Hòa Bình

Kinh nghiệm du lịch phượt Thung Nai (Cập nhật 05/2024)

Cách Hà Nội khoảng 100km, Thung Nai – cái tên nghe mới lạ nhưng lại đang là điểm đến được các bạn trẻ lựa chọn để đi tới vào dịp hè. Nguyên nhân chính là do Thung Nai chính có khoảng cách khá gần với Hà Nội và cách di chuyển dễ dàng. Không những thế, ở đây còn có chi phí rẻ và cảnh đẹp thơ mông. Với vẻ đẹp hòa quyện giữa sông và núi, người dân lại hiền hậu dễ gần nên Thung Nai được ví như “Vịnh Hạ Long trên cạn”. Hãy cùng RuudNguyen.com khám phá địa danh này nhé.

Giới thiệu về Thung Nai

Phương tiện di chuyển duy nhất là thuê thuyền từ cảng Thung Nai (Ảnh sưu tầm)

Thung Nai là một xã trong lòng hồ sông Đà, huyện Cao Phong, Hòa Bình. Đây cũng là một xã thuộc diện khó khăn của tỉnh, người dân nới đây sống chủ yếu bằng nghề nông. Tuy sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên và tiềm năng du lịch khá lớn nhưng Thung Nai vẫn chưa thể phát huy hết tiềm năng du lịch của mình.

Thung Nai xưa vốn là xứ Mường Thàng, một trong những nơi sinh sống phổ biến của người Mường (gồm các mường Bi, Vang, Thàng, Ðộng). Theo như người dân bản địa kể lại, cái tên Thung Nai xuất phát từ một thung lũng trên mảnh đất này có rất nhiều nai tập trung sinh sống. Từ Thung Nai chính là cách gọi ghép của hai từ thung lũng và đàn nai rừng.

Nên đi phượt Thung Nai vào thời điểm nào ?

Bạn có thể đi du lịch Thung Nai vào bất kì thời điểm nào trong năm để tham quan, ngắm cảnh vẻ đẹp nơi đây. Nhưng bạn nên đi vào những ngày cuối tuần để thời gian thăm quan được thoải mái vui chơi hơn.

Nên đi Thung Nai vào mùa hè nhé (Ảnh: Anh Candy‎)

Nên tới Thung Nai vào mùa hè, khoảng tháng 5 đến tháng 8 để tận hưởng cảm giác mát mẻ, xa rời với cái nóng giữa hè của thủ đô. Vào các mùa khác bạn cũng có thể đến Thung Nai, tuy nhiên nếu đi vào các mùa mát hoặc lạnh trong năm thì sẽ khó để có thể cởi bỏ quần áo và nhảy ầm xuống dòng nước mát lạnh của lòng hồ được đâu. Nếu có thể bố trí thì hãy lựa chọn ngày đi vào đúng ngày rằm, buổi tối ngắm trăng giữa mênh mông biển nước sẽ là một trải nghiệm khá thú vị.

Phương tiện đi phượt Thung Nai ?

Từ Hà Nội tới cảng Thung Nai

Từ thành phố Hà Nội đến Thung Nai khoảng 120km, bạn di chuyển theo QL6 đi Hòa Bình. Cung đường đi du lịch Thung Nai từ Hà Nội khá dễ và thuận tiện, vì thế bạn có thể lựa chọn đi du lịch bằng xe ô tô hoặc xe máy.

Sơ đồ đi Thung Nai (Ảnh google map)

  • Nếu đi bằng xe khách: bạn có thể mua vé ở bến xe Mỹ Đình hoặc ra bến Yên Nghĩa, có rất nhiều hãng xe có chuyến đi đến Hòa Bình. Sau khi đến Hòa Bình bạn có thể đi taxi hoặc xe ôm đến Thung Nai.
  • Nếu bạn đi xe ô tô riêng hoặc phượt bằng xe máy: bạn di chuyển theo QL6 đi Hòa Bình, đi tới chân dốc Cun thì rẽ phải và hỏi người dân địa phương ở đấy đường đi tới điểm du lịch Thung Nai. Tại Thung Nai có các điểm trông giữ xe máy, ô tô cả ngày lẫn đêm, bạn có thể gửi xe ở các điểm này, tuy nhiên bạn nên hỏi giá gửi xe trước khi gửi để tránh bị giá cao.

Từ cảng Thung Nai ra đảo

Thuyền trên lòng hồ (Ảnh: Anh Candy)

Hiện tại thì ở Thung Nai chưa có nhiều sự lựa chọn về nhà nghỉ cho các bạn, thế nên chủ động tìm kiếm và liên hệ đặt phòng ngủ nghỉ trước khi đi cho thuận tiện nhé để họ bố trí tàu ra đón mình.

Di chuyển trên lòng hồ Hòa Bình

Nếu không định ở lại Thung Nai qua đêm, chỉ với vài tiếng vẻn vẹn các bạn chỉ cần đến cảng và thuê thuyền để đi ngắm một vòng hồ rồi về Hà Nội hoặc đi tới các địa điểm khác cũng được. Tại cảng Thung Nai có rất nhiều tàu phục vụ chở khách du lịch tham quan lòng hồ, các bạn có thể thuê nguyên một chiếc nếu đoàn đông hoặc chấp nhận đi ghép với các đoàn khác, các thuyền cũng nhận chuẩn bị đồ ăn trưa luôn nếu các bạn có nhu cầu.

Khách sạn nhà nghỉ tại Thung Nai

Đảo dừa (Ảnh: Anh Candy)

Tại Thung Nai hiện đã có một vài địa điểm nghỉ ngơi tuy không nhiều như ở các địa điểm du lịch khác nhưng cũng phần nào giải quyết được vấn đề ăn ngủ. Theo gợi ý của mình hai nơi được ưa chuộng nhất là Nhà nghỉ Cối Xay Gió và nhà nghỉ Đảo Dừa.

Các địa điểm du lịch ở Thung Nai

Nằm ngay trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình với một sự hùng vĩ rộng lớn nên bạn đừng bỏ lỡ cơ hội tham quan các điểm du lịch trong lòng hồ nhé. Mình có thể kể qua một số địa điểm nổi tiếng như Động Thác Bờ, đền Bà Chúa Thác Bờ, Suối Trạch… đều cách nơi bạn nghỉ khoảng nửa tiếng đi thuyền thôi.

Chơi gì ở Thung Nai

Bơi lội trên hồ

Vào mùa hè, Thung Nai như một chiếc bể bơi khổng lồ có thể chứa đủ 500 anh em. Với một màu xanh biếc và mát rượi để các bạn có thể thoải mái bơi lội tung tăng trên hồ giữa những ngày hè oi ả. Các bạn chú ý, mực nước trong hồ thường xuyên rất sâu (30-40m) thế nên cho dù có biết bơi cũng bắt buộc phải mặc áo phao để đảm bảo an toàn nhé.

Chèo thuyền trên lòng hồ

Nếu không thích bơi lội thì các bạn có thể thửu sức với bộ môn chèo thuyền, tuy vậy có điểm khá thú vị là nước trong hồ yên ả nên việc chèo cũng không quá khó nếu trời lặng gió. Kể cả các bạn chưa từng chèo thuyền thì cũng chỉ mất khoảng nửa tiếng là có thể làm quen với việc này.

Chèo thuyền trên hồ (Ảnh sưu tầm)

Với bộ môn này các bạn có thể lập thành những đội đua để chèo thi sang các đảo đá gần đấy cũng rất hay.

Đốt lửa trại

Nếu các bạn đến Thung Nai với một nhóm thì đây được xem là một địa điểm vô cùng thích hợp để tổ chức các hoạt động giao lưu tập thể. Trải qua một ngày vui chơi, ăn uống thì không thể thiếu tiết mục đốt lửa trại, hát hò và quẩy. Nếu muốn tốt chức đốt lửa trại các bạn chỉ cần thông báo trước với chủ cơ sở nghỉ ngơi của mình để họ chuẩn bị sẵn là được nhé.

Đốt lửa trại là một hoạt động gắn kết, giao lưu với nhau (Ảnh sưu tầm)

Công viên nước Ngòi Hoa

Với Công Viên Nước Nổi bản Ngòi, hội tụ 34 cụm trò chơi kết cấu phao nổi trên mặt nước và các môn thể thao dưới nước như: mô tô nước, thuyền bơm hơi, cano câu cá, cụm bể bơi nổi cùng các môn thể thao truyền thống địa phương như đua bè mảng, chèo thuyền tôm, nhà hàng nổi trên sông…

Công viên nước nước nằm ở Bản Ngòi Hoa (Ảnh sưu tầm)

Công viên này tọa lạc trên một vùng vịnh sông nước nên thơ, núi non tuyệt đẹp thuộc bản Ngòi, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Đây là một trong những bản Mường cổ nằm sâu trong vùng lòng hồ, nơi gần như hoang sơ nhất.

Bản Mường Giang Mỗ

Bản Giang Mỗ nằm quanh thung lũng và dưới chân núi Mỗ, xung quanh bản là màu xanh của nương lúa và núi rừng Hòa Bình. Giang Mỗ là bản của 140 hộ dân đồng bào dân tộc Mường sinh sống với những ngôi nhà sàn gỗ vẫn giữ vẻ nguyên sơ phủ màu thời gian, những vườn cây ăn trái trĩu quả.

Bản Giang Mỗ (Ảnh sưu tầm)

Đi trên con đường uốn lượn dọc triền núi xung quanh bản, du khách có thể cảm nhận được cuộc sống bình yên nơi núi rừng và có dịp tìm hiểu những phong tục, tập quán cùng đời sống thường nhật của người dân bản Mường.

Động Thác Bờ

Động Thác Bờ thuộc xóm Bưng, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc, động nằm ngay trên bến Ngọc ở sườn núi phía bắc, trong dãy núi Chủa bên bờ hồ Hòa Bình. Với nhiều câu chuyện lịch sử và cũng là nơi tránh trú sóng to gió lớn nên do đó, động Thác Bờ từ lâu đã thu hút du khách thập phương đến bái vọng và du lịch.

Động Thác Bờ mùa cạn nước (Ảnh sưu tầm)

Đến đây, du khách sẽ bắt gặp những hình thù kỳ lạ và khá sinh động. Bạn có thể thỏa sức chiêm ngưỡng và tưởng tượng ra những hình thù khác nhau của nhũ đá như cá chép hóa rồng, cây vàng, cây bạc, ô trời, lọng trời, dàn đàn đá, dàn cồng chiêng Mường… Khối dưới đất mọc lên, khối từ trên sà xuống, vô cùng đa dạng.

Vào mùa nước cạn, du khách muốn tham quan động phải leo bộ gần 100 bậc đá từ chân núi đến cửa động. Mùa nước dâng, du khách đi từ thuyền sang nhà nổi, trên một bè ghép bằng tre bương chạy dài khoảng hơn 40m là vào thẳng cửa động. 

Đến động Thác Bờ, bạn có thể kết hợp tham quan các điểm du lịch gần như đền Bà chúa Thác Bờ, suối Trạch, đảo và nhà nghỉ Cối xay gió, chợ Bờ họp vào sáng chủ nhật, bản và động Ngòi Hoa, bè nuôi cá lồng trên hồ… hoặc đi thăm bản Mường Giang Mỗ, đập thủy điện Hòa Bình…

Đền bà chúa Thác Bờ

Bà chúa Thác Bờ có tên thật là Đinh Thị Vân, là con gái một gia đình tộc trưởng người Mường ở Kim Bôi, Hòa Bình. Truyền thuyết kể rằng, bà chúa xưa vốn là tiên nữ, giáng sinh vào nhà họ Đinh, sau này, đất nước gặp nạn ngoại xâm, bà đã tập hợp dân Mường liên kết với các dân tộc khác ở vùng đất Hòa Bình, đứng lên đánh đuổi quân xâm lược. Sau khi đã đánh đuổi được bọn ngoại xâm, bà được triều đình giao cho cai quản vùng đất Mường ở Hòa Bình. Tại đây bà giúp dân ổn định cuộc sống (tương truyền Chúa Thác còn là người giúp dân trị thủy, chế ngự con sông Đà cuộn sóng hung dữ). 

Ngày nay, thác Bờ và Đền Bờ đã trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng. Lễ hội Đền Bờ được mở từ ngày mùng 2 Tết đến hết tháng 4 âm lịch. Mỗi ngày đền Bờ đón hàng ngàn khách thập phương nô nức đến lễ Phật, lễ Chúa cầu may.

Chợ Bờ

Người dân địa phường gần xa ở đây giao dịch buôn bán chủ yếu tại chợ Bờ. Có một điều đặc biệt là chợ chỉ họp vào buổi sáng và tan chợ khi còn khá sớm, khoảng tầm 8 giờ là chợ đã thưa người qua lại. Chợ nổi Thác Bờ họp phiên chủ nhật cách bến thuyền Thung Nai chừng 30 phút. 

Ngày nay, Chợ Bờ đông nhất, nhộn nhịp nhất có lẽ chỉ vào phiên cuối năm chuẩn bị đón Tết. Khi ấy, người mua, kẻ bán tấp nập, nhộn nhịp trên một vùng sông nước. Trong phiên chợ cuối năm, người ta đến đây không chỉ là nơi trao đổi, mua sắm hàng hóa mà chủ yếu chỉ để được gặp gỡ, giao lưu với bạn bè. Người đi chợ, có khi cũng chỉ mang một đôi cây măng rừng, có khi là dăm ba thứ sản vật vườn nhà. Người đến chợ, cũng có khi chỉ mua vài ba thứ lặt vặt.

Nhưng sản vật mà họ bán đi và mua lại không quý giá bằng việc họ được sống lại những ký ức huy hoàng, được chia sẻ câu chuyện xưa cũ.  Thế cũng đủ để quên đi cái hoang vắng của núi rừng nơi họ sinh ra và gắn bó. Chợ không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa mà trở thành nơi giao lưu tình cảm, kết nối nghĩa tình giữa con người với con người, giữa các dân tộc với nhau.

Suối Trạch

Suối Trạch là một trong những địa điểm không nên bỏ qua khi vào Thung Nai. Nơi đây với làn nước xanh biếc và không gian thiên nhiên trong lành là nơi tắm lý tưởng.

Suối Trạch (Ảnh sưu tầm)

Bản Ngòi Hoa

Nằm cách cảng Thung Nai gần một giờ đi tàu trên hồ thủy điện sông Đà, bản Ngòi thuộc xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc là một trong những bản cổ đẹp nhất của Hòa Bình. Theo dòng lịch sử thăng trầm trải qua nhiều thập kỷ nơi đây vẫn là ốc đảo nằm tách biệt sâu trong lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình, không có đường bộ, phương tiện đi lại chủ yếu là thuyền tôm, bè mảng, cuộc sống của người dân bản nơi đây dường như tách biệt với thế giới bên ngoài.

Bản Ngòi là một địa điểm du lịch sinh thái rất đẹp ở Hòa Bình (Ảnh sưu tầm)

Bản Ngòi là nơi cơ trú của đồng bào dân tộc Mường, sống chủ yếu dựa vào đánh bắt thủy sản tại lòng hồ Hòa Bình. Để làm nên vẻ đẹp cho ngày hôm nay, hàng chục hộ dân đã di dời những căn nhà thân yêu của mình gần sát lòng hồ lên trên cao phục vụ cho việc đắp đập xây dựng thủy điện sông Đà. Đến với bản Ngòi du khách cảm nhận nơi đây vẫn giữ được nét đẹp nguyên sơ với những nếp nhà sàn mái cọ, các mế, các em mặc váy Mường chân chất thôn quê.

Các món ăn ngon tại Thung Nai

Các món ăn phổ biến ở Thung Nai (Ảnh sưu tầm)

Đến Thung Nai đừng quên thưởng thức hương vị thơm ngon đặc biệt của cá Măng nướng sông Đà cùng với các đặc sản núi rừng như thịt gà quay, thịt lợn bản nướng mật bày trên lá chuối, măng luộc, xôi nếp nương, rượu táo mèo, rau rừng đồ chấm lòng cá…

Lợn Mường

Lợn bản Hòa Bình (hay còn gọi là lợn mán) là một giống lợn nhỏ, đây là loại lợn được lai từ lợn rừng và lợn nhà. Thịt lợn mán ở Hòa Bình được chăn thả trên các sườn đồi thấp, có mùi thơm và thịt chắc hơn thịt lợn nuôi tại gia. Lợn được nuôi thả và tự kiếm ăn nên thịt rất săn chắc, ăn mềm, ít mỡ và không bị ngấy. Nên chất lượng thịt của loại lợn này được đánh giá là rất thơm ngon.

Thịt lợn mán Hòa Bình (Ảnh sưu tầm)

Không giống như giống lợn nuôi thông thường, lợn mán thường rất nhỏ, trọng lượng chỉ trên dưới 10kg, thịt rất săn chắc do chủ yếu là được nuôi thả. Tại một số nơi, lợn mán còn được nuôi như vật nuôi bởi chúng rất ưa sạch sẽ và dễ thương. Đặc trưng của lợn mán là da đen dày,  mỡ mỏng, thịt chắc rất thơm ngon. Do đó lợn mán được bán với giá rất cao, thậm chí lên đến vài trăm nghìn một cân thịt.

Lợn mán vốn là một trong những loài lợn rừng hoang dại, tuy nhiên trong quá trình săn bắt và thuần hóa người dân tộc Mường đã đưa lợn mán thành nguồn nhu yếu phẩm cho cuộc sống hàng ngày. Lúc đầu là để phục vụ nhu cầu thực phẩm, trải qua thời gian lợn mán trở nên tín ngưỡng và nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực miền núi Tây Bắc.

Gà quay Thung Nai

Với địa hình là đồi núi cao, gà được nuôi ở Thung Nai là những chú gà chạy bộ đích thực. Thịt sẽ dai chắc và thơm hơn so với gà ở dưới xuôi. Ngoài gà trong bữa ăn chính, bạn có thể đặt nhà nghỉ chuẩn bị thêm 1 vài con (tùy số lượng người) để nướng vào buổi tối.

Gà nướng than hoa ở Thung Nai (Ảnh sưu tầm)

Sau khi gà được tẩm ướp gia vị của người dân tộc Mường sẽ được kẹp vào cây và nướng trên than hồng cho tới khi chín vàng là ăn được.

Cá sông Đà nướng

Dễ dàng bắt gặp cá kẹp que tre nướng ở mọi nơi khi du lịch Thung Nai (Ảnh sưu tầm)

Cá được đánh bắt từ sông Đà, cách chế biến cá khá đơn giản. Sau khi được làm sạch, cá được ngâm trong nước muối cho tự sạch ruột. Trước khi đem kẹp nướng, cá cũng được xát muối quanh thân và nướng trong nhiều giờ.

Cá nướng được đặt trên lá chuối xanh, ăn kèm với lá sấu non, lá mơ và lá lốt, đinh lăng, chấm với muối ớt xanh. Cá nướng thơm ngon, thịt chắc, da giòn, xém cạnh, mặn vừa đủ. Thịt cá ngọt chấm muối, cuộn trong lá lốt vừa làm mất vị tanh của cá vừa làm vị cá thêm đậm đà, càng ăn càng ngọt. Hương thơm lừng của củi than, vị mặn mòi của muối cùng vị thơm của tre và cá khiến du khách khó lòng bỏ qua.

Lịch trình đi phượt Thung Nai

Lợi thế của Thung Nai là khá gần Hà Nội nên nếu không có thêm lộ trình đi đâu nữa các bạn chỉ cần 1 ngày 1 đêm là khá đủ để khám phá nơi này. Mình sẽ chia sẻ với các bạn một số lịch trình trải nghiệm phượt Thung Nai đơn giản và cả một số lịch trình phượt Thung Nai kết hợp với các địa điểm nổi tiếng khác như Mai Châu hay Mộc Châu.

Thung Nai khá gần Hà Nội nên phù hợp cho các chuyến phượt (Ảnh sưu tầm)

Hà Nội – Thung Nai 2 ngày

Ngày 1 : Hà Nội – Thác Thăng Thiên (Kỳ Sơn) – Hòa Bình – Thung Nai

  • 7h : Xuất phát từ trung tâm Hà Nội.
  • 8h30 : Lên tới Thác Thăng Thiên, mua vé tham quan , trưa nghỉ ngơi ăn uống ngay trên đường.
  • 13h : Xuất phát từ thác Thăng Thiên đi Thung Nai.
  • Tối các bạn đặt phòng trước và nghỉ ngơi thưởng thức ẩm thực Thung Nai, đốt lửa trại và ngắm trăng lòng hồ sông Đà.

Ngày 2 : Thung Nai – Du lịch lòng hồ – Hà Nội

  • 7h : Thức dậy thuê thuyền đi thăm một số địa điểm tham quan như Động Thác Bờ, đền Bà Chúa Thác Bờ, đảo Dừa, thưởng ngoạn cảnh đẹp hùng vĩ của Thung Nai.
  • 11h : Quay lại nhà nghỉ ăn trưa, nghỉ ngơi.
  • 15h-16h: Tùy vào điều kiện nắng và thời tiết để lựa chọn có bơi tự do trên lòng hồ không nhé.
  • 16h: Các bạn lên đường xuất phát về Hà Nội.

Hà Nội – Kim Bôi – Thung Nai

Lịch trình này đi từ tối thứ 6 đến khoảng chiều chủ nhật về. Các bạn có thể sắp xếp để ngủ một đêm ở Thung Nai và một đêm ở Kim Bôi.

Ngày 1: Hà Nội – Hòa Bình – Thung Nai

Chiều tối thứ 6 xuất phát từ Hà Nội đi Thung Nai. Khoảng cách đến Thung Nai chỉ khoảng hơn 70km nên các bạn chỉ cần xuất phát từ Hà Nội khoảng 16h, đến tầm 19h các bạn đã có mặt ở Thung Nai nghỉ ngơi và ăn tối trên hồ.

Ngày 2: Khám phá lòng hồ – Kim Bôi

Nhớ liên hệ nhà nghỉ từ tối hôm trước để buổi sáng dậy có thể thuê ngày được thuyền đi khám phá lòng hồ. Mình gợi ý một số địa điểm đẹp ở Thung Nai như Đền Bà Chúa Thác Bờ, Suối Trạch, Chợ Bờ…

Trưa các bạn quay về trả phòng rồi quay lại cảng Thung Nai, từ đây các bạn chạy ngược ra QL6 rồi đi Kim Bôi. Đến tối nếu về Kim Bôi sớm thì các bạn nghỉ ngơi tắm suối nước nóng Kim Bôi.

Ngày 3: Kim Bôi – Cửu Thác Tú Sơn – Hà Nội

Buổi sáng dậy sớm từ Kim Bôi đi về Hà Nội, các bạn đi đường Bãi Chạo và ghé qua Cửu Thác Tú Sơn. Buổi trưa các bạn có thể chuẩn bị trước đồ ăn dã ngoại để tổ chức ăn uống tập thể ở Cửu Thác Tú Sơn. Đến chiều các bạn xuất phát về Hà Nội.

Hà Nội – Thung Nai – Mai Châu

Ngày 1 : Hà Nội – Hòa Bình – Mai Châu (140km)

  • 7h : Xuất phát từ trung tâm Hà Nội.
  • 10h : Tới Thành phố Hòa Bình, các bạn có thể ghé thăm luôn nhà máy thủy điện Hòa Bình rồi sau đó nghỉ ngơi ăn trưa tại TP Hòa Bình.
  • 13h – 17h : Hòa Bình – Mai Châu theo hướng QL6 trên đường đi có thể dừng chân tại đèo Thung Khe ăn ngô nướng, trứng nương, thịt xiên… chụp ảnh check in đèo đá trắng. Sau đó lên đến điểm dừng chân cột cờ ngắm thị trấn Mai Châu có thể dừng lại chụp ảnh toàn cảnh thung lũng Mai Châu từ trên cao.
  • Tối các bạn ngủ homestay nhà sàn Mai Châu, thưởng thức ẩm thực Mai Châu. Nếu đi đông người các bạn có thể tổ chức các hoạt động tập thể, xem múa và đốt lửa trại.

Ngày 2 : Mai Châu – Cao Phong – Thung Nai

  • 7h : Khởi hành theo hướng QL6 về TP Hòa Bình đến chân dốc Cun thì rẽ vào đường Tây Tiến, ghé thăm bảo tàng văn hóa Mường. Sau đó các bạn ra cảng Thung Nai lên thuyền ra nhà nghỉ mà các bạn đã đặt trước. Đến tối ngủ các bạn ngủ tại Thung Nai.

Ngày 3 : Thung Nai – Hà Nội

Buổi sáng tranh thủ dậy sớm ngắm bình minh và thuê thuyền đi khám phá lòng hồ, một số địa điểm đẹp ở Thung Nai như Đền Bà Chúa Thác Bờ, Suối Trạch, Chợ Bờ… Đến chiều các bạn quay lại cảng Thung Nai, ra đường QL6 xuôi về Hà Nội.

Một số lưu ý khi đi phượt Thung Nai

  • Hãy gọi điện đặt nhà nghỉ trước đặc biệt là vào các dịp nghỉ lễ (ít nhất 2-3 ngày). Nếu có ý định hủy thì nên báo trước từ 1-2 ngày bởi mọi vật dụng, thức ăn ở ngoài hồ không có sẵn, đều phải mang vác chuyển từ trong đất liền ra.
  • Trục đường QL6 khá đẹp tuy nhiên thường xuyên có những trạm kiểm tra tốc độ của CSGT, hãy luôn giảm tốc độ xuống dưới 50km/h khi vào khu dân cư và hạn chế đi vào buổi tối do một số đoạn không có đèn đường.
  • Khi bơi ở Thung Nai thì nên chắc chắn là bạn đang mặc áo phao cho dù bạn có bơi giỏi như Michael Phelps thì an toàn vẫn là trên hết.
  • Hãy nhớ mang theo một chiếc loa kéo hoặc bluetooth hoặc một chiếc đàn guitar sẽ khiến buổi party của bạn thú vị hơn nhiều, tất nhiên là nếu bạn có nhu cầu làm 1 đống lửa trại để hò hét.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hòa Bình

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Mai Châu, Hòa Bình

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Kim Bôi, Hòa Bình

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch thiên đường Ba Khan

Xem thêm: Khám phá những thác nước tuyệt đẹp nhất ở Hòa Bình

Xem thêm: Các món ăn ngon tại Hòa Bình

Rate this post

Recent Posts

Kinh nghiệm du lịch Hà Tĩnh (Cập nhật 05/2024)

Hà Tĩnh, nằm ở Bắc Trung Bộ, phô diễn sự khắc nghiệt của khí hậu…

3 tháng ago

Kinh Nghiệm Săn Mây Ấn Tượng Trên Cổng Trời Mường Lống

Cổng Trời Mường Lống, điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá…

3 tháng ago

Kinh nghiệm du lịch Tây Nghệ An (Cập nhật 05/2024)

Nghệ An, vùng đất của di sản và những nhân tài, từ lâu đã nổi…

3 tháng ago

Kỹ Năng Lái Xe Cần Biết Để Tránh Va Chạm Ngày Lễ

Số liệu thống kê từ các năm qua đã chỉ ra rằng, số vụ tai…

3 tháng ago

Hướng Dẫn Chống Say Xe Mà Không Cần Dùng Đến Thuốc

Việc tìm kiếm giải pháp chống say xe hiệu quả luôn là mối quan tâm…

3 tháng ago

Kinh nghiệm du lịch Cửa Lò, Nghệ An (Cập nhật 05/2024)

Du lịch Cửa Lò đã bắt đầu thu hút sự chú ý từ năm 1907,…

3 tháng ago