Vịnh Lan Hạ nằm ở phía Đông đảo Cát Bà, trông ra cửa Vạn liền kề với vịnh Hạ Long. Vịnh Lan Hạ rộng trên 7000ha, trong đó 5400ha là khu vực quản lý của Vườn quốc gia Cát Bà. Lan Hạ là một vùng vịnh rất tuyệt đẹp và sở hữu vị trí đắc địa được UNESCo công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới tựa như một bức tranh thiên nhiên khổng lồ tuyệt đẹp, huyền ảo. Bài viết hôm nay RuudNguyen.com sẽ chia sẻ tất tần tật những Kinh nghiệm du lịch Vịnh Lan Hạ từ A-Z nhé.
Giới thiệu chung về Vịnh Lan Hạ
Vịnh Lan Hạ nằm ở ngoài khơi thành phố Hải Phòng và cách trung tâm thành phố khoảng chừng 30 km. Vịnh nằm ở phía Đông đảo Cát Bà và là cầu nối liền kề giữa đảo Cát Bà và Vịnh Hạ Long. Nếu tính từ cầu tàu của đảo Cát Bà, mất khoảng hơn 30 phút để đi tàu tới vịnh Lan Hạ. Đây là một vùng vịnh rất êm ả hình vòng cung với khoảng 400 hòn đảo lớn nhỏ tạo nên một bức tranh khổng lồ khắc hoạ lại cảnh tiên.
Mật độ núi đá vôi ở Vịnh Lan Hạ khá dầy và còn rất hoang sơ với những áng, vịnh nhỏ. Nơi đây còn nhiều áng, vịnh, hang động chưa được khám phá. Có tới hàng trăm ngọn núi với nhiều dáng vẻ tùy theo sự tưởng tượng của du khách như: hòn Guốc (giống như cái guốc). hòn Dơi (giống như con dơi)…Những hang động thạch nhũ, những nét chấm phá đặc trưng của quần thể Hạ Long cũng có mặt tại Lan Hạ, đó là hang Hàm Rồng, Dõ Cùng, hang Cả…
Đến vịnh Lan Hạ vào thời gian nào?
Nằm ngoài biển nên để có thể lên thuyền khám phá vịnh Lan Hạ, chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết đặc biệt với những con bão. Vào những ngày sóng to, biển động thì dù trời có nắng đẹp đến mấy khả năng cao là các tàu cũng không thể xuất bến được.
Thông thường, từ tháng 4 đến tháng 6 là vào mùa hạ, biển dịu êm, thời tiết nhiều nắng, gió, trời rất trong xanh, thích hợp để đi thuyền khám phá vịnh. Từ khoảng tháng 7 đến tháng 9 thì đây là thời điểm xuất hiện nhiều cơn bão vào vịnh Bắc Bộ nên các bạn nhớ xem thời tiết trước khi lên kế hoạch nhé. Khoảng thời gian từ sau tháng 10 trở đi hòn đảo bắt đầu trở lại với sự bình yên của nó, lượng du khách đến đảo không nhiều, các bạn có thể thoải mái chơi các trò chơi vận động trên nước như chèo kayak, leo núi…
Hướng dẫn đi tới Vịnh Lan Hạ
Di chuyển tới Hải Phòng
Xe khách
Để di chuyển tới Hải Phòng bằng phương tiện cá nhân, các bạn nên đi bằng xe ô tô riêng bởi có tuyến đường cao tốc mới nên thời gian di chuyển khá nhanh. Các bạn nếu có ý định đi xe máy thì đi theo hướng tuyến đường QL5 cũ nhưng mật độ xe trên tuyến này khá đông và nhiều xe tải lớn chạy qua.
Nếu đi trực tiếp tới Cát Bà, các bạn đi theo đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, quãng đường chừng tầm 100km, tới trạm cuối các bạn đi theo hướng Đình Vũ – Quảng Ninh, tiếp khi nào thấy biển chỉ dẫn đi cầu Tân Vũ – Lạch Huyện thì rẽ sang, qua hết cầu sẽ tới bến phà Gót. Nếu bạn nào muốn dừng lại ở Thành phố Hải Phòng chơi thì nhớ rời khỏi cao tốc nhé.
Có rất nhiều chuyến xe khách từ Hà Nội đến vịnh Lan Hạ Cát Bà, chạy liên tục khoảng 30 phút/chuyến. Bạn có thể dễ dàng bắt xe tại bến xe Nước Ngầm hoặc bến xe Gia Lâm. Bạn hãy chọn xe khách có điểm đến là bến Bính để tiện bắt tàu đi Cát Bà.
Máy bay
Hầu hết các hãng hàng không nội địa đều khai thác chuyến bay đến sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Nếu từ miền trung trở vào thì các bạn có thể lựa chọn cách này để tiết kiệm thời gian di chuyển.
Tàu hỏa
Nếu bạn có nhiều thời gian hơn và muốn ngắm cảnh trên đường đi thì có thể lựa chọn tàu hoả để đi vịnh Lan Hạ Cát Bà. Mỗi ngày sẽ có 4 chuyến tàu tới Hải Phòng, thời gian di chuyển khoảng 3 giờ.
Di chuyển đến Cát Bà
Đi tàu trực tiếp ra vịnh
Bạn có thể mua vé trực tiếp ra vịnh tại bến Bính. Hãy chuẩn bị sức khỏe thật tốt để không bị say sóng nhé.
Tàu cao tốc + Ô tô
Phương án này còn gọi là tàu tránh sóng, do chặng di chuyển của tàu chủ yếu trên sông, điểm cuối là bến Cái Viềng. Từ đây các bạn xuống xe và di chuyển về trung tâm đảo bằng xe buýt của hãng tàu luôn.
Lưu trú khi đến Lan Hạ
Ngủ trên đảo Cát Bà
Nếu chỉ có nhu cầu khám phá vịnh Lan Hạ trong ngày, lựa chọn quay trở lại đảo Cát Bà ngủ sẽ là hợp lý bởi số lượng khách sạn/nhà nghỉ trên đảo sẽ nhiều hơn cùng với các dịch vụ thoải mái hơn để các bạn sử dụng.
Ngủ ngoài vịnh Lan Hạ
Trên một số hòn đảo như đảo Khỉ, đảo Nam Cát, đảo Vạn Bội, khu vực các bè nổi gần Việt Hải các bạn có thể lựa chọn làm điểm đến nếu muốn ngủ đêm ngoài vịnh. Ở đây có đủ các loại hình lưu trú khá phong phú như resort, bungalow, homestay trên bè nổi để các bạn tha hồ lựa chọn.
Ngủ trên du thuyền
Cũng tương tự như vịnh Hạ Long, trên vịnh Lan Hạ cũng có một số du thuyền được thiết kế với phòng ngủ trên tàu cho những du khách muốn ngủ qua đêm trên vịnh. Tuy quy mô chưa thể bằng những tàu bên phía Hạ Long nhưng cũng là một trải nghiệm thú vị cho du khách đến Cát Bà muốn trải nghiệm.
Địa điểm tham quan, vui chơi tại Vịnh Lan Hạ
Chợ nổi vịnh Lan Hạ
Đây là nơi người dân sinh sống trên vịnh mua bán, trao đổi hàng hóa (Ảnh sưu tầm)
Không phải những chợ nổi có quy mô hoành tráng như ở miền Tây Nam Bộ, thực chất đây là những bè nổi của người dân sinh sống trên vịnh, nơi mà họ ở lại để trông coi những bè nuôi hải sản. Bạn có thể ghé vào nơi này mua hải sản và đồ khô làm quà.
Làng chài Cửa Vạn
Một bức tranh đầy màu sắc (Ảnh sưu tầm)
Làng chài Cửa Vạn là nhà của hơn 300 gia đình sống chủ yếu bằng nghề chài lưới. Đến làng chài Cửa Vạn, du khách sẽ được đắm mình trong không gian yên tĩnh, thanh bình, quyến rũ đến kỳ lạ, được chiêm ngưỡng thiên nhiên thơ mộng, tìm hiểu đời sống văn hóa của ngư dân. Với vẻ đẹp quyến rũ, thơ mộng, làng chài Cửa Vạn trên vịnh Lan Hạ Cát Bà lọt vào danh sách 16 ngôi làng cổ đẹp nhất thế giới.
Đảo Nam Cát
Đảo Nam Cát cách vịnh Lan Hạ khoảng 15 phút đi tàu (Ảnh sưu tầm)
Hòn đảo chứa đầy vẻ hoang sơ và quyến rũ. Sự can thiệp của con người vào hòn đảo này được hạn chế hết mức để giữ nguyên giá trị tự nhiên. Nơi đây có 3 ngôi nhà sàn gỗ cùng 6 nhà nghỉ từ tre nứa, giúp bạn tận hưởng trọn vẹn không khí trong lành từ thiên nhiên vùng biển.
Đảo khỉ
Đảo Khỉ (Đảo Cát Dứa) vì trước kia trên đảo có nhiều cây dứa dại, nằm cách thị trấn Cát Bà khoảng 1 km đường chim bay. Để đến đảo khỉ, khách du lịch thường đi thuyền từ bến Bèo mất khoảng 10 phút đi qua làng chài Cái Bèo, qua mấy hòn đảo nhỏ rồi tiến thẳng ra đến đảo khỉ. Nước biển ở đây vô cùng trong xanh, thích hợp cho các hoạt động tắm biển, chèo thuyền kayak…
Đảo khỉ có chu vi khoảng 3 km (Ảnh sưu tầm)
Đây là một hòn đảo cấu tạo dạng núi có bãi cát được tạo thành qua hàng triệu năm sóng và gió đưa cát, đá, san hô, các loại vỏ sinh vật biển như vỏ ốc, vỏ sò, tôm, cua vào chân núi tạo thành bãi cát trải dài hàng km.
Làng chài Cái Bèo
Đến làng chài Cái Bèo các bạn có thể thưởng thức hải sản ngay trên các lồng bè (Ảnh sưu tầm)
Làng chài Cái Bèo (hay còn gọi là làng chài Vụng O, thuộc quần đảo Cát Bà, huyện đảo Cát Hải) là một trong những ngôi làng nổi cổ lớn nhất cả nước thời tiền sử, với khoảng 300 hộ dân sinh sống. Cuộc sống của cư dân làng chài Cái Bèo gắn liền với hoạt động đánh bắt thủy sản và nuôi cá lồng trong vịnh, chủ yếu là các loại cá: lăng, dò, hồng, song, đú…
Bãi tắm Vạn Bội
Bãi tắm Vạn Bội (Ảnh sưu tầm)
Đây là một điểm đến được khách du lịch lựa chọn để chèo thuyền Kayak cũng như bơi lội bởi nó nằm trong phần lặng sóng của vịnh, nước xanh mát và thắng cảnh đẹp. Gần khu vực này cũng có các bungalow của một khách sạn cho khách lưu trú.
Hòn Ba Trái Đào
Bãi tắm Ba Trái Đào (Ảnh sưu tầm)
Đây là địa điểm cách bến tàu Việt Hải không xa, khu vực này có bãi tắm tuyệt đẹp, cát trắng mịn, nước biển trong xanh, những ngày nắng đẹp, du khách có thể nhìn đến tận đáy nước. Hòn Ba Trái Đào là hòn đảo nằm trong Vịnh Lan Hạ, sát phía Đông Nam của Vịnh Hạ Long. Hòn Ba Trái Đào có tên như vậy vì trong hòn có 3 ngọn núi đá nhỏ, cao chừng 23m, trông xa như 3 quả đào tiên. Nơi đây còn gắn liền với truyền thuyết về tình yêu lãng mạn giữa cô tiên và anh chàng ngư phủ.
Hòn Bút
Hòn Chuông hay còn gọi là Hòn Bút (Ảnh sưu tầm)
Hòn Bút – cái tên gắn với hình ảnh của một cây bút khổng lồ trên mặt biển giữa vịnh Hạ Long. Nằm trên vịnh Hạ Long, có vị trí rất gần với đảo Cát Bà, trên đường đi đến đảo Ba Trái Đào du khách sẽ bắt gặp hình ảnh thân quen và thú vị của hình đá trên biển. Hòn Bút còn một số tên gọi khác là hòn Chuông, hòn Nến, hòn Bắp Chuối.
Hang Sáng – Hang Tối
Chèo kayak ở hang Luồn (Ảnh: Trà My)
Nằm ở giữa khu vực giao giữa vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ, gần vườn Quốc Gia Cát Bà, có một cảnh quan rất độc đáo nơi những đảo đá tiếp giáp với mặt biển tạo ra một hang “ướt”. Một không gian mà các thuyền nhỏ có thể đi xuyên, đưa du khách tới thăm một cảnh quan kỳ thú. Hang Sáng hang Tối cao cách mặt nước 3m, có độ dài tới 100m và rộng chừng 4m. Đây được coi là thiên đường cho các bạn chèo Kayak với hệ thống hang động ngầm khá thú vị.
Ăn gì khi đến Lan Hạ
Với rất nhiều lồng bè nuôi hải sản cùng những ngư dân đánh bắt hải sản quanh vịnh các bạn khi du lịch Lan Hạ có thể thoải mái thưởng thức các loại hải sản tươi với giá hợp lý. Tùy thuộc vào cá điểm dừng nghỉ mà các bạn có thể đặt ăn cho hợp lý.
Tu Hài
Tu hài (Ảnh sưu tầm)
Tu Hài là loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ sống trong môi trường nước mặn. Tu hài chế biến được nhiều món ăn như: nướng, gỏi, nấu cháo… Nếm thử tu hài bạn sẽ cảm nhận được vị giòn, dai và thơm. Đây là đặc sản chỉ có ở Cát Bà và giá cũng thường rất cao.
Bề bề
Bề bề rang muối có thể dễ gặp thấy trong thực đơn ở Cát Bà (Ảnh sưu tầm)
Bề bề tại vịnh Lan Hạ có khá nhiều, đặc trưng của những con bề bề ở đây là to, mẩy và bóng, do đó món ăn từ bề bề bao giờ cũng hấp dẫn. Để có được món ăn độc đáo này, người chế biến phải chọn lựa bề bề cẩn thận và đặc biệt, phải còn sống. Bề bề thường lớn bằng ngón chân cái, đầu có nhiều gạch, vỏ rất cứng nhưng thịt lại mềm. Bề bề hấp là món ăn đơn giản nhưng ngon nhất vì giữ được hương vị đặc trưng của nó, ngoài ra còn có thể chế biến theo cách nướng cũng rất lạ miệng.
Sò huyết
Sò huyết thường nướng, vừa thơm lại vừa ngon (Ảnh sưu tầm)
Sò huyết là loại thân mềm hai mảnh ở độ sâu 1-2 mét so với mặt nước. Sò huyết là loại hải sản rất tốt cho sức khỏe, các thành phần dinh dưỡng có tác dụng tăng cường sự dẻo dai, cung cấp năng lượng cho cơ thể. Sò huyết cỡ ngón tay cái, nhiều thịt và đầy theo cả vỏ.
Ghẹ xanh
Ghẹ Cát Bà (Ảnh sưu tầm)
Ghẹ xanh xuất hiện khá phổ biển ở khắp các vùng biển của Việt Nam. Ghẹ xanh ưa thích sống ở vùng nước có độ mặn 25-31‰ và thường sống ở độ sâu từ 4 đến 10m nước ở những vùng biển có đáy là cát, cát bùn và cát bùn có san hô chết. Ghẹ có nhiều loại như ghẹ đỏ, ghẹ ba chấm, ghẹ xanh… nhưng ghẹ ngon, nhiều thịt và bổ dưỡng nhất vẫn là ghẹ xanh.
Có hai loại ghẹ chính là ghẹ hoa và ghẹ xanh. Ghẹ hoa, mai màu nâu tươi, có hoa văn nhiều màu sặc sỡ, rất đẹp, càng và ngoe trắng hồng. Ghẹ xanh, mai và càng đều xanh lơ, lốm đốm trắng. Loại ghẹ nào bụng cũng trắng tinh và ngoe thon, dài. Ghẹ phải chọn những con thật chắc, to bằng bàn tay người lớn, bấm vào yếm không lún.
Mực
Thông thường, muốn câu mực, người câu phải ra khơi, nhưng do đặc thù biển sâu, độ mặn cao và ít có sóng to nên khu vực biển Cát Bà trở thành nơi thích hợp cho loài mực mò sát vào bờ sinh sống…chính vì vậy mực cũng là một đặc sản khá phổ biến ở Cát Bà, nếu có thể mua được những con mực vừa câu lên rồi đem về chế biến thì quả thật là tuyệt vời.
Những món ăn chế biến từ mực khá đa dạng như luộc, hấp, nhúng, dấm, xào, chiên giòn. Ở dạng phơi khô lại có món mực khô xé tay chấm tương ớt, hoặc mực khô làm nhân cùng thịt nạc xay nhuyễn trong món chả chìa. Song thuộc hàng đặc sắc phải kể đến món chả mực.
Ngao
Ngao vàng được đánh bắt tại vùng biển Đồ Sơn thường to, thịt dai và rất ngon. Các món có thể thưởng thức là ngao hấp, cháo ngao, canh ngao… Hiện tại, trên địa bàn , người dân đang nuôi 2 loại ngao là ngao vàng và ngao trắng. Ngao vàng được người dân và du khách ưa chuộng, tuy nhiên sản lượng đạt thấp hơn.
Hàu
Hàu hay còn được gọi là hào theo phương ngữ của người Nam Bộ thuộc họ hàng nghêu, sò, ốc hến sống ở biển, ghềnh đá hay các cửa sông… Chúng thường bám vào một giá thể, ăn sinh vật phù du hay các loại sinh vật khác trong bùn, cát… Thịt hàu ngon và ngọt, lại rất giàu chất dinh dưỡng. Nó có chứa chất béo, kẽm, magie, canxi, protein… mang tới nhiều lợi ích cho cơ thể con người.
Hàu là một loại nhuyễn thể, sinh sống chủ yếu ở các vùng nước mặn, thường sống ở các ghềnh đá ven biển hay cửa sông. Ngoài món hàu sống, món hàu nướng phô mai, nướng mỡ hành cũng rất được ưa thích. Hàu sống cũng là một nguồn cung cấp dồi dào một số loại vitamin và khoáng chất quan trọng, đặc biệt là vitamin B12, rất tốt cho sức khỏe của não bộ.
Con bàn mai có phần cồi hay còn gọi là phần đanh là phần thịt ngon nhất, thịt trắng ngà thơm ngon, có vị giòn, ngọt thanh. Đặc biệt, cồi của bàn mai rất giàu khoáng chất và vitamin. Đây là một loại nhuyễn thể hoàn toàn tự nhiên và phân bố rải rác ở vịnh Bến Bèo, vịnh Lan Hạ. Có thể chế biến bàn mai theo nhiều cách nhưng thông dụng, dễ làm và ngon nhất là món nướng. Bàn mai qua sơ chế, sắt miếng nhỏ vừa ăn, bày vào miếng vỏ, rưới dầu và hành phi rồi đưa lên vỉ nướng.
Bạch tuộc
Bạch tuộc (Ảnh sưu tầm)
Bạch tuộc thuộc động vật thân mềm, đặc điểm nhận dạng dễ thấy: Thân nhỏ, dạng hình cầu. Toàn thân có hoa vân hình thoi hay bán nguyệt, có 8 chi ở dạng xúc tu, kích thước các xúc tu gần bằng nhau. Nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam sử dụng bạch tuộc để ăn. Tua và các bộ phận khác được chế biến theo nhiều cách, thường là tùy thuộc vào mỗi loại bạch tuộc.
Lịch trình du lịch vịnh Lan Hạ
Thường nếu các bạn không có nhiều thời gian, chỉ đến Cát Bà vào cuối tuần thì có thể liên hệ đặt tour khám phá vịnh Lan Hạ trong 1 ngày. Các bạn đặt tại khách sạn hoặc bất cứ đơn vị lữ hành nào trên đảo đều có, đặt trực tiếp với chủ tàu ngoài bến cũng được, nếu vào các ngày lễ tết thì nên nhờ người đặt trước để tránh hết phòng và cần thỏa thuận mặc cả nhé.
Nếu đặt tour các bạn sẽ được xe đón đưa ra cảng hoặc nếu tự đi các bạn cũng có thể ra bến Bèo để tự tìm tàu. Hành trình đầu tiên sẽ đi qua làng chài Cái Bèo, các hòn đảo tự nhiên trên Vịnh. Khoảng tiếng rưỡi các bạn sẽ tới khu vực Hang Sáng – Hang Tối. Ở đây sau khi thuê thuyền kayak các bạn có thể tự do khám phá khu vực này. Chèo kayak trên biển tương đối là mệt nếu bạn không quen, mất khoảng 2 tiếng cho hoạt động vui chơi này.
Ăn trưa trên tàu xong buổi chiều sẽ được tới một số địa điểm có bãi tắm như đảo Ba Trái Đào, bãi tắm Vạn Bội… để tự do bơi lặn. Bơi xong, có thể thuyền sẽ đưa các bạn về khu vực Đảo Khỉ để chơi tự do, sau đó từ đây sẽ về lại bến Bèo kết thúc hành trình 1 ngày khám phá vịnh Lan Hạ.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hải Phòng
Xem thêm: Các món ăn ngon ở Hải Phòng
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Đồ Sơn
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Cát Bà
Discussion about this post