Đỉnh Tà Chì Nhù là ngọn núi cao thứ bảy của Việt Nam với độ cao 2979m, nằm trong khu vực bản Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, được ví như “đại dương trên mây” vì nổi tiếng với biển mây ở lưng chừng trời. Riêng đối với những bạn yêu thích trekking thì Trạm Tấu là một trong những điểm hấp dẫn với 2 cung đường leo Tà Chì Nhù và Tà Xùa. Vậy bạn còn ngại ngần gì mà không rủ rê ngay hội bạn thân cùng đến đây chinh phục thiên đường mây đẹp nhất nhì tại Yên Bái với các hướng dẫn của RuudNguyen.com nhé.
Tà Chì Nhù ở đâu?
Tà Chì Nhù thuộc huyện Trạm Tấu, Yên Bái (Ảnh: Trần Việt Hoàng)
Thuộc địa bàn huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, trong tiếng Thái, Tà Chì Nhù còn được gọi với tên gọi khác là Phu Song Sung còn trong tiếng Mông là Chung Chua Nhà. Núi Tà Chì Nhù có độ cao khoảng 2.979 – 2.985m so với mực nước biển. Chặng đường leo núi chinh phục Tà Chì Nhù được đánh giá là vô cùng hiểm trở và lọt top những địa điểm trekking khó nhất Việt Nam dù ngọn núi này có độ cao đứng thứ 6 trong danh sách những ngọn núi cao nhất Việt Nam. Khí hậu trên núi vô cùng khắc nghiệt, gió mạnh khiến cho quãng đường chinh phục đỉnh núi tương đối vất vả và nhiêu hiểm nguy rình rập.
Nên leo Tà Chì Nhù vào thời gian nào?
Thời gian lý tưởng để leo Tà Chì Nhù là từ tháng 10 đến tháng 3, đây là thời điểm lý tưởng để leo núi và săn mây. Tuy vậy, do địa hình núi cao nên thời tiết tương đối đa dạng, ở khu vực thấp khí hậu khô nóng vào mùa hè, càng lên cao độ ẩm lại càng cao, nhiều mây mù có thể hoá mưa gây trở ngại cho chặng đường leo núi. Do vậy, trước khi leo Tà Chì Nhù, bạn nên lưu ý tới yếu tố thời tiết.
Nên leo Tà Chì Nhù vào mùa khô để có cơ hội săn mây (Ảnh: Trần Việt Hoàng)
Thời tiết của Tà Chì Do địa hình đường dốc núi đá liên tục, lại nhiều cây bụi, không có chỗ bám nên nếu bị đi vào ngày mưa, đường sẽ rất trơn trượt, nguy hiểm. Bạn cũng nên chuẩn bị sẵn sàng áo mưa bọc balo, áo mưa bộ và găng tay gai để hỗ trợ bạn khi gặp mưa núi thất thường. Ngoài ra, nếu muốn săn hoa đỗ quyên nở các bạn hãy đi Tà Chì Nhù vào khoảng giữa mùa xuân (thường trong khoảng 2 tháng đầu năm).
Một lưu ý nhỏ về thời gian đến Tà Chì Nhù là từ tháng 5 đến tháng 8 nơi đây sẽ bước vào mùa mưa, vì vậy, việc di chuyển hay leo núi thường trở nên khó khăn gấp nhiều lần. Lời khuyên của những người có kinh nghiệm leo núi lâu năm là bạn không nên đi vào mùa mưa.
Hướng dẫn leo Tà Chì Nhù
Quãng đường từ Nghĩa Lộ vào Trạm Tấu đường nhỏ hẹp và nhiều đoạn hơi xấu (Ảnh: Trần Việt Hoàng)
Về cơ bản mà nói, đường leo Tà Chì Nhù gần như chỉ có một đường mòn độc đạo, không có quá nhiều ngã rẽ để khiến bạn có thể lạc. Nếu trong đoàn đã từng có người leo rồi, các bạn hoàn toàn có thể tự đi mà không cần sự hỗ trợ từ người dân địa phương. Nhưng nếu leo lần đầu, các bạn nên thuê người hướng dẫn để được hỗ trợ và sẽ đảm bảo an toàn hơn.
Phương tiện cá nhân
Từ Hà Nội các bạn có thể sử dụng phương tiện cá nhân (ô tô hoặc xe máy) để tới Trạm Tấu. Xuất phát theo tuyến đường đại lộ Thăng Long hoặc tuyến đường 32 đều được, đi xuôi theo QL 32 về hướng Nghĩa Lộ.
Từ TX Nghĩa Lộ còn khoảng chừng 30km nữa vào đến Trạm Tấu, tuyến đường này khá nhỏ và nhiều cua dốc. Khi tới cầu đầu tiên ngay trước khi vào thị trấn Trạm Tấu, bạn rẽ phải đi theo tuyến đường này. Cứ đi sẽ có biển hướng dẫn đường vào khu Mỏ Chì, đây sẽ là điểm bắt đầu leo. Trước kia có thể gửi xe trong mỏ luôn nhưng hiện giờ bên mỏ họ không mở cửa và cũng không nhận trông xe nên sẽ phải gửi xe ở ngoài nhà dân, cách cổng khoảng 2km.
Đoạn đường từ Trạm Tấu tới Mỏ Chì rất xấu, nếu đi ô tô phải là xe gầm cao. Nếu đi xe máy, các bạn sẽ được trải nghiệm tay lái lụa của các Porter, đây cũng sẽ là một trải nghiệm rất thú vị để bắt đầu hành trình một ngày của bạn.
Phương tiện công cộng
Hà Nội – Nghĩa Lộ – Trạm Tấu
Bạn cũng có thể lựa chọn phương tiện xe khách. Bạn ra bến xe Mỹ Đình lựa chọn các nhà xe có tuyến đi Nghĩa Lộ hoặc đi Lai Châu (có đi ngang qua Nghĩa Lộ). Các hãng xe Hà Nội có tuyến đi Yên Bái thường xuyên là Thanh Lan, Việt Phương, Hải Phượng,… Thời gian di chuyển bằng xe khách là khoảng từ 4-5 tiếng.
Từ Trạm Tấu vào Mỏ Chì
Từ Trạm Tấu vào Mỏ Chì khá xa (khoảng tầm 15km), nếu các bạn tới Trạm Tấu bằng phương tiện công cộng, các bạn có thể thuê một chuyến xe ôm vào đến chân mỏ rồi mới có thể tiếp tục leo. Theo gợi ý của mình là nên nhờ người dẫn đường của các bạn thuê trước xe giúp để chủ động hơn. Các bạn nên xuất phát sớm, muộn nhất khoảng 10 giờ sáng để đến nơi trước khi trời tối.
Từ Mỏ Chì lên lán nghỉ 2400m
Khu mỏ chì, nơi bắt đầu leo Tà Chì Nhù (Ảnh: Trần Việt Hoàng)
Trước kia, bên mỏ chì thường cho phép đi nhờ qua cổng của bên họ kèm theo dịch vụ trông giữ xe cho các đoàn leo núi. Tuy nhiên từ năm 2019 họ đã không cho đi nhờ qua cổng, các bạn sẽ được mấy chàng porter dắt đi theo hướng đường mòn ngay bên cạnh mỏ chì. Điểm bắt đầu leo này có độ cao khoảng hơn 1km.
Theo dấu chân của những người đi trước để lại, bạn bắt đầu cuộc hành trình chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù bằng những con dốc cao, có nhiều điểm leo còn không có điểm bám nên sẽ cần chuyển sang tư thế bò mới có thể tiếp tục đi. Khi càng lên cao, gần hơn với đỉnh, gió sẽ ngày càng thổi mạnh, giật từng hồi, nâng độ khó trekking lên thêm một bậc nữa. Kinh nghiệm lúc này là bạn cần hạ thấp trọng tâm để đỡ tốn sức khi leo. Càng gần tới đỉnh núi, bạn càng nên hạ thấp người, làm vậy sẽ tránh được rủi ro gió to quật ngã ra phía sau.
Leo muộn quá các bạn sẽ phải sử dụng đèn để nhìn rõ đường để đi (Ảnh: Trần Việt Hoàng)
Trên hành trình chinh phục Tà Chì Nhù, ở 3 – 4 km cuối cùng, đường đi sẽ có phần khó khăn hơn bởi cung đường sẽ là một bên đường là suối với đá tảng lớn còn một bên là vách núi treo leo. Có những đoạn đường bạn sẽ phải lội qua suối. Lưu ý di chuyển từ từ, cẩn thận trơn trượt bạn nhé!
Loài hoa đặc trưng ở đây là hoa Chi Pâu (Ảnh: Trần Việt Hoàng)
Loài hoa đặc trưng của Tà Chì Nhù – Hoa Chi Pâu. Hoa mang tên gì có lẽ đến nay vẫn chưa ai biết, ngay cả những người Mông sành sỏi như A Chư cũng chịu. Có lẽ vì thế mà người Mông đặt cho hoa lạ trên Tà Chì Nhù cái tên chi pâu (theo tiếng Mông có nghĩa là không biết, không hiểu). Hoa Chi Pâu nở rộ vào tháng 10 nên bạn hãy chọn thời điểm giữa tháng 10 sẽ là thời điểm tuyệt vời nhất để ngắm hoa Chi Pâu.
Mặc dù chặng đường leo núi Tà Chì Nhù không quá dài nhưng bạn vẫn đủ trải nghiệm sự gian nan thử thách của bộ môn trekking. Khi đặt chân đến đỉnh núi mang vẻ đẹp đến ngỡ ngàng, bạn sẽ được tha hồ ngắm cảnh đất trời Yên Bái từ trên cao. Trên đỉnh núi có một cái lán, bạn có thể dừng chân nghỉ ngơi tại khu vực này. Cái lán này nằm gần với nguồn nước tự nhiên, nếu bạn muốn cắm trại qua đêm trên đỉnh Tà Chì Nhù thì có thể sử dụng nguồn nước để tắm rửa, nấu ăn.
Ăn ngủ nghỉ như nào?
Ngủ nghỉ
Trước kia chưa có lán nghỉ thì hầu hết các đoàn đều phải mang theo lều và túi ngủ để có thể nghỉ lại qua đêm. Tuy nhiên từ năm 2018 thì một khu lán nhỏ với chăn chiếu đầy đủ đã được dựng lên ở đây để các bạn có thể ngủ đêm. Nếu không thích ngủ lán hoặc đi vào mùa đông quá hết chỗ ngủ, các bạn hoàn toàn có thể dựng lều. Có điều trên này gió khá to, các bạn chú ý tìm những khoảng trống đủ rộng nhưng khuất gió nhé.
Ăn uống
Trên khu vực nghỉ 2400m có chỗ nấu nướng, tất nhiên bằng củi. Các bạn chủ động chuẩn bị đồ ăn từ dưới núi, nhờ porter và chia nhau mang theo. Lưu ý nhớ mang đủ nước uống nhé, tổng cộng sẽ có 3 bữa ăn chính cần tính toán sao cho đủ.
Porter dẫn đường
Porter dẫn đường leo Tà Chì Nhù thường là người dân địa phương, sinh sống quanh quanh ở ngay dưới Trạm Tấu. Thường porter sẽ hỗ trợ các bạn trong việc mang vác đồ ăn cho 2 ngày trên núi nhưng đừng mang nhiều đồ nặng quá nhé.
Lưu ý khi leo Tà Chì Nhù
Nếu đi vào những ngày đẹp trời, lên đến đỉnh sẽ như này (Ảnh: Trần Việt Hoàng)
Các thành viên yêu cầu phải có sức khỏe tốt, dẻo dai, đã từng leo núi hoặc đã được rèn luyện trước như leo Hàm Lợn (Sóc Sơn, Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), Tây Thiên (Vĩnh Phúc) … hoặc trước khi leo phải dành ít nhất 2 tuần chạy bộ hoặc đi bộ, leo cầu thang bộ để rèn.
Khác với một số đỉnh núi cũng thuộc dãy Hoàng Liên Sơn như Fansipan (Lào Cai), Pu Ta Leng (Lai Châu)…, muốn lên đỉnh Tà Chì Nhù, các bạn sẽ phải trải qua nhiều con dốc. Nếu đoàn bạn đi với số lượng ít, bạn nên thuê người dẫn đường là người dân bản địa để có người đồng hành tin cậy.
Nếu thấy trời bắt đầu tối mà chưa đến điểm nghỉ, tốt nhất nên dừng lại, kiếm chỗ kín gió, đủ rộng để cắm trại để nghỉ ngơi tạm thời, không nên đi tiếp vì leo núi trời tối rất nguy hiểm. Nếu tại nơi cắm trại gió quá mạnh, các bạn cần có phương án neo dây cố định chắc chắn.
Mang theo đồ ăn vặt yêu thích nhưng phải gọn nhẹ. Đặc biệt cần là đồ ăn cung cấp năng lượng nhanh. Sáng ăn nhanh gọn, đơn giản như mỳ xúc xích, sandwich, mỳ tôm… trưa cầm theo đồ nhiều đạm ăn ngay trên đường còn tối cắm trại thì nấu cơm một bữa nóng hổi, đầy đủ để ăn.
Lịch trình leo Tà Chì Nhù
Ngày 1: Hà Nội – Nghĩa Lộ – Trạm Tấu – Lán 2400m
Sáng sớm xuất phát từ Hà Nội, thời gian di chuyển đến TX Nghĩa Lộ khoảng gần 5 tiếng. Buổi trưa các bạn có thể nghỉ giữa đường ở Nghĩa Lộ. Nếu muốn tranh thủ du lịch ở Nghĩa Lộ các bạn có thể đi từ tối hôm trước.
Tùy vào số lượng thành viên cũng như sức lực của đoàn mà các bạn sẽ mất từ 6-8 tiếng để có thể leo đến lán. Tối ăn xong thì cố gắng nghỉ sớm, lấy sức sáng hôm sau còn leo.
Ngày 2: Lán 2400m – Đỉnh Tà Chì Nhù – Trạm Tấu
Dậy thật sớm chuẩn bị đồ ăn sáng, khoảng 5h xuất phát thì tầm 8h sẽ lên được đến đỉnh. Dành 1 tiếng trên đỉnh chụp ảnh, rồi lại quay xuống lán 2400m nghỉ ngơi dọn dẹp đồ đạc. Ăn trưa xong thì di chuyển xuống núi. Ngày 2 này chặng đường sẽ dài hơn ngày 1 rất nhiều nên cần giữ sức khỏe.
Tối xuống Trạm Tấu nghỉ ngơi, có thể vào các suối nước nóng Trạm Tấu để tắm. Khu này thường rất đông vào cuối tuần nên nếu có kế hoạch cần đặt trước.
Ngày 3: Trạm Tấu – Bản – Hà Nội
Từ Trạm Tấu nếu đi xe máy các bạn có thể thức thách chính phục cung đường Trạm Tấu – Tà Xùa (Lưu ý di chuyển từ từ, cẩn thận trơn trượt bạn nhé), hoặc có thể đi ngắm cảnh ở đèo Khau Phạ. Hoặc nếu các bạn có bán tải 2 cầu có thể chạy qua bản Cu Vai chơi.
Xem thêm: Hướng dẫn trekking Tà Xùa từ hướng Yên Bái
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Mù Cang Chải
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Yên Bái
Discussion about this post