Đất tổ Phú Thọ không chỉ nổi tiếng với địa danh lớn như Đền Hùng mà còn có vườn quốc gia Xuân Sơn – điểm du lịch cực kì hấp dẫn cho du khách trong những kì nghỉ lễ. Nhằm cung cấp những kiến thức đầy đủ nhất về địa điểm này, RuudNguyen.com sẽ giới thiệu cho bạn đọc kinh nghiệm du lịch vườn quốc gia Xuân Sơn chi tiết nhất. Hãy cùng tìm hiểu để có một hành trình du lịch Xuân Sơn trọn vẹn nhé.
Cảnh đẹp như cõi tiên ở trong Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Ảnh sưu tầm)
Là một trong ba khu vườn quốc gia nổi tiếng cả nước, Vườn Quốc gia Xuân Sơn nằm ở điểm cuối của dãy Hoàng Liên Sơn và ở phía Tây Nam huyện Tân Sơn, trên vùng tam giác giữa ranh giới của ba tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình và Sơn La. Đến với du lịch Xuân Sơn, du khách sẽ được hòa mình vào một không gian trong lành, mát rượi. Buổi sáng là tiết trời của mùa xuân, buổi trưa là sự ấm áp của mùa hè, buổi chiều khiến lòng người lắng lại với những cơn gió hiu hiu của mùa thu và buổi tối là cái se lạnh ngọt ngào của mùa đông. Đây được coi là lợi thế của Xuân Sơn để phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng.
Giới thiệu về Vườn Quốc Gia Xuân Sơn
Cổng vào Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Ảnh sưu tầm)
Vườn Quốc gia Xuân Sơn có hệ thống đa dạng sinh học được bảo tồn. Có 3 đỉnh nuí cao trên 1000m đó là các đỉnh: Núi Ve, núi Ten và núi Cẩn. Hệ thống hang động đá vôi rất phong phú và đa dạng có nhiều màng đá, nhũ đá, cột đá đẹp. Đã phát hiện khoảng 30 hang động có các kích thước lớn nhỏ khác nhau: Hang Lun, hang Lạng, hang Na, hang Dơi, hang Sơn Dương, hang Thổ Công, hang Thiên Nga, hang Chồn Trắng, hang Trăng Tròn… Hang Lạng là hang lớn nhất và dài nhất ăn sâu vào núi Ten, vòm hang có chỗ cao tới 20m và rộng 20m.
Cũng theo kinh nghiệm du lịch vườn quốc gia Xuân Sơn, địa điểm du lịch này cách TP Việt trì, Phú Thọ khoảng 75km và cách Hà Nội 125km về phía Tây. Vì vậy, du khách có thể di chuyển dễ dàng bằng xe máy hoặc ô tô cá nhân, xe du lịch(nếu đi theo nhóm, đông người). Còn nếu đi xe khách, ở bến xe Mỹ Đình có xe đi thẳng lên huyện Tân Sơn, Phú Thọ, giá vé từ 40.000đ-50.000đ/vé, rất rẻ cho một chuyến đi an toàn. Từ bến xe Tân Sơn, bạn di chuyển bằng xe ôm hoặc taxi đến gần vườn quốc gia Xuân Sơn. Do đường vào vườn khá gồ gề nên phương tiện giao thông sẽ không đi vào được, du khách phải tự đi bộ vào vườn khoảng 1,5 km.
Vườn quốc gia Xuân Sơn có tổng diện tích là 33.687ha, trong đó vùng lõi của vườn là 15.048ha và vùng đệm là 18.639ha, đứng thứ 12 trong số 15 Vườn Quốc gia lớn nhất Việt Nam. Được ví là lá phổi xanh và là điểm du lịch hấp dẫn của Phú Thọ. Với độ che phủ rừng lên tới 84%, chất lượng các hệ sinh thái rừng ổn định và được bảo vệ tốt. Vườn được đánh giá là nơi có môi trường không khí, môi trường nước sạch sẽ, mát mẻ, nhiệt độ trung bình năm từ 22-23ºC.
Một góc bình yên của bản làng ở Vườn quốc gia Xuân Sơn mùa mưa (Ảnh sưu tầm)
Theo thống kê vườn Quốc gia Xuân Sơn có 1217 loại thực vật, trong đó có 665 loài cây thuốc, 300 loài cây rừng có thể làm rau ăn, có các loại thực vật bậc cao như: Re, dẻ, sồi, vá, táu muối, chò chỉ, dổi, kim dao. Rừng chò chỉ Xuân Sơn được đánh giá là giàu và đẹp nhất miền Bắc, có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi có đường kính tới 2m và cao 30m. Vườn Quốc gia có 365 loài động vật trong đó có 46 loài ghi trong danh sách đỏ Việt Nam và 18 loài ghi trong sách đỏ thế giới, có loài cá cóc bụng đỏ là loài động vật quí hiếm.
Hệ thống thác nước trong vườn Quốc gia được tạo bởi các con suối đổ từ trên núi xuống rất đẹp đó là: Thác Xoan, thác Kẹm, thác 99 tầng, thác Tô Anh, thác Tô Em, Thác nước mọc.Trong vườn Quốc gia còn có các dân tộc: Mường, Dao cư trú tại các bản: Lạng, Dù, Lấp, Thang, Xoan, Ong, Dâm… Đặc biệt ở đây còn giữ được phong tục tập quán truyền thống với các lễ hôi dân gian, các điệu nhảy múa ca hát rất độc đáo.
Du lịch Xuân Sơn vào thời gian nào?
Tuy nhiên thời điểm lý tưởng nhất dành cho chuyến đi đến vườn Xuân Sơn là vào tháng 11 – tháng 4 và tháng 6 – tháng 8.
Tháng 11 – tháng 4: Đây là mùa khô trong năm khi mà thời tiết mát mẻ, dễ chịu cũng như đường đi thuận lợi, giúp du khách dễ dàng hơn trong việc di chuyển và tham quan.
Khung cảnh bình yên ở Vườn quốc gia Xuân Sơn (Ảnh sưu tầm)
Tháng 6 – tháng 8: Đây là những tháng có lượng mưa tăng cao, gây ra sự khó khăn cho du khách khi đi vào vườn quốc gia. Bù lại đây là thời điểm những thác nước trở nên mạnh mẽ và kỳ vĩ, kết hợp với cảnh sắc hữu tình, đưa đến cho du khách những trải nghiệm đáng nhớ.
Hướng dẫn đi tới Xuân Sơn
Phương tiện di chuyển
Dòng suối trong vắt ở Vườn quốc gia Xuân Sơn (Ảnh sưu tầm)
Vườn quốc gia này cách thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ khoảng 75km và cách thành phố Hà Nội khoảng 125km về phía Tây. Với khoảng cách không quá xa cùng đường đi khá thuận lợi, bạn có nhiều sự lựa chọn về phương tiện di chuyển cho chuyến đi của mình.
Xe khách: Bạn bắt xe ở bến Mỹ Đình và đến huyện Tân Sơn, Phú Thọ với giá vé dao động trong khoảng 40.000VNĐ – 50.000VNĐ. Sau khi xuống ở bến Tân Sơn, bạn đi xe ôm hoặc taxi để đến vườn quốc gia.
Xe ô tô cá nhân, xe máy: Xuất phát từ Hà Nội thì bạn đi theo đường đến Sơn Tây, sau đó rẽ trái đi tiếp quốc lộ 32 đến huyện Tân Sơn. Từ đây, sẽ có bảng chỉ dẫn để bạn đi vào vườn quốc gia. Nếu xuất phát từ Việt Trì thì bạn đi theo quốc lộ 32 đến huyện Tân Sơn, sau đó theo bảng chỉ dẫn vào vườn Xuân Sơn.
Chuẩn bị những gì khi đi du lịch vườn quốc gia Xuân Sơn
Tùy vào nhu cầu cá nhân mà mỗi người sẽ có sự chuẩn bị hành lý khác nhau. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho chuyến đi đến vườn Xuân Sơn tốt nhất, bạn nên mang theo những vật dụng sau:
- Quần áo: Chuẩn bị áo dài tay và bộ đồ tắm thác. Có thể mang theo dép và mũ để dễ dàng hơn khi vui chơi.
- Đồ dùng cá nhân: Đèn pin, thuốc tránh muỗi, băng gạc cá nhân, đồ dùng vệ sinh, nước uống.
- Đồ ăn và phụ kiện du lịch, dã ngoại khác: Bánh mì, sữa, đồ ăn vặt, dao, giấy ăn, bếp ga, giá đựng đồ, bạt, đồ. Đây là những vật dụng không thể thiếu nếu bạn đi theo đoàn và có ý định cắm trại tại đây.
Xe khách đi Xuân Sơn
Có nhiều tuyến xe khách chạy thẳng tới Xuân Sơn, nếu sử dụng phương tiện công cộng thì khi di chuyển ở Xuân Sơn các bạn bắt buộc phải thuê xe của người dân địa phương hoặc chủ homestay để di chuyển qua lại giữa các địa điểm.
Lưu trú ở Xuân Sơn
Homestay Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Ảnh sưu tầm)
Xuân Sơn hiện chỉ có du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nên các bạn chỉ ó thể lựa chọn hình thức lưu trú homestay. Những loại hình lưu trú khác như khách sạn, nhà nghỉ thì chỉ có ngoài trung tâm huyện và trên đường vào Xuân Sơn.
Homestay ở Xuân Sơn
Các homestay ở Phú Thọ hiện nay chủ yếu tập trung và được phát triển ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn, đến với vùng đất này các bạn sẽ được khám phá những giá vị văn hóa độc đáo của đồng bào người Dao và Mường đang sinh sống tại các bản Dù, Lấp, Lạng và Cỏi. Những điệu múa, lời ca, phong tục tập quán, các nghề truyền thống, lễ hội đặc sắc vẫn được lưu giữ một cách nguyên vẹn.
Đến Vườn Quốc Gia Xuân Sơn chơi gì?
Bảo tàng Thiên nhiên Xuân Sơn
Toạ lạc trên khuôn viên rộng rãi ở phân khu Văn phòng của Vườn Quốc gia Xuân Sơn, Bảo tàng thiên nhiên được hoàn thiện từ năm 2012 đã trở thành một điểm tham quan của du khách trong hành trình du lịch về với Vườn Quốc gia Xuân Sơn.
Các bản du lịch cộng đồng
Sức lôi cuốn của Vườn quốc gia Xuân Sơn ngoài cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng phong phú… còn là những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào Dao và Mường đang sống tại các bản ngay trong vườn.
Bản Dù
Trên đường vào Xuân Sơn, chỉ cần qua dốc Cổng Trời là tới bản Dù, bản trung tâm của Vườn Quốc gia Xuân Sơn và xã Xuân Sơn. Bản Dù cũng là nơi có loài chuối cô đơn (hay còn gọi là chuối Bạc Hà) một loại đặc sản rất đặc biệt.
Bản Lạng
Qua khỏi cổng vào Vườn Quốc gia Xuân Sơn, đến phía chân dốc Cổng Trời sẽ có 1 con đường nhỏ bên tay trái để vào bản Lạng. Quãng đường khoảng 3km, nhưng đường khá nhỏ. Nếu có 2 ô tô đi ngược chiều sẽ rất khó khăn để tránh.
Bản Lấp
Từ bản Dù đi vào khoảng hơn chục km nữa sẽ đến bản Lấp, bản khá nhỏ với vẻn vẹn chỉ khoảng gần 30 nóc nhà. Người dân bản Lấp chủ yếu sống phụ thuộc vào rừng bằng các nghề kiếm củi hay đánh bắt nhỏ từ suối.
Bản Cỏi
Đây là ngôi làng cổ xưa nhất của người Dao Tiền, với khoảng hơn 100 nóc nhà đơn sơ được che chắn, bao bọc bởi núi cao và rừng già, ngay trong vùng lõi và là nơi xa nhất của Vườn Quốc gia Xuân Sơn.
Thiên nhiên tươi đẹp ở Bản Cỏi (Ảnh – VEO)
Hệ thống hang động
Hang Thổ Thần
Hang Thổ Thần nằm ở xóm Lấp là một trong những hang động lớn và đẹp nhất ở Xuân Sơn. Hang ăn sâu vào trong lòng ngọn núi Ten, tạo nên sự huyền ảo và bí ẩn cho hang Thổ Thần.
Vẻ kỳ bí, huyền ảo của hang Thổ Thần (Nguồn: Mytour.vn)
Ngay khi bước vào hang, du khách sẽ lập tức ấn tượng với những nhũ đá có hình dáng vô cùng độc đáo và kỳ thú.
Hang Na
Đến tham quan Xuân Sơn Phú Thọ thì bạn đừng quên điểm đến Hang Na nhé. Nằm ở giữa núi rừng rộng lớn cùng những con suối trong lành, hang Na hiện ra lơ lửng trên vách núi đầy ấn tượng. Cửa hang khá hẹp, không gian trong hang rất tối với ánh sáng duy nhất đến từ cửa hang.
Hang Na vẻ đẹp đầy ấn tượng (Nguồn: Mytour.vn)
Hang Lạng
Ðến với Xuân Sơn, du khách không thể không đến hang Lạng, một kỳ tích thiên nhiên làm say đắm lòng người. Hang Lạng ăn sâu trong lòng núi Ten, cửa vào hang nhìn thẳng ra cánh đồng Mường Lạng.
Bên trong Hang Lạng (Ảnh sưu tầm)
Vòm hang Lạng có chỗ cao đến mười lăm, hai mươi mét và chiều rộng cũng cỡ khoảng như vậy. Hang chạy dài, dọc dãy núi đá vôi. Người ta thả quả bưởi có đánh dấu vào hang lúc sáng thì chiều tối đã thấy nó ở suối Lấp, cùng dãy núi nhưng cách chỗ thả chừng khoảng 20km.
Động Tiên
Ðộng Tiên là một hang ngầm trong lòng núi đá cẩm thạch dài 10km. Trong hang có đường thông gió lên thẳng đỉnh núi, làm cho không khí trong lành mát dịu. Hồ nước có nhiều loài cá lạ hấp dẫn.
Cây Di Sản
Năm 2016, Vườn Quốc Gia Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ đã long trọng tổ chức Lễ đón Bằng Công nhận Cây Di sản Việt Nam Quần thể 20 cây nghiến nghìn năm tuổi thuộc địa phận xóm Lấp, xã Xuân Sơn trong VQG.
Cùng với hệ thống các đỉnh núi cao, hang động, Xuân Sơn còn có hệ thống sông suối như suối Lấp, suối Thang và nhiều thác nước có độ cao trên 50m như hòa quyện cùng với màu xanh của núi rừng khiến cho phong cảnh Xuân Sơn các thêm thơ mộng.
Suối Tiên
Một dòng suối mát lạnh, xanh biếc được bắt nguồn từ hang Động Tiên. Nhìn những bức ảnh được chụp tại đây, trông đẹp chả kém gì Suối Nước Moọc ở Quảng Bình đâu các bạn ạ.
Làn nước mát lạnh của Suối Tiên là một bể bơi tự nhiên rất hấp dẫn (Ảnh sưu tầm)
Thác Lưng Trời
Để đến với thác Lưng Trời, du khách sẽ phải vượt qua quãng đường rừng khá hiểm trở với những bậc thang uốn lượn theo triền núi.
Vẻ đẹp hoang sơ của Thác Lưng Trời (Ảnh sưu tầm)
Thác hiện lên với một vẻ đẹp vô cùng kỳ vĩ, tráng lệ giữa phong cảnh núi rừng hữu tình. Thác nước chảy mạnh, tạo nên màu nước bạc kết hợp với màu xanh của trời, của cây tạo nên phong cảnh vô cùng hoa lệ.
Các đỉnh núi ở Xuân Sơn
Nằm trong quần thể vườn quốc gia Xuân Sơn có ba đỉnh núi cao trên 1.000 m so với mực nước biển là núi Voi, núi Ten và núi Cẩn
Ăn gì khi du lịch Xuân Sơn
Cơm lam người Mường
Với người Mường ở Thanh Sơn, họ đã biết cách chung sống cùng thiên nhiên, những món ăn đơn giản, dân dã nhưng luôn hài hòa và gắn liền với thiên nhiên cũng như bản tính hiền lành và đôn hậu của con người xứ Mường. Cho đến nay, những giá trị văn hóa đó vẫn được đồng bào bảo tồn và phát huy. Một trong số các món ăn điển hình phải kể đến là cơm lam.
Cơm lam là món dễ tìm thấy ở nhiều tỉnh phía Bắc (Ảnh sưu tầm)
Trước đây, người Mường trồng lúa nếp là chính. Theo các cụ cao niên ở bản Mường kể lại, người dân Mường xa xưa thường phải đi rừng, đi nương từ sáng sớm để kiếm thức ăn, thậm chí phải ngủ lại trong rừng. Do đó đồng bào đã sáng tạo ra việc dùng ống tre, ống nứa rồi cho gạo vào trong, đem nướng trên lửa và nấu chín thành cơm gọi là cơm lam. Về sau, việc chế biến món ăn này trở thành thói quen và được người Mường ưa thích. Món cơm lam từ bao đời cũng đã khẳng định được vị trí của mình trong thước đo giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào.
Bánh trứng kiến người Mường
Cứ độ tháng 2, tháng 3 âm lịch, cây cối đương mùa đơm hoa, kết quả cũng là lúc những tổ kiến trên cây bắt đầu chắc trứng; đó cũng là lúc đồng bào Mường vào rừng tìm trứng kiến đem về làm bánh. Bánh trứng kiến là món ăn dân dã được chế biến tương đối cầu kỳ với vị thơm ngon riêng, trở thành một trong những nét văn hóa ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc Mường vùng Đất Tổ.
Trứng kiến là món ăn ngon, nhưng có thể gây dị ứng cho một số người (Ảnh sưu tầm)
Tùy vào kích thước của từng tổ mà số lượng trứng kiến nhiều hay ít, có tổ lấy được một bát, nhưng có tổ lớn lấy được ba, bốn bát. Trứng kiến lớn bằng hạt gạo, có màu trắng sữa, được mang về để chế biến thành nhân bánh. Một chiếc bánh ngon phải có nhân là trứng kiến nguyên chất, chỉ cần phi hành mỡ và muối không trộn thêm các nguyên liệu khác. Bột bánh làm từ gạo nếp ngon, xay nhuyễn, nhào dẻo, dát mỏng, nhồi nhân, rồi nặn thành hình vuông, bọc vào 2 lớp lá ngõa, đem hấp chín.
Bắp chuối lam sườn
Bắp chuối lam sườn là món ăn truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Mường. Hoa chuối rừng có trên khắp các các dãy núi, cánh rừng ở Yên Lập. Khi đi rừng người Mường thường hái bắp chuối mang về để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Để làm món bắp chuối lam sườn, bắp chuối sẽ được thái mỏng, ngâm với dấm, sau đó vớt ra để ráo nước và với các trộn gia vị: muối, tiêu, lá thơm và thịt sườn băm (trước kia là thịt thú rừng băm nhỏ) cho vào ống nứa và lam đều tay (như lam cơm) trên lửa nhỏ hoặc than hồng. Khi lam chín món ăn có mùi thơm đặc trưng của hoa chuối rừng vị ngọt của thịt sườn, có thể ăn cùng cơm nóng hay làm dùng đồ nhắm rượu đều rất tuyệt.
Măng chua nấu thịt gà
Văn hóa ẩm thực của người Mường hình thành từ những món đơn giản dân dã, in đậm hương vị núi rừng, sông suối như thịt, cá, măng, rau rừng… Trong số đó, sẽ là thiếu sót khi không nhắc tới gà nấu măng chua. Trong tiết trời lạnh của mùa đông rất thích hợp để thưởng thức món măng chua nấu gà với mùi vị chua dịu nhẹ và thịt gà mềm mượt. Món măng chua nấu gà từ lâu đã nổi tiếng. Với đồng bào Mường để thưởng thức món măng chua nấu thịt gà ngon thì không thể thiếu các loại rau ăn kèm như lá đu đủ, cải nương … ăn kèm thịt gà với các loại rau này sẽ tạo nên hương vị đặc sắc vị đắng lá đu đủ kết hợp với cay của rau cải nương cùng hương vị thơm ngon của măng chua nấu thịt gà sẽ tốt cho sức khỏe.
Rau rừng đồ
Từ bao đời nay, rau rừng đồ đã trở thành một món ăn quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày của đồng bào dân tộc Mường ở Thanh Sơn. Do đặc điểm tập quán sinh sống, người Mường thích những vị chua chát, vị đắng, thích sử dụng phương thức đồ để chế biến rau nên món rau đồ được đồng bào khá ưa chuộng. Theo họ, rau đồ khác với các món ăn từ rau khác là sẽ giữ được hương vị của các loại rau.
Món rau rừng đồ thập cẩm rất phổ biến trong văn hóa ẩm thực người Mường (Ảnh sưu tầm)
Món rau rừng đồ được tạo thành từ nhiều loại rau khác nhau, thông thường, đồng bào sẽ hái các loại rau quanh nhà như: rau lang, rau bí, rau dền cơm, rau ngải cứu, lá tía tô, lá lốt, cà rừng (loại cà quả nhỏ như cà pháo nhưng có gai), hoa chuối rừng, rau cải đồng… và không thể thiếu được trong món rau đồ đó là ngọn và lá đu đủ bánh tẻ cùng những chùm hoa đu đủ đực trắng tinh. Chúng được sử dụng để tạo ra vị đắng cho các món ăn.
Rêu đá Tân Sơn
Khi lấy rêu đá, phải lựa chiều nước chảy để rêu không bị nát…Không được hái cả gốc rêu, chỉ hái phần thân non tơ. Tiếp đó, phải vò sạch, lấy dui gỗ đập thật mạnh cho hết cát bám.
Rêu suối đá (Ảnh sưu tầm)
Để chế biến, băm nhỏ tỏi, hạt dổi, hạt mắc khén, ớt, gừng, lá chanh, lá đu đủ, kèm chút nước mắm và muối. Sau khi thái nhỏ rêu đá, trộn các nguyên liệu trên vào nhau và đưa lên nồi để xào.Rêu ăn thơm và mát, là phương thuốc chữa bệnh, lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt.
Gà chín cựa
Đến với Vườn quốc gia Xuân Sơn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ du khách không chỉ ấn tượng bởi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, mà còn được tận mắt ngắm nhìn giống “gà chín cựa” hay còn gọi gà nhiều cựa. Tưởng rằng chỉ có trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thuỷ Tinh, nhưng giống gà này vẫn được người Dao Tiền tại vùng lõi Vườn quốc gia Xuân Sơn nuôi dưỡng và phát triển, chúng được sùng kính gọi là “Gà Chúa”.
Gà chín cựa, giống gà tiến Vua tưởng chỉ có trong truyền thuyết (Ảnh sưu tầm)
Mắt sáng quắc, mào đỏ tươi, đuôi cong vút tựa cầu vồng và đặc biệt những cặp chân to, mọc nhiều cựa, giống gà quý theo truyền thuyết xưa dùng để tiến vua Hùng vẫn được người dân Phú Thọ nuôi thả giữa rừng núi.
Những chú gà nhiều cựa ở đây sống trong môi trường tự nhiên, đôi khi kết bạn gà rừng, có lẽ vì thế mà thịt gà nhiều cựa rất ngon và rắn chắc. Món gà đặc sản này khi người dân thiết đãi khách gà thường mang hấp lá chanh hoặc ướp mật ong rừng và một số loại lá cây gia vị tẩm ướp rồi nướng trong bếp than đỏ, khi thưởng thức mang lại cho chúng ta một hương vị thơm ngon tuyệt hảo đặc trưng của núi rừng.
Cua suối Xuân Sơn
Cua suối hay còn gọi là cua đá sinh sống ở trong các khe núi đá. Vào mùa hè, thường là vào lúc chiều nhá nhem tối cho đến hết đêm, cua bắt đầu bò từ núi đá ra các khe suối. Khi đó, bà con rủ nhau đi bắt cua bằng tay. Ban ngày, cua lại chui vào hang trong các khe núi, nên nếu muốn bắt được cua thì phải có cần và mồi bằng giun đưa vào hang để dụ cua cặp vào mồi rồi kéo ra. Cách làm này cũng đơn giản nên ngay cả bọn trẻ nơi đây cũng có thể bắt được cua.
Cua suối, món ăn độc đáo của đồng bào Xuân Sơn (Ảnh sưu tầm)
Sau khi bắt được cua mang về, bà con dân tộc thường chế biến, không cầu kỳ và không cần nhiều gia vị. Cua suối có kích thước tương đối to, mỗi ki-lô-gam được từ 7-10 con. Chỉ một lớp cây xả nhổ ngoài vườn rửa sạch lót dưới đáy nồi, cua được xếp lên trên ngay ngắn, đậy nắp đặt lên bếp củi đun lửa vừa vừa, 15 phút sau là cua chín. Cua suối khi nấu chín có màu vàng hồng xen lẫn màu cánh gián, có mùi thơm đặc trưng trộn lẫn hương thơm của cây xả. Cua được bày lên đĩa ăn nóng chấm với muối trắng kèm theo ớt. Không chỉ đẹp mắt mà khi ăn cua rất chắc thịt và mang vị đậm đà.
Vịt lam Xuân Sơn
Xuyên rừng Xuân Sơn ăn vịt nhồi lam và nhiều món ăn khác đơn sơ mà hấp dẫn của đồng bào. Ăn no rồi, ra hỏi kĩ, cô chủ nhà đon đả kể: đầu tiên là thịt vịt, lọc xương, thái mỏng, nhưng vịt phải chọn vịt nuôi bằng ngô, thóc và thả ngoài suối, ngoài ruộng mới thơm.
Món thịt vịt lam trong Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Ảnh sưu tầm)
Vịt thái xong đem trộn hoa chuối xắt mỏng và các loại gia vị khác trong đó đặc biệt có hạt dổi và lá dổi, loại lá hiếm có của vườn quốc gia Xuân Sơn. Tất cả đem bỏ vào ống giang, nút kín và đun trên lửa cho đến khi không còn thấy sôi và sủi bọt nữa thì bỏ ra ăn.
Chuối cô đơn
Sở dĩ loài chuối này có tên “cô đơn” bởi theo truyền thuyết mà những người già ở xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn kể lại thì: Ngày xưa, ở chốn rừng núi này có một đôi nam nữ chơi thân với nhau từ bé. Luôn ở bên nhau, tình yêu nảy sinh trong họ lúc nào không hay và ngày càng thắm thiết. Họ đã nguyện ước sẽ bên nhau tới đầu bạc răng long.
Chuối cô đơn thường được mua về để ngâm làm thuốc (Ảnh sưu tầm)
Thế nhưng, khi sắp đến ngày cô gái về nhà chàng trai thì bố mẹ bắt cô phá vỡ lời thề vì họ phát hiện ra chàng trai bỗng dưng mắc căn bệnh lạ. Khi biết lý do người mình muốn sánh đôi không được bố mẹ chấp nhận, cô gái càng thương và yêu chàng trai hơn. Oái oăm thay, gia đình nhà trai thấy con mình bị nhà gái khước từ thì cũng tự ái và nhất quyết ngăn cản cuộc hôn nhân này. Vì rất yêu thương nhau nên hai người quyết định trốn lên rừng cùng nhau chung sống.
Lịch trình du lịch Xuân Sơn
Để thuận tiện hơn cho việc lập kế hoạch, RuudNguyen.com chia sẻ với các bạn một số lịch trình du lịch và phượt Xuân Sơn để tham khảo. Từ các lịch trình cơ bản này, các bạn có thể thay đổi và sắp xếp cho phù hợp với kế hoạch riêng của bản thân.
Xuân Sơn là một địa điểm nghỉ ngơi khá lý thú cho mỗi dịp cuối tuần (Ảnh sưu tầm)
Lịch trình khám phá rừng quốc gia Xuân Sơn 1 ngày
Bọn mình khởi hành từ Hà Nội lúc 5h sáng, men theo Đại lộ Thăng Long, tỉnh lộ 316, 817, qua Thanh Thủy, bọn mình dò theo Google Maps và hỏi những người dân ở đây về lối mòn dẫn đến Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ). Mặc dù quãng đường đi chỉ hơn 120km nhưng bọn mình mất đến gần 4 giờ mới tới nơi. (Thông cảm vì mới đi lần đầu nên còn gà mờ!)
Chỗ nghỉ của mình là một ngôi nhà sàn khang trang gồm 2 tầng, mới hoàn thiện một tháng.
Sau khi nghỉ ngơi, cất hành lí thì khoảng 10h bọn mình bắt đầu di chuyển đến điểm đến đầu tiên đó là Hang Lạng, một điểm đến chỉ cách chỗ ở khoảng 15 phút chạy xe máy.
Xuân Sơn được đầu tư phát triển du lịch khá đúng hướng, nên đường xá đẹp và không ghồ ghề như mình hình dung. Một điểm đặc biệt khi đến với Hang Lạng là bạn không cần phải chạy xe lên một điểm cao để bắt đầu vào cửa hang. Lối đi là con đường mòn men theo đường bờ ruộng xanh ngút, ở đâu đó là những tiếng máy nổ, những bước chân chậm rãi mà thanh thoát.
Sau khi khám phá tham quan Hang Lạng, nhóm mình tiếp tục đến với thác Lưng Trời sau khi vượt qua quãng đường rừng độ 5 km. Mình đặc biệt thích nơi đây vì hai bên đường có những hàng cây xanh vút, tiếng chim hót líu lo, hương thơm phảng phất của những bông hoa rừng nhuộm một màu đỏ, màu hồng dịu nhẹ.
Và rồi, một màu xanh mát dịu cứ níu chân bọn mình phải ghi lại những điều kỳ diệu ở nơi đây.
Với việc để đến được thác Lưng Trời, mình phải vượt qua 2 km đường rừng khá hiểm trở. Mặt đường trơn và các bậc thang uốn lượn theo những triền núi sâu thăm thẳm.
Cuối con đường là một thác khá đẹp. Đâu đó có tiếng hò reo của những cô cậu sinh viên nhân dịp nghỉ hè đến hòa mình vào dòng suối mát lạnh…
16h chúng tôi trở ra, Gặp ngay một cơn mưa rừng. Đường khá trơn, chúng tôi phải cố gắng đi nhanh và tránh bị trượt ngã. Hai bên đường, những cây ráy rừng có những chiếc lá khá to đủ để che cho chúng tôi có thể che đỡ đi một phần nào những giọt mưa rừng.
17h, bọn mình thu dọn đồ đạc và chuẩn bị xuất phát quay trở về Hà Nội.
Vì không tính toán kĩ nên bọn mình đã đi vào chủ nhật nên phải quay trở về ngay trong ngày để mai tiếp tục công việc học tập. Nhưng theo mình, thì bạn nên khám phá Xuân Sơn 2 ngày để có thể không bỏ sót địa danh nào cũng như không cập rập, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hà Nội – Xuân Sơn – Tà Xùa – Nghĩa Lộ 3 ngày
Lịch trình này các bạn nên sử dụng xe máy bởi chặng đi qua Tà Xùa sang Văn Chấn ô tô khả năng cao là không đi được.
Ngày 1: Hà Nội – Xuân Sơn
Khởi hành từ Hà Nội đi Vườn Quốc Gia Xuân Sơn, trước khi vào Vườn Quốc Gia các bạn có thể ghé qua đồi chè Long Cốc để chụp ảnh.
Đến trưa tới Xuân Sơn thì nhận phòng, ăn trưa, thưởng thức các món đặc sản ở đây rồi sau đó nghỉ ngơi một chút, đầu giờ chiều khám phá bản Lấp, bản Cỏi, hang Na, hang Thổ Thần, khám phá rừng nguyên sinh rồi thăm Bảo tàng thiên nhiên Xuân Sơn.
Tối ngủ homestay ở Xuân Sơn.
Ngày 2: Xuân Sơn – Phù Yên – Tà Xùa
Từ Xuân Sơn đi tiếp theo đường xuyên rừng để ra QL32 rồi rẽ QL32B đi Phù Yên, tiếp tục chạy thẳng lên Tà Xùa săn mây. Tối nghỉ ngơi tại Tà Xùa.
Ngày 3: Tà Xùa – Nghĩa Lộ – Hà Nội
Từ Tà Xùa chạy theo đường Bắc Yên – Trạm Tấu rồi về Nghĩa Lộ. Nếu có thời gian thì ở lại Nghĩa Lộ 1 ngày, khám phá Nghĩa Lộ rồi hôm sau về Hà Nội. Nếu không có thời gian thì về đây nghỉ ngơi ăn uống, rồi chạy thẳng về Hà Nội.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Phú Thọ
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Đền Hùng, Phú Thọ
Discussion about this post