Bắc Hà là một thị trấn nằm trên thung lũng cao, cách quốc lộ 7 khoảng 45 km về phía tây bắc từ điểm đến nổi tiếng Sapa. Bắc Hà có một số điểm tham quan đẹp mà nổi tiếng nhất là chợ phiên Bắc Hà họp vào ngày chủ nhật khi các nhóm người Tày, Dao, Nùng, Giáy và Hoa-Hmong đến chợ buôn bán tấp nập.
Toàn cảnh thị trấn Bắc Hà (Ảnh sưu tầm)
Bắc Hà cũng có chợ phiên nổi tiếng của vùng cao ở Sapa, được biết đến với cao nguyên hoa mơ, hoa mận nở trắng xóa khắp đồi tuyệt đẹp. Cái tên Bắc Hà xuất phát từ cụm từ tiếng Tày “Pạc ha” nghĩa là “trăm bó gianh”. Thời thuộc Pháp, người Pháp ghi lại âm Pạc ha bằng chữ cái latinh thành Pakha. Người Việt đọc trại thành Bắc Hà rồi trở thành tên gọi chính thức của vùng đất này.
Bắc Hà ở độ cao 1.200 mét so với mực nước biển, không ngoạn mục như Sapa ở 1.600 mét nhưng cảnh quan từ đỉnh núi tròn mờ ảo trong màn sương mù nơi đây đẹp khó cưỡng. Chẳng tiếc gì khi dành cả ngày cuối tuần ở Bắc Hà, bởi bạn sẽ cảm nhận được bầu không khí ở chợ phiên Cán Cấu đầy màu sắc vào thứ Bảy. Đến Bắc Hà, đừng quên ghé qua bản làng Hmong xung quanh Bản Phò và chợ Cốc Ly.
Nên đi du lịch Bắc Hà vào thời gian nào?
Nếu chưa một lần đến Bắc Hà chắc nhiều bạn sẽ băn khoăn không biết nên đến với “Cao nguyên trắng” này vào thời điểm nào đúng không ? Du lịch Bắc Hà vào mùa xuân, trước và sau Tết Âm lịch bạn sẽ được chiêm ngưỡng hoa mận nở trắng xóa đồi. Lễ hội đua ngựa Bắc Hà được tổ chức vào đầu tháng 6 hàng năm sau khi mận đã chín, lễ hội rước Đất rước Nước ở Bắc Hà được tổ chức vào ngày 15 tháng giêng hàng năm.
- Vào mùa xuân, trước và sau Tết Âm lịch là mùa của hoa mận nở.
- Lễ hội Đua ngựa Bắc Hà theo thông lệ được tổ chức vào đầu tháng 6 hàng năm sau khi mận đã chín.
- Lễ hội rước Đất rước Nước vào ngày 15 tháng giêng hàng năm.
- Chợ phiên Bắc Hà diễn ra vào chủ nhật hàng tuần.
- Lễ hội đền Bắc Hà vào ngày 7/7 âm lịch hàng năm
Phương tiện di chuyển
Đi từ Hà Nội – Bắc Hà
Cách Lào Cai khoảng 70km theo hướng từ Lào Cai về Hà Nội, và cách Hà Nội khoảng 300km nên để đến Bắc Hà bằng ô tô các bạn có thể đi xe khách từ bến Mỹ Đình hoặc phương tiện cá nhân.
Theo kinh nghiệm du lịch phượt Bắc Hà thuận lợi, nếu bạn chỉ tới một địa điểm duy nhất là Bắc Hà tốt nhất nên thuê xe máy để thuận tiện trong việc di chuyển và tiết kiệm chi phí. Trong trường hợp bạn muốn di chuyển tới những địa điểm khác như: Sapa, Y Tý, Lào Cai…nên đi xe máy từ Hà Nội để chủ động trong việc đi lại. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo gợi ý kết hợp du lịch Sapa trong cùng một chuyến hành trình.
Phương tiện di chuyển tại Bắc Hà
Bắc Hà là huyện miền núi nên đường xá khá nhỏ nên các bạn hoàn toàn có thể khám phá Bắc Hà bằng xe máy. 2 phương án để các bạn có thể lựa chọn là thuê xe ôm chở đến các địa điểm du lịch Bắc Hà hoặc thuê xe máy tại Bắc Hà để tự khám phá những địa điểm đó.
Trong một số trường hợp, nếu các bạn muốn kết hợp đi Bắc Hà rồi đi một vài địa điểm du lịch khác ở Lào Cai như Si Ma Cai, Y Tý hay Sa Pa thì các bạn nên chủ động mang xe máy theo.
Từ Bắc Hà đi Sapa
Từ Bến xe Bắc Hà các bạn có thể tìm xe khách đi Sa Pa hoặc xe đi Lào Cai (rồi nối chuyến đi tiếp Sa Pa). Cách này chỉ dành cho các bạn muốn đi du lịch Bắc Hà và Sa Pa trong cùng một chuyến đi và không mang theo phương tiện cá nhân.
Nhà nghỉ, homestay tại Bắc Hà
Khách sạn nhà nghỉ tại Bắc Hà
Nhìn chung khách sạn, nhà nghỉ ở Bắc Hà không nhiều có khoảng hơn 20 cơ sở lưu trú, giá cả tương đối hợp lý. Tùy theo chi phí cũng như mục đích của chuyến đi mà các bạn hãy lựa chọn cho mình một điểm nghỉ ngơi phù hợp nhất. Bên cạnh đó, tại thị trấn Bắc Hà còn có 24 nhà hàng, cơ bản có thể đáp ứng được nhu cầu nghỉ, ăn uống của khoảng 2000 khách.
Homestay ở Bắc Hà
Những năm gần đây, homestay là một trong những loại hình du lịch phát triển mạnh mẽ nhất trong các loại hình lưu trú tại Bắc Hà với hơn 40 nhà nghỉ homestay, tập trung chủ yếu tại thôn Bản Phố (Bản Phố), thôn Na Lo (Tà Chải), thôn Trung Đô (Bảo Nhai), thôn Na Hối Tày và thôn Na Hối Nùng (Na Hối).
Các địa điểm du lịch ở Bắc Hà
Dưới đây là gợi ý tổng hợp một số địa điểm du lịch ở Bắc Hà của mình. Các bạn có thể nghiên cứu và tham khảo cho kế hoạch du lịch Bắc Hà nhé.
Chợ phiên Bắc Hà
Phiên chợ Bắc Hà nằm ở chính xác tại thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Phiên chợ này cách trung tâm thành phố Lào Cai khoảng 65km. Du khách muốn đi chợ Bắc Hà có thể đi bằng nhiều phương tiện như xe ô tô, xe máy hay xe buýt… Điểm đặc biệt của phiên chợ này là chỉ họp vào sáng Chủ Nhật hàng tuần. Vì vậy, đây là điểm đến lý tưởng cho những chuyến du lịch Sapa cuối tuần.
Tổng đoạn đường đi từ Sapa đến Bắc Hà (bằng xe máy hay ô tô) dài khoảng 135km, đi khoảng 4 tiếng là đến nơi. Đặc biệt, nếu đến chợ Bắc Hà vào dịp Tết lại càng đông vui, nhộn nhịp. Con đường đi chợ Bắc Hà khá dễ đi, an toàn, vì vậy du khách cũng sẽ không quá mệt mỏi khi đến nơi.
Chợ Bắc Hà thường kết thúc vào khoảng 2 giờ chiều. Sau đó, du khách có thể về lại Sapa hoặc nghỉ ngơi tại Bắc Hà một đêm, sau đó về lại địa phương của mình nếu như đã khám phá hết Sapa.
Dinh thự Hoàng A Tưởng
Khởi công năm 1914, song đến năm 1921, dinh Vua Mèo mới được hoàn thành. Chủ nhân của dinh là cha con Hoàng Yến Chao, Hoàng A Tưởng. Hoàng A Tưởng cũng là một thổ ti ở Bắc Hà cho đến ngày Lào Cai được giải phóng. Vì thế, ngoài cái tên dinh vua Mèo, người ta còn gọi đây là dinh Hoàng A Tưởng.
Hàng trăm năm nay, người Bắc Hà (Lào Cai) xem dinh thự Hoàng A Tưởng vừa là niềm tự hào, nhưng cũng thắm đượm nỗi buồn. Tự hào khi cả một vùng cao nguyên rộng lớn toàn đá xám ngoét lại mọc lên một dinh thự tuyệt đẹp. Buồn, vì dinh thự đó đã “hút” bao nhiêu máu và nước mắt của một thời đã qua.
Từ TP Lào Cai ngược lên hướng bắc 85km, qua những cung đường uốn cong khúc khuỷu như con bạch xà là đến thị trấn Bắc Hà huyền thoại. Màu hoa đào quyện bên những xống váy mèo thơ mộng càng làm cho cao nguyên rực rỡ hơn. Bên nồi thắng cố chợ phiên, người ta rỉ tai nhau những câu chuyện về Hoàng A Tưởng…
Thung lũng hoa Thải Giàng Phố
Cách trung tâm Bắc Hà chưa tới 2km là thung lũng hoa Thải Giàng Phố. Nơi này do một đơn vị tư nhân đầu tư xây dựng để phát triển cùng với hình thức du lịch sinh thái.
Hoa Thải Giàng Phố mùa nào cũng nở. Nở xuyên suốt cả bốn mùa là phong lan. Từng nhành phong lan nơi núi đá cổng trời cùng về đây “họp mặt” với các loại phong lan mới du nhập. Bên cạnh đó, vườn hoa Việt Tú còn có các loại hoa đường phố như cẩm tú cầu, tử la lan, cát tường, dạ yến thảo, ngọc trâm… Cùng với các giò lan rừng quyến rũ, mang đậm màu sắc hoang dại là các chậu hoa đường phố sặc sỡ sắc màu.
Thung lũng hoa Thải Giàng Phố mang vẻ đẹp nguyên sơ của núi rừng Tây Bắc nhưng vẫn du nhập những loài hoa, cách gieo trồng áp dụng theo tiêu chuẩn kỹ thuật của mảnh đất Sa Pa – Đà Lạt. Vườn hoa đã nghiên cứu, bảo tồn các giống lan rừng và trồng các loại lan lai để kinh doanh. Vì vậy, đây là điểm tham quan du lịch mới hấp dẫn khi du khách đến với Bắc Hà.
Tam giác mạch ở Bắc Hà
Lào Cai du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa tam giác mạch. Do tời tiết năm nay mưa kéo dài trên diện rộng nên trong những ngày qua, tại xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà diện tích trồng hoa tam giác mạch phục vụ du lịch đã nở hoa sớm trước nửa tháng so với dự kiến.
Toàn huyện có diện tích là 2,5 ha hoa tam giác mạch ở xã Tả Van Chư được trồng từ trung tuần tháng 6 và theo tính toán hoa sẽ nở vào khoảng cuối tháng 8. Thời gian nở hoa sẽ kéo dài trong khoảng 30 ngày, tức là tới giữa tháng 9 hoa sẽ nở rộ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết, đến nay toàn bộ diện tích tam giác mạch đã bắt đầu nở hoa.
Bản Phố
Bản Phố là một xã vùng cao trong địa phận huyện Bắc Hà, Lào Cai. Với vẻ đẹp đơn sơ và sự chân chất, Bản Phố đã dần trở thành một địa điểm thú vị và hấp dẫn những khách du lịch đến với Tây Bắc. Đây cũng là nơi sản sinh ra loại rượu Ngô mang lại danh tiếng cho Bắc Hà, bản Phố là một bản của người Mông nằm cách Bắc Hà khoảng 4km.
Rượu bản Phố không cần những quá trình phức tạp tuy nhiên để tạo ra hương vị đúng chuẩn bản Phố thì chỉ có nơi đây mới làm được. Theo những người dân nơi đây, để có được một ly rượu bản Phố thơm ngon trước tiên phải dùng ngô được trồng và phát triển ở đây ngâm cùng với nước suối ở Hang Dể để trong sương lạnh. Không chỉ vậy phần men rượu phải được làm từ hạt hoa hồng my – loài hạt gần giống hạt kê nhưng có mùi thơm vô cùng đặc biệt, được trồng xen kẽ trên nương ngô.
Thắng cảnh Hang Tiên
Vẻ đẹp huyền ảo của Hang tiên được hình thành từ những giọt suối từ trên cao xuống. Dòng nước được ví như những thợ điêu khắc lành nghề, chăm chỉ, ngày ngày khắc vào vách đá tạo nên những nhũ đá muôn hình muôn dạng, khi thì là đài sen, khi là hình dáng của chú voi con uống nước, khi lại là dáng vóc của một con đại bàng đang cất cánh.
Tương truyền rằng, ngày trước ba nàng tiên được Ngọc hoàng cho đi du ngạo khắp trần gian. Đi đến nơi đây, ba nàng không kiềm lòng được trước sơn thủy hữu tình nên không chịu trở về. Ngọc hoàng biết tin vô cùng nổi giận, liền cho thiên lôi xuống trị tội.
Ba nàng có chết cũng không chịu rời đi, bèn trốn trong hang. Thiên lôi giận dữ giẫm đạp một góc núi, ba nàng biết rằng không thể nào thoát tội, bèn gieo mình suối sông tự vẫn. Xác ba nàng trôi xuống đến gần trung tâm xã Bảo Nhai hiện nay, được người dân vớt lên.
Người dân nơi đây vì tưởng nhớ đến ba nàng đã dựng lên miếu Ba cô để thờ. Nhiều du khách đi đến đây vẫn đắm mình xuống dòng sông này, hoà mình trong ánh ban mai, cầu ba nàng ban phúc cho sắc đẹp, sức dai và phú quý…
Đền Bắc Hà
Đền Bắc Hà được xây dựng từ cuối thế kỷ 19, thờ phụng hai anh em Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật, người gốc Gia Lộc, Hải Dương, lên động Ngọc Uyển xây dựng căn cứ quân sự, ổn định đời sống dân cư cả một vùng biên giới. Sách sử có ghi: “Đời vua Tự Đức năm thứ 7(1855) sắc phong các chúa Bầu (anh em Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật) làm quốc công hùng cứ Bắc Hà, làm cho vùng đất này trở thành trù phú, dân cư đông đúc”. Sử nhà Nguyễn chép “Uy thế nhà Lê nổi là nhờ sức của anh em họ Vũ đã có công đánh giặc, bờ cõi được yên, nhân dân an lạc”.
Nhà Nguyễn cũng sắc phong anh linh các chúa Bầu làm tổng binh trấn thủ Tuyên Quang. Năm Gia Long thứ nhất xét công bách thần cả nước, quốc công Vũ Văn Mật được liệt vào hàng công thần đời Lê Trung Hưng. Để tưởng nhớ người anh hùng đã có công với vùng đất này, nhân dân nơi đây đã cùng nhau xây dựng lên ngôi đền này để hàng năm tưởng nhớ về người anh hùng đã có công với nước, một thời bình ổn vùng biên giới phía Tây Bắc của Tổ Quốc.
Các món ăn ngon và đặc sản Bắc Hà
Món ăn ngon ở Bắc Hà
Phở chua Bắc Hà
Nếu như Sa Pa nổi tiếng bởi cảnh sắc thiên nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc thì Bắc Hà nổi lên là vùng đất du lịch với món phở chua Bắc Hà. Phở truyền thống Bắc Hà có 3 loại chính: phở chua, phở trộn và phở chan. Ngoài ra, tùy khẩu vị của từng thực khách, người bán hàng có thể chế biến những món phở kết hợp.
Nếu nói đến điều đặc biệt nhất ở phở Bắc Hà, hẳn phải kể đến bánh phở. Ở đây, bánh phở được chế biến thủ công từ loại gạo nương có màu phớt hồng do người Phù Lá ở Lùng Phình trồng. Tất cả các gia đình có nghề làm phở truyền thống đều tự chế biến bánh phở, vì thế bánh phở mỗi nơi lại có vị đậm khác nhau.
Thắng cố Bắc Hà
Thắng Cố được biết đến là món ăn truyền thống của người H’Mông, bắt nguồn từ vùng núi Hà Giang. Thịt nấu thắng cố theo truyền thống là thịt ngựa, về sau có thêm thịt bò, thịt trâu, thịt lợn. Món thắng cố ngựa ra đời khá lâu rồi tuy nhiên món này mới chỉ từ khi du lịch Bắc Hà phát triển mới được nhiều du khách biết tới.
Thắng cố được nấu khá đơn giản, tất cả lòng, ruột non, ruột già, phèo phổi bèo nhèo được nấu hỗn độn với xương ngựa, tiết ngựa, hôi nhưng rất bùi. Uống thêm một chén rượu ngô cho hết vị khó chịu của thắng cố bạn lại gắp thêm một miếng nữa cho vào miệng khi đó chỉ còn lại vị ngon ngọt, mùi thơm thoang thoảng của gia vị, kết hợp vị cay nồng của rượu ngô làm cho bạn muốn ăn hoài mà không thấy chán. Bạn sẽ nghiện món này khi đã được vài lần ăn thử nhé.
Xôi 7 màu của người Nùng Dín
Để có những dĩa xôi ngon tất nhiên phải chọn gạo cho ngon. Đó phải là loại gạo nếp hạt do dài, tròn, mẩy mang đi ngâm trong nước tầm 12 tiếng đồng hồ, sau đó vớt ra rồi ngâm tiếp với những nước màu trong vòng 3 giờ nữa. 7 màu của xôi được nhuộm từ một số loại cây như nghệ, hoa vàng, cây cầm hoa,…
Màu vàng của xôi có được từ màu của cây hoa vàng đem phơi khô còn màu đỏ tươi thì dùng lá xôi đũa đem luộc cho kỹ, lọc lấy nước đó dùng để ngâm gạo, màu tím cũng được lấy từ lá xôi đũa nhưng còn cần giã với tro bếp, màu xanh cửu long thì được lấy từ màu của hỗn hợp lá xôi hoa và tro bếp, làm theo tỉ lệ đã định và đem đi ngâm gạo còn màu xanh lá thì phải dùng gạo nếp đã ngâm ngả sang vàng ngâm cùng nước xôi màu xanh cửu long với lượng vừa đủ, ngoài ra xôi còn màu đỏ và nâu nữa…
Xôi 7 màu thường được ăn kèm với thịt nướng hoặc muối vừng. Những ai đã từng thưởng thức món ăn này đều không tiếc lời khen ngợi.
Cốm Bắc Hà
Trước đây, để mừng cho thành quả của những tháng ngày một nắng hai sương vất vả, đón một mùa vụ bội thu, đồng bào dân tộc Tày ở Bắc Hà thường tổ chức lễ ăn mừng cơm mới. Cũng vì thế, cốm ra đời để làm món ăn trong lễ cúng… Thế nhưng ngày nay, món ăn truyền thống này đang trở thành thứ quà hấp dẫn du khách mỗi khi đến vùng cao Bắc Hà vào tiết trời thu chớm lạnh. Theo bà con người Tày ở Bắc Hà, để làm được một mẻ cốm phải trải qua rất nhiều công đoạn, song việc đầu tiên là chọn lúa làm cốm có vai trò quan trọng.
Thông thường, lúa làm cốm thường là nếp nương, bởi loại lúa này hạt tròn, mẩy, lại giữ lâu được chất ngọt của hạt nếp, mùi thơm và độ dẻo của hạt lúa. Dù lúa nếp được cấy dưới ruộng nước hay gieo trên nương rẫy thì khi ngắt lúa về làm cốm, hạt lúa nếp phải còn chút sữa ở đầu hạt, vỏ hơi lam vàng một chút và hạt chưa chín hết, như vậy mới làm được hạt cốm vừa dẻo vừa thơm.
Bánh dày Bắc Hà
Bánh được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch (ngày giỗ tổ Vua Hùng). Có từ thời vua Hùng thứ 6, bánh chưng và bánh dày song hành cùng lịch sử dân tộc và trở thành linh hồn ngày Tết ở Bắc Bộ. Trong mâm cỗ đón xuân ngày nay, những chiếc bánh chưng xanh vuông vắn khiến ta nhớ đến sự tích bánh chưng, bánh dày tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa.
Bánh dày có 2 loại, loại phổ biến nhất là loại bánh dày trắng không nhân và loại bánh dày có nhân là đậu xanh và sợi dừa. ở Bắc Hà, người Mông làm loại bánh dày trắng không nhân.
Tết này mời bạn đến với vùng cao Bắc Hà đến với bản làng người Mông tận mắt chứng kiến người Mông giã bánh dày tết và thưởng thức bánh dày tết, bạn sẽ có thêm ấn tượng sâu đậm về vùng đất này.
Mèn mén Bắc Hà
Món ăn được làm từ những hạt ngô tẻ địa phương là thực phẩm hàng ngày của người Mông. Cứ sau mỗi mùa thu hoạch, ngô lại được đồng bào Mông phơi trên những hiên nhà hay gác bếp, chờ khi thật khô mới đem đi làm mèn mén. Tuy nhiên để có được bát thành phẩm ngon phải trải qua nhiều công đoạn và thời gian.
Món mèn mén trộn cơm được rất nhiều người Mông yêu thích vì vị ngọt, bùi, thơm của ngô và vị mềm dẻo của cơm. Tại các phiên chợ, món này còn được hòa vào nước dùng để ăn cùng phở hay mỳ.
Trước đây, người Mông thường chỉ dùng để ăn trong nhà. Tuy nhiên ngày nay, chúng đã được làm nhiều hơn để bán trong các phiên chợ. Do vậy du khách ghé thăm những phiên chợ vùng cao đều có thể tìm mua được món ăn dân dã, đặc trưng này của người Mông.
Bánh đúc ngô Bắc Hà
Nguyên liệu chính được dùng làm bánh đúc là ngô tẻ. Ngô hạt sau khi được phơi khô và làm sạch, đem nghiền sao cho bột ngô mịn nhất có thể. Sau đó là sàng toàn bộ số bột để loại bỏ mày ngô-lớp vỏ bên ngoài. Đồng thời hòa nước vôi trong với một lượng nước vừa đủ để ngâm bột ngô. Công đoạn ngâm này mất khoảng 2 ngày 2 đêm. Tiếp theo là say bột ngô đã ngâm trong chiếc cối đá của đồng bào theo kiểu say bột nước như ngày nay chúng ta vẫn thấy.
Cuối cùng là cho bột nước ngô vào nồi đun trên bếp, khuấy đều tay cho đến khi sôi, nước bột quánh lại có màu vàng đều thì bắc nồi xuống, đổ lớp bột đã chín ra các vật dụng thích hợp để nguội. Các vật dụng có thể tùy ý người dùng như một loại khuôn sẵn có để tạo hình cho bánh đúc nếu muốn và chờ bánh nguội.
Giá của một bát bánh đúc khá rẻ, dao động từ khoảng 8.000 – 10.000 đồng/bát. Chỉ với một số tiền nhỏ là bạn đã được thưởng thức một bát bánh đúc ngô thơm dẻo và rất bùi mà lại còn no nữa chứ.
Gà nướng mắc khén Bắc Hà
Gà nướng mắc khén (Ảnh sưu tầm)
Thưởng thức gà nướng ngon nhất khi chấm cùng gia vị chẩm chéo – Loại gia vị truyền thống của người dân bản địa Bắc Hà làm từ hạt mắc khén dã nhỏ trộn với muối, ớt, rau thơm dã nhỏ và cho thêm ít nước gà. Điều làm nên sự khác biệt đó chính là nhờ vào hạt mắc khén. Thứ hạt rất đặc trưng được người Bắc Hà sử dụng trong khâu tẩm ướp, để tạo hương vị thơm ngon đậm đà cho thịt.
Rau củ khởi Bắc Hà
Rau củ khởi còn gọi là rau khởi tử hay rau câu kỷ là một loại rau mọc hoang dại, là một vị thuốc Nam, có tác dụng giải nhiệt, giải độc. Người dân Lào Cai thường trồng rau củ khởi làm hàng rào, vì cây có gai, lá nhỏ, thân ken dày. Trước đây ở Lào Cai có nhiều loại rau ngon, nên rau củ khởi không được người dân chú ý mấy. Sau này, nhờ có vị hơi đắng ngòn ngọt và mùi thơm đặc trưng mà rau củ khởi trở thành đặc sản của các nhà hàng ở Lào Cai.
Rau củ khởi (Ảnh sưu tầm)
Rau củ khởi thường nấu với nước xương hầm hoặc thịt băm. Khi nấu chỉ đun nước sôi già rồi bắc nồi ra, bởi để lâu trên bếp canh sẽ bị nồng và mất mùi thơm của rau. Canh rau củ khởi ăn nóng và nguội đều ngon. Khi mới ăn, thực khách có cảm giác hơi đắng ở đầu lưỡi, nhưng sau có vị ngọt bùi đọng lại, khiến người ăn không ngán. Canh rau củ khởi rất tốt cho sức khỏe phụ nữ, trẻ em, là vị thuốc chữa say rượu rất hiệu nghiệm. Chính vì vậy, du khách khi đến Bắc Hà, Sa Pa đều rất thích ăn rau củ khởi và mua về làm quà tặng người thân.
Đặc sản Bắc Hà
Một số loại đặc sản ở Bắc Hà mà các bạn có thể mua về làm quà khi đi du lịch hoặc đi chợ phiên ở Bắc Hà. Còn với một số món ăn đặc trưng của người dân Bắc Hà, thường không có sẵn mà bạn phải nhờ người bản địa hỏi mới có thể mua được nhé.
Chó Bắc Hà
Chó xù Bắc Hà là một trong bốn giống chó đẹp nhất Việt Nam, cùng với chó Phú Quốc, H’mông cộc đuôi và Dingo Đông Dương. Chó Bắc Hà có nguồn gốc từ vùng núi Tây Bắc – vùng đất Bắc Hà thuộc địa phận tỉnh Lào Cai. Giống chó Bắc Hà còn được biết đến với cái tên là Vitespitz. Đôi khi, nó được gọi chung là chó xù hay chó xồm.
Chó Bắc Hà xù được người dân tộc H-Mông sử dụng để giữ nhà, canh gác hoặc dùng làm chó săn trong những chuyến đi rừng dài ngày. Lịch sử ghi chép lại, người dân tộc H-Mông bắt đầu sinh sống ở vùng núi Tây Bắc của Việt Nam từ cuối thời kỳ hậu Lê.
Do đó, chó Bắc Hà Lào Cai có lẽ cũng xuất hiện trong khoảng thời gian này. Như vậy, có thể khẳng định rằng, chó Bắc Hà xuất hiện ở Việt Nam từ khá sớm.
Mận hậu Bắc Hà
Khách du lịch đến với vùng đất này vào tầm tháng 6 tháng 7, khi mà nhiều vùng với cái nắng như thiêu như đốt, đến với Bắc Hà bạn sẽ vừa được thưởng ngoạn không khí mát mẻ như những ngày mùa xuân, vừa được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những vườn mận sum sê trĩu quả với những trái mận to, chín tím ngắt cả một sườn núi.
Khác với mận Lạng Sơn khi chín quả mới đỏ, mận hậu Bắc Hà không biến đổi màu vỏ ngoài, quan sát kĩ mới nhận ra được sự thay đổi của chúng khi lúc hái quả mận hơi ngả sang màu vàng nhạt. Khi bổ quả mận ra ruột quả phô ra một sắc vàng kì lạ và quyến rũ đến cả những người khó tính nhất cũng phải ngả mũ thán phục.
Rượu ngô Bắc Hà
Vào đến nhớ dốc Trung Đô, ra thì phải nhớ rượu ngô Bắc Hà” là câu nói cửa miệng của những dân bản nơi đây để nhắc những ai đặt chân đến Sapa – Lào Cai thì đừng quên ghé qua bản Phố uống rượu ngô Bắc Hà. Chẳng phải tự nhiên mà câu nói đó lại nhắc đến rượu ngô bản Phố – Bắc Hà. Với sự đặc biệt từ nguyên liệu, cách nấu đến cách thưởng thức làm cho rượu ngô Bắc Hà nổi bật trong thị trường rượu hỗn loạn bây giờ.
Rượu ngô Bắc Hà (Ảnh sưu tầm)
Rượu ngô Bắc Hà, hay còn gọi là rượu Bản Phố Bắc Hà: Là 1 loại rượu được nấu từ ngô tự nhiên, kết hợp với men được làm từ hạt hổng mi. Do tất cả các sản chất liệu tạo thành đều từ thiên nhiên. Ngô là giống ngô bà con trồng trên lương, trên đồi. Men khi chế biến từ cây hồng mi cùng 1 số loại dược liệu khác. Chính vì vậy khi uống Rượu ngô Bắc Hà không bị đau đầu, hương thơm êm say.
Thịt gừng của người Nùng Dín
Để làm món thịt gừng, người Nùng Dín tận dụng tất cả các loại xương như xương sống, xương sườn và thủ tươi nguyên không được rửa qua nước đem băm nhỏ, rồi rửa một lượng khá nhiều gừng giã nhỏ vắt bớt nước. Sau đó, trộn tất cả xương băm, gừng, muối với nhau, bóp sao cho thật nhuyễn. Khi bóp người ta còn pha thêm một chút rượu vừa phải để bảo quản và giữ được sự tươi sống của thức ăn. Thịt được cho vào loại chum có men bóng rồi đổ nước (không để cạn nước ở vành chum), giữ nhiệt độ để tránh thức ăn chuyển màu. Sau đó, đậy kín miệng chum bằng tấm ni lông, buộc chặt, khi nào dùng mới lấy ra nấu chín tuỳ theo bữa.
Người Nùng Dín thường ăn món thịt gừng theo hai cách là hấp hoặc nấu. Nếu hấp thì có thể cho thêm một chút nước, hạt tiêu, rau thơm thì món ăn sẽ toả mùi thơm hấp dẫn hơn nhiều. Nếu nấu thì đổ thêm một lượng nước tương xứng với lượng thức ăn đun chín tới, cho gia vị như mì chính, hạt tiêu hoặc rau cần tây. Kể cả người già hay trẻ nhỏ không ăn được xương thì trộn cơm với nước thịt này cũng xuýt xoa ngon miệng.
Thịt lợn muối
Thịt lợn từ lâu là một món ăn quen thuộc dân dã đối với người dân Việt Nam và đây cũng là loại thực phẩm có nhiều cách chế biến món ăn nhất. Trong các món ngon được chế biến từ thịt lợn thì thịt lợn muối là một trong những món ngon trong danh mục ẩm thực của đồng bào vùng cao Lào Cai.
Cách chế biến món thịt lợn muối hết sức đơn giản với những gia vị có sẵn trong vườn nhà. Gia vị của thịt lợn muối bao gồm các loại lá như lá quế, lá mít, lá trầu không, kèm theo ớt tươi, giềng và rượu cái nếp. Tất cả các loại lá đều được phơi khô và giã nhỏ, thịt lợn được thái vừa miếng rồi đổ rượu cái ướp cùng muối thật mặn và trộn lẫn các loại lá gia vị khô đã được giã nhỏ sau đó cho thịt vào hũ hoặc lọ để từ một đến hai tuần là có thể sử dụng được.
Nấm chân chim ở chợ Bắc Hà
Những gùi nấm chân chim nặng trĩu được các thiếu nữ Mông mang đến chợ bán thành một dãy riêng. Nấm được để trong gùi hoặc bày trên các tấm vải, trải trên thảm cỏ. Chẳng cần cân đo chính xác, các cô gái cứ đong từng bát đầy, bán với giá bình dân: hai nghìn đồng một bát. So với các loại rau xanh khác ở chợ, nấm chân chim bao giờ cũng được bán hết nhanh nhất. Nấm chân chim mua về đem xào hoặc nấu canh với thịt. Thưởng thức hương vị ngọt ngào của nấm, người ăn sẽ có kỷ niệm khó quên về Bắc Hà. Ngoài công dụng làm thực phẩm, nấm chân chim còn có nhiều lợi ích khác, được liệt vào loại dược liệu quý, là đối tượng nghiên cứu thực nghiệm về sinh học, như sinh lý học và di truyền học.
Các lễ hội tại huyện Bắc Hà
Đua ngựa Bắc Hà
Lễ hội đua ngựa truyền thống Bắc Hà – một lễ hội thể thao truyền thống đã được khôi phục và phát triển mạnh mẽ. Lễ hội đã nhân được đông đảo sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước, trở thành một sự kiện du lịch hấp dẫn thu hút khách du lich đến với tỉnh Lào Cai nói chung và huyện Bắc Hà nói riêng.
27 năm sau giải đua ngựa, bắn súng do Ban chỉ huy quân sự huyện Bắc Hà tổ chức thì Lễ hội đua ngựa truyền thống Bắc Hà mới chính thức được phục dựng trở lại. Đây cũng là hoạt động văn hóa đặc sắc hưởng ứng chương trình Hợp tác phát triển du lịch của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng diễn ra hàng năm.
Lễ hội rước Đất, rước Nước của người Tày ở Bắc Hà
Lễ hội rước Đất, rước Nước của người Tày – Bắc Hà diễn ra vào ngày rằm tháng giêng hàng năm để cầu xin Mẹ Đất, Mẹ Nước phù hộ cho đất luôn màu mỡ, cầu cho nguồn nước không bao giờ cạn, giúp dân bản có cuộc sống no đủ quanh năm.
Từ sáng sớm, dân làng đã cử một đoàn người gồm: thầy cúng, đội trống, chiêng, khèn và các cô, các chị (là những người chăm chỉ làm ăn, có cuộc sống gia đình yên bình khoẻ mạnh)… đi lên ngọn núi Pản Phố – nơi có nguồn nước trong nhất bản – rước hồn Đất, hồn Nước về dự hội.
Múa xoè Tả Chải – Bắc Hà
Ðiệu xòe Tà Chải được tổ chức trong lễ hội Lồng Tồng hằng năm và các ngày vui của đồng bào Tày đã trở nên nổi tiếng. Lồng Tồng là lễ hội xuân của người Tày cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, cầu cho mùa màng tươi tốt, thóc gạo đầy nhà… Mở đầu lễ hội là phần lễ, sau đó là phần hội với các trò chơi như ném còn, kéo co, đu quay, đẩy gậy. Và hội xòe là một phần đặc biệt không thể thiếu, luôn thu hút nhiều người tham gia nhất.
Lễ hội Say sán Bắc Hà (Lễ hội Gầu tào)
Lễ hội Gầu Tào hay còn gọi là lễ hội (Say sán) đây là một trong những lễ hội quan trọng nhất của người Mông ở Bắc Hà. Lễ hội diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày mùng 1 đến ngày rằm tháng giêng, nhằm mục đích cầu phúc hay cầu mệnh, cũng mang đầy đủ các yếu tố vật chất và tinh thần của một lễ hội dân gian cổ truyền.
Một số lịch trình du lịch Bắc Hà
Dưới đây là gợi ý mình tổng hợp một số lịch trình phượt Bắc Hà, du lịch Bắc Hà kết hợp với một vài địa điểm du lịch nổi tiếng như Y Tý, Sa Pa, Mù Cang Chải, Mộc Châu để các bạn tham khảo và lên kế hoạch cho lịch trình của mình nhé.
Bắc Hà (Ảnh sưu tầm)
Hà Nội – Bắc Hà – Hà Nội
Ngày 1: Hà Nội – Bắc Hà
Các bạn dậy sớm sau đó khởi hành đi Bắc Hà. Nơi đây cách Hà Nội khoảng tầm 300km đi theo QL 70 đến Bắc Ngầm thì để ý rẽ vào đường 153 đi Bắc Hà. Nên khởi hành từ Hà Nội khoảng sáng sớm để đến Bắc Hà không bị muộn quá. Tốt nhất các bạn nên đi vào thứ 7 để dạo chơi được chợ phiên Bắc Hà vào sáng chủ nhật.
Ngày 2: Bắc Hà – Si Ma Cai
Các bạn có thể thuê xe máy tại Bắc Hà rồi đi Si Ma Cai xem phiên chợ trâu Cán Cấu, chợ trâu lớn nhất miền Bắc. Chợ phiên tại đây họp vào sáng thứ 7 hàng tuần. Đến chiều quay lại thị trấn Bắc Hà chơi quanh quanh ở đấy, dinh Hoàng A Tưởng, đền Bắc Hà.
Ngày 3: Khám phá Bắc Hà
Sáng dậy đi chợ phiên Bắc Hà, chợ họp vào sáng chủ nhật hàng tuần. Sau khi chơi ở chợ phiên xong, có thể tiếp tục thuê xe máy đi chụp ảnh ở Thung lũng hoa, nếu đi vào mùa hoa mận hay tam giác mạch thì tới một số thôn bản gần đó để chụp ảnh. Đến tối các bạn bắt xe khách về Hà Nội.
Hà Nội – Bắc Hà – Sa Pa – Y Tý – Hà Nội
Lịch trình này phù hợp vào khoảng tháng 9 là mùa lúa ở Y Tý, Sa Pa. Với lịch trình này các bạn cần mang theo xe máy từ Hà Nội, chạy 1 chiều và gửi tàu về 1 chiều.
Ngày 1: Hà Nội – Bắc Hà
Bắc Hà cách Hà Nội khoảng 300km, khởi hành từ Hà Nội theo QL 70 đến Bắc Ngầm thì để ý rẽ vào đường 153 đi Bắc Hà. Nên khởi hành từ Hà Nội khoảng sáng sớm để đến Bắc Hà không bị muộn quá. Ngày đầu nên đi vào thứ 7 để dạo chơi được chợ phiên Bắc Hà vào sáng chủ nhật.
Ngày 2: Bắc Hà – Sa Pa
Các bạn dậy sớm đi chợ phiên Bắc Hà, có thể tạt vào thăm quan dinh Hoàng A Tưởng và đến một số khu vực có hoa mận, hoa đào, tam giác mạch… cái này tùy mùa.
Khoảng tầm trưa các bạn khởi hành từ Bắc Hà đi tiếp về Lào Cai rồi lên Sa Pa. Tùy thuộc vào hành trình, các bạn có thể ở Sa Pa 1 hoặc 2 ngày. Đến tối các bạn ngủ Sa Pa và thưởng thức các món ẩm thực vùng này nhé.
Ngày 3: Sa Pa – Mường Hum – Y Tý
Sáng dậy uống cafe ở Sa Pa rồi khởi hành từ Sa Pa đi theo hướng Ô Quy Hồ vào Mường Hum rồi từ đây vào Y Tý. Nếu ngày 3 này vào chủ nhật, các bạn có cơ hội dự chợ phiên Mường Hum. Tối ngủ Y Tý.
Ngày 4: Y Tý – Lũng Pô – Lào Cai – Hà Nội
Ngày cuối cùng này chạy theo một trong những đoạn đường có ruộng bậc thang đẹp nhất ở Y Tý, đi ngược về Bát Xát, trên đường sẽ đi qua Lũng Pô và mốc 92, nơi sông Hồng đổ vào Việt Nam. Về Lào Cai mua vé tàu và gửi xe máy về Hà Nội
Hà Nội – Bắc Hà – Sa Pa – Mù Cang Chải – Hà Nội
Ngày 1: Hà Nội – Bắc Hà
Các bạn dậy sớm sau đó khởi hành đi Bắc Hà. Nơi đây cách Hà Nội khoảng tầm 300km đi theo QL 70 đến Bắc Ngầm thì để ý rẽ vào đường 153 đi Bắc Hà. Nên khởi hành từ Hà Nội khoảng sáng sớm để đến Bắc Hà không bị muộn quá. Tốt nhất các bạn nên đi vào thứ 7 để dạo chơi được chợ phiên Bắc Hà vào sáng chủ nhật.
Ngày 2: Bắc Hà – Sa Pa
Các bạn dậy sớm đi chợ phiên Bắc Hà, có thể tạt vào thăm quan dinh Hoàng A Tưởng và đến một số khu vực có hoa mận, hoa đào, tam giác mạch… cái này tùy mùa.
Khoảng tầm trưa các bạn khởi hành từ Bắc Hà đi tiếp về Lào Cai rồi lên Sa Pa. Tùy thuộc vào hành trình, các bạn có thể ở Sa Pa 1 hoặc 2 ngày. Đến tối các bạn ngủ Sa Pa và thưởng thức các món ẩm thực vùng này nhé.
Ngày 3: Sa Pa – Ô Quy Hồ – Mù Cang Chải
Sáng các bạn dậy sớm lượn một vòng rồi uống cafe ở Sa Pa xong chạy theo đường đèo Ô Quy Hồ sang hướng Lai Châu. Khi các bạn đến ngã 3 Bình Lư thì rẽ về Than Uyên – Tân Uyên về Mù Cang Chải. Buổi tối ngủ Mù Cang Chải, nếu đi vào dịp lúa chín tầm tháng 9 thì nên đặt phòng trước khi đi nhé.
Ngày 4: Mù Cang Chải – Khau Phạ – Tú Lệ – Hà Nội
Các bạn dậy sớm khởi hành khám phá Mù Cang Chải như đồi mâm xôi rồi đi theo QL32 về Hà Nội, trên đường về sẽ khá nhiều cảnh đẹp trên đường như đèo Khau Phạ, Tú Lệ… Nếu thích các bạn có thể kéo dài thêm 1 ngày ở Mù Cang Chải để thoải mái ngắm lúa nếu đi vào mùa vàng.
Hà Nội – Bắc Hà – Sa Pa – Sìn Hồ – Mộc Châu – Mai Châu
Đây là lịch trình đi qua 2 địa điểm du lịch nổi tiếng của Lào Cai, vòng sang đất Lai Châu rồi tiếp tục ghé qua thung lũng Mộc Châu, trên đường về Hà Nội nghỉ ngơi tại Mai Châu.
Ngày 1: Hà Nội – Bắc Hà
Bắc Hà cách Hà Nội khoảng 300km, khởi hành từ Hà Nội theo QL 70 đến Bắc Ngầm thì để ý rẽ vào đường 153 đi Bắc Hà. Nên khởi hành từ Hà Nội khoảng sáng sớm để đến Bắc Hà không bị muộn quá. Ngày đầu nên đi vào thứ 7 để dạo chơi được chợ phiên Bắc Hà vào sáng chủ nhật.
Ngày 2: Bắc Hà – Sìn Hồ
Sáng các bạn dậy sớm đi chợ Bắc Hà và chơi bời quanh thị trấn rồi xuất phát đi Sìn Hồ càng sớm càng tốt. Sìn Hồ cách Bắc Hà khoảng tầm 220km nên thời gian đi cũng khá lâu. Từ Bắc Hà các bạn đi về Sa Pa, qua đèo Ô Quy Hồ rồi sang Tp Lai Châu. Từ đây đi lên huyện vùng cao Sìn Hồ của Lai Châu.
Ngày 3: Sìn Hồ – Pha Đin – Sơn La
Các bạn từ Sìn Hồ các bạn đi theo hướng Mường Lay rồi rẽ theo QL6 qua đèo Pha Đin. Đây cũng là một trong tứ đại đỉnh đèo của miền Bắc rồi dọc theo QL 6 về TP Sơn La.
Ngày 4: Tp Sơn La – Mộc Châu – Mai Châu
Từ TP Sơn La đi thẳng QL6 về Mộc Châu, các bạn có thể sắp xếp dành chút thời gian khám phá Mộc Châu rồi khoảng 15h đi về Mai Châu, Tuy khoảng cách khoảng 70km thôi nhưng có những ngày thời tiết sương mù thì đây đúng là một thử thách khó khăn đó.
Ngày 5: Mai Châu – Hà Nội
Ngày này các bạn có thể tranh thủ dạo chơi các bản khám phá Mai Châu rồi thong thả đầu giờ chiều đi về Hà Nội. Trên đường về Hà Nội có thể dừng nghỉ ở đèo Thung Khe. Lưu ý: thời gian từ Mai Châu về Hà Nội khoảng hơn 4 tiếng và quãng đường đèo đoạn Hòa Bình thường xuyên có sương mù dày đặc.
Những lưu ý khi du lịch Tây Bắc
– Trừ vài điểm đến đã được “du lịch hóa”, nhiều vùng đất dọc theo cung đường Tây Bắc còn khá hoang sơ. Vì vậy theo kinh nghiệm du lịch Tây Bắc, bạn nên tôn trọng văn hóa của người dân bản địa.
– Không trêu trọc trẻ em, không cười nói ồn ào làm phiền dân bản, không chụp ảnh dân bản nếu họ không đồng ý.
– Người dân tộc Tây Bắc rất thân thiện và hiếu khách. Nếu bạn tôn trọng họ, bạn sẽ nhận được điều ngược lại. Vì vậy, nếu muốn tìm hiểu cuộc sống và phong tục của dân bản địa, cũng không nên dòm ngó quá mức vào các góc trong nhà. Đặc biệt, không ngó nghiêng vào chỗ ngủ của gia chủ.
– Theo kinh nghiệm du lịch Tây Bắc, bạn nên mang theo thức ăn dự trữ như: bánh ngọt, lương khô, chocolate, trái cây, nước uống…
– Luôn mang theo áo ấm dù đi Tây Bắc vào mùa đông hay mùa hè.
Xem thêm: Hướng dẫn leo Bạch Mộc Lương Tử
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch phượt Y Tý
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch phượt Sapa
Xem thêm: Các địa điểm du lịch ở Lào Cai
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Lào Cai
Xem thêm: Các món ăn ngon ở Lào Cai
Discussion about this post