Kim Bôi được du khách khi tới Hòa Bình nhớ tới bởi nguồn nước khoáng nóng thiên nhiên quý giá. Nước khoáng Kim Bôi được đánh giá là một trong những nguồn nước khoáng thiên nhiên tốt nhất Việt Nam. Ngoài ra, Kim Bôi cũng là vùng đất nổi tiếng về văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Kim Bôi còn có hệ thống hang động phong phú, những ngọn núi, cánh rừng già… Chỉ nằm cách Hà Nội khoảng 70km, đi dọc theo đường quốc lộ số 6, qua thị trấn Lương Sơn rồi rẽ trái, đi thêm 30km là du khách sẽ đến được khu suối khoáng thuộc vùng du lịch Kim Bôi.
Khá gần Hà Nội và đường đi tương đối dễ (Ảnh google map)
Nhắc đến Kim Bôi chắc chắn không thể bỏ qua khu suối nước nóng. Vào những ngày thu đông khi tiết trời se lạnh, còn gì thư giãn và tuyệt vời hơn việc được đắm mình trong dòng suối khoáng nóng ấm, tinh khiết đến từ chính thiên nhiên nguồn cội. Những vất vả của một ngày sinh hoạt và làm việc mệt mỏi đều được tan biến khi bạn ngâm mình trong dòng nước nóng ấm và tinh khiết.
Đến với Kim Bôi, du khách sẽ được thưởng thức cảm giác sảng khoái ấy trong dòng nước khoáng có nhiệt độ trung bình từ 34-46 độ C. Thành phần nước nhiều chất dinh dưỡng có thể giúp cho con người cải thiện các bệnh về thấp khớp, đau dạ dày, huyết áp, da liễu hay bệnh đường ruột.
Du lịch Kim Bôi vào thời gian nào?
Nằm không quá cách xa Hà Nội, Kim Bôi là địa điểm rất thú vị để nghỉ ngơi vào những ngày cuối tuần hay những dịp nghỉ lễ ngắn ngày. Khí hậu của Kim Bôi thường xuyên mát mẻ, không quá nắng nóng ngay cả trong thời đỉnh điểm giữa mùa hè. Nổi tiếng với suối khoáng có nhiều công dụng cho sức khoẻ, giúp chữa bệnh. Bạn có thể đi suối khoáng nóng Kim Bôi vào bất kì thời điểm nào trong năm đều được, chỉ lưu ý là tránh thời điểm mùa mưa bão vì đường đi sẽ có nhiều đoạn sạt lở.
Phương tiện di chuyển
Chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng hơn 70km đi theo hướng về QL6. Và để thuận lợi nhất để dến Kim Bôi các bạn hãy sử dụng phương tiện cá nhân. Có 2 đường để đi tới khu suối khoáng Kim Bôi, nhưng thông thường thì các bạn đi từ Hà Nội tới suối khoáng nóng Kim Bôi, Hoà Bình bạn đi theo đường QL6 qua thị trấn Lương Sơn khoảng 1km rẽ trái và đi tiếp 30km là tới.
Nếu đi bằng phương tiện công cộng thì từ Hà Nội các bạn đi xe khách lên Thành phố Hòa Bình, hãy nhờ lái xe cho xuống địa điểm nào gần nhất với Bệnh viện tỉnh Hòa Bình, từ đây có tuyến xe buýt đi Lạc Thủy và có đi qua khu du lịch suối khoáng Kim Bôi.
Lưu trú ở Kim Bôi
Mặc dù là một điểm du lịch khá nổi tiếng từ lâu nhưng tại Kim Bôi không quá nhiều lựa chọn lưu trú cho du khách như các nơi khách ghé thăm. Tuy nhiên, vẫn có đủ hạng từ bình dân đến sang trọng.
Giờ ở Kim Bôi cũng đã có một vài resort được đầu tư (Ảnh sưu tầm)
Trước kia, Khách sạn Công Đoàn là cơ sở lưu trú lớn nhất, tại điểm đây cũng cung cấp các dịch vụ tắm khoáng cho du khách nên hầu hết khách du lịch đến với Kim Bôi đều đánh giá cao và lựa chọn điểm này. Gần đây, có thêm các khu nghỉ dưỡng Serena Resort với quy mô lớn, chất lượng 4 sao nên cũng đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng với những khách hàng khó tính nhất.
Chơi gì khi du lịch Kim Bôi
Khu du lịch suối khoáng Kim Bôi
Khu suối khoáng Kim bôi có hai bể tắm lớn trong nhà cùng với hệ thống bồn tắm xoáy cá nhân (8 người). Được thay nước hàng ngày phục vụ du khách thích lặn ngụp, bơi lội, ngâm mình để sau mỗi lần tắm thấy người sảng khoái, khỏe mạnh và làn da mịn màng trắng hơn.
Suối khoáng Kim Bôi (Ảnh sưu tầm)
Bên cạnh đó nước suối còn có đầy đủ những khoáng chất với độ tinh khiết hoàn hảo có lợi cho sinh dưỡng của con người. Chính vì vậy đây còn là nơi dưỡng thọ và chữa các bệnh như thấp khớp, đau dạ dày, bệnh đường ruột…
Tắm khoáng tại Suối khoáng Kim Bôi đem lại cho du khách sự thư thái và dễ chịu vô cùng, du khách tùy theo sở thích mà có thể tự do, ngâm mình thư giãn trong làn nước khoáng nóng bốc hơi mịt mù. Nước suối Kim Bôi đã được đóng chai làm nước giải khát, nó cùng loại với nước khoáng Thạch Bích ở Quảng Ngãi, Kum-dua ở Nga và Paven Barbia của Hungari.
Cửu thác Tú Sơn
Cửu thác Tú Sơn cách thành phố Hòa Bình tầm 20km nằm trên địa phận xóm Củ, xã Tú Sơn, Kim Bôi, cạnh đường quốc lộ 12B, gần khu suối khoáng nóng Kim Bôi được ví như danh thắng “đệ nhất’ xứ Mường với núi non hùng vĩ, nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Kim Bôi, Hòa Bình.
Thác Tú Sơn (Ảnh sưu tầm)
Với 9 dòng thác trong đó bao gồm thác tình Âu Cơ, thác Tiên Tắm, thác Trải Chiếu Quan Lang, thác nàng Út Lót, thác Bạc, thác Trượng Phu, tháng Thượng Ngàn, thác Mẫu và thác Thiên Ngọc Thạch., với 9 vẻ đẹp khác nhau tạo nên bức tranh vô cùng với sự phong phú xinh đẹp và hấp dẫn. Đến với nơi đây Du khách không chỉ được nghỉ ngơi mà còn được thưởng thức các món ăn đặc sản của miền núi Tỉnh Hòa Bình, hòa mình với không khí văn nghệ đặc sắc, ca múa nhạc dân tộc, đốt lửa trại, có dàn cồng chiêng, múa sạp, uống rượu cần của các cô gái dân tộc Mường.
Mộ cổ Đống Thếch
Khu mộ cổ Đống Thếch nằm trên địa phận xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi thuộc tỉnh Hoà Bình. Từng là thánh địa bất khả xâm phạm đối với người dân Mường Động, khu mộ cổ Đống Thếch với những chuyện ma mị đồn thổi đã trở thành nỗi khiếp sợ của người dân. Từ nhiều năm nay, hàng trăm mồ đá nằm im lìm u tịch giữa vùng rừng núi Tây Bắc ấy là một bí ẩn lớn đối với bất cứ ai từng đặt chân tới đây.
Khu mộ cổ Đống Thếch còn chưa nhiều bí ẩn chưa được giải đáp (Ảnh sưu tầm)
Khu mộ cổ Đống Thếch gồm những cột đá gần 400 năm tuổi, đứng sừng sững giữa trời. Đó là điểm độc đáo của khu mộ cổ Đống Thếch, và còn được xem là một “kho báu” mang đậm bản sắc văn hóa xứ Mường Động.
Ngay ở cái tên Đống Thếch cũng khiến cảm giác được cái huyền bí của nó. “Đống” là những nơi mồ mả, những nơi hoang vu ít người qua lại. “Thếch” là một địa danh đã có từ lâu, một địa danh riêng có của người Mường. Đống Thếch là một thung lũng nhỏ, cao ráo, bằng phẳng, mà nhấp nhô hàng trăm hòn mồ. Phía bắc Đống Thếch giáp núi Chùa cũ, phía tây là đồi Ông Nội, phía nam giáp Nà Thếch và suối Thếch, phía đông giáp ruộng Pạng Đông.
Sự huyền bí của Đống Thếch đến nay vẫn chưa được khám phá hết, nó vẫn còn là một bí ẩn. Vì vậy nó còn có sức hút với những người ham mê khảo cổ. Nếu tò mò và muốn khám phá sự huyền bí nơi đây, hãy đến Hòa Bình một lần để chiêm ngưỡng hết sự kỳ bí của Khu mộ Đống Thế.
Các địa điểm khác gần Kim Bôi
Nhà máy Thủy điện Hòa Bình
Nhà máy Thủy điện Hoà Bình được xây dựng tại hồ Hòa Bình, trên dòng sông Đà hùng vĩ. Trước khi nhà máy thủy điện Sơn La khánh thành đây được ghi nhận là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Nhà máy thủy điện Hòa Bình do Liên Xô (nay là Nga) giúp đỡ xây dựng và vận hành. Công trình khởi công xây dựng từ năm 1979-1994. Công suất sản sinh điện năng theo thiết kế là 1.920 megawatt, gồm 8 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 240.000 kilowatt. Sản lượng điện hàng năm là hơn 8,16 tỷ kilowatt giờ (KWh).
Nhà máy thủy điện Hòa Bình (Ảnh sưu tầm)
Đi vào trong khuân viên nhà máy tại sân Nhà truyền thống Thủy điện Hòa Bình có đặt một khối bê tông hình thang, trên đó có tấm biển thép khắc chìm dòng chữ: “Nơi lưu giữ bức thư của những người xây dựng Thủy điện Hòa Bình gửi thế hệ mai sau. Thư sẽ được mở vào ngày 1-1-2100”.
Du khách có thể tới Thủy điện Sông Đà bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, nếu muốn chiêm ngưỡng cảnh tượng thủy điện Hòa Bình xả nước trắng xóa, bạn nên đến vào mùa mưa, đây là thời điểm thích hợp nhất để chiêm ngưỡng cảnh quan hùng vĩ nơi đây.
Hồ thủy điện Hòa Bình
Hồ Hòa Bình được ghi nhận là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á. Lòng hồ có chiều dài 70 km, trải rộng trên địa bàn 17 xã thuộc 5 huyện, thành phố. Chỉ tính riêng trong khu vực lòng hồ có gần 50 đảo lớn nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi với diện tích 116 ha và 36 đảo núi đất diện tích gần 160 ha.
hồ Hòa Bình là một địa điểm du lịch hấp dẫn (Ảnh sưu tầm)
Cảnh quan môi trường trên lòng hồ và chung quanh hồ với những cảnh đẹp, mặt nước mênh mang, núi non và những hang động, đền thờ là những điều khiến du lịch lòng hồ thu hút được rất nhiều khách du lịch đến với Hòa Bình.
Thung Nai
Cách Hà Nội khoảng 110km, Thung Nai với sự hoà quyện của sông nước, núi non là điểm đến hấp dẫn mà bạn không thể bỏ qua. Thung Nai là một xã lòng hồ sông Đà, trực thuộc huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình, xưa vốn là xứ Mường Thàng, 1 trong những nơi sinh sống trù phú nổi tiếng của người Mường.
Trên hồ Thung Nai (Ảnh sưu tầm)
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi nhà máy thuỷ điện sông Đà mới bắt đầu được xây dựng và tích trữ nước, Thung Nai Hoà Bình trở thành hồ chứa nước khổng lồ, những ngọn núi cao trước kia trở thành những hòn đảo nhấp nhô, tạo nên một phong cảnh sơn thuỷ hữu tình.
Là một xã lòng hồ sông Đà thuộc huyện Cao Phong, nằm cách Hà Nội khoảng hơn 90km, đường vào Thung Nai sẽ đưa bạn theo hướng đi cảng Bình Than bám dọc sông Đà. Với khoảng gần 10km với đường núi với cảnh sắc vô cùng đẹp hùng vĩ của dòng sông Đà.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Thung Nai
Đền Thượng Bồng Lai
Nằm tại chân núi Đầu Rồng, thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong cách trung tâm thành phố Hòa Bình khoảng chừng 10km về phía nam, đền Bồng Lai (hay còn gọi là đền Thượng Bồng Lai) thờ Đệ nhị thượng ngàn tiên nương (tức Cô Đôi Thượng Ngàn) và các chư vị tiên thánh Tứ Phủ.
Đền Thượng Bồng Lai (Ảnh sưu tầm)
Không chỉ nổi bật với kiến trúc đẹp, đền Bồng Lai còn thu hút du khách bởi không gian thanh tịnh và màu xanh bạt ngàn của núi rừng Tây Bắc. Tất cả tạo nên một quang cảnh đẹp tựa chốn bồng lai, để lại ấn tượng khó quên trong lòng mỗi du khách khi có dịp đặt chân tới đây.
Đền Bồng Lai có 4 ngày lễ chính trong năm là lễ khai xuân (14/1 âm lịch), lễ tiệc Cô Đôi thủ đền (2/2 âm lịch), lễ vào hè (14/4 âm lịch) và lễ tất niên (14/12 âm lịch)
Ăn gì ở Kim Bôi
Thịt lợn mán Hòa Bình
Lợn bản Hòa Bình (hay còn gọi là lợn mán) là một giống lợn nhỏ, đây là loại lợn được lai từ lợn rừng và lợn nhà. Thịt lợn mán ở Hòa Bình được chăn thả trên các sườn đồi thấp, có mùi thơm và thịt chắc hơn thịt lợn nuôi tại gia. Lợn được nuôi thả và tự kiếm ăn nên thịt rất săn chắc, ăn mềm, ít mỡ và không bị ngấy. Nên chất lượng thịt của loại lợn này được đánh giá là rất thơm ngon.
Thịt lợn mán Hòa Bình (Ảnh sưu tầm)
Không giống như giống lợn nuôi thông thường, lợn mán thường rất nhỏ, trọng lượng chỉ trên dưới 10kg, thịt rất săn chắc do chủ yếu là được nuôi thả. Tại một số nơi, lợn mán còn được nuôi như vật nuôi bởi chúng rất ưa sạch sẽ và dễ thương. Đặc trưng của lợn mán là da đen dày, mỡ mỏng, thịt chắc rất thơm ngon. Do đó lợn mán được bán với giá rất cao, thậm chí lên đến vài trăm nghìn một cân thịt.
Lợn mán vốn là một trong những loài lợn rừng hoang dại, tuy nhiên trong quá trình săn bắt và thuần hóa người dân tộc Mường đã đưa lợn mán thành nguồn nhu yếu phẩm cho cuộc sống hàng ngày. Lúc đầu là để phục vụ nhu cầu thực phẩm, trải qua thời gian lợn mán trở nên tín ngưỡng và nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực miền núi Tây Bắc.
Gà chạy bộ
Với địa hình là đồi núi cao, gà được nuôi ở Thung Nai là những chú gà chạy bộ đích thực. Thịt sẽ dai chắc và thơm hơn so với gà ở dưới xuôi. Ngoài gà trong bữa ăn chính, bạn có thể đặt nhà nghỉ chuẩn bị thêm 1 vài con (tùy số lượng người) để nướng vào buổi tối.
Gà nướng than hoa ở Thung Nai (Ảnh sưu tầm)
Sau khi gà được tẩm ướp gia vị của người dân tộc Mường sẽ được kẹp vào cây và nướng trên than hồng cho tới khi chín vàng là ăn được.
Cơm lam
Không biết món cơm độc đáo này ra đời từ khi nào mà chỉ biết rằng người dân miền núi thường phải đi rừng nên họ luôn mang theo một chút gạo để khi đói sẽ chặt lấy ống tre, ống nứa bên đường, bỏ chút gạo và chút nước suối để nướng những ống cơm ăn qua bữa. Cũng bởi dễ làm thế mà không ngờ nay đã được tôn lên thành một món ăn đặc sản của núi rừng – đó là món cơm lam. Món cơm lam có rất ở nhiều nơi khu vực Tây Bắc từ người Tày, Thái, Nùng, Mông, Mường, … đều có loại cơm này. Tuy nhiên ở Hoà Bình là nổi tiếng hơn cả vì nơi đây có loại gạo nương thơm lại độc.
Đến Mai Châu có thể dễ dàng tìm gặp món cơm lam (Ảnh sưu tầm)
Ngày nay, cách làm cơm lam đã có đôi chút khác so với trước, con người không làm cơm lam để “cho qua bữa” nữa mà cơm lam đã trở thành một sản phẩm du lịch để người ta ăn “chơi” . Tuy nhiên, chúng ta vẫn dễ dàng nhận ra giá trị truyền thống của món ăn độc đáo này, nó vẫn mang đầy đủ dáng dấp của một nền văn hoá bản địa. Để thêm phần phong phú thì cơm lam có thể ăn chung cùng với thịt gà, thịt nước, măng chua…nhưng ngon nhất vẫn là cơm lam chấm muối vừng.
Ống cơm lam của người Hoà Bình thường nhỏ hơn và có mùi vị khác với Cơm Lam của các dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi như Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn…Tuy cơm lam Hoà Bình không có hạt Lạc, hạt đậu trong đó nhưng được thay bằng mùi thơm đặc trưng của dừa và nước cốt dừa, mùi của mía, của lá rừng Hoà Bình.
Xôi nếp nương
Người ta tạo ra màu xôi từ các thứ cây thân cỏ, sau đó lần lượt cho gạo màu đỏ xuống trước, sau là màu xanh, vàng, tím, trắng cho lên trên cùng. Khi xôi chín, dỡ ra rồi trộn với nhau hoặc để riêng từng màu thành loại xôi nhiều màu với hương vị khác nhau trông rất đẹp mắt.
Xôi nếp nương Mai Châu (Ảnh sưu tầm)
Xôi nếp nương được nấu từ các nguyên liệu có màu sắc khác nhau, được chiết xuất từ thiên nhiên. Đây chính là nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực các vùng miền dân tộc trên đất nước
Rau rừng thập cẩm đồ
Rau đồ thập cẩm là món ăn lâu đời của người Mường mang đậm phương thức hái lượm cổ, bởi lẽ rau đồ là việc đồ tổng hợp nhiều loại rau rừng cùng một lúc. Các loại rau bao gồm rau cải mèo, rau bợ, rau đồng, búp sung, rau đốm, lá và hoa đu đủ, lá Lốt và hoa chuối. Rửa sạch rồi thái nhỏ tất cả các loại rau, lá này rồi trộn với ít muối và cho vào chõ đồ khoảng 15 – 20 phút, đến khi gửi thấy mùi thơm nghĩa là rau đã chín. Các công đoạn hái rau, sơ chế, đồ rau rất đơn giản, tuy nhiên điều đặc biệt của món rau đồ là là phải đi hái được tổng hợp các loại rau mới ngon. Khi ăn chấm với bỗng rượu nấu vớiớt lòng cá – loại nước chấm đặc biệt của dân tộc Mường Hòa Bình.
Món rau rừng đồ thập cẩm rất phổ biến (Ảnh sưu tầm)
Ớt lòng cá – nước chấm của món rau đồ là sự kết hợp của nhiều loại nguyên liệu khác nhau, bao gồm gừng, ớt, cà chua, bỗng rượu, mẻ, thì là, hành lá và lòng cá. Đây là sự kết hợp dựa trên nguyên tắc hài hòa âm dương, lòng cá mang tính hàn, lạnh, dễ đau bụng nên tính dương, nóng của ớt và gừng để át tính hàn đồng thời có tác dụng khử mùi tanh của lòng cá. Món rau đồ thập cẩm không chỉ là món ăn mà lá Lốt có trong món này còn phát huy tác dụng chữa bệnh đau bụng do lạnh rất hiệu quả. Món rau đồ thập cẩm được người Mường sử dụng trong những bữa ăn hàng ngày.
Măng đắng
Măng ngon là thứ mầm cây thuộc họ tre, trúc, mai, vầu, sặt, nứa mới nhú khoảng 1-2 đốt ngón tay trở xuống, phần thân còn lại ngập trong đất. Hòa Bình có rất nhiều loại măng khác nhau, từ nhỏ như ngón tay tới to như bắp chân. Mỗi loại lại có cách chế biến và vị khác nhau.
Măng đắng Hòa Bình, món này có thể mua về làm quà sau chuyến đi (Ảnh sưu tầm)
Khi bóc bẹ ra, thân măng trắng muốt, nuột nà. Mùa xuân là mùa ngọt ngào nhất, mùa con ong đi lấy mật. Những đụn măng non tươi đội đất để vươn mình cùng anh chị em. Đó là lúc măng đã bắt đầu đắng. Vị đắng cứ tăng dần theo lớp mo nang chuyển từ trắng sang xanh, sau tiếng sấm đầu xuân.
Măng chua nấu thịt gà
Măng chua được người dân ở đây ủ bằng măng tươi khi hái trên rừng về, nếu là măng giang sẽ chặt nhỏ bằng ngón tay, còn măng mai, măng tre thì chỉ lấy phần non và băm thật nhỏ hoặc thái lát mỏng.
Thịt gà nấu măng chua (Ảnh sưu tầm)
Sau khi thái xong ngâm măng nước sạch khoảng 24 giờ để khử hết mùi hăng, chất đắng, sau đó vớt ra rửa sạch ngâm tiếp với nước muối 2 – 3 ngày để măng lên men. Khi nào thấy nước chuyển sang màu đục như nước gạo, có vị chua có thể sử dụng được. Măng chua làm đúng kỹ thuật, miếng măng phải giữ nguyên được màu trắng của măng tươi, nước không được có váng màu vàng.
Điều khiến măng chua ở đây ngon không nơi nào sánh kịp là măng được muối bằng nước suối nên hương vị có phần đặc trưng hơn măng muối bằng nước giếng. Măng chua có thể bảo quản hàng năm ở trong chum nhưng khi lấy ra vẫn trắng ngần, thơm nức…Có một thứ gia vị đặc biệt không thể thiếu chính là hạt dổi, bởi mùi thơm, hăng nhẹ của hạt dổi rất đặc trưng chẳng giống bất cứ loại nguyên liệu nào. Canh chua thịt gà mà thiếu hạt dổi là thiếu mất một phần hương sắc núi rừng.
Trên bếp than đỏ lửa, bập bùng, hạt dổi được cho vào nướng chín rồi đập giập. Sau đó rắc nhẹ lên bát canh nóng đang còn bốc khói thơm nghi ngút.
Rượu cần
Rượu cần là loại rượu không thể thiếu trong gia đình người Mường khi tiếp khách, vui chơi, uống trong đám cưới, mừng nhà mới, thờ cúng, lễ tạ…Rượu cần Hoà Bình là một nét văn hoá của người dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình. Rượu được chưng cất theo phương pháp truyền thống sử dụng những nguyên liệu tự nhiên cho quá trình lên men. Vì vậy mà chất lượng rượu ở đây luôn được đánh giá cao.
Mua gì làm quà khi du lịch Kim Bôi
Trên đường từ Kim Bôi về lại Hà Nội các bạn sẽ đi qua địa phận 2 huyện Cao Phong và Kỳ Sơn. Đây cũng là huyện có khá nhiều hoa quả và đặc sản. Nếu đi vào đúng mùa sẽ dễ dàng mua được 2 loại đặc sản này về làm quà.
Quất hồng bì Kỳ Sơn
Quất hồng bì là loại cây thân gỗ, cao khoảng 3 – 5m, thường mọc hoặc được trồng nhiều ở các tỉnh miền Bắc nước ta. Quất hồng bì còn có tên gọi khác là “hoàng bì”, “quất bì”, “kim đạn tử”, “do bì”, “do mai”… Tên khoa học của hồng bì là Clausena lansium (Lour.) Skeels, thuộc họ cam quýt. Không chỉ ngon, loại quả này còn có nhiều tác dụng đối với sức khỏe.
Món quất hồng bì là đặc sản ở đây (Ảnh sưu tầm)
Không biết tự bao giờ, cây quất hồng bì ở xã Dân Hòa (Kỳ Sơn, Hòa Bình) đã trở thành cây ăn quả không thể thiếu trong vườn của người dân nơi đây. Hộ nào trồng ít thì 5 – 6 cây, hộ trồng nhiều với số lượng lên đến vài chục, thậm chí hàng trăm gốc.
Tháng 7 là thời điểm quất hồng bì hoặc nhâm vòng) vào vụ thu hoạch. Hàng trăm điểm bán hồng bì dọc tuyến quốc lộ 6 đoạn từ xã Dân Hòa qua Dân Hạ đến thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn) tấp nập người mua. Với nguồn cung có hạn, gần như chỉ những ai ghé qua vùng đất Dân Hòa đúng thời điểm này mới có cơ hội thưởng thức những chùm hồng bì dày cùi mà ngọt lịm mang hương rất riêng này.
Cam Cao Phong
Các giống cam trồng tại huyện Cao Phong đều có nguồn gốc từ nơi khác. Về đặc tính cam Cao Phong có thể trồng ở các khu vực sản xuất có dạng đồi núi thấp. Thường trồng ở độ cao khoảng 300m so với mực nước biển.
Cam Cao Phong (Ảnh sưu tầm)
Đồng thời, được bao quanh bởi những dãy núi đá vôi, tầng đất canh tác dày, thoáng khí, hàm lượng dinh dưỡng cao. Cây cam cao phong thích hợp trồng ở nơi có khí hậu ôn hòa, nhiệt độ thấp hơn các nơi khác từ 3 – 4 độ C.
Lịch trình du lịch Kim Bôi
Hà Nội – Kim Bôi 2 ngày
2 ngày là đủ để bạn sắp xếp một chuyến du lịch Kim Bôi (Ảnh sưu tầm)
Ngày 1: Hà Nội – Lương Sơn – Kim Bôi
Từ trung tâm Hà Nội đi theo hướng BX Yên Nghĩa xuôi theo QL6 đến ngã tư thị trấn Lương Sơn thì đi theo đường Bãi Chạo, Bãi Sậy để tới Kim Bôi. Đường này tuy không quá rộng nhưng một bên là núi là suối, rất đẹp nhé.
Tối các bạn nghỉ ngơi ở Kim Bôi. Nên lưu ý nhớ đặt trước khách sạn ở Kim Bôi để tránh hết phòng vào dịp cao điểm. Buổi tối tắm suối khoáng Kim Bôi và thưởng thức các món ăn ngon ở Hòa Bình.
Ngày 2: Kim Bôi – Thủy điện Hòa Bình – Hà Nội
Sáng dậy sớm vệ sinh cá nhân và ăn sáng, nếu rảnh có thể nhâm nhi tách cafe cho tỉnh táo.
Ngày này không đi theo đường cũ để trở lại Hà Nội mà từ Kim Bôi rẽ ra QL6 chỗ dốc Cun, rẽ ngược lại về hướng thành phố Hòa Bình. Đến chân dốc Cun phía trung tâm thành phố Hòa Bình các bạn rẽ theo đường Tây Tiến ghé thăm Bảo tàng Văn hóa Mường. Các bạn có thể tiếp ăn tại các quán cá dọc ven sông Đà và tiếp tục ghé qua thủy điện Hòa Bình trước khi quay về lại Hà Nội.
Hà Nội – Mai Châu – Kim Bôi
Ngày 1 : Hà Nội – Hòa Bình – Mai Châu (140km)
- 6h – 9h : Xuất phát từ trung tâm Hà Nội.
- 9h – 12h30 : Tới Thành phố Hòa Bình, ghé thăm Bảo tàng văn hóa Mường, thăm nhà máy thủy điện Hòa Bình, sau đó các bạn nghỉ ngơi ăn trưa tại TP Hòa Bình.
- 12h30 – 16h00 : Đi hướng Hòa Bình – Mai Châu trên đường đi có thể dừng chân tại đèo Thung Khe ăn ngô nướng, thịt xiên, trưng nướng… và tha hồ chụp ảnh check in. Khi đến điểm dừng chân ngắm thị trấn Mai Châu có thể dừng lại chụp ảnh toàn cảnh thung lũng Mai Châu từ trên cao.
- Tối ngủ ở homestay Mai Châu và thưởng thức các món ẩm thực Mai Châu. Nếu đi theo nhóm đông các bạn có thể tổ chức các hoạt động tập thể, xem múa và đốt lửa trại.
Ngày 2 : Mai Châu – Cao Phong – Kim Bôi
- 9h : Khởi hành theo hướng QL6 về thành phố Hòa Bình, đến gần dốc Cun thì rẽ vào khu du lịch Kim Bôi.
- Ăn uống nghỉ ngơi và tối quẩy tại khu du lịch Kim Bôi.
Ngày 3 : Kim Bôi – Bãi Chạo – Hà Nội
- 9h : Khởi hành từ Kim Bôi đi theo đường về Lương Sơn, trên đường về các bạn có thể ghé qua một vài điểm du lịch của Lương Sơn như Động Đá Bạc, Suối Ngọc Vua Bà.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hòa Bình
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Mai Châu, Hòa Bình
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch phượt Thung Nai
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch thiên đường Ba Khan
Xem thêm:Khám phá những thác nước tuyệt đẹp nhất ở Hòa Bình
Xem thêm: Các món ăn ngon tại Hòa Bình
Discussion about this post