Thật bất ngờ khi ngay gần Hà Nội lại có một địa điểm du lịch hấp dẫn cho những ai có sở thích khám phá, chinh phục miền đất mới. Du lịch Thái Nguyên là sự lựa chọn không tệ chút nào để mang đến những trải nghiệm thú vị về “xứ trà”. Mặc dù không mạo hiểm, không nhiều khó khăn như đi phượt Cao nguyên Đá Hà Giang, không ấm áp như Phan Thiết, Vũng Tàu, cũng không hùng vĩ như Hạ Long… Thái Nguyên lại mang đến nét riêng, chúng có gì đó nhẹ nhàng, mới mẻ không kém phần hấp dẫn. Hãy cùng RuudNguyen.com giúp bạn khám phá các điểm đến thú vị và món ăn độc lạ ở nơi này nhé.
Giới thiệu chung về Thái Nguyên
Thành phố Thái Nguyên (Ảnh sưu tầm)
Thái Nguyên là một tỉnh thành thuộc khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Bắc Kạn, phía Tây giáp tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, phía Đông giáp tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang, phía Nam giáp Hà Nội. Từ rất lâu, người ta biết đến Thái Nguyên dưới góc nhìn mảnh đất gắn liền với “trà” để dân gian vẫn có câu ca thân thương “chè Thái gái Tuyên”.
Kể từ khi nhà Lý định đô ở Thăng Long, Thái Nguyên đã trở thành phên giậu trực tiếp che chở phía Bắc kinh thành. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống năm 1076-1077, phần đất phía Nam Thái Nguyên từng là địa đầu của phòng tuyến sông Cầu, nơi diễn ra những trận đánh ác liệt giữa quan quân nhà Lý với Nhà Tống. Đầu thế kỷ 15, nhà Minh đem quân sang Việt Nam, dân chúng Thái Nguyên lại liên tiếp đứng lên khởi nghĩa. Tiêu biểu là Lưu Nhân Chú, người huyện Đại Từ, ông cùng cha và anh rể đã tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. Vào thời nhà Nguyễn, Thái Nguyên là nơi nổ ra nhiều phong trào khởi nghĩa nông dân chống lại quan lại phong kiến. Người dân Thái Nguyên từng tham gia các cuộc khởi nghĩa của Dương Đình Cúc, Nông Văn Vân.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhiều Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ thường xuyên qua lại hoạt động, phát triển lực lượng ở Thái Nguyên. Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới Thái Nguyên và lãnh đạo cuộc Kháng chiến chống Pháp từ căn cứ chính tại ATK Định Hóa. Cũng tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định mở Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, chiến dịch Đông-Xuân 1953-1954 cũng như quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử và hàng loạt sự kiện quan trọng khác.
Từ năm 1956 đến 1975, Thái Nguyên là một tỉnh thuộc Khu tự trị Việt Bắc và thành phố Thái Nguyên là thủ phủ của khu tự trị này. Trước đó, năm 1890, chính quyền Pháp chia tỉnh Thái Nguyên thời nhà Nguyễn thành hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Năm 1965, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã sáp nhập hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn thành tỉnh Bắc Thái. Tỉnh Bắc Thái cuối cùng lại tách thành hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn như ngày nay vào năm 1997.
Du lịch Thái Nguyên vào thời gian nào?
Đặc trưng thời tiết ở Thái Nguyên được chia thành 2 mùa rõ rệt: Mùa hè từ tháng 5 đến tháng 10, thường nóng ẩm mưa nhiều tập trung chủ yếu trong tháng 8.
Mùa đông từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, điển hình thời tiết là khô lạnh, đặc biệt tháng 11. Nếu bạn may mắn đi vào những ngày trời nắng đẹp, thì sẽ thuận tiện hơn cho việc khám phá, tham quan.
Bạn có thể đi vào bất kì thời gian nào trong năm. Tuy nhiên, mình khuyên các bạn nên đi vào mùa hè vì có thể kết hợp tham quan nhiều địa điểm du lịch và các hoạt động trong Hồ Núi Cốc. Bạn nên đi vào khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 9, lúc này Hồ Núi Cốc thu hút đông đảo du khách, có nhiều hoạt động nghệ thuật được tổ chức.
Hướng dẫn đi tới Thái Nguyên
Phương tiện công cộng
Thái Nguyên cách Hà Nội 80km nên nếu bạn Từ Hà Nội, các bạn có thể đi tới Thái Nguyên theo hướng Quốc lộ 3 (đường Nam Thăng Long qua sân bay Nội Bài). Các tuyến xe khách đi Thái Nguyên xuất phát từ bến xe Mỹ Đình hoặc bến xe Nam Thăng Long. Từ bến xe Thái Nguyên tới trung tâm thành phố khoảng 4km, bạn đi có thể đi taxi hoặc xe ôm về trung tâm. Mạng lưới taxi ở Thái Nguyên khá nhiều, nếu bạn dư dả về tài chính thì có thể thuê taxi để đi lại nhé, vừa thuận tiện lại tiết kiệm thời gian.
Thêm một trải nghiệm nếu bạn chọn đường sắt là hằng ngày từ ga Hà Nội có duy nhất một chuyến tàu xuất phát đi Thái Nguyên lúc 16h20 (Tàu QT1) và sau khoảng 2 tiếng sẽ tới ga Thái Nguyên.
Phương tiện cá nhân
Nếu sử dụng xe máy, các bạn từ Hà Nội đi sang phía Đông Anh qua cầu Thăng Long hoặc Nhât Tân rồi đi lên Thái Nguyên theo hướng QL3, nếu đi ô tô các bạn có thể lựa chọn tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. Quãng đường từ Hà Nội lên trung tâm Tp Thái Nguyên khoảng 80km, nếu đi cao tốc chỉ mất khoảng 1h là tới nơi.
Lưu trú khi du lịch Thái Nguyên
Khách sạn nhà nghỉ tại Thái Nguyên
Khách sạn và nhà nghỉ ở Thái Nguyên tập trung chủ yếu ở các tuyến đường khu vực trung tâm như: Hoàng Văn Thụ, Lương Ngọc Quyến, Cách mạng tháng 8 …v…v Do đó, tùy theo địa điểm mà mình muốn tới các bạn hãy lựa chọn cho mình điểm đến thích hợp nhất.
Homestay ở Thái Nguyên
Ngoài các dịch vụ lưu trú phổ biến như khách sạn, nhà nghỉ, ở Thái Nguyên cũng bắt đầu xuất hiện một số mô hình lưu trú homestay, đây là hình thức lưu trú mới có sức phát triển mạnh và được rất nhiều các bạn trẻ yêu du lịch quan tâm.
Các địa điểm du lịch ở Thái Nguyên
Hồ Núi Cốc
Hồ ở phía nam huyện Đại Từ, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 15km về phía tây, là một thắng cảnh thiên nhiên gắn liền với câu chuyện tình huyền thoại về chàng Cốc nàng Công.
Khu du lịch Hồ Núi Cốc hay còn gọi là Du lịch huyền thoại Hồ Núi Cốc. Thuộc huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Đây là một hồ nước gắn liền với huyền thoại nàng Công và chàng Cốc. Cùng với đó là rất nhiều các công trình nhân tạo khác như đền chùa, vườn động vật hoang dã, công viên nước, và số các trò chơi cảm giác mạnh…tất cả đã tạo nên một quần thể du lịch thú vị và hấp dẫn du khách.
Khu Du Lịch Hồ Núi Cốc là quần thể du lịch sinh thái thuộc tỉnh Thái Nguyên cách trung tâm thành phố 15 km. Đây là là một địa điểm du lịch giải tỏa stress ngày cuối tuần rất tuyệt vời. Không đơn thuần là nghỉ ngơi, tĩnh tâm mà còn là cơ hội để du khách đắm mình trong không gian huyền thoại về tình yêu tuyệt đẹp của Nàng Công và Chàng Cốc.
Xem thêm: Hướng dẫn đi Hồ Núi Cốc
Khu di tích ATK Định Hóa
An toàn khu Trung ương Định Hoá nằm ở trung tâm căn cứ địa Việt Bắc, nơi có địa thế hiểm trở “tiến có thể đánh, lui có thể giữ”, có đầy đủ yếu tố địa lợi, nhân hoà, đã trở thành địa bàn hoạt động an toàn của các cơ quan đầu não kháng chiến. Khu căn cứ này đặt tại huyện Định Hóa nằm ở cực bắc tỉnh Thái Nguyên.
Đồi Khau Tý
Đồi Khau Tý nơi đặt trụ sở đầu tiên của Bác Hồ tại ATK Định Hóa, thuộc xóm Nà Tra, xã Điềm Mặc. Bác đã ở và làm việc tại đây đến giữa tháng 10/1947.
Tại Khau Tý, Bác Hồ chủ trì cuộc họp Ban thường vụ Trung ương Đảng, có Tổng bí thư Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ và Võ Nguyên Giáp luận bàn và ra chỉ thị phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp 1947 đánh lên căn cứ địa Việt Bắc. Tại đây, Bác đã sáng tác bài thơ “Cảnh Khuya”.
Đồi Phong Tướng
Đồi Nà Lọm bây giờ còn được gọi là đồi Phong Tướng, cách Tỉn Keo khoảng 500m về phía Đông, bên phải đường ô tô từ trung tâm xã Phú Đình vào đèo De. Cũng tại đây, ngày 28/5/1948 Bác đã chủ trì lễ phong quần hàm Đại tướng cho Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia Việt Nam Võ Nguyên Giáp. Ngày 20-1-1948 tại Phủ Chủ tịch – mái lán cọ đơn sơ ở Khuôn Tát (xã Phú Đình), Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 110/SL phong quân hàm cấp tướng cho một số cán bộ lãnh đạo – chỉ huy quân đội.
Di tích Tỉn Keo
Đồi Tỉn Keo dưới chân đèo De, núi Hồng thuộc xóm Nà Lọm, xã Lục Giã, An Toàn Khu (ATK) Định Hoá, nay thuộc xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên nằm ở trung tâm “Thủ đô gió ngàn”, với “Địa lợi, nhân hòa” đáp ứng tiêu chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc các đồng chí bảo vệ, giúp việc khi tìm địa điểm đặt cơ quan:
Trên có núi, dưới có sông
Có đất ta trồng, có bãi ta chơi
Tiện đường sang Bộ tổng,
Thuận lối tới Trung ương
Nhà thoáng ráo, kín mái,
Gần dân, không gần đường.
Ngày 6/12/1954 quyết định thông qua phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954 đã được thực hiện tại đây cùng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Tỉn Keo hiện là một trong những di tích quan trọng trong hệ thống các di tích lịch sử kháng chiến của ATK Định Hóa.
Thác Khuôn Tát (Thác Bảy Tầng)
Thác Khuôn Tát là một thắng cảnh của tỉnh Thái Nguyên. Thác nằm trên địa phận xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa và cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 70km. Thác Khuôn Tát thuộc khu vực di tích lịch sử ATK Định Hóa, là trung tâm căn cứ địa Việt Bắc và đại bản doanh lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ 1946 – 1954. Thác Khuôn Tát được xếp hạng danh thắng cấp quốc gia vào năm 2002.
Thác Khuôn Tát nằm giữa núi rừng hoang vu và khá yên tĩnh, xung quanh thác có nhiều cây cổ thụ. Thác bao gồm 7 tầng, nước từ trên cao đổ xuống tung bọt trắng xoá, phía dưới tạo thành dòng suối. Theo truyền thuyết của cư dân bản địa, xưa kia, các loài động vật hoang dã trong vùng thường đến đây uống nước, vào những hôm trời xanh, nước trong, mây trắng vờn trên đỉnh núi có bầy Tiên nữ từ trên trời xuống thác tắm.
Đồi chè Tân Cương
Bất cứ ai khi tới xã Tân Cương thuộc phía Tây của thành phố Thái Nguyên cũng phải trầm trồ bởi nơi đây quá đỗi đẹp và cuốn hút. Đồi chè tại đây được trồng trên khoảng diện tích rất rộng. Theo ước tính cụ thể là khoảng 1300ha. Do đó, khi đặt chân tới vùng đất này, bạn sẽ cảm thấy vô cùng thích thú. Bởi cảnh sắc thiên nhiên nơi đây vô cùng xanh mát và có sức hút rất riêng.
Cũng bởi khoảng cách từ trung tâm thành phố tới đồi chè Tân Cương không quá xa nên việc đi lại và di chuyển cũng trở nên đơn giản và dễ dàng hơn. Bạn chỉ phải đi khoảng 10km là có thể tới được khu đồi chè này tham quan. Chính vì thế, khi có dịp tới Thái Nguyên du lịch, bạn nhất định không thể bỏ lỡ một địa điểm đẹp như khu vực đồi chè ở Tân Cương.
Hồ Suối Lạnh
Hồ Suối lạnh nằm ở thành phố Thái Nguyên với nét hoang sơ. Cách thành phố Thái Nguyên tầm 30km. Suối lạnh nằm dưới chân núi Hàm Lợn của dãy Tam Đảo. Đến suối bạn sẽ cảm nhận được một không gian khác lạ, chúng ta sẽ thất được cảm giác bình yên khi đến đây. Bao quanh suối là muôn vàn cây cối xanh tươi. Chúng ta có thể tắm ở đây nhưng phải cẩn thận nhé. Nước ở hồ rất trong xanh, có nhiều loài cá ở suối.
Hồ Vai Miễu
Hồ Vai Miếu nằm dưới chân ngọn núi Tam Đảo, đoạn đường để đến hồ hơi xấu, nhiều ổ gà, nhiều đá to. Đến nơi, bạn có thể thuê thuyền máy ở bến để tham quan hồ. Cảm giác ngồi thuyền giữa lòng hồ đón gió lộng, ngắm thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ rất tuyệt vời. Nước hồ trong xanh và có rất nhiều cá nên bạn có thể trổ tài câu cá và thưởng thức món cá nướng ngon tuyệt.
Hồ Ghềnh Chè
Hồ Ghềnh Chè thuộc xã Bình Sơn, Tp Sông Công có diện tích 40 ha, được bao quanh bởi những cánh rừng bạch đàn, rừng mỡ bạt ngàn. Hồ Ghềnh Chè thu hút được nhiều khách đến du lịch, câu cá thưởng thức những ngụm chè thơm ngon ngồi lặng bên chiếc cần câu đợi cá ăn mồi, không khí trong lành hít một ngụm khí lạnh vào người cảm giác thư thái khó tả, nắng dịu nhẹ, làn nước xanh mát.
Hồ Ghềnh Chè (Ảnh sưu tầm)
Ngước nhìn các triền rừng tái sinh và những thảm thực vật đa dạng, phong phú bao quanh lòng hồ lòng chúng thấy thật thư thái. Mọi bon chen, vụ lợi và cuộc sống xô bồ nơi đô thị dần biến mất.
Thác Nặm Rứt
Con thác này còn có một tên gọi khác là thác Mưa Rơi. Con thác này nằm ở Xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên. Nơi đây cách trung tâm thành phố khoảng 35km. Do đó, hành trình khám phá Thái Nguyên của bạn sẽ không quá vất vả nếu lựa chọn địa điểm này để đi. Bạn có thể đi bằng xe máy hay ô tô tùy theo nhu cầu và sở thích của mình.
Cảm giác khi được đặt chân tới đây thật thích. Bởi nó khiến bạn được sống và tận hưởng bầu không khí trong lành cùng khung cảnh núi non hùng vĩ. Đặc biệt nếu được chinh phục đỉnh núi đá vôi tại đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ bức tranh thiên nhiên nơi đây tươi đẹp và cuốn hút.
Hang Phượng Hoàng – Suối Mỏ Gà
Nằm bên trái QL 1B Thái Nguyên – Lạng Sơn (km 42) trên một núi đá lớn của dãy Phượng Hoàng thuộc xã Phú Thượng huyện Võ Nhai. Đây là một di tích lịch sử cách mạng, thời chiến hang Phượng Hoàng thuộc căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai. Ngày 27/11/1944 đội cứu quốc quân 75 người cùng 373 hộ dân lên hang Phượng Hoàng lập căn cứ chống địch.
Nằm ở độ cao khoảng 500m so với chân núi, khi vượt qua hàng trăm bậc đá và leo lên đến miệng hang, bạn sẽ phải xuôi theo những bậc đá để xuống đáy hang. Khi xuống đến đáy hang sẽ có nước, và có một cây cầu nhỏ để các bạn đi qua hoặc checkin. Nhìn lên trên các bạn sẽ thấy những nhũ đá to lớn với đủ các hình dạng khác nhau. Từ đỉnh hang, những giọt nước trôi theo các nhũ đá nhỏ xuống tạo khung cảnh thích thú. Ánh sáng từ trên cửa hang và đỉnh trời rọi xuống tạo một không gian mở huyền ảo, rất thú vị cho các bạn chụp ảnh. Những ai thích mạo hiểm và khám phá có thể leo trèo lên các nhũ đá cao để ngắm cảnh vào checkin.
Suối Cửa Tử
Từ trung tâm thành phố tới khu vực suối Cửa Tử khoảng 45km. Do đó, sẽ rất thuận lợi cho việc di chuyển tới địa điểm trekking này. Đây là khu suối thuộc địa phận của xã Hoàng Nông, Đại Từ Thái Nguyên. Xã này nằm ở khu vực phía tây và thuộc dãy núi Tam Đảo.
Điều đặc biệt đó là con suối này thuộc địa bàn xã Hoàng Nông – một trong những xã có vùng ranh giới thuộc cả 3 khu vực đó là Thái Nguyên, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc.
Con suối này khởi nguồn là từ dãy núi Tam Đảo đổ xuống. Sau đó, chạy dọc và đổ xuống khu vực sông Công. Nhiều người khi nghe tới cái tên Cửa Tử lần đầu sẽ không khỏi rùng mình khiếp sợ. Tuy nhiên, khi được đặt chân tới nơi đây, bạn mới có thể hiểu và cảm nhận rõ nét nhất sự hoang sơ mộc mạc của cảnh sắc thiên nhiên nơi đây.
Được mệnh danh là địa điểm trekking không hề dễ thở như các khu trekking khác. Nhưng chính điều này lại khiến nơi đây trở nên có sức hút kỳ diệu hơn đối với du khách lần đầu tới Thái Nguyên khám phá.
Chùa Hang
Chùa Hang nằm ngay trung tâm thị trấn Chùa Hang, Đồng Hỷ, cách trung tâm Tp Thái Nguyên khoảng 2km.
Căn cứ các văn bản lịch sử và các văn bia cổ trên vách đá trong hang thì Chùa Hang còn có tên gọi là “Tiên Lữ Động”, gắn với một huyền thoại được lưu truyền trong dân gian. Trên núi Chùa Hang thường có các vị tiên xuống dạo chơi, đánh cờ và tắm mát ở giếng Mắt Rồng, trong đó có nàng tiên thứ Bảy vì yêu người, mến cảnh nơi đây mà đã phạm vào luật tiên giới nên bị Ngọc Hoàng nổi giận đẩy vào hang vắng cấm không cho về thiên cung nữa, cho nên động trong núi mang tên “Tiên Lữ Động”. Trên vách đá của động hiện có câu đối cổ bằng chữ Hán:
Phong cảnh thiên nhiên duy đệ nhất
Danh lam nhân tạo thị vô song
Tạm dịch:
Phong cảnh thiên nhiên đẹp vào bậc nhất
Danh lam do con người tạo cũng không gì sánh được
Động Linh Sơn
Động Linh Sơn nằm một thắng cảnh đẹp nằm tại xóm núi Hột, xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, là điểm thăm quan đẹp cuốn hút du khách thăm quan. Động nằm cách thành phố Thái Nguyên 6 km về hướng đông bắc, nằm trong dải núi Hột, một đỉnh núi đá vôi cách xa các bản làng.
Động Linh Sơn có hai hang đá là hang Thiên và hang Địa. Hang Thiên nằm cách tấm bia cổ ghi hàng chữ Hán “Trùng tu Linh Sơn động” có kích cỡ 1,2 x 0,8m khoảng 8m về phía đông, rộng trên 360m2 có nền hang bằng phẳng cao dân lên thành bậc tam cấp dẫn đến các bệ thờ Phật bằng đá. Cuối hang Thiên là đường lên đỉnh núi Hột về phía Tây ở độ cao đến 16 – 18m để thông xuống hang địa.
Hang địa sâu và thấp hơn hang Thiên khoảng 15m, diện tích trên 480m2 với nền hang bằng phẳng và thấp dần từ trái sang phải, có những nhũ đá với các hình tượng hình bút tháp, hình người mẹ bồng con,..vv.. rất đẹp. Trong động này hiện còn tượng phật thích ca bằng đồng và một số tượng phật son thếp vàng và nhiều tượng bằng đá trên các bệ đá.
Đền Đuổm – Núi Đuổm
Núi Đuổm, xưa gọi là Điểm Sơn, nằm kề quốc lộ 3, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 24 km về phía Tây – Bắc. Sách Đại Nam Nhất THống Chí xếp Điểm Sơn là danh thắng của đất Thái Nguyên và tả: “ Điểm Sơn… phía trước núi có phiến đá chỗ lên chỗ xuống như con rồng ngóc đầu, phía dưới có hai phiến đá lớn như hình hai con voi chầu vào. Đỉnh núi và sườn núi đều có đền”.
Núi Đuổm thật là danh lam hiếm có. Từ xa nhìn vào, sáu ngọn núi đá tựa sáu đầu rồng. Ngọn ở phía cực Đông như mọc ra một “tháp đá” chọc thẳng lên trời xanh. Các vách đá thẳng đứng, rêu phong cổ kính. Quanh núi, nhiều cây cổ thụ đường kính gốc hơn một mét.
Đền Đuổm đã được tôn tạo và xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1993. Lễ hội đền Đuổm được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm.
Thác Đát Đắng
Đát Đắng thuộc xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Từ trung tâm thành phố Thái Nguyên theo quốc lộ 37 nối giữa Thái Nguyên và Tuyên Quang du khách mất khoảng một giờ đồng hồ đi xe máy đến xã Phú Xuyên rồi đi tiếp hơn 2 km đường mòn chạy tới gần chân đát. Sau khi gửi xe và bách bộ khoảng 2 km băng qua những con suối, những bãi đá lởm chởm, những ngọn đồi xanh cỏ, thác Đát Đắng hiện ra tầng tầng, lớp lớp chắc chắn sẽ không phụ công sức của những vị khách đam mê du lịch và khám phá.
Thác Đát Đắng (Ảnh sưu tầm)
Đát Đắng khá xa đường quốc lộ, chính vì thế mà điểm hấp dẫn của nơi này chính là cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên, được đắm chìm trong những cánh rừng nguyên sinh xanh mướt, trong một bầu không khí trong lành, mát mẻ, và những dòng thác tuôn chảy.
Vào Đát Đắng ta như lạc vào một không gian hoàn toàn mới, thoát khỏi cái ồn ã, xô bồ nơi phố thị, hít thở không khí trong lành và cảm nhận âm thanh núi rừng đang ở quanh ta, hòa với ta. Dòng thác từ trên cao đổ xuống bọt tung trắng xóa, luồn qua những khe đá tai mèo rồi đổ xuống những hủng sâu. Nước từ trong khe núi chảy ra trong vắt, mát lạnh, giữa cái thời tiết oi ả, chói chang của mùa hè mà được ngâm mình trong dòng thác trong veo thì không gì thú vị bằng.
Suối Tiên
Suối Tiên thuộc xóm Tân Lập II, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên; cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 30km về phía bắc. Từ trung tâm thành phố Thái nguyên theo quốc lộ 1B đến km số 7 rẽ trái đường đi Hòa Bình, qua địa phận xã Hòa Bình đến xã Văn Lăng, suối cách trung tâm xã 2km (có biển chỉ dẫn).
Suối Tiên có lẽ cũng giống như vô vàn những con suối khác ở dòng nước trong vắt trườn lên lớp cát trắng phau, những con ốc nhỏ bám chặt vào tảng đá xanh rêu. Nhưng suối Tiên không giống những con suối thông thường ở chỗ có nhiều ghềnh đá dềnh lên mặt nước như lưng những chú voi khổng lồ, có những đoạn nước chảy trông giống như chú cá với những chiếc vẩy khổng lồ đang trườn đi.
Du lịch tâm linh
Chùa Phù Liễn
Chùa Phù Liễn có diện tích khoảng 7000m2, chùa tọa lạc trên một quả đồi cao thóang đãng với nhiều cây xanh cổ thụ. Chùa gồm có nhà Tam Bảo, Điện mẫu, nhà thờ tổ và khu vườn tháp cổ, trước sân chùa có tượng phật Bà Quan âm linh diệu.
Trong Chùa có bức đại tự hoành tráng gắn bốn chữ vàng: “Linh sơn phúc địa” (có nghĩa là núi thiêng, đất lành). Hàng năm vào ngày 12/1 Âm lịch, các Tăng ni, Phật tử, nhân dân trong và ngoài tỉnh về đây lễ phật cầu phúc cầu tài, tham gia các trò chơi chọi gà, đánh đu, cờ tướng, bình thơ, đọc văn…
Chùa Phù Liễn là nơi gắn với nhiều dự kiện lịch sử. Trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chùa là nơi che chở, nuôi dấu một số nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám và Đội Cấn. Chùa Phù Liễn từ xưa đã được coi là một chốn danh lam, là nơi hành hương lễ phật của đông đảo phật tử trong và ngoài tỉnh, được thể hiện qua câu ca cổ:
Khi Mỏ Bạch, khi Xương Rồng
Khi Phù Liễn tự, khi Đồng Mỗ am
Chùa Đán
Chùa Đán cách trung tâm Tp Thái Nguyên 5 km về phía Tây, ở địa phận xóm Chùa, phường Thịnh Đán. Đứng bên dòng sông Công, vẳng nghe tiếng mõ rơi vào chiều tím, lòng cảm hoài về một miền xa ngái đã đi qua bao đời kiếp con người, nhưng có gì đó gần gụi, thương mến mà thiêng liêng. Tiếng mõ chùa đã làm tôi ngẩn ngơ, nghĩ suy và chợt nhận ra ở nơi này, có một mái chùa che chở bao đức tin con người, và là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp lựa chọn làm điểm tập kết khi đưa quân chủ lực từ Cây đa Tân Trào (Sơn Dương – Tuyên Quang) sang giải phóng T.X Thái Nguyên (ngày 16-8-1945).
Bắt đầu từ cổng vào đã thấy sự tôn nghiêm, nhưng gần gũi. Nhà Tam Bảo với từng cột đá, mái vút cong cổ kính, quen thuộc. Trước sân có Đức Phật tổ ngồi thiền; liền sân chùa là ngôi nhà sàn mang kiến trúc của đồng bào Tày, Nùng Việt Bắc dựng lên làm Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 2011, chùa Thịnh Đán được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Chùa Ha
Chùa Ha tên chữ là Bà Ha tự, được dựng từ đầu thế kỷ thứ XVIII ở làng Lộng, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình. Chùa tọa trên một quả đồi thoải, rộng hơn 2,5ha. Quanh chùa còn nhiều cây cổ thụ bản địa tạo nên một khung cảnh đẹp tĩnh mịch. Đây là một trong những ngôi chùa cổ, còn giữ được những nét cơ bản kiểu dáng kiến trúc thời Lê.
Chùa có kiến thức theo kiểu chữ công với 7 gian tiền đường và 4 gian thượng điện, có khu nhà thờ Tổ, thờ Mẫu. Tòa tiền đường có 7 gian, dài 16m, rộng 5,5m. Tòa thượng điền có 4 gian, diện tích rộng 70m2. Nhà thờ Tổ và nhà thờ Mẫu gồm 7 gian, diện tích 90m2. Chùa được trùng tu vào các năm 1716 và 1889. Mỗi năm, đặc biệt là dịp tết đến xuân về chùa thu hút hàng ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến chiêm bái và vãn cảnh.
Đình Hộ Lệnh
Di tích đình Hộ Lệnh nằm ở xóm Trung của làng Hộ Lệnh, thuộc xã Điềm Thuỵ, huyện Phú Bình. Cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 22 km về phía Đông Nam. Xung quanh quần thể di tích đình – chùa Hộ Lệnh là xóm làng, có đồng ruộng thoáng mát xen kẽ với gò đồi tự nhiên, tạo nên phong cảnh đẹp, hấp dẫn du khách khi đến tham quan.
Đình Hộ Lênh được xây dựng sau khi cơ cấu làng xã được hình thành và phát triển, dân cư các nơi tụ về đây sinh sống. Theo văn bia ” Hậu Thần Bi Ký” còn được lưu giữ tại đình Hộ Lệnh đình được xây dựng vào triều Lê Vĩnh Hựu năm thứ 4 ( 1738) có chép : Làng Hộ Lệnh xưa thuộc thôn Hộ Lệnh, xã Triều Dương, huyện Tư Nông, phủ Phú Bình. Tra cứu trong sách “Tên làng, xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX” thì ghi làng Hộ Lệnh thuộc xã Triều Dương, tổng nhã Lộng, huyện Tư Nông, phủ Phú Bình, xứ Thái Nguyên. Qua nghiên cứu sử sách và số hương ước xưa của địa phương, dựa trên nguồn sử liệu và các chứng tích còn được lưu giữ tại đình đã minh chứng cho thấy làng Hộ Lệnh là một làng cổ đã được hình thành lâu đời, có làng rồi mới dựng đình vào khoảng từ thế kỷ XVII. Với giá trị tiêu biểu trên, di tích đình Hộ Lệnh được. công nhận là di tích lich su van hoa cấp quốc gia vào năm 2001.
Đình Phương Độ
Nằm ở làng Phương Độ (xã Xuân Phương, huyện Phú Bình) Đình Phương Độ được xây dựng vào thế kỷ 15 thờ Đức thánh Dương Tự Minh. Ngôi đình không những là nơi thờ tự, lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống, những kiến trúc cổ độc đáo mà trong cuộc kháng chiến chống Pháp nơi đây còn là một cơ sở cách mạng quan trọng của Đảng.
Đình Phương Độ là một di tích mang đặc trưng của kiến trúc thời Lê, với mái đình được làm bằng ngói mũi, bốn góc cong vút ẩn hiện dưới tán cây đa cổ thụ. Gác chuông được xây 3 tầng, trước cổng đình là ao bán nguyệt. Đình được dựng lên bởi 48 cột lim có đường kính 0,3-0,5m. Bốn góc đình được thiết kế hình mũi cong tạo cho đình một vẻ đẹp thanh thoát nhẹ nhàng. Trên mái đình được trang trí theo kiểu “Lưỡng long chầu nguyệt”. Ở trong đình, trên-dưới các đầu trụ, đầu cầu và các xà ngang, xà dọc đều được trang trí hoa văn, chạm trổ các bộ “Tứ linh” (Long-Ly-Quy- Phượng) rất khéo léo, công phu.
Hàng năm vào Rằm tháng giêng, ngày 4 tháng tư, mùng 10 tháng mười (Âm lịch) và các ngày lễ tết người dân Phương Độ vẫn mở hội truyền thống, có rước kiệu, múa lân, tế lễ, vật, chọi gà và vui văn nghệ thu hút đông đảo khách thập phương gần xa.
Đền Lục Giáp
Đền Lục Giáp thuộc xóm Dương xã Đắc Sơn huyện Phổ Yên. Thời xa xưa đền là ngôi miếu nhỏ thờ thần linh của dân làng vùng Sơn Cốt. Sau để tưởng nhớ công lao người anh hùng dân tộc Dương Tự Minh (thời Lý) và tướng Lưu Nhân Chú (thời Lê) nhân dân ở đây đã lập đền thờ hai ông.
Đền nằm trên bãi đất rộng bên bờ sông Công, nhìn ra đồng ruộng phì nhiêu, làng xóm trù phú yên vui gợi vẻ nên thơ yên ả của một làng quê đất việt. Khu vực chính của đền Lục Giáp rộng 1.360m2 gồm nhà tiền tế và hậu cung liền nhau, trước đền có sân rộng, giữa sân có bệ để cắm hương hoa. Đền Lục Giáp được xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1993. Hằng năm đền mở hội từ ngày 15 tháng 3 (âm lịch) tưởng niệm các danh nhân Dương Tự Minh, Lưu Nhân Chú, Đỗ Cận… Lễ hội có dâng hương tế lễ, rước kiệu, hát ví, đấu cờ, đấu vật và đua thuyền trên sông Công… thu hút đông đảo nhân dân tham dự.
Đền Giá
Đền Giá thờ Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng) và Mạn Điền Quốc Vương, người nông dân đất Thái Nguyên theo Thánh Gióng đi đánh giặc Ân. Đền được dựng từ xa xưa trên vùng đất cổ thuộc xã Đông Cao, Phổ Yên. Lễ hội đền Giá được tổ chức mỗi năm hai lần. Lễ hội chính được tổ chức vào ngày mùng 5 và mùng 6 tháng Giêng Âm lịch. Lễ hội lần thứ hai được tổ chức vào ngày mùng 9 tháng 4 âm lịch.
Khu di tích khảo cổ Thần Sa
Khu di tích Thần Sa nằm gọn trong địa phận xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, cách thành phố Thái Nguyên khoảng 40 km về phía bắc. Nơi đây những di chỉ khảo cổ đồ đá về con người sống cách chúng ta chừng 2 – 3 vạn năm được phát hiện ở hang Phiềng Tung (hang Miệng Hổ), Ngườm thuộc vùng Thần Sa chứng minh rằng tại đây đã tồn tại một nền văn hoá cổ gọi là văn hoá Thần Sa. Đây là nền văn hoá cổ nhất được biết đến cho tới nay ở Việt Nam và cả vùng lục địa Đông Nam Á.
Những dãy núi đá vôi dày đặc thuộc phần cuối của sơn hệ Bắc Sơn và những dải thung lũng hẹp dọc theo đôi bờ sông Thần Sa là nét đặc trưng của địa hình Thần Sa. Chính trong các hang động ở Thần Sa, vào những năm 70 – 80 của thế kỉ XX các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện được một loạt các di chỉ khảo cổ có niên đại từ trung kì đá cũ đến sơ kì thời đại đồ đá mới (30.000 năm đến 10.000 năm cách ngày nay) như: Phiêng Tung, Ngườm, Nà Ngùn, Thắm Choong, Hạ Sơn1, Hạ Sơn 2…
Hang Phiêng Tung (Miệng Hổ)
Hang có hình thù như miệng con hổ nên nhân dân trong vùng gọi là hang Miệng Hổ. Hang rộng khoảng 10m, dài 20m cao 7m, cửa quay về hướng đông nam, cao hơn thung lũng phía dưới khoảng 50m, cách sông Nghinh Tường khoảng 50m về phía bắc. Bên trong hang có tầng ngách nhỏ, không chứa di vật khảo cổ. Nền hang dốc thoải vào bên trong, trên có nhiều đá tảng lăn. Hang này rất thuận tiện cho người nguyên thủy cư trú. Con sông nhỏ Nghinh tường nước chảy quanh năm từ phía Bắc qua phía đông và phía nam của chân núi Mèo. Đoạn qua sông này về mùa cạn nổi lên những bãi đá cuội lớn, đây chính là nguồn nguyên liệu phong phú của người nguyên thủy dùng để chế tác công cụ.Điểm nổi bật của bộ sưu tập Phiêng Tung là sự phổ biến mảnh tước nhỏ có vết tu chỉnh, trong đó công cụ mõi nhọn và công cụ nạo cắt chiếm số lượng lớn.
Mái đá Ngườm
Mái Đá Ngườm là một di chỉ quan trọng bậc nhất của khu di chỉ khảo cổ học Thần Sa nằm trên sườn dãy núi Ngườm thuộc bản Kim Sơn, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Mái Đá Ngườm là một di tích khảo cổ học nổi tiếng đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Đây là một trong những địa điểm khảo cổ thuộc cụm di tích khảo cổ Thần Sa. Các hiện vật được tìm thấy ở Mái Đá Ngườm thuộc trung kỳ đồ đá cũ có niên đại cách ngày nay từ 18.000 – 30.000 năm. Là một mái đá cao chừng 30m, rộng 60m, cửa hang nằm ở hướng bắc. Hố khai quật di chỉ Ngườm cho thấy có 4 địa tầng văn hóa khảo cổ. Những di vật đá đặc trưng của các nền văn hóa Bắc Sơn, Hòa Bình, Sơn Vi nằm ở tầng 1, tầng 2… ở tầng thứ 3 là thuần các công cụ đặc trưng của Ngườm. Và ở tầng văn hóa thứ 4 là hàng vạn công cụ đá kiểu Phiêng Tung và Ngườm.
Những công cụ mũi nhọn, công cụ nạo và kỹ thuật gia công lần thứ 2 giống như công cụ và kỹ thuật điển hình của văn hóa Mút-xchi-ê (Moustér), nền văn hóa tiêu biểu cho trung kỳ Thời đại đá cũ.
Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam
Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam nằm trung tâm thành phố Thái Nguyên, cách thủ đô Hà Nội 80 km, đi dọc theo quốc lộ 3 về phía Bắc.Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam được thành lập năm 1960. Thời kỳ đầu mang tên Bảo tàng Việt Bắc, thực hiện chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và giáo dục truyền thống lịch sử văn hoá, lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc Việt Bắc.
Hiện nay, hệ thống trưng bày ngoài trời Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam đã vào giai đoạn hoàn thiện. Không gian 6 vùng văn hoá: Núi cao phía Bắc, Thung lũng, Trung du – Bắc Bộ, Miền Trung – Ven biển, Trường Sơn – Tây Nguyên, và Đồng Bằng Nam Bộ đã định hình cơ bản. Mỗi vùng văn hoá đều có không gian tổ chức lễ hội, có cấu trúc cảnh quan mang tính đặc trưng vùng miền và một ngôi nhà cụ thể, mang tính nguyên gốc làm điểm nhấn giới thiệu các giá trị văn hoá Việt Nam tới du khách.
Ẩm thực và các món ăn ngon ở Thái Nguyên
Món ăn ngon ở Thái Nguyên
Canh gà nấu gừng
Gà ta chặt miếng, ướp với gừng đập dập, lá gừng non thái nhỏ, mẻ, một ít rượu trắng, muối, bột ngọt. Đổ thịt gà đã ướp vào chảo gang xào chín thì cho bát nước và ít nấm hương, đậy nắp đun sôi thêm vài phút là được.
Bát canh gà thơm lừng, hương vị đặc biệt, dễ ăn và chế biến. Đây cũng là món ăn dân dã và thường được đãi khách của người Tày.
Cơm lam
Cơm lam là một trong những món ăn giản dị của đồng bào dân tộc thiểu số Định Hóa nhưng có sức hấp dẫn lạ lùng bởi sự giao hòa của nước của lửa và những ống nứa non.
Cơm lam là một món ăn giản dị của người dân Định Hóa, giản dị bởi nó gắn với những con suối nơi đầu nguồn và nương lúa bên sườn đồi, những vạt rừng tre nứa xanh ngút của đất ATK một thủa nhưng khiến du khách khó quên nếu có dịp thưởng thức.
Muốn có cơm lam ngon, đầu tiên phải có loại nếp ngon, ấy là thứ nếp cái hoa vàng trồng trên nương, hàng năm thu hoạch vào khoảng tháng 9, tháng 10. Thứ nếp mười hạt như cả mười, tròn căng đem nhặt hết sạn, ngâm qua nước ấm. Dụng cụ để lam là ống nứa, hoặc ống tre non, còn tươi để khi lam, chỉ cháy được ở phần ngoài và nước ngọt của cây ngấm vào gạo. Loại nứa hoặc tre này mỗi cây chỉ chặt được từ ba đến bốn ống, mỗi ống dài độ 30 phân…
Xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc của người Tày Định Hóa bao hàm cả một triết lý nhân sinh quan: 5 màu của xôi là tượng trưng cho ngũ hành. Màu vàng là màu của Thổ, màu xanh là màu của Mộc, đỏ là màu của Hỏa, trắng là màu của Kim, tím thẫm là màu của Thủy. Mọi vật chất trong vũ trụ đều do 5 hành đó tương sinh, tương khắc tạo nên, mà tồn tại và phát triển.
Để có xôi ngon, thơm dẻo người làm nghề phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy trình từ khâu chọn lá nhuộm màu đến việc đồ xôi. Nguyên liệu để nấu xôi phải là gạo nếp Định Hóa, trong, hạt mẩy, tròn một loại nếp thơm ngon và nổi tiếng nhất vùng. Bốn loại lá rừng dùng để nhuộm các màu xanh – đỏ – tím – vàng được người dân lựa chọn kỹ lưỡng, lá không được quá non hay quá già. Sau đó rửa sạch nấu với nước lấy từ suối.
Khi đã có nước màu, gạo nếp được cho vào ngâm khoảng 10 tiếng rồi vớt để ráo nước. Gạo ráo nước sẽ được đồ trong chõ xôi truyền thống của đồng bào gọi là Mỏ Lửng – Tay Lung. Chõ xôi hình bầu dục bằng thân cây cọ hoặc gỗ thơm được gọt đẽo để thủng hai đầu, đầu trên có nắp đậy, đầu dưới lót bằng phên nứa, mỗi chõ xôi được hơn 1kg gạo.
Nham
Là đặc sản ẩm thực nổi tiếng của xã Hà Châu, Phú Bình và thường được làm vào mùa trám chín (khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8 âm lịch) Món nham được làm từ 14 loại thực phẩm, gia vị dân dã như: trắm đen, cá cháy hoặc cá mè trắng, củ chuối tiêu non, vừng, lạc, thịt ba chỉ, khế chua, lá gừng, lá sung, lá nhội, lá đinh lăng, cùi dừa, tương, dấm thanh…
Một món nham hoàn chỉnh thường gồm rất nhiều nguyên liệu. Trong đó không thể thiếu quả trám đem ỏm tách hạt thái nhỏ. Nham thường có hai loại nham cá sống và nham cá nướng. Nham cá sống thì thái chỉ thịt cá, nham cá nướng thì cá được nướng trên than hoa. Trộn chúng lại cùng vừng, lạc, lá khế, lá nhội…là có ngay món nham đầy đủ hương vị dân dã.
Măng đắng Ngàn Me
Điều kiện thích hợp nên ở Thái Nguyên quanh năm luôn có măng để thưởng thức. Nhưng phổ biến nhất phải kể đến măng đắng Ngàn Me. Thứ măng vừa nhú lên khỏi mặt đất mang lại hương vị khó quên cho ai từng thưởng thức.
Măng đắng Ngàn Me có vụ đắng giòn và ngon nhất là vào mùa xuân. Măng đắng có thể luộc chấm muối, măng đắng nấu ốc suối hoặc đem ngâm giấm đều tuyệt vời. Nếu không thích vị đắng của măng bạn có thể ngâm qua nước muối 1 2 giờ hoặc chẻ đôi rồi đem luộc sơ nhé.
Măng nhồi thịt
Món măng nhồi thịt thơm ngon cũng rất dễ chế biến. Thịt nác vai lợn băm nhỏ trộn với nâm hương, mộc nhỉ, hành hoa, muối, bột ngọt, hạt tiêu nhồi vào những ống măng nứa đã luộc xong đem hấp khoảng 30′ là chín.
Rau rừng
Bồ khai là loại rau rừng mọc ven núi đá, món này có thể xào không hay xào với trứng gà, thịt băm, thịt bò…vẫn được coi là đặc sản thiết khách của Thái Nguyên. Người ta thường dùng phần ngọn và lá non rau bò khai để chế biến món ăn. Rau có mùi vị khai đặc trưng nên khi chế biến người ta thường vò lá cho át bớt mùi.
Rau rừng (Ảnh sưu tầm)
Tuy nhiên sự ngon ngọt của rau luôn khiến người ta thèm thuồng mà quên đi mùi vị khó ngửi này. Vùng rừng Định Hóa, Phú Lương, Đồng Hỷ, Võ Nhai đều có cây rau ngót rừng (có nơi gọi là rau sắng). Rau ngót rừng nấu canh có bị thơm mát, rất bùi.
Bánh tro
Bánh tro hay còn gọi là bánh gio, bánh nẳng, là thứ bánh dân dã mà bà con người Kinh, Tày, Sán Chay…thường làm. Gọi là bánh Tro vì nước để ngâm gạo làm bánh và nấu bánh đều được lấy phần nước trong, lắng từ nước tro (gio) của nhiều loại cây khác nhau.
Gọi là bánh âm vì nó có đặc tính tư âm, bổ âm, do chứa toàn nguyên vật liệu có tính âm (toàn bộ là thực vật và khoáng canxi, kali…).
Bánh chưng Bờ Đậu
Bánh chưng Bờ Đậu được làm từ gạo nếp đặc sản của núi rừng Định Hóa một huyện ở miền núi trung du tỉnh Thái Nguyên, thứ gạo nếp dẻo và rất thơm. Gạo nếp được chọn hết sạn, những hạt đầu đen và hạt tẻ lẫn vào, sau đó vo sạch, ngâm trong nước vài tiếng để gạo nở, để ráo nước, trộn với một chút muối và chuẩn bị gói.
Lá dong để gói bánh là thứ lá nếp, dày, xanh mướt, bản rộng. Lá chặt từ rừng Na Rì, chợ Đồn, Bắc Kạn về rửa sạch cả hai mặt, để ráo nước, dùng khăn sạch lau khô, tước bớt cuống lá, cắt bớt ngọn lá và phần cuống lá, xếp gọn lá bên cạnh chậu gạo. Lạt buộc bánh phải là thứ lạt chẻ bằng cây giang.
Đỗ xanh làm nhân bánh là thứ đỗ quê đều hạt, vỏ mỏng, lòng vàng. Đỗ được vỡ đôi, ngâm nước, đãi sạch vỏ trộn một ít muối. Thịt chọn gói bánh là loại thịt ba chỉ ngon từ lợn miền ngược thả rông chắc nịch, thái miếng to, ướp muối, hạt tiêu ngấm đều.
Nem chua Đại Từ
Không giống với các loại nem chua khác có thể bóc ra là ăn được ngay, nem chua Đại Từ cần có một thao tác nhỏ nữa là nướng bằng than củi hoặc lăn qua chảo mới có thể ăn được. Với thành phần gồm có: thịt nạc mông, tỏi, rượu, hạt tiêu, thính và lá ổi, mỗi chiếc nem được gói cẩn thận bằng lá chuối và có thể được đến vài ngày. Để có được những chiếc nem chất lượng, người ta chỉ dùng thịt ở 2 quả mông của con lợn. Thịt được rửa sạch và lọc kỹ, thái mỏng ngang thớ rồi trộn cùng tỏi băm nhuyễn, tiêu xay, rượu trắng và thính gạo rang thơm.
Sau khi nguyên liệu để gói nem được hoàn tất, những chiếc nem sẽ được gói cẩn thận lại bằng lá chuối và lá ổi. Lớp lá trong cùng thường được dùng bằng lá ổi có vị bùi, chát thích hợp; lớp ngoài là lớp áo bằng lá chuối còn tươi, nem được gói vừa phải, không cần chặt quá và kín gió để chóng lên men và để được lâu. Dùng lá chuối gói nem để tạo dáng và có màu xanh tươi, bóng bẩy đẹp mắt. Nem để từ 3-4 ngày là ăn được. Khi ăn nem Đại Từ, người ta thường gói kèm với các loại lá sung, đinh lăng… Tùy theo sở thích, người ăn có thể chấm thêm với nước mắm chanh ớt pha tỏi hay tương ớt, tạo thêm vị thơm ngon của món nem này.
Đặc sản Thái Nguyên
Chè Tân Cương
Chè Thái Nguyên (Trà Thái Nguyên) ngon là loại chè có búp chè phải khô, cong, lành và ít bị gãy, có vẻ ngoài đẹp mắt. Đặc biệt, chè Thái Nguyên ngon, chuẩn có màu xanh tự nhiên, có số lượng cánh chè dài ít và có nhiều cánh chè ngắn, bởi cánh chè ngắn là những búp chè ngon. Còn đối với chè không ngon thường có màu vàng hoặc nâu xỉn và chè hay bị vụn, gãy.
Chè đặc sản Thái Nguyên ngon khi uống có mùi hương thơm cốm nhè nhẹ lan tỏa và có vị chát nhẹ và vị ngọt động lại cuống họng. Ở Thái Nguyên có rất nhiều huyện trồng chè mỗi nơi sẽ cho hương vị trà búp khác nhau. Nhưng để cho hương vị trà ngon thì vẫn phải kể đến trà búp Tân Cương. Chè búp Tân Cương cho màu nước xanh vàng nhẹ, vị chát vừa phải và vị ngọt sâu đặc trưng cùng hương cốm rất tự nhiên.
Gạo bao thai Định Hóa
Có thể nói, từ nhiều đời nay, bà con nông dân trên mảnh đất ATK cách mạng đã gắn bó mật thiết với cây lúa bao thai lùn. Nhờ những đặc điểm về khí hậu và chất đất riêng rất phù hợp với giống lúa “bao thai lùn”, sản phẩm gạo Bao thai Định Hóa đã trở thành một loại đặc sản mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đất chiến khu xưa. Các sản phẩm được chế biến từ loại gạo này (như mì sợi, bánh đa, bánh phở, bánh cuốn…) cũng có những hương vị riêng rất đặc biệt.
Gạo bao thai (Ảnh sưu tầm)
Miến Việt Cường
Không biết nghề làm miến có ở xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) từ bao giờ, nhưng sản phẩm miến Việt Cường đã trở thành thương hiệu không chỉ được ưa chuộng trên thị trường Thái Nguyên mà còn theo chân các lái thương lên miền ngược, xuống miền xuôi…
Người Việt Cường cũng làm miến như nhiều vùng khác nhưng sợi miến nơi đây thường đậm đà và dai, nấu lên để lâu cũng không nát. Chính đặc điểm riêng biệt đó khiến miến dong Việt Cường trở thành đặc sản của Thái Nguyên, được du khách lựa chọn làm quà mỗi lần đến mảnh đất này.
Tương nếp Úc Kỳ
Nghề làm tương ở xã Úc Kỳ không rõ chính xác có từ bao giờ, chỉ biết từ lâu, nhà nào cũng biết làm tương và đều có ít nhất 1 chum tương để ăn trong năm và làm quà biếu khách đến chơi. Theo thời gian, nghề làm tương nếp đã trở thành nghề truyền thống của người dân địa phương và là thứ ẩm thực đặc sản đang dần vươn xa ra các thị trường trong, ngoài tỉnh.
Chum tương được làm theo đúng công thức ấy khi mở ra có màu vàng sậm sóng sánh, tương nguyễn đặc như mật, đậm mùi thơm của nếp và đỗ tương, khi ăn để lại hậu vị ngọt. Nước tương này có thể sử dụng làm gia vị chấm trực tiếp cho nhiều món ăn khác nhau hoặc dùng để chế biến các món kho, hấp đều rất hấp dẫn. Từ lâu, tương đã là một loại gia vị quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày của người dân Úc Kỳ nói riêng và nhiều gia đình tại các tỉnh phía Bắc nói chung.
Một số lịch trình phượt Thái Nguyên
Hà Nội – Hồ Núi Cốc – Tam Đảo
Lịch trình này khoảng hơn 200km, các bạn có thể kết hợp đi trong mấy ngày cuối tuần từ thứ 6 đến chủ nhật.
Ngày 1: Hà Nội – Hồ Núi Cốc
Từ Hà Nội các bạn đi theo cầu Nhật Tân, hết cầu rẽ sang QL3 rồi từ đó lên thẳng Tp Thái Nguyên, tiếp đó đi lên hồ Núi Cốc. Chặng này chỉ khoảng 90km, đi khoảng từ 2-3 tiếng nên các bạn có thể kết hợp đi từ chiều thứ 6, đường khá đep nhưng đừng đi muộn quá là được. Tối ngủ ở Hồ Núi Cốc
Ngày 2: Hồ Núi Cốc – Tam Đảo
– Sáng dậy hãy cứ thoải mái dạo chơi ở Hồ Núi Cốc
– Thuê thuyền đi trên hồ, ghé thăm các đảo
– Trưa ăn trưa tại Hồ Núi Cốc, trả phòng rồi bắt đầu khởi hành sang Tam Đảo, khám phá du lịch Tam Đảo
– Các bạn đi theo hướng QL 37 (đi Tuyên Quang) rồi đến QL 2C thì quay ngược lại Vĩnh Phúc để lên Tam Đảo
– Dạo chơi Tam Đảo, tối nghỉ ngơi ở Tam Đảo. Nếu đi vào cuối tuần hoặc dịp lễ nhớ đặt phòng khách sạn trước ở Tam Đảo, đặt sớm thì có giá tốt và đỡ bị chặt chém.
Ngày 3: Tam Đảo – Hà Nội
– Sáng dậy sớm làm cốc cafe trong cái tiết trời mát lạnh của Tam Đảo. Lên Quán Gió để có view đẹp, nhớ lên sớm kiếm chỗ nhé, trên này lúc nào cũng đông nghẹt người.
– Đi tham quan các cảnh đẹp Tam Đảo như: Cổng Trời, nhà thờ đá, Thác Bạc, VQG Tam Đảo, quảng trường, hoặc leo tháp truyền hình nếu có thể sắp xếp được thời gian.
– Trưa làm ít đồ nướng Tam Đảo (gà nướng, trứng nướng v…v..)
– Trả phòng rồi thong thả về Hà Nội, các bạn đi sớm cho thoải mái và đỡ bị sương mù. Trên đường về Hà Nội nếu còn thời gian các bạn có thể ghé thăm Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, chùa Tây Thiên. Lưu ý trên đường đi nhớ đi đùng làn đường và xi nhan ở các chỗ rẽ nhé.
Hà Nội – ATK Định Hóa – Tân Trào – Suối khoáng Mỹ Lâm – Hà Nội
Lịch trình này dành cho các bạn thích khám phá các di tích lịch sử cách mạng, an toàn khu và cũng khá ngắn có thể đi trong mấy ngày cuối tuần. Với lịch trình này các bạn cũng có thể thay đổi suối khoáng Mỹ Lâm thành Hồ Núi Cốc nếu muốn.
Ngày 1: Hà Nội – ATK Định Hóa – Tân Trào – Suối khoáng Mỹ Lâm
Ngày đầu tiên xuất phát từ Hà Nội đi ATK Định Hóa, tiếp đó các bạn đi tiếp sang khu di tích Tân Trào (thuộc Tuyên Quang nhưng cũng ở không xa lắm).
Sau khi dành thời gian tìm hiểu hết 2 nơi này, các bạn có thể chạy về Tp Tuyên Quang rồi ghé suối khoáng Mỹ Lâm nghỉ ngơi, chơi bời. Tối ngủ tại đây
Ngày 2: Tuyên Quang Hà Nội
Ngày này, các bạn nên kết hợp với các lịch trình du lịch Tuyên Quang để tạo thêm các cung mới cho mình, nếu không các bạn chạy ngược Tuyên Quang về Hà Nội
Hà Nội – Thái Nguyên – Ba Bể – Cao Bằng – Thác Bản Giốc – Mẫu Sơn – Hà Nội
Ngày 1: Hà Nội – Thái Nguyên – Hồ Núi Cốc
Ngày này các bạn khởi hành từ Hà Nội đi Thái Nguyên, có rất nhiều các địa điểm du lịch ở Thái Nguyên (mặc dù không nằm gần nhau lắm) mà các bạn nên kết hợp để khám phá như: Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, hang Phượng Hoàng – suối Mỏ Gà, suối Cửa Tử, khu di tích ATK. Khá nhiều nên không thể đi hết được, các bạn hãy lựa chọn điểm nào thích nhất để đi nhé. Trong trường hợp muốn đi nhiều hơn, các bạn tự điều chỉnh thời gian của các ngày sau lùi lại một chút.
Tối các bạn quay trở về Hồ Núi Cốc, nghỉ ngơi ở đây
Ngày 2 : Thái Nguyên – Ba Bể (150km)
– Sáng dậy cứ thong thả nghỉ ngơi, thuê thuyền đi chơi hồ Núi Cốc rồi sau đó mới khởi hành đi Ba Bể. Khoảng cách 150km thì chỉ mất khoảng 3 tiếng là có mặt ở Ba Bể. Chiều đi chơi các địa điểm đẹp ở Ba Bể, đi thuyền trên hồ, thăm Đảo Bà Góa, Ao Tiên , thác Đầu Đẳng …
– Tối nghỉ ở Ba Bể, nếu thích có thể vào các bản người Tày ở theo kiểu home stay
Ngày 3 : Ba Bể – Cao Bằng – Thác Bản Giốc (200km)
– Từ Ba Bể khởi hành đi Thác Bản Giốc theo hướng Quốc lộ 3
– Chơi ở Thác Bản Giốc, Động Ngườm Ngao, một số mốc biên giới ở khu vực này. Có thể kết hợp khám phá các địa điểm du lịch ở Cao Bằng.
– Tối ngủ ở Trùng Khánh
Ngày 4 : Trùng Khánh – Lạng Sơn – Mẫu Sơn (200km)
– Từ Trùng Khánh quay ngược về Tp Cao Bằng
– Đi theo hướng Đông Khê – Thất Khê sang Lạng Sơn. Trên đường này có một số địa điểm du lịch Cao Bằng các bạn có thể tranh thủ khám phá.
– Từ Lạng Sơn đi tiếp lên Mẫu Sơn để nghỉ ngơi.
– Tối ngủ Mẫu Sơn
Ngày 5 : Mẫu Sơn – Lạng Sơn – Hà Nội (220km)
– Sáng đi tham quan một vài điểm ở Mẫu Sơn
– Khám phá Lạng Sơn, ở đây có rất nhiều đặc sản Lạng Sơn ngon mà bạn nên thử
– Chạy từ Lạng Sơn về Hà Nội, kết thúc hành trình
Xem thêm: Kinh nghiệm đi phượt Hồ Núi Cốc
Xem thêm: Các món ăn ngon ở Thái Nguyên
Discussion about this post