 800 năm.
Làng dệt chiếu Hới
Làng nghề dệt chiếu Hới đã có truyền thống làm nghề vô cùng lâu đời (Ảnh sưu tầm)
Mọi người vẫn hay gọi tên loại chiếu nơi đây là “chiếu Hới” vì những chiếc chiếu này được dệt ở làng Hới thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà. Theo truyền thuyết kể lại thì vào thời vào thời Tiền Lê – Lý vào thế kỷ X – XI, tại làng đã bắt đầu dệt chiếu, sau đó phát triển mạnh nhất vào thời Hậu Lê.
Và người mang công lao lớn nhất thời bấy giờ chính là vị Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ. Nguyên liệu chủ yếu được dùng để làm chiếu chính là cói và sợi đay. Chiếu Hới có rất nhiều loại, có loại chiếu cài hoa, loại lại được làm trơn, loại chiếu sợi xe,… Những người thợ chiếu thường dệt đa dạng những loại hoa văn khác nhau từ bông hoa, cải chữ thọ, chữ lồng hay vẽ,…
Đền Tiên La
Đền Tiên La (Ảnh sưu tầm)
Đền Tiên La thờ Bát Nạn Tướng Quân, bà là tướng quân phá nạn cho dân – một nữ tướng của Hai Bà Trưng. Nay đền nằm tại thôn Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà. Toạ lạc trên một diện tích khoảng 4000 m² trải qua nhiều lần tu bổ, đến nay đền có quy mô to lớn, đẹp lộng lẫy cả về địa thế và vóc dáng, bao gồm nhiều công trình như hệ thống cổng đền, toà tiền tế, toà trung tế, thượng điện và hệ thống sân đền.
Điều đặc biệt là toàn bộ vật liệu xây dựng ở toà bái đường đều làm bằng đá như hệ thống cột, xà, kèo… Tất cả đều được chạm trổ công phu tạo nên cho nơi này toát lên vẻ đẹp hoàn mỹ hiếm. Hàng năm vào ngày 10-20/3 âm lịch nơi đây thường diễn ra Lễ hội đền Tiên La thu hút đông đảo du khách thập phương về dự.
Huyện Quỳnh Phụ
Đền Đồng Bằng
Đền Đồng Bằng là nơi thờ đức vua cha Bát Hải Động Đình (Ảnh sưu tầm)
Đền Đồng Bằng tọa lạc trên đất An Lễ huyện Quỳnh Phụ được nhân dân biết đến là một ngôi đền linh thiêng có từ thời vua Hùng Vương thứ 18. Đền có sắc phong “Tam Kỳ Linh Ứng – Vĩnh Công Đại Vương Tối Thượng Đẳng Linh Thần”. Không chỉ mang những giá trị lịch sử đáng trân trọng, đền Đồng Bằng còn là di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị như một bảo tàng mỹ thuật đồ đồng, đồ đá và đồ gỗ với diện tích nội tự là 6.000m2, gồm 13 tòa, 66 gian liên hợp chặt chẽ với nhau tạo thành quần thể ngôi đền với kết cấu theo kiểu “tiền nhị hậu đinh” khép kín, bề thế. Theo tục lệ hàng năm, lễ hội đền Đồng Bằng được tổ chức kéo dài khoảng một tuần từ ngày 20/8 đến ngày 26/8 âm lịch, lễ hội thu hút đông đảo con nhang đệ tử, nhân dân và du khách gần xa.
Huyện Đông Hưng
Đền Thánh Mẫu
Dân trong vùng có người hiếm muộn con cái hay duyên muộn hay đến đây cầu bái (Ảnh sưu tầm)
Đền Thánh Mẫu là di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng thuộc xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Đền thờ một bà Hoàng hậu nhà Đinh có tên húy là Đinh Thị Tỉnh, hiệu Trinh Minh hoàng hậu. Từ nhiều thập kỷ qua, giới nghiên cứu tín ngưỡng dân gian trong và ngoài nước đều thống nhất nhận định: tín ngưỡng thờ Mẫu là một loại hình tín ngưỡng dân gian giàu tố chất nhân văn độc đáo của Việt Nam.
Huyện Thái Thụy
Đình An Tiêm
Đình An Tiêm tọa lạc trên một mảnh đất rộng giữa làng An Tiêm, xã Thụy Dân, Huyện Thái Thụy. Không chỉ là nơi thờ tự linh thiêng, trong những năm kháng chiến, đình An Tiêm có lúc trở thành căn cứ địa cách mạng, có lúc lại là kho giữ thóc của cả làng. Lễ hội chính của đình An Tiêm được tổ chức trong 3 ngày 14, 15, 16 tháng 3 âm lịch. Năm 2011, đình An Tiêm đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Đền Chòi
Lễ hội chính của đền Chòi được mở vào ngày mùng 2 tháng 7 âm lịch hàng năm (Ảnh sưu tầm)
Đền Chòi là một địa điểm du lịch tại huyện Thái Thụy chỉ cách trung tâm Tỉnh Thái Bình khoảng 25 km. Đây cũng là một trong những công trình nằm trong cụm di tích lịch sử cấp Quốc gia: đền Chòi-chùa Bến-chùa Chỉ Bồ được Bộ Văn hoá Thông tin cấp bằng công nhận vào năm 1989, nhờ lưu giữ nhiều giá trị lịch sử văn hoá và có quy mô kiến trúc rất độc đáo.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII, đền Chòi là đồn luỹ đóng quân của quân đội nhà Trần, một trong những trạm gác tiền tiêu của hệ thống đồn luỹ phòng thủ hai bên bờ sông Hoá. Cũng tại địa điểm này đã diễn ra hai sự kiện lịch sử quan trọng: vào năm 1285, trên đường rút quân tránh sự truy đuổi của quân giặc, vua Trần đã qua đây nghỉ ngơi, nhân dân địa phương đã giúp quan quân làm nhiều thuyền ngự thả trôi trên biển để đánh lừa quân giặc, giúp đức vua vào Thanh Hoá an toàn.
Ăn gì khi đi du lịch Thái Bình
Bánh cáy làng Nguyễn
Đây là món ăn ngon, nổi tiếng ở Thái Bình (Ảnh sưu tầm)
Tên gọi của bánh bắt nguồn từ hạt nếp cái hoa vàng đem ngâm, trộn gấc đỏ đồ xôi, rồi ép dẻo, xắt hạt lựu lại đem phơi khô (có màu vàng giống trứng con cáy nên bánh có tên gọi là bánh cáy). Vùng Thái Bình có nhiều nơi làm bánh cáy nhưng nổi tiếng hơn cả vẫn là loại bánh có xuất xứ từ làng Nguyễn, thuộc xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng. Bánh cáy thành phẩm đạt chất lượng phải đảm bảo độ ngọt vừa phải, thơm mùi lạc, vừng rang, ngậy vị của mứt bí, độ béo của xôi, dừa và vị cay cay của gừng…
Gỏi Nhệch Thái Thụy
Nhệch khi ăn được chấm nước mắm loại đặc biệt, ăn cùng lá xung, lộc vừng (Ảnh sưu tầm)
Nhệch không phải cá, không phải rắn cũng chẳng phải lươn. Nó có mình dài, bụng trắng và sống được cả ở trong môi trường nước mặn lẫn nước ngọt. Nhệch có thể chế biến thành nhiều món ngon, nhưng với người Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình thì món gỏi nhệch vẫn là số 1. Gỏi nhệch được dùng kèm với các loại lá như cúc tần, vọng cách, đinh lăng, mùi tàu, húng quế, lá sắn, lá sung, lá si, hoa chuối, chuối tiêu xanh, khế quả, ớt… với các vị chua, cay, đắng, chát, thơm, bùi.
Canh cá Quỳnh Côi
Canh cá Quỳnh Côi (Ảnh sưu tầm)
Nguyên liệu làm món canh cá là bánh đa Quỳnh Côi sợi nhỏ, trong suốt đều tăm tắp, khi nấu lên lại trở màu trắng tinh, giòn dai và thơm thơm mùi gạo. Và không thể thiếu nguyên liệu chính là cá quả, cá rô đồng hoặc cá trắm, nhất là cá trắm đen. Một quá trình đặc biệt làm nên hương vị rất riêng của món canh cá Thái Bình chính là nồi nước dùng và các loại gia vị, rau thơm đi kèm. Nước dùng được chế biến từ phần đầu và xương cá ninh nhừ, thêm chút gia vị là có ngay nồi nước dùng trong, ngọt và đậm đà.
Ổi Bo
Khi ăn ổi Bo không nên cắt miếng (Ảnh sưu tầm)
Cùng với bánh Cáy làng Nguyễn, ổi Bo từ lâu đã trở thành đặc sản của người Thái Bình, được nhiều người biết đến bởi nó hội tụ những tinh túy của đất và người Thái Bình. Quả ổi Bo có nhiều loại: Có loại quả nhìn giống như quả cam dẹt, có loại quả lại như quả lê, lại có quả giống như quả găng có năm múi và năm khe. Nhưng chất lượng và vị ngon của giống ổi Bo chính hiệu là loại quả được trồng trên đất nguyên thổ của làng Bo với chất đất phù sa nhẹ tốt, mỗi năm chỉ cho thu hoạch một vụ vào tháng 7 hằng năm.
Bánh gai Đại Đồng
Bánh gai Đại Đồng (Ảnh sưu tầm)
Trước kia, chưa hẳn bánh gai Đại Đồng đặc sản Thái Bình đã là một loại hàng hóa như bây giờ, người dân miền quê này làm bánh chỉ vào dịp Tết. Trước hết là thờ cúng tổ tiên, sau mới thưởng thức trong ngày xuân hoặc dùng làm quà thăm thú bạn bè nơi xa. Nguyên liệu để làm một chiếc bánh gai là những sản phẩm đồng quê rất sẵn có như lá cây gai, gao nếp, vừng, lạc, đỗ xanh, mứt bí đao, cùi dừa, đường kính, mỡ thịt lợn, hạt sen, dầu chuối…
Nộm sứa Thái Thụy
Nộm sứa Thái Thụy là món đặc sản nức tiếng của biển Thái Bình (Ảnh sưu tầm)
Nộm sứa là món ăn mát, giải nhiệt nếu ai đã từng một lần ăn nộm sứa Thái Thụy vào mùa hè chắc hẳn còn lưu giữ mãi hương vị thanh mát của món hải sản đặc trưng của vùng quê này. Sứa là một lớp nhuyễn thể, thân mềm, sống ở môi trường nước, là động vật thuộc loại xoang trường cùng họ với san hô. Thân sứa trong suốt như thủy tinh, mềm mại như chiếc lá, mang đủ mầu sắc, từ xanh dương, hồng cho đến tim tím… Mùa hè là mùa sứa nổi, nhiều nhất là vào tháng 4, tháng 5. Nộm sứa ngon là sau khi chế biến phải giòn, thơm và khô.
Bánh giò Bến Hiệp
Bánh giò ở đây làm bằng bột tẻ nên ăn không thấy ngán (Ảnh sưu tầm)
Bánh giò ở đây làm bằng bột tẻ ăn không thấy ngán, ăn lót dạ được, ăn thay cơm, ăn đổi bữa được, từ đời nảo đời nào truyền đến tận nay. Bánh được làm bằng bột tẻ lọc, thịt nạc vai dùng chế biến nhân có kèm mộc nhĩ, hành khô, hạt tiêu, nước mắm, muối…và bánh này được luộc từ 45 đến 60 phút. Bánh giò có hình dài nhô cao như hình bàn tay úp khum khum với các ngón tay sát nhau, gói bằng lá chuối.
Bún bung hoa chuối
Bún bung ăn kèm với rau muống, rau thơm và hoa chuối thái nhỏ trộn dấm (Ảnh sưu tầm)
Bát bún bung toát lên vẻ rất đỗi mộc mạc của hồn quê với những sợi bún trắng hòa quyện trong lớp nước dùng hơi đục, bên trên là vài miếng cà chua đỏ, thịt chân giò trắng phau, thịt móng giò săn, chả xương sông thơm lừng… tất cả hòa quyện lại hấp dẫn, thu hút. Món này có hương vị ngọt ngào của nước dùng, béo ngậy từ thịt chân giò mà không ngấy, lại thêm độ chát nhẹ nhàng với hoa chuối và mùi thơm lá xương sông.
Bánh nghệ
Sở dĩ gọi là “Bánh nghệ” vì thành phần chính của bánh là gạo tẻ và nghệ tươi (Ảnh sưu tầm)
Chẳng biết từ bao giờ, bánh nghệ đã trở thành món ăn dân dã ở mỗi phiên chợ quê tại các xã Nam Trung, Nam Thanh, Nam Hồng, Nam Thắng, Nam Chính thuộc huyện Tiền Hải. Không giống như bánh chưng, bánh nếp, bánh mật, bánh rán, là những loại bánh được làm từ gạo nếp, bánh nghệ được làm từ gạo tẻ nên ăn không bị ngán hay nóng ruột. Người dân Tiền Hải cho rằng, ăn bánh nghệ giúp kích thích tiêu hóa, tốt cho phát triển thể chất, vì không dùng chất bảo quản, phẩm màu.
Canh don, don xào lá lốt
Don là loài thuộc họ nhuyễn thể có vỏ như trai hến (Ảnh sưu tầm)
Thịt don mềm ngọt tự nhiên, lá lốt thơm kết hợp với phồng tôm giòn rất ngon. Đây là một món ăn dân dã, được yêu thích ở tỉnh Thái Bình. Con don (con dắt) sống vùi trong cát, vỏ mỏng, hình tựa quả trám nhưng chỉ dài 1-2 cm. Don sống khá nhiều ở vùng Tiền Hải, Thái Bình. Mang tính hàn, vị ngọt tự nhiên, don có tác dụng lợi tiểu, thông khí, mát gan, giải nhiệt rất tốt.
Xem thêm: Kinh nghiệm đi “biển vô cực” Thái Bình chi tiết nhất
Discussion about this post