Nếu bạn đã từng du lịch Lạng Sơn mà chưa đặt chân tới thung lũng Bắc Sơn thì quả là một thiếu sót lớn. Tới đây, bạn sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ của rừng núi, những cánh đồng lúa rộng bạt ngàn cùng với một không khí trong lành, dễ chịu vô cùng tuyệt vời. Hãy cùng RuudNguyen.com khám phá vùng đất Bắc Sơn nhé.
Giới thiệu về Bắc Sơn
Thung lũng Bắc Sơn mùa lúa chín (Ảnh: Thành Đạt)
Bắc Sơn vẫn luôn được coi là “quê hương Cách mạng – quê hương anh hùng”. Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào nơi đây cũng rất đáng để chúng ta khám phá và tìm hiểu.Bắc Sơn là một huyện nằm ở khu vực phía Tây của tỉnh Lạng Sơn. Diện tích tự nhiên của Bắc Sơn là khoảng 697,9 km2. Phía Bắc của Bắc Sơn giáp với huyện Bình Gia, phía Đông giáp với huyện Văn Quan, phía Nam giáp với huyện Hữu Lũng và phía Tây giáp với huyện Võ Nhai của tỉnh Thái Nguyên.
Nên du lịch Bắc Sơn vào thời gian nào?
Khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 11 trong năm được xem là thời điểm thích hợp nhất để đi du lịch Bắc Sơn mùa lúa chín, lúc này toàn bộ thung lũng Bắc Sơn tràn ngập một màu vàng óng của những cánh đồng lúa chín vàng rực rỡ và bát ngát.
Nếu du lịch Bắc Sơn vào những mùa khác trong năm cũng rất thú vị, tuy nhiên lúc này bạn sẽ được chiêm ngưỡng một Bắc Sơn của mạ non xanh mướt.
Hướng dẫn đi tới Bắc Sơn
Phương tiện công cộng
Cách đi du lịch Bắc Sơn bằng xe khách: Bạn có thể đi ra các bến xe tại Hà Nội như: Mỹ Đình, Gia Lâm sẽ có rất nhiều nhà xe có chuyến đi Hà Nội – Lạng Sơn.
– Sau khi tới bến xe Lạng Sơn, bạn có thể bắt taxi hoặc xe ôm nhờ họ chở tới thung lũng Bắc Sơn.
– Lưu ý: Từ bến xe Lạng Sơn cách thung lũng Bắc Sơn khoảng hơn 60km, không thuận lợi trong quá trình di chuyển nên ít du khách lựa chọn hướng đi này, mà thường chọn phượt Bắc Sơn bằng xe máy, ô tô riêng là chủ yếu.
Phương tiện cá nhân
Từ Hà Nội nếu đi bằng xe máy các bạn đi theo QL3 đi Thái Nguyên, nếu đi bằng ô tô các bạn đi cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. Đến đoạn QL3 cắt với QL37 và QL1B thì rẽ theo đường 1B rồi đi thêm khoảng 80km sẽ đến Bắc Sơn.
Lưu trú ở Bắc Sơn
Ở phía dưới chân núi Bắc Sơn có rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn giá rẻ với giá dao động. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm du lịch Bắc Sơn tự túc, vui vẻ, hấp dẫn của những du khách đi trước họ khuyên, bạn nên lựa chọn hình thức lưu trú Homestay kèm theo dịch vụ ăn uống sẽ tiết kiệm và thuận lợi hơn rất nhiều.
Các địa điểm du lịch ở Bắc Sơn
Núi Nà Lay
Đỉnh núi Nà Lay ở độ cao khoảng 600m so với mực nước biển, chính là địa điểm mà hầu hết khách du lịch Bắc Sơn đều đặt chân đến, bởi nơi đây có góc nhìn trải rộng ra các hướng, rất lý tưởng để ngắm toàn cảnh thung lũng Bắc Sơn tuyệt đẹp từ trên cao.
Đường lên đỉnh núi Nà Lay với khoảng 1.200 bậc thang đá cheo leo, ai quen leo núi sẽ mất chừng 30 phút, còn lại có thể loay hoay tầm 1 giờ để lên đến đỉnh. Và sẽ tuyệt vời hơn nữa nếu bạn ở lại qua đêm trên đỉnh núi để được ngắm cả hoàng hôn và bình minh đầy mê hoặc ở thung lũng Bắc Sơn.
Lúc hoàng hôn buông dần, dòng sông uốn khúc ánh lên gam màu huyễn hoặc, những tia nắng cuối ngày dát vàng khắp thung lũng Bắc Sơn như quyến luyến không muốn rời xa. Và không gian chuyển dần sắc tối, từng mái nhà dưới thị trấn bắt đầu lên đèn, trông hệt như đàn đom đóm nhỏ ôm lấy chân những ngọn núi đá vôi to lớn im lìm.
Làng du lịch văn hóa Quỳnh Sơn
Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn thuộc huyện Bắc Sơn, cách trung tâm thành phố Lạng Sơn 80 km về phía Tây Nam theo quốc lộ 1B. Địa hình nhiều hang động trong lòng núi, xen kẽ giữa các núi đá vôi là các vùng núi đất và các thung lũng bằng phẳng tạo nên phong cảnh kỳ vĩ và hoang sơ, vẫn còn giữ được vẻ đẹp tự nhiên. Đến với Làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn là đến với những bản làng của đồng bào dân tộc Tày với rất nhiều nhà sàn được xây dựng dựa theo lối kiến trúc nhà sàn truyền thống, được làm bằng gỗ, không gian rộng rãi thoáng mát, hài hòa với cảnh quan tự nhiên của núi rừng, đồng ruộng… Tham quan tại Quỳnh Sơn, du khách còn được tìm hiểu những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày qua các làn điệu hát Then, đàn Tính; thưởng thức đặc sản ẩm thực hấp dẫn…
Thung lũng hoa Bắc Sơn
Thung lũng hoa Bắc Sơn với diện tích 20ha hiện là thung lũng hoa lớn nhất Việt Nam. Tại đây trồng đủ các loài hoa lạ mắt như hoa tam giác mạch, bách nhật thảo, cánh bướm đủ màu… khiến bất kỳ ai cũng phải lịm tim. Nếu chưa có dịp đến với Hà Giang ngắm hoa tam giác mạch thì giờ đây bạn có thể đến Lạng Sơn để ngắm hoa tam giác mạch trên cánh đồng rộng lớn.
Các loại hoa ở đây khá phong phú như hoa tam giác mạch trắng, cánh bướm, cúc cam, hoa cải… tạo nên cảnh sắc đẹp mê hồn quyến rũ du khách đến thưởng lãm và chụp ảnh. Những ngày nắng đẹp là thời điểm mà du khách nên lựa chọn để ghé thăm thung lũng hoa này và ghi lại những bức ảnh lung linh nhất bên cánh đồng hoa trải dài tít tắp.
Vườn hoa Tam Giác Mạch
Tam Giác Mạch được người dân trồng tại xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn. Hoa nở rộ vào tháng 10, 11 thu hút rất đông khách tới tham quan, chụp ảnh đặc biệt là các bạn trẻ. Hoa được người dân trồng tại các thung lũng, xung quanh là núi đá bao quanh.
Đầu tháng 11 hoa bắt đầu nở, từ cánh đồng màu xanh qua một đêm hoa bung trắng xóa. Đến nỗi có người phải thốt lên: Tuyết rơi! Bởi vì nhìn xa chỉ thấy màu trắng, hồng của tam giác mạch giống những bông tuyết khiến người ta có cảm giác như đang đứng giữa trời Âu mùa lạnh.
Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn
Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn thuộc thôn Long Hưng, xã Long Đống (Bắc Sơn, Lạng Sơn) là một không gian văn hóa, tái hiện cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã đi vào lịch sử vẻ vang của địa phương và dân tộc. Bảo tàng cũng lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật của nền văn hóa Bắc Sơn nổi tiếng trong khảo cổ Việt Nam.
Bảo tàng là nơi để lưu giữ, trưng bày những tư liệu, hiện vật về chính cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn hào hùng năm 1940, đánh dấu sự thay đổi trong chiến tranh của Việt Nam, từ chính trị chuyển sang vũ trang; hình thành những đội quân du kích đầu tiên với tên gọi Cứu Quốc quân, về sau hợp nhất với đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành đội Việt Nam giải phóng quân, là tiền thân của quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi về Bắc Sơn; bảo tàng cũng đã đón nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước về thăm.
Đèo Tam Canh
Đèo Tam Canh nằm trên quốc lộ 1B giáp ranh giữa 2 huyện Bắc Sơn và Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Đây là khu di tích lịch sử cách mạng đã được xếp hạng quốc gia năm 1992 và đến năm 2017 được công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.
Suối Mỏ Mắm – Hang Keng Tao
Suối Mỏ Mắm ở xã Chiến Thắng, cách thị trấn Bắc Sơn chừng 24km, đang là một trong những điểm du lịch thu hút những người thích khám phá; gần đây được du khách truyền tai nhau như một điểm dừng chân mới ở Lạng Sơn. Mỏ Mắm vốn là tên ngôi làng cạnh dòng suối này, thực tế suối có cái tên rất thơ là “Kênh Tao”, nhưng khách du lịch tới đây lại thích gọi nó với cái tên Mỏ Mắm.
Giai thoại về cái tên suối Mỏ Mắm cũng khá ly kỳ. Xưa kia trong vùng có làng nghề sản xuất và buôn bán mắm do người vùng Quảng Ninh, Hải Phòng di cư lên. Trong một lần đi bán mắm ở Lạng Sơn về, qua khu vực suối nghỉ chân và uống nước. Thấy nước suối trong vắt, mát lạnh, lại rất ngọt, nên những người đó đã đổ tất cả mắm còn lại để lấy dụng cụ chứa nước gánh về dùng. Do lượng mắm đổ đi khá nhiều, mùi mắm tỏa ra cả vùng, nên từ đó về sau suối còn được gọi với tên suối Mỏ Mắm.
Thác Đăng Mò
Cách thành phố Lạng Sơn khoảng 90 km, Thác Đăng Mò nằm ở vị trí cây số 11 trên đường quốc lộ 279 từ huyện Bình Gia tỉnh Lạng Sơn đi huyện Na Rì tỉnh Bắc Cạn, là nơi tiếp giáp của ba xã vùng cao của huyện Bình Gia: Mông Ân, Thiện thuật, và xã Hoàng Văn Thụ.
Đây là ngọn thác hùng vĩ giữa rừng núi hoang sơ, còn ít người biết đến và chưa được đầu tư khai thác du lịch. Đăng Mò còn là một ẩn số đáng khám phá đối với những người yêu thích du lịch.
Thác Đăng Mò còn được gọi là thác Mũi Bò, bởi theo người Tày địa phương, phía thượng nguồn có 2 dòng suối chảy cùng một hướng rồi nhập lại thành ngọn thác này. Người ta ước chừng thác cao khoảng trăm mét, tuôn tràn qua ba tầng đá. Đến đây, bạn sẽ được hòa mình vào dòng nước mát trong lành với tiếng chim kêu, thác gầm và khung cảnh rừng núi bao la hùng vĩ.
Đình Nông Lục
Cách rừng gỗ nghiến không xa là đình Nông Lục thuộc xã Hưng Vũ, đình được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1962. Đình làng, vốn là nét đặc trưng văn hóa của các vùng quê Bắc bộ, với khung cảnh quen thuộc “cây đa, bến nước, sân đình” đã đi vào thơ ca từ bao đời nay. Hình ảnh những mái đình cong vút đã trở thành biểu tượng văn hóa của các làng quê Việt. Đình Nông Lục nằm ở xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn, cách thành phố Lạng Sơn khoảng 90km theo tuyến đường quốc lộ 1B.
Vậy nhưng, đến với ngôi đình Nông Lục, thuộc xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một ngôi đình với kiến trúc độc đáo. Đó là sự sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc truyền thống của Đồng bằng Bắc Bộ cùng với kiến trúc nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày. Ngôi đình được xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng nhà sàn của người Tày, nên không có hình ảnh những mái đình cong vút quen thuộc. Mái đình được lợp bởi loại ngói âm dương, một loại ngói đặc trưng trong các công trình xây dựng nhà ở của người Tày.
Đồn Mỏ Nhài
Từ đình Nông Lục du khách đi hơn 1 km là đến di tích đồn Mỏ Nhài. Là một trong những điểm di tích thuộc Khu di tích khởi nghĩa Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, cách thành phố Lạng Sơn khoảng 90km theo tuyến đường quốc lộ 1B.
Đồn Mỏ Nhài do thực dân Pháp xây dựng từ những ngày đầu chúng đặt chân đến Bắc Sơn. Đồn được xây dựng trên khu đồi rộng hơn 8.000m2, xung quanh là tường rào xây bằng đá dày 60cm với các bốt gác, nhà cửa kiên cố. Ngày nay tại vị trí đồn Mỏ Nhài, một tượng đài chiến thắng khởi nghĩa Bắc Sơn đã được xây dựng nhằm ghi dấu những chiến công oanh liệt của ngày Khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940).
Hồ Tam Hoa
Hồ Tam Hoa là một hồ nước ngọt được bao quanh bởi các dãy núi cao và những hàng cây xanh mát. Đây là điểm đến quen thuộc của các bạn mê nhiếp ảnh, yêu không khí trong lành và cảnh đẹp.
Hồ Pác Mỏ
Hồ Pắc Mỏ đã được công nhận là di tích danh thắng cấp tỉnh vào năm 2002. Đây không chỉ là nơi mang đến nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân, mà cảnh đẹp nơi đây cũng hết sức thơ mộng trữ tình cho những ai đang chuẩn bị du lịch Lạng Sơn. Hồ Pắc Nỏ có cảnh quan đẹp tự nhiên, làn nước trong xanh và mặt hồ luôn lặn sóng phản chiếu những khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp trên mặt đất. Bên bờ còn những những ngôi nhà ẩn hiện dưới những bóng cây cổ thụ tạo lên một bức tranh thủy mặc đẹp đẽ.
Bên cạnh hồ có giếng Bó Loóng, với truyền thuyết kể về vùng đất và sự hình thành của con giếng này. Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa vùng đất này là một vùng đất khô cằn, và trong một ngày mưa gió, một chú trâu thần trắng xuất hiện húc vào vách đá ven hồ và chui sâu vào lòng đất và tạo thành chiếc giếng Bó Loóng như ngày nay. Cũng từ lâu rồi, nước trong hồ luôn luôn đầy, đặc biệt nếu đến đây vào những ngày mưa lớn, nước bên trong giếng sẽ chuyển thành màu trắng đục, và nước khá lạnh, lạnh đến mức một người khỏe mạnh cũng khó có thể ngâm mình trong nước quá 5 phút.
Nằm cách hồ khoảng 200 mét là hang Thắm Hoài, đây là hang động có hai tầng cũng với nhiều nhũ đá có hình thù rất đẹp mắt với những cột đá vôi có hai cột đá vôi cao khoảng chục mét ở giữa lối đi. Ở lưng chừng núi, và dài hơn 700 mét, Hang Thắm Hoài từng là nơi đặt Đài phát thanh Khu tự trị Việt Bắc, về sau năm 1964, hang được sử dụng là nơi để tránh các cuộc ném bom chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Hiện nay, ở bên ngoài còn dấu tích của khu sưởng máy, cùng với khu nhà ở của các cán bộ nhân viên nhà đài.
Hang Khuôn Bồng
Hang Khuôn Bồng (Ảnh sưu tầm)
Nằm tại xã Vũ Lễ, hang Khuôn Bồng dài khoảng 10km mang đến cho du khách trải nghiệm cực kỳ thú vị khi được khám phá cảnh quan còn nguyên vẻ hoang sơ với vô vàn các loại thạch nhũ. Bởi mới ít người biết đến địa điểm này nên không ngạc nhiên rằng nó rất vắng vẻ, nhóm bạn và gia đình hoàn toàn có thể yên tĩnh tận hưởng những giây phút thư thái cùng nhau.
Lễ hội Lồng Tồng xã Quỳnh Sơn
Đây là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày được tổ chức vào ngày 12 – 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm với mong ước cầu cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.
Lễ hội Lồng Tồng có hai phần là phần lễ và phần hội. Phần nghi lễ chủ yếu là cúng tế Thành hoàng, Thần nông, trời đất ban cho mưa thuận gió hòa, con người khỏe mạnh, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu; Phần hội là các trò chơi dân gian như: đánh cờ tiên, ném còn, đánh đu, múa rối, múa tiên, thi gói bánh tày, hát ví, giao lưu thể thao…
Lễ hội Lồng Tồng là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện khát vọng của người dân trong sự hòa hợp trời đất, âm dương, cầu mong cho cuộc sống khỏe mạnh, vạn vật sinh sôi, những trò chơi trong lễ hội thể hiện nét đẹp tâm hồn phong phú, gắn với thiên nhiên, gắn với những tập tục văn hóa lâu đời.
Ăn gì ở Bắc Sơn
Lợn quay
Đây là món ăn đặc sản không thể thiếu trong các bàn ở Lạng Sơn và không chỉ ngon mà còn chế biến cầu kì và mang hương vị riêng của xứ Lạng. Lợn quay Lạng Sơn được quay nguyên con. Tạo màu cho lợn quay là một trong những bước quan trọng nhất tạo nên độ bắt mặt cho món lợn quay Lạng Sơn. Để da của lợn quay nổi rộp thì người thợ cần dùng một cây kim dài, vừa quay vừa châm vào da, đồng thời phết mật ong và quay đều tay cho đến khi con lợn xuất hiện màu nâu cánh gián. Trước đây, người Tày thường quay lợn trực tiếp trên ngọn lửa than củi núi đá mất khoảng 2-3 tiếng. Hiện nay, bà con cải tiến bằng lò quay chạy tự động nhanh hơn rất nhiều, đáp ứng được nhu cầu kinh doanh của người dân. Mỗi một con lợn ngon được ra lò phụ thuộc vào tay nghề của người thợ cũng như bí quyết quay của từng gia đình.
Trước đây, người Tày thường quay lợn trực tiếp trên ngọn lửa than củi núi đá mất khoảng 2-3 tiếng. Hiện nay, bà con cải tiến bằng lò quay chạy tự động nhanh hơn rất nhiều, đáp ứng được nhu cầu kinh doanh của người dân. Tuy nhiên, dù phương thức quay có tiên tiến hơn nhưng hương vị và màu sắc của thịt lợn quay Lạng Sơn vẫn giữ được nét đặc trưng với những nguyên liệu vô cùng đơn giản.
Vịt quay
Là giống vịt Bầu Thất Khê. Sau khi được làm sạch sẽ tẩm thêm hương liệu: hành, hạt tiêu, móc mật, nhồi vào bên trong vịt rồi khâu lại. Phần ngoài tẩm mật ong và để khoảng 10 phút. Tiếp theo quay vịt trên than hoa 15 phút.
Sau khi quay xong nhúng vào chảo mỡ đảo đi đảo lại rồi cho ra giá đỡ để nguội. Khi quay vịt đòi hỏi kỹ thuật không cháy đen, phải đảm bảo độ nóng, quay càng lâu thịt càng thơm. Thịt vịt phải thấm màu mật ong, miếng thịt ăn vào thấy đậm đà và mềm ngọt.
Bánh chưng đen
Bánh chưng đen (hay còn gọi là bánh chưng cẩm) được gói theo hình trụ dài giống bánh tét miền Nam hay bánh gù của người Giáy. Tuy nhiên, món bánh đặc trưng của người Tày ở huyện Bắc Sơn có màu đen bóng rất lạ mắt, quyện chặt vào từng hạt nếp chắc mẩy và khiến không ít người phải tò mò.
Ngay từ tháng 10 Âm lịch, người Tày đã rục rịch chuẩn bị những công đoạn đầu tiên để gói bánh chưng đen. Sau vụ gặt lúa mùa, người ta chọn những cọng rơm nếp to, vàng ươm đem về phơi khô rồi đốt thành tro. Sau đó, họ vò kỹ, rây lấy phần mịn nhất rồi trộn với gạo nếp thơm để tạo ra màu đen bóng.
Chỉ một miếng bánh nhưng mang đủ hương vị đặc biệt của nếp, thịt lợn, vị ngọt của nhân đỗ xanh, vị lạ của cây rừng… Đó thực sự là dư vị không thể nào quên. Nét độc đáo của bánh chưng đen còn ở vị bùi bùi, thơm mát, không gây nóng cổ, nóng bụng như bánh chưng thường. Chính vì vậy, người dân còn gọi đây là món ăn “hạ hỏa”.
Ngày trước, loại bánh này chỉ xuất hiện trong ngày lễ, Tết, giỗ chạp… Tuy nhiên, hiện nay, nó đã trở thành thứ đặc sản phổ biến mà bất cứ ai tới Bắc Sơn đều có thể mua về làm quà tặng. Bánh chưng đen có thể để được rất lâu, đến hết tháng Giêng mà vẫn thơm ngon.
Xôi cẩm
Xôi lá cẩm xứ Lạng có màu tím nhờ nước luộc thứ lá gọi là lá cẩm, rộ nhất vào tháng tư tháng năm. Lá cẩm sau khi luộc sẽ được lấy nước đem ngâm với nếp qua một đêm.
Hạt nếp trắng tinh sau khi ngâm sẽ chuyển sang màu tím mà nhiều người thường đùa nhau đó là vì đã bị “thuốc tím” bám vào. Màu của xôi cẩm cũng chính là màu của hạt nếp sau khi được ngâm.
Mùi hương bốc lên khi đồ xôi cẩm cũng rất đặc biệt so với mùi thơm của những loại xôi khác, có lẽ là vì hương lá cẩm thấm vào xôi.
Cơm lam
Nhắc đến cơm lam người ta thường hay nhớ đến những vùng đất nổi tiếng như Hoà Bình , Sơn La, Cao Bằng… nhưng nếu đã một lần đến Bắc Sơn, Lạng Sơn được thưởng thức món cơm lam của bà con dân tộc Tày ở đây thì chắc chắn bạn sẽ không thể quên được cái hương vị đậm đà riêng của nó.
Khác với ở vùng đồng bằng thường nấu cơm bằng nồi niêu, món cơm ở vùng cao có thể được nấu trong những ống nứa và được gọi bằng cái tên “cơm lam”. Đơn giản thì đây là cách gọi thân thuộc của người dân miền núi với cách nấu cơm bằng ống nứa. “Lam” có thể hiểu là dùng ống nứa để nấu thức ăn như cơm, cá suối, thịt … Cách nấu dân dã này mang lại vị ngon hấp dẫn hơn hẳn so với nấu cơm trong nồi. Đó cũng là nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực tại nhiều vùng cao của đất nước ta
Bánh ngải
Nằm trong danh sách những đặc sản nhất định phải nếm thử khi tìm về xứ Lạng là món bánh ngải, thức quà dân dã của người Tày chứa đựng cả tấm lòng yêu mến khách đường xa. Từ lâu, ngải cứu đã nổi tiếng là vị thuốc quý giá, chữa được nhiều loại bệnh khác nhau, thế nhưng lại chẳng hề dễ ăn chút nào.
Ấy vậy mà người dân tộc Tày trên mảnh đất Lạng Sơn vẫn có thể sử dụng nó để làm ra món bánh vô cùng độc đáo, vừa bắt mắt, vừa thơm ngon, dâng lên tổ tiên vào dịp Tết thanh minh, hay mừng mùa lúa chín để bày tỏ lòng thành kính. “Tiếng lành đồn xa”, dần dần nó trở thành đặc sản trứ danh “nuông chiều” khẩu vị của cả những thực khách khó tính nhất, cắn một miếng dẻo thơm bỗng thấy vấn vương tơ lòng, bảo sao dân “sành ăn” cứ một mực nói rằng lên xứ Lạng mà không thử bánh ngải thì phí cả nửa chuyến đi.
Quýt Bắc Sơn
Quýt vàng Bắc Sơn được coi là cây xóa đói giảm nghèo cho các hộ đồng bào dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, H’Mông ở đây. Mùa quýt chín vào khoảng cuối tháng 11 dương lịch đến tháng 1 năm sau, cũng là thời điểm giáp Tết Âm lịch. Sản phẩm quýt Bắc Sơn chủ yếu bán cho các thương lái đi tiêu thụ khắp nơi trong tỉnh, các vùng lân cận và chợ.
Là loại cây ưa ánh sáng tán xạ, độ ẩm vừa phải, thích hợp với thời tiết lạnh và khô mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa nên quýt Bắc Sơn sinh trưởng tốt nhất trong các khe núi, thung lũng thuộc vùng núi đá, độ cao 500 – 700 m so với mực nước biển.
Vùng núi Bắc Sơn sở hữu đất đai tương đối màu mỡ, chủ yếu là feralit nâu đỏ hoặc màu vàng nên là nơi hội tụ đầy đủ yếu tố cần thiết để tạo ra thứ quýt ngon với hương vị thanh mát hiếm có.
Lịch trình phượt Bắc Sơn
Bắc Sơn (Ảnh sưu tầm)
Hà Nội – Lạng Sơn – Mẫu Sơn – Bắc Sơn
Tổng hành trình này khoảng hơn 500km cho 3 ngày, các bạn có thể đi bằng xe máy hoặc ô tô cá nhân. Cung đường này không phù hợp để sử dụng phương tiện công cộng nhé.
Ngày 1: Hà Nội – Lạng Sơn – Mẫu Sơn
Từ TP Hà Nội đi lên Lạng Sơn, các bạn có thể dạo quanh Tp Lạng Sơn chơi một số địa điểm như chợ Đông Kinh, chợ Đồng Đăng, động Tam Thanh…
Chiều chạy xe lên thẳng Mẫu Sơn nghỉ ngơi. Nếu nhóm đông có thể tổ chức đốt lửa trại, giao lưu buổi tối và nếm thử các món ăn ngon ở Mẫu Sơn. Lưu ý nên book trước nhà nghỉ ở Mẫu Sơn để họ còn chuẩn bị đồ ăn thức uống, buổi tối trên đó không có quán ăn nào mở đâu.
Ngày 2: Mẫu Sơn – Hữu Nghị – Bắc Sơn
Sáng dậy vệ sinh cá nhân và ăn sáng, các bạn nhớ mua một số đặc sản Mẫu Sơn làm quà rồi quay ngược về hướng Tp Lạng Sơn, đi thẳng đến Đồng Đăng nhớ ghé qua chơi cửa khẩu Hữu Nghị.
Sau đó các bạn tiếp tục đi thẳng Bắc Sơn, mình gợi ý thêm là tối có thể ngủ nhà sàn homestay ở Bắc Sơn, thưởng thức các món ăn ngon ở đây.
Ngày 3: Bắc Sơn – Hà Nội
Các bạn chuẩn bị và dậy sớm đi bộ lên núi Nà Lay để săn được ảnh thung lũng Bắc Sơn. Nếu đi vào dịp đông và muốn có chỗ đẹp để chụp ảnh chắc các bạn cần ở cả đêm trên núi luôn nhé. Khi có những bức ảnh đẹp xong các bạn có thể lượn lờ đi chơi thác Đăng Mò (cách trung tâm khoảng gần 30km).
Ăn trưa nghỉ xong xuôi thì xuất phát quay ngược về TP Hà Nội theo đường QL1 và QL3 (qua Thái Nguyên). Hiện nay tuyến đường khá đẹp nên các bạn di chuyển sẽ rất nhanh thôi.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Lạng Sơn
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch phượt Mẫu Sơn
Discussion about this post