Nếu là người Việt Nam thì chắc hẳn không ai là không biết đến tỉnh Điện Biên. Đây là địa danh lịch sử nơi gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu đúng không nào. Điện Biên không chỉ là mảnh đất hào hùng trong quá khứ mà cho tới hiện tại Điện Biên còn là một điểm đến du lịch vô cùng hấp dẫn. Nếu các bạn đang cần tìm kiếm một địa điểm du lịch nào đó để vừa có thể tham quan những khu di tích lịch sử, vừa có thể ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ thì du lịch Điện Biên chắc chắn sẽ là một gợi ý hấp dẫn.
Đến du lịch Điện Biên, du khách không chỉ được tham quan những khu di tích lịch sử mà còn có cơ hội thưởng thức rất nhiều những món ăn ngon và đặc sản của Điện Biên. Dưới đây là danh sách những món đặc sản Điện Biên mà RuudNguyen.com gợi ý để bạn có thể tham khảo chuẩn bị cho chuyến đi sắp tới nhé.
Món ngon Điện Biên
Cá nướng (Pa pỉnh tộp)
Người Thái có câu “cáy măn mọk má ha, báu to pa pỉnh tộp ma sú”, nghĩa là “gà tơ tần đem đến, không bằng pa pỉnh tộp đem cho” để thể hiện sự tinh tế và sự quý trọng món ăn này. Theo tiếng Thái, “pa” có nghĩa là cá. “Pa pỉnh tộp” được hiểu là món “cá nướng gập”, mô tả đúng hình dáng của món ăn.
Cá nướng kiểu người Thái, hay còn gọi là Pa pỉnh tộp (Ảnh sưu tầm)
Nếu cá nướng Tây Bắc phải chế biến từ cá sông hay suối thì mới chuẩn vị, nhưng ở đồng bằng miền xuôi thì không dễ gì kiếm được. Vì vậy chúng ta sẽ sử dụng cá nuôi để chế biến: Cá chép, cá rô phi, cá tầm, cả quả, cá cam đều được. Tuy nhiên để nướng cá ngon nhất thì nên chọn con vừa phải, khoảng 1kg đến 1,2kg là ngon nhất. Với loại cá nhỏ quá sẽ nhiều xương dăm khi ăn dễ bị hóc, với loại cá to sẽ khó chín hơn và không ngấm hết được gia vị khi ướp.
Cá ngon, đạt chất lượng là phần ngoài hơi khô và giòn nhưng thịt bên trong phải mềm, thơm là chuẩn nhất. Để chuẩn bị Tây Bắc thì nhất định cá phải được chấm với chẩm chéo. Chỉ cần dùng vài hạt mắc khén giã nát trộn với bột canh, ớt tươi là có món chẩm chéo cơ bản của người dân tộc Thái rồi. Vị thơm của cá hòa với chẩm chéo, cay cay đầu lưỡi cực kỳ ngon miệng. Dùng chẩm chéo khác hoàn toàn khi chấm với nước mắm, bởi nước mắm có thể át đi vị thơm của cá, nhưng chẩm chéo thì lại giúp kích thích vị giác, cảm nhận tuyệt vời hơn rất nhiều.
Gà nướng mắc khén
Bạn có thể thưởng thức gà nướng trong các bản du lịch cộng đồng ở Điện Biên (Ảnh sưu tầm)
Mắc khén là loại gia vị không thể thiếu trong các món ăn của Tây Bắc, nhất là các món nướng. Nhắc đến các món nướng ở Tây Bắc mà không có món gà nướng mắc khén thì quả là thiếu sót.
Ở vùng Tây Bắc người Thái gọi món này là “cay pỉnh” có nghĩa là gà nướng. Món gà nướng của người Thái Tây Bắc được ưa thích có lẽ bởi hương vị đặc biệt tạo nên từ hạt mắc khén. Gà nướng mắc khén có da vàng, thịt thơm, vị ngọt, đậm mùi mắc khén, xả, gừng, ớt. Khi chế biến, chọn gà ngon làm sạch sau đó đem nướng.
Xôi nếp nương Điện Biên
Điện Biên ngoài những món đặc sản độc đáo như thịt khô gác bếp, rượu hang chú,… thì gạo cũng là một sản vật nổi tiếng mà không ai không biết đến. Đặc sản gạo Điện Biên có rất nhiều loại, mỗi một loại lại mang hương vị riêng làm “say lòng” thực khách. Nhưng có lẽ loại gạo có vị dẻo thơm và hấp dẫn nhất thì phải kể đến gạo nếp nương Điện Biên.
Xôi nấu từ nếp nương Điện Biên (Ảnh sưu tầm)
Những hạt gạo nếp căng tròn, bóng bẩy khi nấu lên đậm đà vị ngọt, thơm, mềm dẻo. Ai đó đã một lần nếm thử món xôi nếp nương thơm ngon được đồ bởi chính bàn tay khéo léo của đồng bào dân tộc nơi đây có thể cảm nhận được hương vị vô cùng đặc biệt, khác xa với các loại xôi khác. Nếm thử món xôi đặc sản, du khách phải cảm thán “ đúng là không có gì ngon bằng xôi nếp nương Điện Biên”.
Gà đen Tủa Chùa
Trên cao nguyên đá Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, có một giống gà đặc sản mà không vùng đất nào có được, đó là giống gà xương đen của đồng bào dân tộc Mông.
Gà đen Tủa Chùa có hàm lượng dinh dưỡng cao (Ảnh sưu tầm)
Loại gà đen của Tủa Chùa có đặc tính rất riêng biệt là “lông xước” khác hoàn toàn so với các loại gà đen ở các vùng khác. Nổi tiếng thơm ngon, thịt chắc và thơm, ai đã ăn thử một lần sẽ nhớ mãi.
Rau hoa ban
Khi những cơn mưa phùn mùa xuân vừa dứt và nắng ấm dần lên cũng là lúc vùng đất Tây Bắc chìm trong sắc trắng tinh khôi của hoa ban nở rộ. Hoa ban đã tàn cũng là lúc những chồi non nảy nở đâm ra mạnh mẽ, báo hiệu cho ta biết đã đến lúc thưởng thức món rau hoa ban.
Nộm hoa ban (Ảnh sưu tầm)
Những búp ban mới chỉ có đôi lá sẽ được người Thái hái từ những cây ban trên đồi cao, mang về rửa sạch rồi cho vào vại muối như muối dưa cải ở miền xuôi. Búp ban muối, ăn với cá sông Nậm Rốm kho thì ngon không gì sánh được.
Xôi chim Mường Thanh
Xôi chim (Ảnh sưu tầm)
Gạo được chon để đồ xôi là loại gạo nếp nương, gạo từ lúa nếp trồng trên nương rẫy. Món ăn này có độ béo ngọt nhờ được chế biến từ những con chim non mới ra ràng (chim bồ câu đã được 10 – 15 ngày tuổi, thường vươn cổ thập thò ở tổ và ra ràng để đón ăn mồi) nên thịt chim ngọt hơn, đậm đà hơn khi ăn.
Xôi được đồ trong chõ gỗ đặc biệt, chín bằng hơi, mềm dẻo chứ không dính tay, qua hai lần đồ mới dẻo thơm. Sau khi đồ lần thứ nhất, người ta đổ ra rá rồi lấy đũa trải ra cho đều, để một lúc sau lại cho vào chõ và tiếp tục đồ cho đến khi xôi chín đều. Bằng cách đồ như vậy nên cơm xôi sau khi đồ rất mềm, và dẻo để được rất lâu.
Xôi chim là món ăn rất dân dã. Trước đây, người ta hay nấu xôi chim để tẩm bổ cho những ngày gặt hái mệt nhọc. Loại chim được sử dụng để nấu xôi là chim ngói bởi vào mùa gặt cũng chính là mùa chim ngói, hơn thế nữa, chim ngói nhiều thịt, thịt vừa thơm lại vừa chắc, ăn ngon không thể tả. Tuy nhiên, hiện nay, chim ngói ngày càng trở nên hiếm, bên cạnh đó thì chim bồ câu có sẵn hơn, vị thịt cũng ngon và ngọt không kém chim ngói nên nhiều người sử dụng chim bồ câu để nấu xôi.
Bắp cải cuốn nhót xanh
Bắp cải cuốn với nhót xanh, chấm chẩm chéo thì ngon tuyệt cú mèo (Ảnh sưu tầm)
Món đặc trưng nhất là bắp cải cuốn nhót. Món ăn đã làm nên đặc trưng của người Điện Biên. Đầu tiên là phải chọn những chùm nhót xanh vừa thành quả chưa lâu. Có người thích ăn quả thật non, nhưng có lẽ nhót đạt tiêu chuẩn nhất là khi vừa đủ tầm, không non quá mà cũng già quá, lớp phấn mới chỉ mới trăng trắng.
Mùa nhót xanh đã đến, chị em là tín đồ nghiện chua không thể bỏ qua được món ăn “thần thánh” bắp cải cuộn nhót xanh chấm với chẳm chéo Tây Bắc. Còn ngại ngần gì khi chị em không tham khảo cách làm nước chấm chẳm chéo thơm thơm, cay cay danh bất hư truyền kết hợp nhót xanh chuẩn vị của người Thái.
Chẩm chéo
Chẩm chéo, gia vị truyền thống của người Thái vùng Tây Bắc (Ảnh sưu tầm)
“CHẲM” trong tiếng Thái nghĩa là “Thức Chấm”! “CHÉO” nghĩa là mùi thơm của nhiều loại rau kết hợp lại. Thực tế có rất nhiều loại “CHẲM”, tùy thuộc vào mục đích sử dụng chấm đồ ăn gì mà có loại “Chẳm” phù hợp.
Chẳm chéo chấm xôi hay chấm thịt gà thì đúng là tuyệt vời. Thứ đồ chấm được làm từ muối, ớt, tỏi và mắc khén này được làm theo công thức truyền thống của người Thái là món được nhiều người ưa chuộng. Món ăn nào mà có thêm chút chẳm chéo để chấm thì hương vị thơm ngon đậm đà hơn hẳn
Rêu nướng
Rêu được ướp gia vị trước khi nướng (Ảnh sưu tầm)
Rêu vốn dĩ chỉ được coi là 1 loại thủy sinh, nhưng với người dân tộc Tày, rêu đá là một nét văn hóa đặc sắc trong văn hóa ẩm thực. Đây là một món ăn vừa ngon, vừa bổ, lại có hương vị rất riêng. Rêu sông, suối là một món ăn từ xa xưa được nhiều dân tộc: Nùng, Thái, Mông, Mường… ưa thích. Rêu nướng được coi là đặc sản trong ẩm thực của người Tày.
Rêu đá là đặc sản chỉ có ở vùng Tây Bắc, thường mọc bám vào các gờ đá nơi lòng suối. Rêu được chia thành 3 loại. “Cui” là loại rêu mọc thành sợi như sợi tóc, màu hơi sẫm. “Cay” là loại rêu có sợi mọc rời rạc màu xanh. Và với loại rêu mọc thành từng mảng ở ao hoặc các khe suối, không bám chặt vào đá thì được gọi là “tau”.
Măng đắng
Măng đắng là một loại đặc sản Tây Bắc, trong đó có Điện Biên (Ảnh sưu tầm)
Măng đắng là một loại sản vật đặc sản mà chỉ có vùng núi rừng Tây Bắc như Điện Biên mới có. Măng đắng được mọc lên từ những dãy đồi, sườn núi khi có mưa rào măng mọc lên rất nhanh. Măng ngon nhất là được hái từ lúc còn chưa nhú khỏi mặt đất.
Vị đắng thường rất khó ăn, tuy nhiên đối với măng đắng thì lại được khá nhiều người ưa thích bởi hương vị rất lạ và có giá trị dinh dưỡng cao. Măng đắng được trồng nhiều ở miền núi, trên vùng cao Tây Bắc đâu đâu ta cũng thấy xuất hiện măng đắng. Người dân ở đây có thể hái măng đắng ở khắp mọi nơi, trong rừng sâu hoặc ra ngõ cũng có thể có măng. Theo kinh nghiệm của nhiều người, vào đầu mùa măng đắng có vị ngọt xen lẫn vị đắng. Tuy nhiên, măng đắng cứ khi có sấm thì măng bị đắng nhanh khó ăn hơn.
Hình ảnh cây măng đắng giống với các loại măng khác. Măng đắng tươi là món ăn thanh đạm, nó mọc quanh năm và mọc nhiều nhất vào mùa mưa. Cách chế biến măng đắng tươi rất dễ. Khi ăn măng, ta bỏ bẹ, thái nhỏ theo sở thích rồi cho vào nồi luộc sơ qua với ít muối cho bớt đắng. Sau đó vớt ra ngâm nước lạnh khoảng 1h là có thể chế biến được. Măng đắng luộc chấm muối vừng hoặc chấm với các loại gia vị mắc khén là món ăn phổ biến của người dân Tây Bắc trong mùa măng đắng.
Canh bon
Trước đây khi khách đến thăm nhà, bà con trong các bản làng người Thái không mời ăn canh bon vì cây này nấu không khéo sẽ bị ngứa, quan niệm sợ lời qua tiếng lại sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa khách và chủ. Có lẽ cũng vì vậy, theo phong tục của đồng bào Thái ngày cúng cơm tổ tiên thì gia chủ không nấu canh bon. Nhưng bây giờ, canh bón trở thành một món ngon, đã có mặt trong mâm cơm hằng ngày, mâm cơm đón khách của bà con.
Nguyên liệu và canh bon sau khi được chế biến (Ảnh sưu tầm)
Từ món ăn dân dã trong các gia đình, canh bon giờ đã được các nhà hàng dân tộc ở Sơn La chọn làm một trong những món canh chủ đạo để giới thiệu tới du khách gần xa. Chị Nguyễn Thị Hồng, một du khách đến từ Hà Nội đã từng thưởng thức món canh bon của đồng bào Thái Sơn La cho biết: “Khi thưởng thức canh bon này tôi thấy rất ngon. Nó có vị của các loại rau thơm pha lẫn, tạo ra một gia vị rất đặc biệt, đặc trưng của món canh bon của dân tộc Thái”.
Thịt lợn xay hấp lá chuối
Thịt lợn xay được hấp với lá chuối, một món ăn đặc trưng của người Thái (Ảnh sưu tầm)
Thịt lợn hấp lá chuối là đặc sản nổi tiếng thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ Thái. Đặc sản dân tộc thái ở Điện Biên có hương vị riêng không phải nơi nào cũng có được. Cũng là món thịt lợn hấp lá chuối, nhưng đối với cách chế biến của người Điện Biên có sự khác biệt so với những nơi khác tạo thành một món ăn đặc trưng.
Thịt lợn băm nhỏ trộn với gia vị được bọc bằng lá chuối là đặc sản của Điện Biên và cũng thực sự thú vị. Thịt lợn, loại nguyên liệu ở vùng miền nào cũng có và nó là món ăn chủ đạo trong cuộc sống hàng ngày của người Việt. Tuy nhiên qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái, món thịt băm bọc lá chuối lại mang đến cho người ăn cảm giác lạ, ít ở đâu có. Món này cũng hấp cách thủy hơn 1 tiếng đồng hồ nên thịt mềm dính chặt, quyện vào nhau, mùi thơm của thịt quyện với mùi thơm của lá chuối, của hạt tiêu càng làm hương vị trở nên đặc biệt.
Vịt om hoa chuối
Món vịt om hoa chuối của người Thái ở Mường Lay (Ảnh sưu tầm)
Bạn đã quen thuộc với món vịt om sấu hay món vịt nướng..nhưng món vịt om hoa chuối thì chưa từng thử và nghe qua. Vịt om hoa chuối là một món ăn quen thuộc với người dân bản địa. Đến Điện Biên, Vịt om hoa chuối là một món ăn chắc chắn sẽ có trên mâm cơm đãi khách của mỗi gia đình. Chính sự khéo léo, chính sự đảm đang của người phụ nữ Thái khiến món ăn này lại càng trở nên đặc biệt hơn.
Vịt om hoa chuối là một món ăn quen thuộc với người dân bản địa. Đến Điện Biên, Vịt om hoa chuối là một món ăn chắc chắn sẽ có trên mâm cơm đãi khách của mỗi gia đình. Chính sự khéo léo, chính sự đảm đang của người phụ nữ Thái khiến món ăn này lại càng trở nên đặc biệt hơn.
Ngay từ tên của món ăn: Vịt om hoa chuối, chúng ta đã biết được những nguyên liệu chính cho món ăn này: Vịt và hoa chuối. Có lẽ, đối với “người thành phố”, các bạn khó có thể biết đến “bông hoa chuối rừng”, lại càng không thể bỏ qua món ăn này. Không hề giống với những cách chế biến của người “dưới xuôi”, ở Điện Biên, hầu hết các món ăn hấp hay om đều được gói kín trong lá chuối, lá dong. Vịt om hoa chuối cũng không ngoại lệ.
Bánh Khẩu Sén
Khẩu Xén, món ăn lạ của người Thái ở Mường Lay (Ảnh sưu tầm)
Cũng tương tự như bánh chưng của người Kinh, bánh chưng gù của đồng bào dân tộc Thái đen, hay bánh dày của đồng bào Mông, thì Khẩu Xén và Khẩu Chí Chọp là món ăn không thể thiếu, để bày trên mâm cỗ ngày Tết của đồng bào Thái trắng để cúng tế tổ tiên.
Khẩu Xén là loại bánh làm từ gạo nếp hoặc sắn, sau khi say thành bột, ngâm ủ vài tiếng cho bột mềm, rồi đưa vào chõ đồ. Khi xôi chín cho thêm vừng, trứng gà ta, đường hoặc muối rồi đưa vào cối giã nhuyễn. Tiếp đó những người phụ nữ khéo tay sẽ dùng con lăn để dàn bánh thành miếng mỏng, để bánh se lại, rồi cắt theo hình thù tùy theo ý thích. Khẩu Xén sau đó đem hong gió hoặc phơi nắng nhẹ, vì khẩu xén khi khô rất giòn sẽ gẫy nát.
Đặc sản Điện Biên
Gạo Điện Biên
Gạo trồng trên cánh đồng Mường Thanh là một đặc sản nổi tiếng của Điện Biên (Ảnh sưu tầm)
Mường Thanh – Điện Biên là cánh đồng lớn nhất xứ Tây Bắc. Mường Thanh bao quanh bốn bề là núi non và có nhiệt độ trung bình ổn định từ 22 -23 độ C, chế độ mưa không nhiều, chủ yếu từ tháng 6 đến tháng 9, độ ẩm tương đối cao. Khí hậu phù hợp để cây lúa phát triển, để hạt gạo được thơm và dẻo hơn. Hơn nữa, đất đai ở Mường Thanh bằng phẳng, phì nhiêu nhất vùng Tây Bắc nên gạo ở đây cũng chất lượng cao hơn.
Gạo điện biên nổi tiếng với gạo tám là từ giống lúa lai tẻ thuần, IR64, là gạo tám có hạt nhỏ, đều, căng bóng, màu hơi đục khi thổi thành cơm thì dẻo và thơm như cơm nếp, đậm vị, nhiều nhựa, có hàm lượng dinh dưỡng cao.
Gạo Điện Biên ngoài gạo tám nổi tiếng còn có gạo nếp nương cũng nổi tiếng không kém với hạt to, dài, xôi thơm dẻo và là món quà không thể thiếu khi du khách đến Điện Biên thăm quan du lịch.Gạo Mường Thanh có thể nấu cơm lam, làm khẩu cắm, khẩu háng,khẩu papa… dùng làm lễ vật đình đám, cưới hỏi.
Sâu chít
Sâu chít là một món ăn bổ dưỡng, có thể chiên, xào hoặc ngâm rượu (Ảnh sưu tầm)
Đây vốn là loại côn trùng sống trong thân cây chít. Để biết cây nào có sâu chít , người thu hái sẽ lựa chọn những cây có dấu hiệu bệnh, không thể ra hoa (đó chính là cây đã bị ấu trùng ký sinh). Người dân bắt sâu chít bằng cách “chẻ” đôi ngọn chít để moi sâu ra. Những con sâu chít tươi rói có màu trắng sữa, căng mọng sau khi được lấy ra thường được thả trong chậu rượu nhạt. Thứ rượu ấy sẽ giữ cho sâu không bị biến chất.
Được cho là “đông trùng hạ thảo (một loại dược liệu quý của Trung Quốc) của Việt Nam”, sâu chít càng trở thành tâm điểm chú ý khi có khảo cứu khoa học về tác dụng trong hỗ trợ điều trị ung thư, tráng dương được công bố…
Đối với người dân Tây Bắc, sâu chít là niềm tự hào về sản vật đặc biệt của địa phương mình. Anh lễ tân khách sạn Him Lam tên Mẫn cho biết, sâu chít chính là một trong những đặc sản thiên nhiên “có một không hai” ở một số vùng núi phía Bắc như: Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La.
Tủa Chùa (Điện Biên) nằm ở độ cao 1.400m so với mực nước biển. Nơi đây quanh năm được bao phủ bởi mây mù nên còn được nhiều người ví như “Đà Lạt của miền Bắc”. Không chỉ nổi tiếng với nhiều loại đặc sản như gà xương đen, dê núi đá, cá sông Đà, cánh kiến… Tủa Chùa còn đặc sản chè Shan tuyết cổ thụ – “vàng xanh” của núi rừng, đây là loại cây thân gỗ cổ thụ, thân to và lá chè mọc từng chùm trên cành.
Đồng bào Mông nơi đây gọi cây chè Shan tuyết là “cây bất tử” bởi tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Người địa phương gọi loại cây đặc biệt này là chè tuyết bởi khí hậu khắc nghiệt của mùa đông miền sơn cước khiến cả cây chè bị tuyết trắng bao phủ. Nhưng mùa xuân đến, cây lại đâm chồi mơn mởn. Một cách lý giải khác cho tên gọi Shan tuyết là bởi những búp chè sau khi chế biến được phủ bên ngoài một lớp phấn trắng mỏng, lấm tấm như tuyết.
Chè Shan tuyết có 3 loại: chè ngọt, chè đắng và chè đỏ. Chè Shan tuyết Tủa Chùa có hương thơm đặc trưng, màu nước vàng óng ánh, trà mới uống có vị hơi đắng chát của mùi lá cây rừng lâu năm. Nhưng sau khi uống thì lại có vị ngọt đặc biệt lưu lại nơi đầu lưỡi.
Discussion about this post