Hòa Bình

Kinh nghiệm du lịch Mai Châu, Hòa Bình (Cập nhật 05/2024)

Nằm ở phía Tây của Hòa Bình, giáp với huyện Mộc Châu của Sơn La và Quan Hóa của Thanh Hóa, thung lũng Mai Châu là điểm dừng chân của hàng trăm ngàn du khách đặc biệt là các đoàn khách mỗi năm để hòa mình vào thiên nhiên và khám phá cuộc sống của dân tộc Thái. Tuy không sở hữu nhiều điểm thăm quan du lịch hấp dẫn như “người anh em” Mộc Châu nhưng Mai Châu vẫn là phương án được lựa chọn rất nhiều khách du lịch và phượt thủ bởi vẻ đẹp thơ mộng, không khí trong lành mát mẻ, văn hóa đa dạng, phong phú và nét ẩm thực đặc trưng. Hãy cùng RuudNguyen.com giúp bạn khám phá địa điểm hấp dẫn này nhé.

Nên đi du lịch Mai Châu vào thời điểm nào ?

Vì là một thung lũng nên khí hậu ở Mai Châu khá ôn hòa mát mẻ và dễ chịu. Mùa hè không quá nóng, mùa đông cũng không quá lạnh. Vì thế bạn có thể du lịch Mai Châu vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm du lịch Mai Châu đẹp nhất của mình thì thời điểm Mai Châu là vào các khoảng thời gian dưới đây:

  • Tháng 11 – tháng 2: Mùa đông, không khí se lạnh, hoa đào, hoa mận nở trắng một góc Mai Châu. Thời điểm này đường tới Mai Châu hay thường xuyên bị sương mù nên cũng hạn chế góc ngắm cảnh trên đường.

Mùa hè là thời điểm khá thích hợp để lên Mai Châu tránh nóng (Ảnh sưu tầm)

  • Tháng 3 – tháng 4: Thời tiết mát mẻ, dễ chịu mùa hoa ban nở dọc tuyến đường.
  • Tháng 5 – tháng 8: Thời điểm này nếu dưới xuôi đang khá nóng nực thì khí hậu trên này tương đối mát mẻ. Mùa này không có hoa nhưng có mận và đào cho bạn hái. Vào dịp 2/9 có Tết Độc Lập thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đến tham dự.

Hướng dẫn đi đến Mai Châu

Từ Hà Nội đi Mai Châu

Mai Châu cách trung tâm Hà Nội khoảng 140km và cách TP. Hòa Bình khoảng 60km. Để di chuyển tới huyện vùng cao của Hòa Bình này các bạn có thể lựa chọn phương án đi bằng oto cá nhân, hoặc lựa chọn phương án ngồi ô tô khách đi Mai Châu. Hiện tuyến đường QL6 khá đẹp nên các bạn có thể trải nghiệm đi xe máy cũng là một gợi ý tuyệt hay.

Mai Châu không quá xa (Ảnh sưu tầm)

Tuy đường đi Mai Châu ngày nay đã đẹp hơn nhiều so với trước kia và cũng không hiểm trở như đường đi Hà Giang. Tuy nhiên dù bạn là phượt thủ lần đầu đi hay tự lái xe ô tô và đã quá quen đường thì cũng nên ghi nhớ và cẩn thận với những lưu ý sau:

  • Đoạn đường dễ xảy ra tai nạn nhất là Dốc Cun bởi Dốc quá đẹp, thẳng tắp nhưng rất dài và dốc. Kinh nghiệm là leo đèo số nào thì đổ đèo số đó, đừng thấy đường đẹp mà phóng, những tai nạn đáng tiếc nhất đến từ những đoàn đường đẹp nhất.
  • Đoạn qua đèo Thung Khe quanh co và thường có sương mù vào chiều tối hoặc đặc biệt mùa đông xuân, tầm nhìn gần như bằng 0. Lời khuyên là bạn nên đi chậm, bật pha xa và bấm còi.

Từ Hà Nội lên Mai Châu bạn có thể đi theo 2 tuyến đường chính:

– Tuyến 1: Trung tâm Hà Nội – Nguyễn Trãi – Ba La ( Hà Đông) – Xuân Mai – QL6 – Đèo Thung Khe – Ngã Ba Tòng Đậu – Mai Châu.

– Tuyến 2: Trung tâm Hà Nội – Trần Duy Hưng – Đại Lộ Thăng Long (đi tuyến tránh Hòa Lạc-Hòa Bình) – QL6 – Đèo Thung Khe – Ngã Ba Tòng Đậu – Mai Châu. (Thông thường nếu đi oto thì mình sẽ lựa chọn tuyến này).

Xe khách đi Mai Châu

Từ trung tâm Hà Nội du khách có thể đón xe tại bến xe Mỹ Đình, Yên Nghĩa đến ngã ba Tòng Đậu rồi đi xe ôm vào thị trấn cách đó khoảng chừng 5km.

Đi lại ở Mai Châu

Đi bộ

Bản Lác và bản Pom Coọng nằm sát nhau, đi bộ quanh bản là cách nhanh nhất để khám phá một Mai Châu đẹp và yên bình. Với mình thì hay lựa chọn cách đi bộ để trải nghiệm khung cảnh cuộc sống người dân nơi này. Tuy nhiên giới hạn của việc đi bộ là các bạn sẽ chỉ có thể đi quanh bản, các địa điểm xa hơn thì sẽ không đủ thời gian để đi và cũng mệt hơn nếu đã trải qua cả một ngày ngồi xe từ Hà Nội lên.

Xe đạp

Thị trấn Mai Châu khá nhỏ nên bạn có thể thuê xe đạp để dạo quanh các bản, không nhất thiết phải sử dụng đến xe máy, tại hầu hết các nhà sàn ở bản Lác đều có dịch vụ cho thuê xe đạp. Nếu đi theo đôi thì thuê 1 chiếc xe đạp đôi là lựa chọn tuyệt vời nhất.

Đạp xe ngắm hoàng hôn ở Mai Châu là một hoạt động thú vị (Ảnh sưu tầm)

Xe điện

Hiện ở Mai Châu, các bạn có thể lựa chọn dịch vụ xe điện để đi dạo quanh bản. Xe điện loại này chạy khá chậm và hiện với mức giá cho một người cũng tương đối rẻ. Nếu các bạn muốn thuê trọn chuyến để đi xa hơn các bạn cũng có thể thỏa thuận trực tiếp với người lái nhé.

Xe máy

Đến Mai Châu, nếu chỉ ở quanh các bản Lác, Poom Coọng và khu vực thị trấn có lẽ các bạn không cần sử dụng đến xe máy. Nhưng có một số địa điểm ở xa hơn như đèo Thung Khe, Ba Khan thì xe đạp hay xe điện không giải quyết được vấn đề. Nếu tự tin với kỹ năng điều khiển xe máy đường đèo thì các bạn có thể thuê một chiếc xe ở đây và tra google map nếu chưa biết đường đi.

Lưu trú ở Mai Châu

Nhà sàn truyền thống

Nếu bạn định đi du lịch Mai Châu và muốn nghỉ 1 đêm tại nhà sàn truyền thống, bạn sẽ tự hỏi nhà sàn nào đẹp nhất và có vị trí thuận lợi nhất. Thật khó để trả lời câu hỏi đó vì trong bản Lác Mai Châu có hơn 100 nhà sàn.

Đến Mai Châu ngủ homestay ở các nhà sàn (Ảnh sưu tầm)

Đây là hình thức lưu trú phổ biến khi du lịch Mai Châu. Tại đây các nhà sàn của người Thái được xây dựng chủ yếu ở bản Lác và Poom Coọng. Nói thêm về hình thức lưu trú này, người Thái thường sinh sống và xây dựng bản làng ở những nơi có dòng sông, suối, làm nhà dựa vào núi đồi, phía trước thường là những cánh đồng bao la. 

Ở bản Lác, các nhà sàn được đánh số thứ tự riêng và đi kèm với tên chủ nhà. Ngoài lưu trú, các bạn có thể thưởng thức các món đặc sản của người Thái cũng như các hình thức văn nghệ, đốt lửa trại giao lưu với đoàn văn công của bản.

Ngủ nhà sàn thường sẽ phù hợp với những đoàn đi đông, các bạn sẽ được phát đầy đủ chăn, màn, gối, đệm riêng cho từng người và lựa chọn một vị trí phù hợp để ngủ.

Khách sạn và Resort

Nếu các bạn muốn một không gian riêng tư thoải mái hơn, đặc biệt là khi nếu bạn đi cùng người yêu hoặc có con nhỏ, các bạn có thể lựa chọn ở nhà nghỉ hoặc một số resort/bungalow. Hiện có một số khách sạn, nhà nghỉ thì nằm ở ngay ngoài trục đường chính từ thị trấn Mai Châu vào trong bản, các resort thì thường nằm ở những vị trí xa hơn, cũng có một vài resort nằm ngay trên đường vào bản.

Các bạn có thể lựa chọn một số resort hay bungalow ở Mai Châu (Ảnh sưu tầm)

Nếu các bạn lựa chọn hình thức này, các bạn vẫn cứ vào bản dạo chơi, ăn uống, hát hò giao lưu văn nghệ trong bản, đến tối thì di chuyển về khách sạn/resort mà các bạn đã chọn để nghỉ ngơi nhé.

Các địa điểm du lịch Mai Châu

Không có đồi chè bạt ngàn như Mộc Châu, không có hoa Tam Giác Mạch bạt ngàn như Hà Giang, hay thác Bản Giốc hùng vỹ như Bắc Cạn, nhưng Mai Châu có những vẻ đẹp nhẹ nhàng và bất ngờ khiến bạn không khỏi ngẩn ngơ, chỉ là những địa điểm đó nằm e ấp đâu đó sau những dãy núi, những cánh rừng mà không phải ai cũng biết.

Có nhiều người nói đi Mai Châu chẳng có gì đẹp (Ảnh sưu tầm)

Ngoài ra, Mai Châu từ lâu đã nổi tiếng với những di tích, danh thắng là điểm thu hút đông đảo khách du lịch như: hang Khoài, hang Láng, hang Chiều, hang Bộ Đội, bản Lác (Chiềng Châu), bản Bước (Xăm Khoè), xóm Hang Kia (Hang Kia)…

Chơi gì ở Mai Châu

Lên Mai Châu các bạn có thể khám phá những địa điểm được mình gợi ý và liệt kê phía dưới đây. Đến buổi tối bạn cũng có thể dạo quanh khu vực Bản Lác và tham gia vào các hoạt động văn nghệ, lửa trại hoặc cũng có thể xem các tiết mục biểu diễn văn nghệ của các chàng trai cô gái Thái ở Mai Châu.

Đạp xe quanh bản

Với không khí thời tiết quanh năm mát mẻ trong lành, để cho buổi sáng thức dậy tràn đầy năng lượng thì các bạn hoàn toàn có thể thuê một chiếc xe đạp để dạo chơi quanh Bản Lác và xuyên sang Poom Coọng. 

Ngồi uống cafe ngắm Mai Châu

Nếu thích có những khoảng thời gian thư thái ngồi trò chuyện cùng người yêu, bạn bè và cùng nhâm nhi cafe thì các bạn có thể tới bản Poom Coọng. Nơi đây có một vài quán cafe nằm trong một khuôn viên khách sạn với view ngắm nhìn cảnh rất đẹp.

Ngồi uống cafe và ngắm mây trời Mai Châu (Ảnh sưu tầm)

Tour xe điện

Xe điện ở Mai Châu bây giờ đã xuất hiện khá nhiều, mỗi chiếc xe có thể chở được gần 10 người và chúng được phép hoạt động nên có thể đi sâu vào trong các bản. Nếu đi theo team thì các bạn có thể thuê một chiếc xe điện với giá trọn gói để được đi một vòng quanh 8 bản nho nhỏ ở Mai Châu, thời gian đi khoảng vẻn vẹn 2 tiếng tùy vào các điểm dừng nghỉ.

Đèo Thung Khe

Nằm giữa Tân Lạc và Mai Châu (Hòa Bình) trên đường quốc lộ 6, đèo Thung Khe hay đèo Đá Trắng buổi sớm là bầu trời trong trẻo, buổi trưa là nắng gắt trời xanh, buổi chiều dìu dịu với ánh nắng chiều và đêm là sương mù giăng khắp lối. Với độ cao hơn 1000m so với mực nước biển, đứng trên đỉnh đèo Thung Khe bạn có thể phóng tầm mắt tận hưởng bức tranh toàn của Mai Châu xinh đẹp, xanh tươi và bình yên ngay dưới chân.

Đèo Thung Khe hay còn gọi là đèo Đá Trắng (Ảnh sưu tầm)

Đến với đèo Thung Khe, du khách không khỏi ấn tượng với cảnh sắc thiên nhiên vô cùng hùng vĩ, tươi đẹp với con đường đèo mềm mại, quanh co phủ ngập bởi màu xanh tươi mới của cỏ cây. Một trong những vẻ đẹp đặc trưng ghi dấu ấn của đèo Thung Khe đó chính là những màn sương mù dày đặc, bao phủ quanh đèo khiến người ta có cảm giác mình đang lạc vào xứ sở thần tiên.

Cột cờ Mai Châu

Qua khỏi đèo Thung Khe, trước khi xuống đến ngã 3 Tòng Đậu để đi vào trung tâm Mai Châu, bạn sẽ đi qua một điểm mà không thể bỏ lỡ đó là cột cờ Mai Châu. Trước kia, khu vực này vốn chỉ là một khoảng đất trống mà từ đó có thể ngắm toàn cảnh Mai Châu, sau này được cơi nới đổ bê tông và dựng lên ở đó một chiếc cột cờ.

Cột cờ Mai Châu (Ảnh sưu tầm)

Cột cờ Mai Châu là điểm dừng chân vô cùng độc đáo khi bạn tới du lịch nơi đây. Đứng từ cột cờ, dưới ánh nắng vàng bạn sẽ nhìn bao quát được cả thung lũng Mai Châu từ xa, nhìn thấy mây trắng lững lờ bên sườn núi giống như mình đang lạc vào chốn bồng lai. Khi bạn đến mai Châu mà không ghé cột cờ quả thật đáng tiếc, đây cũng là địa điểm mà nhiều bạn trẻ dừng chân chụp ảnh

Bản Lác

Đặc sản của bản Lác, Mai Châu trước hết phải kể đến khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời ở nơi đây. Nếu là lần đầu tiên ghé thăm mảnh đất này, bạn chắc chắn sẽ bị choáng ngợp ngay từ khi ngồi trên xe để leo lên những con đèo khúc khuỷu, quanh co, hai bên là dãy núi đá sừng sững và vực dốc thăm thẳm.

Một góc bình yên Bản Lác (Ảnh sưu tầm)

Bản Lác đã là một điểm du lịch cộng đồng rất quen thuộc với rất nhiều người. Không phải là một nơi sầm uất, tấp nập, không hào hoa tráng lệ, không cao sơn mỹ vị mà tất cả đều dân dã, tự nhiên, gần gũi thân thiện khiến du khách một lần tới đây sẽ nhớ mãi không quên. Bản Lác còn là nơi in đậm bản sắc văn hóa người Thái trắng 5 dòng họ người dân tộc Thái sinh sống ở bản Lác là Hà, Lò, Vì, Mác, Lộc.  Trước đây dân bản họ chỉ sống dựa và nghề trồng lúa nương và dệt thổ cẩm, sau này vẻ đẹp tiềm ẩn của bản Lác đã dần được du khách khám phá. Và cũng từ đó mọi người trong bản đều làm về du lịch và cái tên bản Lác là một trong những vùng trọng điểm về du lịch ở Mai Châu.

Bản Poom Coọng

Pom Coọng nghĩa là bản của những quả đồi nằm trên cái trống lớn, ngụ ý chỉ đồng ruộng – một cái tên giàu tượng hình và nhiều ý nghĩa. Bản Pom Coọng, có ý nghĩa rất hay và độc đáo, từ ”Pom” trong tiếng Thái là quả đồi, còn ”Coọng” nghĩa là cái trống, ghép cả hai từ Pom Coọng với nhau có nghĩa là bản làng có những quả đồi nằm bên trên một cái trống lớn, ngụ ý sâu xa chỉ đồng ruộng mênh mông.

Mặt trời mọc trên bản Pom Coọng (Ảnh sưu tầm)

Bản Văn

Cách trung tâm thị trấn Mai Châu chỉ khoảng 1km, Bản Văn nằm dưới chân núi Pù Văn là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái, người Thái ở đây chủ yếu sống bằng nghề các nghề truyền thống như dệt vải, trồng lúa nước, chăn nuôi…

Cùng với đồng bào dân tộc Thái huyện Mai Châu, người Thái ở bản Văn sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước, chăn nuôi và các nghề truyền thống như dệt vải, đan lát. Đi sâu vào trong bản đến gia đình nào cũng thấy đường làng ngõ xóm được quét dọn sạch sẽ, công trình phụ hợp vệ sinh. Những ngôi nhà sàn hiện đại vẫn lưu giữ được nét cổ truyền sẵn sàng đón nhận du khách tới thăm quan nghỉ dưỡng.

Bản Văn (Ảnh sưu tầm)

Đến với Bản Văn du khách sẽ được tìm hiểu những món ăn độc đáo của người Thái như: xôi đồ, cá nướng, cơm lam – món ăn đặc sản không thể thiếu trong dịp lễ tết. Trước kia lương thực người Thái dùng hàng ngày là gạo nếp, xôi nếp đồ là món ăn đặc trưng của người Thái. Từ gạo nếp, người Thái có thể đồ thành xôi và trộn với ngô hay sắn hoặc nhuộm lá cây làm xôi ngũ sắc. Ngoài xôi, người Thái cũng chế biến cơm nếp thành cơm lam – món ăn được du khách ưa thích và cũng là món quà đầy hương vị Tây Bắc để du khách làm quà khi trở về. Cách thị trấn không xa nhưng bản Văn vẫn còn giữ nguyên những nét hoang sơ mộc mạc của người Thái.

Bản Bước

Bản Bước (Ảnh sưu tầm)

Cách trung tâm huyện khoảng 25km về phía Tây Nam, Bản Bước xã Xăm Khòe nằm trọn trên một khu đồi được bao phủ bởi rừng cọ xanh. Xóm Bước vẫn giữ được nét nguyên sơ, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Cũng vì lẽ đó mà nơi đây được chọn để xây dựng dự án “Bản người Thái gắn với du lịch”.

Điểm thú vị và khác biệt khi du lịch ở Bản Bước là du khách có thể đến và nghỉ lại dài ngày tại bản có thể là 2 – 3 tháng. Trong khoảng thời gian đó, du khách sẽ được thăm quan tập quán canh tác lúa nước, làm nương, nếu muốn, du khách có thể trực tiếp tham gia lao động sản xuất với bà con dân tộc nơi đây. Nhiều hoạt động hấp dẫn như theo chân những cô gái mười bẩy đôi mươi lên đồi kiếm bông lau dệt chăn, nệm, leo núi ngắm cảnh… Thấy được sự khéo léo tinh tế trong từng đường kim mũi chỉ của cô gái Thái “nhíp phà” (khâu chăn). Đêm về, người dân bản Bước đón du khách bằng những vòng xòe cổ truyền của đồng bào dân tộc Thái.

Nhà trưng bày hiện vật cổ vật văn hóa Thái – Mai Châu

Lên Mai Châu hỏi anh Kiều Văn Kiên, quê xã Đồng Trúc (Thạch Thất – Hà Nội), chưa chắc đã nhiều người biết. Nhưng nếu hỏi anh Kiên thì có rất nhiều người biết tới và chỉ đường tận nhà.
Suốt 10 năm nay, chỉ cần nghe nơi nào, bất cứ nhà nào có đồ vật cũ của người Thái là anh lập tức lên đường. Anh rất sợ thời gian sẽ làm hư hỏng và thất lạc chúng. Không chỉ ở vùng Mai Châu, anh Kiên còn lặn lội đến khắp các tỉnh hàng xóm khác như Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An thậm chí còn sang cả nước bạn Lào hoặc bất cứ vùng nào có người Thái cư ngụ để tìm hiểu và sưu tập và truyền bá những giá trị văn hóa cổ để người dân cùng yêu mến và giữ gìn cho thế hệ sau. 

Nhà trưng bày hiện vật cổ vật văn hóa Thái – Mai Châu (Ảnh sưu tầm)

Hiện toàn bộ số cổ vật được chuyển về và lưu trữ tại nhà văn hóa bản Văn. Đến đây bạn sẽ được chiêm ngưỡng những đồ vật cổ của người Thái suốt hàng trăm năm phát triển, những bộ tiền cổ vô giá, được sưu tập và bảo quản cẩn thận.

Hang Mỏ Luông

Cũng không quá xa trung tâm thị trấn Mai Châu, nằm sát QL15 nhìn về phí bản Lác, Pom Coọng là hang Mỏ Luông (tên gọi cũ là hang Bó Luông). Tiếng Thái Bó Luông có nghĩa là mạch nước lớn. Đó là mạch nước bắt nguồn từ trong lòng dãy núi Pù Khà. Mạch nước này chảy ra cánh đồng phía Tây, nhân dân địa phương đã đào đắp thành hồ chứa nước và đặt tên là hồ Mỏ Luông.

Hang Mỏ Luông (Ảnh sưu tầm)

Hang Chiều

Để lên tới Hang Chiều du khách phải trải qua 1200 bậc đá, dọc bên cạnh cửa hang có cây Xà Pùng cổ thụ đứng sừng sững trước cửa hang. Hang chiều gồm có 2 tầng, sau khi đi hết bậc đá, du khách sẽ bắt gặp tầng hang thứ nhất, nơi đâu có chiều dài khoảng 50m rộng hơn 40m, vòm trần có chiều cao trung bình khoảng 55m.

Để lên Hang Chiều, bạn sẽ phải leo một số kha khá bậc thang (Ảnh sưu tầm)

Không gian thoáng đãng, du khách có thể hô hấp bình thường không lo áp suất gây thiếu không khí như khi vào những hang động nhỏ hẹp. Trải qua hàng nghìn năm bào mòn, những măng đá ở hang Chiều đều mang những hình thù phức tạp, sần sùi, uốn lượn.

Hang Chiều nằm ở hướng Tây Nam của thị trấn Mai Châu. Cửa hang rộng khoảng 10 – 15m, dài ngược lên đỉnh núi khoảng hơn 30m, cách khu dân cư khoảng 350m. Càng lên cao nhìn xuống, thị trấn Mai Châu trù phú và thơ mộng càng hiện ra rõ nét.

Làng bích họa Hải Sơn, Mai Châu

Hải Sơn là một thôn nghèo tại xã Mai Hịch, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình chuyên độc canh trồng rau để sinh sống. Với cảnh quan thiên nhiên đẹp, đời sống sinh hoạt của cư dân khá hiền hòa nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, người dân nơi đây mong muốn phát triển thêm dịch vụ du lịch cộng đồng để đa dạng hóa nguồn thu nhập, để thoát nghèo.

Làng bích họa Hải Sơn nằm ở xã Mai Hịch, Mai Châu (Ảnh sưu tầm)

Chính vì vậy, “Làng bích họa du lịch cộng đồng” được thực hiện nhằm mời gọi du khách bốn phương đến với bà con, thưởng thức các sản vật sạch của một xã vùng núi Tây bắc, tận hưởng những kỳ nghỉ, những chuyến đi vui vẻ, thoải mái ở một vùng quê yên bình.

“Làng bích họa du lịch cộng đồng”  là sáng kiến nằm trong khuôn khổ dự án Phát triển thôn bản thông qua du lịch dựa vào cộng đồng thân thiện với môi trường do Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới (BfW) tài trợ với mục tiêu góp phần phát triển và cải thiện đời sống của người dân tộc tại Việt Nam.

Thác Gò Lào

Gò Lào là tên một con thác nằm ở khu vực xã Phúc Sạn, cách trung tâm Thị trấn Mai Châu khoảng 15km. Thác Gò Lào còn có tên gọi khác là thác Gò Mu,  được coi một thác nước đẹp nằm tại xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Đường tới thác Gò Lào khá gian nan, nhưng nơi đây lại có khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ.

Thác Gò Lào (Ảnh sưu tầm)

Du khách phải trải qua con đường nhỏ quanh co, có những đoạn nhỏ và gấp, lại có những đoạn khá xấu đòi hỏi sự điêu luyện của người cầm lái chạy từ dốc Thung Khe (dốc Đá Trắng), xuống sườn thung lũng Ba Khan. Hai bên đường dẫn tới thác cảnh vật vô cùng sống động, bắt mắt và tươi đẹp. Du khách sẽ được ngắm nhìn những nếp nhà nhỏ xinh của người  Mường dưới chân núi, hồ Ba Khan hùng vĩ, thơ mộng và cả những rừng trúc thẳng tắp một màu xanh.

Ba Khan

Ba Khan là một xã thuộc huyện Mai Châu (Hoà Bình) cách Hà Nội chừng 100km. Từ trung tâm thành phố Hoà Bình, du khách phải đi khoảng chừng 50km theo hướng QL6 đi Mai Châu để tới được Ba Khan. Đến chân đèo Thung Khe, bạn rẽ ngay ở ngã ba trước đèo. Vì giao thông ở đây khá thuận lợi và chặng đường cũng không quá dài thế nên Ba Khan được rất nhiều phượt thủ lựa chọn làm điểm đến để tận hưởng và thưởng ngoạn cảnh sắc tuyệt đẹp nơi đây.

Ba Khan như một Hạ Long trên cạn (Ảnh sưu tầm)

Hướng dẫn đường đi Ba Khan

Ba Khan là một xã nhỏ thuộc địa phận huyện Mai Châu nằm ngay dưới chân đèo Thung Khe. Nếu xuất phát từ Hà Nội bạn có 2 tuyến đường để đi tới Ba Khan:

Tuyến 1: đi theo QL6, qua thành phố Hòa Bình, và đi thêm tầm 40 km nữa tới chân đèo Thung Khe khi đó các bạn sẽ thấy bên tay phải sẽ có cột mốc chỉ đi Ba Khan 10km nữa.

Tuyến 2: Nếu chẳng may các bạn không để ý biển mà đi quá đèo Thung Khe thì cũng đừng lo vì khi đổ hết đèo, tới ngã ba Tòng Đậu bạn có thể rẽ trái theo đường đi Mộc Châu thêm 7km nữa sẽ có biển chỉ dẫn bên tay phải vào Bãi Sang, đi thêm tầm gần 9km nữa là tới hồ Ba Khan nhé.

Nơi đây được ví như tiên cảnh với quanh năm mây phủ (Ảnh sưu tầm)

Tuyến đường này dài hơn tuyến 1 nhưng bạn lại có chịp trải nghiệm khung cảnh rất nên thơ, hữu tình khi thong thả đi xuyên qua những cánh rừng già với  1 bên là núi đá, 1 bên là long hồ Hòa Bình. Trên đường đi có thể ghép thăm thác Gò Lào, tuy thác nhỏ và đường xuống hơi khó nhưng bù lại thác rất đẹp và có thể tắm được. Đường vào Ba Khan hiện nay đã được mở rộng hơn trước nhiều nên xe 35 chỗ cũng có thể vào được.

Các món ăn ngon ở Mai Châu

Nói đến đặc trưng ẩm thực cũng như lao động sản xuất của người Mai Châu là nói đến một câu rất đặc trưng: “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới”, vì thế đối với cư dân Mai Châu nói riêng và người Mường nói chung thì với nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, canh tác lúa nước, cơm nếp và lúa nương là thứ không thể thiếu, là món ẩm thực mang ý nghĩa lớn để cảm ơn trời đất cho mùa màng bội thu. Dưới đây là các gợi ý về ẩm thực Mai Châu của mình để các bạn có thêm lựa chọn nhé.

Cơm lam Mai Châu

Không biết món cơm độc đáo này ra đời từ khi nào mà chỉ biết rằng người dân miền núi thường phải đi rừng nên họ luôn mang theo một chút gạo để khi đói sẽ chặt lấy ống tre, ống nứa bên đường, bỏ chút gạo và chút nước suối để nướng những ống cơm ăn qua bữa. Cũng bởi dễ làm thế mà không ngờ nay đã được tôn lên thành một món ăn đặc sản của núi rừng – đó là món cơm lam. Món cơm lam có rất ở nhiều nơi khu vực Tây Bắc từ người Tày, Thái, Nùng, Mông, Mường, … đều có loại cơm này. Tuy nhiên ở Hoà Bình là nổi tiếng hơn cả vì nơi đây có loại gạo nương thơm lại độc.

Đến Mai Châu có thể dễ dàng tìm gặp món cơm lam (Ảnh sưu tầm)

Ngày nay, cách làm cơm lam đã có đôi chút khác so với trước, con người không làm cơm lam để “cho qua bữa” nữa mà cơm lam đã trở thành một sản phẩm du lịch để người ta ăn “chơi” . Tuy nhiên, chúng ta vẫn dễ dàng nhận ra giá trị truyền thống của món ăn độc đáo này, nó vẫn mang đầy đủ dáng dấp của một nền văn hoá bản địa. Để thêm phần phong phú thì cơm lam có thể ăn chung cùng với thịt gà, thịt nước, măng chua…nhưng ngon nhất vẫn là cơm lam chấm muối vừng.

Ống cơm lam của người Hoà Bình thường nhỏ hơn và có mùi vị khác với Cơm Lam của các dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi như Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn…Tuy cơm lam Hoà Bình không có hạt Lạc, hạt đậu trong đó nhưng được thay bằng mùi thơm đặc trưng của dừa và nước cốt dừa, mùi của mía, của lá rừng Hoà Bình.

Gà nướng

Với địa hình là đồi núi cao, gà được nuôi ở Thung Nai là những chú gà chạy bộ đích thực. Thịt sẽ dai chắc và thơm hơn so với gà ở dưới xuôi. Ngoài gà trong bữa ăn chính, bạn có thể đặt nhà nghỉ chuẩn bị thêm 1 vài con (tùy số lượng người) để nướng vào buổi tối.

Gà nướng than hoa ở Thung Nai (Ảnh sưu tầm)

Sau khi gà được tẩm ướp gia vị của người dân tộc Mường sẽ được kẹp vào cây và nướng trên than hồng cho tới khi chín vàng là ăn được.

Cá suối nướng

Cá được đánh bắt từ sông Đà, cách chế biến cá khá đơn giản. Sau khi được làm sạch, cá được ngâm trong nước muối cho tự sạch ruột. Trước khi đem kẹp nướng, cá cũng được xát muối quanh thân và nướng trong nhiều giờ.

Dễ dàng bắt gặp cá kẹp que tre nướng ở mọi nơi khi du lịch Thung Nai (Ảnh sưu tầm)

Cá nướng được đặt trên lá chuối xanh, ăn kèm với lá sấu non, lá mơ và lá lốt, đinh lăng, chấm với muối ớt xanh. Cá nướng thơm ngon, thịt chắc, da giòn, xém cạnh, mặn vừa đủ. Thịt cá ngọt chấm muối, cuộn trong lá lốt vừa làm mất vị tanh của cá vừa làm vị cá thêm đậm đà, càng ăn càng ngọt. Hương thơm lừng của củi than, vị mặn mòi của muối cùng vị thơm của tre và cá khiến du khách khó lòng bỏ qua.

Thịt lợn xiên nướng

Ở Mai Châu ngoài món thịt lợn mán thui luộc, còn có một lựa chọn hấp dẫn nữa từ thịt lợn Mường. Lợn Mường là một giống lợn nhỏ, đây là loại lợn được lai từ lợn rừng và lợn nhà. Thịt lợn nơi đây được chăn thả trên các sườn đồi thấp, có mùi thơm và thịt chắc hơn thịt lợn nuôi tại gia. Lợn được nuôi thả và tự kiếm ăn nên thịt rất săn chắc, ăn mềm, ít mỡ và không bị ngấy. Nên chất lượng thịt của loại lợn này được đánh giá là rất thơm ngon.

Những xiên thịt nướng thơm phức ngon tuyệt (Ảnh sưu tầm)

Không giống như giống lợn nuôi thông thường, lợn mán thường rất nhỏ, trọng lượng chỉ trên dưới 10kg, thịt rất săn chắc do chủ yếu là được nuôi thả. Tại một số nơi, lợn mán còn được nuôi như vật nuôi bởi chúng rất ưa sạch sẽ và dễ thương. Đặc trưng của lợn mán là da đen dày,  mỡ mỏng, thịt chắc rất thơm ngon. Do đó lợn mán được bán với giá rất cao, thậm chí lên đến vài trăm nghìn một cân thịt.

Xôi nếp Mai Châu

Người ta tạo ra màu xôi từ các thứ cây thân cỏ, sau đó lần lượt cho gạo màu đỏ xuống trước, sau là màu xanh, vàng, tím, trắng cho lên trên cùng. Khi xôi chín, dỡ ra rồi trộn với nhau hoặc để riêng từng màu thành loại xôi nhiều màu với hương vị khác nhau trông rất đẹp mắt.

Xôi nếp nương (Ảnh sưu tầm)

Xôi nếp nương được nấu từ các nguyên liệu có màu sắc khác nhau, được chiết xuất từ thiên nhiên. Đây chính là nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực các vùng miền dân tộc trên đất nước.

Rau cải mèo Mai Châu

Ở vùng cao Tây Bắc, loại rau cải mèo là thức ăn bổ dưỡng, hương vị đặc biệt. Cũng vì lý do đó mà du khách đến từ miền xuôi, đã bị món ăn bình dân này vương vấn để khi về ai cũng mua ngay một bó cải mèo về làm quà. Cải mèo Mai Châu thì chỉ có vào mùa đông và mùa xuân.

Rau cải mèo (Ảnh sưu tầm)

Thứ cải này vốn được bà con ở đây trồng tự nhiên quanh các nương, rẫy để phục vụ nhu cầu của gia đình và thết đãi khách khứa.

Thịt trâu gác bếp

Các bạn có thể chưa biết nhưng món này là đặc sản của người Thái nên cứ ở đâu có người dân Thái sẽ có món này. Trước kia thịt trâu gác bếp của người Thái Mai Châu thường chỉ làm để sử dụng trong gia đình, đến mãi sau này cùng với xu hướng phát triển du lịch mà món này được bày bán phổ biến hơn. Tuy không ngon bằng thịt trâu gác bếp Sơn La, Điện Biên nhưng để nhâm nhi thưởng thức chút trong những ngày ở Mai Châu thì cũng thấy rất thú vị.

Thịt trâu gác bếp được bày bán theo xiên ở Bản Lác (Ảnh sưu tầm)

Nhộng ong rừng rang măng chua

Đây là một món ăn dân dã đã được đồng bào Mường ở Mai Châu rất ưa dùng. Khi vào mùa ong rừng thì người dân trong các bản tìm những tổ ong to bằng chiếc rổ con mang về. Những tổ ong rừng to bằng chiếc rổ con được người dân trong bản mang về vừa làm thuốc vừa chế biến ra những món đặc sản mà vùng đồng bằng không có được.

Nhộng ong rừng được rang với măng chua (Ảnh sưu tầm)

Ong rừng có thể rang với lá chanh như nhộng nhưng ở đây người dân thường xáo với măng chua. Măng rừng cũng là một đặc sản của vùng đất Mai Châu này và là thứ luôn có sẵn trong nhà bởi người dân thường lên rừng hái măng về ngâm chua hoặc phơi khô để ăn dần.

Rượu Mai Hạ

Rượu Mai Hạ (Ảnh sưu tầm)

Đến với Mai Châu xinh đẹp, hùng vĩ và thơ mộng, bạn không thể bỏ qua giây phút được thưởng thức hương vị rượu Mai Hạ thơm lừng, làm say đắm lòng người, mang đậm hương vị của núi rừng thiên nhiên nơi đây.

Uống rượu Mai Hạ ngon không tả hết, đặc biệt và rất riêng. Ngay cả cách uống rượu cũng vô cùng đặc biệt, không thể uống kiểu nốc ao mà cần uống nhẩn nha, từ từ mới cảm nhận được cái hương cái vị tinh túy trong từng chén rượu.

Chưa cần đưa chén chạm tới môi, hương rượu thơm đã lan tỏa nồng nàn cả không gian chạm tới khứu giác và hít vào phổi như đã được uống no nê say ngay từ cái hương rồi vị của núi rừng, của đất trời bao la.

Để có chén rượu Mai Hạ ngon nổi tiếng thì việc chế biến là một quá trình công phu. Từ công đoạn làm men khi người Mai Hạ ở Mai Châu phải vượt sông Mã sang đất Quan Hóa, Bá Thước của Thanh Hóa mới hái được. Hơn chục loại lá, củ, quả như giềng dại, gừng, nhòng nhạnh, cú đin, bưởi, ổi, hồng bì…hái về rửa sạch, phơi khô rồi giã nhỏ,rây thành bột. rồi đem trộn đều với bột gạo và bột sắn.

Thịt ướp chua

Thịt ướp chua cũng giống đặc sản thịt chua Phú Thọ nhưng chủ yếu làm bằng thịt trâu, bò. Thịt sau khi rửa sạch thì thái lát mỏng, da trâu bò thui cháy cho vào ngâm nước, cạo sạch thấy miếng da vàng óng thì thái thành từng miếng nhỏ bỏ lẫn vào thịt.

Thịt chua Mai Châu (Ảnh sưu tầm)

Giềng giã nhỏ, gạo rang giã thành bột cho vào trộn đều, bỏ vào lọ sành đậy kín khoảng vài ba ngày thịt chua là dùng được. Muốn ăn thịt chua lấy lá gói, vùi vào tro bếp nóng hoặc nấu lên cho sền sệt nước, riêng da trâu bò không cần nấu mà ăn ngay được.

Món cá suối ướp chua

Đây là một món ăn có từ xa xưa và là món không thể thiếu trong mâm cơm ngày tết của người Thái. Ngay từ tháng 8-10 âm lịch, người Thái đã phải ra suối bắt những con cá “Pa Vá” đem về rửa sạch, mổ và cắt thành nhiều khúc rồi trộn với các loại gia vị muối, ớt bột khô, tỏi, gừng, lá xả, thính gạo và một chút rượu. Cách làm tuy đơn giản nhưng cũng khá mất nhiều thời gian. Cá có thể bỏ ruột để tránh vị đắng và khi tẩm ướp, không nên cho nhiều loại gia vị. Vì sẽ làm mất đi mùi vị thơm ngon của cá. Đặc biệt khi uống rượu với món cá suối ướp chua bao giờ cũng ăn kèm với một ít lá sung và một chút cơm nếp thì mới tăng thêm hương vị thơm ngon, đậm đà khó quên.

Ve sầu chiên

Ve sầu chiên thơm nức, có vị bùi ngậy và giòn tan trong miệng, là món ăn được người Thía ưa thích mỗi dịp hè về. Cách chế biến món ve sầu chiên của người Thái cũng rất độc đáo, người ta đem những chú ve sầu bắt được cắt bỏ hết cánh, rút ruột, đặc biệt là nhồi một hạt lạc rang giòn vào bụng sau đó đem tẩm gia vị rồi mới đem đi chiên.

Ve sầu chiên (Ảnh sưu tầm)

Nếu muốn có món ăn này, người dân phải chọn đúng thời điểm chúng tách mình khỏi lớp vỏ ban đầu, bởi khi lột xác những con ve sầu thân rất mềm. Việc dùng mắc khén để tẩm ve khiến món ve chiên có hương vị rất đặc biệt, vô cùng khó quên.

Nước lá phao

Là loại nước uống khá đặc biệt ở Mai Châu, nghe tên thì khá xa lạ nhưng đây là loại nước được nấu từ một loại lá cây rừng có sẵn. Lá cây sau khi được bẻ về, phơi khô rồi cặt nhỏ, sau khi nấu lên nước lá phao có vị chát, vừa có mùi của thuốc bắc, thuốc nam lại vừa có mùi ngai ngái của lá cây rừng. Nước lá phao uống có rất nhiều tác dụng trị bệnh đặc biệt vừa kích thích tiêu hóa, vừa có tác dụng bổ dưỡng, tăng sức đề kháng của cơ thể.

Món rau xôi nộm tổng hợp

Món này người Thái ở Tây bắc gọi là “Phắc nửng chụp”. Đây là một món ăn truyền thống, rất độc đáo, thơm ngon, bổ dưỡng lại rất lạ miệng với thực khách.

Với món rau xôi tổng hợp, người Thái sẽ lấy tổng hợp các loại rau cỏ quanh ruộng, vườn nhà như: cỏ mần trầu – “phắc nhả hút”, rau bướm – “phắc hạk”, bồ công anh – “phắc mướk”, rau má – “phắc nóok”, rau cải xoong – “phắc cát choong”, rau ngót – “phắc ót”, rau dớn – “phắc cút nặm”, rau bợ – “phắc ven”, rau cải – “phắc cát”, “phắc hôm” – rau dền, “phắc tanh” – rau tòm bóp, cỏ thài lài trắng – “nhả tai lít”, lá đu đủ – “phắc hống”, rau thì là – “phắc hom chík”, quả cà dại – “mák quạnh”…

Dụng cụ để “xôi” gọi là “hay phắc” được làm bằng ống bương “mạy phiêu”. Khi “xôi” chín rau vẫn xanh ngắt, mềm và tỏa hương thơm dịu. Món này khi ăn chấm với mắm cá hoặc chẩm chéo.

Lịch trình du lịch Mai Châu

Để thuận tiện hơn cho các bạn trong hành trình khám phá Mai Châu, dưới đây là tổng hợp một số lịch trình du lịch Mai Châu mình gợi ý sẵn để các bạn tham khảo và chuẩn bị cho chuyến đi nhé.

Khá gần Hà Nội nên Mai Châu là phù hợp đi cuối tuần (Ảnh sưu tầm)

Hà Nội – Mai Châu (2 ngày)

Ngày 1 : Hà Nội – Hòa Bình – Mai Châu (140km)

  • 7h – 9h : Xuất phát từ Hà Nội
  • 9h : Các bạn sẽ tới Thành phố Hòa Bình, có thể tranh thủ ghé thăm Bảo tàng văn hóa Mường và dạo qua nhà máy thủy điện Hòa Bình. Dọc ven sông Đà có khá nhiều quán ăn nên các bạn có thể nghỉ ngơi ăn trưa tại TP Hòa Bình.
  • 13 – 16h30 : Xuất phát từ Hòa Bình – Mai Châu trên đường đi các bạn có thể dừng chân tại đèo đá trắng Thung Khe ăn ngô nướng, thịt nướng và chụp ảnh sống ảo. Khi lên đến điểm dừng chân cột cờ ngắm thị trấn Mai Châu các bạn có thể dừng lại chụp ảnh toàn cảnh thung lũng Mai Châu từ trên cao. Đến tối các bạn ngủ nhà sàn Mai Châu, thưởng thức ẩm thực Mai Châu. Nếu đi với nhóm đông thì có thể báo nơi nghỉ giúp tổ chức các hoạt động tập thể, xem múa và đốt lửa trại.

Ngày 2 : Mai Châu – Ba Khan – Hà Nội

  • 7h – 9h: Các bạn dậy sớm ăn sáng và tranh thủ tham quan một số địa điểm du lịch xung quanh Mai Châu (có thể thuê xe đạp hoặc xe điện, xe máy)
  • 11h – 12h: Về an trưa và nghỉ ngơi hoặc cũng có thể ăn trưa dọc trên tuyến đường trở về Hà Nội.
  • 13h: Các bạn lên đường trở về Hà Nội, thời gian di chuyển từ Mai Châu về Hà Nội khoảng gần 4h tùy tốc độ của từng đoàn. Nếu đi đường tránh Hòa Lạc – Hòa Bình thì các bạn có thể rút ngắn được chút ít thời gian.
  • Hoặc các bạn có thể lựa chọn đi về qua đường Ba Khan, một Hạ Long trên cạn. Chỗ này rất đẹp và có thác nước Gò Lào, rất phù hợp để tổ chức theo team ăn trưa dã ngoại.

Hà Nội – Mai Châu – Kim Bôi (3 ngày)

Ngày 1 : Hà Nội – Hòa Bình – Mai Châu (140km)

  • 7h – 9h: Các bạn xuất phát từ trung tâm Hà Nội.
  • 9h: Các bạn sẽ tới Thành phố Hòa Bình, có thể tranh thủ ghé thăm Bảo tàng văn hóa Mường và dạo qua nhà máy thủy điện Hòa Bình. Dọc ven sông Đà có khá nhiều quán ăn nên các bạn có thể nghỉ ngơi ăn trưa tại TP Hòa Bình.
  • 13h – 16h30: Xuất phát từ Hòa Bình – Mai Châu trên đường đi các bạn có thể dừng chân tại đèo đá trắng Thung Khe ăn ngô nướng, thịt nướng và chụp ảnh sống ảo. Khi lên đến điểm dừng chân cột cờ ngắm thị trấn Mai Châu các bạn có thể dừng lại chụp ảnh toàn cảnh thung lũng Mai Châu từ trên cao. Đến tối các bạn ngủ nhà sàn Mai Châu, thưởng thức ẩm thực Mai Châu. Nếu đi với nhóm đông thì có thể báo nơi nghỉ giúp tổ chức các hoạt động tập thể, xem múa và đốt lửa trại.

Ngày 2 : Mai Châu – Cao Phong – Kim Bôi

  • 7h : Dậy sớm ăn sáng và khởi hành theo hướng về TP Hòa Bình, khi đến gần dốc Cun thì rẽ vào khu du lịch Kim Bôi. Tại đây các bạn có thể ăn uống nghỉ ngơi, tắm suối khoáng nóng và tối giao lưu tại khu du lịch Kim Bôi.

Ngày 3 : Kim Bôi – Bãi Chạo – Hà Nội

  • 8h: Các bạn khởi hành từ Kim Bôi đi theo đường về Lương Sơn, trên đường về có thể ghé qua một vài điểm du lịch mình gợi ý của Lương Sơn như Động Đá Bạc, Suối Ngọc Vua Bà.

Hà Nội – Mai Châu – Mộc Châu – Ba Khan

Ngày 1 : Hà Nội – Hòa Bình –  Mai Châu (140km)

  • 7h: Các bạn xuất phát tại Hà Nội, đi theo hướng QL6 hướng đi Hòa Bình.
  • 9h: Có thể dừng chân tại đèo đá trắng Thung Khe ăn ngô nướng, thịt nướng và chụp ảnh sống ảo
  • Khi lên đến điểm dừng chân cột cờ ngắm thị trấn Mai Châu các bạn có thể dừng lại chụp ảnh toàn cảnh thung lũng Mai Châu từ trên cao. Tầm trưa các bạn sẽ lên tới Mai Châu, thuê nhà sàn và đặt ăn trưa. Sau khi nghỉ ngơi đến chiều đi chơi một số địa điểm quanh bản, đi dạo quanh bản. Đến tối ngủ Mai Châu, nếu đi theo nhóm đông thì có thể đốt lửa trại.

Ngày 2: Mai Châu – Mộc Châu

  • Dậy sớm ăn sáng khoảng 7h xuất phát đi Mộc Châu, quãng đường còn lại chỉ khoảng 80km.
  • Trên đường về trung tâm Mộc Châu các bạn có thể ghé vào Thông Cuông, Pa Phách.
  • Buổi trưa ăn trưa tại Mộc Châu, nhận phòng cất đồ rồi chiều tiếp tục khám phá Mộc Châu.
  • Chiều các bạn có thể lựa chọn các điểm để đi như Rừng thông bản Áng, Đồi chè Trái Tim, Thung lũng mận Nà Ka, tháp Dải Yếm, Happy Land…
  • Đến tối ăn uống nghỉ ngơi ngủ Mộc Châu. Nhớ thưởng thức các món đặc sản mộc châu như bê chao…

Ngày 3 : Mộc Châu – Hà Nội (200km)

  • 7h: Dậy sớm ăn sáng và vệ sinh cá nhân.
  • 8h: Các bạn có thể di chuyển đi tham quan nốt một số điểm chưa đi được từ hôm trước.
  • 13h: Từ Mộc Châu đi theo QL6 trở lại Hà Nội, các bạn có thể dừng ăn ở một số quán ăn nổi tiếng hay mua một bịch sữa chua nếp cẩm, sữa bò tươi trên Quốc lộ 6 về làm quà. Khi về đến gần Mai Châu, rẽ theo đường đi Ba Khan để tranh thủ khám phá nơi này.

Một số lưu ý trên đường đi Mai Châu

  • Các bạn nếu đi từ Hà Nội lên Mai Châu thường có một vài chốt CSGT, nếu các bạn đi xe máy và oto nhớ đảm bảo không vượt quá 50km/h khi đi vào khu vực có biển báo khu dân cư không có dải phân cách cứng. Một số đoạn đường đèo các bạn không nên vượt xe khi thiếu tầm quan sát nhé.
  • QL6 là tuyến đường khá đông xe khách và xe container, nếu cảm thấy chưa có nhiều kinh nghiệm đi xe đường đèo buổi tối các bạn không nên chạy vào buổi tối hoặc là những hôm mưa vì rất nhiều sương mù đường trơn trượt và tầm nhìn hạn chế.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hòa Bình

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch phượt Thung Nai

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Kim Bôi, Hòa Bình

Xem thêm:Kinh nghiệm du lịch thiên đường Ba Khan

Xem thêm: Khám phá những thác nước tuyệt đẹp nhất ở Hòa Bình

Xem thêm: Các món ăn ngon tại Hòa Bình

Rate this post

Recent Posts

Kinh Nghiệm Săn Mây Ấn Tượng Trên Cổng Trời Mường Lống

Cổng Trời Mường Lống, điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá…

2 tháng ago

Kinh nghiệm du lịch Tây Nghệ An (Cập nhật 05/2024)

Nghệ An, vùng đất của di sản và những nhân tài, từ lâu đã nổi…

2 tháng ago

Kỹ Năng Lái Xe Cần Biết Để Tránh Va Chạm Ngày Lễ

Số liệu thống kê từ các năm qua đã chỉ ra rằng, số vụ tai…

3 tháng ago

Hướng Dẫn Chống Say Xe Mà Không Cần Dùng Đến Thuốc

Việc tìm kiếm giải pháp chống say xe hiệu quả luôn là mối quan tâm…

3 tháng ago

Kinh nghiệm du lịch Cửa Lò, Nghệ An (Cập nhật 05/2024)

Du lịch Cửa Lò đã bắt đầu thu hút sự chú ý từ năm 1907,…

3 tháng ago

Kinh nghiệm du lịch Nghệ An (Cập nhật 05/2024)

Nghệ An, với vẻ đẹp tự nhiên và bản sắc văn hóa độc đáo, là…

3 tháng ago