Vĩnh Phúc được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều cảnh đẹp cùng nhiều khu danh thắng thú vị như Tam Đảo, hồ Đại Lải, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên. Hãy cùng xem bài viết dưới đây RuudNguyen.com sẽ gợi ý chi tiết cho bạn các địa điểm du lịch Vĩnh Phúc nhé.
Giới thiệu
Tam Đảo luôn là một địa điểm hấp dẫn nhất khi nhắc đến Vĩnh Phúc (Ảnh: Bùi Hữu Đức)
Vĩnh Phúc là tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô, gần sân bay Quốc tế Nội Bài, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng châu thổ sông Hồng, do vậy tỉnh có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực và quốc gia.
Vĩnh Phúc có tiềm năng lớn về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. Người dân Vĩnh Phúc luôn mang trong mình niềm tự hào về truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước và một nền văn hóa rực rỡ. Cho đến nay, đất Vĩnh Phúc vẫn mang đậm dấu ấn của văn hóa Hùng Vương và Kinh Bắc, Thăng Long, của nền văn hóa dân gian đặc sắc, của khoa bảng, với lối sống xã hội và chuẩn mực đạo đức luôn được giữ gìn và phát huy. Tại đây có một quần thể danh lam, thắng cảnh tự nhiên nổi tiếng: rừng Quốc gia Tam Đảo, thác Bản Long, hồ Đại Lải, hồ Làng Hà… Nhiều lễ hội dân gian đậm đà bản sắc dân tộc và rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử và giá trị tâm linh như danh thắng Tây Thiên, Tháp Bình Sơn, Đền thờ Trần Nguyên Hãn, Di chỉ Đồng Đậu…
Đặc biệt, đến với Vĩnh Phúc, du khách sẽ không thể bỏ qua những điểm du lịch nổi tiếng như: Tam Đảo với phong cảnh đẹp, vừa thơ mộng, vừa hùng vĩ, không khí trong lành, mát mẻ, là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng cho mọi du khách gần xa; khu di tích, danh thắng Tây Thiên – một quần thể di tích kiến trúc, vừa có cảnh quan sơn thủy hữu tình, điểm du lịch tâm linh mà ít có nơi nào sánh kịp; Khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải, FLC Vĩnh Thịnh – chốn thiên nhiên tươi đẹp với khí hậu ôn hòa, không khí trong lành, hệ sinh thái đa dạng,…
Phương tiện di chuyển đến Vĩnh Phúc
Do nằm gần Hà Nội nên bạn có thể dễ dàng di chuyển tới Vĩnh Phúc bằng nhiều phương tiện khác nhau như: ô tô, xe bus, xe máy, taxi…
Tam Đảo khá gần Hà Nội nên các bạn có thể đi bằng phương tiện cá nhân (Ảnh: Phuong Le)
– Nếu đi bằng xe khách, từ bến xe Mỹ Đình bạn tìm các nhà xe đi Vĩnh Phúc với giá vé 60.000 – 80.000 đồng/vé, thời gian đi xe khách: 1,5 – 2h.
– Nếu đi bằng phương tiện cá nhân (ô tô): Từ trung tâm Hà Nội bạn đi theo đường cao tốc Thăng Long – Nội Bài (gần 20 km), gặp quốc lộ 2 đi về hướng Tây – Tây Bắc khoảng 26 km nữa là đến địa phận Vĩnh Phúc. Thời gian khoảng 2h.
– Nếu đi bằng xe máy quãng đường khá ngắn và đi lại cũng rất thuận lợi. Từ Hà Nội đi theo đường Phạm Hùng, đi thẳng tới thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
– Xe bus: Các bạn đi xe 58 (tuyến Long Biên – Mê Linh) tại trung chuyển Long Biên, rồi từ Mê Linh Plaza bắt xe 1 tới Vĩnh Phúc.
Các địa điểm du lịch Vĩnh Phúc
Tam Đảo
Tam Đảo có khá nhiều địa điểm chơi cho các bạn lựa chọn (Ảnh: Bùi Huyền)
Tam Đảo cách Hà Nội không xa, chỉ 80km, cỡ 2 tiếng đi xe là sẽ tới nơi. Người Pháp phát hiện ra và cải tạo Tam Đảo từ cuối thể kỷ XIX. Biết bao nhiêu công trình kiến trúc: biệt thự, bể chơi, khách sạn, nhà hàng, sàn nhảy… được xây dựng tại đây. Tuy nhiên, thời gian qua đi, những công trình này cũng không còn nhiều nữa.
Tên gọi Tam Đảo vốn có nguồn gốc từ ba ngọn núi cạnh nhau: Thiên Thị, Thạch Bàn và Phù Nghĩa. Vì nằm trên độ cao 900m so với mực nước biển mà Tam Đảo có khí hậu quanh năm vô cùng mát mẻ, thậm chí vào mùa đông sẽ rất lạnh, thỉnh thoảng còn xuất hiện băng tuyết, thu hút sự chú ý của nhiều người.
Tam Đảo có 2 thôn nhưng hầu hết các địa điểm du lịch nổi tiếng đều ở thôn 1. Thị trấn được bao bọc bởi rừng nguyên sinh xanh màu cây lá. Khí hậu nơi đây mát lành, thiên nhiên thơ mộng.
Điều đặc biệt và thu hút nhất của Tam Đảo chính là thời tiết. Vì ở trên vùng núi cao, bao quanh là rừng nên Tam Đảo lúc nào cũng mát. Bạn có thể ghé nơi này quanh năm luôn vì lúc nào thị trấn cũng có một dạng thời tiết như thế. Nhưng thực lòng để nói thì đi Tam Đảo thích hợp nhất là vào mùa hè. Khi ấy, thành phố nóng nức và chật chội. Ai cũng cần một khoảng không gian mát lành để “làm lạnh” cơ thể và tâm trí.
Hồ Đại Lải
Hồ Đại Lải Vĩnh Phúc nằm trên địa bàn xã Ngọc Thanh và phường Đông Xuân, thành phố Phúc Yên, cách trung tâm Hà Nội chừng 50 km về phía Bắc. Đây là hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất nước ta (rộng đến 5.25 km2), được khởi công đào vào năm 1959, ban đầu có mục đích phục vụ cho nông nghiệp cũng như xả lũ cho tỉnh.
Khu nghỉ dưỡng ở hồ Đại Lải (Ảnh sưu tầm)
Vì có địa hình và không gian đẹp, khí hậu tốt nên ở đây trở thành một khu nghỉ dưỡng rất quy mô với nhiều resort sang trọng mọc lên như nấm. Đây cũng được khai thác làm khu vui chơi giải trí với nhiều hoạt động như: Tắm Hồ, đạp vịt,…
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Ảnh sưu tầm)
Nằm cách Hà Nội khoảng 85 km, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Được khởi công xây dựng từ ngày 4-4-2004 ngay cạnh khu di tích danh thắng Tây Thiên, trên nền ngôi chùa Thiên Ân cổ với tổng số vốn đầu tư 30 tỷ đồng, có diện tích rộng 4,5 ha, rừng ngoại vi rộng 50 ha. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được coi là một trong những thiền viện lâu đời nhất và lớn nhất sở Việt Nam. Nơi đây là danh lam thắng cảnh có giá trị về nhiều mặt: Tín ngưỡng, lịch sử, kiến trúc với cảnh quan sơn thủy hữu tình. Vì thế, hàng năm Tây Thiên thu hút lượng lớn du khách đổ về không chỉ để vãn cảnh mà còn là đi hành hương, lễ Phật, đặc biệt là các dịp đầu năm mới.
Đây là ngôi thiền viện lớn trong hệ thống thiền viện thiền tông do Hòa thượng Thích Thanh Từ khai sáng nhằm khôi phục dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử vào thời Trần. Đó là thiền viện Chân Không (Vũng Tàu), thiền viện Thường Chiếu (Đồng Nai), thiền viện Trúc Lâm (Đà Lạt), thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh), thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã (Thừa Thiên – Huế). Du khách tới Tây Thiên – Thiền Viện là để tìm lại không gian nhuốm màu phật pháp, rất thiền tịnh và trong sang, gạt đi bao ưu phiền, mệt mỏi cũng như những bụi trần còn vương vấn để hòa mình vào không gian, cảnh sắc yên bình. “Tây Thiên tổ ấn khơi nguồn phật; Vĩnh Phúc thiền tông thắp sáng tâm”, đôi câu đối hai bên cổng tam quan như một lời khẳng định điều này…
Các món ăn Vĩnh Phúc
Cá thính Lập Thạch
Cá thính Lập Thạch (Ảnh sưu tập)
Món cá thính đặc sản Lập Thạch nổi tiếng do người dân Văn Quán sáng tạo ra. Xa xưa không có đê điều như bây giờ nên cứ đến mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch, nước lũ tràn về ngập đầy đồng, cá theo nước vào, mọi người bắt được rất nhiều, ăn không hết, đem bán thì chợ xa và thiếu thuyền bè, phơi khô bảo quản cũng khó nên dân Văn Quán đã nghĩ ra cách làm cá thính.
Cá thính ăn không khô như cá mắm biển, không nhão như cá nướng tươi hoặc rán. Để miếng cá trên đĩa trông như miếng bánh đa mật. Gỡ cá ra thịt có màu mận chín. Khi ăn, những hạt thính thơm, giòn giòn sậm sựt hoà quyện với vị ngọt đậm của cá đọng mãi trên đầu lưỡi, tạo nên một vị hương lạ, hấp dẫn mà các món cá khác ở miền xuôi không có được.
Dứa Tam Dương
Dứa Tam Dương (Ảnh sưu tầm)
Tam Dương là huyện trồng nhiều dứa nhất tỉnh Vĩnh Phúc. Các loại dứa ở đây đều có đặc trưng riêng như dứa mật nhiều nước và rất ngọt. Dứa mỡ gà ruột màu vàng nhạt, vị chua. “Dứa Hướng Đạo” quả nhỏ, ruột dòn, vị ngọt mà dốt dốt chua, ăn ngon nhất. Đẹp nhất là vào mùa quả chín, mỗi cây dứa cứ như một bông hoa xanh khổng lồ với nhụy là quả dứa vàng ươm có túm tóc xanh xanh dựng đứng trên đầu.
Tép dầu Đầm Vạc
Tép dầu Đầm Vạc (Ảnh sưu tầm)
Đầm Vạc nằm trong hệ thống sông Hồng, nước hồ được lưu thông bởi hệ thống sông ngòi của Vĩnh Phúc. Trong quần thể các đầm, hồ có giá trị cảnh quan du lịch của Vĩnh Phúc thì Đầm vạc có một vị trí trang trọng. Đầm Vạc nằm ở giữa trung tâm Thành phố Vĩnh Yên, có 23 nhánh chính tạo ra những hồ, lạch nhỏ có chu vi 14km2. Chiều rộng trung bình 1km, diện tích mặt nước rộng gần 500ha, đáy sâu nhất 4,5m, trung bình 3,8m. Vùng này xưa kia được rừng thiên nhiên bao bọc, lắm chim nhiều cá, để những đàn cò, vạc, bồ nông, mòng, két, le le về kiếm ăn. Nhưng nổi tiếng hơn cả ở Đầm Vạc là tép Dầu, một món ăn thông dụng được nhiều người yêu thích. Tép Dầu Đầm Vạc nổi tiếng đến mức từ đời trước truyền cho đời sau câu ca:
“Cỗ chín lợn mười trâu
Cũng không bằng tép Dầu Đầm Vạc”
Chè kho Tứ Yên
Chè kho Tứ Yên (Ảnh sưu tầm)
Chè kho Tứ Yên, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc là một trong những món ăn được quân lính của vua Lý Nam Đế xưa kia mê mẩn. Và cho đến nay, nó đã chứng minh được sức sống mãnh liệt của mình, hương vị ấy vẫn khiến bao thực khách say mê mỗi khi đặt chân tới Tứ Yên, Vĩnh Phúc.
Chè kho là món ăn bình dân và rất dễ làm, nó là một trong những món ăn đặc sản của quê hương Vĩnh Phúc. Chè kho đã rất nổi tiếng từ thế kỷ thứ 6 và cho đến nay, món ăn này vẫn rất được lòng thực khách. Đặt chân đến Vĩnh Phúc, du khách không chỉ nhớ đến Tam Đảo mờ sương mà còn nhớ đến món ăn bình dân này.
Rượu dừa tiên tửu Ngọc Hoa
Rượu dừa Tiên Tửu Ngọc Hoa là đặc sản của Yên Lạc- Vĩnh Phúc. Dừa sau khi chọn được trái ngon, sẽ được gọt sạch bong phần xơ vỏ. Sau đó, người ta tiêm vào dừa một hỗn hợp nếp cái đã trộn men và đem hàn thật kín. Cứ thế, rượu được ủ cho tới khi toả hương thơm mát sẽ được mang ra dùng. Rượu có vị cay nồng xen lẫn vị ngọt thanh của dừa nên rất lạ miệng.
Đặc biệt, uống rượu dừa sẽ không biết đến cái cảm giác chóng mặt, đau đầu như những loại rượu khác. Ngược lại sẽ thấy mát trong người như thể một thức uống giải khát đặc biệt. Rượu rót ra ly có màu trắng ngà nhiều chấm xác dừa lơ lửng. Sản phẩm phù hợp cho mọi người, có thể dùng trong các bữa ăn hàng ngày hoặc các buổi tiệc.
Bánh ngõa Lũng Ngoại
Bánh ngõa Lũng Ngoại (Ảnh sưu tầm)
Bánh ngõa là món bánh có từ lâu đời ở Lũng Thoại – Vĩnh Phúc. Loại bánh làm từ bột gạo, đậu xanh và mật mía xem chừng rất đơn giản nhưng hương vị rất khó quên. Thầm lặng từng ngày, bánh ngõa Lũng Thoại đã góp tên mình vào danh sách đặc sản của Vĩnh Phúc.
Ở tỉnh Vĩnh Phúc có làng Lũng Ngoại, đây là một làng nghề lâu đời với nghề làm bánh ngõa. Bánh ngõa Lũng Ngoại có thể là một cái tên xa lạ với rất nhiều người, tuy nhiên đây lại là một đặc sản nổi tiếng thơm ngon được làm từ bột gạo, đậu xanh và mật mía. Và khi đến với Vĩnh Phúc, nhất định nên thử món bánh ngõa này.
Bánh ngõa được làm từ nguyên liệu chính là bột gạo, mật mía và đậu xanh. Thành phẩm bánh ngõa có mùi thơm lừng, khi thưởng thức lại vừa ngọt, vừa dai. Càng ăn lại càng thấy rất hấp dẫn. Vì thế cho nên, không thể bỏ qua món bánh ngõa khi đến vùng đất Vĩnh Phúc bởi nó sẽ mang đến cho bạn một trải nghiệm rất thú vị và hấp dẫn bởi hương thơm cũng như mùi vị của bánh ngõa Lũng Ngoại.
Bánh trùng Vĩnh Tường
Bánh trùng mật mía Vĩnh Tường (Ảnh sưu tầm)
Bánh trùng hấp dẫn bởi màu đỏ cánh gián của mật, thơm của gừng và chút vừng rang vàng, là loại bánh “anh em” với bánh trôi, bánh chay vì cách làm gần giống nhau. Theo kinh nghiệm làm bánh của các cụ, khi làm bánh phải chọn gạo nếp ngon không lẫn tạp, hạt trắng đem đãi sạch, ngâm qua đêm để khi nghiền bột khỏi chua và bánh sẽ dẻo lâu hơn. Bột phải để ráo nước, không được cứng quá cũng không được nhão quá, vì nếu bột cứng bánh sẽ không mềm, còn nếu bột nhão khi luộc bánh sẽ nát không đẹp mắt. Sau đó, cứ nắm bột thành những nắm có hình giống quả trám, to hơn viên bánh trôi một chút là được.
Bánh gio Tây Đình
Bánh gio Tây Đình (Ảnh sưu tầm)
Bánh gio hay còn được người dân nơi đây gọi là bánh nắng. Bánh được làm từ những nguyên liệu có sẵn trong vườn nhà. Thế nhưng để có những chiếc bánh gio ngon nhất thì người dân nơi đây có bí quyết riêng trong việc chọn nguyên liệu, ngâm gạo, gói và luộc bánh cổ truyền.
Với kinh nghiệm lâu đời được tích lũy, đi theo đó là sự sáng tạo của người làng Tây Đình đã tạo nên đặc sản mang đậm hương vị miền Bắc. Với màu vàng nâu, khi ăn ta cảm nhận được hương thơm của gạo, độ dai của bánh vừa phải được ăn kết hợp với đường hoặc mật mía tạo nên vị ngọt thanh mát đặc trưng của bánh.
Bò tái kiến đốt
Bò tái kiến đốt (Ảnh sưu tầm)
Bò tái kiến đốt là món ăn có tên gọi lạ tai và chế biến kỳ công. Những con bò mới mổ, thịt còn nóng, người ta cắt từng tảng đem treo ngay cạnh các tổ kiến trên cây rừng. Sau đó chọc cho lũ kiến trong tổ bung ra, bâu kín miếng thịt. Miếng thịt càng nóng, thơm càng kích thích lũ kiến.
Người chế biến chỉ “dụ” những tổ kiến ở trên cây để đảm bảo vệ sinh và loại kiến nào hung dữ càng đốt nhiều càng tốt. Ngoài ra nước chấm món ăn này cũng khá đặc sắc, được chế từ một loại tương làm từ ngô và đậu tương, pha thêm chút đường, gừng thái sợi cho dậy vị. Rau sống ăn kèm thường là khế chua và chuối chát, rau ngổ, rau thơm…
Su su Tam Đảo
Su su Tam Đảo (Ảnh sưu tầm)
Đi dạo một vòng quanh thị trấn Tam Đảo, du khách ngay lập tức bị những đồi su su xanh mướt hút mắt, màu xanh non mơn mởn cứ chênh vênh trên sườn núi, vấn vương trước cửa nhà. Nhiều du khách dừng chân ngắm nhìn những cô, những dì cẩn thận chăm bẵm từng luống su su, thầm ước ao có thể khuân cả giàn su su về nhà, giữa trưa hè nhìn vào cũng thấy mát mắt.
Theo chân người Pháp, su su có mặt ở Tam Đảo tận đầu thế kỷ XX. Ban đầu nó chỉ là món ăn rất bình thường trong mâm cơm hàng ngày, phải đến khi lượng du khách đến Tam Đảo tăng dần theo từng năm, họ được thưởng thức và tỏ ra cực kỳ hứng thú với món rau này, thế là su su nghiễm nhiên trở thành đặc sản. Rất nhiều hộ gia đình đã làm giàu từ cây su su.
Bánh quấn Tam Đảo
Bánh quấn Tam Đảo (Ảnh sưu tầm)
Bánh được làm bằng bột gạo từ lúa rẫy trồng trên non cao. Cách chế biến từa tựa như cách làm bánh ướt dưới đồng bằng. Gạo ngâm xay nhuyễn có pha ít thịt nạc với mộc nhĩ, khi có thực khách, chủ quán đem tráng tròn đều trên một tấm vải mỏng, nấu chín bằng cách hấp hơi trên nồi nước sôi ùng ục. Bánh quấn Tam Đảo làm từ bột gạo tráng mỏng rồi cuộn tròn lại quanh phần nhân gồm thịt nạc, mộc nhĩ. Đĩa bánh cuốn có thể ăn kèm nước mắm chua ngọt, thịt luộc, trứng chiên…. Ngoài ra món bánh quấn Tam Đảo còn được ăn kèm với lợn đồi nướng thì được ví ngon không gì sánh bằng.
Lợn đồi nướng xiên
Thịt lợn xiên Tam Đảo (Ảnh sưu tầm)
Món lợn đồi nướng xiên kén thịt. Phải biết chọn những chỗ nạc ngon, thái ra từng miếng mỏng nhỏ, ướp gia vị đặc biệt của người đồng bào rồi nướng trên lửa than mới đạt. Những xiên thịt tuốt ra trong chén nước chấm đã pha. Thực khách gắp từng cái bánh quấn chấm vào, kèm miếng thịt nướng.
Giò lụa Phú Đức
Giò lụa Phú Đức (Ảnh sưu tầm)
Thời Pháp thuộc, nem chua “Bà Cai Cam” chỉ làm và bán trong một xóm nhỏ mà đã nổi tiếng khắp cả vùng; nhiều thương lái đã về Vĩnh Yên cất buôn, đem lên tận Lào Cai, xuống tận Hà Nội bán. Khi bà Cai Cam truyền nghề cho con rể, người con rể dọn hàng ra phố chợ mới lấy thương hiệu là Phú Đức. Giò lụa Phú Đức bóc ra có lớp da màu xanh của lá chuối non, khối giò màu hồng đều của thịt lợn tươi; khoanh giò cắt ra không mịn mặt mà lỗ chỗ như sủi bọt: đó là giò lụa thứ thiệt, không pha bột, ăn mềm và ngọt đậm.
Gạo Long Trì
Gạo Long Trì (Ảnh sưu tầm)
Từ xưa, Tam Dương đã nổi tiếng với câu ca “Dứa Hướng Đạo, Gạo Long Trì” – hai sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của huyện. Gạo Long Trì được bắt nguồn từ thôn Long Trì, thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương. Đây là khu vực có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng và riêng biệt, bởi vậy đã tạo nên những hạt gạo trắng trong, thơm ngon và có mùi vị khác biệt so với các loại gạo khác.
Giống lúa được trồng trên cánh đồng Long Trì có ưu điểm là gạo đều, ít tấm, khi xay xát không gãy, hạt gạo trắng trong, nhỏ, bóng, có mùi thơm. Gạo được nấu thành cơm không dính, hạt cơm rất dẻo, dai, vị đậm, thơm nhẹ đặc trưng, khác biệt với bất kỳ loại gạo nào khác. Đặc biệt, cơm nấu hôm trước để đến hôm sau vẫn dẻo, mềm. Cơm gạo Long Trì mà ăn với quả trám đen chấm tương hoặc muối vừng sẽ làm tăng cảm giác ngon miệng bởi vị béo pha chút hương thơm khó lẫn.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch phượt Tam Đảo
Discussion about this post